Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

22/02/2024

Tham nhũng vẫn cười vào mũi Đảng

Phạm Trần

Sau 11 năm chống tham nhũng (2013-2024) nhưng tham nhũng cứ trơ ra cười vào mũi Đảng là tại sao ?

Không ai trong Đảng, kể cả Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có câu trả lời.

chong1

Lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương chủ trì buổi thông báo về kết quả phiên họp thứ 25 của Ban Chỉ đạo Trung ương (Ảnh : tuoitre.vn).

Chính ông Trọng đã nói : "Vì sao chúng ta chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt như thế nhưng những người thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực không thấy xấu hổ mà vẫn trơ ra đó ? Sai phạm xảy ra ngay trong quá trình kiểm tra. Liệu có ai là chỗ dựa, có ai chống lưng cho hành vi tham nhũng tiêu cực hay không ?" (báo Thanh Tra, ngày 20/01/2022)

Ông Nguyễn Phú Trọng là Trưởng ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà hỏi như thế thì tình hình phải cực kỳ nghiêm trọng. Phải có nguyên nhân đã làm cho tham nhũng lớn thêm, phình to ra khắp nơi.

Đảng đã đỗ lỗi cho "tiêu cực" và "tham nhũng quyền lực" trong cán bộ, đảng viên đẻ ra tham nhũng, nhưng Đảng lại bác bỏ cáo buộc vì Đảng độc quyền cai trị nên mới xẩy ra như thế.

Các cơ quan báo chí của Đảng lập luận rằng không phải vì chế độ một đảng mới có tham nhũng mà chế độ đa đảng cũng có.

Đảng nói : "Chế độ đa đảng không phải là phép màu để chống tham nhũng.

Trước hết, tham nhũng là căn bệnh do quyền lực nhà nước bị thao túng, tha hóa gây ra. Có nhà nước là có nguy cơ sinh ra căn bệnh tham nhũng, không phân biệt nhà nước đó là xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, đi theo thể chế chính trị đa đảng hay một đảng. Chỉ khi quyền lực được kiểm soát chặt chẽ với cơ chế quản lý, phòng ngừa đồng bộ, ngày càng hoàn thiện thì quyền lực sẽ không thể bị lạm dụng, tình trạng tham nhũng sẽ được kiểm soát và hạn chế tối đa. Như vậy, chế độ một đảng lãnh đạo cầm quyền không phải là nguyên nhân sinh ra tệ nạn tham nhũng và cũng không phải là không thể chống được tham nhũng… Đảng ta đủ năng lực lãnh đạo để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" (Quân đội Nhân dân, ngày 30/10/2023).

Nhưng "đủ năng lực" chống tham nhũng mà để cho tham nhũng "trơ ra" tiếp tục cười vào mũi Đảng trong suốt 11 năm qua thì hiển nhiên Đảng "phải có vấn đề".

Giản dị vì chỉ có những kẻ "có chức, có quyền" mới có thể tham nhũng. Nhân dân "khố rách áo ôm" thì tham nhũng cách nào ?

Do đó, Đảng đã cắn răng nhìn nhận "một bộ phận không nhỏ" cán bộ, đảng viên, nhất là cấp lãnh đạo, đã suy thoái tư tưởng chính trị và đạo đức lối sống để "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", làm lợi cho các thế lực thù địch có lý do chống Đảng và " làm giảm sút, xói mòn niềm tin của nhân dân trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực do Đảng ta lãnh đạo" (Công an Nhân dân, ngày 19/02/2024).

Những bản án

Để chống đỡ, một bài viết của báo Công an Nhân dân khoe :

"Trong năm 2023, Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo 68 vụ án, 45 vụ việc ; đã khởi tố mới 12 vụ án/45 bị can, khởi tố bổ sung 238 bị can trong 23 vụ án ; kết luận điều tra và kết luận điều tra bổ sung 20 vụ án/369 bị can ; ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án/252 bị can ; xét xử sơ thẩm 13 vụ án/194 bị cáo ; xét xử phúc thẩm 13 vụ án/82 bị cáo. Cũng trong thời gian này, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị trên 232.000 tỉ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác ; các cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi được trên 9.000 tỷ đồng, nâng tổng số tiền thu hồi được trong các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đến nay là 75.800 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 49,44%).

Tham nhũng là kẻ thù bên trong rất nguy hiểm. Cuộc chiến này không phải làm trong một sớm, một chiều, cũng không phải làm một lần là xong. Chống tham nhũng là cuộc chiến chống "giặc nội xâm" đòi hỏi phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, bền bỉ với ý chí, quyết tâm chính trị cao nhất của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân (Công an Nhân dân, ngày 19/02/2024).

Thành tích này mới nói được một nửa sự thật. Nửa còn lại là thắc mắc chưa thấy Đảng đưa ra ánh sáng tình trạng "bao che" tham nhũng trong cơ quan điều tra, giám sát và tư pháp. Những mánh lới gồm có "né tránh", "nể nang", "tội năng phạt nhẹ", "đùn đẩy trách nhiệm" và "làm ngơ".

Các loại tham nhũng

Lý do tham nhũng tiếp tục "sống lâu, sống khỏe và sống hùng" vì những kẻ tham nhũng biết toa rập với nhau, đặt "chủ nghĩa cá nhân", lấy phương châm "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi" làm tiêu chuẩn sống còn.

Vậy có bao nhiêu loại tham nhũng đang hoành hành ở Việt Nam ?

Theo phân tích của Quốc hội thì có 3 loại :

1) Địa chính nhà đất.

2) Hải quan/quản lý xuất nhập khẩu.

3) Cảnh sát giao thông.

Các loại tham nhũng này đều sinh ra, lớn lên và tồn tại theo tiêu chí "quan hệ, tiền tệ, hậu duệ" rồi mới đến "trí tuệ".

Theo lời Bộ trưởng
Tài nguyên và môi trường Mai Ái Trực thì : "Những cán bộ, công chức có thẩm quyền quyết định hoặc trực tiếp làm các thủ tục về phê duyệt quy hoạch xây dựng, giao đất, cho thuê đất ; cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi, giải phóng mặt bằng" (Tuổi Trẻ, ngày 09/12/2005).

Ông Trực nói tiếp : "Có trường hợp cả một tập thể như vụ tham nhũng đất đai ở Đồ Sơn chẳng hạn. Ngoài ra, cũng có những người không trực tiếp làm các việc nêu trên nhưng được "lộc" lớn về đất đai do cấp dưới "cung phụng" hoặc dùng đất đai làm "ngoại giao" theo kiểu "có đi có lại".

Chi tiết về "Thủ đoạn tham nhũng về đất đai" được Bộ trưởng Mai Ái Trực tiết lộ :

"Một là, lợi dụng các chương trình, dự án của Nhà nước để bao chiếm ruộng đất, chia chác đất đai, nhất là đối với chương trình trồng rừng, các dự án phát triển khu dân cư, các dự án tái định cư ;

Hai là, lợi dụng chức vụ quyền hạn để "ban phát" về đất đai một cách ưu ái như giao đất, cho thuê đất với diện tích lớn, vị trí thuận lợi, giá đất thấp, giải quyết thủ tục nhanh chóng một cách bất thường và trục lợi thông qua việc "ban phát" ưu ái đó nhất là đối với đất các dự án đầu tư ;

Ba là, cửa quyền, nhũng nhiễu, gây khó khăn để vòi vĩnh khi thực hiện các thủ tục hành chính trong quản lý đất đai như giao đất, cho thuê đất cho phép chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng".

Ông Trực bồi tiếp : "Đáng lưu ý là công tác quản lý cán bộ chưa tốt. Một bộ phận cán bộ, công chức hư hỏng, thoái hóa nhưng việc giám sát, kiểm tra thiếu hiệu quả ; việc xử lý vi phạm nhìn chung chưa nghiêm, chưa có tác dụng răn đe, trừ những trường hợp đã đưa ra công luận".

Tham nhũng hải quan

Về loại tham nhũng ở Tổng cục Hải quan được Phó cục trưởng Đặng Văn Tạo cho biết : "Ngành Hải quan là lĩnh vực công tác có đặc thù phức tạp vì cán bộ công chức thường xuyên tiếp xúc với tiền và hàng, trong khi đại bộ phận doanh nhân chấp hành tốt pháp luật thì vẫn còn không ít người luôn tìm mọi cách lợi dụng, mua chuộc cán bộ hải quan để gian lận, buôn lậu".

Ông Tạo nhìn nhận có tình trạng "móc nối giữa công chức hải quan và doanh nghiệp, đồng thời để một số cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất tham nhũng".

Ông nói : "Năng lực trình độ, phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ công chức Hải quan nhìn chung vẫn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và chưa đồng đều, nhu cầu đào tạo và đào tạo lại rất lớn nhưng chưa thể giải quyết một sớm một chiều".

Lối nói "phủi tay" lấy được này của ông Đặng Văn Tạo không làm ai ngạc nhiên vì ở đâu cũng có và thời nào cũng giống nhau.

Cảnh sát giao thông

Về tình trạng tham nhũng trong ngành Cảnh sát giao thông, một cuộc điều tra hỗn hợp của Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam năm 2012 đã kết luận rằng "Cảnh sát giao thông là ngành có nạn tham nhũng phổ biến nhất".

Lý do vì Cảnh sát giao thông được giữ 70% tiền phạt nên họ đã bảo nhau phạt càng nhiều càng tốt (cho ngành Cảnh sát giao thông).

Bằng chứng như "báo cáo của Bộ Tài chính cho biết thì "tổng số tiền thu phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông năm 2011 hơn 2.540 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2012 gần 1.999 tỷ đồng. Như vậy, với tỷ lệ được trích lại 70% số tiền thu phạt, Cảnh sát giao thông được phân bổ số tiền khá lớn" (Sài Gòn Giải phóng, ngày 21/11/2012).

Các cuộc điều tra cũng cho biết Cảnh sát giao thông nhận tiền phạt mà không giao giấy phạt.

Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tham nhũng loại này là nghiêm trọng và phức tạp, nhưng hứa sẽ tiếp tục tìm cách giải quyết.

Một trong những có gắng là đã "thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng" đạt trên 20.000 tỷ đồng (từ tháng 10/2022-10/2023), hay hơn 50% tiền tham nhũng kinh tế. Nguyên nhân không thu hết được vì tài sản tham nhũng đã phân chia cho người khác đứng tên.

Theo Quốc hội, số tài sản chưa thu hồi được chiếm từ 40 đến 50%, trị giá hàng ngàn tỷ đồng.

Cái vòng luẩn quẩn này như con bạch tuộc 3 đầu 6 tay. Chặt đầu này lại có đầu khác mọc ra rất khó diệt tuyệt nọc.

Trong diễn văn kiểm điểm, sau 10 năm chống tham nhũng (2012-2022), Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng phải nhìn nhận :

"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng : Công tác phòng, chống tham nhũng vẫn còn những hạn chế, tồn tại như trong Báo cáo đã nêu. Đó là :

- Một số bộ, ban, ngành, địa phương chưa có quyết tâm cao, chưa có sự chuyển biến mạnh.

- Việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế ; tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp ; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

- Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả.

- Tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội.

- Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những "kẻ thù hung ác", nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta" (TTXVN, ngày 30/06/2022).

Sự thú nhận thất bại của ông Trọng chứng minh rằng ông và Đảng cộng sản Việt Nam đã bất lực trước những kẻ tham nhũng, và tham nhũng vẫn ngạo nghễ cười vào mủi Đảng.

Nói cách khác, chế độ một đảng cầm quyền độc tài đã đẻ ra tham nhũng, nuôi tham nhũng nên không thể chống được tham nhũng.

Phạm Trần

(22/02/2024)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Phạm Trần
Read 601 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)