Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/06/2024

Nhà dột từ nóc : tham nhũng bao trùm cả guồng máy Đảng và Nhà nước

RFA - VOA

Phó Ban Nội chính Trung ương bị kỷ luật do tham nhũng : dột từ nóc lan rộng !

RFA, 18/06/2024

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp 42 hôm 15/6/2024 đã đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên - Phó ban Nội chính Trung ương vì vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

thamnhung1

Ủy ban Kiểm tra Trung ương tại kỳ họp 42 hôm 15/6/2024 đã đề nghị kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên - Phó ban Nội chính Trung ương. Courtesy chinhphu.vn

Ngoài ra, theo Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Yên đã vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương, gây hậu quả ‘rất nghiêm trọng’…

Một Phó ban Nội chính Trung ương bị kỷ luật có ảnh hưởng như thế nào đến cuộc chiến chống tham nhũng ? Một người dân ở miền Trung Việt Nam không muốn nêu tên vì lý do an toàn, hôm 18/6/2024 cho RFA biết ý kiến :

"Ban Nội chính Trung ương là Ban có nhiệm vụ bảo vệ chính trị nội bộ chứ không phải là cơ quan chống tham nhũng như Ủy ban kiểm tra trung ương. Tuy vậy, Ban Nội chính trung ương cũng có thể kết hợp với Ủy ban kiểm tra trung ương trong việc phòng chống tham nhũng.

Do đó, ông Nguyễn Văn Yên - Phó trưởng Ban nội chính trung ương, chức này bên Đảng tương đương chức bộ trưởng bên chính phủ, bị đề nghị kỷ luật thì cũng làm ảnh hưởng đến việc phòng chống tham nhũng. Vì lẽ, một cán bộ cấp cao của Đảng mà không gương mẫu, tha hóa, sa đọa, vi phạm những điều đảng viên không được làm… thì sẽ làm giảm lòng tin của người dân đối với công việc phòng chống tham nhũng".

Theo người dân này, nếu làm mất lòng tin của dân sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy :

"Giảm lòng tin thì người dân sẽ nghi ngờ về chủ trương lớn của Đảng đối với công tác này và có thể họ suy nghĩ về các cán bộ cấp cao của Đảng "ai cũng thế" và đương nhiên là sẽ dẫn đến thiếu tôn trọng đối với cán bộ nhà nước. Do đó, muốn làm cho cán bộ nhà nước trong sạch, liêm khiết, gương mẫu… thì khó lắm, nhất là trong điều kiện Đảng độc quyền lãnh đạo, cán bộ do Đảng chọn lựa. Theo Điều 4 hiến pháp : ‘Đảng cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất lãnh đạo nhà nước toàn diện, trực tiếp và tuyệt đối’ !"

Ban Nội chính Trung ương là cơ quan tham mưu, giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, về các chính sách thuộc lĩnh vực nội chính, phòng, chống tham nhũng và cải cách tư pháp ; đồng thời là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác nội chính của Đảng, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương…

Từ Đức quốc hôm 18/6/2024, luật sư hân quyền Nguyễn Văn Đài giải thích với RFA :

"Ban Nội chính Trung ương là một cơ quan theo dõi khối nội chính gồm : cơ quan điều tra là công an, cơ quan truy tố là viện kiểm sát và cơ quan xét xử là tòa án… và đặc biệt nó theo dõi rất nhiều vụ án tham nhũng từ cấp tỉnh trở lên. Bởi vậy khi có những quan chức ở cấp địa phương mà dính dáng đến tham nhũng, thì thường họ tìm mọi cách để mà ‘chạy’ với các quan chức cao cấp của Ban Nội chính Trung ương nhằm bao che cho tội lỗi của họ".

Như vậy, theo luật sư Nguyễn Văn Đài, một người như ông Nguyễn Văn Yên, có rất nhiều quyền lực để có thể tham nhũng. Ông Đài nói tiếp :

"Một Phó trưởng Ban Nội chính tức là một người rất có quyền lực, có thể quyết định truy tố một người có tội, hay tha bổng một người đã phạm tội… Do vậy một ông Phó trưởng Ban Nội chính mà vi phạm kỷ luật như vậy, được coi là không còn đảm bảo sự đúng đắn của một cơ quan bảo vệ pháp luật nữa. Vì một người đứng đầu mà như vậy, thì hiển nhiên cấp dưới của họ sẽ vi phạm rất nhiều, lãnh đạo vi phạm như vậy thì những người chuyên viên, những người trong Ban Nội chính sẽ vi phạm… không còn đúng là một cơ quan để mà theo dõi các cơ quan phòng chống tham nhũng khác nữa".

Việt Nam bị xếp hạng 87 trong danh sách 180 quốc gia về tham nhũng theo báo cáo  của tổ chức Minh bạch Quốc tế (Transparency International) công bố hôm 25/1/2022.

Các vụ tham nhũng bị đưa vào diện Ban chỉ đạo trung ương theo dõi, vì có sự góp mặt vi phạm của hàng loạt lãnh đạo cấp cao, phải kể đến như vụ FLC ; Tân Hoàng Minh ; Vạn Thịnh Phát, Công ty Việt Á ; Công ty AIC...

Ông Trần Anh Quân, một người trẻ hoạt động xã hội ở Sài Gòn, hôm 18/6/2024 khi trao đổi với RFA nhận định :

"Chuyện lãnh đạo chống tham nhũng mà tham nhũng là chuyện bình thường trong chính trị Việt Nam. Giống như các thứ trưởng Bộ Công an có nhiệm vụ phòng chống cờ bạc lại là những người bảo kê cho đường dây cờ bạc ngàn tỷ vậy. Chống tham nhũng chỉ là cái cớ để người ta kiếm thêm tiền tham nhũng bằng chiêu bài mượn đao giết người. Các quan chức cấp cao cố tình để cho cấp thấp tham nhũng, sau đó lấy cớ chống tham nhũng để nuốt trọn số tiền của cán bộ cấp thấp.

Giống như người đứng đầu Đảng cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng từng nói ‘chống tham nhũng là ta tự đánh ta’. Tức là chỉ có cộng sản mới tham nhũng, chống tham nhũng là hình thức thanh trừng nội bộ để tranh đoạt tiền của và quyền lực của các quan chức cộng sản Việt Nam".

Theo ông Quân, càng chống tham nhũng thì lại càng thêm tham nhũng, quan sau tham hơn quan trước thì rõ ràng là không hiệu quả. Vậy thì cần phải coi lại cơ chế chống tham nhũng của Đảng cộng sản hiện nay. Ông Quân cho biết thêm :

"Nếu thật sự muốn chống tham nhũng thì phải tôn trọng ý kiến của người dân. Chứ hiện nay người dân thường mà tố cáo tham nhũng là sẽ bị công an trừng phạt bằng nhiều biện pháp như cô lập kinh tế hoặc thậm chí bắt giam người tố cáo. Còn người bị tố cáo thì càng ngày càng thăng tiến thì ai mà dám tố cáo tham nhũng nữa. Phải đợi thế lực sau lên để trả thù thế lực trước rồi mới có người bị xử lý thì không được. Đó là hình thức trả thù của giang hồ chứ không phải trong một xã hội pháp quyền".

Còn nếu Đảng cộng sản không xử lý được nạn tham nhũng thì theo ông Quân, họ nên trả quyền làm chủ đất nước lại cho người dân, để người dân được tự do bầu chọn ra các lãnh đạo có tài có đức cho đất nước.

Nguồn : RFA, 18/06/2024

**************************

Hàng loạt cán bộ Viện Pháp y tâm thần Biên Hòa bị bắt giữ : Có hay không việc tiếp tay chạy án ?

BBC, 17/06/2024

Vụ hàng loạt cán bộ tại Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai bị bắt giữ đang gây xôn xao dư luận về việc có hay không sự tiếp tay chạy đại án bằng tấm giấy xác nhận tâm thần.

thamnhung2

Tính đến chiều ngày Chủ nhật 16/6 đã có 13 người bị bắt và triệu tập về Thành phố Hồ Chí Minh cho việc điều tra bao gồm 11 viên chức và 2 cán bộ đã nghỉ hưu.

Trong số những người bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an Việt Nam (C02) bắt giữ có ông Lê Văn Hùng, viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Thành Công, phó viện trưởng, ông Bùi Thế Hùng, cựu viện trưởng, bác sĩ Nguyễn Văn Trọng, trưởng khoa điều trị bắt buộc nhóm nghiện chất và các bác sĩ, điều dưỡng khác.

Những người này bị bắt để điều tra liên quan đến cáo buộc sai phạm liên quan đến kết quả hồ sơ giám định, điều trị các bệnh nhân.

Trước tình hình nhân sự thiếu hụt, Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa đã gửi công văn hỏa tốc cho Bộ Y tế Việt Nam về phương án giải quyết. Văn bản có nội dung :

"Hiện nay tình hình rất cấp bách, không còn cán bộ làm việc, Viện báo cáo hỏa tốc và xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Y tế để có phương án ổn định nhân lực công tác", theo tường thuật từ truyền thông trong nước.

Theo báo Người Lao động vào hôm nay 17/6, cơ quan điều tra vẫn tiếp tục làm việc hôm nay tại viện này.

Chứng nhận bệnh tâm thần cho người 'dính' đại án ?

thamnhung3

Đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về liệu có khả năng những người không mắc bệnh tâm thần, có dính đến các vụ đại án, đã được chứng nhận bị bệnh để tránh phải đứng trước vành móng ngựa

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa, trực thuộc Bộ Y tế Việt Nam được thành lập năm 2015.

Chức năng của viện là giám định pháp y tâm thần, quản lý, điều trị người rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan tố tụng.

Đã có những thông tin lan truyền trên mạng xã hội về liệu có khả năng những người không mắc bệnh tâm thần, có dính đến các vụ đại án, đã được Viện Pháp y Tâm thần Trung ương Biên Hòa chứng nhận bị bệnh để tránh bị pháp luật xử lý ?

Báo chí trong nước đưa tin một số trường hợp liên quan đến kết quả giám định của viện này là bà Trần Thị Mỹ Hiền, nguyên Giám đốc Công ty Đất Vàng Hoàng Gia, bị cáo buộc chiếm đoạt hơn 816 tỉ đồng. Hiện bà Hiền bỏ trốn và đang bị truy nã.

Theo kết quả giám định từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, bà Hiền đã "mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".

Kết quả từ Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Hà Nội) cũng cho kết quả tương tự.

Theo báo Tuổi Trẻ, còn có trường hợp bà Tống Thị Bạch Lan bị Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử sơ thẩm và tuyên án tử hình về tội "Vận chuyển trái phép chất ma túy" hồi năm 2020.

Cũng vào năm này, Viện Pháp y tâm thần trung ương Biên Hòa kết luận bà Lan : "Tại thời điểm gây án, đương sự bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, hiện nay đương sự mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi".

Sau đó bà Lan được đi chữa trị bệnh bắt buộc và trốn viện.

Hiện không rõ vụ án này sẽ được mở rộng và còn liên quan đến những người nào khác ngoài những người được báo chí trong nước đề cập cho đến nay.

thamnhung4

Hiện tượng bỏ tiền để mua giấy xác định tâm thần đã diễn ra phổ biến trong thời gian qua tại Việt Nam. Ảnh Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 5/3/2024

'Chạy bệnh'

Điều 447 Bộ luật Hình sự 2015 quy định các điều kiện áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh như sau : "Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình thì không phải chịu trách nhiệm hình sự".

Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án là một trong các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định.

Điều 49 Bộ luật Hình sự 2015 có nội dung : "Nếu kết quả giám định cho thấy người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần thì Viện kiểm sát hoặc Tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh mà không phải chịu trách nhiệm hình sự".

Với những quy định như vậy, việc lách luật",chạy án" bằng giám định tâm thần để trốn tránh trách nhiệm hình sự diễn ra phổ biến trong thời gian qua ở Việt Nam, theo báo trong nước.

Trong những năm qua liên tục có những cảnh báo về việc những đối tượng phạm trọng tội lợi dụng những kẽ hở để thoát tội bằng việc bỏ tiền ra mua kết quả giám định tâm thần.

Đã có những bác sĩ tại Việt Nam bị kết án về tội nhận hối lộ liên quan đến kết luận giám định pháp y về bệnh tật giả mạo.

Trong một bài viết trên báo Tuổi Trẻ vào năm 2016, ông Đinh Văn Quế, cựu chánh tòa hình sự Tòa án Nhân dân tối cao đã chất vấn "Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế !".

Cụ thể ông đề cập đến một khái niệm "chạy bệnh" vẫn còn xảy ra đến tận ngày nay :

"Nhiều người cho rằng nên bổ sung cụm từ "chạy bệnh" vào sau các từ : chạy chức, chạy quyền, chạy án, chạy luân chuyển...

Trong đó "chạy bệnh" dễ hơn chạy các thứ khác. Hơn nữa, có ai kiểm tra được tính xác thực của các bệnh án và bản giám định pháp y đâu !

Mặc dù theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y cũng chỉ là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, có quyền tin hay không tin.

Tuy nhiên, thực tiễn thì dù không tin cơ quan tiến hành tố tụng cũng không dám bác bỏ, bởi lẽ mình không có chuyên môn này.

Cùng lắm là yêu cầu giám định lại, chứ chưa có trường hợp nào cơ quan tiến hành tố tụng thẳng thừng bác bỏ.

Đây cũng là cái "mai rùa" rất cứng và an toàn để những quan tham ẩn nấp !", ông viết.

Nguồn : BBC, 17/06/2024

********************************

Viện Pháp y Tâm thần Trung ương - thêm ổ tham nhũng nay mới bị sờ đến !

RFA, 18/06/2024

Sáng 16/6/2024, Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ Công an đã bắt hai lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, gồm bác sĩ Lê Văn Hùng, Viện trưởng và bác sĩ Nguyễn Thành Công, Phó viện trưởng. Ngoài ra, nhiều bác sĩ, điều dưỡng, cán bộ của viện này cũng bị công an triệu tập dẫn đến chuyện không còn cán bộ làm việc. Bộ Y tế phải họp gấp.

thamnhung5

Bộ Công an bắt thêm Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa

Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có chức năng giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và luật Giám định tư pháp ; chỉ đạo chuyên môn nghiệp vụ pháp y tâm thần cho ba trung tâm pháp y tâm thần khu vực phía nam.

Theo thông tin được truyền thông Nhà nước loan tải, việc bắt giữ là để điều tra, làm rõ sai phạm trong việc điều trị, lập hồ sơ chứng nhận tâm thần cho bệnh nhân. Đây là chuyên án do Bộ Công an xác lập.

Bác sĩ Nguyễn Viện nêu nhận định của ông với RFA :

"Nó liên quan nhiều đối tượng. Ví dụ công chức muốn nghỉ hưu sớm thì phải qua giám định y khoa, trong đó có giám định về tâm thần. Mà giám định tâm thần thì khám cũng không thấy gì về mặt vật lý, xét nghiệm cũng không thấy gì. Chỉ có tiếp xúc với bác sĩ qua giao tiếp, qua lời nói, thái độ, hành vi rồi bác sĩ đưa ra chẩn đoán. Do đó, chẩn đoán về tâm thần học nó dựa vào nhận định chủ quan của người bác sĩ. Nhưng khi đưa ra kết quả giám định sức khỏe tâm thần thì cũng mời một số bác sĩ chuyên khoa tâm thần.

Còn liên quan vấn đề pháp luật thì có những người phạm tội nhưng được cho rằng bị bệnh tâm thần thì ra tòa sẽ được miễn tội chẳng hạn. Có thể họ cấp giấy tâm thần khống, không họp hội đồng giám định gì cả".

Một nhà quan sát tình hình chính trị trong nước nêu quan điểm của ông với RFA :

"Về mặt pháp luật thì bị can, bị cáo bị tâm thần có giấy xác nhận của cơ quan chuyên môn thì không phải chịu trách nhiệm hình sự. Về mặt thực tế, đã có nhiều quan chức cao cấp, trung cấp khi bị truy tố ra tòa thì có giấy xác nhận tâm thần. Như vậy, việc lợi dụng bị tâm thần để trốn tội gây ra đàm tiếu, cười cợt trong dư luận, làm mất danh dự của đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Nhân sự được lựa chọn theo quy trình rất kỹ lưỡng với nhiều mỹ từ, thế nhưng ra tòa là bị tâm thần. Chắc chắn có sự thông đồng giữa viện tâm thần này với các quan chức bị truy tố để cấp giấy xác nhận tâm thần cho họ nhằm trốn tội.

Việc bắt từ viện trưởng, viện phó cho đến bác sĩ cho thấy đây là một căn cứ để xác nhận mấy tờ giấy xác nhận tâm thần của một số quan chức được mua bằng tiền. Và điều này được Bộ công an theo dõi từ lâu trước khi chuyên án được công bố".

Nhà quan sát này dự đoán sắp tới sẽ có những nhân vật cao cấp bị bắt tiếp, và dường như Bộ Công an cũng đã nghe ngóng và nắm bắt thông tin sẽ có trò gian lận xác nhận tâm thần để tránh tội.

"Do đó, việc Bộ Công an bắt Viện trưởng, Phó viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là để ngăn chặn việc lợi dụng giấy xác nhận tâm thần trốn tội", ông kết luận.

Chuyện một số quan chức ra tòa có giấy chứng nhận tâm thần không còn là chuyện lạ với người dân. Tại phiên họp toàn thể đánh giá về tình hình phòng chống tham nhũng diễn ra tại Hà Nội từ 10 năm trước, ngày 15 tháng 9 năm 2014, ông Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lưu ý, rất nhiều vụ án tham nhũng sau khi khởi tố điều tra thì bị can bị cáo bị bệnh tâm thần, phải chờ để giám định, hoặc bị đình chỉ khiến vụ án kéo dài. Ông Đương cho rằng loại tội phạm này thì không cần phải đi giám định tâm thần nữa.

Báo chí Nhà nước cũng từng đặt vấn đề quan chức ra tòa có giấy chứng nhận tâm thần, như báo Tuổi Trẻ có bài ‘Tại sao tham nhũng lại bị tâm thần nhiều thế !’ ; báo Dân trí có bài ‘Tại sao cứ phạm tội là bị tâm thần’ bài ‘Từ "hội chứng tâm thần tham nhũng" đến giang hồ… "chạy bệnh điên" !’ ; báo Thanh niên có bài ‘Tội phạm tham nhũng thường... tâm thần’

Cách đây vài năm, khi ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phải ra tòa về tội "Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước", thì được đề nghị giảm án do có ‘tiền sử bị bệnh tâm thần’.

Có ý kiến cho rằng, việc bắt hai lãnh đạo của Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là một bước ngăn chặn nạn "giả tâm thần" để tránh sự trừng phạt của luật pháp trong công cuộc đốt lò của ông Trọng.

Theo quy định của pháp luật thì kết luận pháp y là một nguồn chứng cứ để cơ quan tiến hành tố tụng tham khảo, cơ quan tiến hành tố tụng có quyền bác bỏ, nhưng cơ quan tiến hành tố tụng lại không có chuyên môn nên có thể yêu cầu giám định lại nếu có nghi ngờ.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng, giám định lại thì kết quả cũng không khác. Ông nói với RFA :

"Nếu có giấy xác nhận bị bệnh tâm thần thì có thể không bị khởi tố, cho nên cũng có nhiều quan chức phải "chạy" cho được những tờ giấy này để miễn bị truy tố. Đây cũng là một câu chuyện trong công cuộc đốt lò thôi. Chắc họ phát hiện ra có nhiều vị tai to mặt lớn có giấy tâm thần để trốn tội, nên mục đích trong vụ này có thể là tốt, theo nghĩa cho công bằng hơn. Điều này đúng thôi.

Nhưng bản thân cái cuộc đốt lò này cũng có đại vấn đề mà đánh giá thì không đơn giản. Cả cái hệ thống thối nát thì có chặt chỗ này cũng còn chỗ khác. Không bớt thối nát đi được".

Sau vụ bắt giữ lãnh đạo và bác sĩ Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, Bộ Y tế đề nghị Thanh tra Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý khám, chữa bệnh tiến hành thanh tra đột xuất ngay đối với các đơn vị có biểu hiện vi phạm trong giám định pháp y tâm thần và điều trị bắt buộc chữa bệnh, đồng thời hằng năm đưa nội dung này vào kế hoạch thanh tra trình Bộ Y tế xem xét, quyết định.

Nguồn : RFA, 18/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA, VOA
Read 322 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)