Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

23/02/2024

Văn hóa, văn minh như vậy sao ?

Âu Dương Thệ

Đúng ngày 17/2/2024 kỉ niệm hàng chục ngàn người đã hi sinh trong cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược 45 năm trước, Tô Lâm lại vui mừng tổ chức "Đại tiệc", "Đại hội" âm nhạc. Văn minh, văn hóa như vậy sao ?

*************************

I. Từ lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tại sao và ai đã không cho tổ chức kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ?

II. Nhưng ai đã tổ chức và tham dự "đại tiệc" âm nhạc sang trọng, tinh tế và đậm sắc xuân" đúng vào ngày kỉ niệm 45 năm Trung Quốc mở chiến tranh xâm lược ở biên giới ?

III. Vai trò trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng trong việc này

IV. Ngọa long hoàng đế Nguyễn Phú Trọng đang ở trong hoàn cảnh vừa làm Ông Phỗng Đá và Ông Bình Vôi !

adt1

Lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" của Hồ Chí Minh ngày nay còn giá trị gì không ?

*************************

I. Từ lời thề "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", tại sao và ai đã không cho tổ chức kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược của Trung Quốc ?

Ngày 17/2/2024 là ngày kỉ niệm 45 năm chiến tranh biên giới (17/2/1979) do đồng chí "Đại bá" cộng sản Trung Quốc đem đại quân đánh đồng chí "Tiểu bá" cộng sản Việt Nam, phá toàn bộ các tỉnh biên giới phía Bắc trên 1000 km. Khi ấy Đặng Tiểu Bình kiêu ngạo tuyên bố là, cho "các đồng chí cộng sản Việt Nam một bài học". Chỉ trong ít tuần lễ đã có hàng chục ngàn bộ đội và thường dân đã bị giết hại và bị thương, trở thành cô nhị quả phụ, nhà cửa bị tàn phá (1).

Mục tiêu chính của Đặng Tiểu Bình là để cho "Việt Nam phải chẩy máu kiệt sức" nên đã sử dụng chiến lược nham hiểm tìm cách cầm chân các sư đoàn chính quy của cộng sản Việt Nam cùng lúc bị sa lầy ở cả hai chiến trường lớn ở Kampuchia chống Pol Pot do Trung Quốc đỡ đầu và ở biên giới phía Bắc do Trung Quốc chủ trương. Đồng thời bị Hoa Kỳ cùng phương Tây phong tỏa, cấm vận, tẩy chay trong suốt 10 năm. Bắc Kinh tiếp tục áp lực quân sự ở biên giới phía Bắc trong nhiều năm ở mức độ khác nhau và chỉ thực sự chấm dứt mãi cho tới sau Hội nghị bí mật ở Thành Đô (Trung Quốc) đầu tháng 9.1990, đúng vào dịp kỉ niệm 45 năm quốc khánh của chế độ cộng sản Việt Nam (1945-1990). Khi ấy Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Đỗ Mười và Cố vấn Phạm Văn Đồng phải bí mật âm thầm qua sự môi giới của tướng Lê Đức Anh (Chủ tịch nước) gặp Giang Trạch Dân Tổng bí thư và Chủ tịch nước Trung Quốc tại nhà khách Kim Ngưu (Trâu Vàng) để khấu đầu chịu tội làm Câu Tiễn, chịu rút lui khỏi Kampuchia và phải khép lại quá khứ, tức là không được phép tổ chức lễ kỉ niệm tố cáo Trung Quốc xâm lược ! Đổi lại sau đó hai bên bình thường hóa quan hệ ngoại giao với nhau. Khi ấy cựu Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ đã tố cáo là từ nay khởi đầu lại thời kì Bắc thuộc (2).

Chính vì thế từ đầu thập niên 90 tới nay, Đảng cộng sản Việt Nam đã không dám công khai tổ chức kỉ niệm hàng năm các chiến sĩ và nhân dân đã bị hi sinh cho cuộc chống xâm lược của phương Bắc từ vào ngày 17/2 mỗi năm. Chẳng những thế, những người cầm đầu chế độ toàn trị còn cấm nhân dân tổ chức thăm viếng các nghĩa trang chôn cất các bộ đội và thường dân đã hi sinh ! Mặc dầu trong thời gian chiến tranh Tổng bí thư Lê Duẩn và nhóm cầm đầu cộng sản Việt Nam đã thề thốt với nhân dân Việt Nam và đặc biệt với thân nhân các chiến sĩ và thường dân đã hi sinh trong chiến tranh biên giới chống lại sự xâm lược tàn bạo của Trung Quốc là "Đời đời ghi nhớ công ơn các anh hùng liệt sĩ" ! Tại nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên, Hà Giang nơi chôn cất gần 2000 bộ đội và thường dân vị hi sinh trong cuộc chiến tranh này đã trân trọng ghi hàng chữ : "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" (3).

Đối với thù ngoài thì họ ngoan ngoãn khép lại quá khứ, cố tình bỏ quên những đồng chí, đồng bào đã hi sinh ! Nhưng trái lại họ vẫn tổ chức hàng năm kỉ niệm ngày 30.4, họ gọi là ngày "Giải phóng dân tộc", mặc dù trong cuộc nội chiến trên 20 năm đã làm mấy triệu đồng bào ruột thịt từ Nam chí Bắc đã bị hi sinh, thương tật ! Chính cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt trước khi qua đời đã nói thẳng lòng đau sót với đồng bào ruột thị và sự bất mãn với các "đồng chí" đã nhẫn tâm, vô cảm, thất đức, phản văn hóa, văn minh ! "Có hàng triệu người vui, mà cũng có hàng triệu người buồn. Đó là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu" (4).

Ông Kiệt còn nêu câu hỏi rất chính đáng đối với nhóm cầm đầu toàn trị hiện tại, là tại sao đối với các kẻ thù thì họ "khép lại quá khứ", nhưng với chính đồng bào mình thì họ vẫn khoét sâu hận thù ? :

"Vì kẻ thù của Việt Nam là Pháp trước đây, kẻ thù của Việt Nam là Mĩ sau này, kẻ thù của Việt Nam là Trung Quốc trong thời đánh biên giới Việt Bắc. Chúng ta cũng khép lại quá khứ được thì tại sao chúng ta với chúng ta lại không khép lại quá khứ ấy, mà chúng ta cứ đối kỵ với nhau, rồi có những sự chống đối nhau ? Tôi cho rằng bây giờ thì càng có điều kiện để chúng ta làm điều đó" (5).

Trong những ngày vừa qua một số tổ chức xã hội dân sự và nhiều nhân sĩ tên tuổi trong và ngoài nước công khai kêu gọi tổ chức kỉ niệm ngày 17/2/2024 và phải ghi lại trung thực cuộc chiến tranh xâm lược này của Trung Quốc trong các sách giáo khoa để các thế hệ sau biết rõ (6).

Nhiều đảng viên tiến bộ và biết quí tự trọng đã không biết sợ nên đã tới thăm các nghĩa trang và viết các bài trên một số báo ngành và địa phương thuật lại cuộc chiến tranh biên giới và những thiệt hại sinh mạng và tài sản cho hàng triệu nhân dân biên giới do quân xâm lược Trung Quốc gây ra. Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng tới thăm nghĩa trang Vị Xuyên tuy nhiên ông không dám nhắc một lần tới Trung Quốc là kẻ xâm lược (7).

Nhưng từ Bộ chính trị, Ban bí th), Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tới Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và thậm chí cả hai Bộ Quốc phòng và Công an hoàn toàn im lặng không dám công khai tổ chức kỉ niệm tưởng nhớ các đồng đội, đồng chí và đồng bào đã bị hi sinh do cuộc chiến xâm lược của phương Bắc. Vì áp lực rất mạnh ngày càng gia tăng của Bắc Kinh nên họ đã cố quên lời thề 45 năm trước ! Cụ thể nhất khi gặp lại Nguyễn Phú Trọng cách đây mới hơn hai tháng (12-13/12/2023) Tập Cận Bình bề ngoài đã vuốt ve xoa đầu, nhưng thực sự là ép Nguyễn Phú Trọng phải tham gia vào "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc". Dịp này họ Tập đã nói như ra lệnh :

"Hai Đảng Trung Quốc và Việt Nam đều kiên trì và phát triển chủ nghĩa Mác, đều kiên định bất di bất dịch đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, đều lãnh đạo nước mình xây dựng chủ nghĩa xã hội, càng nên nắm bắt ý nghĩa chiến lược đặc biệt của quan hệ Trung Quốc – Việt Nam, thúc đẩy vững chắc việc xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam từ độ cao làm lớn mạnh lực lượng xã hội chủ nghĩa trên thế giới và đảm bảo sự nghiệp xã hội chủ nghĩa mỗi nước đi vững đi xa" (8).

adt2

Ngày 17/2/2024 kỉ niệm 45 năm Trung Quốc xâm lấn, Đại tướng Bộ trưởng công an Tô Lâm lại làm "Đại tiệc", "Đại hội âm nhạc" !

II. Nhưng ai đã tổ chức và tham dự "đại tiệc" âm nhạc sang trọng, tinh tế và đậm sắc xuân" đúng vào ngày kỉ niệm 45 năm Trung Quốc mở chiến tranh xâm lược ở biên giới ?

Trong khi ấy, đúng vào tối ngày 17/2/2024, Bộ công an dưới quyền của Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Đảng ủy Trung ương Bộ công an Tô Lâm đã không chỉ long trọng mà còn rất vui mừng "Hòa nhạc chào xuân 2024 : Tinh tế, sang trọng và đậm sắc xuân". Với tựa lớn này tờ Công an Nhân dân điện tử trực tiếp dưới quyền của Bộ công an đã trang trọng và hân hoan giới thiệu : "Đây là năm đầu tiên, chương trình được tổ chức tại Nhà hát Hồ Gươm – Nhà hát đạt chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Công an Nhân dân" "Một "đại tiệc" âm nhạc sang trọng, tinh tế và đậm sắc xuân" (9).

Bộ công an dưới quyền của Tô Lâm đã chọn đúng vào ngày đại tang lễ của dân tộc tưởng nhớ tới hàng chục ngàn thân nhân, đồng đội, thân hữu đã hi sinh trong cuộc chiến xâm lăng của Trung Quốc 45 năm trước để làm "Đại tiệc âm nhạc" "dậm sắc xuân" !

Không chỉ như thế, tờ Công an Nhân dân còn cho biết, các nhân vật tham dự buổi "đại tiệc" vào đúng ngày tang thương của dân tộc là ba Ủy viên Bộ chính trị đang giữ những trọng trách rất quan trọng trong bộ máy cai trị của chế độ toàn trị là "Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ; Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh". Nguyên văn :

"Dự chương trình có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an ; đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao ; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Cùng dự chương trình còn có các đồng chí lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương" (10).

Đây là ba nhân vật giữ những vai trò rất quan trọng trong Bộ chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của chế độ toàn trị. Tô Lâm đứng đầu lãnh vực an ninh. Từ nhiều năm nay cầm đầu bộ máy công an mật vụ có tới hàng triệu công an nổi và chìm, cho tới cả các "vận động viên" côn đồ du đãng từ các thành phố, tỉnh, quận huyện và nông thôn. Nhờ vậy họ đã thiết lập một chế độ công an trị hà khắc như Trung Quốc để kìm kẹp nhân dân và đàn áp các người dân chủ, các giới trẻ, văn nghệ sĩ. Từ nhiều năm nay Bộ công an trở thành thanh bảo kiếm, cánh tay mặt của Nguyễn Phú Trọng trong việc thanh lọc, đàn áp các đảng viên tiến bộ và biết quí lòng tự trọng. Đồng thời dưới danh nghĩa chống tham nhũng bộ máy công an đã được độc quyền trong các công tác tạo dựng, điều tra, giam giữ và hành hạ các cán bộ đảng viên các cấp liên lụy tới tham nhũng. Các điển hình mới nhất là các vụ tham nhũng Việt-Á, Chuyến bay giải cứu (11), hiện nay là vụ án Vạn Thịnh Phát (12). Kết tội, chạy tội hay tha bổng tùy thuộc lòng trung thành, cùng phe cánh giữa các nhóm lợi ích kình chống nhau.

Trong khi ấy Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hòa Bình, còn kiêm cả Bí thư Trung ương Đảng và Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Tức là người thường xuyên cố vấn, cùng với Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm bàn thảo khởi tố hay bỏ qua các vụ án tham nhũng trong cán bộ trung và cao cấp và các nhóm lợi ích trong đảng, chính quyền và thẳng tay đàn áp các nhân sĩ và tổ chức dân chủ.

Còn Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh là người phụ trách lãnh vực tư tưởng, ý thức hệ, đào tạo tầng lớp cán bộ trung cấp và nhất là cán bộ cấp chiến lược để chuẩn bị đưa vào Trung ương đảng, Bộ chính trị, Ban bí thư để nắm giữ các chức vụ then chốt trong Đảng, Chính phủ, Quốc hội… theo vây cánh của Nguyễn Phú Trọng và Tô Lâm… Học viện này không chỉ đào tạo về tư tưởng mà còn cả rèn luyện đạo đức cán bộ cao cấp. Nhưng cái lò này từ trước tới nay chỉ đào tạo ra đa số cán bộ cấp chiến lược chỉ biết gật đầu, nịnh trên nạt dưới, tham nhũng và phủi trách nhiệm !

Trong khi lực lượng công an ngày càng lấn sân, giành giật ưu đãi, mở rộng lực lượng và vây cánh để gây thanh thế cực mạnh như quốc gia trong một quốc gia thì Quân đội đang bị thất thế trong những năm gần đây. Mặc dù bộ đội là thành phần bị hi sinh nhiều nhất trong cuộc chiến biên giới do Trung Quốc xâm lăng, nhưng trong dịp 17/2 vừa qua Bộ trưởng quốc phòng Phan Văn Giang đã không dám tổ chức kỉ niệm tưởng nhớ đồng đội hi sinh, lại chỉ đi "Trồng cây trong ngày Tết nhớ ơn Bác Hồ" (13).

adt3

Bộ trưởng Tô Lâm động viên các nghệ sĩ sau buổi tập.

III. Vai trò trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng trong việc này

Tại sao ba Ủy viên Bộ chính trị đang giữ những chức vụ rất quan trọng trong bộ máy toàn trị vẫn hống hách lên tiếng dạy bảo đảng viên là phải biết tôn trọng gìn giữ văn hóa đạo lí dân tộc, nhưng ở đây họ đã hoàn toàn không cân nhắc để chọn một thời gian thích hợp tổ chức buổi hòa tấu, vì họ có thừa thì giờ để làm việc này ? Trái lại, họ không thèm để ý tới dư luận trong Đảng và ngoài xã hội, nên đã dám tổ chức và tham dự "Đại tiệc âm nhạc" vào đúng ngày đau buồn chung của nhân dân kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược của Trung Quốc !

Tô Lâm đã cho biết rõ ràng như sau : Buổi đại tiệc hòa tấu này là "Chương trình do Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công an chỉ đạo thực hiện" và đã "Được chuẩn bị từ hơn 2 tháng trước Tết Nguyên Đán Giáp Thìn 2024" (14). Tiết lộ này cho thấy, Bộ công an dưới quyền Tô Lâm đã được phép tổ chức và toàn quyền chuẩn bị cho buổi Đại tiệc, "Hòa tấu" và cũng từ lâu đã quyết định chọn đúng ngày 17/2/2024 tổ chức đại hội ca nhạc. Vì thế chỉ một ngày trước đó chính Tô Lâm đã đích thân tham dự và cổ động các nghệ sĩ trong dịp "Tổng duyệt Hòa nhạc chào xuân 2024" vào ngày 16/2/2024 (15).

Theo qui chế làm việc ở các bộ phận đầu não của chế độ toàn trị thì những tiết lộ trên của Tô Lâm cho thấy, ông đã hỏi ý và được Nguyễn Phú Trọng cho phép để cho Bộ công an đứng ra tổ chức buổi hóa tấu lớn đầu tiên khai mạc cho Nhà hát Hồ Gươm vừa mới hoàn thành (7/2023) tốn hàng chục ngàn tỉ vào dịp Xuân Giáp Thìn (16). Vì Nguyễn Phú Trọng là "Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương". Có nghĩa là những dự tính quan trọng của Bộ công an phải hỏi và được Nguyễn Phú Trọng thông qua.

Điều này có thể cắt nghĩa là, trong chuyến thăm của Tập Cận Bình 12-13/12/2023 Nguyễn Phú Trọng đã ngoan ngoãn theo yêu cầu của họ Tập là để Việt Nam tham gia " Cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam ". Nghĩa là tuân theo quyết định "khép lại quá khứ" với Bắc Kinh, nên năm nay các cơ quan Đảng và Nhà nước của cộng sản Việt Nam vào ngày 17/2/2024 cũng không tố chức kỉ niệm 45 năm chiến tranh xâm lược biên giới của Trung Quốc ! Cho nên Tô Lâm không ngại ngùng dám chọn ngày 17/2 -ngày kỉ niệm 45 năm Trung Quốc đem quân đánh phá các tỉnh biên giới phía Bắc của Việt Nam - mở Đại tiệc âm nhạc !

Tính toán trên của Tô Lâm lại càng thế hiện rõ hơn khi ông tỏ lập trường với Thứ trưởng Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên vào ngày 10/1/2024 tại Hội nghị đối thoại cấp Thứ trưởng về An ninh chính trị lần thứ nhất giữa Bộ công an hai nước Việt Nam - Trung Quốc" ở Hà nội để thực hiện quyết định chung "xây dựng cộng đồng cùng chung vận mệnh Trung Quốc – Việt Nam". Tô Lâm đã khép nép nói với Thứ trưởng công an Trung Quốc, "Với Trung Quốc, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Việt Nam đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam coi trọng cao độ phát triển quan hệ với Trung Quốc, đặt Trung Quốc ở vị trí ưu tiên hàng đầu trong tổng thể chính sách đối ngoại của mình", và "Hai bên nhất quán sẽ quán triệt và thực hiện nghiêm túc nhận thức chung cấp cao ; tăng cường trao đổi về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan chủ nghĩa xã hội, Đảng cầm quyền, cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý ; chống tham nhũng ; kinh nghiệm giải quyết các mâu thuẫn xã hội, qua đó, bảo vệ tuyệt đối vị trí cầm quyền của Đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa". Tô Lâm còn đi xa hơn nữa hứa "Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác đấu tranh với hoạt động của các tổ chức lợi dụng tôn giáo, dân tộc chống Đảng, Nhà nước, phá hoại đoàn kết quan hệ Việt Nam - Trung Quốc" (17).

Những tuyên bố trên cho thấy Tô Lâm đã theo đúng bước chân của Nguyễn Phú Trọng đã làm với Tập Cận Bình. Trong những năm gần đây Nguyễn Phú Trọng ngày càng tin cậy Tô Lâm. Cho nên mặc dù tướng Tô Lâm đã gây ra tai tiếng rất lớn bị báo chí quốc tế phanh phui về việc ông "ăn thịt bò dát vàng" rất đắt tiền trong một nhà hàng ở London khi ông tháp tùng Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm Châu Âu đầu tháng 11/2021 (18). Nhưng việc này vẫn không lọt vào tai Tổng bí thư, hay không muốn nghe hoặc không dám nghe, cho nên Tô Lâm vẫn bình chân như vại ! Chẳng những thế vì sức khỏe ngày càng yếu nên Nguyễn Phú Trọng đã để thả cửa cho Tô Lâm tổ chức Đại tiệc Hòa tấu.

Văn hóa nhiều nước trên thế giới, đặc biệt Á Đông và Việt Nam, thường tuyệt đối tránh dùng những ngày tang lễ, giỗ chạp người thân lại tổ chức hội hè ca nhạc vui chơi đình đám. Đây là tập tục văn minh, đạo đức cao của các nền văn hóa biết quí trọng nhân tính. Chính Nguyễn Phú Trọng thường hay đề cao xây dựng một xã hội văn minh, nhân tính. Nhưng tại sao ông Trọng lại để cho Tô Lâm chọn đúng ngày 17/2/2024 dịp kỉ niệm 45 năm hàng chục ngàn bộ đội, đảng viên và nhân dân đã hi sinh trong cuộc chiến chống xâm lăng của Trung Quốc. Đây là ngày đại tang thương đau buồn của cả dân tộc. Nhưng tại sao lại để Tô Lâm tổ chức "đại tiệc âm nhạc sang trọng, tinh tế" !

Tại sao lại có thể để một việc làm cực kì trái với đạo đức, luân lí và phản văn minh như vậy được ? Nguyễn Phú Trọng còn đủ khả năng, tâm trí và sức lực nghe và hiểu những gì xẩy ra trong đảng và xã hội không ? Ông có biết dư luận nhân dân và đảng viên tiến bộ nghĩ gì không ?

binhvoi

Nguyễn Phú Trọng tự diễn biến thành Ông Phỗng Đá, Ông Bình Vôi !

IV. Ngọa long hoàng đế Nguyễn Phú Trọng đang ở trong hoàn cảnh vừa làm Ông Phỗng Đá và Ông Bình Vôi !

Xét về phương diện hệ thống vận hành quyền lực của chế độ toàn trị cộng sản Việt Nam thì Tổng bí thư là người có quyền lực cao nhất, có thẩm quyền và thực quyền cao nhất trong việc hoạch định và điều hành các công tác Đảng và Nhà nước. Nhưng trong thực tế phải xem xét con người thực của Nguyễn Phú Trọng ra sao. Người ta thường nói con người là sản phẩm của xã hội, nhưng nếu là xã hội độc tài và người cầm đầu đã nắm độc quyền lâu rồi thì cá tính, tư cách và khả năng của họ lại ảnh hưởng trực tiếp lên cả hệ thống Đảng, chính quyền và xã hội !

Theo dõi các họat động chính trị suốt ba thập kỉ qua từ khi ông trở thành Ủy viên Bộ chính trị (1997) và từng bước nắm các chức cao cấp từ Bí thư Thành ủy Hà nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư, Chủ tịch nước. Xét về mặt tư tưởng, ông Trọng là người cực kì bảo thủ và độc tài chỉ biết tôn sùng Marx-Lenin, giống hệt như Hồ Chí Minh ; tài năng không cao, nhưng tham vọng quyền lực thì vô hạn, đạo đức tư cách rất thấp, rất thích tự thần thánh hóa mình , rất ưa xu nịnh và tài lươn lẹo thì các đồng liêu của ông không ai bì kịp. Mẫu người này rất phù hợp với chế độ cộng sản độc tài như Lenin, Stalin, Mao, Tập Cận Bình… Để xây dựng quyền lực, danh vọng cho cá nhân mình, Nguyễn Phú Trọng không từ các thủ đoạn nào, kể cả những biện pháp tàn bạo, bất kể tới đạo đức và lương tâm, mặc dầu lúc nào và ở đâu ông Trọng cũng thốt lên những lời tuyệt đẹp tuyệt hay, như ai cũng biết từ khi ông làm Tổng bí thư từ 2011 !

Nhờ tài lươn lẹo và khả năng viết lách, nên ngay từ đầu thập niên 90 Nguyễn Phú Trọng đã chạy theo Đỗ Mười, người có quyền lực nhất khi ấy nhưng hầu như thất học, lại bị bệnh tâm thần, mặt khác bảo thủ và tham quyền chẳng khác Nguyễn Phú Trọng. Nhờ thế ông Trọng đã đạt tới quyền lực tột đỉnh làm Tổng bí thư suốt từ 2011 và đã sử dụng mọi mánh lới thủ đoạn lươn lẹo để độc diễn để trở thành "Ông đặc biệt", đạp lên cả Điều lệ đảng và nguyên tắc tập trung dân chủ để trở thành ông vua trong chế độ độc tài tự mệnh là chống phong kiến cho tới nay (19).

Nhưng hiện nay Nguyễn Phú Trọng đang phải đối mặt với những khó khăn và nguy hiểm cả trong đối ngoại lẫn đối nội. Về mặt đối ngoại, quốc phòng và ngoại giao, Nguyễn Phú Trọng vẫn tự đề cao "Ngoại giao cây tre". Nhưng trong thực tế đây là loại tre mà ngọn tre đã bị cột chặt về phương Bắc từ suốt gần 80 năm qua. Từ khi Hồ Chí Minh cầm quyền tới Nguyễn Phú Trọng hiện nay, họ chỉ biết thần phục Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình. Từ sau khi Liên xô tan rã, những người cầm đầu cộng sản Việt Nam, đặc biệt thời Nguyễn Phú Trọng chỉ còn biết cúi đầu bám chặt vào Bắc Kinh, vì tin rằng, Đảng cộng sản Trung Quốc trụ được thì Đảng cộng sản Việt Nam cũng trụ được ! Cao điểm nhất là từ chuyến thăm của Tập Cận Bình giữa tháng 12/2023 Nguyễn Phú Trọng đã phải nghe lời họ Tập đẩy tương lai Việt Nam rơi vào cái rọ "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc". Trong đó thâm ý trước mắt của họ Tập là ép một số nước ở Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, Lào, Kampuchia, thành một khu vực ảnh hưởng trực tiếp của Trung Quốc, như các nước cộng sản Đông Âu dưới quyền của Đảng cộng sản Liên xô trước đây. Đây là giấc mộng thực hiện bá quyền của Trung Quốc như Tập Cận Bình đang theo đuổi (20).

Quyết định này của Nguyễn Phú Trọng đang gây quan ngại rất lớn không chỉ cho nhân dân Việt Nam mà cả nhiều nước trong khu vực và các nước dân chủ tiến bộ. Vì thế nhiều thành phần nhân dân, các trí thức, nhân sĩ, thanh niên và nhiều đảng viên tiến bộ đã lên tiếng chống đối.

Còn trong đối nội, thói tham quyền vô độ trong bộ máy chế độ độc tài và thái độ vô trách nhiệm của Nguyễn Phú Trọng đã đưa đến tệ trạng tham nhũng cửa quyền của cán bộ các cấp ngày càng bùng ra. Sự tranh giành quyền lực và tiền bạc giữa các phe cánh và các nhóm lợi ích ngay ở cả trung ương ngày gia tăng, gần đây phải triệu tập nhiều Hội nghị Trung ương bất thường, Quốc hội họp bất thường để hạ Chủ trảm tướng, để tự cứu mình, không ai bảo được ai. Mới ít ngày trước Hội nghị Trung ương họp để đưa Ủy viên Bộ chính trị Trần Tuấn Anh ra khỏi Bộ chính trị và cách chức một số Ủy viên Trung ương và Ban bí thư họp đầu năm, nhưng không thấy nhắc tới Nguyễn Phú Trọng (21). Uy tín của Nguyễn Phú Trọng ngày càng bị tiêu tan. Nhất là trong những năm gần đây sức khỏe ngày càng yếu, đi không vững, trí nhớ rất kém không thể quán xuyến công việc của Đảng. Nhưng ông vẫn rất tham quyền. Trong hoàn cảnh đó thì sẵn sàng nhắm mắt cho các tay em tung hoành, nên bọn cận thần đỏ đang qua mặt Nguyễn Phú Trọng.

Cụ thể mới nhất là ba Ủy viên Bộ chính trị đã dám đứng tổ chức Đại tiệc âm nhạc vào đúng ngày tang thương của cả dân tộc 17/2/24 bất chấp lương tâm, đạo đức, coi thường những lời kêu gọi giả nhân giả nghĩa của Nguyễn Phú Trọng. Sau nhiều lần vắng mặt trong những dịp họp quan trọng vì sức khỏe ngày càng suy yếu, vài lần xuất hiện mới đây hay bài viết kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng không được tôn trọng và đón nhận vì chỉ nhai lại những điều nhàm chán (22). Nguyễn Phú Trọng đang trở thành Ngọa long Hoàng đế chung quanh giường đang bị bao vây của những chó đói quyền-tiền đang chuẩn bị ra tay động thủ !

Nguyễn Phú Trọng đang trở thành nạn nhân của chính mình : Tham vọng quá lớn vẫn muốn giữ quyền lâu, nhưng khả năng rất giới hạn, tư cách đạo đức ngày càng tồi tệ và sức khỏe ngày càng suy liệt. Trong hoàn cảnh và tình trạng như vậy, Nguyễn Phú Trọng phải thỏa hiệp vô điều kiện với cả thù ngoài (Trung Quốc), còn bên trong phải nhắm mắt cho vây cánh tự do thao túng, lợi dụng. Đây là nguy cơ trước mắt rất lớn không chỉ cho Đảng mà nhất là cho dân tộc ta.

Cho nên vị thế đối ngoại và uy tín đối nội trong Đảng và xã hội của Nguyễn Phú Trọng hiện nay đang suy sụp nhanh. Có lẽ hoàn cảnh và tâm trạng hiện nay của Nguyễn Phú Trọng rất giống như "Ông Bình Vôi" và "Ông Phỗng Đá" ! Ông Trọng rất thích thơ, như thế ông sẽ cảm nhận nhanh ý nghĩa của hai bài thơ rất độc đáo này và mong rằng trong ngày đầu Xuân, ông sẽ tỉnh ngộ tìm ra con đường thích hợp cho cá nhân mình !

adt4

Có lẽ hoàn cảnh và tâm trạng hiện nay của Nguyễn Phú Trọng rất giống như "Ông Bình Vôi" và "Ông Phỗng Đá" !

Trước sự suy nhược của Triều đình nhà Nguyễn nên Pháp đã coi thường vua quan Việt Nam khi ấy và mở rộng xâm lược, nên nhà thơ Nguyễn Khuyến rất đau lòng viết bài thơ :

Ông Phỗng Đá

Ông đứng làm chi đó hỡi ông ?

Trơ trơ như đá, vững như đồng.

Đêm ngày gìn giữ cho ai đó ?

Non nước đầy vơi có biết không ?

Còn dưới thời Hồ Chí Minh khi tiếp thu miền Bắc, thấy rõ giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam từ khi cầm quyền đã mau chóng quan liêu, độc tài, hủ hóa cho nên nhà thơ Lê Đạt, từng là cán bộ Tuyên huấn, nhưng đã can đảm tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm chống văn hóa độc tài và đã viết bài thơ "Ông bình vôi" để tố cáo những người lãnh đạo càng cầm quyền lâu càng tồi, giống như cái bình vôi cũ "càng lớn càng đặc" .[i]

Ông Bình Vôi

Những kiếp người sống lâu trăm tuổi

Y như một cái bình vôi

Càng sống càng tồi

Càng sống càng bé lại...

Âu Dương Thệ

(23/02/2024)

Ghi chú :

1. Âu Dương Thệ, Die politische Entwicklung in Gesamt vietnam 1975 bis 1982 : Anpruch und Wirklichkeit, Tuduv Studie 1987, Die Intervention in Kambodscha und der Grenzkrieg mit China, tr. 148-154 

2. Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ?! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! Tập I (lulu.com), Tập I, Chương 3, Hội nghị Thành Đô – Cầu hòa với Bắc Kinh ở thế "Kim Ngưu" !, tr. 80-87 

3. Văn Duẩn, "Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dâng hương tưởng nhớ các liệt sĩ tại Nghĩa trang Vị Xuyên", Người Lao Động oline, 17/02/2024 

4. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt : 'Chúng ta đừng ru ngủ mình', VnExpress, 15/4/2005

5. Phỏng vấn cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt (phát thanh ngày 30/4/2007), Phần 1, BBC tiếng Việt Youtube, 10/2007) 

6. "Tuyên bố : 45 năm cuộc chiến tranh tự vệ chống xâm lược Trung Quốc (17/2/1979)", Tiếng Dân, 15/02/2024 

8. Tập Cận Bình, "Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về quan hệ Việt – Trung", VoV.vn, 12/12/2023

Âu Dương Thệ, "Tương lai lại tự chui vào rọ !", Thông Luận, 18/12/2023 

8. Hoa Nguyễn - Phong Sơn, "Hòa nhạc chào xuân 2024 : Tinh tế, sang trọng và đậm sắc xuân", Công an nhân dân online, 17/02/2024 

10. Như trên

11. Âu Dương Thệ, "Thủ đoạn hạ Chủ trảm Tướng", Thông Luận, 20/01/2023 

12. Vụ Vạn Thịnh Phát : Những điều chấn động về phiên tòa và bà Trương Mỹ Lan , BBC News tiếng Việt, 22/02/2024 

13. Bản tin Quân sự - Quốc phòng ngày 17/2 : Bộ Quốc phòng phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ", Quân đội Nhân dân Online, 17/02/2024

14. Hoa Nguyễn, "Hòa nhạc chào xuân 2024", niềm tự hào của các nghệ sĩ - chiến sĩ", Công an Nhân dân online, 16/02/2024

15. Hoa Nguyễn, "Tổng duyệt Hòa nhạc chào xuân 2024", Công an Nhân dân điện tử, 16/02/2024 16. Hoàng Hà,

16. "Nhà hát Hồ Gươm hiện đại nhất Việt Nam", VoV.vn, 09/04/2023 (vov.vn)

17. Khổng Hà, "Thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Bộ Công an hai nước Việt Nam – Trung Quốc", Công an Nhân dân điện tử, 1001/2024 (cand.com.vn)

18. Bộ trưởng công an Tô Lâm ăn bò dát vàng bằng tiền của ai ?, RFA tiếng Việt, 05/11/2021 : "món bò dát vàng phục vụ cho Bộ trưởng công an Tô Lâm, người phát ngôn Bộ Công An Tô Ân Xô và một người nữa trong đoàn tuỳ tùng của ngài Bộ trưởng, tại một nhà hàng sang trọng. Được biết giá tiền mỗi phần ăn như vậy lên đến 45 triệu đồng Việt Nam. Tổng cộng ba phần là 135 triệu đồng".

Việt Nam : Hình ảnh Bộ trưởng Tô Lâm ăn bò dát vàng gây bão dư luận, BBC News tiếng Việt, 05/11/2021 

19. Âu Dương Thệ, Việt Nam "Đổi mới" ? ! Hay : Treo đầu dê, bán thịt chó ! Tập I (lulu.com), Tập II. Chương kết, IV. Nhà dột từ nóc - Ai chịu trách nhiệm ?, tr. 264-269 

20. Như 8

21. Chính phủ 31/1 ; Chính phủ, 16/2

22. Chính phủ 31/1 : Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Đảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng (dangcongsan.vn)

23. Lê Đạt 

Quay lại trang chủ
Read 573 times

1 comment

  • Comment Link PhétLangBang vendredi, 23 février 2024 22:06 posted by PhétLangBang

    (nhà thơ Lê Đạt, từng là cán bộ Tuyên huấn, nhưng đã can đảm tham gia Phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm chống văn hóa độc tài và đã viết bài thơ "Ông bình vôi")??????????
    Sao có chỗ nói là của cụ Phan Khôi?
    như ở đây:

    https://vietbao.com/a300659/cu-phan-khoi-viet-ve-hai-ong-ong-binh-voi-va-ong-nam-chuot

    Đã lâu rồi ông cụ bố tôi cũng nói là bài này là của cụ Phan.

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)