Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/06/2024

Đất hiếm Việt Nam : Thua Trung Quốc, mất lợi thế khi Brazil vào cuộc đua ?

BBC tiếng Việt

Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc, theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ. Trong khi Việt Nam còn chưa thể tận dụng hết tiềm năng để phá vỡ thế độc tôn của Trung Quốc, sự tham gia mới đây của Brazil vào ngành công nghiệp này làm dấy lên câu hỏi liệu Hà Nội có nguy cơ tuột mất lợi thế không.

dathiem1

Bộ trưởng Tài nguyên và môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết hoạt động chế biến đất hiếm ở Việt Nam trước đây chưa được nghiên cứu một cách tổng thể và chưa có quy trình chế biến sâu

Các công ty khai thác khổng lồ của Brazil đang có tham vọng đẩy mạnh nền công nghiệp đất hiếm trong bối cảnh phương Tây đang cần khoáng sản này cho lĩnh vực năng lượng xanh và quốc phòng, cũng như giảm sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng, theo Reuters.

Việt Nam cũng là một sự lựa chọn của phương Tây trong chiến lược này.

Các công ty chuyên về tinh chế đất hiếm đến từ Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã bắt đầu tìm cách triển khai hoạt động sản xuất tại Việt Nam.

Trữ lượng đất hiếm ở Việt Nam khoảng 2,7 triệu tấn, tài nguyên đất hiếm là khoảng 18 triệu tấn, tổng gần 21 triệu tấn, theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Việt Nam đứng thứ hai thế giới với tổng trữ lượng đất hiếm khoảng 22 triệu tấn, tương đương 20% tổng trữ lượng toàn cầu, theo dữ liệu năm 2024 của Cục Khảo sát Địa chất Mỹ.

Đứng đầu là Trung Quốc với 44 triệu tấn.

Đứng thứ ba là Brazil với 21 triệu tấn.

Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp bán dẫn, đặc biệt trong việc sản xuất các sản phẩm điện tử, viễn thông, và thiết bị công nghệ cao.

Dù dồi dào đất hiếm, nỗ lực của Việt Nam trong việc khai thác khoáng sản này và đưa vào thị trường toàn cầu còn gặp nhiều thách thức, theo trang Asia Times cuối tháng 5/2024.

Bộ trưởng TN&MT Đặng Quốc Khánh vào sáng 4/6 khi trả lời Quốc hội cho biết hoạt động chế biến đất hiếm ở Việt Nam trước đây chưa được nghiên cứu một cách tổng thể và chưa có quy trình chế biến sâu.

Vì vậy, việc thu hút đầu tư, liên doanh, chuyển giao công nghệ cho lĩnh vực này còn khá khó khăn.

Trong khi đó, về phía Brazil, Reuters cho rằng quốc gia này sẽ tận dụng những lợi thế như chi phí lao động thấp, năng lượng sạch, các quy định đã được thiết lập và sự gần gũi với các thị trường cuối cùng để đẩy mạnh lĩnh vực đất hiếm.

dathiem2

Các lọ chứa đất hiếm tại Hà Nội vào tháng 9/2023

Tiềm năng đất hiếm ở Brazil ra sao ?

Tốc độ phát triển của các dự án đất hiếm ở Brazil sẽ là phép thử cho nỗ lực xây dựng một ngành công nghiệp tiên tiến gần như từ sơ khai của phương Tây nhằm phá vỡ sự thống trị của Trung Quốc.

Mỏ đất hiếm đầu tiên của Brazil, Serra Verde, đã bắt đầu sản xuất thương mại trong năm nay.

"Tôi thực sự nghĩ rằng bên ngoài Trung Quốc, các dự án của Brazil là những dự án có tiềm năng kinh tế cao nhất hiện tại", ông Daniel Morgan, đại diện ngân hàng đầu tư Barrenjoey ở Sydney (Úc), nhận định.

Flavio Roscoe, Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp bang Minas Gerais (Brazil) khẳng định nước này cơ hội trở thành lựa chọn thay thế cho Trung Quốc.

Mỹ và đồng minh, vốn gần như hoàn toàn phụ thuộc vào Trung Quốc về khoáng sản đất hiếm, đã đặt mục tiêu xây dựng một chuỗi cung ứng riêng vào năm 2027 sau khi nguồn cung bị gián đoạn trong đại dịch Covid-19.

Reuters cũng cho biết Brazil đang gặp một số thách thức tương tự các quốc gia khác trong việc khai thác đất hiếm.

Không giống như Trung Quốc, nhiều công ty phương Tây vẫn đang hoàn thiện các quy trình phức tạp để sản xuất kim loại đất hiếm, đây là một thách thức tốn kém đã khiến các dự án bị đình trệ trong nhiều năm.

Một thách thức khác là kích thích sản xuất và xây dựng quan hệ đối tác để thúc đẩy công nghệ tách chiết các nguyên tố và phát triển chuỗi cung ứng.

Vì sao Việt Nam chưa tận dụng được nguồn đất hiếm dồi dào ?

Cũng giống như Brazil, Việt Nam từng được xem như một sự lựa chọn để làm suy yếu sự độc tôn của Trung Quốc trong lĩnh vực đất hiếm.

Trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào tháng 9/2023, hai nước đã ký thỏa thuận về đất hiếm.

Các chuyên gia đánh giá bước đi này của Mỹ nhằm giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc như hiện nay.

Hiện cả Úc, Việt Nam lẫn Brazil đang còn chậm trong việc bắt kịp Trung Quốc, theo Reuters.

Trả lời Quốc hội vào ngày 4/6, lãnh đạo Bộ TN&MT Việt Nam cho hay phân bố của đất hiếm tại Việt Nam khá phức tạp, với một số quặng nằm sâu trong lòng đất và một số khác phân tán nhỏ lẻ trên bề mặt.

Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chế biến sâu và tinh quặng đất hiếm nội địa để phục vụ cho sự phát triển của các ngành công nghiệp chiến lược, đặc biệt là công nghiệp chip và bán dẫn.

Bài viết trên Asia Times ngày 29/5 đánh giá Việt Nam tụt hậu so với các quốc gia khác trong sản xuất đất hiếm, chỉ đạt 600 tấn vào năm 2023, giảm một nửa so với năm 2022.

Trong khi đó, Trung Quốc dẫn đầu với 240.000 tấn, và ngay cả Myanmar đang bị chiến tranh tàn phá cũng sản xuất được 38.000 tấn.

Các chuyên gia nhận xét việc chống tham nhũng tác động tiêu cực đến ngành khai thác và chế biến đất hiếm Việt Nam, khiến các nhà đầu tư nước ngoài lo ngại và trì hoãn kế hoạch.

Việc khởi tố nhiều lãnh đạo doanh nghiệp vi phạm liên quan đến đất hiếm vào cuối năm 2023 - trong đó có ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Đất hiếm Việt Nam - càng làm dấy lên nghi vấn về sự ưu tiên của lãnh đạo Đảng đối với chiến dịch chống tham nhũng so với phát triển ngành công nghiệp này.

dathiem3

Ông Lưu Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đất hiếm Việt Nam (VTRE)

Các học giả còn cho rằng việc bắt giữ hàng loạt quan chức trong lĩnh vực đất hiếm càng làm suy yếu thêm ngành công nghiệp non trẻ tại Việt Nam này.

Vì nếu những nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam, họ không biết phải hợp tác với ai.

Việt Nam đang nắm giữ tiềm năng to lớn trong việc khai thác gali, một khoáng chất đất hiếm quan trọng, với trữ lượng quặng bauxite ước tính lên tới 5,4 tỷ tấn và có nồng độ cao hơn trữ lượng của Trung Quốc.

Tuy nhiên, để biến tiềm năng này thành hiện thực, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức cần vượt qua.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) thừa nhận rằng hầu hết các cơ sở sản xuất đất hiếm nội địa hiện nay đều thiếu hụt công nghệ chiết xuất gali từ quặng bauxite.

Theo Mining Vietnam, một tổ chức triển lãm chuyên về công nghiệp khai thác, Việt Nam đã nghiên cứu đất hiếm từ những năm 1970, nhưng chỉ tập trung vào lý thuyết thay vì đi sâu vào thực hành.

Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu công nghệ chế biến đất hiếm vào cuối năm 2023, khiến việc tiếp cận công nghệ xử lý và phân tách càng khó khăn đối với Việt Nam cũng như các nước khác.

Ông Ian Lange - chuyên gia tại Trường Mỏ ở Colorado (Mỹ) - cho rằng Việt Nam có thể đáp trả bằng cách tiếp cận "chủ nghĩa dân tộc tài nguyên" tương tự như Indonesia, nước đã cấm xuất khẩu niken thô để thu hút thêm đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực chế biến.

Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, những bất ổn xung quanh ngành công nghiệp đất hiếm của Việt Nam khiến các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng sẽ đứng ngoài cuộc cho đến khi bức tranh rõ ràng hơn.

Nguồn : BBC, 18/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 247 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)