Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

18/06/2024

Putin đến thăm Việt Nam : ai là người đón tiếp ?

BBC tiếng Việt

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chứ không phải Chủ tịch nước Tô Lâm mời, tại sao ?

BBC, 18/06/2024

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin trong hai ngày 19 và 20/6 là theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, chứ không phải Chủ tịch nước Tô Lâm như giao thức quốc tế thông thường.

putin1

Tổng bí thư Nông Đức Mạnh đón ông Putin tại Hà Nội trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2001

Đây là lần thứ 5 ông Putin tới Việt Nam trên cương vị tổng thống Liên bang Nga.

Trong bốn lần trước, có hai lần là thăm chính thức, một lần thăm cấp nhà nước, một lần đến dự hội nghị APEC ở Đà Nẵng.

Không kể lần đi dự hội nghị, ba chuyến thăm Việt Nam còn lại của Tổng thống Putin đều thực hiện theo lời mời của nguyên thủ quốc gia Việt Nam, tức chủ tịch nước.

Tuy nhiên, chuyến thăm trong năm 2024 này thì người đưa ra lời mời và sẽ là người tiếp đón chính thức là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Sự thay đổi lần này nói lên điều gì ?

Bốn lần tới Việt Nam của ông Putin

Chuyến thăm đầu tiên (28/2 đến 2/3/2001) : Chủ tịch nước Trần Đức Lương mời.

Một năm sau khi trở thành tổng thống Nga, ông Putin đã thăm hữu nghị chính thức Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương.

Trong chuyến thăm, Tổng thống Putin đã hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đức Lương, hội kiến Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, Thủ tướng Phan Văn Khải và Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh.

Ông Putin cũng đi thăm Nhà sàn thuộc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh và ghi lưu bút trong Sổ vàng của Khu di tích.

Ông cũng thăm Văn Miếu Quốc Tử Giám và gặp những người Việt Nam từng học tập, công tác tại Liên Xô và Nga.

Hai nước đã ra Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược.

Dịp này, Việt Nam đã trao tặng ông Putin Huân chương Hồ Chí Minh.

Chuyến thăm thứ hai (2006) : Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mời

putin2

Ông Putin và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết năm 2006 tại Hà Nội

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, ngày 20/11/2006, Tổng thống Putin đã thăm chính thức Việt Nam sau khi tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC 14 tại Hà Nội.

Ông đã hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết.

Hai nguyên thủ đã ký "Tuyên bố chung của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng thống Liên bang Nga về việc tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực thăm dò địa chất và khai thác dầu khí" và chứng kiến lễ ký các văn kiện hợp tác.

Ônh Putin cũng hội kiến Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng.

Lần thứ ba (12/11/2013) : Chủ tịch nước Trương Tấn Sang mời

putin3

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Putin vào năm 2013 tại Hà Nội

Ngày 12/11/2013, Tổng thống Vladimir Putin đã có chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.

Ông Putin đã hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông Putin cũng đã đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ; chứng kiến lễ ký nhiều văn kiện hợp nhằm tăng cường hợp tác cả về chính trị, quốc phòng, thương mại và năng lượng.

Lần thứ tư (11/2017) : dự hội nghị APEC

putin4

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và nguyên thủ các quốc gia tại APEC năm 2017 tổ chức ở Đà Nẵng - hàng đầu từ trái qua phải : Vladimir Putin, Donald Trump, Trần Đại Quang, Tập Cận Bình)

Ông Putin đến Đà Nẵng để tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC 2017 cùng các hoạt động khác trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.

Ông đã hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang, người khi đó đã khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam coi trọng và ưu tiên củng cố, tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga.

Ông Putin khẳng định Việt Nam luôn là một trong những ưu tiên đối ngoại của Nga tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Hai bên nhất trí cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á-Âu.

Hai nước nhất trí ra Tuyên bố chung về hợp tác trong lĩnh vực bảo đảm an ninh thông tin quốc tế.

Vì sao ông Trọng mời lần này ?

Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 19 đến 20/6 theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên sau khi ông Putin đắc cử Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ 2024-2030 hồi tháng 3/2024, nhiệm kỳ thứ 5 của ông.

Theo thông lệ ngoại giao quốc tế, chuyến thăm cấp nhà nước của các nguyên thủ quốc gia thường do người đồng cấp mời, tức là nguyên thủ mời nguyên thủ.

Trước đây, vai trò tiếp nguyên thủ tại Việt Nam vẫn do chủ tịch nước đảm nhiệm.

Trong thời gian gần đây, vai trò này lại do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đảm nhiệm.

Hồi tháng 9/2023, Tổng thống Joe Biden của Mỹ đã đến thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi đó, ông Trọng là người đại diện Việt Nam đón tổng thống Mỹ trong lễ đón chính thức. Báo chí cũng được chỉ đạo nêu rõ chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trước đó, vào năm 2015, ông Trọng trên cương vị tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam đã có chuyến thăm Mỹ và được Tổng thống Barack Obama tiếp tại Phòng Bầu Dục.

Việc nguyên thủ quốc gia Mỹ tiếp người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam tại Phòng Bầu Dục là một điều chưa có tiền lệ.

Trong cuốn sách Nothing Is Impossible  của ông Ted Osius, người lúc bấy giờ là đại sứ Mỹ tại Việt Nam, tác giả đã kể rằng đã có những gợi ý (ban đầu) và (sau đó là) vận động ngoại giao ráo riết từ phía Việt Nam để Mỹ chấp nhận một chuyến thăm vô tiền khoáng hậu như vậy. Ông Osius cũng đã mất rất nhiều thời gian và công sức để thuyết phục Bộ Ngoại giao chấp nhận một điều mà họ chưa từng hình dung trước đây : tiếp đón một lãnh đạo đảng chính trị như một nguyên thủ quốc gia.

Cuối cùng, phía Mỹ đã thay đổi nhận thức và chấp nhận điều này mà theo đánh giá của nhiều nhà quan sát là một sự nhìn nhận về tính chính danh của Đảng cộng sản Việt Nam, điều cực kỳ có ý nghĩa đối với đảng này.

Với vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng cộng sản tại Việt Nam, tổng bí thư trên thực tế là "nguyên thủ" theo nghĩa người đứng đầu hệ thống chính trị, người có quyền lực nhất. Tuy nhiên, về mặt đối ngoại, vai trò đó lâu nay chỉ được thừa nhận chủ yếu trong khối các nước có hệ thống chính trị tương đương. Đối với các nước dân chủ phương Tây, việc nhìn nhận lãnh đạo một chính đảng cầm quyền như là nguyên thủ quốc gia là điều khó chấp nhận hơn. Các hoạt động ngoại giao, trong đó có các chuyến thăm của nguyên thủ Việt Nam ra nước ngoài và việc đón tiếp nguyên thủ nước ngoài tại Việt Nam, chủ yếu là do chủ tịch nước đảm nhiệm. Tuy nhiên, sự kiện ông Trọng thăm Mỹ năm 2015 đã thay đổi điều này.

Trong thời gian gần đây, vai trò "nguyên thủ quốc gia trên thực tế" của ông Trọng càng được nhấn mạnh. Các cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ và nguyên thủ Trung Quốc thường do ông Trọng thực hiện. Chẳng hạn, vào tối 29/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã điện đàm cấp cao với Tổng thống Joe Biden.

Vào tháng 12/2023, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.

Giờ đây, chuyến thăm của ông Putin được thực hiện theo lời mời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ngay cả khi ông Tô Lâm lên vị trí chủ tịch nước thì ông Trọng vẫn đảm trách việc mời và tiếp nguyên thủ các nước lớn. Điều này tô đậm vai trò của Đảng và vai trò của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Một số nhà quan sát cho rằng điều này cho thấy ông Tô Lâm vẫn chưa xoay chuyển được tình hình.

Trả lời BBC tiếng Việt hôm 18/6, ông Hoàng Việt, giảng viên Luật Quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, nói rằng "về thực tế thì Việt Nam có hai nguyên thủ".

"Ở Việt Nam thì phải nói thêm rõ ràng là về mặt lý thuyết theo hiến pháp thì chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia, đại diện cho nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam để đối ngoại với nước ngoài.

"Nhưng trong thực tế thì Việt Nam có hai nguyên thủ.

"Tổng bí thư cũng được coi là một nguyên thủ, thậm chí có quyền lực và vị trí còn lớn hơn so với chủ tịch nước.

"Chúng ta thấy trong 'Tứ Trụ', tổng bí thư xếp đầu tiên, sau đó tới chủ tịch, rồi thủ tướng, cuối cùng là chủ tịch Quốc hội.

"Thế nên chuyện này cũng không có gì lạ cả, bởi vì dù là chủ tịch nước hay là tổng bí thư thì cũng khá giống nhau về cơ bản, dù cho là chủ tịch nước thì vẫn phải chịu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản và tổng bí thư vẫn là người cao nhất.

"Chúng ta đã thấy là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm nhiều quốc gia, kể cả Mỹ năm 2015 và Mỹ cũng đã đón ông Nguyễn Phú Trọng với nghi thức trọng thể của một quốc gia

"Chúng ta có thể hiểu rằng vị trí tổng bí thư mới là nguyên thủ quốc gia đóng vai trò quyết định ở Việt Nam vào lúc này".

Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), cho rằng vấn đề đơn giản chỉ là ông Trọng, trong cuộc điện đàm hồi tháng Ba đã mời ông Putin sang thăm Việt Nam.

"Mà khi ấy chức chủ tịch nước còn đang trống do ông Võ Văn Thường vừa thôi chức".

Nguồn : BBC, 18/06/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 326 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)