Tổng Thanh tra Chính phủ - Đoàn Hồng Phong trong báo cáo gửi Quốc hội mới đây cho biết có 35 người bị phát hiện tham nhũng qua hơn hàng ngàn cuộc thanh tra được Tổng Thanh tra Chính phủ thực hiện trong chín tháng vừa qua.
Phiên tòa xét xử các cựu quan chức Chính phủ tham nhũng trong vụ án bộ xét nghiệm Covid-19 của Việt Á tại Hà Nội hôm 3/1/2024. AFP
Những con số đáng nghi ?
Nhận định con số trong báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ vừa đưa ra được truyền thông loan dẫn, nhà báo Nguyễn Khắc Toàn đưa ra nhận định của ông với RFA hôm 23/10 :
"Việc thanh tra hàng ngàn trường hợp mà chỉ tìm ra có hơn 30 trường hợp tham nhũng như vậy chưa được 1%. Nhưng kết quả tìm ra như vậy là chưa tin lắm, vì tình trạng tham nhũng hiện nay lan tràn mọi lĩnh vực, khắp các ngành, trong dân sự cũng có, trong công an cũng có, mà trong quân đội cũng có… nhân dân trong nước biết rất rõ. Có những trường hợp tham nhũng nhỏ, tham nhũng vặt chưa đến mức khởi tố thì không tính, còn số lượng tham nhũng lớn thì hiện nay chỉ mình cơ quan nhà nước biết, còn báo chí Đảng kiểm soát chỉ cho dân biết như thế, thì không đáng tin được".
Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn dẫn chứng trường hợp tham nhũng liên quan vụ khiếu kiện của gia đình ông :
"Ví dụ như vụ án dân sự nhà tôi, tôi nhìn thấy rõ một luật sư là Nguyễn Hoàng Bách chạy án liên quan ba vụ án nhà tôi. Thứ nhất là vụ ly hôn bà chị ruột, vụ thứ hai là vụ đòi nhà từ thời Pháp thuộc và vụ thứ ba là vụ tôi trở thành oan sai… rõ ràng bà Nguyễn Thị Hiền Hòa là thẩm phán quận Hoàn Kiếm nhận tiền qua luật sư Nguyễn Hoàng Bách. Những chuyện như vậy thanh tra sao biết được, vì không để lại chứng cứ gì. Nhưng xét bản chất vụ án và tài liệu tôi thu thập được thì rất rõ ràng Nguyễn Hoàng Bách chuyên chạy án, cái này có thanh tra được đâu ?".
Do đó, theo Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn, việc thanh tra và báo cáo của thanh tra là kết quả Đảng và Nhà nước nói, rồi thông báo cho truyền thông công bố cho công luận, không thể tin được.
Khẳng định lập luận của mình là có cơ sở, ông Toàn nêu tiếp dẫn chứng với RFA :
"Một ví dụ nữa là hai sĩ quan công an đều tự cấp tướng, cấp tá trở lên, như ông Nguyễn Anh Tuấn, Thiếu tướng – Phó Giám đốc công an Hà Nội, không có chức năng thẩm quyền nhiệm vụ, mà dám đứng ra nhận của hai vợ chồng công ty bầu trời xanh 2,15 triệu đô la, tương đương 62 tỷ đồng để móc nối với Hoàng Hưng là điều tra viên cao cấp của Bộ Công an. Cuối cùng loanh quanh đổ đi đổ lại, họ hư hỏng như thế đó".
Hoặc như ông cho biết, có nhiều công dân ở Đà Lạt – Lâm Đồng đã lập ra một trang Facebook giúp chống tham nhũng, nhưng lại bị bắt, bị bỏ tù… với cáo buộc chống đảng dưới vỏ bọc chống tham nhũng. Từ các sự việc cụ thể trên, Nhà báo Nguyễn Khắc Toàn nhấn mạnh ông không tin những con số từ kết quả thanh tra.
Nguyên nhân khó phát hiện tham nhũng
Trong khi đó, theo Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy, sở dĩ có hàng ngàn vụ thanh tra nhưng chỉ phát hiện 35 người tham nhũng vì có nhiều lý do. Trong đó, tiến sĩ Vũ cho rằng phải kể đến việc các tiếng nói đối lập bị dập tắt triệt để những năm gần đây. Ngoài ra, theo Tiến sĩ Vũ :
"Tham nhũng rất nhiều nhưng thanh tra rất khó mà phát hiện tham nhũng. Tại sao ? Thứ nhất là báo chí đã bị thắt chặt rất nhiều trong những năm vừa qua. Hậu quả là giới báo chí chỉ hoạt động cầm chừng, đăng những tin vô thưởng, vô phạt".
Việc thiếu không gian cho những tiếng nói khác biệt khiến việc lên tiếng về các sai trái và tham nhũng diễn ra trong xã hội ngày càng bị hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân. Thêm một nguyên nhân nữa được ông Vũ nêu ra đó là các hình thức tham nhũng giờ đây đã trở nên ngày càng tinh vi :
"Bên cạnh các tham nhũng vặt, tức công chức nhận tiền của người dân để làm dịch vụ, tham nhũng còn diễn ra dưới dạng tham nhũng chính sách tức các doanh nhân sẽ vận động để quan chức có các chính sách có lợi cho mình. Với cách hoạt động như vậy thì việc phanh phui các bằng chứng tham nhũng trở nên khó hơn. Và càng khó hơn khi mà không có những cơ quan hay cá nhân làm truyền thông độc lập, có một không gian tự do để họ theo đuổi các điều tra và nêu các vấn đề".
Trước đó, theo truyền thông Nhà nước, trong tám tháng đầu năm 2024, Đảng cộng sản Việt Nam đã kỷ luật hơn 4.000 đảng viên do suy thoái, 230 đảng viên vì tham nhũng, bao gồm 45 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Trong đó, số vụ án bị điều tra là 475 vụ với 1.094 bị can liên quan các tội tham nhũng, bao gồm 16 cán bộ diện Trung ương quản lý.
Tổ chức Minh bạch Quốc tế - TI hôm 30/1/2024 công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng - CPI năm 2023. Trong đó, Việt Nam đạt 41/100 điểm và xếp hạng 83/180 toàn cầu, bị giảm điểm, tụt hạng so với một năm trước đó.
Nguồn : RFA, 23/10/2024
Phó Ban Nội chính Trung ương bị kỷ luật do tham nhũng : dột từ nóc lan rộng !
RFA, 18/06/2024
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp 42 hôm 15/6/2024 đã đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên - Phó ban Nội chính Trung ương vì vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp 42 hôm 15/6/2024 đã đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên - Phó ban Nội chính Trung ương. Courtesy chinhphu.vn
Ngoài ra, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Yên đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả ‘rất nghiêm trọng’…
Một Phó ban Nội chính Trung ương bị kỷ luật có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc chiến chống tham nhũng ? Một người dân ở miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 18/6/2024 cho RFA biết ý kiến :
"Ban Nội chính Trung ương là Ban có nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ chứ không phải là cơ quan chống tham nhũng như Ủy ban kiểm tra trung ương. Tuy vậy, Ban Nội chính trung ương cũng có thể kết hợp với Ủy ban kiểm tra trung ương trong việc phòng chống tham nhũng.
Do đó, ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban nội chính trung ương, chức này bên Đảng tương đương chức bộ trưởng bên chính phủ, bị đề nghị kỷ luật thì cũng làm ảnh hưởng đến việc phòng chống tham nhũng. Vì lẽ, một cán bộ cấp cao của Đảng mà không gương mẫu, tha hóa, sa đọa, vi phạm những điều đảng viên không được làm… thì sẽ làm giảm lòng tin của người dân đối với công việc phòng chống tham nhũng".
Theo người dân này, nếu làm mất lòng tin của dân sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy :
"Giảm lòng tin thì người dân sẽ nghi ngờ về chủ trương lớn của Đảng đối với công tác này và có thể họ suy nghĩ về các cán bộ cấp cao của Đảng "ai cũng thế" và đương nhiên là sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng đối với cán bộ nhà nước. Do đó, muốn làm cho cán bộ nhà nước trong sạch, liêm khiết, gương mẫu… thì khó lắm, nhất là trong điều kiện Đảng độc quyền lãnh đạo, cán bộ do Đảng chọn lựa. Theo Điều 4 hiến pháp : ‘Đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối’ !"
Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, về các chính sách thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương…
Từ Đức quốc hôm 18/6/2024, luật sư hân quyền Nguyễn Văn Đài giải thích với RFA :
"Ban Nội chính Trung ương là một cơ quan theo dõi khối nội chính gồm : cơ quan điều tra là công an, cơ quan truy tố là viện kiểm sát và cơ quan xét xử là tòa án… và đặc biệt nó theo dõi rất nhiều vụ án tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên. Bởi vậy khi có những quan chức ở cấp địa phương mà dính dáng đến tham nhũng, thì thường họ tìm mọi cách để mà ‘chạy’ với các quan chức cao cấp của Ban Nội chính Trung ương nhằm bao che cho tội lỗi của họ".
Như vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, một người như ông Nguyễn Văn Yên, có rất nhiều quyền lực để có thể tham nhũng. Ông Đài nói tiếp :
"Một Phó trưởng Ban Nội chính tức là một người rất có quyền lực, có thể quyết định truy tố một người có tội, hay tha bổng một người đã phạm tội… Do vậy một ông Phó trưởng Ban Nội chính mà vi phạm kỷ luật như vậy, được coi là không còn đảm bảo sự đúng đắn của một cơ quan bảo vệ pháp luật nữa. Vì một người đứng đầu mà như vậy, thì hiển nhiên cấp dưới của họ sẽ vi phạm rất nhiều, lãnh đạo vi phạm như vậy thì những người chuyên viên, những người trong Ban Nội chính sẽ vi phạm… không còn đúng là một cơ quan để mà theo dõi các cơ quan phòng chống tham nhũng khác nữa".
Việt Nam bị xếp hạng 87 trong danh sách 180 quốc gia về tham nhũng theo báo cáo của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố hôm 25/1/2022.
Các vụ tham nhũng bị đưa vào diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, vì có sự góp mặt vi phạm của hàng loạt lãnh đạo cấp cao, phải kể đến như vụ FLC ; Tân Hoàng Minh ; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á ; Công ty AIC...
Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 18/6/2024 khi trao đổi với RFA nhận định :
"Chuyện lãnh đạo chống tham nhũng mà tham nhũng là chuyện bình thường trong chính trị Việt Nam. Giống như các thứ trưởng Bộ Công an có nhiệm vụ phòng chống cờ bạc lại là những người bảo kê cho đường dây cờ bạc ngàn tỷ vậy. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để người ta kiếm thêm tiền tham nhũng bằng chiêu bài mượn đao giết người. Các quan chức cấp cao cố tình để cho cấp thấp tham nhũng, sau đó lấy cớ chống tham nhũng để nuốt trọn số tiền của cán bộ cấp thấp.
Giống như người đứng đầu Đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng từng nói ‘chống tham nhũng là ta tự đánh ta’. Tức là chỉ có cộng sản mới tham nhũng, chống tham nhũng là hình thức thanh trừng nội bộ để tranh đoạt tiền của và quyền lực của các quan chức cộng sản Việt Nam".
Theo ông Quân, càng chống tham nhũng thì lại càng thêm tham nhũng, quan sau tham hơn quan trước thì rõ ràng là không hiệu quả. Vậy thì cần phải coi lại cơ chế chống tham nhũng của Đảng cộng sản hiện nay. Ông Quân cho biết thêm :
"Nếu thật sự muốn chống tham nhũng thì phải tôn trọng ý kiến của người dân. Chứ hiện nay người dân thường mà tố cáo tham nhũng là sẽ bị công an trừng phạt bằng nhiều biện pháp như cô lập kinh tế hoặc thậm chí bắt giam người tố cáo. Còn người bị tố cáo thì càng ngày càng thăng tiến thì ai mà dám tố cáo tham nhũng nữa. Phải đợi thế lực sau lên để trả thù thế lực trước rồi mới có người bị xử lý thì không được. Đó là hình thức trả thù của giang hồ chứ không phải trong một xã hội pháp quyền".
Còn nếu Đảng cộng sản không xử lý được nạn tham nhũng thì theo ông Quân, họ nên trả quyền làm chủ đất nước lại cho người dân, để người dân được tự do bầu chọn ra các lãnh đạo có tài có đức cho đất nước.
Nguồn : RFA, 18/06/2024
**************************
Hàng loạt cán bộ Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa bị bắt giữ : Có hay không việc tiếp tay chạy án ?
BBC, 17/06/2024
Vụ hàng loạt cán bộ tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị bắt giữ đang gây xôn xao dư luận về việc có hay không sự tiếp tay chạy đại án bằng tấm giấy xác nhận tâm thần.
Tính đến chiều ngày Chủ nhật 16/6 đã có 13 người bị bắt và triệu tập về Thành phố Hồ Chí Minh cho việc điều tra bao gồm 11 viên chức và 2 cán bộ đã nghỉ hưu.
Trong số những người bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam (C02) bắt giữ có ông Lê Văn Hùng, viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Thành Công, phó viện trưởng, ông Bùi Thế Hùng, cựu viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Văn Trọng, trưởng khoa điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất và các bác sĩ, điều dưỡng khác.
Những người này bị bắt để điều tra liên quan đến cáo buộc sai phạm liên quan đến kết quả hồ sơ giám định, điều trị các bệnh nhân.
Trước tình hình nhân sự thiếu hụt, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã gửi công văn hỏa tốc cho Bộ Y tế Việt Nam về phương án giải quyết. Văn bản có nội dung :
"Hiện nay tình hình rất cấp bách, không còn cán bộ làm việc, Viện báo cáo hỏa tốc và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để có phương án ổn định nhân lực công tác", theo tường thuật từ truyền thông trong nước.
Theo báo Người Lao động vào hôm nay 17/6, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm việc hôm nay tại viện này.
Chứng nhận bệnh tâm thần cho người 'dính' đại án ?
Đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về liệu có khả năng những người không mắc bệnh tâm thần, có dính đến các vụ đại án, đã được chứng nhận bị bệnh để tránh phải đứng trước vành móng ngựa
Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam được thành lập năm 2015.
Chức năng của viện là giám định pháp y tâm thần, quản lý, điều trị người rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tố tụng.
Đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về liệu có khả năng những người không mắc bệnh tâm thần, có dính đến các vụ đại án, đã được Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa chứng nhận bị bệnh để tránh bị pháp luật xử lý ?
Báo chí trong nước đưa tin một số trường hợp liên quan đến kết quả giám định của viện này là bà Trần Thị Mỹ Hiền, nguyên Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 816 tỉ đồng. Hiện bà Hiền bỏ trốn và đang bị truy nã.
Theo kết quả giám định từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, bà Hiền đã "mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".
Kết quả từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Hà Nội) cũng cho kết quả tương tự.
Theo báo Tuổi Trẻ, còn có trường hợp bà Tống Thị Bạch Lan bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" hồi năm 2020.
Cũng vào năm này, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận bà Lan : "Tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".
Sau đó bà Lan được đi chữa trị bệnh bắt buộc và trốn viện.
Hiện không rõ vụ án này sẽ được mở rộng và còn liên quan đến những người nào khác ngoài những người được báo chí trong nước đề cập cho đến nay.
Hiện tượng bỏ tiền để mua giấy xác định tâm thần đã diễn ra phổ biến trong thời gian qua tại Việt Nam. Ảnh Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/3/2024
'Chạy bệnh'
Điều 447 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau : "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án là một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.
Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 có nội dung : "Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự".
Với những quy định như vậy, việc lách luật",chạy án" bằng giám định tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự diễn ra phổ biến trong thời gian qua ở Việt Nam, theo báo trong nước.
Trong những năm qua liên tục có những cảnh báo về việc những đối tượng phạm trọng tội lợi dụng những kẽ hở để thoát tội bằng việc bỏ tiền ra mua kết quả giám định tâm thần.
Đã có những bác sĩ tại Việt Nam bị kết án về tội nhận hối lộ liên quan đến kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả mạo.
Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2016, ông Đinh Văn Quế, cựu chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân tối cao đã chất vấn "Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế !".
Cụ thể ông đề cập đến một khái niệm "chạy bệnh" vẫn còn xảy ra đến tận ngày nay :
"Nhiều người cho rằng nên bổ sung cụm từ "chạy bệnh" vào sau các từ : chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển...
Trong đó "chạy bệnh" dễ hơn chạy các thứ khác. Hơn nữa, có ai kiểm tra được tính xác thực của các bệnh án và bản giám định pháp y đâu !
Mặc dù theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y cũng chỉ là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, có quyền tin hay không tin.
Tuy nhiên, thực tiễn thì dù không tin cơ quan tiến hành tố tụng cũng không dám bác bỏ, bởi lẽ mình không có chuyên môn này.
Cùng lắm là yêu cầu giám định lại, chứ chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng thẳng thừng bác bỏ.
Đây cũng là cái "mai rùa" rất cứng và an toàn để những quan tham ẩn nấp !", ông viết.
Nguồn : BBC, 17/06/2024
********************************
Viện Pháp y Tâm thần Trung ương - thêm ổ tham nhũng nay mới bị sờ đến !
RFA, 18/06/2024
Sáng 16/6/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã bắt hai lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, gồm bác sĩ Lê Văn Hùng, Viện trưởng và bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó viện trưởng. Ngoài ra, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ của viện này cũng bị công an triệu tập dẫn đến chuyện không còn cán bộ làm việc. Bộ Y tế phải họp gấp.
Bộ Công an bắt thêm Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa
Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có chức năng giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và luật Giám định tư pháp ; chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ pháp y tâm thần cho ba trung tâm pháp y tâm thần khu vực phía nam.
Theo thông tin được truyền thông Nhà nước loan tải, việc bắt giữ là để điều tra, làm rõ sai phạm trong việc điều trị, lập hồ sơ chứng nhận tâm thần cho bệnh nhân. Đây là chuyên án do Bộ Công an xác lập.
Bác sĩ Nguyễn Viện nêu nhận định của ông với RFA :
"Nó liên quan nhiều đối tượng. Ví dụ công chức muốn nghỉ hưu sớm thì phải qua giám định y khoa, trong đó có giám định về tâm thần. Mà giám định tâm thần thì khám cũng không thấy gì về mặt vật lý, xét nghiệm cũng không thấy gì. Chỉ có tiếp xúc với bác sĩ qua giao tiếp, qua lời nói, thái độ, hành vi rồi bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Do đó, chẩn đoán về tâm thần học nó dựa vào nhận định chủ quan của người bác sĩ. Nhưng khi đưa ra kết quả giám định sức khỏe tâm thần thì cũng mời một số bác sĩ chuyên khoa tâm thần.
Còn liên quan vấn đề pháp luật thì có những người phạm tội nhưng được cho rằng bị bệnh tâm thần thì ra tòa sẽ được miễn tội chẳng hạn. Có thể họ cấp giấy tâm thần khống, không họp hội đồng giám định gì cả".
Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nêu quan điểm của ông với RFA :
"Về mặt pháp luật thì bị can, bị cáo bị tâm thần có giấy xác nhận của cơ quan chuyên môn thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Về mặt thực tế, đã có nhiều quan chức cao cấp, trung cấp khi bị truy tố ra tòa thì có giấy xác nhận tâm thần. Như vậy, việc lợi dụng bị tâm thần để trốn tội gây ra đàm tiếu, cười cợt trong dư luận, làm mất danh dự của đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Nhân sự được lựa chọn theo quy trình rất kỹ lưỡng với nhiều mỹ từ, thế nhưng ra tòa là bị tâm thần. Chắc chắn có sự thông đồng giữa viện tâm thần này với các quan chức bị truy tố để cấp giấy xác nhận tâm thần cho họ nhằm trốn tội.
Việc bắt từ viện trưởng, viện phó cho đến bác sĩ cho thấy đây là một căn cứ để xác nhận mấy tờ giấy xác nhận tâm thần của một số quan chức được mua bằng tiền. Và điều này được Bộ công an theo dõi từ lâu trước khi chuyên án được công bố".
Nhà quan sát này dự đoán sắp tới sẽ có những nhân vật cao cấp bị bắt tiếp, và dường như Bộ Công an cũng đã nghe ngóng và nắm bắt thông tin sẽ có trò gian lận xác nhận tâm thần để tránh tội.
"Do đó, việc Bộ Công an bắt Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là để ngăn chặn việc lợi dụng giấy xác nhận tâm thần trốn tội", ông kết luận.
Chuyện một số quan chức ra tòa có giấy chứng nhận tâm thần không còn là chuyện lạ với người dân. Tại phiên họp toàn thể đánh giá về tình hình phòng chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội từ 10 năm trước, ngày 15 tháng 9 năm 2014, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý, rất nhiều vụ án tham nhũng sau khi khởi tố điều tra thì bị can bị cáo bị bệnh tâm thần, phải chờ để giám định, hoặc bị đình chỉ khiến vụ án kéo dài. Ông Đương cho rằng loại tội phạm này thì không cần phải đi giám định tâm thần nữa.
Báo chí Nhà nước cũng từng đặt vấn đề quan chức ra tòa có giấy chứng nhận tâm thần, như báo Tuổi Trẻ có bài ‘Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế !’ ; báo Dân trí có bài ‘Tại sao cứ phạm tội là bị tâm thần’ bài ‘Từ "hội chứng tâm thần tham nhũng" đến giang hồ… "chạy bệnh điên" !’ ; báo Thanh niên có bài ‘Tội phạm tham nhũng thường... tâm thần’…
Cách đây vài năm, khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải ra tòa về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", thì được đề nghị giảm án do có ‘tiền sử bị bệnh tâm thần’.
Có ý kiến cho rằng, việc bắt hai lãnh đạo của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là một bước ngăn chặn nạn "giả tâm thần" để tránh sự trừng phạt của luật pháp trong công cuộc đốt lò của ông Trọng.
Theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền bác bỏ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại không có chuyên môn nên có thể yêu cầu giám định lại nếu có nghi ngờ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, giám định lại thì kết quả cũng không khác. Ông nói với RFA :
"Nếu có giấy xác nhận bị bệnh tâm thần thì có thể không bị khởi tố, cho nên cũng có nhiều quan chức phải "chạy" cho được những tờ giấy này để miễn bị truy tố. Đây cũng là một câu chuyện trong công cuộc đốt lò thôi. Chắc họ phát hiện ra có nhiều vị tai to mặt lớn có giấy tâm thần để trốn tội, nên mục đích trong vụ này có thể là tốt, theo nghĩa cho công bằng hơn. Điều này đúng thôi.
Nhưng bản thân cái cuộc đốt lò này cũng có đại vấn đề mà đánh giá thì không đơn giản. Cả cái hệ thống thối nát thì có chặt chỗ này cũng còn chỗ khác. Không bớt thối nát đi được".
Sau vụ bắt giữ lãnh đạo và bác sĩ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Bộ Y tế đề nghị Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh tiến hành thanh tra đột xuất ngay đối với các đơn vị có biểu hiện vi phạm trong giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh, đồng thời hằng năm đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra trình Bộ Y tế xem xét, quyết định.
Nguồn : RFA, 18/06/2024
Khi Võ Văn Thưởng bị tước hết các loại chức vụ, một nguyên tổng biên tập phát hiện, hầu như tất cả những người soạn thảo và triển khai máy móc Quy hoạch báo chí đều đã mất chức hoặc bị bắt. Mở đầu là Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn…
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son được dẫn đến tòa sơ thẩm ngày 20/1/2019
Có nhà báo nhìn hiện tượng này như là "nhân quả" ; có nhà báo cảm thấy được an ủi khi "kẻ thù của báo chí" bị trừng trị.
Quy hoạch, khi được triển khai máy móc, đã triệt hạ địa vị pháp lý của nhiều tờ báo tử tế, làm giảm giá trị thương hiệu, làm suy yếu khả năng tiếp cận bạn đọc của nhiều trang báo trên nền tảng số.
Quy hoạch báo chí được Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trương và Nguyễn Bắc Son được coi là tác giả. Trưởng ban Tuyên giáo lúc ấy là Đinh Thế Huynh. Cho dù trong "Chế độ ta", báo chí chưa bao giờ là "Quyền lực thứ Tư", chưa có thời nào, chưa có chính sách nào làm suy yếu "báo chí của Đảng" như Quy hoạch báo chí.
Những người làm Quy hoạch báo chí không phải bị "nghiệp quật". Phần lớn bọn họ đã là quan tham trước khi bắt tay vào công việc này. Chính bọn họ hiểu rõ, kẻ thù lớn nhất của tham nhũng là báo chí.
Chừng ấy báo đài và nhà báo đã đóng góp gì trong công tác thông tin trung thực hay chỉ thông tin theo lệnh ?
Quy hoạch báo chí sai từ nền tảng lý luận.
Thay vì những cơ quan đã nắm giữ quyền lực nhà nước thì không được giữ quyền ngôn luận [hãy đọc lại báo của Công an, Tòa án về những vụ án oan để thấy báo chí đã kết án những Huỳnh Văn Nén, Nguyễn Thanh Chấn… ngay từ khi họ vừa bị bắt], Quy hoạch báo chí lại làm ngược lại, các bộ ngành được ra báo còn các hiệp hội thì chỉ có quyền ra tạp chí.
Lẽ ra bộ, ngành và những cơ quan quyền lực như Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát, Thanh Tra… thì chỉ có quyền xuất bản những tờ nội san, những tờ tạp chí chuyên ngành [để trao đổi nghiệp vụ…] thì lại đang nắm trong tay các cơ quan báo chí. Tình trạng báo chí "nhũng nhiễu" ở các địa phương, trong các doanh nghiệp không chỉ có các tờ vô danh mà còn có các tờ báo của các cơ quan quyền lực ; chính các cơ quan "mũ cao áo dài" này cũng đang dẫn đầu số tờ báo mang nội dung lá cải.
Chỉ cần xem doanh thu quảng cáo của những tờ báo của các bộ sức mạnh như Giao Thông, Công Thương… đủ thấy, doanh nghiệp chọn quảng cáo ở đây vì chất lượng thông tin hay vì quyền lực của cơ quan chủ quản.
Nhà nước có thể sử dụng ngân sách và lập ra các cơ quan báo chí (VTV, VOV…) phục vụ mục đích tuyên truyền và đảm bảo quyền được thông tin cho dân chúng nhưng phải hết sức cân nhắc khi dùng ngân sách để ra báo ; ngay cả phần ngân sách phục vụ mục tiêu thông tin tuyên truyền cũng có thể tài trợ - thông qua cơ chế đấu thầu – cho một số cơ quan báo chí.
Thay vì sáp nhập, giải tán các cơ quan báo chí như "Quy hoạch", chỉ cần cắt ngân sách và không để cơ quan báo chí nào núp bóng các cơ quan quyền lực nhà nước [không còn chủ quản là các bộ, ngành…].
Cho dù "báo chí tư nhân" chưa được chấp nhận nhưng trên thực tế nhiều tờ báo đã vận hành như các doanh nghiệp tư (VnExpress, Kinh Tế Việt Nam, Dân Trí…). Và, phải thừa nhận rằng, chính các tờ báo tư này lại đang làm báo rất chuyên nghiệp và rất ít có sai sót về chính trị [họ cẩn trọng vì cơm áo gạo tiền của họ]. Quy hoạch đã khiến những cơ quan báo chí tử tế này phải mang thêm một gánh nặng khi phải tìm kiếm một cơ quan chủ quản mới.
Cho dù thời nào trong "Chế độ ta" báo chí cũng chỉ được coi là "công cụ". Nhưng, các nhà lãnh đạo ở thế hệ thứ nhất, những người từng sử dụng báo chí trong chế độ cũ cho công cuộc đấu tranh giành chính quyền, không bao giờ sai bảo báo chí như ta đang thấy. Những người đứng đầu những cơ quan báo chí như Quân đội Nhân dân, Nhân Dân, VOV, VTV hay Ban Tuyên giáo, Bộ Thông tin… trước đây đều từng là những nhà báo hàng đầu hoặc là những người am hiểu sâu báo chí.
Các tổng biên tập thời đó, luôn có nhiều người vừa tài năng vừa rất dũng khí. Khi Phó trưởng ban Tuyên giáo Hồng Vinh vào Nam lớn tiếng với các tổng biên tập, nhà báo Võ Như Lanh đã đứng lên nói thẳng, "Anh đừng vào đây mà dạy dân Sài Gòn làm báo".
Các nhà lãnh đạo như Trường Chinh, Đỗ Mười, Võ Văn Kiệt… vẫn đối xử với ngay cả những nhà báo ở tuổi con cháu mình một cách tôn trọng. Các nhà lãnh đạo ấy không chỉ tôn trọng những con người cụ thể mà tôn trọng một thiết chế của chế độ, tôn trọng sứ mệnh mà nhà báo đang đảm nhận.
Tham nhũng và sự dốt nát luôn coi báo chí như kẻ thù. Những kẻ dốt nát và tham nhũng vừa sợ hãi lại vừa muốn cầm nắm báo chí để tự ru ngủ hoặc tự tô vẽ mình. Không phải tự nhiên mà mấy đời bộ trưởng Thông tin và truyền thông gần đây, đều trở nên lố bịch ngay khi chưa bị hạ bệ. Thay vì cảnh tỉnh, các nhà báo cấp dưới, phần nhiều lọc lõi hơn, cứ tạo điều kiện cho anh "nổ", cứ "khen cho anh chết".
Chính Đảng và Nhà nước mới là bên chịu thiệt hại nhiều nhất khi "báo chí của Đảng" suy yếu chứ không phải nhân dân. Một khi báo chí càng thụ động, mạng xã hội sẽ càng đầy rẫy "fake News", niềm tin của công chúng vào các định chế công càng giảm sút.
Huy Đức
Nguồn : Osinhuyduc, 25/03/2024
Chuyện quan bà Bí thư Vĩnh Phúc bị bắt giam chưa bớt nóng dư luận lại dậy sóng chuyện nữ Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai bị "bốc hơi" 170 tỷ đồng trong tài khoản ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị "bốc hơi" hơn 170 tỷ đồng trong tài khoản.
Ngày 22/3, báo chí lề phải đồng loạt đưa tin xác nhận Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai đang phối hợp các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh, điều tra vụ việc bà Nguyễn Thị Giang Hương, Chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai) bị "bốc hơi" hơn 170 tỷ đồng trong tài khoản. Báo Thanh Niên dẩn nguồn tin gián tiếp cho rằng "Có một nhóm người dùng thủ thuật rút tiền từ tài khoản của bà Hương trong khoảng thời gian từ ngày 3 – 11/3/2024, với số tiền hơn 170 tỷ đồng" (1).
Báo Tuổi Trẻ dẫn nguồn ẩn danh cho rằng "nhóm lừa đảo đã yêu cầu bà Nguyễn Thị Giang Hương - chủ tịch UBND huyện Nhơn Trạch - mở tài khoản, sau đó bà Hương huy động tiền từ người thân nạp vào tài khoản. Bằng nhiều cách, nhóm lừa đảo qua mạng đã lấy tiền từ tài khoản của vị đương kim chủ tịch huyện mỗi lần vài chục tỉ đồng".
Nhưng cũng báo này dẫn nguồn từ bà Nguyễn Thị Giang Hương đã khẳng định ngược lại : "Đây là vụ hacker tấn công vào tài khoản. Tiền trong tài khoản chứ tôi không chuyển tiền. Công an vẫn đang điều tra nên chưa thể nói gì thêm" (2).
Như vậy đây là tiền của chính bà Chủ tịch, trong tài khoản của bà đã bị kẻ xấu dùng thủ thuật tin học chiếm đoạt. Bà Chủ tịch huyện tài trí thông minh đâu dễ bị lừa vay mượn tiền bỏ vô tài khoản theo lời đường mật của bọn xấu.
Tin vô tài trí của bà Chủ tịch, dân đen lại bất giác hoang mang. Đầy tớ của dân, cán bộ của Đảng cộng sản những người tiên phong của giai cấp vô sản, học theo tấm gương mẫu mực cần kiệm liêm chính chí công vô tư của Hồ Chí Minh sao nhiều người giàu quá cỡ. Giàu quá bất thường so với mức lương chính thức.
Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 10/2023/TT-BNV thì mức lương của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện được tính như sau :
Mức lương = Mức lương cơ sở x Hệ số lương hiện hưởng
Căn cứ khoản 1 Điều 3 Nghị định 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở cho đến 30/6/2023 là 1.490.000 đồng/tháng ;
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện được nhận mức lương là : 8.075.800 đồng/tháng cho đến ngày 30/6/2023.
Từ 01/7/2023 thì mức lương cơ sở thay đổi thành 1.800.000 đồng/tháng (khoản 1 Điều 3 Nghị quyết 69/2022/QH15 và Nghị định 24/2023/NĐ-CP). Khi đó Chủ tịch Ủy nhân dân huyện sẽ nhận mức lương là : 9.756.000 đồng/tháng" (3).
Tính tròn rộng rải bình quân lương Chủ tịch huyện 10 triệu đồng/tháng thì 170 tỉ đồng tương đương với 1.700 tháng lương tức là hơn 140 năm lương. Rõ ràng đây không phải là thu nhập từ lương, vậy liệu bà Chủ tịch này ngoài thời gian làm công bộc phục vụ dân có nghề tay trái nào khả dỉ để hái ra cả núi tiền như vậy ?
Theo luật lệ minh bạch của xứ Đông Lào, cán bộ, công chức hàng năm phải kê khai tài sản. Cụ thể "Bản kê khai của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân các cấp được niêm yết tại trụ sở Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân hoặc công bố tại cuộc họp bao gồm toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân
Bản kê khai được công khai chậm nhất là 05 ngày kể từ ngày cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có nghĩa vụ kê khai bàn giao bản kê khai cho Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập.
Thời gian niêm yết bản kê khai là 15 ngày. Vị trí niêm yết phải bảo đảm an toàn, thuận tiện cho việc đọc các bản kê khai.
Việc niêm yết phải được lập thành biên bản, trong đó ghi rõ các bản kê khai được niêm yết, có chữ ký xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và đại diện tổ chức công đoàn" (4).
Liệu bà Chủ tịch có thực hiện kê khai và cán bộ công chức huyện tỉnh có ai biết đến số tiền trên 170 tỷ đồng này ?
Thật ra quy định nghiêm như vậy để bọn thế lực thù địch không có cớ thối mồm nói xấu thôi chứ cán bộ của đảng, nhà nước ai cũng hăng say học tập đạo đức Hồ Chí Minh nên toàn người trong sạch cả. Đảng đã thống kê "cuối năm 2022, đã có 60.458 người kê khai tài sản, thu nhập lần đầu ; 545.535 người kê khai tài sản, thu nhập hằng năm ; 44.015 người kê khai bổ sung ; 161.928 người kê khai tài sản thu nhập phục vụ công tác cán bộ ; 655.299 người đã được công khai bản kê khai tài sản thu nhập.
Từ 08/2/2022 đến 30/4/2023, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành xác minh tài sản, thu nhập 13.093 người ; có 2.664 người có sai sót về kê khai sai mẫu, chưa bảo đảm theo hướng dẫn, không đầy đủ thông tin, chậm thời hạn so với quy định…
Đặc biệt, các cơ quan đã xử lý 54 người do không trung thực trong kê khai tài sản, thu nhập và giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm (xóa tên khỏi danh sách ứng cử ; kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ; kỷ luật bằng hình thức cách chức…)" (4).
Trong số hơn 600.000 cán bộ kê khai, chỉ có 54 người bị xử lý nhẹ nhàng như vậy chưa đến 1/10.000 người vi phạm. Điều này cho thấy cán bộ đảng quang vinh trong sáng đến mức nào. Hiếm lắm mới có kẻ khai gian nhiều năm như Lê Đức Thọ, từ Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị Ngân Hàng leo lên tới Ủy Viên Trung Ương, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre mới bị bắt giam vì bị lộ hình do liên quan đến đại án Việt Oil.
Tội nghiệp, nhiều cán bộ siêng năng cần cù đã bị dân nghi ngờ mắng mỏ vì tự nhiên bất ngờ đột xuất giàu lên xây nhà to như biệt phủ. Nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền xây biệt phủ ở Bến Tre và hàng taá cơ ngơi nhà cửa ở Sài Gòn đã phải tức tưởi giải trình "Khi đã nghỉ hưu, tôi cũng về làm vườn, lao động đến thối cả móng tay, cực nhọc lắm chứ đâu bở" (6).
Cực khổ vậy mà người ta vẫn không tin, còn moi móc riêng lúc hoàng hôn nhiệm kỳ, trước khi về hưu ông đã vớt cú chót ký quyết định bổ nhiệm hàng chục cán bộ cấp dưới. Có đơn vị ký dồn cùng lúc hai cấp trưởng.
Ông Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường Yên Bái cũng cần cù buôn chổi đót để dành tiền xây biệt phủ chiếm cả quả đồi. Chị ông Giám đốc làm Chủ tịch tỉnh này mẫu mực đến nổi có tay cán bộ kiểm lâm phản động bắn chết Bí thư, Trưởng ban Tổ vhức Tỉnh ủy nhưng vẫn chừa bà ra. Sau án mạng này bà thăng tiến như diều gặp gió, lên Bí thư Tỉnh ủy và hiện nay là Bộ trưởng Bộ Nội Vụ quyền uy tha hồ ban chức tước.
Ngặt nỗi ông em Giám đốc đã lỡ quên không kê khai nhờ buôn chổi đót năm 2014 ông đã mua 1.200 m2 đất ở, gần 60.000 m2 đất nông nghiệp ; không kê khai tiền vay ngân hàng 3,8 tỉ đồng.
Năm 2015, ông lại quên không kê khai trên 13.111 m2 đất ở, gần 42.000 m2 đất nông nghiệp ; không kê khai khoản vay ngân hàng trên 6,3 tỉ đồng và tiền bố mẹ cho 1,9 tỉ đồng.
Từ ngày 18/8/2016 đến 10/2/2017, dựa vào quyền lực chồng, vợ ông chuyển quyền sử dụng đất cho 14 hộ gia đình (đã ký thỏa thuận và góp tiền) trong số đất đã được UBND Thành phố Yên Bái cho phép chuyển mục đích sử dụng sang đất ở... Nói chung là sai phạm theo luật phòng chống tham nhũng thè lè và là một đại gia với tài sản kếch xù vào hàng tỉ phú nhưng nhờ nghề buôn chổi đót nên ông Giám đốc Sở này được chuyển từ vùng núi Yên Bái về thủ đô ngàn năm văn vật yên hưởng giàu sang. Gương "liêm khiết làm giàu" của ông Giám đốc này không chỉ ta mà cả báo chí Nga ngố cũng phải nêu gương học tập. (7)
Huyện Nhơn Trạch của Đồng Nai vốn là vùng nông nghiệp ven biển, tiếp giáp với sân bay Long Thành đang trên đường đô thị hóa thành khu du lịch, công nghiệp. Đất vàng, đất bạc, đất kim cương bao la. Vùng Nhơn Trạch nhiều sông rạch nên chắc có nhiều còng. Hẳn bà Chủ tịch huyện này siêng năng bắt còng xuất khẩu nên 170 tỉ đồng chỉ là chuyện nhỏ. Hacker lấy đươc mới chừng ấy là còn non tay.
Ấy, bà Chủ tịch bắt còng, ông Giám đốc sở buôn chổi đót kiếm hàng trăm tỉ là có cách của người ta. Dân đen đừng tưởng bở học tập theo bán nhà đi bắt còng hay buôn chổi đót mà tàn mạng.
Gió Bấc
Nguồn : RFA, 22/03/2024
1. https://thanhnien.vn/dong-nai-chu-tich-ubnd-hnhon-trach-bi-boc-hoi-hon-1...
2. https://tuoitre.vn/chu-tich-huyen-nhon-trach-bi-lua-dao-100-ti-dong-cong...
3. https://thuvienphapluat.vn/lao-dong-tien-luong/tu-ngay-0172023-chu-tich-...
4. https://thuvienphapluat.vn/hoi-dap-phap-luat/5D6AC-hd-viec-cong-khai-ban...
5. https://dangcongsan.vn/xay-dung-dang/canh-tinh-doi-voi-nguoi-ke-khai-tai...
6. https://1thegioi.vn/ong-tran-van-truyen-tung-phat-bieu-toi-lao-dong-den-...
7. https://sputniknews.vn/20190119/giam-doc-yen-bai-buon-choi-dot-xay-biet-...
Hai ông Nguyễn Công Khế - nguyên Tổng biên tập Báo Thanh Niên, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên - và Nguyễn Quang Thông - nguyên Tổng biên tập báo Thanh Niên - vào ngày 16/1 bị khởi tố, bị bắt giam, bị khám xét nhà ở và nơi làm việc.
Công an Thành phố Hồ Chí Minh đọc lệnh bắt giam ông Nguyễn Công Khế hôm 16/1/2023 - Bộ Công An
Cơ quan An ninh Điều tra thuộc Công an thành phố Hồ Chí Minh thông báo các biện pháp vừa nêu trong cùng ngày đối với hai ông Nguyễn Công Khế và Nguyễn Quang Thông.
Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hồ Chí Minh tống đạt quyết định tố tụng đối với ông Nguyễn Quang Thông.
Cả hai bị điều tra tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" trong quá trình triển khai, thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp tại khu đất 151-155 Bến Vân Đồn, Phường 6, Quận 4, thành phố Hồ Chí Minh.
Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã phê chuẩn các quyết định và lệnh tố tụng vừa nêu.
Theo các thông tin được đăng tải trên cổng thông tin Chính phủ vào từ truyền thông Nhà nước, vào năm 2008, báo Thanh Niên có chủ trương mua Khu đất của Nhà máy Thuốc lá Sài Gòn (địa chỉ số 151-155 Bến Vân Đồn, phường 6, quận 4) để xây dựng trụ sở tòa soạn.
Ông Nguyễn Công Khế lúc đó là Tổng biên tập báo Thanh Niên đã ký Hợp đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn Truyền thông Thanh Niên (Báo Thanh Niên chiếm 51% vốn điều lệ) và Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Vinpearl thành lập Công ty Cổ phần Bất động sản Thanh Niên để thực hiện Dự án cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp trên khu đất này. Báo Thanh Niên góp vốn là quyền sử dụng khu đất.
Tuy nhiên, sau đó hai bên đã thoả thuận chấm dứt hợp đồng và khu đất được chuyển nhượng cho tư nhân, gây thất thoát tài sản Nhà nước.
Ông Nguyễn Công Khế là nhà báo đồng sáng lập Báo Thanh Niên và đảm trách vai trò Tổng biên tập từ năm 1988 đến năm 2008. Trước năm 1975, ông Khế hoạt động trong phong trào sinh viên, học sinh chống chính quyền Sài Gòn. Sau năm 1975, ông công tác tại Thành đoàn Thành phố Hồ Chí Minh. Ông từng có thời làm tại báo Phụ Nữ Việt Nam trước khi sáng lập Báo Thanh Niên.
Ông Nguyễn Quang Thông làm Tổng biên tập Báo Thanh Niên từ năm 2009 đến năm 2021.
Nguồn : RFA, 16/01/2024
Tính đảng là gì ?
"Tính đảng gắn liền với sự ra đời, lý tưởng và con đường đấu tranh của đảng cộng sản. Đảng cộng sản – đội tiên phong của giai cấp công nhân – ra đời trên cơ sở kết hợp giữa lý luận (chủ nghĩa xã hội khoa học – hệ tư tưởng của giai cấp công nhân) và thực tiễn (phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân chống lại giai cấp tư sản) (1).
Dưới chế độ cộng sản tham nhũng mang tính đảng.
Nói một cách dễ hiểu, tính đảng là những đặc điểm mang tính bản chất gắn liền với sự ra đời, phát triển và mất đi của ý thức hệ cộng sản mà đại diện là đảng cộng sản.
"Chuyên chính vô sản", "nền tảng lý luận và tư tưởng của đảng cộng sản đặt cơ sở trên chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử", "vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng cộng sản trong mọi lãnh vực của đời sống xã hội" v.v. là những tính đảng. Các tính đảng đó cùng tồn tại với đảng cộng sản và trong lòng cơ chế cộng sản.
"Tính đảng độc tài chuyên chính" đẻ ra "tính đảng tham nhũng thối nát" và vì thế "tính đảng tham nhũng thối nát" không thể nào bị ngăn chặn hay xóa bỏ khi nào "tính đảng độc tài chuyên chính" còn tồn tại.
Đó là quan hệ nhân quả giữa "chuyên chính" và "tham nhũng", và quan hệ đó tồn tại suốt chiều dài của đảng cộng sản.
Câu hỏi thường được đặt ra liệu tham nhũng có thể được ngăn chặn hay xóa bỏ dưới chế độ cộng sản hay không, câu trả lời đúng theo quy luật xã hội là "không".
Câu trả lời đó không phải võ đoán mà dựa theo "cơ sở lý luận kinh điển" của hệ tư tưởng cộng sản và thực tế xã hội tại các nước cựu cộng sản từ Liên Xô cho tới Đông Âu.
Nhìn lại tình trạng tham nhũng tại Liên Xô
Craig R. Whitney, từng là chủ bút của New York Times, khi còn là một phóng viên tại Liên Xô đã mô tả xã hội Liên Xô giống hệt như đang xảy ra tại Việt Nam ngày nay. Ông viết trên New York Times ngày 7 tháng 5, 1978, Liên Xô "là một xã hội tham nhũng tràn lan, nơi các quan chức biển thủ hàng trăm tỷ đô la mỗi năm từ các doanh nghiệp nhà nước và nơi một cảnh sát sẽ không ngoảnh mặt làm ngơ nếu khoản hối lộ chưa đúng" (2).
Lenin xem tham nhũng là kẻ thù số một của chế độ nhưng không diệt được tham nhũng. Nửa thế kỷ sau, Nikita S. Khrushchev cũng thề sống chết với tham nhũng nhưng cuối cùng, một trong những nguyên nhân chính và sâu xa nhất đã nhận chìm chế độ cộng sản Liên Xô chính là tham nhũng.
Lý do đơn giản. Một khi toàn bộ đời sống đất nước đặt trọn trong tay một nhóm người nắm giữ mọi quyền sinh sát, nhóm người đó sẽ lạm quyền, sẽ tham ô, sẽ tham nhũng, sẽ băng hoại và sẽ thối nát.
Là con người ai chẳng có ít nhiều lòng tham và dễ mềm lòng trước cám dỗ. Tham nhũng xảy ra ở khắp nơi và trong mọi xã hội. Khác chăng, tham nhũng ở các nước dân chủ phát xuất từ lòng tham cá nhân và tham nhũng dưới chế độ cộng sản phát xuất từ hệ thống.
Cá nhân cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi can tội hối lộ và trốn thuế nhưng nền Cộng Hòa Ý thì không. Cá nhân cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy can tội hối lộ quan tòa nhưng nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp thì không.
Ngoài nguyên tắc tam quyền phân lập, kiểm soát và thăng bằng (check and balance) giữa các ngành, sức mạnh của người dân qua các tổ chức xã hội dân sự tại các nước dân chủ đã đóng góp phần quan trọng trong việc trong sạch hóa không ngừng xã hội.
Các nước cộng sản không có những đặc điểm đó.
Lịch sử cho thấy nếu tham nhũng có thể ngăn chặn được thì Liên Xô đã không sụp đổ năm 1991.
Sau các giai đoạn thanh trừng đẫm máu của Stalin, thời Leonid Brezhnev (1964–1982) là thời kỳ cộng sản chuyên chính nhất tại Liên Xô nhưng đồng thời cũng là thời kỳ tham nhũng phát xuất từ hàng ngũ cán bộ cao cấp diễn ra nhiều nhất.
Để củng cố quyền lực sau khi loại bỏ Nikita Khrushchev, Brezhnev đưa vào trung ương những cán bộ thuộc thành phần thân tín được gọi là "những cán bộ được đề cử" (nomenklatura) và thành phần này sống đời sống xa hoa giữa một nền kinh tế đang suy thoái trầm trọng.
Sau khi Leonid Brezhnev chết (1982), một ủy ban điều tra đã khám phá ra nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Uzbekistan đã thất thoát một ngân sách khổng lồ lên tới 6,5 tỷ dollar theo thời giá 1988 vào tay các lãnh đạo cộng sản trong đó có con rể của Brezhnev.
Khi hung thần Brezhnev còn sống, những cán bộ này được hệ thống quyền lực bao che. Tờ Pravda dưới thời kỳ cởi mở của Gorbachev cho rằng tham nhũng tại Liên Xô đã bị cơ chế hóa (3).
Trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, nghiên cứu về "tính đảng tham nhũng thối nát" của Liên Xô là một quan tâm chuyên môn của các phân tích gia Mỹ. Lý do, chính quyền Mỹ biết tham nhũng là điểm băng hoại mang tính bản chất của chế độ cộng sản nên đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu tình trạng tham nhũng tại Liên Xô, Ba Lan và các nước cộng sản.
Bản phân tích mật số SOV 8510145X với tựa "The Soviet Anticorruption Campaign : Causes, Consequences, And Prospects" của CIA vào tháng 8, 1985 được bạch hóa năm 2014 cho biết nguồn gốc của phong trào chống đối tại Ba Lan phát xuất từ tình trạng tham nhũng trầm trọng trong hệ thống đảng và nhà nước cộng sản Ba Lan (4).
Đến thời hung thần Yuri Andropov cũng thế. Yuri Andropov, còn được gọi là "đồ tể của Budapest" vì vai trò của y trong vụ đàn áp cuộc nổi dậy tại Hungary 1956, Mùa Xuân Tiệp Khắc 1968 và từng là giám đốc KGB từ 1967 đến 1982, khi lên nắm quyền Tổng Bí Thư đảng cộng sảnLiên Xô đã ra lịnh bỏ tù hàng loạt cán bộ các cấp lãnh đạo đảng vì tội tham nhũng.
Andropov chết, Konstantin Chernenko lên thay và cũng tiếp tục chính sách chống tham nhũng của Andropov nhưng cả hai cuối cùng đều thất bại.
Một thước đo được quốc tế công nhận để đo lường các chính sách chống tham nhũng và sự trong sạch của bộ máy công quyền tại một nước là tính minh bạch của chính phủ nước đó.
Minh bạch của chính phủ là gì ?
Theo định nghĩa của The Encyclopedia of American Politics, minh bạch của chính phủ (Governmental transparency) là "Công khai, trách nhiệm, và thành thật xác định tính minh bạch của chính phủ. Trong một xã hội tự do, minh bạch là trách nhiệm của chính phủ để chia sẻ thông tin với người dân. Minh bạch là trọng tâm để qua đó người dân quy trách nhiệm cho các viên chức chính quyền".
Theo định nghĩa đó, ba đặc điểm của minh bạch cần phải có gồm : 1) công khai, 2) trách nhiệm và 3) thành thật. Đồng thời, ba hậu quả của không minh bạch trong chính phủ gồm : 1) thông tin bị bưng bít, 2) lạm dụng quyền hành và 3) tham nhũng.
Dưới chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay, nếu chỉ phải trả lời theo lối trắc nghiệm, một người có nhận thức chính trị căn bản nào cũng có thể dễ dàng chọn "không" cho ba đặc điểm và "có" cho ba hậu quả.
Thử lướt qua tính minh bạch tại vài nước cộng sản điển hình.
Tại Liên Xô. Là lãnh đạo cộng sản cao cấp nhất của đảng và nhà nước Liên Xô, hơn ai hết, Mikhail Gorbachev biết rất rõ rằng hệ thống Soviet dựa vào tuyên truyền dối trá và nhà tù, hơn 70 năm đã kìm hãm sự phát triển tự do của nhận thức con người, đi ngược lại sự chuyển động tự nhiên của xã hội.
Vào cuối thập niên 1980, văn minh nhân loại đã phát triển đến mức những câu chuyện tuyên truyền hoang đường về một thiên đường cộng sản đã thành những chuyện cười trong các quán rượu ở Nga, và nhà tù không thể nhốt hết 300 triệu người dân trong 15 nước thuộc Liên bang Xô Viết.
Muốn Liên Xô tồn tại, đảng cộng sản phải thực hiện những thay đổi tận gốc rễ của chế độ và trước hết là minh bạch. Chính từ lý do đó, một trong những trọng điểm của chương trình Glasnost (Cởi mở) mà Gorbachev phát động vào năm 1986 là để gia tăng mức độ minh bạch trong chính phủ.
Gorbachev chủ trương tạo một không khí tranh luận giữa chính phủ và người dân về tất cả các vấn đề của đất nước, và điều này cũng có nghĩa giới hạn quyền kiểm soát của trung ương như đã có trước đây. Nhưng những cố gắng của Gorbachev đến quá trễ và trở thành con dao hai lưỡi, chặt đứt chế độ mà ông ta nỗ lực để cứu vãn.
Từ Đặng Tiểu Bình đến Tập Cận Bình và Minh bạch
Học bài học Liên Xô, Đặng Tiểu Bình và các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc sau y đã chọn lựa ban cho người dân cơm áo nhưng siết chặt xã hội Trung Quốc bằng một chế độ hà khắc về đời sống tinh thần không khác gì Tần Thủy Hoàng hai ngàn hai trăm năm trước.
Lãnh đạo Trung Quốc ngăn cấm sử dụng internet ngoài giới hạn cho phép. Các mạng thông tin xã hội quen thuộc với phần lớn nhân loại như Facebook, Twitter hay Youtube bị chặn. Mọi đường thông tin ra ngoài Trung Quốc đều do Đề án Lá chắn Vàng (Golden Shield Project) thuộc Bộ An ninh kiểm soát. Để trấn áp dân chúng trong lãnh vực thông tin, Bộ An ninh Trung Quốc tuyển dụng một lực lượng an ninh mạng khoảng 2 triệu nhân viên.
Trong một bài bình luận gởi riêng cho báo New York Times ngày 15 tháng 6, 2015, Bào Đồng (Bao Tong), cựu Trưởng ban Cải cách Chính trị trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc và là Thư ký riêng của cố Thủ tướng Triệu Tử Dương, nhận xét rằng chính sách "làm giàu trước đã" của Đặng đã biến xã hội Trung Quốc thành một xã hội tham nhũng từ địa phương đến trung ương, lãng phí tài nguyên, tàn phá môi trường thiên nhiên và di họa cho các thế hệ mai sau.
Họ Đặng đã làm mọi cách để gia tăng tổng sản lượng bất chấp những tai họa do các chính sách đó gây ra.
Đầu năm 2015, trước áp lực quốc tế và sức phản kháng của người dân như mạch nước ngầm đang chuyển động, Tập Cận Bình lo lắng và tuyên bố sẽ minh bạch hơn trong các chính sách kinh tế, quốc phòng và đẩy mạnh chính sách chống tham nhũng. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, hành động của họ Tập chỉ nhằm mục đích thanh trừng các phần tử chống đối và củng cố quyền lực cá nhân hơn là gia tăng minh bạch trong chính phủ.
Trung Quốc tồn tại được bao lâu hiện đang là một chủ đề được các nhà nghiên cứu kinh tế chính trị tập trung vào. Không ai biết chắc về thời điểm hay cách thức nhưng đều đồng ý Trung Quốc sụp đổ chỉ là vấn đề thời gian. Lần nữa, một trong những lý do là không minh bạch trong chính phủ.
Chế độ cộng sản Việt Nam và Minh bạch
Chế độ cộng sản Việt Nam, về bên ngoài, đang đối diện với con quái vật Trung Quốc đang ăn tươi nuốt sống từng phần thân thể, và bên trong, là một chế độ toàn trị tồn tại bằng tuyên truyền lừa bịp và nhà tù.
Người dân trong nước có vẻ phấn khởi, vui mừng khi một số cán bộ tham nhũng bị bắt và bị khởi tố. Nhưng một tầng lớp cán bộ tham nhũng vào tù sẽ có một tầng lớp cán bộ tham nhũng khác lên thay và nếu bị lộ họ sẽ vào tù. Họ có thể nhỏ vài giọt nước mắt cá sấu trước tòa nhưng sẽ mỉm cười chiến thắng lúc một mình. Chính trị dưới chế độ cộng sản là sòng bạc quyền lực. Nếu phải ở tù vài năm với tiêu chuẩn đảng viên cao cấp mà giấu được nhiều triệu dollar họ vẫn còn lời to.
Bản chất giống nhau thì hậu quả không thể khác dù đó là ở Liên Xô trước đây hay Trung Quốc và chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay.
Các tính đảng "độc tài chuyên chính" và "tham nhũng thối nát" có quan hệ hữu cơ và do đó sẽ dẫn tới hậu quả giống nhau không tránh khỏi.
Người dân bình thường có lý do để vui mừng vì hút máu dân lành là một trọng tội nhưng đừng quên những kẻ đáng tội hơn không phải Đinh La Thăng, Tất Thành Cang, Chu Ngọc Anh, Nguyễn Thanh Long v.v. mà là cơ chế cộng sản.
Điều đó hiển nhiên đến mức ngay cả cựu Tổng bí thư đảng cộng sản Lê Khả Phiêu cũng phải thừa nhận khi phát biểu "Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người" (5).
Cơ chế chính trị cộng sản đã bắc thang cho các cán bộ cộng sản leo lên đài danh vọng và tạo cho họ cơ hội làm giàu trên sự chịu đựng của nhiều triệu dân nghèo, của hàng ngàn học sinh mỗi ngày phải lội sông, lội suối đến trường, của hàng vạn trẻ thơ không áo ấm mùa đông. Nước mắt chảy thành sông trên quê hương Việt Nam giữa tiếng cười của lớp người cai trị suốt gần nửa thế kỷ qua và sẽ chảy cho đến ngày chế độ độc tài sụp đổ.
Tham nhũng tại Việt Nam là một loại cỏ độc ăn sâu trong đất, không thể cắt, không thể nhổ mà phải thay bằng đất mới.
Trần Trung Đạo
Nguồn : VNTB, 14/07/2023
Tham khảo :
(1) Tạp chí Xây Dựng Đảng ngày 22 tháng 8, 2021
(2) "In Soviet, Widespread Practice of Bribery Helps One Get a Car, Get an Apartment and Get Ahead", The New York Times, May 7, 1978
(3) "Soviet Uncover Massive Corruption : Billions Lost in Uzbekistan Case Involving Brezhnev Kin", L.A. Times, Jan. 24, 1988
(4) "General CIA Records", publication date : August 1, 1985
(5) Tìm lại lòng tin đã mất, báo Người Đô Thị, 27 tháng 11, 2014
Việc có hay không tham nhũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sự đứng vững của một chế độ độc tài hoặc đảng trị, dù tham nhũng có thể được sử dụng như một công cụ để giữ vững quyền lực và kiểm soát của chế độ đó.
Nhân viên an ninh đứng canh gác tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia nhân Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 27/1/2021 (minh hoạ)
Có nhiều nghiên cứu của các học giả về mối quan hệ giữa tham nhũng và chế độ cộng sản, độc tài, đảng trị và trong các nước có nền kinh tế mới nổi.
Những nghiên cứu cho thấy rằng chế độ độc tài, đảng trị có xu hướng tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc tham nhũng phát triển. Với quyền lực tập trung vào tay một số ít đảng viên, các quan chức dễ dàng sử dụng quyền lực của họ để lợi dụng và kiểm soát các nguồn tài nguyên của quốc gia làm sở hữu của phe nhóm, gia đình của họ, từ đó gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho nền kinh tế, xã hội và chính trị mà đảng và họ cố sức vun đắp bảo vệ.
Một số nghiên cứu khác cho thấy rằng tham nhũng có thể là một yếu tố thúc đẩy cho chế độ độc tài, đảng trị duy trì quyền lực của họ. Những người tham nhũng có thể được sử dụng như là một công cụ để đe dọa hoặc tống tiền các đối thủ chính trị, từ đó bảo đảm bảo họ giữ được quyền lực và kiểm soát trong nước.
Một trong những nghiên cứu về mối liên hệ giữa tham nhũng và chế độ độc tài, đảng trị là cuốn sách "Corruption and authoritarianism" của Susan Rose-Ackerman và Bonnie J. Palifka (*). Bạn có thể tìm thấy sách tại các nhà sách trực tuyến như Amazon, Google Books hay các trang thư viện trực tuyến như JSTOR.
Cuốn sách "Corruption and Authoritarianism" của Susan Rose-Ackerman và Bonnie J. Palifka là một tài liệu quan trọng về liên quan giữa tham nhũng và chế độ độc tài. Cuốn sách này cung cấp một cái nhìn toàn diện và là tài liệu quan trọng cho các nhà nghiên cứu, giáo sư, sinh viên quan tâm đến các hình thức tham nhũng, cơ chế hoạt động của chúng và cách chúng ảnh hưởng đến chế độ độc tài.
Các chương trong cuốn sách :
Chương 1 - Corruption and authoritarianism : An overview : cung cấp một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa tham nhũng và chế độ độc tài. Susan Rose-Ackerman và Bonnie J. Palifka giới thiệu đến độc giả một cái nhìn tổng quan về mối quan hệ giữa tham nhũng và chế độ độc tài. Chương này bắt đầu bằng việc định nghĩa tham nhũng và chế độ độc tài, cũng như giải thích những ảnh hưởng tiêu cực của tham nhũng đối với chế độ độc tài.
Chương này trình bày các ví dụ cụ thể về những chế độ độc tài nổi tiếng trong lịch sử, chẳng hạn như chế độ của Hitler và Stalin, và nhấn mạnh rằng tham nhũng có thể trở thành một phần không thể thiếu của chế độ độc tài. Điều này được minh họa bằng các ví dụ về tham nhũng trong các quốc gia như Nga, Trung Quốc, Việt Nam và Zimbabwe.
Chương này tập trung vào vai trò của chính phủ trong việc kiểm soát tham nhũng và xử lý những hành vi tham nhũng. Tuy nhiên, tác giả nhấn mạnh rằng việc kiểm soát tham nhũng không thể được thực hiện hiệu quả nếu không có sự đổi mới trong các cơ chế kiểm soát và sự minh bạch trong việc sử dụng tài nguyên công cộng.
Cuối cùng, chương này đưa ra kết luận rằng mối liên hệ giữa tham nhũng và chế độ độc tài là rất chặt chẽ và thường gây ra những hậu quả tiêu cực cho cả quốc gia và người dân. Việc giải quyết vấn đề tham nhũng trong các chế độ độc tài là một thách thức lớn, tuy nhiên, tác giả cho rằng điều này là cần thiết để xây dựng một chế độ hành chính công bằng và bền vững.
Trong chương này, tác giả không đề cập đến ví dụ cụ thể về tham nhũng ở Việt Nam. Họ chỉ trình bày như Việt Nam là một trong những ví dụ về các quốc gia có chế độ độc tài và cũng bị ảnh hưởng bởi vấn đề tham nhũng. Trong nhiều nghiên cứu về tham nhũng trên thế giới, Việt Nam cũng được đưa ra như một trong những ví dụ về nền kinh tế đang phát triển có vấn đề tham nhũng nghiêm trọng.
Chương 2 - The costs and benefits of corruption for authoritarian regimes : phân tích chi tiết về cái giá phải trả về các lợi và hại của tham nhũng đối với các chế độ độc tài.
Các chế độ độc tài cần nuôi dưỡng tham nhũng vì nó có lợi ích cho chế độ, gồm :
1. Tăng cường quyền lực và kiểm soát : Bằng cách dung dưỡng và để mặc tham nhũng hòng mua chuộc sự ủng hộ của các quan chức, các nhà lãnh đạo độc tài có thể tăng cường quyền lực và kiểm soát hơn trong chính phủ và các tổ chức quan trọng khác, giữ dược ghế của họ ngồi trên sự giằng co tròng tréo trong đảng.
2. Tăng thu nhập và phát triển kinh tế : Các quan chức tham nhũng thường sử dụng chức vụ của mình để lợi dụng tài nguyên và quyền lực của nhà nước để thu nhận các khoản tiền lớn thông qua các hoạt động tham nhũng như nhận hối lộ, xúc tiến ký kết các hợp đồng thương mại với những doanh nghiệp có quan hệ gần gũi với họ, hoặc chiếm đoạt tiền của người dân thông qua các hoạt động tham nhũng trong quá trình thu thuế. Với số tiền thu được từ tham nhũng, các quan chức này có thể tăng thu nhập của mình và đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế nhằm tạo ra nguồn thu nhập phụ, nhằm đảm bảo sự phát triển của bản thân và gia đình mình, đặc biệt trong tình hình kinh tế đất nước chưa ổn định.
3. Điều chỉnh phân phối tài nguyên : các quan chức tham nhũng có thể sử dụng quyền lực của mình để điều chỉnh phân phối tài nguyên theo ý muốn của họ. Điều này giúp họ kiểm soát các tài nguyên chiến lược như đất đai, khoáng sản và các nguồn lực khác. Khi họ sở hữu quyền kiểm soát các tài nguyên này, họ có thể sử dụng chúng để đạt được mục đích của mình, như tăng thu nhập cá nhân, làm giàu bản thân hoặc tăng sức mạnh trong cơ quan quản lý. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn, khi các quan chức tham nhũng sử dụng quyền lực của mình để tăng lợi ích cá nhân, đồng thời gây ra sự bất bình đẳng trong phân phối tài nguyên.
Tuy nhiên, tác hại của tham nhũng đối với các chế độ độc tài cũng rất nặng nề, bao gồm :
1. Sự mất niềm tin của công chúng : Tham nhũng làm suy yếu niềm tin của công chúng vào chính phủ, gây mất cân bằng kinh tế và xã hội.
2. Sự mất động lực và hiệu suất của nhân viên chính phủ : Tham nhũng có thể ảnh hưởng đến động lực và hiệu suất của nhân viên chính phủ, khiến họ làm việc chậm chạp và không năng suất.
3. Sự thất bại trong việc phát triển kinh tế : Tham nhũng cản trở phát triển kinh tế của một quốc gia, khiến nó không thể tận dụng được tài nguyên và tiềm năng của mình.
Tóm lại, tuy có lợi ích nhất thời cho quốc gia, cho đảng và các đảng viên, nhưng tham nhũng vẫn là một rủi ro lớn đối với các chế độ độc tài.
Chương 3 - Bribery and extortion in authoritarian settings : nghiên cứu về các hình thức tham nhũng thường gặp trong các chế độ độc tài và cơ chế hoạt động của chúng.
Chương này tập trung vào việc phân tích các hình thức tham nhũng thường gặp trong các chế độ độc tài, đặc biệt là các hình thức hối lộ và đe dọa tại các quốc gia như Nga và Trung Quốc.
Bài viết trong chương này chỉ ra rằng trong các chế độ chuyên chế độc tài, đảng trị các quan chức thường tìm cách thu thập, nhét phồng túi tiền, bằng cách sử dụng các phương thức như hối lộ hoặc đe dọa. Họ có thể đòi hỏi tiền của các doanh nghiệp để cho phép họ tiếp tục kinh doanh hoặc để tránh bị xử lý pháp lý. Họ cũng có thể yêu cầu được hối lộ để cấp các giấy phép kinh doanh, cho phép xây dựng hay thậm chí là để chạy chức chạy quyền.
Bên cạnh đó, chương này cũng chỉ ra rằng các hình thức tham nhũng thường được thực hiện thông qua việc sử dụng quyền lực và uy quyền của các quan chức. Có thể thấy rằng, các quan chức trong chế độ độc tài đảng trị thường được sanh ra, đào tạo và duy trì bởi các hệ thống chính trị tập trung quyền lực, cho phép họ tận dụng tình trạng này để lợi dụng nguồn lực và quyền lực của họ để vòi tiền của những người khác.
Tổng thể, chương 3 giúp ta hiểu rõ hơn về cơ chế và các hình thức tham nhũng phổ biến trong các chế độ độc tài, giúp ta đánh giá được những hậu quả xấu của chúng đối với nền kinh tế và xã hội của quốc gia.
Chương 4 - The institutional framework of corruption in authoritarian settings : phân tích các cơ chế, quy trình và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho tham nhũng trong các chế độ độc tài.
Trên thực tế, các chế độ độc tài thường có các cơ chế và quy trình pháp lý cho phép hoặc thậm chí khuyến khích tham nhũng. Chương 4 phân tích những cơ chế này và cơ sở hạ tầng hỗ trợ cho tham nhũng trong các chế độ độc tài. Các cơ chế này có thể bao gồm việc không công khai hóa thông tin, hạn chế quyền tự do ngôn luận, báo chí, hạn chế sự can thiệp của các nhà hoạt động, tổ chức chống tham nhũng, tạo ra các quy định phức tạp để lấy lý do thuận lợi cho tham nhũng, không ngần ngại dùng các lực lượng an ninh để bịt miệng, đàn áp, bỏ tù những người ‘phản động’ đưa tin các quan chức tham nhũng.
Bên cạnh đó, chương này cũng phân tích tác động của tham nhũng đến các cơ quan và tổ chức chính phủ trong các chế độ độc tài, và các hệ quả của việc sử dụng quyền lực để bảo vệ quyền lợi của các quan chức tham nhũng. Nó cũng cung cấp các ví dụ về cách thức mà các chế độ độc tài có thể sử dụng các cơ chế và cơ sở hạ tầng hỗ trợ của mình để bảo vệ các quan chức tham nhũng.
Dưới đây là một số ví dụ về cách mà các chế độ độc tài có thể sử dụng các cơ chế và cơ sở hạ tầng hỗ trợ để bảo vệ các quan chức tham nhũng :
1. Việt Nam : Các quan chức chính phủ thường được phân cấp quyền quản lý đất đai và tài nguyên thiên nhiên, và họ thường sử dụng quyền này để thu hút và bán đất cho các nhà đầu tư nước ngoài với giá cao hơn so với giá thị trường. Điều này giúp tăng thu nhập cho các quan chức và đội ngũ lãnh đạo đảng cầm quyền.
2. Nga : Hệ thống pháp luật tại Nga thường bị lạm dụng để bảo vệ các quan chức tham nhũng. Các quan chức có thể sử dụng tiền bạc để mua lại các quyền lợi của họ và tránh khỏi trừng phạt, hoặc sử dụng quyền lực để áp đặt các sự kiện hoặc lời khuyên cho các quan chức của họ.
3. Trung Quốc : Trong một số trường hợp, chính phủ Trung Quốc đã sử dụng các cơ chế hỗ trợ của mình để giám sát các nhà hoạt động phi chính phủ. Tuy nhiên, các quan chức tham nhũng thường sử dụng quyền lực của mình để xâm phạm vào cuộc sống riêng tư và sử dụng các phương tiện đe dọa hoặc bắt giữ để ép buộc các nhà hoạt động phi chính phủ phải cung cấp thông tin cho họ.
4. Ai Cập : Các quan chức chính phủ và đảng cầm quyền ở Ai Cập thường sử dụng các phương tiện đe dọa và bắt giữ để giám sát các nhà hoạt động phi chính phủ. Họ cũng sử dụng các cơ chế hỗ trợ như quân đội và cảnh sát để trấn áp các cuộc biểu tình và giảm bớt áp lực đối với chính phủ.
Các ví dụ lấy ra từ 4 quốc gia trên đều thấy có ở Việt Nam.
Chương 5 - Combating corruption in authoritarian settings : đề xuất một số giải pháp để chống lại tham nhũng trong các chế độ độc tài
Một trong những giải pháp được đề xuất là xây dựng các cơ quan độc lập để giám sát và kiểm soát tham nhũng. Các cơ quan này có thể bao gồm Ủy ban Đối ngoại, Cục Phòng chống tham nhũng, và Tòa án Tối cao. Những cơ quan này cần được đảm bảo độc lập và có quyền lực để đưa ra quyết định và truy tố các trường hợp tham nhũng.
Một giải pháp khác là tăng cường sự minh bạch và truy cập thông tin. Điều này bao gồm việc công khai các thông tin về ngân sách và việc sử dụng tài nguyên của nhà nước, đảm bảo quyền truy cập thông tin của người dân, báo chí và các tổ chức xã hội dân sự.
Ngoài ra, cần tăng cường giáo dục và tăng cường nhận thức của dân chúng về hậu quả của tham nhũng. Việc tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh và giảm thiểu các rào cản thương mại cũng là một giải pháp quan trọng để giảm thiểu tham nhũng trong các chế độ độc tài.
Cuối cùng, các tác giả cũng đề xuất việc tăng cường hợp tác quốc tế để chống lại tham nhũng trong các chế độ độc tài. Việc hợp tác với các tổ chức quốc tế như Liên Hiệp Quốc và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cũng như việc áp dụng các công cụ pháp lý quốc tế có thể giúp đẩy lùi tham nhũng và xây dựng một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Những điều tóm lược trên trong cuốn "Corruption and Authoritarianism" của Susan Rose-Ackerman và Bonnie J. Palifka phản ánh đúng như xã hội Việt Nam đang bị cai trị dưới chế độ độc tài đảng trị của cộng sản. Tuy vậy, có một thực tế ông TBT Nguyễn Phú Trọng đang cố diệt tham nhũng, theo như ông ta nói và nhiều băng đảng tham nhũng trong đảng đã bị đưa ra tòa.
Ở một vài nước dưới ách cai trị độc tài cũng có tình trang như Việt Nam dưới chế độ độc tài đảng trị của TBT Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng cố tận diệt đối thủ của phe nhóm ông trong đảng cs, chính phủ để duy trì những nhóm tham nhũng khác thân chính phủ, thân đảng, phục tùng ông ta hơn. Rõ ràng điều này phụ thuộc vào cách thức và mức độ thực hiện của các lãnh tụ độc tài. Trong một số trường hợp, chế độ độc tài có thể sử dụng việc loại bỏ các nhóm tham nhũng để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực của tham nhũng đến sự ổn định của chính quyền. Mặt khác chế độ độc tài có thể tác động vào các nhóm tham nhũng ‘cánh hẩu’ để kiểm soát hoạt động tham nhũng và đảm bảo sự kiểm soát của chính phủ trong việc phân phối tài nguyên. Làm điều này thường khó khăn và phức tạp trong thực tế. Một mặt nó cố rửa lớp nhọ nồi trên mặt đảng, nhưng mặt khác nó làm mặt đảng dày thêm.
Việc có hay không tham nhũng không ảnh hưởng trực tiếp đến sự đứng vững của một chế độ độc tài hoặc đảng trị, dù tham nhũng có thể được sử dụng như một công cụ để giữ vững quyền lực và kiểm soát của chế độ đó.
Nếu một chế độ độc tài đảng trị hoàn toàn loại bỏ tham nhũng, thì nó sẽ phải tìm cách khác để giữ vững quyền lực và kiểm soát đảng và xã hội, sử dụng, kiểm soát các quan chức, và nhân dân.
Thay vì tạo nên một chế độ dân chủ, tôn trọng nhân quyền để dân được sống tự do hanh phúc, chế dộ độc tài, đảng trị dùng bạo lực hoặc tăng cường giám sát để kiểm soát các quan chức. Nhưng, việc sử dụng bạo lực có thể dẫn đến tình trạng bạo lực, đe dọa và ngăn cản hơn nữa quyền tự do của người dân, trong khi tăng cường giám sát có thể mất đi sự riêng tư và tự do cá nhân của mọi người kể cả đảng viên và người dân. Ngoài ra, những phương pháp này không bảo đảm các quan chức sẽ hoạt động trung thực và hiệu quả, mà hy vọng họ sẽ tuân thủ và không vi phạm các quy định. Việc kiểm soát, xóa bỏ tham nhũng trong các chế độ độc tài có thể được thực hiện thông qua việc cải cách chính trị, tăng cường giám sát và độc lập của các cơ quan chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi để các quan chức có thể làm việc một cách minh bạch và trung thực.
Hạo Nhiên
Nguồn : VNTB, 30/04/2023
Ông Tập lại nhắc Việt Nam về phương châm ‘16 chữ’, ‘4 tốt’, ‘củng cố phòng tuyến tư tưởng’
VOA, 28/04/2023
Bà Trương Thị Mai, Thường trực Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, vừa có cuộc tiếp kiến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh. Ông Tập căn dặn bà Mai rằng trước môi trường quốc tế "sóng to gió lớn", hai bên Trung-Việt cần phải giữ phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt", thúc đẩy xây dựng cộng đồng "cùng chung vận mệnh Trung-Việt".
Truyền thông Trung Quốc loan tin rằng khi tiếp bà Mai hôm 26/4, ông Tập nhờ bà chuyển lời thăm hỏi tới Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và nhấn mạnh rằng "trước môi trường quốc tế sóng to gió lớn và nhiệm vụ cải cách, phát triển và ổn định của mỗi nước, hai bên Trung-Việt cần phải giữ phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt", đó là "Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai", và "Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt".
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Trung Quốc còn kêu gọi thúc đẩy xây dựng cộng đồng "cùng chung vận mệnh Trung-Việt dốc sức vào sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại, kiên trì trang bị lý luận khoa học chủ nghĩa Mác, nắm chắc thế mạnh chính trị lớn mạnh này, đi sâu giao lưu và học hỏi lẫn nhau, củng cố phòng tuyến tư tưởng, chung tay thúc đẩy sự nghiệp xã hội chủ nghĩa", theo đài phát thanh CRI của Trung Quốc.
Báo Nhân Dân của Đảng cộng sản Việt Nam dẫn lời bà Mai đáp lại ông Tập rằng Việt Nam "luôn coi trọng và ưu tiên hàng đầu" phát triển quan hệ với Trung Quốc theo phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt".
Bà nói thêm rằng Việt Nam "sẵn sàng" cùng Trung Quốc thực hiện tốt nhận thức chung quan trọng đạt được giữa nhà lãnh đạo tối cao của hai Đảng, đồng thời thúc đẩy kết nối hợp tác "Hai hành lang, một vành đai" với việc cùng xây dựng "Vành đai và con đường", thúc đẩy quan hệ hai Đảng, hai nước và "sự nghiệp xã hội chủ nghĩa", theo đài CRI.
Bà Mai, người vừa kết thúc chuyến công du Trung Quốc từ ngày 25 đến 28/4, cũng khẳng định rằng Việt Nam "luôn tuân thủ" chính sách Một Trung Quốc và kiên quyết ủng hộ nỗ lực thống nhất đất nước của Bắc Kinh, theo Tân Hoa Xã.
Bà Mai, đồng thời là Trưởng ban Tổ chức Trung ương, người được cho là nhân vật quyền lực thứ hai sau Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trong, cũng chứng kiến việc Ban Tổ chức Trung ương của bà ký bản ghi nhớ hợp tác với Ban Tổ chức Trung ương Trung Quốc.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái của ông Nguyễn Phú Trọng, hai bên đã ra tuyên bố chung về tăng cường quan hệ. Trong chuyến thăm này, ông Tập cũng nhắc ông Trọng về phương châm "16 chữ" và tinh thần "4 tốt".
Chuyến thăm của bà Mai diễn ra khi Trung Quốc vừa ban bố lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong mùa hè năm nay. Hôm 20/4, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đã không chỉ "xâm phạm chủ quyền" của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, mà còn vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Truyền thông Việt Nam dường như không nêu bất kỳ chi tiết nào về tranh chấp chủ quyền biển đảo, hay đề cập đến lệnh cấm đánh bắt của Bắc Kinh trong chuyến công du đến nước láng giềng phương bắc của nữ Thường trực Ban Bí thư.
*******************************
Ông Võ Văn Thưởng : sắp xử thêm nhiều vụ án tham nhũng
VOA, 28/04/2023
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng nói với các cử tri tại Đà Nẵng vào chiều ngày 27/4 rằng chính quyền sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh với tham nhũng một cách toàn diện và sắp tới ‘sẽ có thêm nhiều vụ án tham nhũng được đưa ra xét xử’.
Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng phát biểu trước các cử tri Đà Nẵng (Ảnh chụp màn hình danang.gov)
Ông Thưởng, vốn cũng là đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng, đã có buổi tiếp xúc cử tri các quận Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà để chuẩn bị cho kỳ họp thứ năm của Quốc hội, trang mạng VOV cho biết.
"Còn nhiều vụ việc đang tiếp tục làm, sẽ sớm có thông báo và sớm đưa ra xét xử", ông Thưởng được tờ Pháp luật dẫn lời nói.
Chủ tịch nước Thưởng khẳng định Đảng sẽ chống tham nhũng ở cả Trung ương tới các địa phương, cả tham nhũng lớn và tham nhũng vặt, cả cán bộ đương chức lẫn những người đã về hưu theo tinh thần ‘không có vùng cấm’, theo tường thuật của tờ Pháp luật.
Ông nói ‘sẽ không có chuyện hạ cánh an toàn’ và nếu trong thời gian đương chức, cán bộ đã có hành vi thanh nhũng thì sẽ bị truy ra để xử lý.
Thời gian qua, Đảng cộng sản đã kỷ luật nhiều cán bộ lãnh đạo là bí thư tỉnh ủy, chủ tịch tỉnh, bộ trưởng, thứ trưởng sau khi những vị này đã về hưu.
Bên cạnh xử lý các cán bộ tham nhũng thì các cán bộ lãnh đạo để xảy ra tham nhũng ở cấp dưới của mình cũng sẽ bị xử lý, ông Thưởng được dẫn lời nói, vì họ ‘không làm hết trách nhiệm, lãnh đạo chưa sâu sắc’.
Đảng cộng sản Việt Nam gần đây đã bắt đầu xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng ở cơ quan của mình, điển hình như Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và các phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam đã phải từ chức khi xảy ra tham nhũng trong nhiệm kỳ chính phủ do các ông lãnh đạo.
Trả lời câu hỏi của các cử tri rằng tại sao Đảng càng chống tham nhũng thì tham nhũng càng nhiều, ông Thưởng lý giải rằng đó là do Đảng’ quyết tâm làm mạnh thì phát hiện nhiều’ và các vụ việc tham nhũng ‘đều được công khai cho toàn dân biết’, theo trang mạng VOV.
Trước câu hỏi xử lý cán bộ tham nhũng nhiều sẽ dẫn đến thiếu cán bộ, ông Thưởng được VOV dẫn lời nói ông ‘không sợ thiếu’ vì ‘từ bài học một số địa phương, bộ, ngành sau khi xử lý cán bộ vi phạm và thay thế cán bộ mới thì đều đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ’.
Ông nhấn mạnh chính quyền ‘sẽ cố gắng làm tốt hơn việc thu hút người tài, tâm huyết, trách nhiệm vào bộ máy nhà nước’.
"Cần thay thế thế kịp thời cán bộ không đủ năng lực, uy tín thấp, không chờ hết thời hạn bổ nhiệm", ông Thưởng được dẫn lời nói.
*************************
Loạn showbiz, Việt Nam cân nhắc trấn áp mạnh tay
VOA, 28/04/2023
Nhà chức trách Việt Nam sẽ trừng phạt các nghệ sĩ dính chàm bằng biện pháp ‘ba cấm’, tức cấm diễn, cấm sóng, cấm quảng cáo, kể từ tháng 10 tới để làm trong sạch lại giới showbiz trong nước vốn đang bị bê bối bủa vây, theo tìm hiểu cùa VOA.
Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng mới đây bị chỉ trích vì tự xưng là 'Vua' trong dự án phim tiểu sử bản thân (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa)
Giới showbiz ở Việt Nam trong thời gian gần đây bị dính hàng loạt tai tiếng, từ cáo buộc ăn chặn tiền từ thiện, quảng cáo thuốc sai sự thật, tung tin thất thiệt, phát ngôn gây sốc, quỵt tiền, vỡ nợ, sử dụng chất kích thích, buôn bán ma túy cho đến bị tố cáo hiếp dâm ở nước ngoài.
Biện pháp ‘ba cấm’ mà Bộ Thông tin và Truyền thông vừa thông qua trong Kế hoạch triển khai Chiến lược phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nhắm tới các nghệ sĩ và người có ảnh hưởng trên mạng xã hội có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục và gây ảnh hưởng không tốt đến xã hội, trang mạng VOV cho biết.
Các biện pháp cấm trên khắp các nền tảng này gợi nhắc đến ‘phong sát’ – cách làm của Trung Quốc phong tỏa toàn diện đối với bất cứ nghệ sĩ nào có tỳ vết, không cho họ còn không gian để xuất hiện trước công chúng.
Theo VOV thì biện pháp này của Bộ Thông tin và Truyền thông ‘nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của dư luận’ nhằm tránh cho giới trẻ bị tác động xấu từ giới showbiz.
Quy trình thực hiện biện pháp này đang được Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch, phối hợp với Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời bà Trần Ly Ly, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, cho biết.
Khác với ‘phong sát’ của Trung Quốc là cấm luôn, Việt Nam sẽ cấm có thời hạn 3 tháng, 6 tháng, 8 tháng, 10 tháng hay 24 tháng tùy theo mức độ vi phạm, bà Ly được Tuổi Trẻ dẫn lời nói.
Các vi phạm sẽ được một tổ công tác của hai bộ này xem xét, từ đó khuyến nghị đến các cơ quan truyền thông, các đơn vị tổ chức biểu diễn và các công ty để họ không mời các nghệ sĩ vi phạm, cũng theo bà Ly.
Tại buổi tọa đàm về thực trạng văn hóa ứng xử trên không gian mạng được tổ chức ở Hà Nội hôm 19/4, người mẫu Hạ Vy và diễn viên trẻ Hàn Trang được trang mạng VnExpress dẫn lời nói họ ủng hộ làm mạnh tay với những nghệ sĩ nhúng chàm nhưng ‘đừng đến mức phong sát’.
VOA đã liên lạc một số nghệ sĩ và nhà quản lý văn hóa trong nước để hỏi ý kiến về việc này nhưng tất cả đều từ chối trả lời.
‘Cần lập lại trật tự’
Trao đổi với VOA từ thành phố Hồ Chí Minh với điều kiện giấu tên vì sợ mất lòng người trong giới, một nhà báo theo dõi mảng văn nghệ nói ông ‘rất đồng tình’ với biện pháp mạnh tay để lặp lại trật tự trong giới nghệ sĩ mà ông cho là ‘hiện rất loạn’.
"Trước giờ toàn giơ cao đánh khẽ nên các nghệ sĩ không sợ. Họ cứ làm bừa. Báo chí có phê bình nhưng sau đó một thời gian thì họ lại quên đi", nhà báo này chỉ ra.
Bên cạnh đó, việc khán giả Việt Nam ‘quá dễ dãi’, theo lời nhà báo này, càng khiến cho những nghệ sĩ làm sai ‘cứ mặc kệ, thậm chí họ còn lợi dụng chiêu trò bẩn để càng thêm nổi tiếng’.
"Khán giả cứ tẩy chay một thời gian rồi sau đó nghe họ hát, xem họ diễn trở lại thì họ đâu có sợ", ông giải thích.
Ông dẫn chứng việc một số nghệ sĩ ‘bản thân không hề biết gì về dược lý mà lại lên mạng quảng cáo tầm bậy tầm bạ thuốc chữa mỡ bụng chẳng hạn’. "Họ đem tên tuổi mình ra đảm bảo, khán giả cứ thấy nghệ sĩ quảng cáo là họ tin, họ mua", ông nói.
"Bây giờ có những bạn trẻ chỉ cần có ngoại hình, giọng ca trung bình, vô phòng thu thu một bài hát nào đó đang nổi rồi thảy lên YouTube hay TikTok hay tham gia gameshow trên truyền hình là ngày mai nổi tiếng ngay", nhà báo giấu tên này nói thêm và gọi những người này là ‘nổi tiếng ảo’.
Việc nổi tiếng nhờ chiêu trò, đánh vào thị hiếu dễ dãi này, theo ông, là ‘rất không công bằng cho những người làm nghề tử tế’.
"Có những nghệ sĩ phải qua đào tạo trường lớp mấy năm, khi mới ra nghề còn phải chật vật chạy Grab kiếm sống để tối còn lên sân khấu biểu diễn. Họ yêu nghề, bền bỉ với nghề với hy vọng một ngày nào đó được công chúng để ý", ông cho biết.
Bên cạnh đó, quy chế phong tặng danh hiệu nhà nước như ‘Nghệ sĩ Nhân dân’, ‘Nghệ sĩ Ưu tú’ lâu nay chỉ xét đến số lượng huy chương tại các hội diễn khiến cho ‘một số nghệ sĩ có đời sống cá nhân be bét cũng được trao danh hiệu’, ông chỉ ra.
"Có thưởng, có trao danh hiệu thì phải có phạt", ông lập luận. "Hình ảnh người nghệ sĩ đã trở nên ngày càng lố bịch khiến khán giả không còn thương, không còn nể gì hết mà nếu không có biện pháp mạnh thì sẽ càng tuầy huầy hơn".
Tuy nhiên, ông cho rằng không nên rập khuôn ‘phong sát’ kiểu Trung Quốc vì như vậy thì ‘quá nặng nề’, mà chỉ nên cấm có thời hạn hay thu hồi lại danh hiệu đã phong tặng.
"Bản thân người nghệ sĩ chỉ cần không được đứng trên sân khấu, không được lên hình trong 6 tháng 1 năm là đã quá đau rồi", ông lý giải và dẫn ra trường hợp nghệ sĩ hài Minh Béo, vốn bị kết tội ấu dâm ở Mỹ, về nước đã phải rất khổ sở tìm lại chỗ đứng vì bị các sân khấu và đài truyền hình tẩy chay.
"Ở Việt Nam, Minh Béo không bị tòa nào kết án hết nhưng vẫn phải rời khỏi cuộc chơi chuyên nghiệp", ông nói.
Nhà báo này đề xuất xây dựng một bảng quy tắc cụ thể - từng vi phạm sẽ bị cấm tương ứng trong bao lâu. Việc đó cũng nhằm tạo điều kiện cho những nghệ sĩ lầm lỡ ‘có cơ hội quay đầu’, ông nói thêm.
"Đốt lò" : Nhân sự chuyên môn có thực sự bị lãng phí do việc xử lý tham nhũng ?
Quốc Phương, RFA, 19/04/2023
Có ý kiến từ truyền thông chính thống tại Việt Nam tuần này cho rằng việc xử lý tham nhũng như trong chiến dịch "đốt lò", "củi lửa" của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam có thể gây ra việc nhân sự có chuyên môn, nhất là thế hệ trẻ sẽ lưỡng lự, khi hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước tham gia đóng góp cho đất nước.
PLO
Bài báo với tựa đề "Dùng người nhìn từ câu chuyện các ông Nguyễn Quang Tuấn, Trần Việt Thái" trên trang mạng VietnamNet, hôm thứ tư nêu hai trường hợp là một chuyên gia đầu ngành tim mạch, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và một người khác là một cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, như những điển hình.
Bài báo trên VietnamNet nêu quan điểm :
"Trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn và ông Trần Việt Thái chắc chắn nên được cân nhắc và nghiên cứu khi xây dựng chính sách nhân lực cho khu vực công. Sử dụng đúng, có chính sách đãi ngộ phù hợp để những trường hợp như ông Tuấn, ông Thái và nhiều người khác nữa chuyên tâm vào chuyên môn.
"Có không ít nhà chuyên môn đang phải đảm nhiệm những công việc quản lý như ông Tuấn và ông Thái, và phải khẳng định đã có những người làm tốt việc quản lý. Tuy vậy, rủi ro với chính họ không hề nhỏ. Nó không chỉ từ việc tuân thủ các quy định pháp luật ngày một chặt chẽ, những thủ tục ngày một phức tạp hơn mà còn là rủi ro từ những "cám dỗ" vật chất đến một cách tự nhiên, khi họ ngồi vào chỗ của những người làm công việc quản lý".
"Quản trị bệnh viện, quản trị trường học, đấu thầu mua sắm… là những công việc đòi hỏi những chuyên môn và nên được dành cho những người được đào tạo, có kiến thức về những lĩnh vực này. Cùng với đó, những nhà chuyên môn sẽ phải có được chính sách đãi ngộ tốt, môi trường lành mạnh để làm việc hiệu quả…"
Dụng nhân như dụng mộc và người trẻ nghĩ gì ?
Và bài báo của VietnamNet, trích dẫn cố Chủ tịch của Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, khi đưa thêm lý lẽ bảo vệ quan điểm mà dường như cho rằng việc sử dụng nhân sự chuyên môn của Việt Nam qua các vụ án và ví dụ trên là chưa phù hợp, thiếu cơ chế, điều kiện đãi ngộ tránh rủi ro và lãng phí "nhân tài" :
"Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trích câu của người xưa "Dụng nhân như dụng mộc" để nói về việc phân công, sử dụng cán bộ : "Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được", "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy".
"Những người như ông Tuấn, ông Thái thuộc diện những người tài mà chúng ta đang mong muốn thu hút vào khu vực công. Những người tài trẻ tuổi đang nằm trong diện được thu hút chắc chắn sẽ nhìn vào những trường hợp này để lựa chọn con đường của mình".
Từ Hà Nội, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, ông Lê Văn Sinh, nguyên Giảng viên thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận về quan điểm này, ông nói :
"Tôi thì không nghĩ là có chuyện lãng phí nhân tài, người tài, hay nhân lực chuyên môn tài năng hoàn toàn như ai đó có thể đặt vấn đề như vậy.
Bởi vì các quốc gia tiến bộ và phát triển người ta vẫn đã và đang sử dụng các trí thức giỏi, các chuyên gia hàng đầu vào các vị trí lãnh đạo cơ quan, tổ chức, kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục v.v… mà tình trạng tham nhũng ở các nước đó không trở thành phổ biến, tràn lan như ở Việt Nam.
Vấn đề ở đây là không phải các ông như Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn hay Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt Thái sai vị trí. Dĩ nhiên là một người làm chuyên môn giỏi chưa chắc đã là người làm quản lý giỏi, và một người làm quản lý giỏi cũng không hẳn là người làm chuyên môn giỏi. Tất nhiên là ít phổ biến hơn, nhưng cũng có những người giỏi cả hai một lúc, tức là vừa làm chuyên môn và cũng làm quản lý giỏi và ngược lại, tuy nhiên cái đó không nhiều.
Vấn đề ở đây theo tôi là cơ cấu, thể chế ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mà khi đã ngồi vào đấy, thì ông bà nào cũng phải vận hành theo guồng máy đó và với tình trạng tham nhũng có hệ thống và bề dài về thời gian như ở Việt Nam lâu nay, thì dù là giảng dạy, nghiên cứu hay tay nghề giỏi về phẫu thuật tim như ông Nguyễn Quang Tuấn, thì ông cũng tham nhũng.
"Hay như ông Trần Việt Thái, làm tới Đại sứ ở Malaysia, hoặc từng tham gia lãnh đạo, quản lý ở những cấp như Vụ, Viện bộ, ngành Ngoại giao như ông Trần Việt Thái, thì ông cũng bị cuốn vào cái vòng đó mà thôi".
Căn nguyên và hướng giải quyết vấn đề thế nào ?
Khi được hỏi nguyên nhân gốc rễ vấn đề ở đâu, ông Lê Văn Sinh, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy ví dụ qua kinh nghiệm ở môi trường mà ông từng làm việc và trải nghiệm trực tiếp, nói :
"Theo tôi, vì nó có một tình trạng như thế này, đã có một thời mà tôi không biết ở cấp quản lý cao hơn thì cụ thể như thế nào, nhưng như ở cấp Khoa, như ở Đại học mà tôi làm việc, không có một lợi lộc gì cả, về mặt kinh tế.
Và do đó, không ai lại muốn ngồi vào những vị trí lãnh đạo ở đó cả, không ai muốn ngồi vào đó, mà người ta chỉ thích và lo làm chuyên môn thôi.
Vì ngồi vào những vị trí lãnh đạo đó, người ta thấy vừa mất thời gian làm chuyên môn, mà cũng không mang lại lợi lộc gì".
Theo ông Lê Văn Sinh, người có hàng chục năm làm việc ở một đơn vị Khoa thuộc ngành Khoa học lịch sử thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cách thức mà mọi người đang chứng kiến ở Việt Nam hiện nay cho thấy ai làm chuyên môn giỏi dù tới đâu, thì cũng không thu được lợi lộc bằng có một vị trí trong bộ máy quyền lực.
"Ví dụ như ông Trần Việt Thái, hay ông Nguyễn Quang Tuấn, theo tôi khi các ông đã ngồi vào cái ghế như Giám đốc một bệnh viện, như là Bệnh viên Tim Hà Nội, và sau này ông được điều về Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, hay như ông cựu Đại sứ tại Malaysia, thì các ông ít nhiều cũng phải dính líu vào điều hành kinh tế, hay tài chính của đơn vị, tổ chức nơi các ông là quan chức lãnh đạo.
Như với ông Tuấn, do chức vụ như thế, ông làm chủ một tài khoản, và ở trong cái đó, thì về mặt tiền nong là ông có quyền chi, có quyền thu. Và thường các ông mà đã ngồi vào các vị trí đó, thì có rất nhiều mối lợi.
Do đó, một cách giải quyết, theo quan điểm riêng của tôi, là cần có cơ chế và cách làm để những người làm chuyên môn giỏi không còn phải ham vào những mối lợi đó, và trong cách thức đó, thì người làm chuyên môn giỏi vẫn có thể có thu nhập không chỉ là bằng, mà có khi còn hơn một số người làm quản lý cùng trong đơn vị đó, thì sẽ không hút những người làm chuyên môn giỏi lại đi đam mê vào những cái vốn dĩ không phải là thế mạnh của anh, nhưng mà lại đầy rủi ro".
Hãy từ chức hoặc tránh đi, chứ đừng biến mình thành "trộm cướp"
Từ Berlin, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, nêu quan điểm riêng của bà từ bên ngoài Việt Nam nhìn vào, bà nói :
"Nếu anh không muốn làm ‘trộm cướp’, thì anh từ chức đi, tại sao anh lại phải tham gia vào một cái chỗ mà anh biết chắc là mình sẽ ‘trộm cướp’ ? Điều đó là không thể chấp nhận được.
Không phải ai cũng sẵn sàng làm trộm cướp, những người lương thiện có thể từ chức, họ hoàn toàn có thể sống được bằng chuyên môn cơ mà ? Hoặc nếu mà bị o ép quá, tôi đi làm việc khác, nghề khác, thế mới là một con người bình thường. Thế mới là con người chính trực…
Còn trên báo chí, truyền thông Việt Nam, tôi đọc được một số ý kiến mà tôi cũng không đồng tình bảo rằng ở Việt Nam, những ai đó có chuyên môn giỏi, nhưng mà đã làm quan chức thì buộc phải theo cơ chế ấy để ăn tiền, để tồn tại, hoặc phải làm thế mới được việc.
Tôi cho rằng đó là một sự giải thích hoàn toàn bao biện cho những quan chức mà thực ra là những kẻ trộm cướp hiện nay, hoặc những nhóm lợi ích. Đây là những kẻ dù có giỏi chuyên môn đến đâu, nhưng mà đã mang tâm thế của những kẻ "trộm cướp" tiềm ẩn, chỉ là chưa có điều kiện để ăn cắp, ăn cướp của đồng bào mà thôi.
Còn khi đã vào những vị trí kia, chẳng hạn nhưng ông Tuấn hay những ông làm, hay liên quan những vụ chuyến bay giải cứu, hay là những ai mà nhận tới mấy trăm lần đút lót, hối lộ, hay dù chỉ một lần thôi, thì như thế họ cũng đã là một kẻ trộm cướp tiềm ẩn, và như thế không phải vô tình khi công chúng nhìn họ một cách vừa sợ hãi, vừa ghê tởm".
Theo truyền thông Việt Nam, ngày 18/4, trong lời nói sau cùng tại phiên tòa xét xử Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn và các bị cáo đồng vụ án, ông đã bày tỏ mong muốn được tiếp tục đóng góp, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao.
"Trong vụ án này, tôi nhận thức sâu sắc vai trò của mình, tôi không có biện hộ nào cho hành động mà mình đã gây ra, chỉ mong quý tòa có đánh giá nhân văn hơn nữa, cho tôi sớm được trở về với gia đình, xã hội, tiếp tục được đóng góp, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao", ông Tuấn được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói.
Vẫn theo báo chí chính thống của Việt Nam hôm thứ tư, 19/4, Viện Kiểm sát Tối cao của nước này vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ "chuyến bay giải cứu", vụ đại án mà trong đó Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia can dự và đã bị bắt giam, truy tố.
Theo cáo trạng này, 54 người đã bị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án xảy ra với rất nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ quản lý cấp khá cao và cao cấp tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan liên can.
Vụ việc theo nhà chức trách Việt Nam được coi là đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp ; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong và ngoài nước, trong đó có nhiều quan chức sau khi bị bắt giam, điều tra, truy tố, đã bị Đảng cộng sản công bố các mức độ kỷ luật khác nhau, trong đó có cả việc khai trừ khỏi đảng.
"Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", 18 bị can bị truy tố tội "Nhận hối lộ" với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình", trang VTCnews hôm thứ tư đưa tin.
Quốc Phương
Nguồn : RFA, 19/04/2023
***************************
Bệnh nhân có đòi được tiền từ bác sĩ Tuấn viện Tim ?
Hoàng Mai, RFA, 19/04/2023
Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội sáng 17/4/2023 đã bị đề nghị 4-5 năm tù với cáo buộc thông đồng với các công ty cung cấp thiết bị y tế, gian lận đấu thầu, giúp thiết bị trúng thầu là thiết bị nâng giá cao hơn thị trường, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 53 tỷ đồng.
Người Lao Động
Đây mới chỉ là phiên tòa sơ thẩm và dự kiến kéo dài năm ngày, do đó ông Tuấn và những bị can khác vẫn chưa bị xem là người có tội. Họ vẫn chỉ là nghi phạm và đang được làm rõ tội phạm bị cáo buộc tại phiên tòa công khai, cho đến khi có một bản án có hiệu lực được tuyên. Ngay cả khi phiên tòa sơ thẩm đã kết thúc thì các bị cáo vẫn có thể tiếp tục khiếu nại, kêu oan lên cấp cao hơn để yêu cầu mở phiên tòa phúc thẩm xét xử lại. Tuy nhiên ông Tuấn và những bị cáo khác đều đã nhận tội và "hết sức ăn năn" (theo cáo trạng), cũng như đã trích (một phần ?) tiền để bồi thường thiệt hại cho Nhà nước.
Nghĩa là tuy vẫn phải chờ bản án, nhưng bản chất của vụ án này cũng như những kẻ có tội có lẽ đã rõ ràng.
Vậy khi xét xử xong, những nạn nhân trực tiếp của họ-chính là các bệnh nhân đã phải trả nhiều tiền hơn nhiều lần để được chữa bệnh, hoặc đã mất đi cơ hội chữa bệnh do không đủ tiền-những bệnh nhân ấy có được bồi thường số tiền bị ăn chặn hay đền bù thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hay không ?
Liên minh nhầy nhụa
Theo cáo trạng, giá các vật tư cung cấp cho bệnh viện Tim Hà Nội đã bị tăng từ đến hai đến 20 triệu đồng/thiết bị. Trong đó stent do công ty Hoàng Nga cung cấp bị đội lên cao nhất - từ 17 lên 37 triệu đồng mỗi chiếc.
Trong vụ án tương tự xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai được xét xử vào năm ngoái (2022), Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã liên kết để đặt mua robot thực hiện phẫu thuật sọ não cho bệnh nhân. Robot này được bên đối tác mua từ Pháp. Theo cơ quan tố tụng thì hàng mới 100% và nhập khẩu nguyên chiếc có giá hơn 7,4 tỷ đồng. Nhưng phía Bạch Mai và đối tác đã thống nhất hợp thức hóa giá của nó gấp hơn năm lần, lên đến 39 tỷ đồng.
Trong các năm từ 2017 đến 2020, bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 637 ca bệnh được mổ với robot này. Chi phí bị đội khống, gây thiệt hại cho người bệnh là hơn 10 tỷ đồng.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, thời điểm đó đang là người phát ngôn của Bộ Công an, nói : với giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao mỗi ca bệnh là bốn triệu đồng. Nhưng với giá 39 tỷ, cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Phó giáo sư-Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh đã ban hành giá dịch vụ mổ với robot là 36 triệu đồng/ca.
Tức người bệnh phải trả chi phí khấu hao dư hơn 16,5 triệu đồng/ca. Chỉ riêng chi phí này đã tăng hơn gấp năm lần.
Trong quá trình điều tra của công an, những người bệnh, người nhà người bệnh tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho biết khi họ đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai thì đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh-sọ não. Trong đó, hình thức phẫu thuật thông thường, không có hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần. Hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot là điều trị dịch vụ nên không được bảo hiểm chi trả. Chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca. Bù lại, trong quá trình phẫu thuật người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn.
Người bệnh và gia đình không được biết thiết bị robot là do đối tác lắp đặt tại bệnh viện Bạch Mai chứ không phải là sở hữu của bệnh viện. Họ cũng không được giải thích cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết bị robot. Nhưng với mong muốn nhanh lành bệnh, nhiều người đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.
Nghĩa là bệnh viện Bạch Mai đã lừa người bệnh để họ phải sử dụng thiết bị này.
Nghĩa là nếu được tính chi phí đúng thì đã có gấp năm lần con số 637 người được mổ với robot, tức khoảng hơn 3.200 người.
Đó là sự tàn nhẫn và vô nhân đạo đến tận cùng. Đặc biệt khi nó được đạo diễn bởi bàn tay của những người từng thề lời thề cứu sống hoặc ít nhất không gây hại cho người bệnh, của những người đã từng được tặng danh thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân.
Bao nhiêu tiền cho thiệt hại của người bệnh ?
Sau vụ việc Bạch Mai, Bộ Y tế rà soát lại các hoạt động liên doanh liên kết làm dịch vụ y tế tại bệnh viện. Kết quả ngay tại Bạch Mai, 18 loại dịch vụ đã giảm xuống còn mức giá bằng với khi thanh toán với Bảo hiểm y tế. Ví dụ : dịch vụ với loại máy có mức giá năm triệu giảm còn 4,3 triệu đồng/ca. Máy có giá 28 triệu giảm còn 24 triệu đồng/ca.
Cuối năm 2021, Công an đã đề nghị những người bệnh hoặc thân nhân bị thiệt hại do vụ việc này của bệnh viện Bạch Mai đến nhận lại số tiền chênh lệch.
Nhưng ngoài Bạch Mai, hàng trăm bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cả nước đã bị phát hiện có kê khống giá vật tư thiết bị y tế… thì chưa thấy ai nói đến khoản bồi thường này.
Ở bệnh viện đa khoa các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn, Nghi Xuân, Thạch Hà (Hà Tĩnh), bộ máy giặt-sấy đồ vải trong bệnh viện của Hàn Quốc có giá xấp xỉ 500 triệu đồng đã được thổi lên thành 2,6 tỷ, thậm chí ba tỷ đồng. Chi phí này được tính vào dịch vụ cho người bệnh.
Ở bệnh viện Tim (Cần Thơ), giá hệ thống DSA 2 bình diện đã được nâng khống từ 29,5 tỷ đồng lên 38 tỷ đồng. Hệ thống CT 219 lát cắt nâng từ 13,4 tỷ lên gần 26 tỷ.
Bao nhiêu máu thịt của người bệnh đã bị rút rỉa từ đám thầy thuốc vô lại như thế ?
Ngay trong vụ án tại bệnh viện Tim Hà Nội đang được xét xử, chưa thấy nói đến số stent do công ty Kim Hòa Phát thông qua gian lận bán vào bệnh viện. Vợ chồng Phan Tuấn Đạt, giám đốc công ty Kim Hòa Phát lập nhiều công ty ở nước ngoài để buôn bán gian lận tay trái bán qua tay phải, thiết bị vật tư y tế đã bị nâng giá nhiều lần trước khi nhập vào Việt Nam (để nâng giá tiếp). Nhưng cho dù có tay trong là chính giám đốc bệnh viện thì giá bỏ thầu của Kim Hòa Phát cũng không thể quá chênh lệch với thị trường, vì nó dễ khiến vụ đấu thầu (giả) dễ bị nghi ngờ.
Gia đình vị giám đốc này rất giàu có, đã mua rất nhiều nhà cửa biệt thự hạng sang ở nước ngoài. Vậy để có được lợi nhuận kinh khủng như thế, giá trị thật của số stent và các vật tư y tế dùng cho người bệnh khác mà Kim Hòa Phát đã bán vào viện Tim là bao nhiêu ? Hoàn toàn có cơ sở để nghi vấn họ dùng hàng kém chất lượng rồi gian lận để bán với giá hàng thật.
Liên minh của bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn cũng tương tự vụ tuồn 830.000 hộp thuốc giả điều trị ung thư vào bán với giá thuốc thật như đại án VN Pharma mấy năm trước.
Không ai có thể tính hết được thiệt hại mà người bệnh đã gánh chịu.
Hay đơn giản như vụ kê khống hệ thống máy giặt-sấy tại một loạt bệnh viện huyện ở Hà Tĩnh như nói ở trên, cũng rất khó bóc tách được chi phí tham nhũng đã ăn luồn vào túi tiền hạn hẹp của người bệnh như thế nào.
Đó là số người đã bị trì hoãn, bị mất đi thời điểm vàng để điều trị bệnh. Là những người đã chết đi tức tưởi, hoặc sống suốt đời trong bệnh tật vì không đủ tiền điều trị. Là gánh nặng tài chính đè lên tất cả bệnh nhân và gia đình của họ. Những em bé trong một gia đình mất đi trụ cột về tài chính thay vì được đi học thì có thể phải lăn ra vỉa hè đề kiếm sống.
Đó không phải suy diễn mà là thực tế đau thương phía sau những hàng số được làm xiếc để những vị thầy thuốc vẫn an tâm tự hào rằng đã cứu về hàng ngàn trái tim mạnh khỏe, hay những kẻ kinh doanh khốn nạn như Kim Hòa Phát, Hoàng Nga.. vẫn làm giàu, vẫn sống phè phỡn trên máu xương người bệnh.
Vụ án đang tiếp tục được xét xử. Lẽ công bằng, những bệnh nhân đã bị lừa đảo ở viện Tim cũng phải được bồi thường tiền bạc đã mất đi như những nạn nhân ở Bạch Mai.
Và hơn nữa, ngoài luật người còn có luật trời.
Hoàng Mai
Nguồn : RFA, 19/04/2023
Tham khảo :
https://vnexpress.net/cuu-giam-doc-so-y-te-can-tho-toi-rat-an-han-4571055.html
https://vnexpress.net/cuu-giam-doc-so-y-te-can-tho-sai-pham-do-ap-luc-tu-cap-tren-4569051.html
https://vnexpress.net/hai-cuu-giam-doc-so-y-te-can-tho-linh-7-8-nam-tu-4571917.html
https://baomoi.com/cuu-giam-doc-benh-vien-tim-ha-noi-bi-de-nghi-4-5-nam-tu/c/45586781.epi
"Trò hề" để lách tội !
Mới đây, một số cử tri đề nghị cần có cơ chế miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng… nhằm giúp thúc đẩy tố cáo, giúp giảm tham nhũng.
AFP Photo
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trong báo cáo kết quả giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri gửi trước kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV cho biết, các cử tri cho rằng hành vi tham nhũng vặt thường diễn ra trong mối quan hệ khép kín giữa chủ thể tham nhũng và chủ thể tiếp tay tham nhũng… do đó sẽ rất khó phát hiện nếu không có tố giác từ những người tham gia. Tuy nhiên, cần phải có cơ chế miễn trừ trách nhiệm thì những người tham gia mới dám tố giác.
Trốn trách nhiệm, chạy tội
Nhà báo độc lập Nguyễn Ngọc Già từ Sài Gòn hôm 22/2 cho biết ý kiến về đề nghị này :
"Thứ nhất, tham nhũng và hối lộ là một cặp bài trùng như hình với bóng để thỏa mãn lòng tham của đôi bên, bất chấp luật pháp. Thứ hai, về luật pháp thì ở Việt Nam có đầy đủ các luật rồi, Luật phòng chống tham nhũng, Bộ luật hình sự, cùng với nhiều nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam (CSVN)… đã có quy định đầy đủ. Bây giờ đưa thêm khái niệm ‘miễn trừ trách nhiệm người tiếp tay tham nhũng’, thì đứng về mặt luật pháp không có một điều luật nào quy định khái niệm này, đó là vi phạm luật. Đồng thời khái niệm ‘người tiếp tay tham nhũng’ thì tôi cho rằng là một hình thức chính quyền tiếp tục bóp méo tiếng Việt nhằm để chạy trốn trách nhiệm, và chạy tội cho nhẹ đi".
Thứ ba, theo nhà báo Nguyễn Ngọc Già, nếu khái niệm "miễn trừ trách nhiệm người tiếp tay tham nhũng" được luật hóa, thì sẽ biến thành trò hề trước một vấn đề trầm trọng mang tính sống còn của chế độ độc đảng toàn trị, và làm như vậy là xé bỏ luật pháp. Ông Già nói tiếp :
"Thứ tư, nếu khái niệm này được luật hóa thì sẽ tạo ra một tiền lệ rất tồi tệ. Bởi vì các phe phái có thể hoàn toàn đủ căn cứ nhằm lợi dụng khái niệm này để thanh trừng lẫn nhau. Bởi vì tham nhũng hối lộ ở Việt Nam hiện nay đã trở thành bản chất, nó có hệ thống, có đường dây chặt chẽ từ cấp cao nhất cho đến cấp thấp… Và người dân chúng tôi như những người khán giả coi nhà cầm quyền cộng sản diễn tuồng. Chứ còn chúng tôi không có khả năng, không có quyền hạn, không có một ai bảo vệ để tố cáo tham nhũng".
Tóm lại, theo ông Nguyễn Ngọc Già, nếu khái niệm "miễn trừ trách nhiệm cho người tiếp tay tham nhũng" được luật hóa thì nó sẽ tạo ra một xã hội Việt Nam hỗn loạn, vô chính phủ ngày càng trầm trọng… chứ không giúp giải quyết việc giảm tham nhũng, hối lộ.
Cùng về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Huy Vũ từ Na Uy hôm 22/2/2023 cho rằng, trong một mối quan hệ tham nhũng, có hai trường hợp xảy ra. Trường hợp thứ nhất đó là cán bộ chủ động vòi vĩnh tiền của người dân để thông qua một hồ sơ. Trường hợp thứ hai, người dân chủ động tiếp cận với cán bộ để đưa tiền hối lộ nhằm thông qua hồ sơ một cách nhanh chóng. Trong cả hai trường hợp trên, theo ông Vũ, khi mà số tiền hối lộ nó nhỏ hơn chi phí mà người dân phải bỏ ra để đi tới đi lui nhằm hoàn thiện thủ tục hay nó nhỏ hơn lợi ích đạt được khi thông qua một dự án thì không có lý do gì mà người dân chủ động đi tố cáo cán bộ nhận hối lộ cả. Tiến sĩ Vũ giải thích tiếp :
"Chuyện nhận hối lộ bị bắt thường là do bị gài hoặc là sau khi nhận hối lộ rồi mà cán bộ quịt, không làm đến nơi đến chốn khiến người dân tức giận quay ra tố cáo mà thôi. Cho nên cái chuyện đề xuất miễn trừ trách nhiệm đối với người tiếp tay tham nhũng dù nó có vẻ giúp chống được tham nhũng nhưng về mặt thực chất nó không có tác dụng bao nhiêu cả. Tham nhũng bị phát hiện thường phải nhờ tới một bên thứ ba. Bên thứ ba này phải có đủ quyền và đủ động lực để moi ra tham nhũng.
Cũng theo tiến sĩ Huy Vũ, trong các thể chế dân chủ, bên thứ ba đó là các nhà báo và phe đối lập. Bởi lẽ, theo ông :
"Họ muốn moi ra các vụ tham nhũng để kỳ bầu cử sau họ thắng cử. Hay trong các thể chế dân chủ chưa hoàn thiện như Singapore, họ có những cơ quan độc lập nhằm điều tra tham nhũng, bởi việc moi ra các vụ tham nhũng, làm trong sạch bộ máy là trách nhiệm sống còn của đảng cầm quyền, vì nếu đảng không thể tạo ra một nhà nước trong sạch thì đảng sẽ phải chịu trách nhiệm cuối cùng và người dân sẽ quyết định tính sống còn của đảng".
Tuy nhiên, trong thể chế chính trị độc đảng hiện nay ở Việt Nam, Tiến sĩ Huy Vũ cho rằng, tham nhũng đã hiện diện ở mọi cấp, mọi ngành, thì khó mà chống được tham nhũng vì nó mang tính hệ thống. Việc khui ra một vài vụ tham nhũng điển hình (như thời gian qua), theo quan điểm của Tiến sĩ Vũ, chủ yếu là để đánh bóng hình ảnh của đảng cầm quyền và chủ yếu nhằm vào một vài cá nhân mà người đứng đầu đảng muốn loại bỏ để tăng cường quyền lực của mình.
Tiến sĩ Huy Vũ nói tiếp :
"Ai cũng biết rằng muốn chống tham nhũng thì phải tăng lương cho cán bộ, song song đó là giảm số cán bộ, để họ không muốn tham nhũng ; sau đó là tăng hình phạt và giám sát kỹ để họ không dám và không thể tham nhũng. Đó là về lý thuyết. Nhưng muốn làm được theo lý thuyết như vậy thì trong hệ thống phải có một số lượng lớn người muốn đi theo hệ thống đó, muốn áp dụng một hệ thống không có tham nhũng như vậy.
Điều này là bất khả thi trong hoàn cảnh hiện nay vì khi mà mọi người trong hệ thống công quyền đang hưởng lợi trong một hệ thống vốn chấp nhận và thoả hiệp với tham nhũng, đã quen với văn hoá này, thì không có lý do gì họ lại phải từ bỏ hệ thống có lợi hiện nay để đi tìm kiếm và xây dựng một hệ thống mới".
Do đó, ông Vũ cho rằng, muốn xây dựng một hệ thống chống tham nhũng phải cần những con người mới, ở bên ngoài hệ thống. Chuyện đó, theo ông Vũ, chỉ xảy ra khi Việt Nam có một hệ thống chính trị dân chủ. Khi mà những đảng đối lập khác nắm quyền, mang theo những con người khác, những văn hoá khác vào hệ thống thì may ra họ mới tạo ra một động lực mới để chống tham nhũng.
Người tố giác "có thể" thành tội phạm
Ở một khía cạnh khác về pháp luật Việt Nam hiện hành thì việc "miễn trừ trách nhiệm" như cử tri nêu ra có được coi là mới. RFA đã kết nối với Luật sư Phạm Công Út hôm 22/2 và được ông cho biết :
"Nó không mới, trong bộ luật hình sự thì đồng phạm có thể được miễn truy cứu trách nhiệm khi ‘chưa bị phát hiện mà đã tố giác tội phạm’. Nhưng ở đây người ta sử dụng vẫn là từ ‘có thể’ chứ không phải là ‘đương nhiên’ được miễn trách nhiệm hình sự. Do đó tùy theo người đồng phạm đó thái độ của họ như thế nào ?
Ví dụ họ đồng phạm với 10 người mà họ chỉ khai một người, giấu hết chín người thì có thể họ không được miễn trách nhiệm. Hay số tiền có thể là 10 tỷ mà họ chỉ nói tham gia vụ án một tỷ thôi, tức là họ che giấu đi một phần tội phạm. Luật đã quy định, chẳng qua người ta xào nấu lại thôi, làm nóng lại để phục vụ cho một vụ án nào đó sắp sửa khởi tố, hoặc để giống như ‘rung chà cá nhảy’… để người nào trong nhóm đồng phạm sẽ khai báo tố giác tội phạm".
Nhân sự việc mới mẻ này để bàn về câu chuyện bảo vệ người tố giác tham nhũng có trong Chỉ thị số 27 của Ban Bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ban hành vào năm 2019.
Nội dung Chỉ thị này cũng nhìn nhận những hạn chế, bất cập trong việc có không ít trường hợp người tố cáo bị lộ thông tin và bị trả thù. Trong khi đó, theo khoản 1 điều 25 của Luật Tố cáo 2018 quy định không được tố cáo ẩn danh, khi nhận được thông tin có nội dung tố cáo nhưng không rõ họ tên, địa chỉ của người tố cáo, thì cơ quan có thẩm quyền không xử lý.
Liên quan vấn đề người dân tố cáo tham nhũng được bảo vệ như thế nào, Luật sư Út nhận định :
"Người dân họ không phải là đồng phạm, họ là người tố giác tội phạm, nhưng sẽ bị quy chụp cho một tội danh nào đó. Ở Việt Nam người ta nói, tất cả mọi công dân đều là tội nhân dự bị, khi nào bắt là bắt, lúc nào vào tù là vào tù. Do đó đối với một rừng luật ở Việt Nam thì bất kỳ người dân nào đều có thể trở thành tội phạm, ví dụ những điều luật mơ hồ như tội ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền lợi ích của tổ chức, cá nhân’… Hay là tội trốn thuế, bất kỳ ai cũng có thể dính vào tội đó, thành ra nếu người dân tố giác tội phạm nào đó dính tới quan chức, thì trước mắt họ chưa trả lời đơn đó, nhưng có thể sẽ bị bắt vào tù và không còn tiếng nói nữa".
Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 4 năm 2022 tiếp tục yêu cầu hoàn thiện cơ chế khuyến khích người dân tố giác cán bộ tham nhũng. Nhưng thực tế chúng tôi ghi nhận thời gian qua từ thông tin chính thống lại thấy kết quả hoàn toàn khác.
Nói như Luật sư Phạm Công Út "mọi công dân đều là tội nhân dự bị", trên thực tế, người dân rất ít có cơ hội hay phương tiện để biểu đạt như ở các nước dân chủ. Thậm chí nếu ai nói gì trái ý người có chức quyền có thể bị trả thù, trù dập hoặc thậm chí bị bị chụp mũ là phản động...
Đơn cử như trường hợp ông Lê Anh Hùng, một người từng có 70 đơn tố cáo các trường hợp tham nhũng tại Việt Nam, đã bị bắt đưa vào nơi giam giữ bệnh nhân tâm thần.
Hay trường hợp cựu đại úy công an Lê Chí Thành vì tố cáo tham nhũng của cảnh sát giao thông lên mạng xã hội... đã bị kết án hai năm tù giam với cáo buộc "Chống người thi hành công vụ". Ngoài ra ông còn bị truy tố tội ‘Lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự năm 2015.
RFA, 22/02/2023