Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/02/2024

Cải tổ chính trị ở Việt Nam thế nào trong bối cảnh chiến tranh lạnh mới ?

Phạm Quý Thọ

Phần 1

Cải tổ chính trị ở Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết để phát triển đất nước, nhưng chính sách sẽ chỉ bền vững và hiệu quả khi đặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới, trong đó Chiến tranh Lạnh mới là bối cảnh.

caito1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 tại Đức hôm 17/2/2024 - AFP

Các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đang trong quá trình "dự báo bối cảnh quốc tế giai đoạn 2024 - 2030 và kiến nghị chính sách cho Việt Nam" vào lúc chưa bao giờ thế giới "cùng lúc phải đối mặt với nhiều khủng hoảng đến như vậy" kể từ hội nghị đầu tiên cách nay 60 năm, như nhận định của nhà ngoại giao Đức Christoph Heusgen, Chủ tịch Hội nghị an ninh Munich. Trong hội nghị lần thứ 60 diễn ra tại Đức từ ngày 16-18/02/2024 lãnh đạo của khoảng 50 quốc gia, và 100 bộ trưởng các nước "tìm kiếm hòa bình thông qua đối thoại". Tuy nhiên, sau ba ngày làm việc, nó đã không mang lại triển vọng giải quyết hai cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất của thế giới trong thời điểm hiện tại, cuộc xâm lăng Ukraine của Nga và xung đột Israel – Hamas tại Gaza, và Liên Hiệp Châu Âu (EU) xác định cần có chính sách quốc phòng chung…

Xây dựng chính sách phát triển đất nước cần đặt trong bối cảnh quốc tế là cần thiết khách quan. Trong khi các tổ chức nghiên cứu chính trị (think-tanks) ở Việt Nam đều đang phục vụ yêu cầu của giới lãnh đạo, bài viết này gợi ý thêm một lựa chọn quyết sách từ cách tiếp cận về Chiến tranh Lạnh, sự khác biệt giữa hai tư tưởng đối nghịch về ý thức hệ giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản. Hai hệ tư tưởng này đóng vai trò là động lực của toàn bộ Chiến tranh Lạnh. Thế giới đã trải qua Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất (1947 – 1991), trong đó hai thế lực được dẫn dắt bởi hai siêu cường Liên Xô và Mỹ với thế giới quan đối nghịch, nhưng mỗi bên đều khăng khăng quan điểm của họ bằng mọi cách, không chỉ kinh tế mà cả bằng vũ khí hạt nhân đe doạ ngày tận thế. Sau khi Liên Xô sụp đổ là ‘khoảng lặng’, một thời kỳ ‘hòa hoãn’, trong đó Nga thay thế Liên Xô nhưng Trung Quốc trỗi dậy mạnh mẽ như một thế lực dẫn đầu. Và, Chiến tranh Lạnh mới, phiên bản 2.0, đã bắt đầu đang là một thực tế chi phối bối cảnh quốc tế hiện nay.

Trước hết, về Chiến tranh Lạnh 1.0. Đây là giai đoạn căng thẳng địa chính trị giữa Hoa Kỳ và Liên Xô và các đồng minh tương ứng của họ, Khối phương Tây và Khối phương Đông, bắt đầu vào năm 1947 sau khi kết thúc Thế chiến II và kéo dài đến năm 1991. Thuật ngữ chiến tranh lạnh được sử dụng bởi vì không có cuộc chiến quy mô lớn trực tiếp giữa hai siêu cường, nhưng mỗi bên đều ủng hộ các bên đối lập trong các cuộc xung đột lớn trong khu vực được gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Cuộc xung đột dựa trên cuộc đấu tranh về ý thức hệ và địa chính trị để giành ảnh hưởng toàn cầu của hai siêu cường này, theo sau vai trò của họ với tư cách là Đồng minh trong Thế chiến II đã dẫn đến chiến thắng trước Đức Quốc xã và Đế quốc Nhật Bản vào năm 1945. Ngoài cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân và triển khai quân sự thông thường, cuộc đấu tranh giành quyền thống trị được thể hiện thông qua các phương tiện gián tiếp, chẳng hạn như chiến tranh tâm lý, tuyên truyền, gián điệp, cấm vận sâu rộng, ngoại giao thể thao và các cuộc chạy đua về công nghệ như Cuộc đua không gian…

Kéo dài gần nửa thế kỷ, Chiến tranh Lạnh 1.0 được cho là kết thúc với sự sụp đổ của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô vào những năm 1990.

Nguyên nhân khách quan là kinh tế khi nền kinh tế xã hội chủ nghĩa thua kém so với tư bản chủ nghĩa về năng suất để tạo ra lực lượng sản xuất đủ lớn cho sự thịnh vượng của quốc gia và thoả mãn nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân. Điều này dẫn đến cuộc cải tổ sâu rộng kinh tế - xã hội với hai trụ cột xây dựng lại (tiếng Nga : перестройка) và công khai (tiếng Nga : главность), trong đó có vai trò của cá nhân như Mikhail Gorbachov, cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, khởi xướng và tiến hành. Ngoài ra, ông cũng không can thiệp vào sụp đổ đô-mi-nô của hệ thống xã hội chủ nghĩa, từ sự kiện "Bức tường Béc-Linh" ở Đức năm 1989. Đây là nguyên nhân chủ quan.

caito2

Một nghệ sĩ đường phố đang vẽ trên một phần của Bức tường Berlin (1961 - 1989) hôm 15/11/2020 (minh họa). AFP

Cạnh tranh là cần thiết cho tiến hoá nói chung, trong đó có sự phát triển xã hội loài người. Và, ‘khoảng trống’ từ sự sụp đổ của Liên Xô được dần ‘lấp kín’ bởi Trung Quốc trong khi Nga thế chân và các nước ‘cựu’ xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Ngay từ đầu những năm 1970, dưới thời Tổng thống Richard Nixon, Mỹ đã khởi đầu cho sự sụp đổ hệ thống xã hội chủ nghĩa bằng việc chia rẽ Xô-Trung bởi ngoại giao bí mật đến Bắc Kinh. Sau khi Mao Trạch Đông chết năm 1976, sự thay đổi chính trị diễn ra nhanh chóng. Đặc biệt, khi Đặng Tiểu Bình, cố Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc phát động và thực hiện đường lối Cải cách và Mở cửa (tiếng Trung : 改革開放). Tư tưởng thực dụng làm thay đổi ý thức hệ, giúp Trung Quốc hội nhập nhanh với thế giới, lợi dụng phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường để phát triển lực lượng sản xuất nhưng không từ bỏ tư tưởng chủ nghĩa cộng sản để duy trì được chế độ. Nhờ chủ nghĩa tư bản, Trung Quốc đã thoát nghèo, sau hơn một phần ba thế kỷ trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới, và trỗi dậy hung hăng đặc biệt khi Tập Cận Bình thâu tóm và kéo dài quyền lực tuyệt đối từ năm 2012… Vị hoàng đế Trung hoa mới đang tìm kiếm phương cách để cạnh tranh vị trí thống trị thế giới với Mỹ…

Thế giới đã không "phẳng" như Thomas L. Friedman hình dung, toàn cầu hoá với tự do thương mại và đầu tư đang lung lay dữ dội, và lịch sử loài người chưa kết thúc bởi nền dân chủ tự do kiểu phương Tây như Francis Fukuyama mô tả trong cuốn "Sự kết thúc của lịch sử và con người cuối cùng" của mình… Chiến tranh Lạnh 2.0, còn được gọi là "Chiến tranh Lạnh mới", dần được bàn thảo nhiều hơn. Đây là các thuật ngữ đề cập đến những căng thẳng địa chính trị gia tăng trong thế kỷ 21 giữa Mỹ và Trung Quốc, giữa Mỹ, Châu Âu và Nga - quốc gia kế thừa của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh 1.0.

Những động thái chiến lược, chiến thuật, ‘nhu’ và ‘cương’ kể cả chiến tranh ủy nhiệm và đe doạ hạt nhân, gây ảnh hưởng tới các nước ‘phương Nam’ để định hình trật tự thế giới mới. Mỹ và phương Tây, giờ đây, coi Trung Quốc giờ là đối thủ cạnh tranh trực tiếp, thậm chí đặt ra mối đe dọa lớn hơn và lâu dài so với Nga đang sa lầy trong cuộc chiến tranh ủy nhiệm Nga – Ukraine do Putin phát động xâm lược đang bước vào năm thứ ba đầy căng thẳng. Trong bối cảnh này nhưng Tổng thống Joe Biden tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9/2021 vẫn phát biểu, rằng Hoa Kỳ "không tìm kiếm một Chiến tranh Lạnh mới hoặc một thế giới bị chia cắt thành các khối cứng nhắc". Nhưng ông Biden lưu ý Hoa Kỳ sẽ hợp tác "với bất kỳ quốc gia nào bước lên và theo đuổi giải pháp hòa bình cho những thách thức chung", bất chấp "sự bất đồng sâu rộng trong các lĩnh vực khác, bởi vì tất cả chúng ta sẽ phải chịu hậu quả của thất bại của mình".

Mặc cho những cảnh báo được đưa ra, rằng "lợi nhuận từ thương mại mở" năm 2023 có nguy cơ mất, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tới bảy nghìn tỷ đô la Mỹ hay những vấn đề đòi hỏi nỗ lực chung toàn cầu như chống biến đổi khí hậu, chống ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo, chiến tranh ủy nhiệm, phương Tây chia rẽ, nền dân chủ kể cả ở Mỹ đang gặp thách thức… nhưng Chiến tranh Lạnh 2.0, "cuộc chiến tranh lạnh mới giữa phương Tây và phương Đông", vẫn đã bắt đầu với "sự tái sinh của một kỷ nguyên xung đột mới, sự kết thúc của kiến trúc an ninh quốc tế đơn cực cuối thế kỷ 20 dưới quyền bá chủ của Hoa Kỳ, [và] sự kết thúc của toàn cầu hóa".

Tình hình và xu hướng Chiến tranh Lạnh mới là phức tạp, thay đổi nhanh khó lường trong khi chủ nghĩa thực dụng đang thống trị quan hệ quốc tế mỗi quốc gia nhìn nhận và hành động vì lợi ích riêng. Việt Nam không là ngoại lệ, hơn thế, hội tụ với nhiều yếu tố của Chiến tranh Lạnh, sẽ phản ứng chính sách thế nào để phát triển đất nước trước một thế giới đầy biến động ?

************************

Phần 2

Như đã nêu ở phần một, cải tổ chính trị ở Việt Nam đang là đòi hỏi cấp thiết để phát triển đất nước, nhưng chính sách sẽ chỉ bền vững và hiệu quả khi đặt trong xu hướng phát triển chung của thế giới, trong đó Chiến tranh Lạnh mới là bối cảnh. Từ cách tiếp cận lịch sử những yếu tố chủ yếu của Chiến tranh Lạnh hội tụ trong quá trình hình thành và phát triển chế độ chính trị ở Việt Nam bao gồm : ý thức hệ cộng sản ; chiến tranh ủy nhiệm (1966-1975) ; thời kỳ đổi mới và yếu tố Trung Quốc tác động đến tầm nhìn ra thế giới tác động tới thực trạng và xu hướng phát triển đất nước.

caito3

Cờ của Đảng cộng sản trên đường phố Hà Nội hôm 22/1/2021 - AFP

Từng là nước phong kiến tập quyền, thuộc địa của thực dân Pháp, giành độc lập năm 1945, Việt Nam tuyên bố chính thể là dân chủ cộng hoà. Bản Tuyên ngôn độc lập 1945 và Hiến pháp đầu tiên năm 1946 được cho là chịu ảnh hưởng tư tưởng phương Tây, trong đó có vai trò cá nhân cố chủ tịch Hồ Chí Minh, người từng ‘bôn ba’ ở hải ngoại 30 về Việt Nam năm 1941 lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc.

Tiếp đến là cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, sau năm 1954 đất nước bị chia cắt, miền Bắc theo chủ nghĩa xã hội và miền Nam theo chế độ dân chủ. Sau cuộc chiến tranh giữa hai đại diện thế lực với ý thức hệ đối nghịch, sau năm 1975 Việt Nam có chế độ chính trị dựa trên hệ tư tưởng Mác – Lênin và vận hành theo mô hình Liên Xô, sau đó là theo mô hìnhTrung Quốc trong thời kỳ gọi là "Đổi mới" cho đến nay.

Lưu ý, rằng Chiến tranh Việt Nam, dưới góc nhìn Chiến tranh Lạnh, là cuộc chiến ủy nhiệm, trong đó Mỹ và Đồng minh can dự với mục đích ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản lan rộng xuống vùng Đông Nam Á và đã thất bại năm 1975. Trong đó có quan điểm lịch sử, đại diện là nhà sử học Niall Ferguson cho rằng trong mỗi cuộc Chiến tranh Lạnh mở đầu thời kỳ hoặc đan xen có thể có các cuộc chiến tranh nóng được "ủy nhiệm". Chẳng hạn chiến tranh Nam - Bắc Triều tiên năm 1950-1953 mở đầu thời kỳ Chiến tranh Lạnh lần thứ nhất. Cuộc chiến tranh Nga- Ukraine, xung đột Israel- Hamas có thể xem là chỉ báo cho Chiến tranh Lạnh lần thứ hai.

Yếu tố Trung Quốc, cả ý thức hệ và địa chính trị, ảnh hưởng quan trọng đến sự thay đổi chính trị ở Việt Nam. Tuy có xung đột do tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải nhưng ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ truyền thống xác định chế độ chính trị tương đồng và mô hình và quá trình phát triển. Là sự đảm bảo tính chính danh của Đảng cộng sản độc tôn, tăng trưởng kinh tế nhờ phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa là nỗ lực đã mang lại thành tựu nhưng chứa đựng những mâu thuẫn nội tại, căng thẳng. Mâu thuẫn giữa kiến trúc thượng tầng toàn trị với ý thức hệ cộng sản và lực lượng sản xuất tư bản đang lớn mạnh, bao trùm xã hội và ngày càng gay gắt trong quá trình chuyển đổi thị trường. Nền kinh tế Trung Quốc vào thời kỳ giữa hai phiên bản Chiến tranh Lạnh, từng được ca ngợi là "hoàng kim" (gold) nhưng nghịch lý tăng trưởng bùng nổ và tham nhũng tràn lan, như một hình thức của mâu thuẫn nội tại, bị phơi bày khiến nó bị định danh lại là "mạ vàng" (gilded). Nay tham nhũng mang tính chính trị, hệ thống đe doạ sự tồn vong chế độ.

Nền kinh tế Việt Nam không mấy ‘lấp lánh’ như ở Trung Quốc nhưng việc áp dụng mô hình phát triển kiểu này với "độ trễ" và, sự tác động chính sách đặc thù đang để lại những hậu quả tương tự với quy mô và tính chất khác nhau. Giới cầm quyền đã đánh đổi tham nhũng lấy tăng trưởng và hậu quả là nặng nề cho đến khi chế độ trước nguy cơ sụp đổ, người ta "quyết liệt" giải quyết. Ở Trung Quốc có chiến dịch "đả hổ diệt ruồi" ở Việt Nam có chiến dịch "đốt lò", cả hai kết hợp chống tham nhũng với thanh trừng phe nhóm nhưng hiệu quả "không được như mong muốn" của Đảng. Tuy mỗi đại án tham nhũng có đặc thù riêng, nhưng tất cả các đại án tham nhũng đều nghiêm trọng, kéo dài nhiều năm trong thời kỳ được cho là "hoàng kim". Ở Việt Nam dự kiến xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát vào 5/3/2024, mở đầu cho năm ‘con rồng’, với nhiều ‘kỷ lục’, trong đó có 3.000 người bị "Tòa triệu tập gần 3.000, gồm 86 bị cáo, gần 200 luật sư, tòa cũng triệu tập hơn 2.400 người có quyền, nghĩa vụ liên quan…" Những án phạt sẽ tuyên nhưng ai và điều gì thực sự đứng sau bà tài phiệt Trương Mỹ Lan trong suốt sự cuộc đời làm giàu sẽ vẫn cần tiếp tục giải mã.

Trong năm 2023 một "điểm sáng" là ngoại giao "cây tre" khi Việt Nam xích lại gần hơn với phương Tây, Mỹ bằng việc nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện. Tuy lý do chủ yếu là kinh tế nhưng Tập Cận Bình đã có động thái gây ảnh hưởng khiến Việt Nam dù không muốn "chung vận mệnh", nhưng vẫn phải "chia sẻ tương lai" với Trung Quốc… Hai chế độ tương đồng tập quyền dưới sự lãnh đạo "toàn diện và tuyệt đối" của hai Đảng cộng sản chỉ có thể thay đổi từ "bên trên". Để duy trì, cả hai chế độ có xu hướng đang quay lại mô hình thời Mao và bị "bắt làm con tin" bởi quyền lực tuyệt đối của người đứng đầu, Tổng bí thư Đảng cộng sản. Dân chủ trong nội bộ đảng, nguyên tắc tập thể lãnh đạo đã bị hủy hoại. Cải tổ chính trị tuỳ thuộc vào những yếu tố nêu trên.

Tuy nhiên, khi cải tổ chính trị đặt trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh mới, trong đó, Trung Quốc mặc dù tuyên bố là xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất là "chế độ tư bản nhà nước" thậm chí còn được định danh là "nhà nước tư bản thân hữu", bởi vậy cạnh tranh thể chế có vai trò quan trọng. Khi nền kinh tế Trung Quốc chưa bị bóc lớp "mạ vàng", vào năm 2011 xung quanh chủ đề này đã diễn ra một cuộc tranh luận ‘quyết liệt’ giữa hai nhà khoa học chính trị nổi tiếng từ hai chế độ khác biệt : Giáo sư người Trung Quốc Chương Duy Vĩ (Zhang Weiwei) và Giáo sư người Mỹ Francis Fukuyama, gây được sự chú ý. Đây có thể là gợi ý về các nội dung cụ thể trong chương trình cải tổ chính trị nếu được đặt ra. Trong đó cạnh tranh thể chế chính trị hiện đại gồm ba yếu tố chính là về là : 1) tổ chức nhà nước, 2) tính giải trình, chịu trách nhiệm và 3) pháp quyền, nhưng Giáo sư Chương cho rằng "nên chăng cần thêm yếu tố minh triết" và lưu ý, rằng phương Tây thường hay chỉ trích thay vì cần học hỏi từ Trung Quốc, bởi vì "Phương Tây hơi quá ngạo mạn và không thể nhìn thấy một tư duy rộng mở". Trái lại, khi đặt ra câu hỏi về sự bền vững của chế độ, Giáo sư Fukuyama đặt cược, rằng "trong hai đến ba thập niên sắp tới sự ưu tiên của tôi [Fukuyama] vẫn sẽ dành cho hệ thống Hoa Kỳ hơn là hệ thống Trung Quốc".

Có những thời khắc trong lịch sử, khi mà mọi thứ mang màu ảm đạm, người ta lại nhớ đến triết gia Đức sống ở thế kỷ 19, Friedrich Hegel. Với phép biện chứng của mình ông giúp mọi người hiểu một cách thông minh tại sao tiến trình lịch sử không phải là đường thẳng trong khi khuyến khích chúng ta tin rằng lịch sử vẫn sẽ tiến lên dù có gì đi nữa. Trong đó vai trò chủ thể của con người là quan trọng để tạo nên lịch sử của chính mình. Tuy nhiên, tính chất vô minh khiến việc dự đoán tương lai là điều khó khăn, phức tạp, dù sao chăng nữa việc đặt sự cấp thiết cải tổ chính trị để phát triển đất nước trong bối cảnh Chiến tranh Lanh mới hy vọng sẽ cung cấp thêm một phương án lựa chọn trong xây dựng chính sách.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 23/02/2024

Tham khảo :

1. Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh. Văn bản số 5396-CV/HVCTQG, Báo cáo số 49 : Dự báo bối cảnh quốc tế giai đoạn 2024 - 2030 và kiến nghị chính sách cho Việt Nam, 29/12/2023 ;

2. Hội nghị An ninh Munich lần thứ 60 tại Đức từ ngày 16-18/2/2024

3. https://www.rfi.fr/vi/quốc-tế/20240218-hội-nghị-an-ninh-munich-liên-hiệp-Châu-âu-xác-định-cần-thiết-có-ch%C3%ADnh-sách-quốc-phòng-chung

4. https://en.wikipedia.org/wiki/Cold_War & Second_Cold_War

5. President Biden : 'We are not seeking a new Cold War or a world divided' . BBC News. 21 September 2021. Retrieved 28 October 2021

6. "Historian Niall Ferguson details 'Cold War II' — which 'began some time ago’" Yahoo Finance. 8 May 2022

7. Mikio Sugeno, "Will Xi move on Taiwan ? History warns he might : Niall Ferguson ", Nikkei Asia, 10/09/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Quý Thọ
Read 375 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)