Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

12/12/2023

Nội dung Tuyên bố chung sẽ được công bố ngày 13/12/2023

Tập Cận Bình

Lời tòa soạn : Chúng tôi cho đăng lại dưới đây nguyên văn bài viết của Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Trung Quốc, gởi Ban biên tập báo Nhân Đan (Việt Nam) đăng trước khi đặt chân xuống lãnh thổ Việt Nam sáng ngày 12/12/2023.

Qua bài viết này, chúng ta có thể biết trước nội dung của Tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc và những văn kiện đã ký kết sẽ được công bố chiều ngay 13/12/2023.

Nghĩ gì về bài viết này ? Đây rõ ràng là một lộ trình cụ thể (roadmap) mà họ Tập đưa ra cho Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam phải thi hành trong những ngày sắp tới. Có thể nói đây là mệnh lệnh của "Thiên triều" (Trung Quốc) ban xuống cho "chư hầu" (Việt Nam) phải tuân theo. Nội dung những thỏa thuận giữa hai Đảng cộng sản cầm quyền (sẽ được công bố ngày mai 12/12) đã được đồng ý từ trước, chứ không phải mới đây. Chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trước đó vài ngày (30/11) không phải để thuyết phục phía Việt Nam chấp nhận danh xưng "Cộng đồng chung vận mệnh" mà là để dọn đường cho một sự đón tiếp thật sự trọng thể, phải hơn sự đón tiếp Tổng thống Mỹ Joe Biden trong tháng 9/2023 vừa qua.

Biết rằng phía Việt Nam dị ứng với danh xưng "Cộng đồng chung vận mệnh", lần này Tập Cận Bình sáng chế ra hai cụm từ mới "Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam" và chính sách ngoại giao gọi là bốn kiên trì "Thân, Thành, Huệ, Dung" để hiện đại hóa kiểu Trung Quốc mang lại nhiều phúc lợi cho các nước láng giềng. Cộng đồng chung vận mệnh và Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam thật ra chỉ là một, nội dung không có gì thay đổi. Nếu phía Việt Nam dị ứng với cụm từ "chung vận mệnh" thì phía Trung Quốc đổi thành "chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam", nghe có vẻ nhẹ nhàng nhưng sự gắn bó lại chặt chẽ hơn. Chạy đâu cho thoát bàn tay Trung Quốc !

Để nắm chắc và thuyết phục phía Việt Nam chấp thuận nôi dung Tuyên bố chung sẽ đọc ngày mai, Ban lãnh đạo Đảng cộng sản Trung Quốc đã lần lượt mời những nhân sự Ban lãnh đạo cao nhất của Đảng cộng sản Việt Nam sang Trung Quốc hội kiến Tập Cận Bình như Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Trương Thị Mai trong những dịp đến thăm Trung Quốc hoặc tham dự hội nghị tại Trung Quốc.

Mục đích của Thông Luận là thông tin rõ ngọn ngành về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc để không thể bị hiểu lầm : Đảng cộng sản Việt Nam hoàn toàn lệ thuộc vào Đảng cộng sản Trung Quốc. Điều ngược ngạo và dễ gây hiểu lầm là chính những người không giữ những chức vụ cao trong Đảng cộng sản Việt Nam, hay những người ngoài Đảng, kể cả những người đối lập, lại tìm cách bảo vệ hay đề cao tính độc lập của Đảng cộng sản Việt Nam trước Đảng cộng sản Trung Quốc, đôi khi phản bác sự lệ thuộc của Đảng cộng sản Việt Nam vào Trung Quốc, và đả kích những ai lên án Đảng cộng sản Việt Nam là chư hầu của Đảng cộng sản Trung Quốc. Nhiều người còn cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam đang tìm cách thoát Trung để hội nhập vào thế giới phương Tây… Tất cả chỉ là hiểu lầm.

Nếu theo dõi sát những Thông cáo chung và Tuyên bố chung giữa hai Đảng cộng sản và hai nước Việt Nam và Trung Quốc từ năm 2000 trở lại đây thì sẽ thấy phía Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng sự ràng buộc Việt Nam vào Trung Quốc từ sau Hội nghị Thành Đô tháng 9/1990. Cho đến nay, 33 năm đã trôi qua, sự ràng buộc chỉ thêm chẽ, khó có thể một sớm một chiều được tách ra, trừ khi không còn Đảng cộng sản Việt Nam. Những ký kết "Đối tác chiến lược toàn diện" với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ chỉ nhằm mục đích cứu nguy chế độ qua những dễ dãi về kinh tế, tài chánh và kỹ thuật, trong khi không nhượng bất cứ một thứ gì về nhân quyền và tôn giáo. Đối với Đảng cộng sản Việt Nam, phương Tây chỉ là những con bò sữa ngây thơ để vắt tiền.

Nguyễn Văn Huy

**********************

Xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược : Mở ra trang sử mới chung tay hướng tới hiện đại hóa

Tập Cận Bình, Nhân Dân online, 12/12/2023

Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 đến 13/12/2023, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đã gửi bài đăng trên báo Nhân Dân. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài viết. (Nhân Dân online)

tcb1

Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình. (Ảnh : THX/TTXVN)

Bài viết của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình về quan hệ Việt - Trung

Nhận lời mời của Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng, tôi sắp có chuyến thăm cấp Nhà nước tới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đây là lần thứ ba tôi đặt chân đến đất nước Việt Nam tươi đẹp kể từ khi đảm nhiệm cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, cảm thấy vô cùng thân thiết, giống như đến thăm họ hàng, láng giềng.

Trung Quốc và Việt Nam núi sông liền một dải, văn hóa tương thông, lý tưởng tương đồng, chia sẻ tương lai chung. Với lý tưởng chung, Chủ tịch Mao Trạch Đông, Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo tiền bối hai nước kết mối giao tình, thấu hiểu lẫn nhau, chung tay gây dựng mối tình hữu nghị truyền thống Trung-Việt "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Trong quá trình theo đuổi sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và giải phóng đất nước, hai nước đã đoàn kết một lòng, ủng hộ lẫn nhau. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, hai nước chúng ta học hỏi lẫn nhau, mở rộng hợp tác, cùng viết nên trang sử hữu nghị Trung-Việt.

Năm nay là kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Trung-Việt. Cho dù tình hình quốc tế diễn biến thế nào, hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam luôn cùng nỗ lực gìn giữ hòa bình an ninh, cùng mong muốn hợp tác phát triển, cùng tạo dựng phồn vinh giàu mạnh, đi tới con đường tươi sáng cùng xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại.

Chúng ta kiên trì tin cậy lẫn nhau. Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước thường xuyên thăm lẫn nhau như họ hàng thân thiết. Năm nay, tôi và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trao đổi mật thiết, cùng định hướng tổng thể cho phát triển quan hệ Trung-Việt thời đại mới từ tầm cao chiến lược và tầm nhìn lâu dài, thúc đẩy quan hệ Trung-Việt xác lập định vị mới, bước vào giai đoạn mới.

Tôi đã lần lượt hội kiến các đồng chí lãnh đạo cấp cao Việt Nam gồm Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Trương Thị Mai đến thăm Trung Quốc hoặc tham dự hội nghị tại Trung Quốc. Hai bên đã tổ chức các hội nghị, cơ chế như Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương, Hội thảo lý luận giữa hai Đảng, Hội nghị cấp Bộ trưởng về phòng chống tội phạm giữa hai Bộ Công an. Hợp tác giữa các bộ, ngành, các địa phương ngày càng mật thiết.

Chúng ta kiên trì hài hòa lợi ích. Trung Quốc lâu nay là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong khối các nước ASEAN và là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc trên toàn cầu. Nhận lời mời của phía Trung Quốc, lãnh đạo Việt Nam tham dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường" lần thứ 3, Hội chợ triển lãm nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ 6, Hội chợ triển lãm Trung Quốc-Nam Á lần thứ 7, Hội chợ triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 20. Hàng nông sản nhập khẩu từ Việt Nam như rau quả rất được người tiêu dùng Trung Quốc ưa thích. Nguyên liệu và thiết bị máy móc do Trung Quốc xuất khẩu đóng góp nhiều cho sự phát triển ngành chế tạo Việt Nam.

Đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông do doanh nghiệp Trung Quốc xây dựng là đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam, đã vận chuyển gần 20 triệu lượt người hành khách, tạo thuận lợi trong đi lại cho người dân Hà Nội. Chuyến tàu liên vận quốc tế Trung Quốc-Việt Nam vận hành thuận lợi, cửa khẩu thông minh được khởi động xây dựng, kết nối các cặp cửa khẩu biên giới trên bộ được đẩy nhanh.

Doanh nghiệp Trung Quốc đã đầu tư hình thành cụm ngành công nghiệp điện mặt trời nước ngoài lớn nhất ở Việt Nam, nhà máy điện mặt trời và điện gió do doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư xây dựng đóng góp tích cực cho sự phát triển và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam. Doanh nghiệp Trung Quốc cũng đầu tư xây dựng nhiều dự án nhà máy điện rác tại các địa phương như Hà Nội và Cần Thơ.

tcb2

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chụp ảnh chung. (Ảnh : Trí Dũng/TTXVN)

Chúng ta kiên trì hữu nghị, thân thiết. Năm nay, nhân dân hai nước nhanh chóng khôi phục đi lại, 10 tháng đầu năm, có hơn 1,3 triệu lượt du khách Trung Quốc đến Việt Nam, khu du lịch hợp tác qua biên giới Trung-Việt thác Đức Thiên-Bản Giốc đã được đưa vào vận hành thí điểm. Giao lưu hữu nghị giữa Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính hiệp 2 tỉnh, Khu tự trị (tỉnh Vân Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây) của Trung Quốc với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam 7 tỉnh của Việt Nam có chung đường biên giới, Liên hoan nhân dân biên giới Trung-Việt được tổ chức đa dạng, sinh động.

Các tác phẩm kinh điển truyền thống Trung Quốc được nhiều người dân Việt Nam biết đến, các tác phẩm truyền hình đương đại Trung Quốc cũng rất được người dân Việt Nam yêu thích. Nhiều ca khúc nhạc trẻ Việt Nam đang rất thịnh hành trên mạng xã hội Trung Quốc, ca sĩ Việt Nam nhận được số lượng lớn người hâm mộ Trung Quốc khi tham gia chương trình truyền hình giải trí của Trung Quốc. Giao lưu nhân văn ngày càng mật thiết, giống như các dòng suối nhỏ vươn dài chảy mãi, hội tụ thành dòng sông giao lưu hữu nghị rộng lớn giữa hai nước.

Chúng ta kiên trì đối xử chân thành. Hai nước đều giương cao ngọn cờ chủ nghĩa đa phương, nhấn mạnh kiên trì đối thoại hiệp thương, hòa bình hợp tác, kiên định giữ gìn chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế với cơ sở là tôn chỉ và nguyên tắc Hiến chương Liên hợp quốc. Hai bên ủng hộ lẫn nhau trên các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi và mối quan tâm trọng đại của nhau, phối hợp mật thiết trong các cơ chế hợp tác quốc tế và khu vực. Phía Việt Nam tích cực tham gia Nhóm bạn bè Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, ủng hộ Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, ủng hộ Trung Quốc gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương.

Năm nay là 10 năm kể từ khi tôi đề xuất khái niệm cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, Sáng kiến cùng nhau xây dựng "Vành đai và Con đường" và chính sách ngoại giao láng giềng "Thân, Thành, Huệ, Dung". Để xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, trước hết phải bắt đầu từ Châu Á. Trung Quốc có một bài hát nổi tiếng với ca từ : "Châu Á chúng ta, rễ cây đều liên kết với nhau ; Châu Á chúng ta, đám mây cũng bắt tay nhau". Lời ca này đã phản ánh ý thức cộng đồng chia sẻ tương lai Châu Á giản dị trong đáy lòng người dân Trung Quốc. Châu Á là ngôi nhà chung của chúng ta, các nước láng giềng không thể tách rời nhau, giúp đỡ láng giềng chính là giúp đỡ bản thân. Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt.

Trung Quốc sẵn sàng gắn kết sự phát triển của mình với sự phát triển của các nước láng giềng, cùng nhau xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai với các nước láng giềng, để mỗi bên đều có cuộc sống tươi đẹp. Trung Quốc và Việt Nam có mối tình hữu nghị truyền thống sâu sắc "vừa là đồng chí, vừa là anh em". Đảng và Chính phủ Trung Quốc luôn đặt mối quan hệ với Việt Nam lên vị trí ưu tiên trong quan hệ với các nước láng giềng, chân thành hy vọng hai nước không quên ước nguyện truyền thống hữu nghị ban đầu, khắc ghi lý tưởng và sứ mệnh chung, chung tay vững bước đi lên con đường xã hội chủ nghĩa, không ngừng thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam có ý nghĩa chiến lược.

- Duy trì trao đổi chiến lược, củng cố nền tảng chính trị vững chắc cho Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam. Hai bên cần tiếp tục duy trì trao đổi chiến lược cấp cao, bảo đảm con tàu quan hệ Trung-Việt không ngừng đạp gió rẽ sóng, vững bước tiến về phía trước. Hai bên cần kiên định ủng hộ lẫn nhau đi lên con đường xã hội chủ nghĩa phù hợp với tình hình mỗi nước, điều phối tốt hai vấn đề lớn là phát triển và an ninh, cùng nhau thực hiện Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Văn minh Toàn cầu. Tiếp tục đi sâu giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn trong việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cùng nhau chống lại rủi ro và thách thức bên ngoài, bảo đảm sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội của mỗi nước đều bước vững tiến xa.

- Phát huy ưu thế bổ sung lẫn nhau, tăng cường nền tảng hợp tác thực chất cho Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam. Trung Quốc đang mở cửa đối ngoại với trình độ cao, thúc đẩy xây dựng cục diện phát triển mới, kinh tế Việt Nam duy trì tăng trưởng ổn định, hai bên cần phát huy đầy đủ ưu thế vị trí địa lý gần gũi và ngành nghề bổ sung cho nhau, đẩy nhanh hợp tác và kết nối giữa sáng kiến "Vành đai và Con đường" và "Hai hành lang, một vành đai", không ngừng mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực như kết nối giao thông, cải cách doanh nghiệp nhà nước, năng lượng sạch, khoáng sản then chốt, v.v, nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của mỗi nước, mang lại càng nhiều lợi ích hơn cho nhân dân hai nước.

- Tăng cường giao lưu hữu nghị, xây dựng nền tảng xã hội vững chắc cho Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam. "Bán anh em xa, mua láng giềng gần", gốc rễ, huyết mạch, sức mạnh của quan hệ Trung-Việt đều bắt nguồn từ nhân dân. Chúng ta nên tăng cường hợp tác giao lưu hữu nghị, phát huy đầy đủ hiệu quả của các cơ chế giao lưu tương ứng giữa cơ quan truyền thông Trung ương, các cơ quan nghiên cứu, văn hóa và du lịch, nhà xuất bản, cơ quan điện ảnh, truyền hình và phát thanh của hai nước, làm sâu sắc hợp tác trên các lĩnh vực đào tạo tiếng Trung, giáo dục nghề nghiệp, thể dục thể thao, y tế, v.v. Tổ chức tốt các hoạt động tiêu biểu như Diễn đàn nhân dân Trung-Việt, Gặp gỡ hữu nghị thanh niên Trung-Việt, tăng cường sự hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ. Hai nước cần tăng thêm chuyến bay hai chiều trực tiếp, Trung Quốc sẽ khuyến khích càng nhiều du khách Trung Quốc sang thăm Việt Nam, cảm nhận những nét đẹp, độc đáo của lịch sử và văn hóa Việt Nam.

- Kiểm soát thỏa đáng bất đồng, mở rộng nền tảng nhận thức chung cho Cộng đồng chia sẻ tương lai Trung Quốc-Việt Nam. Hai bên nên thực hiện tốt nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, kiểm soát thỏa đáng bất đồng trên biển, cùng tìm giải pháp hai bên đều có thể chấp nhận được. Hai bên nên nhìn từ hạnh phúc lâu dài của nhân dân hai nước, kiên trì cùng có lợi, cùng thắng, tích cực thúc đẩy hợp tác, nỗ lực kiến tạo môi trường phát triển bên ngoài tốt đẹp của mỗi nước, đóng góp cho sự ổn định và bền vững lâu dài trong khu vực.

Hiện nay, biến cục thế giới trăm năm chưa từng có đang diễn biến nhanh chóng, chủ nghĩa bá quyền, chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa bảo hộ có xu hướng gia tăng, hòa bình và phát triển ở khu vực đối mặt với tình hình đầy biến động và khó lường. Châu Á dựa trên nền tảng lịch sử với văn minh lâu đời đang đón chào thời điểm quan trọng hướng tới phát triển và phồn vinh. Các thị trường mới nổi và nền kinh tế đang phát triển của Châu Á sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng kinh tế chính của thế giới.

Lịch sử đã nhiều lần khẳng định, một quốc gia, một khu vực muốn chấn hưng thì phải tiến lên theo logic của tiến trình lịch sử và phát triển theo xu thế của thời đại. Tương lai của Châu Á nằm trong tay người dân Châu Á chúng ta. Mười năm nay, người dân Châu Á ngày càng nhận thức sâu sắc hơn, chỉ có cùng nhau thực hiện khái niệm Thân, Thành, Huệ, Dung, phát huy giá trị quan hòa bình, hợp tác, bao dung, hài hòa của Châu Á, mới có thể hòa nhập vào trào lưu hòa bình, phát triển và tiến bộ của nhân loại ; chỉ có kiên trì hợp tác cùng thắng, cùng bàn bạc, cùng xây dựng và chia sẻ thành quả của "Vành đai và Con đường", ra sức mở cửa đối ngoại, mới có thể thúc đẩy kinh tế khu vực tuần hoàn thông suốt và nâng cấp, mang lại càng nhiều phúc lợi cho người dân Châu Á ; chỉ có tích cực thúc đẩy xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Châu Á, gắn sự phát triển của đất nước mình cùng sự phát triển của các nước, mới có thể chung tay xây dựng ngôi nhà Châu Á hòa bình, an toàn, phồn vinh, tươi đẹp, chung sống hữu nghị.

"Vạn vật đắc kỳ bản giả sinh, Bách sự đắc kỳ đạo giả thành" (Vạn vật sinh ra khi tìm được bản chất thực sự, trăm sự được thành công khi tìm được đạo lý của mình). Bất cứ thế giới có những thay đổi như thế nào, Trung Quốc luôn kiên trì đi theo con đường chính nghĩa. Trung Quốc đang thúc đẩy toàn diện xây dựng cường quốc, thực hiện công cuộc phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa thông qua hiện đại hóa kiểu Trung Quốc, sẽ không ngừng thúc đẩy phát triển chất lượng cao, kiên trì mở cửa đối ngoại với trình độ cao, đẩy nhanh xây dựng cục diện phát triển mới.

Trung Quốc sẽ duy trì tính liên tục và tính ổn định của chính sách ngoại giao láng giềng, tức là kiên trì thân thiện với láng giềng, làm bạn với láng giềng, theo đuổi phương châm phát triển quan hệ tốt đẹp, hài hòa, an toàn, cùng giàu có với láng giềng, đồng thời tiếp thêm nội hàm mới vào khái niệm Thân, Thành, Huệ, Dung, để hiện đại hóa kiểu Trung Quốc mang lại nhiều phúc lợi cho các nước láng giềng, cùng nhau thúc đẩy tiến trình hiện đại hóa Châu Á, mang đến những cơ hội phát triển mới cho các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tôi tin tưởng rằng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai mang ý nghĩa chiến lược sẽ thu hút càng nhiều quốc gia tham gia vào sự nghiệp vĩ đại xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Châu Á và cộng đồng chia sẻ tương lai nhân loại, mang đến năng lượng tích cực cho sự phát triển lâu dài và tình láng giềng hữu nghị của khu vực Châu Á, đóng góp lớn hơn nữa cho sự hòa bình và phát triển của thế giới.

Tập Cận Bình

Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc

Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa

Nguồn : Nhân Dân online, 12/12/2023

****************************

Việt Nam - Trung Quốc ký kết 36 văn kiện hợp tác

VoV.vn, 12/12/2023

36 văn bản thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình

tcb3

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cùng xem và nghe giới thiệu các văn bản thỏa thuận hợp tác trên nhiều lĩnh vực đã được ký kết giữa các ban, bộ, ngành, địa phương của hai nước.

Chiều 12/12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình nghe báo cáo về 36 văn bản thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, bao gồm :

- Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2024 -2028.

- Bản Ghi nhớ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc về việc dịch và xuất bản các tác phẩm kinh điển.

- Kế hoạch triển khai Bản ghi nhớ hợp tác giữa Ban Nội chính Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam và Ủy ban Chính pháp Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2023-2027.

- Thỏa thuận về làm sâu sắc hơn nữa hợp tác trong thời kỳ mới giữa Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Ngoại giao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Hiệp định về phòng, chống tội phạm giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Trung Quốc về Tuần tra liên hợp trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ.

- Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai" với sáng kiến "Vành đai và Con đường" giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam - Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc.

- Nghị định thư giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho nhân viên, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu để cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát, Việt Nam - Bá Sái, Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ (MoU) giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục hợp tác phát triển quốc tế quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về việc tăng cường hợp tác phát triển và thúc đẩy thực hiện Sáng kiến phát triển toàn cầu.

- Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển.

- Bản ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác đầu tư trong lĩnh vực phát triển xanh giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Bộ Thương mại nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Thỏa thuận triển khai giao lưu hữu nghị Đảng bộ địa phương giữa Thành ủy Hải Phòng, Đảng cộng sản Việt Nam và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng cộng sản Trung Quốc.

- Kế hoạch hành động giai đoạn 2023 – 2026 triển khai Bản ghi nhớ giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền nhân dân tỉnh Vân Nam, Trung Quốc về tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại.

- Kế hoạch hành động giai đoạn 2024-2026 giữa Tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng cộng sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng cộng sản Trung Quốc về làm phong phú hơn nữa nội hàm của quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

- Kế hoạch hành động giai đoạn 2024 - 2026 triển khai Bản ghi nhớ trong lĩnh vực kinh tế thương mại giữa Bộ Công thương nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính quyền Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác đường sắt Việt Nam - Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Giao thông vận tải nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng cục Hợp tác phát triển quốc tế nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về tăng cường hợp tác viện trợ phát triển đường sắt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số.

- Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc.

- Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Tổng cục phát thanh truyền hình Nhà nước Trung Quốc.

- Biên bản ghi nhớ về trao đổi hợp tác truyền thông giữa Bộ Thông tin và Truyền thông nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Biên bản ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế số và dữ liệu số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cục Quản lý Dữ liệu quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Chương trình hợp tác năm 2024-2025 giữa Bộ Tư pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tư pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam và Tổng Cục hợp tác phát triển quốc tế quốc gia Trung Quốc về việc tăng cường hợp tác phát triển nguồn nhân lực.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Ủy ban Dân tộc Việt Nam và Ủy ban Dân tộc Nhà nước Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ các yêu cầu đối với việc xây dựng vùng sạch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine.

- Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc.

- Bản ghi nhớ giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Bộ Tài nguyên nước nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về trao đổi số liệu thủy văn mùa lũ.

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa về Phát triển xanh, Biến đổi khí hậu và Bảo vệ môi trường.

- Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực quyền tác giả và quyền liên quan giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Tổng Cục Bản quyền Quốc gia nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa.

- Thỏa thuận hợp tác giữa Đài tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG).  

- Bản ghi nhớ hợp tác giữa Đài truyền hình Việt Nam (THVN) và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG).

Nguồn : VoV.vn, 12/12/2023

Đọc thêm

Nguyễn Văn Huy, Chạy đâu cho thoát bàn tay Trung Quốc ?, Thông Luận, 02/12/2023 

 

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tập Cận Bình, Nguyễn Văn Huy
Read 577 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)