Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/06/2024

Tuy là Chủ tịch nước nhưng cái bóng của Tô Lâm vẫn bao trùm ngành công an

RFA tiếng Việt

Ông Tô Lâm hô khẩu hiệu "xây dựng một nền tư pháp xã hội chủ nghĩa hiện đại, chuyên nghiệp"

RFA, 18/06/2024

"Cần xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội".

tuphap1

Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. AFP Photo

Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu như vừa nêu tại buổi họp với Toà án nhân dân tối cao ở Hà Nội hôm 14/6/2024.

­Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Hoa Kỳ hôm 17/6/2024 nhận định với RFA :

"Đọc thấy lời của ông tân Chủ tịch nước Tô Lâm về kêu gọi xây dựng một nền tư pháp hiện đại, chuyên nghiệp để xây dựng thành công Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đồng thời kêu gọi tuyệt đối không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, mà tôi không khỏi cám cảnh và khẳng định ngay rằng lời kêu gọi chẳng khác nào lời hô khẩu hiệu cả. Chúng trống rỗng, không hề thực tế hoặc mang tính khả thi.

Trong đó, điều duy nhất mà tôi có thể tán thành với ông ấy khi đánh giá cho rằng hiện nay chưa có nền tư pháp hiện đại, tức là ông ấy đã thừa nhận nền tư pháp đang tồn tại từ nhiều thập kỷ qua là nền tư pháp hoang dã gây nên tình trạng làm oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm".

Còn lại theo ­Luật sư Đặng Đình Mạnh, thì cũng luật pháp ấy, con người ấy và tư duy ấy, không có bất kỳ sự thay đổi, thì ông Mạnh cho biết không thấy có cơ sở nào để chế độ có thể xây dựng một nền tư pháp hiện đại, kể cả trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền. Luật sư Mạnh nói tiếp :

"Tôi giả thiết, nếu ngay bây giờ chế độ cho giải tán Ban Nội Chính hiện đang tồn tại tại trung ương và các địa phương, thì ít nhất, đã loại trừ được một thiết chế có khả năng can thiệp vào các quyết định tư pháp. Đồng thời, trả ngay tự do cho các tử tù oan như Nguyễn Văn Chưởng, Hồ Duy Hải. Xin lỗi và bồi thường cho gia đình tử tù oan Lê Văn Mạnh... Đó đều là những việc dễ dàng thực hiện nhất và là phép thử sự thành thực của chế độ. 

Nếu chế độ không thực hiện, thì chúng ta không có cơ sở nào để tin vào các lời kêu gọi cải cách tư pháp của ông Tô Lâm, tân chủ tịch nước".

Nền tư pháp xã hội chủ nghĩa có thể không làm oan người vô tội ? Liệu nền tư pháp xã hội chủ nghĩa "hiện đại" có tạo nên khác biệt ?

Từ Đức quốc hôm 17/6/2024, Luật sư Nhân quyền Nguyễn Văn Đài cho RFA biết ý kiến :

"Trong chế độ cộng sản Việt Nam, ngành công an là ngành gây ra rất nhiều những nỗi oan trái cho người dân Việt Nam trong suốt gần 80 năm dưới sự cai trị của họ. Ở các nước dân chủ văn minh, thì họ xây dựng một nhà nước pháp quyền, cộng với tam quyền phân lập, báo chí tự do, đa đảng đối lập… cho nên những hiện tượng bị oan sai rất là hiếm, có khi cả một thập kỷ không may mới có một trường hợp. Nhưng ở trong chế độ cộng sản thì hầu như những án oan, dân oan có trên khắp đất nước Việt Nam, ở đâu cũng có…".

Cho nên theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, chính quyền Việt Nam càng nói xây dựng nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, thì lại càng tạo ra nhiều người bị oan trái trên đất nước Việt Nam. Luật sư Đài cho biết thêm về tình trạng án oan tại Việt Nam hiện nay :

"Theo thống kê của ngành kiểm sát, cũng như của ngành tòa án, thì họ nói tỷ lệ oan sai được duy trì ở dưới mức 5%. Trong khi đó ở Việt Nam mỗi một năm có khoảng 150.000 vụ án được xét xử, với mức án oan dưới 5% thì tương đương với độ khoảng độ 7.000 vụ án oan một năm, đó là một con số quá lớn. Trong khi các nước một thập kỷ chỉ có một vài án oan, mà Việt Nam tới 7.000 án oan thì ghê gớm đến mức độ nào ?"

Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình khi trả lời chất vấn của Quốc hội từng khẳng định luôn đảm bảo tính độc lập trong xét xử của thẩm phán, hội thẩm. Tuy nhiên, theo ý kiến của giới chuyên môn thì tình trạng ‘chỉ đạo án’ còn diễn ra rất nhiều trong hệ thống pháp luật Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể), khi trả lời RFA liên quan vấn đề này cho rằng, mong ước về tòa án độc lập còn phải đấu tranh dài mới được. Ông lập luận :

"Phải hoàn toàn không dưới sự kiểm soát của bất kể tổ chức chính trị nào, tòa án độc lập là phải như vậy. Vai trò của luật sư phải được đề cao, phải nguyên tắc. Ví dụ như suy đoán vô tội phải được thực hành, bất kể ai vi phạm những chuyện ấy nghĩa là họ tìm mọi cách quy tội cho người ta mà không có chứng cứ rõ ràng thì những người đó phải bị đuổi ra khỏi tòa án".

Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, người dân phải lên tiếng mạnh mẽ hơn, các tổ chức xã hội phải lên tiếng mạnh hơn, thì lúc đó mới có biến chuyển, mới có sự thay đổi trong nền Tư pháp Việt Nam.

Nguồn : RFA, 17/06/2024

*********************************

Việt Nam muốn theo Trung Quốc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống 12

RFA, 18/06/2024

Tại phiên thảo luận tổ về dự án luật tư pháp người chưa thành niên hôm 8 tháng 6 năm 2024, đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí đề xuất nên giảm độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự xuống 12. Lý do được ông Trí nêu ra là "trẻ em bây giờ lớn, khôn nhanh lắm, trưởng thành về mặt tâm lý, sinh lý, hiểu biết". Việc hạ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự được một số ý kiến cho là sẽ tăng sức răn đe ; là biện pháp trực tiếp nhất ngăn chặn tình trạng tội phạm ngày càng trẻ hóa.

tuphap2

Trẻ em 12 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự đối với những người phạm các trọng tội như sử dụng hung khí nguy hiểm để giết người hoặc gây thương tích dẫn đến tử vong hoặc tàn tật nghiêm trọng. Ảnh minh họa. (Nguồn : dailysabah.com)

Một nước láng giềng có cùng thể chế chính trị như Việt Nam, là Trung Quốc, cũng sửa luật hình sự vào năm 2020. Theo đó, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự của thiếu niên đã hạ từ mức 14 tuổi theo luật cũ xuống còn 12 tuổi. Việc sửa luật này được cho là phản ứng của chính quyền Trung Quốc trước tình trạng tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ.

Luật sư Đặng Đình Mạnh nêu quan điểm của ông với RFA :

"Với hai quốc gia cùng theo chế độ Cộng Sản là Trung Quốc và Việt Nam đang phải nới rộng phạm vi tuổi thiếu niên phải chịu trách nhiệm hình sự cho thấy mức độ phạm tội của lứa tuổi này đang là vấn đề nghiêm trọng đối với xã hội. Nói khác, nó là hậu quả của một quá trình giáo dục, và triết lý đấu tranh phòng chống tội phạm từ nhiều thập kỷ qua của chế độ đã hoàn toàn thất bại. 

Giải pháp để xử lý là phải tạo môi trường xã hội lành mạnh, bảo đảm cuộc sống cho người dân để kéo giảm tội phạm hình sự chứ không phải là hạ tuổi để tăng mức chế tài tội phạm. Chúng ta cứ lấy việc xử lý tội phạm ma túy thì rõ. Hiện nay hình phạt tội ma túy rất nặng nề, thế nhưng, điều đó không hề kéo giảm được số lượng tội phạm ma túy. Cho thấy, chúng ta không có một xã hội lành mạnh để ngăn ngừa tội phạm chứ không phải hình phạt chưa đủ nặng để răn đe.

Chưa kể rằng, tại Quốc hội, có đại biểu phát biểu đầy cảm tính cho rằng "Trẻ em bây giờ lớn khôn nhanh lắm" mà không hề thông qua bất kỳ cuộc khảo sát xã hội học nào để làm căn cứ khoa học cả. Thậm chí, họ cũng quên rằng việc quy định tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào, còn phải tương thích với các công ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết tham gia.

Theo đó, tôi cho rằng mức quy định về tuổi thiếu niên phải chịu trách nhiệm hình sự như Bộ luật Hình sự đang quy định ở mức 14 và 16 tuổi là chính đáng và hợp pháp, nên giữ nguyên như vậy".

Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm là người từ đủ 16 tuổi trở lên. Còn người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như tội giết người, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán chất ma túy, tội khủng bố… và mức án cao nhất có thể áp dụng là 12 năm tù. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phải chịu trách nhiệm về mọi tội phạm, nhưng mức án cao nhất có thể áp dụng là 18 năm tù.

Các quy định của bộ luật Hình sự năm 2015 được cho là thiết kế nhằm phù hợp với Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên. Còn theo Hiến pháp năm 2013, trẻ em được nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục ; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em.

Với đề xuất hạ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự xuống 12, Phó Giáo sư Hoàng Dũng nhận định :

"Việc tuổi phạm tội hạ thấp như vậy là một chỉ báo đạo đức xã hội đi xuống. Mà cái chỉ báo đó rất đáng lo vì nó nằm trong đối tượng là trẻ em, là tương lai của đất nước. Đó là một vấn đề rất là nghiêm trọng. Để giải quyết tình trạng này thì không bao giờ chỉ có một cách ứng xử, mà phải là tổng hợp nhiều cách. Nhưng dù cách nào đi nữa thì tôi cũng phản đối chuyện hạ tuổi chịu trách nhiệm hình sự xuống mức trẻ em 12 tuổi. Đây là lứa tuổi mà luật pháp thế giới cũng phải công nhận là chưa trưởng thành, mà phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều này chắc chắn sẽ không đưa đến kết quả tốt, bởi trẻ đã không có ý thức mà đặt vấn đề chịu trách nhiệm hình sự có nghĩa trẻ phải có ý thức. Cái đó đầy mâu thuẫn !"

Truyền thông Nhà nước dẫn lời Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình rằng : "Roi vọt, trại giam sẽ làm các cháu trở nên chai sạn với hình phạt. Từ việc làm quen như vậy sẽ không sợ nữa. Đó là lý do tội phạm tăng. Thế giới đã chứng minh và cho nên chỉ áp dụng biện pháp trừng phạt đưa vào nhà tù khi không còn giải pháp nào khác. Đừng hy vọng tù thật nhiều, phạt thật nhiều thì tình hình tội phạm sẽ giảm. Đó là quan điểm sai".

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, trẻ em thuộc nhóm đối tượng chưa phát triển đầy đủ về tâm sinh lý, kinh nghiệm đời sống, kiến thức pháp luật, nên tư pháp cho người chưa thành niên có đặc thù riêng, không thể lấy tư pháp của người lớn rồi điều chỉnh để áp dụng cho trẻ em.

Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở Châu Á và là quốc gia thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về quyền trẻ em. Công ước này khuyến cáo các quốc gia thành viên phải có đạo luật riêng về tư pháp cho người chưa thành niên độc lập. Cho đến nay, chỉ còn hai nước trong khối ASEAN chưa có Luật Tư pháp cho người chưa thành niên, trong đó có Việt Nam.

Tại phiên chất vấn sáng 20 tháng 3 năm 2023 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cho biết, Toà án nhân dân tối cao đang trình một Dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên, thể hiện sự cam kết về bảo vệ trẻ em ; thể hiện sự nhân đạo với trẻ em bởi với trẻ em thì giáo dục là chính, chứ không phải trừng phạt là chính.

Nguồn : RFA, 18/06/2024

****************************

Nhiều bất cập về quy định "trích 70% tiền phạt giao thông cho Bộ Công an"

RFA, 18/06/2024

Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa đồng ý đề xuất trích lại tiền phạt vi phạm giao thông ít nhất 70% cho Bộ Công an.

tuphap3

Cảnh sát giao thông thổi nồng độ cồn - Bộ công an

Tạo thêm áp lực cho người dân

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Lê Tấn Tới, vào sáng ngày 11/6. thay mặt cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về dự thảo luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, cho biết như trên. 

Tại khoản 1 điều 5 của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đề xuất quy định "lực lượng cảnh sát giao thông được trích không thấp hơn 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước".

Một luật sư hiện đang ở trong nước, không muốn nêu danh tính, vì lý do an toàn cho rằng đây là một đề xuất rất tệ. Bộ Công an có thể sẽ áp chỉ tiêu trong trường hợp cảnh sát giao thông được trích lại tiền xử phạt vi phạm giao thông :

"Một bên tăng cường xử phạt để có đủ tiền thì người tham gia giao thông, dù là lỗi nhỏ nhất hoặc không có lỗi thì cũng bị đè ra phạt để ngành Công an lấy thành tích. Như vậy sẽ tạo thêm áp lực, gánh nặng cho người dân".

Ông Nguyễn Tiến Trung, một nhà hoạt động chính trị, từ nước Đức nhận định từ xưa tới giờ lực lượng cảnh sát giao thông vẫn tìm đủ trăm phương ngàn cách để lấy tiền của người dân đút túi riêng. Do đó : 

"Khi thêm điều luật mới Cảnh sát giao thông được giữ tiền lại cho chính họ thì họ sẽ vẫn tiếp tục tìm cách để trấn lột tiền của người dân bỏ túi riêng cho chính họ hay đội cảnh sát của họ. Đồng thời họ sẽ cố gắng tìm cách để phạt được người dân nhiều hơn để hoàn thành chỉ tiêu có thêm tiền cho ngành.

Tôi dự đoán thời gian tới người dân Việt Nam sẽ gặp thêm nhiều khó khăn, sách nhiễu, hơn nữa từ lực lượng cảnh sát giao thông".

Bất bình đẳng trong chính phủ

Đề xuất này đã được trình Quốc hội hồi đầu tháng 3 năm nay, nhưng bị bác bỏ . Đến ngày 22/5, Chính phủ tái đề xuất đưa nội dung này trở lại dự thảo.

Ông Nguyễn Tiến Trung đánh giá việc Quốc hội bỏ rồi lại đồng ý với đề xuất này chỉ sau ba tháng cũng cho thấy thế lực của Bộ Công an đang rất lớn :

"Tôi nghĩ nó phản ảnh quyền lực đang lên của Bộ Công an, nhưng về lâu dài nó sẽ tạo ra sự mất đoàn rất lớn trong nội bộ đảng Cộng sản vì nó tạo ra sự bất bình đẳng rất lớn.

Việc cho phép một cơ quan chính quyền được giữ lại tiền như vậy mà không thông qua kế hoạch chung cả năm, phân bổ công bằng cho tất cả các bộ ngành thì không chấp nhận được thì nó tạo ra sự bất bình đẳng giữa các bộ ngành trong chính phủ".

Theo lời ông Nguyễn Công Long, ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp, Việc trích tiền phạt này không đưa vào bồi dưỡng cho lực lượng Cảnh sát giao thông mà chỉ để trang bị thiết bị, máy móc, như camera lắp ngoài trời bị hỏng. Nếu sử dụng tiền ngân sách sẽ lâu nên việc trích này có thể sử dụng để mua sắm các thiết bị này. Luật sư giấu tên không đồng tình với lập luận này, bởi :

"Tư duy này sẽ biến ngành nào cũng muốn chia miếng bánh là nguồn lợi từ nhân dân. Thẩm phán muốn chia tiền khi xử phạt án kinh tế, giáo viên muốn chia tiền khi thu tiền học phí của học sinh, bác sĩ muốn chia tiền từ tiền của bệnh nhân. Như vậy còn gì là nhà nước nữa".

Trước Công an, thanh tra chính phủ là cơ quan được trích lại tiền phạt từ việc phát hiện các vụ án vi phạm. Vào năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý để các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước. Mức trích tối đa là 30% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 50 tỷ đồng/năm ; được trích thêm tối đa 20% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 50 tỷ đồng đến 80 tỷ đồng/năm ; được trích thêm tối đa 10% tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 80 tỷ đồng/năm.

Theo luật sư giấu tên, các quy định như thế này sẽ trở thành tiền đề, công cụ cho các bộ ngành khác thực hiện lũng đoạn chính sách, hưởng lợi bất chính từ người tiền của người dân.

Nguồn : RFA, 18/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 206 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)