Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Phần 1

Cải tổ chính trị ở Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết để phát triển đất nước, nhưng chính sách sẽ chỉ bền vững và hiệu quả khi đặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới, trong đó Chiến tranh Lạnh mới là bối cảnh.

caito1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 tại Đức hôm 17/2/2024 - AFP

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang trong quá trình "dự báo bối cảnh quốc tế giai đoạn 2024 - 2030 và kiến nghị chính sách cho Việt Nam" vào lúc chưa bao giờ thế giới "cùng lúc phải đối mặt với nhiều khủng hoảng đến như vậy" kể từ hội nghị đầu tiên cách nay 60 năm, như nhận định của nhà ngoại giao Đức Christoph Heusgen, Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich. Trong hội nghị lần thứ 60 diễn ra tại Đức từ ngày 16-18/02/2024 lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia, và 100 bộ trưởng các nước "tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại". Tuy nhiên, sau ba ngày làm việc, nó đã không mang lại triển vọng giải quyết hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thế giới trong thời điểm hiện tại, cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và xung đột Israel – Hamas tại Gaza, và Liên Hiệp Châu Âu (EU) xác định cần có chính sách quốc phòng chung…

Xây dựng chính sách phát triển đất nước cần đặt trong bối cảnh quốc tế là cần thiết khách quan. Trong khi các tổ chức nghiên cứu chính trị (think-tanks) ở Việt Nam đều đang phục vụ yêu cầu của giới lãnh đạo, bài viết này gợi ý thêm một lựa chọn quyết sách từ cách tiếp cận về Chiến tranh Lạnh, sự khác biệt giữa hai tư tưởng đối nghịch về ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Hai hệ tư tưởng này đóng vai trò là động lực của toàn bộ Chiến tranh Lạnh. Thế giới đã trải qua Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất (1947 – 1991), trong đó hai thế lực được dẫn dắt bởi hai siêu cường Liên Xô và Mỹ với thế giới quan đối nghịch, nhưng mỗi bên đều khăng khăng quan điểm của họ bằng mọi cách, không chỉ kinh tế mà cả bằng vũ khí hạt nhân đe doạ ngày tận thế. Sau khi Liên Xô sụp đổ là ‘khoảng lặng’, một thời kỳ ‘hòa hoãn’, trong đó Nga thay thế Liên Xô nhưng Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ như một thế lực dẫn đầu. Và, Chiến tranh Lạnh mới, phiên bản 2.0, đã bắt đầu đang là một thực tế chi phối bối cảnh quốc tế hiện nay.

Trước hết, về Chiến tranh Lạnh 1.0. Đây là giai đoạn căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và các đồng minh tương ứng của họ, Khối phương Tây và Khối phương Đông, bắt đầu vào năm 1947 sau khi kết thúc Thế chiến II và kéo dài đến năm 1991. Thuật ngữ chiến tranh lạnh được sử dụng bởi vì không có cuộc chiến quy mô lớn trực tiếp giữa hai siêu cường, nhưng mỗi bên đều ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột lớn trong khu vực được gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Cuộc xung đột dựa trên cuộc đấu tranh về ý thức hệ và địa chính trị để giành ảnh hưởng toàn cầu của hai siêu cường này, theo sau vai trò của họ với tư cách là Đồng minh trong Thế chiến II đã dẫn đến chiến thắng trước Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật Bản vào năm 1945. Ngoài cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và triển khai quân sự thông thường, cuộc đấu tranh giành quyền thống trị được thể hiện thông qua các phương tiện gián tiếp, chẳng hạn như chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, gián điệp, cấm vận sâu rộng, ngoại giao thể thao và các cuộc chạy đua về công nghệ như Cuộc đua không gian…

Kéo dài gần nửa thế kỷ, Chiến tranh Lạnh 1.0 được cho là kết thúc với sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1990.

Nguyên nhân khách quan là kinh tế khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thua kém so với tư bản chủ nghĩa về năng suất để tạo ra lực lượng sản xuất đủ lớn cho sự thịnh vượng của quốc gia và thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân. Điều này dẫn đến cuộc cải tổ sâu rộng kinh tế - xã hội với hai trụ cột xây dựng lại (tiếng Nga : перестройка) và công khai (tiếng Nga : главность), trong đó có vai trò của cá nhân như Mikhail Gorbachov, cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, khởi xướng và tiến hành. Ngoài ra, ông cũng không can thiệp vào sụp đổ đô-mi-nô của hệ thống xã hội chủ nghĩa, từ sự kiện "Bức tường Béc-Linh" ở Đức năm 1989. Đây là nguyên nhân chủ quan.

caito2

Một nghệ sĩ đường phố đang vẽ trên một phần của Bức tường Berlin (1961 - 1989) hôm 15/11/2020 (minh họa). AFP

Cạnh tranh là cần thiết cho tiến hoá nói chung, trong đó có sự phát triển xã hội loài người. Và, ‘khoảng trống’ từ sự sụp đổ của Liên Xô được dần ‘lấp kín’ bởi Trung Quốc trong khi Nga thế chân và các nước ‘cựu’ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Ngay từ đầu những năm 1970, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Mỹ đã khởi đầu cho sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa bằng việc chia rẽ Xô-Trung bởi ngoại giao bí mật đến Bắc Kinh. Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, sự thay đổi chính trị diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, khi Đặng Tiểu Bình, cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc phát động và thực hiện đường lối Cải cách và Mở cửa (tiếng Trung : 改革開放). Tư tưởng thực dụng làm thay đổi ý thức hệ, giúp Trung Quốc hội nhập nhanh với thế giới, lợi dụng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường để phát triển lực lượng sản xuất nhưng không từ bỏ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản để duy trì được chế độ. Nhờ chủ nghĩa tư bản, Trung Quốc đã thoát nghèo, sau hơn một phần ba thế kỷ trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, và trỗi dậy hung hăng đặc biệt khi Tập Cận Bình thâu tóm và kéo dài quyền lực tuyệt đối từ năm 2012… Vị hoàng đế Trung hoa mới đang tìm kiếm phương cách để cạnh tranh vị trí thống trị thế giới với Mỹ…

Thế giới đã không "phẳng" như Thomas L. Friedman hình dung, toàn cầu hoá với tự do thương mại và đầu tư đang lung lay dữ dội, và lịch sử loài người chưa kết thúc bởi nền dân chủ tự do kiểu phương Tây như Francis Fukuyama mô tả trong cuốn "Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng" của mình… Chiến tranh Lạnh 2.0, còn được gọi là "Chiến tranh Lạnh mới", dần được bàn thảo nhiều hơn. Đây là các thuật ngữ đề cập đến những căng thẳng địa chính trị gia tăng trong thế kỷ 21 giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ, Châu Âu và Nga - quốc gia kế thừa của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh 1.0.

Những động thái chiến lược, chiến thuật, ‘nhu’ và ‘cương’ kể cả chiến tranh ủy nhiệm và đe doạ hạt nhân, gây ảnh hưởng tới các nước ‘phương Nam’ để định hình trật tự thế giới mới. Mỹ và phương Tây, giờ đây, coi Trung Quốc giờ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, thậm chí đặt ra mối đe dọa lớn hơn và lâu dài so với Nga đang sa lầy trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm Nga – Ukraine do Putin phát động xâm lược đang bước vào năm thứ ba đầy căng thẳng. Trong bối cảnh này nhưng Tổng thống Joe Biden tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2021 vẫn phát biểu, rằng Hoa Kỳ "không tìm kiếm một Chiến tranh Lạnh mới hoặc một thế giới bị chia cắt thành các khối cứng nhắc". Nhưng ông Biden lưu ý Hoa Kỳ sẽ hợp tác "với bất kỳ quốc gia nào bước lên và theo đuổi giải pháp hòa bình cho những thách thức chung", bất chấp "sự bất đồng sâu rộng trong các lĩnh vực khác, bởi vì tất cả chúng ta sẽ phải chịu hậu quả của thất bại của mình".

Mặc cho những cảnh báo được đưa ra, rằng "lợi nhuận từ thương mại mở" năm 2023 có nguy cơ mất, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tới bảy nghìn tỷ đô la Mỹ hay những vấn đề đòi hỏi nỗ lực chung toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo, chiến tranh ủy nhiệm, phương Tây chia rẽ, nền dân chủ kể cả ở Mỹ đang gặp thách thức… nhưng Chiến tranh Lạnh 2.0, "cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và phương Đông", vẫn đã bắt đầu với "sự tái sinh của một kỷ nguyên xung đột mới, sự kết thúc của kiến trúc an ninh quốc tế đơn cực cuối thế kỷ 20 dưới quyền bá chủ của Hoa Kỳ, [và] sự kết thúc của toàn cầu hóa".

Tình hình và xu hướng Chiến tranh Lạnh mới là phức tạp, thay đổi nhanh khó lường trong khi chủ nghĩa thực dụng đang thống trị quan hệ quốc tế mỗi quốc gia nhìn nhận và hành động vì lợi ích riêng. Việt Nam không là ngoại lệ, hơn thế, hội tụ với nhiều yếu tố của Chiến tranh Lạnh, sẽ phản ứng chính sách thế nào để phát triển đất nước trước một thế giới đầy biến động ?

************************

Phần 2

Như đã nêu ở phần một, cải tổ chính trị ở Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết để phát triển đất nước, nhưng chính sách sẽ chỉ bền vững và hiệu quả khi đặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới, trong đó Chiến tranh Lạnh mới là bối cảnh. Từ cách tiếp cận lịch sử những yếu tố chủ yếu của Chiến tranh Lạnh hội tụ trong quá trình hình thành và phát triển chế độ chính trị ở Việt Nam bao gồm : ý thức hệ cộng sản ; chiến tranh ủy nhiệm (1966-1975) ; thời kỳ đổi mới và yếu tố Trung Quốc tác động đến tầm nhìn ra thế giới tác động tới thực trạng và xu hướng phát triển đất nước.

caito3

Cờ của Đảng cộng sản trên đường phố Hà Nội hôm 22/1/2021 - AFP

Từng là nước phong kiến tập quyền, thuộc địa của thực dân Pháp, giành độc lập năm 1945, Việt Nam tuyên bố chính thể là dân chủ cộng hoà. Bản Tuyên ngôn độc lập 1945 và Hiến pháp đầu tiên năm 1946 được cho là chịu ảnh hưởng tư tưởng phương Tây, trong đó có vai trò cá nhân cố chủ tịch Hồ Chí Minh, người từng ‘bôn ba’ ở hải ngoại 30 về Việt Nam năm 1941 lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.

Tiếp đến là cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, sau năm 1954 đất nước bị chia cắt, miền Bắc theo chủ nghĩa xã hội và miền Nam theo chế độ dân chủ. Sau cuộc chiến tranh giữa hai đại diện thế lực với ý thức hệ đối nghịch, sau năm 1975 Việt Nam có chế độ chính trị dựa trên hệ tư tưởng Mác – Lênin và vận hành theo mô hình Liên Xô, sau đó là theo mô hìnhTrung Quốc trong thời kỳ gọi là "Đổi mới" cho đến nay.

Lưu ý, rằng Chiến tranh Việt Nam, dưới góc nhìn Chiến tranh Lạnh, là cuộc chiến ủy nhiệm, trong đó Mỹ và Đồng minh can dự với mục đích ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng xuống vùng Đông Nam Á và đã thất bại năm 1975. Trong đó có quan điểm lịch sử, đại diện là nhà sử học Niall Ferguson cho rằng trong mỗi cuộc Chiến tranh Lạnh mở đầu thời kỳ hoặc đan xen có thể có các cuộc chiến tranh nóng được "ủy nhiệm". Chẳng hạn chiến tranh Nam - Bắc Triều tiên năm 1950-1953 mở đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất. Cuộc chiến tranh Nga- Ukraine, xung đột Israel- Hamas có thể xem là chỉ báo cho Chiến tranh Lạnh lần thứ hai.

Yếu tố Trung Quốc, cả ý thức hệ và địa chính trị, ảnh hưởng quan trọng đến sự thay đổi chính trị ở Việt Nam. Tuy có xung đột do tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nhưng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ truyền thống xác định chế độ chính trị tương đồng và mô hình và quá trình phát triển. Là sự đảm bảo tính chính danh của Đảng cộng sản độc tôn, tăng trưởng kinh tế nhờ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là nỗ lực đã mang lại thành tựu nhưng chứa đựng những mâu thuẫn nội tại, căng thẳng. Mâu thuẫn giữa kiến trúc thượng tầng toàn trị với ý thức hệ cộng sản và lực lượng sản xuất tư bản đang lớn mạnh, bao trùm xã hội và ngày càng gay gắt trong quá trình chuyển đổi thị trường. Nền kinh tế Trung Quốc vào thời kỳ giữa hai phiên bản Chiến tranh Lạnh, từng được ca ngợi là "hoàng kim" (gold) nhưng nghịch lý tăng trưởng bùng nổ và tham nhũng tràn lan, như một hình thức của mâu thuẫn nội tại, bị phơi bày khiến nó bị định danh lại là "mạ vàng" (gilded). Nay tham nhũng mang tính chính trị, hệ thống đe doạ sự tồn vong chế độ.

Nền kinh tế Việt Nam không mấy ‘lấp lánh’ như ở Trung Quốc nhưng việc áp dụng mô hình phát triển kiểu này với "độ trễ" và, sự tác động chính sách đặc thù đang để lại những hậu quả tương tự với quy mô và tính chất khác nhau. Giới cầm quyền đã đánh đổi tham nhũng lấy tăng trưởng và hậu quả là nặng nề cho đến khi chế độ trước nguy cơ sụp đổ, người ta "quyết liệt" giải quyết. Ở Trung Quốc có chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ở Việt Nam có chiến dịch "đốt lò", cả hai kết hợp chống tham nhũng với thanh trừng phe nhóm nhưng hiệu quả "không được như mong muốn" của Đảng. Tuy mỗi đại án tham nhũng có đặc thù riêng, nhưng tất cả các đại án tham nhũng đều nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm trong thời kỳ được cho là "hoàng kim". Ở Việt Nam dự kiến xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát vào 5/3/2024, mở đầu cho năm ‘con rồng’, với nhiều ‘kỷ lục’, trong đó có 3.000 người bị "Tòa triệu tập gần 3.000, gồm 86 bị cáo, gần 200 luật sư, tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan…" Những án phạt sẽ tuyên nhưng ai và điều gì thực sự đứng sau bà tài phiệt Trương Mỹ Lan trong suốt sự cuộc đời làm giàu sẽ vẫn cần tiếp tục giải mã.

Trong năm 2023 một "điểm sáng" là ngoại giao "cây tre" khi Việt Nam xích lại gần hơn với phương Tây, Mỹ bằng việc nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện. Tuy lý do chủ yếu là kinh tế nhưng Tập Cận Bình đã có động thái gây ảnh hưởng khiến Việt Nam dù không muốn "chung vận mệnh", nhưng vẫn phải "chia sẻ tương lai" với Trung Quốc… Hai chế độ tương đồng tập quyền dưới sự lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối" của hai Đảng cộng sản chỉ có thể thay đổi từ "bên trên". Để duy trì, cả hai chế độ có xu hướng đang quay lại mô hình thời Mao và bị "bắt làm con tin" bởi quyền lực tuyệt đối của người đứng đầu, Tổng bí thư Đảng cộng sản. Dân chủ trong nội bộ đảng, nguyên tắc tập thể lãnh đạo đã bị hủy hoại. Cải tổ chính trị tuỳ thuộc vào những yếu tố nêu trên.

Tuy nhiên, khi cải tổ chính trị đặt trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới, trong đó, Trung Quốc mặc dù tuyên bố là xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất là "chế độ tư bản nhà nước" thậm chí còn được định danh là "nhà nước tư bản thân hữu", bởi vậy cạnh tranh thể chế có vai trò quan trọng. Khi nền kinh tế Trung Quốc chưa bị bóc lớp "mạ vàng", vào năm 2011 xung quanh chủ đề này đã diễn ra một cuộc tranh luận ‘quyết liệt’ giữa hai nhà khoa học chính trị nổi tiếng từ hai chế độ khác biệt : Giáo sư người Trung Quốc Chương Duy Vĩ (Zhang Weiwei) và Giáo sư người Mỹ Francis Fukuyama, gây được sự chú ý. Đây có thể là gợi ý về các nội dung cụ thể trong chương trình cải tổ chính trị nếu được đặt ra. Trong đó cạnh tranh thể chế chính trị hiện đại gồm ba yếu tố chính là về là : 1) tổ chức nhà nước, 2) tính giải trình, chịu trách nhiệm và 3) pháp quyền, nhưng Giáo sư Chương cho rằng "nên chăng cần thêm yếu tố minh triết" và lưu ý, rằng phương Tây thường hay chỉ trích thay vì cần học hỏi từ Trung Quốc, bởi vì "Phương Tây hơi quá ngạo mạn và không thể nhìn thấy một tư duy rộng mở". Trái lại, khi đặt ra câu hỏi về sự bền vững của chế độ, Giáo sư Fukuyama đặt cược, rằng "trong hai đến ba thập niên sắp tới sự ưu tiên của tôi [Fukuyama] vẫn sẽ dành cho hệ thống Hoa Kỳ hơn là hệ thống Trung Quốc".

Có những thời khắc trong lịch sử, khi mà mọi thứ mang màu ảm đạm, người ta lại nhớ đến triết gia Đức sống ở thế kỷ 19, Friedrich Hegel. Với phép biện chứng của mình ông giúp mọi người hiểu một cách thông minh tại sao tiến trình lịch sử không phải là đường thẳng trong khi khuyến khích chúng ta tin rằng lịch sử vẫn sẽ tiến lên dù có gì đi nữa. Trong đó vai trò chủ thể của con người là quan trọng để tạo nên lịch sử của chính mình. Tuy nhiên, tính chất vô minh khiến việc dự đoán tương lai là điều khó khăn, phức tạp, dù sao chăng nữa việc đặt sự cấp thiết cải tổ chính trị để phát triển đất nước trong bối cảnh Chiến tranh Lanh mới hy vọng sẽ cung cấp thêm một phương án lựa chọn trong xây dựng chính sách.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 23/02/2024

Tham khảo :

1. Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh. Văn bản số 5396-CV/HVCTQG, Báo cáo số 49 : Dự báo bối cảnh quốc tế giai đoạn 2024 - 2030 và kiến nghị chính sách cho Việt Nam, 29/12/2023 ;

2. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 tại Đức từ ngày 16-18/2/2024

3. https://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20240218-hội-nghị-an-ninh-munich-liên-hiệp-Châu-âu-xác-định-cần-thiết-có-ch%C3%ADnh-sách-quốc-phòng-chung

4. https://en.wikipedia.org/wiki/Cold_War & Second_Cold_War

5. President Biden : 'We are not seeking a new Cold War or a world divided' . BBC News. 21 September 2021. Retrieved 28 October 2021

6. "Historian Niall Ferguson details 'Cold War II' — which 'began some time ago’" Yahoo Finance. 8 May 2022

7. Mikio Sugeno, "Will Xi move on Taiwan ? History warns he might : Niall Ferguson ", Nikkei Asia, 10/09/2021

Published in Diễn đàn

Cải tổ chính trị để không bỏ lỡ cơ hội thành nước giàu, Việt Nam có dám ?

Courrier International trích dịch The Diplomat nhận định nạn tham nhũng đã trở thành bất trị ở Việt Nam, khiến đảng phải mở chiến dịch "đốt lò", tuy nhiên tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã 79 tuổi chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy. The Economist cho rằng "Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới". Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tê liệt về chính trị đang là vật cản.

caito1

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước báo chí sau cuộc hội đàm với tổng thống Mỹ Joe Biden tại trụ sở Trung ương Đảng ở Hà Nội, ngày 10/09/2023. AP - Luong Thai Linh

Người chống tham nhũng bị bắt vì tham nhũng : Lỗi hệ thống ?

Courrier International trích dịch bài viết của The Diplomat, nói về nạn nhũng lạm lan tràn ở tất cả các cấp tại Việt Nam. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người quyền lực nhất, vào năm 2016 đã tung ra chiến dịch chống tham nhũng, hàng ngàn người đã bị bắt. Nhưng tác giả David Hutt tự hỏi, phải chăng tham nhũng nay đã trở thành hệ thống ?

Ngày 14/11/2023 tại Thái Bình, công an bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng, đại biểu quốc hội vì nghi ngờ tham nhũng. Ông được cho là đã "bảo kê" cho những kẻ khai thác cát bất hợp pháp – một cáo buộc có vẻ khá kỳ lạ. Lưu Bình Nhưỡng thường xuyên chỉ trích các quyết định của chính quyền, và đặc biệt đả kích Bộ Công an.

Một số cho rằng đây là một vụ trả thù chính trị. Nhưng vụ này rõ ràng nằm trong chiến dịch chống tham nhũng của Đảng cộng sản Việt Nam, cho thấy vấn nạn này đã lan tràn khắp các cấp ủy. Dù vậy các quan chức cao cấp chưa bao giờ nhìn nhận rằng vấn đề chính là Đảng cộng sản và chế độ độc đảng, chứ không phải vài chục ngàn con "chiên lạc" đã bị trừng phạt hay tống giam. Khi những người như Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì tham nhũng, cần phải bắt đầu tự hỏi phải chăng đó là do lỗi hệ thống. Còn những ai tham ô nữa ? Có lẽ là tất cả.

Vào Đảng để thăng quan tiến chức và làm giàu

Chiến dịch chống tham nhũng rất phức tạp và đôi khi nghịch lý. Mục tiêu hàng đầu là chống thất thoát ngân sách, nhưng điều quan trọng là sự sống còn của chế độ. Trong những năm 2010, các quan chức đảng thân cận với thủ tướng thời đó là Nguyễn Tấn Dũng hiểu rằng Đảng có thể duy trì quyền lực tuyệt đối khi trở thành nơi để đạt đến địa vị và sự giàu có. Những ai muốn thành công trong lãnh vực tư hay công đều phải trả một thứ "thuế" cho giới chóp bu trong Đảng. Nguyễn Tấn Dũng và phe cánh của ông được coi là "những người thu thuế".

Đảng cộng sản Việt Nam như vậy trông giống với một chế độ độc tài truyền thống, không gắn bó với ý thức hệ và nhiệm vụ lịch sử nào. Điều này khó thể chấp nhận đối với ông Nguyễn Phú Trọng, người suốt cả quá trình vẫn gắn bó với cánh lý luận của Đảng. Tuy được bầu làm tổng bí thư năm 2011 nhưng ông ở thế yếu, đến 2016 mới đảo ngược tình hình khi ngăn chặn được Nguyễn Tấn Dũng.

Sau đó ông Trọng khởi động cuộc chiến chống tham nhũng, và "chiến dịch đạo đức", để các nguyên tắc cộng sản lại trở thành tiêu chí thăng tiến hàng đầu trong bộ máy đảng. Chiến dịch nhằm thanh lọc đội ngũ, đưa những kẻ làm thiệt hại nặng nề cho Nhà nước ra tòa, lãnh vực tư nhân phải chịu sự lãnh đạo của Đảng chứ không lũng đoạn như thời ông Dũng. Ông Trọng cũng muốn uốn nắn lại Đảng theo hình ảnh của mình : khắc khổ, nghiêm túc, lý tưởng, trong sạch ; tái lập lại đạo đức như thời Hồ Chí Minh, một Việt Nam nghèo đói nhưng nghiêm túc hướng đến chủ nghĩa xã hội.

Theo The Diplomat, Nguyễn Phú Trọng đã trở thành con tin trong chiến dịch của mình. Nếu Đảng phải loại ra những kẻ tham nhũng, không trung thành với lý tưởng, thì phải được lãnh đạo bởi một nhân vật có cùng động cơ. Nhưng rõ ràng ông chưa tìm được người kế nhiệm đáng tin cậy, thế nên ông Trọng phải làm thêm nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba. Đây là trường hợp đầu tiên từ khi Lê Duẩn qua đời năm 1986. Sẽ rất thú vị nếu ông công bố được tên người sẽ kế tục vào năm 2026.

Nhà đầu tư chạy khỏi Hoa lục : Việt Nam hưởng lợi nhiều nhất

Tương tự, The Economist trong bài "Cởi trói cho con cọp" cho rằng "Việt Nam cần một nhà lãnh đạo mới". Có rất ít quốc gia sở hữu nhiều lợi thế như Việt Nam để trở nên giàu có, nhưng sự tê liệt về chính trị có thể làm chậm lại quá trình phát triển.

Hầu hết các nước đều lo ngại trước sự đối đầu Mỹ-Trung, nhưng với Việt Nam lại là cơ hội. Đất nước 100 triệu dân thân thiện với cả hai siêu cường ; và vì vị thế địa chính trị gần biên giới phía nam Hoa lục và 3.000 kilomet bờ biển, đều được cả Hoa Kỳ lẫn Trung Quốc ve vãn. Năm ngoái Việt Nam là quốc gia duy nhất tiếp đón cả Tập Cận Bình và Joe Biden đến thăm cấp nhà nước. Hà Nội đã nâng cấp quan hệ với Mỹ - nước đã cung cấp tàu tuần duyên - lên ngang hàng với Trung Quốc và Nga.

Đây là hành động giữ thăng bằng khôn khéo nhằm đạt lợi ích về chính trị lẫn kinh tế. Mỹ muốn tách rời nền kinh tế khỏi Hoa lục, dịch chuyển sản xuất, và Việt Nam hưởng lợi hơn bất cứ nước Châu Á nào khác trước khuynh hướng de-risking (được gọi là Trung Quốc + 1). Khao khát đầu tư nước ngoài và giá lao động rẻ khiến Việt Nam dường như giống với Trung Quốc 20 năm về trước, nhưng ít có việc chèn ép và ăn cắp sở hữu trí tuệ. Người khổng lồ Châu Á cũng có lợi vì các nhà sản xuất ở Việt Nam vẫn phải dựa vào linh kiện, nguyên phụ liệu từ Trung Quốc.

Trong ba quý đầu năm 2023, Việt Nam thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài cao gấp đôi so với Indonesia, Philippines, Thái Lan. Các nước này phải học hỏi từ Việt Nam sau 40 năm mở cửa. Khi đảng lê-nin-nít cầm quyền từ bỏ chủ nghĩa tập thể hóa vào giữa thập niên 80, người dân Việt đang chết đói, nhờ thương mại và đầu tư mà thu nhập tính theo đầu người đã tăng gấp 6 lần, lên 3.700 đô la. Ngay cả trước khi quan hệ Mỹ-Trung xấu đi, Việt Nam đã thu hút các nhà đầu tư vì giá lao động ở Hoa lục tăng, và sự hiện diện gần đây của những thương hiệu lớn như Apple và Samsung đã giúp nâng bậc chuỗi giá trị. Xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất không còn là hàng dệt may mà là sản phẩm công nghệ cao như iPhone.

Ai sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng ?

Không giống như Indonesia và Philippines, Việt Nam không bị khủng bố Hồi giáo. Dù cũng là quốc gia độc đảng, nhưng người ngoại quốc sống ở Việt Nam thấy thoải mái hơn ở Trung Quốc. Đảng cầm quyền, chỉ còn là cộng sản trên danh nghĩa, có khát vọng chính đáng là đưa Việt Nam thành một nước giàu từ nay đến 2045. Như vậy ít có chỗ cho sai lầm, và sự trỗi dậy của con cọp Việt Nam cũng kèm theo những rủi ro lớn.

Sự thăng bằng địa chính trị có thể không kéo dài, nhất là nếu Donald Trump quay lại và không hài lòng trước tình trạng thâm hụt thương mại song phương. Vùng duyên hải và đồng bằng sông Cửu Long dễ tổn thương vì biến đổi khí hậu, dân số trong độ tuổi lao động trong hơn một thập niên nữa sẽ bắt đầu giảm sút. Và dù các nhà lãnh đạo rất thực dụng nhưng không muốn cải cách chính trị. Khiếm khuyết này càng thấy rõ vào đầu tháng, khi tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 79 tuổi bỗng biến mất trước công chúng. Mạng xã hội đầy tin đồn ông đã qua đời, dự đoán người kế nhiệm.

Ông Trọng đã tái xuất sau đó, nhưng lo ngại vẫn còn về sức khỏe của ông và nhân vật sẽ lên thay. Các nhà đầu tư than phiền vì dự án được duyệt chậm do tác động của chiến dịch chống tham nhũng, đã dẫn đến việc chủ tịch nước bị mất chức năm ngoái. Theo The Economist, ông Nguyễn Phú Trọng cần chấm dứt tâm trạng lo ngại này, tốt nhất là nên có dân chủ trong nội bộ đảng. Đòi hỏi này có thể là quá nhiều, nhưng tổng bí thư nên rút lui, để cho đảng chọn lựa một người kế nhiệm thực tiễn. Việt Nam đang từ cực nghèo trở thành tương đối thịnh vượng chỉ trong một thế hệ, nhưng ngọn gió địa chính trị có thể thay đổi, các đối thủ trở nên cạnh tranh hơn.

Zelensky, thủ lãnh chiến tranh bất đắc dĩ

Tại Châu Âu, trong bài "Volodymyr Zelensky, một tổng thống thời chiến", L’Express giới thiệu cuốn sách của nhà báo Mỹ gốc Nga Simon Shuster, phác họa Châun dung tổng thống Ukraine sau bốn năm theo sát những hoạt động của ông. Nếu cuộc xâm lăng Ukraine đã thay đổi dòng chảy lịch sử, thì cũng đã làm biến đổi một con người và định mệnh của người ấy : Volodymyr Zelensky, diễn viên hài trở thành tổng thống và sau đó là người chỉ huy tối cao trong cuộc chiến vệ quốc.

Có mặt bên cạnh Zelensky trước và sau khi chiến tranh nổ ra, trên mặt trận, trong boong-ke… nhà báo Shuster nhận thấy tổng thống Ukraine đã trở thành "một loại áo giáp", hầu như không còn thấy sự tiếu lâm nhẹ nhàng trước đây. Cho đến khi Crimea bị chiếm năm 2014, Volodymyr Zelensky vẫn tin rằng Ukraine và Nga là hai nước anh em. Thậm chí sau vụ thảm sát ở Bucha, ông vẫn cho là "có thể Putin không được thông tin đầy đủ". Giờ đây sự ngây thơ này đã kết thúc. Trước cuộc chiến tổng lực do tổng thống Nga khởi động, ông không còn cách nào khác là phải chiến đấu tới cùng.

Một trích đoạn ghi lại diễn biến ngày 24/02 cho biết suốt đêm hôm ấy, những tin tình báo từ Mỹ và các đồng minh khác báo động Nga sẽ xâm lăng trong đêm. Tin tặc đánh phá các trang web chính phủ, Moskva bắt đầu sơ tán dân ở Crimea, thiết bị quân sự được đưa vào Donbass. Ê-kíp Zelensky vẫn hy vọng quân Nga không tiến xa hơn, ít nhất là trong lúc đó. Tổng thống yêu cầu nối đường dây với Kremlin, nhưng Putin không trả lời.

Sau nửa đêm, Volodymyr Zelensky cho phát bài nói chuyện trực tiếp với người dân Nga bằng tiếng Nga. Rằng nhà lãnh đạo của họ chuẩn bị đưa 200.000 quân sang lãnh thổ một nước khác, nhân dân Ukraine đang sống trong tự do không cần ai giải phóng. Không muốn chiến tranh, nhưng nếu bị xâm lăng, Ukraine sẽ phải tự vệ. Khuya hôm ấy bom pháo Nga đã dội ào ạt xuống nhiều nơi, trong boong-ke dưới hầm sâu không thể nghe thấy nhưng điện thoại của Zelensky không ngừng rung lên. Vũ khí của ông là chiếc iPhone đời mới, được sử dụng để lãnh đạo cuộc chiến tranh trên bộ lớn nhất trong kỷ nguyên thông tin.

Nữ thủ tướng Estonia, tiếng nói chống Putin ở Baltic

Một Châun dung khác được Les Echos cuối tuần vẽ ra, đó là "Kaja Kallas, tiếng nói chống Putin ở các nước Baltic". Từ hai năm qua tại thủ đô Tallinn, màu cờ Ukraine luôn được chiếu lên tường Stenbock House tức trụ sở chính phủ Estonia nằm trên đồi cao, để chứng tỏ "sự ủng hộ không gì lay chuyển" đối với Kiev. Nữ thủ tướng được mệnh danh là "Người đàn bà thép" của Baltic có ba người thân bị Stalin đày đi Siberia, trong đó có người mẹ của bà.

Là dân biểu Châu Âu trẻ tuổi nhất, đến đầu năm 2021 ở tuổi 43, Kallas trở thành phụ nữ đầu tiên lãnh đạo Estonia. Hầu như cùng thế hệ với Emmanuel Macron và thủ tướng Ý Giorgia Meloni, Kaja Kallas đứng đầu mặt trận chống Putin, dù dân số nói tiếng Nga chiếm 25% tại Estonia. Bà được cho là có thể kế nhiệm đại diện ngoại giao của Liên Hiệp Châu Âu, ông Joseph Borrell hay ủy viên Châu Âu phụ trách thị trường nội khối. Đất nước chỉ có 1,3 triệu dân từ nhiều năm qua vẫn đứng đầu Châu Âu về chỉ số hệ thống giáo dục PISA.

Kiện Israel, nhưng không ai khóc cho 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người Armenia

Tại Trung Đông, nhà báo Anh Jake Wallis Simons trên L’Express cho rằng việc cáo buộc Israel đủ mọi cái xấu trên đời là phiên bản mới của sự thù ghét người Do Thái từ thời xa xưa. Bắt đầu từ năm 2011, cuộc chiến tranh Syria đã làm khoảng nửa triệu người chết, khiến gần 10 triệu người phải di tản. Một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị Trung Quốc tống vào các trại cải tạo. Tuy nhiên chế độ của Bachar Al Assad và Tập Cận Bình chưa bao giờ bị tố cáo là diệt chủng trước Tòa án Công lý Quốc tế, ngược với Israel.

Chỉ riêng cuộc chiến tranh Iran-Iraq trong thập niên 80 đã làm 1 triệu người Ả rập thiệt mạng. Khi chế độ Syria thả những thùng chất nổ xuống trại tị nạn Yarmuk của người Palestine, không hề có những cuộc biểu tình quy mô tại các thủ đô phương Tây. Ngày nay, bảy tổ chức Liên Hiệp Quốc điều tra về Israel.Theo nhà báo Simons, Nhà nước Do Thái và cuộc xung đột Israel-Palestine lâu nay vẫn chiếm một chỗ quá mức trong truyền thông và các cuộc tranh luận trên toàn thế giới.

Ông nhắc nhở rằng Israel là một quốc gia cỡ trung, có diện tích chỉ bằng Slovania và dân số tương đương với bang New Jersey của Mỹ ; nhưng về dân chủ và chất lượng sống, Israel vượt rất xa nhiều nước khác ở Cận Đông. Trong báo cáo mới nhất về hạnh phúc của Liên Hiệp Quốc, Israel đứng thứ tư, bỏ xa Jordan (thứ 123), Liban (136), Syria (149).

Trên chính trường, cực hữu có đại diện trong chính phủ, cũng như tại nhiều nước phương Tây khác. Nếu phải chỉ trích chính sách của ông Benjamin Netanyahu, không có nghĩa là phải bôi đen Israel đến mức như hiện nay. Sự thù ghét Israel đang phổ biến trong phe cực tả, trên truyền thông và các trường đại học, nhưng có ai khóc cho số phận người Chính thống giáo Hy Lạp, người Thiên Chúa giáo ở Armenia ?

Câu chuyện của những người sống sót cuối cùng từ trại tập trung quốc xã

Courrier International tuần này chú ý đến "Những ý tưởng táo bạo để cứu vãn Nam Cực". Về chính trị nước Pháp, L’Obs đặt vấn đề "Cánh tả, bầu cử Châu Âu : Raphael Glucksmann có thể gây bất ngờ hay không ?". L’Express đề cập đến "Những hy vọng mới về bệnh tâm thần". The Economist giải thích "Vấn đề biên giới có thể làm Biden thất bại trong cuộc bầu cử như thế nào". Hồ sơ của Le Point được dành cho lời chứng của những người sống sót cuối cùng trong trại tập trung quốc xã.

Đó là bà Esther Senot, bị bắt lúc 13 tuổi và đày đi Auschwitz ; bà Marie Vaislic, bị đưa đi Ravensbrück lúc 14 tuổi ; ông Jean Lafaurie, năm nay 100 tuổi… Chẳng hạn câu chuyện của bà Margot Friedländer, 102 tuổi. Năm 1943, Margot và em trai sống cùng mẹ trong một căn hộ ở Skalitzer Strasse, Berlin. Ngày 20/01, trên đường về nhà nhìn thấy một người mặc áo khoác đen đi vào tòa nhà, Margot đi theo lên cầu thang. Người này dừng trước cửa nhà cô và bấm chuông. Margot đi ngang qua như không liên quan, chào người lạ và tiếp tục lên tầng trên, vào nhà một người hàng xóm tạm lánh.

Bà mẹ về nhà sau đó biết được Gestapo đã bắt con trai, bèn đến trình diện để con không phải đơn độc trong tay bọn quốc xã. Chiếc túi xách bà gởi một người hàng xóm khác trao lại, có một chiếc vòng hổ phách với dòng chữ "Hãy cố sống !". Margot được những người Đức tốt bụng che chở, cô lưu lạc hết nhà này đến nhà khác trong một năm và ba tháng. Để thay đổi dung mạo, cô gái nhuộm tóc vàng, sửa mũi – vị bác sĩ bẻ gãy và sau đó nối lại những mẩu xương ! Đến tháng 4/1944 cô bị bắt vì có kẻ chỉ điểm… Margot nói "Tôi không thù ghét ai cả". Bà viết sách để tất cả không rơi vào quên lãng, và những gì bà đã trải qua không lặp lại. "Nie Wieder !", như nước Đức hậu chiến đã thốt ra sau đó.

Thụy My

Published in Việt Nam

Một cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Đức và nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa công bố một 'kiến nghị tâm huyết' trong đó kêu gọi đích danh Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng ra quyết định 'khép lại quá khứ', 'huy động toàn đảng' và 'dựa vào trí tuệ nhân dân cả nước' tiến hành 'một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn'.

keugoi1

Ông Nguyễn Trung có trên 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam và có 52 năm tuổi đảng.

Kiến nghị do ông Nguyễn Trung, nguyên tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, cựu trợ lý của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đề ngày 24/9 và công bố trên truyền thông hôm 27/9/2017 đề nghị đảng đang cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hiện nay 'lấy lại tên cũ' là đảng Lao động và tuyên bố 'trước quốc dân, đồng bào và quốc tế' quyết định đổi mới thành một 'đảng yêu nước của dân độc và dân chủ'.

Người từng là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng trong văn bản gồm 42 trang với ba phần và bốn phụ lục, cũng đề nghị Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ngay sau khi có các tuyên bố cải tổ 'trả lại tự do' cho tất cả tù chính trị 'bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chính trị'.

Đồng thời kiến nghị đề nghị Đảng tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước nhằm thực hiện 'hòa giải và đoàn kết dân tộc', tạo ra 'đồng thuận' toàn dân tộc nhằm tiến hành 'thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước'.

Theo bản kiến nghị có tựa đề "Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Một kiến nghị tâm huyết', cuộc cải tổ đảng và cải cách chính trị có ba giai đoạn. Giai đoạn một là đảng tự thay đổi, 'cải cách trước về đường lối, tổ chức và phương thức hoạt động', mà trong đó đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức 'đảng cầm quyền' trong thể chế chính trị 'pháp quyền dân chủ' (coi như không còn 'điều 4' trên thực tế), lấy xã hội dân sự làm 'địa bàn hoạt động chủ yếu' v.v... duy trì cải cách nhưng lưu ý không để tạo ra 'khoảng trống quyền lực'.

Giai đoạn hai theo kiến nghị là lúc 'thực hiện tiếp' những bước cải cách cụ thể 'đã đề ra trên cơ sở 'giữ bộ khung cũ' của toàn hệ thống hành chính sự nghiệp với 'những thay đổi cần thiết' về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự' v.v... và đặc biệt là 'ban hành dự thảo Hiến pháp mới' huy động 'toàn dân tham gia xây dựng', ban hành dự thảo và thông qua luật về 'các đảng phải chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội' nhằm xây dựng thành 'bộ luật chính' về sau làm 'cơ sở pháp lý' cho hoạt động của 'mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội'.

Giai đoạn cuối cùng, theo tác giả kiến nghị Nguyễn Trung là 'thông qua Hiến pháp mới', đồng thời thực hiện tiếp 'mọi bước đi của cải cách' xây dựng hay hoàn thiện 'những luật pháp và thể chế kinh tế' theo Hiến pháp và hệ thông pháp luật mới, trong đó nhấn mạnh 'thước đo nội dung và tiến triển' của cải cách ở giai đoạn này là 'thành tựu phát triển kinh tế' và 'sự ra đời của thể chế chính trị'.

Tham khảo mô hình và đội ngũ chuẩn bị

Theo ông Nguyễn Trung, để tiến hành cuộc cải tổ, cải cách chính trị quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam nên tham khảo một số mô hình, tác giả viết :

"Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bạch và trách nhiệm giải trình.

"Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.

"Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp".

Kiến nghị cho rằng cần 'chuẩn bị sớm' một chiến lược cải cách để được 'thông qua sớm nhất có thể' tại một đại hội đảng 'toàn quốc bất thường' để sau đó 'triển khai thực hiện', tác giả viết :

"Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bày rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình".

Về hạt nhân nhóm được gọi là 'adhoc' có nhiệm vụ giúp đảng cộng sản 'xây dựng nội dung chiến lược' cải tổ, cải cách, người từng có trên 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao và có 52 năm tuổi đảng, cho hay và đề nghị :

"Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa : Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách".

Lãnh đạo đổi mới và cải tổ đa đảng

Trong một văn bản được trình bày công phu 'không kém gì' một báo cáo chính trị, bản kiến nghị gồm 42 trang của tác giả Nguyễn Trung đề cập rất nhiều vấn đề, ý tưởng, được xắp sếp khá dày đặc, có luồng lạch, lôgíc, mang tính hệ thống, đặc biệt trong đó, ông dành một thời lượng nhất định đề cập hai nội dung giúp trả lời câu hỏi ai sẽ là hạt nhân, lãnh đạo cuộc đổi mới được gọi là 'cuộc đổi đời của đất nước' và nên cải tổ chính trị, đặc biệt là tái cấu trúc nền chính trị đảng phái mà hiện nay là 'độc đảng, toàn trị' cụ thể như thế nào.

Nhưng trước hết, về 'cái đích phải tới' của cải tổ, cải cách, bản kiến nghị có đoạn viết : "Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai Đảng cộng sản Việt Nam và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ "bình" hay sửa "bình". Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.

"Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái "bình" hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng - phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang".

Theo kiến nghị, cuộc 'cải cách đổi đời đất nước' mang tầm vóc và nội dung quan trọng, 'bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước', làm nhiệm vụ 'thay đổi triệt để toàn bộ' hệ thống chính trị - nhà nước của quốc gia hiện có.

Về vai trò của chủ thể hay hạt nhân lãnh đạo cuộc cải tổ, cải cách quan trọng ấy, trong khi và mặc dù viết rằng 'cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân' với một nhấn mạnh 'trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước', tác giả bản kiến nghị nêu rõ quan điểm của mình :

"So sánh tương quan các lực lượng chính trị - kinh tế - xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là Đảng cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi !".

Về tái cấu trúc, cải tổ hệ thống chính trị trong đó có hệ thống đảng phái từ độc đảng cầm quyền sang 'đa đảng tham chính', Nguyễn Trung nhấn mạnh và lưu ý : "Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội - song phải là hai đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết.

"Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu : thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá ba đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử ; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước ; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận ; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ một viện duy nhất là quốc hội ; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử).

"Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ hay hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế".

Trân trọng đề nghị Tổng bí thư

Sau khi tóm lược nét chính yếu của cải cách được cho là gồm năm nội dung lớn, gồm thứ nhất là cải cách chính trị sao cho nước Việt Nam là của người Việt Nam, theo đúng tinh thần cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với các tiêu chí được nhấn mạnh là dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thứ hai là lấy kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự làm ba trụ cột, thứ ba là xây dựng thể chế chính trị là một nhà nước pháp quyền dân chủ, rạch ròi tam quyền phân định, thứ tư là bảo đảm các quyền công dân, quyền con người phổ quát giúp mang lại 'động lực cải cách' và thứ năm là nhấn mạnh toàn bộ đảng phái chính trị, hiệp hội phải hoạt động trong khuôn khổ xã hội dân sự, hiến pháp và pháp luật, tác giả Nguyễn Trung viết trong phần kết luận kiến nghị :

"Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.

"Tới đây tôi trân trọng đề nghị : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước !

keugoi2

Tác giả kiến nghị, ông Nguyễn Trung (thứ hai từ trái sang) đã tham gia nhiều nhóm kiến nghị của nhân sỹ, trí thức cao cấp ở Việt Nam kêu gọi Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cải tổ, thay đổi.

"Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong hay ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi !

"Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước - đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước - hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này !"

Bản kiến nghị của tác giả Nguyễn Trung được công bố chỉ khoảng một tuần trước Hội nghị Trung ương 6 của BCHTƯ Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII được dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017.

Trước đó, cũng có một sự kiện khác đáng lưu ý là việc một Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản, Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản và tuyên bố muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".

Trong tuyên bố hôm 02/9/2017, Giáo sư Tương Lai viết "Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian".

Ông Tương Lai không phải là trường hợp đảng viên cao cấp đầu tiên rời bỏ hàng ngũ của đảng Cộng sản, một trong các trường hợp khác là ông Lê Hiếu Đằng, cố Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng ngày 04/12/2013, một thời gian trước khi qua đời.

Liên quan bản kiến nghị hôm 24/9/2017 của Nguyễn Trung, được biết vài năm trước đây, tác giả kiến nghị cũng đã có tên trong một bức Thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, trong đó những người chấp bút và ký tên đã kêu gọi Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam 'đổi tên đảng và tên nước'.

Quốc Phương thực hiện

Nguồn : BBC, 01/12/2017

Published in Diễn đàn

Một cựu Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan, Đức và nguyên cộng tác viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam vừa công bố một 'kiến nghị tâm huyết' trong đó kêu gọi đích danh Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng ra quyết định 'khép lại quá khứ', 'huy động toàn đảng' và 'dựa vào trí tuệ nhân dân cả nước' tiến hành 'một cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn'.

doiten1

Kiến nghị của cựu Đại sứ Nguyễn Trung kêu gọi đích danh Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng ra quyết định tiến hành một cuộc cải cách chính trị 'không thể trì hoãn'.

Kiến nghị do ông Nguyễn Trung, nguyên tổng thư ký Hội đồng Kinh tế đối ngoại của Chính phủ, cựu trợ lý của Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt, đề ngày 24/9 và công bố trên truyền thông hôm 27/9/2017 đề nghị đảng đang cầm quyền duy nhất ở Việt Nam hiện nay 'lấy lại tên cũ' là đảng Lao động và tuyên bố 'trước quốc dân, đồng bào và quốc tế' quyết định đổi mới thành một 'đảng yêu nước của dân độc và dân chủ'.

Người từng là thành viên Tổ nghiên cứu kinh tế đối ngoại của Thủ tướng Phan Văn Khải, cộng tác viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng chính phủ Việt Nam, bên cạnh nhiều nội dung quan trọng trong văn bản gồm 42 trang với ba phần lới và bốn phụ lục, cũng đề nghị Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam ngay sau khi có các tuyên bố cải tổ 'trả lại tự do' cho tất cả tù chính trị 'bị tù vì bất đồng chính kiến với chế độ chính trị'.

Đồng thời kiến nghị đề nghị Đảng tiến hành cuộc vận động lớn trong cả nước nhằm thực hiện 'hòa giải và đoàn kết dân tộc', tạo ra 'đồng thuận' toàn dân tộc nhằm tiến hành 'thắng lợi cuộc cải cách đổi đời đất nước'.

Theo bản kiến nghị có tựa đề "Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mới. Một kiến nghị tâm huyết', cuộc cải tổ đảng và cải cách chính trị có ba giai đoạn. Giai đoạn một là đảng tự thay đổi, 'cải cách trước về đường lối, tổ chức và phương thức hoạt động', mà trong đó đảng chuyển sang hoạt động theo phương thức 'đảng cầm quyền' trong thể chế chính trị 'pháp quyền dân chủ' (coi như không còn 'điều 4' trên thực tế), lấy xã hội dân sự làm 'địa bàn hoạt động chủ yếu' v.v... duy trì cải cách nhưng lưu ý không để tạo ra 'khoảng trống quyền lực'.

Giai đoạn hai theo kiến nghị là lúc 'thực hiện tiếp' những bước cải cách cụ thể 'đã đề ra trên cơ sở 'giữ bộ khung cũ' của toàn hệ thống hành chính sự nghiệp với 'những thay đổi cần thiết' về tổ chức, cơ chế hoạt động, nhân sự' v.v... và đặc biệt là 'ban hành dự thảo Hiến pháp mới' huy động 'toàn dân tham gia xây dựng', ban hành dự thảo và thông qua luật về 'các đảng phải chính trị và các tổ chức đoàn thể xã hội' nhằm xây dựng thành 'bộ luật chính' về sau làm 'cơ sở pháp lý' cho hoạt động của 'mọi đảng phái chính trị và đoàn thể xã hội'.

doiten2

Ông Nguyễn Trung có trên 40 năm làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam và có 52 năm tuổi đảng.

Giai đoạn cuối cùng, theo tác giả kiến nghị Nguyễn Trung là 'thông qua Hiến pháp mới', đồng thời thực hiện tiếp 'mọi bước đi của cải cách' xây dựng hay hoàn thiện 'những luật pháp và thể chế kinh tế' theo Hiến pháp và hệ thông pháp luật mới, trong đó nhấn mạnh 'thước đo nội dung và tiến triển' của cải cách ở giai đoạn này là 'thành tựu phát triển kinh tế' và 'sự ra đời của thể chế chính trị'.

Tham khảo mô hình và đội ngũ chuẩn bị

Theo ông Nguyễn Trung, để tiến hành cuộc cải tổ, cải cách chính trị quan trọng này, Đảng Cộng sản Việt Nam nên tham khảo một số mô hình, tác giả viết :

"Nên tham khảo mô hình thế chế chính trị hay nhà nước và bộ máy hành chính sự nghiệp của Singapore, Nhật và Hàn Quốc để vận dụng vào nước ta theo tinh thần của Tuyên ngôn Độc lập 02-09-1945, Hiến pháp 1946 và cách tổ chức quốc hội 1946, được bổ sung những nét cập nhật phù hợp với đòi hỏi của đất nước và bối cảnh quốc tế hiện tại. Nét đặc trưng chung của 3 mô hình này (Singapore, Nhật, Hàn Quốc) là tính tập trung để tạo ra khả năng quyết đoán cao, đồng thời bảo đảm được dân chủ, tính công khai minh bách và trách nhiệm giải trình.

"Trên cơ sở những bước tiến mới nói trên, tiến hành xây dựng một thể chế chính trị hay nhà nước đa nguyên, hình thành một số đảng chính trị mới theo Hiến pháp mới và Luật về đảng phái chính trị và các tổ chức xã hội dân sự như đã được thông qua ở giai đoạn II.

"Nên xây dựng các lý lẽ thuyết phục, và được bảo đảm bằng bộ luật về các đảng phái chính trị và đoàn thể nói trên được thiết kế phù hợp, để hình thành thêm các đảng chính trị mới có thể tham chính thông qua Luật bầu cử dân chủ tự do và theo quy định của Hiến pháp".

Kiến nghị cho rằng cần 'chuẩn bị sớm' một chiến lược cải cách để được 'thông qua sớm nhất có thể' tại một đại hội đảng 'toàn quốc bất thường' để sau đó 'triển khai thực hiện', tác giả viết :

"Nhưng ngay sau khi Bộ Chính trị đã đi tới được quyết định phải tiến hành cải cách, Bộ Chính trị nên có ngay một tuyên bố trình bày rõ quyết định chiến lược này, kêu gọi cả nước và toàn đảng đoàn kết và phát huy tinh thần yêu nước đem hết tâm huyết tham gia sự nghiệp cách bằng mọi hành động và việc làm thiết thực, dấy lên trong cả nước một hào khí mới, làm cho nhân dân và từng đảng viên ngay từ ngày đầu tiên cảm nhận được sự nghiệp cải cách này là trách nhiệm của chính mình, chủ động làm mọi việc có thể góp phần tham gia của mình".

Về hạt nhân nhóm được gọi là 'adhoc' có nhiệm vụ giúp đảng cộng sản 'xây dựng nội dung chiến lược' cải tổ, cải cách, người từng có trên 40 năm hoạt động trong ngành ngoại giao và có 52 năm tuổi đảng, cho hay và đề nghị :

"Trong quá trình chuẩn bị Đại hội XII tôi đã kiến nghị thành lập nhóm ad hoc gồm các đồng chí Bùi Quang Vinh [cựu Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, nguyên Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng], Vũ Đức Đam [Ủy viên Ban chấp hành trung ương Đảng Phó Thủ tướng Chính phủ] và Phạm Bình Minh [Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao] giúp đảng xây dựng nội dung Đại hội theo hướng xúc tiến cải cách nói trên. Nay tôi xin đề nghị một lần nữa : Bộ Chính trị nên quyết định lập sớm một nhóm như thế giúp đảng bắt tay ngay vào việc chuẩn bị và xây dựng chiến lược cải cách".

Lãnh đạo đổi mới và cải tổ đa đảng

Trong một văn bản được trình bày công phu 'không kém gì' một báo cáo chính trị, bản kiến nghị gồm 42 trang của tác giả Nguyễn Trung đề cập rất nhiều vấn đề, ý tưởng, được xắp sếp khá dày đặc, có luồng lạch, lôgíc, mang tính hệ thống, đặc biệt trong đó, ông dành một thời lượng nhất định đề cập hai nội dung giúp trả lời câu hỏi ai sẽ là hạt nhân, lãnh đạo cuộc đổi mới được gọi là 'cuộc đổi đời của đất nước' và nên cải tổ chính trị, đặc biệt là tái cấu trúc nền chính trị đảng phái mà hiện nay là 'độc đảng, toàn trị' cụ thể như thế nào.

Nhưng trước hết, về 'cái đích phải tới' của cải tổ, cải cách, bản kiến nghị có đoạn viết : "Nhiệm vụ có ý nghĩa lịch sử vô cùng trọng đại này của đất nước hôm nay đặt lên vai Đảng Cộng sản Việt Nam và đội ngũ lãnh đạo không phải là đập vỡ "bình" hay sửa "bình". Cả hai việc này đều không thể, không cần thiết, và đều không phải là giải pháp, thậm chí có thể nguy hiểm cho đất nước.

"Nhiệm vụ lịch sử không được phép tránh né của đảng hôm nay là phải cất cái "bình" hiện nay vào nơi trang trọng nhất có thể trong bảo tàng - phần lịch sử Việt Nam cận đại, để đánh dấu sự kết thúc con đường đất nước đã đi từ năm 1930 đến hôm nay, để từ đây thông qua cải cách thể chế chính trị mở ra một thời kỳ phát triển mới của nước Việt Nam độc lập thống nhất trong thế giới đã sang trang".

Theo kiến nghị, cuộc 'cải cách đổi đời đất nước' mang tầm vóc và nội dung quan trọng, 'bao quát toàn bộ đời sống mọi mặt của đất nước', làm nhiệm vụ 'thay đổi triệt để toàn bộ' hệ thống chính trị - nhà nước của quốc gia hiện có.

Về vai trò của chủ thể hay hạt nhân lãnh đạo cuộc cải tổ, cải cách quan trọng ấy, trong khi và mặc dù viết rằng 'cải cách phải là sự nghiệp của toàn dân' với một nhấn mạnh 'trước hết là thay đổi chính từng người dân từ đây thành người chủ của đất nước', tác giả bản kiến nghị nêu rõ quan điểm của mình :

"So sánh tương quan các lực lượng chính trị - kinh tế - xã hội ở nước ta trong tình thế cấp bách hiện nay, một lực lượng chính trị đủ mạnh và có sẵn như thế chỉ có thể là Đảng Cộng sản Việt Nam đã chuyển đổi thành đảng của dân tộc. Đây cũng là điều lý tưởng nhất có thể lúc này để tiến hành cải cách trong hòa bình theo tinh thần khép lại quá khứ và không hồi tố, vì thời gian và nguy cơ không chờ đợi !".

Về tái cấu trúc, cải tổ hệ thống chính trị trong đó có hệ thống đảng phái từ độc đảng cầm quyền sang 'đa đảng tham chính', Nguyễn Trung nhấn mạnh và lưu ý : "Ở nước ta, hợp lý nhất có lẽ chỉ nên hình thành thêm hai đảng tham chính mới như đã từng có trong thời đầu của nước Việt NamDCCH - đó là đảng Dân Chủ và Đảng Xã hội - song phải là hai đảng có thực quyền và bình đẳng trước pháp luật như mọi đảng khác theo Luật. Nếu có nhiều đảng nữa sẽ rối và không cần thiết.

"Hiến pháp và các bộ Luật liên quan cần được thiết kế sao cho bảo đảm nghiêm túc yêu cầu : thực hiện đa nguyên, nhưng bảo đảm không quá ba đảng tham chính trong tranh cử và bầu cử ; thủ lĩnh của đảng có đa số ghế lớn nhất trong Quốc hội sẽ là tổng thống với chức năng là người đại diện quốc gia cao nhất và có quyền lực cao nhất cả nước ; thủ tướng là người trực tiếp điều hành nội các (chính phủ) do tổng thống bổ nhiệm và được quốc hội chấp thuận ; với điều kiện của nước ta, nên thực hiện chế độ một viện duy nhất là quốc hội ; tuy nhiên nên thực hiện chế độ bầu cử từng phần so le để bảo đảm sự hoạt động liên tục của quốc hội (không bị gián đoạn qua mỗi kỳ bầu cử).

"Tiến hành bầu cử thành lập hệ thống nhà nước theo Hiến pháp mới, nên mời sự giám sát quốc tế cuộc bầu cử để nâng cao uy tín của chính thể mới, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ hay hậu thuẫn của cộng đồng quốc tế".

Trân trọng đề nghị Tổng bí thư

Sau khi tóm lược nét chính yếu của cải cách được cho là gồm năm nội dung lớn, gồm thứ nhất cải cách chính trị sao cho nước Việt Nam là của người Việt Nam, theo đúng tinh thần cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945 với các tiêu chí được nhấn mạnh là dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc, thứ hai lấy kinh tế thị trường, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự làm ba trụ cột, thứ ba xây dựng thể chế chính trị là một nhà nước pháp quyền dân chủ, rạch ròi tam quyền phân định, thứ tư là bảo đảm các quyền công dân, quyền con người phổ quát giúp mang lại 'động lực cải cách' và thứ năm là nhấn mạnh toàn bộ đảng phái chính trị, hiệp hội phải hoạt đ trong khuôn khổ xã hội dân sự, hiến pháp và pháp luật, tác giả Nguyễn Trung viết trong phần kết luận kiến nghị :

"Trên đây chỉ là một gợi ý sơ bộ để tham khảo. Tôi tin rằng nếu lãnh đạo đảng huy động trí tuệ cả nước xây dựng chiến lược cải cách đưa đất nước đi vào thời kỳ phát triển mới, chắc chắn đất nước sẽ có được một chiến lược cải cách của toàn dân và nhất định thành công.

"Tới đây tôi trân trọng đề nghị : Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, với trách nhiệm là người giữ cương vị cao nhất trong đảng, yêu cầu Bộ Chính trị ra quyết định khép lại quá khứ, đoàn kết toàn Bộ Chính trị và toàn đảng, huy động toàn đảng và dựa vào trí tuệ của nhân dân cả nước quyết tiến hành cuộc cải cách chính trị không thể trì hoãn này. Đảng phải thay đổi thành đảng của dân tộc để có thể dấy lên cuộc cải cách của toàn dân cứu nước và đổi đời đất nước !

doiten3

Tác giả kiến nghị, ông Nguyễn Trung (thứ hai từ trái sang) đã tham gia nhiều nhóm kiến nghị của nhân sỹ, trí thức cao cấpở Việt Nam kêu gọi Đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam cải tổ, thay đổi.

"Đây cũng là con đường cứu đảng thành đảng của dân tộc, mãi mãi đi với dân tộc. Thời gian không chờ đợi. Mọi thách thức trong hay ngoài đang uy hiếp đất nước không biết chờ đợi !

"Trước những thách thức nghiêm trọng của quốc gia, tôi cầu mong cả nước - đặc biệt là những đảng viên muốn cứu đảng để cứu nước - hãy lên tiếng về vận mệnh đất nước, cùng nhau làm tất cả mọi việc vì đất nước với sự giác ngộ cao nhất về cuộc cải cách phải tiến hành này !"

Bản kiến nghị của tác giả Nguyễn Trung được công bố chỉ vài tuần trước Hội nghị Trung ương 6 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được dự kiến diễn ra trong tháng 10/2017.

Trước đó, cũng có một sự kiện khác đáng lưu ý là việc một Đảng viên cao cấp của Đảng Cộng sản, giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, cựu thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thời các ông Võ Văn Kiệt và Phan Văn Khải, đã tuyên bố từ bỏ Đảng cộng sản và tuyên bố muốn đi tìm một "phương thức đấu tranh mới".

Trong tuyên bố hôm 02/9/2017, giáo sư Tương Lai viết "Những gì đã cũ kỹ, hư hỏng trong bộ máy quyền lực duy trì chế độ toàn trị phản dân chủ sẽ bị lật nhào" và rằng "vấn đề chỉ còn là thời gian".

Ông Tương Lai không phải là trường hợp đảng viên cao cấp rời bỏ hàng ngũ của đảng Cộng sản, một trong các trường hợp khác là ông Lê Hiếu Đằng, cố Phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, ông đã tuyên bố ra khỏi đảng ngày 04/12/2013, một thời gian trước khi qua đời.

Liên quan bản kiến nghị hôm 24/9/2017 của Nguyễn Trung, được biết vài năm trước đây, tác giả kiến nghị cũng đã có tên trong một bức Thư ngỏ đề ngày 09/12/2015 gửi Bộ Chính trị, trong đó những người chấp bút và ký tên đã kêu gọi Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam 'đổi tên đảng và tên nước'.

Quốc Phương

Nguồn : BBC, 01/10/2017

Published in Diễn đàn