Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/04/2023

Nhân sự chuyên môn tham nhũng thì sao ?

Quốc Phương - Hoàng Mai

"Đốt lò" : Nhân sự chuyên môn có thực sự bị lãng phí do việc xử lý tham nhũng ?

Quốc Phương, RFA, 19/04/2023

Có ý kiến từ truyền thông chính thống tại Việt Nam tuần này cho rằng việc xử lý tham nhũng như trong chiến dịch "đốt lò", "củi lửa" của Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam có thể gây ra việc nhân sự có chuyên môn, nhất là thế hệ trẻ sẽ lưỡng lự, khi hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng, Nhà nước tham gia đóng góp cho đất nước.

thamnhung1

Ông Nguyễn Quang Tuấn tại Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 18/4/2023 - PLO

Bài báo với tựa đề "Dùng người nhìn từ câu chuyện các ông Nguyễn Quang Tuấn, Trần Việt Thái" trên trang mạng VietnamNet, hôm thứ tư nêu hai trường hợp là một chuyên gia đầu ngành tim mạch, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội và một người khác là một cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao, Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, như những điển hình.

Bài báo trên VietnamNet nêu quan điểm :

"Trường hợp của ông Nguyễn Quang Tuấn và ông Trần Việt Thái chắc chắn nên được cân nhắc và nghiên cứu khi xây dựng chính sách nhân lực cho khu vực công. Sử dụng đúng, có chính sách đãi ngộ phù hợp để những trường hợp như ông Tuấn, ông Thái và nhiều người khác nữa chuyên tâm vào chuyên môn.

"Có không ít nhà chuyên môn đang phải đảm nhiệm những công việc quản lý như ông Tuấn và ông Thái, và phải khẳng định đã có những người làm tốt việc quản lý. Tuy vậy, rủi ro với chính họ không hề nhỏ. Nó không chỉ từ việc tuân thủ các quy định pháp luật ngày một chặt chẽ, những thủ tục ngày một phức tạp hơn mà còn là rủi ro từ những "cám dỗ" vật chất đến một cách tự nhiên, khi họ ngồi vào chỗ của những người làm công việc quản lý".

"Quản trị bệnh viện, quản trị trường học, đấu thầu mua sắm… là những công việc đòi hỏi những chuyên môn và nên được dành cho những người được đào tạo, có kiến thức về những lĩnh vực này. Cùng với đó, những nhà chuyên môn sẽ phải có được chính sách đãi ngộ tốt, môi trường lành mạnh để làm việc hiệu quả…"

Dụng nhân như dụng mộc và người trẻ nghĩ gì ?

Và bài báo của VietnamNet, trích dẫn cố Chủ tịch của Việt Nam, ông Hồ Chí Minh, khi đưa thêm lý lẽ bảo vệ quan điểm mà dường như cho rằng việc sử dụng nhân sự chuyên môn của Việt Nam qua các vụ án và ví dụ trên là chưa phù hợp, thiếu cơ chế, điều kiện đãi ngộ tránh rủi ro và lãng phí "nhân tài" :

"Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường trích câu của người xưa "Dụng nhân như dụng mộc" để nói về việc phân công, sử dụng cán bộ : "Người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở. Dùng người cũng như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được", "Tài to ta dùng làm việc to, tài nhỏ ta cắt làm việc nhỏ, ai có năng lực về việc gì, ta đặt ngay vào việc ấy".

"Những người như ông Tuấn, ông Thái thuộc diện những người tài mà chúng ta đang mong muốn thu hút vào khu vực công. Những người tài trẻ tuổi đang nằm trong diện được thu hút chắc chắn sẽ nhìn vào những trường hợp này để lựa chọn con đường của mình".

Từ Hà Nội, một nhà quan sát thời sự Việt Nam, ông Lê Văn Sinh, nguyên Giảng viên thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, bình luận về quan điểm này, ông nói :

"Tôi thì không nghĩ là có chuyện lãng phí nhân tài, người tài, hay nhân lực chuyên môn tài năng hoàn toàn như ai đó có thể đặt vấn đề như vậy.

Bởi vì các quốc gia tiến bộ và phát triển người ta vẫn đã và đang sử dụng các trí thức giỏi, các chuyên gia hàng đầu vào các vị trí lãnh đạo cơ quan, tổ chức, kinh tế, chính trị, xã hội, khoa học, công nghệ, văn hóa, giáo dục v.v… mà tình trạng tham nhũng ở các nước đó không trở thành phổ biến, tràn lan như ở Việt Nam.

Vấn đề ở đây là không phải các ông như Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn hay Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt Thái sai vị trí. Dĩ nhiên là một người làm chuyên môn giỏi chưa chắc đã là người làm quản lý giỏi, và một người làm quản lý giỏi cũng không hẳn là người làm chuyên môn giỏi. Tất nhiên là ít phổ biến hơn, nhưng cũng có những người giỏi cả hai một lúc, tức là vừa làm chuyên môn và cũng làm quản lý giỏi và ngược lại, tuy nhiên cái đó không nhiều.

Vấn đề ở đây theo tôi là cơ cấu, thể chế ở Việt Nam là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mà khi đã ngồi vào đấy, thì ông bà nào cũng phải vận hành theo guồng máy đó và với tình trạng tham nhũng có hệ thống và bề dài về thời gian như ở Việt Nam lâu nay, thì dù là giảng dạy, nghiên cứu hay tay nghề giỏi về phẫu thuật tim như ông Nguyễn Quang Tuấn, thì ông cũng tham nhũng.

"Hay như ông Trần Việt Thái, làm tới Đại sứ ở Malaysia, hoặc từng tham gia lãnh đạo, quản lý ở những cấp như Vụ, Viện bộ, ngành Ngoại giao như ông Trần Việt Thái, thì ông cũng bị cuốn vào cái vòng đó mà thôi".

Căn nguyên và hướng giải quyết vấn đề thế nào ?

Khi được hỏi nguyên nhân gốc rễ vấn đề ở đâu, ông Lê Văn Sinh, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, lấy ví dụ qua kinh nghiệm ở môi trường mà ông từng làm việc và trải nghiệm trực tiếp, nói :

"Theo tôi, vì nó có một tình trạng như thế này, đã có một thời mà tôi không biết ở cấp quản lý cao hơn thì cụ thể như thế nào, nhưng như ở cấp Khoa, như ở Đại học mà tôi làm việc, không có một lợi lộc gì cả, về mặt kinh tế.

Và do đó, không ai lại muốn ngồi vào những vị trí lãnh đạo ở đó cả, không ai muốn ngồi vào đó, mà người ta chỉ thích và lo làm chuyên môn thôi.

Vì ngồi vào những vị trí lãnh đạo đó, người ta thấy vừa mất thời gian làm chuyên môn, mà cũng không mang lại lợi lộc gì".

Theo ông Lê Văn Sinh, người có hàng chục năm làm việc ở một đơn vị Khoa thuộc ngành Khoa học lịch sử thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, cách thức mà mọi người đang chứng kiến ở Việt Nam hiện nay cho thấy ai làm chuyên môn giỏi dù tới đâu, thì cũng không thu được lợi lộc bằng có một vị trí trong bộ máy quyền lực.

"Ví dụ như ông Trần Việt Thái, hay ông Nguyễn Quang Tuấn, theo tôi khi các ông đã ngồi vào cái ghế như Giám đốc một bệnh viện, như là Bệnh viên Tim Hà Nội, và sau này ông được điều về Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội, hay như ông cựu Đại sứ tại Malaysia, thì các ông ít nhiều cũng phải dính líu vào điều hành kinh tế, hay tài chính của đơn vị, tổ chức nơi các ông là quan chức lãnh đạo.

Như với ông Tuấn, do chức vụ như thế, ông làm chủ một tài khoản, và ở trong cái đó, thì về mặt tiền nong là ông có quyền chi, có quyền thu. Và thường các ông mà đã ngồi vào các vị trí đó, thì có rất nhiều mối lợi.

Do đó, một cách giải quyết, theo quan điểm riêng của tôi, là cần có cơ chế và cách làm để những người làm chuyên môn giỏi không còn phải ham vào những mối lợi đó, và trong cách thức đó, thì người làm chuyên môn giỏi vẫn có thể có thu nhập không chỉ là bằng, mà có khi còn hơn một số người làm quản lý cùng trong đơn vị đó, thì sẽ không hút những người làm chuyên môn giỏi lại đi đam mê vào những cái vốn dĩ không phải là thế mạnh của anh, nhưng mà lại đầy rủi ro".

Hãy từ chức hoặc tránh đi, chứ đừng biến mình thành "trộm cướp"

Từ Berlin, nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo, nêu quan điểm riêng của bà từ bên ngoài Việt Nam nhìn vào, bà nói :

"Nếu anh không muốn làm ‘trộm cướp’, thì anh từ chức đi, tại sao anh lại phải tham gia vào một cái chỗ mà anh biết chắc là mình sẽ ‘trộm cướp’ ? Điều đó là không thể chấp nhận được.

Không phải ai cũng sẵn sàng làm trộm cướp, những người lương thiện có thể từ chức, họ hoàn toàn có thể sống được bằng chuyên môn cơ mà ? Hoặc nếu mà bị o ép quá, tôi đi làm việc khác, nghề khác, thế mới là một con người bình thường. Thế mới là con người chính trực…

Còn trên báo chí, truyền thông Việt Nam, tôi đọc được một số ý kiến mà tôi cũng không đồng tình bảo rằng ở Việt Nam, những ai đó có chuyên môn giỏi, nhưng mà đã làm quan chức thì buộc phải theo cơ chế ấy để ăn tiền, để tồn tại, hoặc phải làm thế mới được việc.

Tôi cho rằng đó là một sự giải thích hoàn toàn bao biện cho những quan chức mà thực ra là những kẻ trộm cướp hiện nay, hoặc những nhóm lợi ích. Đây là những kẻ dù có giỏi chuyên môn đến đâu, nhưng mà đã mang tâm thế của những kẻ "trộm cướp" tiềm ẩn, chỉ là chưa có điều kiện để ăn cắp, ăn cướp của đồng bào mà thôi.

Còn khi đã vào những vị trí kia, chẳng hạn nhưng ông Tuấn hay những ông làm, hay liên quan những vụ chuyến bay giải cứu, hay là những ai mà nhận tới mấy trăm lần đút lót, hối lộ, hay dù chỉ một lần thôi, thì như thế họ cũng đã là một kẻ trộm cướp tiềm ẩn, và như thế không phải vô tình khi công chúng nhìn họ một cách vừa sợ hãi, vừa ghê tởm".

Theo truyền thông Việt Nam, ngày 18/4, trong lời nói sau cùng tại phiên tòa xét xử Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn và các bị cáo đồng vụ án, ông đã bày tỏ mong muốn được tiếp tục đóng góp, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao.

"Trong vụ án này, tôi nhận thức sâu sắc vai trò của mình, tôi không có biện hộ nào cho hành động mà mình đã gây ra, chỉ mong quý tòa có đánh giá nhân văn hơn nữa, cho tôi sớm được trở về với gia đình, xã hội, tiếp tục được đóng góp, nghiên cứu khoa học, đào tạo cho nhiều bác sĩ tim mạch có trình độ cao", ông Tuấn được truyền thông Việt Nam dẫn lời nói.

Vẫn theo báo chí chính thống của Việt Nam hôm thứ tư, 19/4, Viện Kiểm sát Tối cao của nước này vừa hoàn tất cáo trạng truy tố 54 bị can trong vụ "chuyến bay giải cứu", vụ đại án mà trong đó Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Việt Thái, cựu Đại sứ Việt Nam tại Malaysia can dự và đã bị bắt giam, truy tố.

Theo cáo trạng này, 54 người đã bị truy tố về các tội Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ án xảy ra với rất nhiều cán bộ, trong đó có cán bộ quản lý cấp khá cao và cao cấp tại Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải, Văn phòng Chính phủ và các đơn vị liên quan liên can.

Vụ việc theo nhà chức trách Việt Nam được coi là đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp ; liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị chức năng cả trong và ngoài nước, trong đó có nhiều quan chức sau khi bị bắt giam, điều tra, truy tố, đã bị Đảng cộng sản công bố các mức độ kỷ luật khác nhau, trong đó có cả việc khai trừ khỏi đảng.

"Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, trong vụ án "chuyến bay giải cứu", 18 bị can bị truy tố tội "Nhận hối lộ" với khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình", trang VTCnews hôm thứ tư đưa tin.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 19/04/2023

***************************

Bệnh nhân có đòi được tiền từ bác sĩ Tuấn viện Tim ?

Hoàng Mai, RFA, 19/04/2023

Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội sáng 17/4/2023 đã bị đề nghị 4-5 năm tù với cáo buộc thông đồng với các công ty cung cấp thiết bị y tế, gian lận đấu thầu, giúp thiết bị trúng thầu là thiết bị nâng giá cao hơn thị trường, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 53 tỷ đồng.

laoly2

Bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn đến Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội hôm 17/4/2023 - Người Lao Động

Đây mới chỉ là phiên tòa sơ thẩm và dự kiến kéo dài năm ngày, do đó ông Tuấn và những bị can khác vẫn chưa bị xem là người có tội. Họ vẫn chỉ là nghi phạm và đang được làm rõ tội phạm bị cáo buộc tại phiên tòa công khai, cho đến khi có một bản án có hiệu lực được tuyên. Ngay cả khi phiên tòa sơ thẩm đã kết thúc thì các bị cáo vẫn có thể tiếp tục khiếu nại, kêu oan lên cấp cao hơn để yêu cầu mở phiên tòa phúc thẩm xét xử lại. Tuy nhiên ông Tuấn và những bị cáo khác đều đã nhận tội và "hết sức ăn năn" (theo cáo trạng), cũng như đã trích (một phần ?) tiền để bồi thường thiệt hại cho Nhà nước.

Nghĩa là tuy vẫn phải chờ bản án, nhưng bản chất của vụ án này cũng như những kẻ có tội có lẽ đã rõ ràng.

Vậy khi xét xử xong, những nạn nhân trực tiếp của họ-chính là các bệnh nhân đã phải trả nhiều tiền hơn nhiều lần để được chữa bệnh, hoặc đã mất đi cơ hội chữa bệnh do không đủ tiền-những bệnh nhân ấy có được bồi thường số tiền bị ăn chặn hay đền bù thiệt hại về sức khỏe, tính mạng hay không ?

Liên minh nhầy nhụa

Theo cáo trạng, giá các vật tư cung cấp cho bệnh viện Tim Hà Nội đã bị tăng từ đến hai đến 20 triệu đồng/thiết bị. Trong đó stent do công ty Hoàng Nga cung cấp bị đội lên cao nhất - từ 17 lên 37 triệu đồng mỗi chiếc.

Trong vụ án tương tự xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai được xét xử vào năm ngoái (2022), Giám đốc bệnh viện Bạch Mai đã liên kết để đặt mua robot thực hiện phẫu thuật sọ não cho bệnh nhân. Robot này được bên đối tác mua từ Pháp. Theo cơ quan tố tụng thì hàng mới 100% và nhập khẩu nguyên chiếc có giá hơn 7,4 tỷ đồng. Nhưng phía Bạch Mai và đối tác đã thống nhất hợp thức hóa giá của nó gấp hơn năm lần, lên đến 39 tỷ đồng.

Trong các năm từ 2017 đến 2020, bệnh viện Bạch Mai thanh toán tổng cộng 637 ca bệnh được mổ với robot này. Chi phí bị đội khống, gây thiệt hại cho người bệnh là hơn 10 tỷ đồng.

Thiếu tướng Tô Ân Xô, thời điểm đó đang là người phát ngôn của Bộ Công an, nói : với giá hệ thống robot 7,4 tỷ đồng, chi phí khấu hao mỗi ca bệnh là bốn triệu đồng. Nhưng với giá 39 tỷ, cựu Giám đốc bệnh viện Bạch Mai, Phó giáo sư-Tiến sĩ-Bác sĩ Nguyễn Quốc Anh đã ban hành giá dịch vụ mổ với robot là 36 triệu đồng/ca.

Tức người bệnh phải trả chi phí khấu hao dư hơn 16,5 triệu đồng/ca. Chỉ riêng chi phí này đã tăng hơn gấp năm lần.

Trong quá trình điều tra của công an, những người bệnh, người nhà người bệnh tại 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cho biết khi họ đến khám tại Bệnh viện Bạch Mai thì đều được giải thích về các phương pháp điều trị phẫu thuật thần kinh-sọ não. Trong đó, hình thức phẫu thuật thông thường, không có hỗ trợ bằng robot thì chi phí rẻ hơn, được bảo hiểm y tế chi trả một phần. Hình thức phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot là điều trị dịch vụ nên không được bảo hiểm chi trả. Chi phí cao hơn khoảng trên dưới 100 triệu đồng/ca. Bù lại, trong quá trình phẫu thuật người bệnh sẽ giảm biến chứng, ít đau đớn, phục hồi nhanh hơn.

Người bệnh và gia đình không được biết thiết bị robot là do đối tác lắp đặt tại bệnh viện Bạch Mai chứ không phải là sở hữu của bệnh viện. Họ cũng không được giải thích cụ thể từng loại chi phí trong quá trình phẫu thuật, không được biết chi phí khấu hao thiết bị robot. Nhưng với mong muốn nhanh lành bệnh, nhiều người đã lựa chọn phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot, ký giấy cam đoan sử dụng dịch vụ.

Nghĩa là bệnh viện Bạch Mai đã lừa người bệnh để họ phải sử dụng thiết bị này.

Nghĩa là nếu được tính chi phí đúng thì đã có gấp năm lần con số 637 người được mổ với robot, tức khoảng hơn 3.200 người.

Đó là sự tàn nhẫn và vô nhân đạo đến tận cùng. Đặc biệt khi nó được đạo diễn bởi bàn tay của những người từng thề lời thề cứu sống hoặc ít nhất không gây hại cho người bệnh, của những người đã từng được tặng danh thầy thuốc ưu tú, thầy thuốc nhân dân.

Bao nhiêu tiền cho thiệt hại của người bệnh ?

Sau vụ việc Bạch Mai, Bộ Y tế rà soát lại các hoạt động liên doanh liên kết làm dịch vụ y tế tại bệnh viện. Kết quả ngay tại Bạch Mai, 18 loại dịch vụ đã giảm xuống còn mức giá bằng với khi thanh toán với Bảo hiểm y tế. Ví dụ : dịch vụ với loại máy có mức giá năm triệu giảm còn 4,3 triệu đồng/ca. Máy có giá 28 triệu giảm còn 24 triệu đồng/ca.

Cuối năm 2021, Công an đã đề nghị những người bệnh hoặc thân nhân bị thiệt hại do vụ việc này của bệnh viện Bạch Mai đến nhận lại số tiền chênh lệch.

Nhưng ngoài Bạch Mai, hàng trăm bệnh viện, trung tâm y tế, trung tâm kiểm soát bệnh tật trên cả nước đã bị phát hiện có kê khống giá vật tư thiết bị y tế… thì chưa thấy ai nói đến khoản bồi thường này.

Ở bệnh viện đa khoa các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Hương Sơn, Nghi Xuân, Thạch Hà (Hà Tĩnh), bộ máy giặt-sấy đồ vải trong bệnh viện của Hàn Quốc có giá xấp xỉ 500 triệu đồng đã được thổi lên thành 2,6 tỷ, thậm chí ba tỷ đồng. Chi phí này được tính vào dịch vụ cho người bệnh.

Ở bệnh viện Tim (Cần Thơ), giá hệ thống DSA 2 bình diện đã được nâng khống từ 29,5 tỷ đồng lên 38 tỷ đồng. Hệ thống CT 219 lát cắt nâng từ 13,4 tỷ lên gần 26 tỷ.

Bao nhiêu máu thịt của người bệnh đã bị rút rỉa từ đám thầy thuốc vô lại như thế ?

Ngay trong vụ án tại bệnh viện Tim Hà Nội đang được xét xử, chưa thấy nói đến số stent do công ty Kim Hòa Phát thông qua gian lận bán vào bệnh viện. Vợ chồng Phan Tuấn Đạt, giám đốc công ty Kim Hòa Phát lập nhiều công ty ở nước ngoài để buôn bán gian lận tay trái bán qua tay phải, thiết bị vật tư y tế đã bị nâng giá nhiều lần trước khi nhập vào Việt Nam (để nâng giá tiếp). Nhưng cho dù có tay trong là chính giám đốc bệnh viện thì giá bỏ thầu của Kim Hòa Phát cũng không thể quá chênh lệch với thị trường, vì nó dễ khiến vụ đấu thầu (giả) dễ bị nghi ngờ.

Gia đình vị giám đốc này rất giàu có, đã mua rất nhiều nhà cửa biệt thự hạng sang ở nước ngoài. Vậy để có được lợi nhuận kinh khủng như thế, giá trị thật của số stent và các vật tư y tế dùng cho người bệnh khác mà Kim Hòa Phát đã bán vào viện Tim là bao nhiêu ? Hoàn toàn có cơ sở để nghi vấn họ dùng hàng kém chất lượng rồi gian lận để bán với giá hàng thật.

Liên minh của bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn cũng tương tự vụ tuồn 830.000 hộp thuốc giả điều trị ung thư vào bán với giá thuốc thật như đại án VN Pharma mấy năm trước.

Không ai có thể tính hết được thiệt hại mà người bệnh đã gánh chịu.

Hay đơn giản như vụ kê khống hệ thống máy giặt-sấy tại một loạt bệnh viện huyện ở Hà Tĩnh như nói ở trên, cũng rất khó bóc tách được chi phí tham nhũng đã ăn luồn vào túi tiền hạn hẹp của người bệnh như thế nào.

Đó là số người đã bị trì hoãn, bị mất đi thời điểm vàng để điều trị bệnh. Là những người đã chết đi tức tưởi, hoặc sống suốt đời trong bệnh tật vì không đủ tiền điều trị. Là gánh nặng tài chính đè lên tất cả bệnh nhân và gia đình của họ. Những em bé trong một gia đình mất đi trụ cột về tài chính thay vì được đi học thì có thể phải lăn ra vỉa hè đề kiếm sống.

Đó không phải suy diễn mà là thực tế đau thương phía sau những hàng số được làm xiếc để những vị thầy thuốc vẫn an tâm tự hào rằng đã cứu về hàng ngàn trái tim mạnh khỏe, hay những kẻ kinh doanh khốn nạn như Kim Hòa Phát, Hoàng Nga.. vẫn làm giàu, vẫn sống phè phỡn trên máu xương người bệnh.

Vụ án đang tiếp tục được xét xử. Lẽ công bằng, những bệnh nhân đã bị lừa đảo ở viện Tim cũng phải được bồi thường tiền bạc đã mất đi như những nạn nhân ở Bạch Mai.

Và hơn nữa, ngoài luật người còn có luật trời.

Hoàng Mai

Nguồn : RFA, 19/04/2023

Tham khảo :

https://tuoitre.vn/thu-hoi-het-tien-sai-pham-vu-thoi-gia-robot-o-benh-vien-bach-mai-20211110193558096.htm

https://vnexpress.net/cuu-giam-doc-so-y-te-can-tho-toi-rat-an-han-4571055.html

https://vnexpress.net/cuu-giam-doc-so-y-te-can-tho-sai-pham-do-ap-luc-tu-cap-tren-4569051.html

https://vnexpress.net/hai-cuu-giam-doc-so-y-te-can-tho-linh-7-8-nam-tu-4571917.html

https://baomoi.com/cuu-giam-doc-benh-vien-tim-ha-noi-bi-de-nghi-4-5-nam-tu/c/45586781.epi

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Quốc Phương, Hoàng Mai
Read 365 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)