Lãnh đạo cấp bộ là 'nhân tài' có khả thi và cần thiết ?
RFA, 04/01/2021
Hôm 4/1/2021, Bộ Nội vụ Việt Nam vừa công bố Dự thảo Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài để lấy ý kiến đóng góp...
Cuộc họp của tổ chuyên gia xây dựng đề án thu hút, trọng dụng nhân tài hôm 29/4/2020.
Cụ thể Dự thảo đề ra mục tiêu từ năm 2026 đến 2030, tất cả các các Bộ, ngành, Ủy ban Nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố phải bảo đảm có từ 2% đến 5% trở lên là ‘nhân tài’ trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý ; và tỷ lệ ‘nhân tài’ trong cơ cấu cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ là từ 10% đến 15% trở lên.
Sau đó, từ năm 2030 trở đi, mỗi năm phải tăng thêm ít nhất 1% ‘nhân tài’ với nhóm lãnh đạo, quản lý và 3% trở lên trong nhóm chuyên môn, nghiệp vụ.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trả lời RFA hôm 4/1 từ Hà Nội nói :
"Tôi rất là băn khoăn về khái niệm tù mù thế nào là nhân tài, rất đáng tiếc là những người cầm cân nảy mực trong chế độ này có khi họ cũng chẳng hiểu thế nào là nhân tài. Nhưng họ phải dùng những mỹ từ như vậy và thường thì họ gắn với bằng cấp, nào là giáo sư, tiến sĩ... Cách đây hơn 10 năm, tôi từng viết bào đăng trên báo nhà nước là làm công chức không bao giờ cần là giáo sư tiến sĩ cả. Vì những người có chức danh như vậy họ phải hoạt động ở trong trường đại học hay viện nghiên cứu. Còn trong lĩnh vực nhà nước tuyệt nhiên không cần những người như vậy, vì càng nhiều người như vậy, càng chết".
Quay trở lại thế nào là nhân tài, theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A là rất tù mù, và chỉ có xã hội và chuyên ngành đó có thể đánh giá thế nào là nhân tài... Ông đưa ra ví dụ :
"Chẳng hạn nhân tài về toán học thì chỉ có những người am hiểu toán học mới đánh giá được... Hoặc nhân tài về uốn dẻo thì mọi người có thể đánh giá qua một cuộc tranh đua trên trường quốc tế hay trong nước... Không có tranh đua thì một kẻ ngu cũng có thể thành nhân tài và như thế sẽ rất khó để đánh giá. Và tiêu chí từ 2% đến 6% cũng rất là tù mù, nên tôi nghĩ họ mất thời gian để đi vào mấy chuyện vô bổ ấy. Có lẽ người dân cần phải lên tiếng, vì người dân đóng thuế nuôi họ để quản trị đất nước cho tốt thì tôi cho rằng họ là những trò rất vô bổ như thế".
Từ nhiều năm qua, chính quyền Việt Nam luôn theo đuổi mục tiêu về việc thu hút nhân tài giúp xây dựng đất nước. Tuy nhiên dù có ra nhiều quyết định nghị quyết được cho là trải thảm đỏ thu hút nhân tài, nhưng những khó khăn gặp phải khi thực hiện mục tiêu này có vẻ như rất khó vượt qua được, khi hầu như năm nào việc hô hào cũng được lập lại.
Thi tuyển công chức ở Quảng Ngãi. Courtesy quangngai.gov.vn - Ảnh minh họa
Mới nhất là vào ngày 28/4/2020, Bộ Nội vụ đã ban hành kế hoạch xây dựng đề án Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài. Theo kế hoạch đề án này, Bộ Nội vụ sẽ tiến hành khảo sát tại 5 bộ gồm Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Giáo dục và đào tạo, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động, thương binh và xã hội, Bộ Tư pháp và tại 5 địa phương : Quảng Nam, Bình Dương, Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ Nội vụ cho biết sẽ khảo sát tập trung vào chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao và thực trạng tuyển dụng, sử dụng nhân tài... Đồng thời, đề xuất cơ chế phát hiện bồi dưỡng tài năng cho những học sinh, sinh viên ; nhất là các sinh viên tốt nghiệp giỏi và xuất sắc để đào tạo thành nguồn cán bộ cốt cán, nhằm tăng tỷ lệ ‘nhân tài’ trong bộ máy nhà nước.
Khi trả lời RFA hôm 04/01/2021 từ Sài Gòn, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Dũng, người có hơn 30 năm kinh nghiệm giảng dạy đại học, hiện là giảng viên tại Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, nhận định :
"Vấn đề không phải tỷ lệ, tỷ lệ là chuyện sau đó... Chuyện trước nhất không hiểu họ định nghĩa thế nào là nhân tài, chẳng hạn nhân tài là có bằng, bằng cấp nào là nhân tài... Mà nếu định nghĩa nhân tài là có bằng thì chỉ Việt Nam định nghĩa như vậy, vấn đề này định nghĩa rất khó khăn. Điểm thứ hai không phải là đưa vô bao nhiêu, kinh nghiệm cho thấy người ta nói trải thảm đón nhân tài, nhưng cuối cùng điều kiện nào cho người tài năng có thể làm được việc ? Cái đó quan trọng hơn rất nhiều việc đưa người ta vào. Chứ đưa vào mà làm không được việc, hay tài năng nhưng phải ngu bớt đi để thích hợp được với bộ máy. Những chuyện đó lớn hơn rất nhiều so với lời tuyên bố bao nhiêu phần trăm, cái đó vô nghĩa".
Không chỉ tìm cách thu hút ‘nhân tài’ trong nước, theo truyền thông nhà nước Bộ Nội vụ trong năm 2020 cũng được nói là đã soạn thảo kế hoạch nhằm nghiên cứu ban hành các chính sách, giải pháp để hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật thu hút những người tài giỏi, trong đó có chính sách thu hút người gốc Việt về nước làm việc.
Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, từng giảng dạy nhiều năm tại đại học Liège, Vương quốc Bỉ. Ông cũng từng hợp tác nhiều chương trình đào tạo cao học với các trường đại học tại Việt Nam. Khi trả lời RFA hôm 4/1 nói :
"Yêu cầu chất xám trong nước là rất lớn và người Việt có điều kiện học hỏi hay đang cộng tác trong các đại học ở Âu Mỹ cũng khá đông, cho nên việc đóng góp chất xám của các Việt kiều là điều rất cần thiết. Nhưng nói cụ thể, tuy nhà nước và đảng cộng sản Việt đã đưa ra rất nhiều quyết định đặc biệt để thu hút chất xám Việt kiều, nhưng thực tế công tác thực hiện chưa thể hiện được cụ thể về cái tầm để xứng đáng với tình hình".
Theo nhiều chuyên gia, Việt Nam thật sự đã có đủ điều kiện để chuyên gia từ nước ngoài trở về làm việc. Tuy nhiên trên thực tế thì việc kêu gọi của chính quyền được cho là không thực tâm, khi điều kiện đóng góp tại Việt Nam không đủ thông thoáng cho những người muốn trở về để đóng góp.
Ngoài ra theo Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, những chính sách giáo dục không phù hợp cũng góp phần cản trở, như việc các trường cấp bằng tại chức cử nhân, tiến sĩ trước cho những người có chức quyền, rồi sau đó mới đi học... chưa kể đôi khi cũng có trường hợp gần như không học hành gì nhưng vẫn có bằng.
Vào năm 2019, Bộ Giáo dục và đào tạo đã ban hành quy định chính thức công nhận bằng ‘tại chức’ ngang tầm với bằng ‘chính quy’. Quy định này cũng bị dư luận cho là không phù hợp.
2-5% bộ trưởng, tỉnh trưởng ở Việt Nam là nhân tài từ 2026, quá muộn quá ít ?
VOA, 04/01/2021
Sau 5 năm nữa, từ 2026-2030, nhân tài sẽ chiếm ít nhất 2-5% trong cơ cấu lãnh đạo của các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở Việt Nam.
Việt Nam đang nhắm đến thu hút thêm nhân tài cho chính phủ.
Đó là một phần trong số các đề xuất do Bộ Nội vụ đưa ra trong dự thảo "Chiến lược quốc gia thu hút, trọng dụng nhân tài", được tường thuật trên các báo Thanh Niên, Người Lao Động và VietnamNet trong những ngày cuối năm 2020, đầu năm 2021.
Dự thảo chiến lược viết rằng việc thu hút, trọng dụng nhân tài sẽ nhắm đến không phân biệt nhân tài là đảng viên hay người không thuộc Đảng cộng sản Việt Nam, người Việt ở trong nước hay ở nước ngoài, bảo đảm cơ hội bình đẳng cho nhân tài được cống hiến và đãi ngộ xứng đáng với kết quả thực hiện nhiệm vụ, các báo dẫn lại dự thảo cho hay.
Vẫn theo Thanh Niên, Người Lao Động và VietnamNet, dự thảo chiến lược thu hút nhân tài đặt trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực được gọi là mũi nhọn như quản lý ở cấp nhà nước, khoa học, công nghệ cao, giáo dục, y tế, công nghệ sinh học.
Bản dự thảo đề ra mục tiêu là từ năm 2030 trở đi, các bộ và chính quyền cấp tỉnh phấn đấu mỗi năm tăng thêm ít nhất 1% nhân tài trở lên trong cơ cấu lãnh đạo, quản lý của các bộ, các tỉnh.
Sau khi tin tức về bản dự thảo được báo chí trong nước đăng, trong dịp cuối tuần qua, nhiều người sử dụng mạng xã hội ở Việt Nam đón nhận nội dung đó với những lời bình mang tính châm biếm, cho rằng từ trước đến nay lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh không phải là người tài nên vì thế đất nước mới chậm phát triển.
Một số người nêu lên câu hỏi tại sao không đặt ra mục tiêu cao hơn, đó là ít nhất 40-50% lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh là nhân tài, thay vì 2-5%.
Trong khi đó, giáo sư Đặng Hùng Võ, một cựu thứ trưởng Việt Nam ; và giáo sư Trần Đức Cảnh, Việt kiều Mỹ với 46 năm kinh nghiệm về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hoan nghênh dự thảo của Bộ Nội vụ, xem đó là một dấu hiệu tích cực, muộn còn hơn không.
Giáo sư Cảnh đưa ra ý kiến : "Đây là dấu hiệu đáng mừng, tích cực, mang tính thời đại, là thực tiễn của xã hội hiện nay, là muốn phát triển đất nước, phải có nhiều người tham gia, đặc biệt là những người giỏi. Tốt nhất là chọn người giỏi trong từng lĩnh vực hay trên tổng thể để đóng vai trò lãnh đạo ở quy mô lớn hay trong phạm vi chuyên môn, ở cấp địa phương hoặc lên đến cấp quốc gia".
Ông Cảnh, từng làm việc trong nhiều thập niên cho trường Harvard danh tiếng và chính quyền cấp bang ở Mỹ, lưu ý rằng không nên đặt ra con số phần trăm cứng nhắc đối với việc thu hút, tuyển dụng người tài.
Cựu Thứ trưởng Tài nguyên-Môi trường Đặng Hùng Võ nói với VOA rằng kể từ năm 2013, sau khi nghe khuyến cáo từ Ngân hàng Thế giới, chính phủ Việt Nam đã có nhận thức về việc phải thay đổi thể chế và mô hình tăng trưởng, dựa vào nhân lực chất lượng cao và công nghệ, thay vì dựa vào vốn đầu tư công và tài nguyên.
Giờ đây, việc Bộ Nội vụ cụ thể hóa một chủ trương đã có là một biểu hiện tốt, ông Võ nhận xét. Ông nói thêm :
"Ý tưởng sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam đã có từ lâu rồi. Thế nhưng thực hiện thì chưa ổn lắm, chưa trúng lắm. Bây giờ Bộ Nội vụ nhắc lại, nhấn mạnh lại chủ trương lấy nguồn nhân lực chất lượng cao, lấy nhân tài làm động lực để tăng trưởng thì đúng hướng, là lối đi giống các nước khác đã thành công, ví dụ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore".
Trong cơ cấu chính trị Việt Nam hiện nay, lãnh đạo các cấp phải là đảng viên và học các lớp lý luận của Đảng cộng sản.
Mặc dù vậy, ông Võ cho rằng việc thu hút nhân tài giờ đây còn khó hơn so với khoảng 10-15 năm trước, vì nạn chạy chức chạy quyền hiện nay ngày càng trầm trọng, tạo thành xu hướng đi đến thể chế thân hữu, thậm chí có những trường hợp cán bộ có khuyết điểm còn được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn, dẫn đến tâm lý tiêu cực, nghi ngại ở phía nhân dân. Ông minh họa :
"Có cái câu mà những lãnh đạo cao cấp của Việt Nam từng nhắc tới : ‘Thứ nhất quan hệ, thứ nhì tiền tệ, thứ ba hậu duệ, thứ tư trí tuệ’. Có nghĩa là người tài có trí tuệ để được cất nhắc thì xếp ở hàng thứ tư. Đây chính là điểm khó khăn hơn cả mà cần phải vượt qua. Nói cách khác, phải tuyệt đối chống được tham nhũng, chống được cách thức thân hữu, chống được con ông nọ bà kia, v.v.. thì lúc đó chúng ta mới chọn được nhân tài thực sự".
Sau nhiều năm tham gia tư vấn, hỗ trợ các chương trình giáo dục ở Việt Nam, giáo sư Trần Đức Cảnh nhận xét với VOA rằng cơ chế nhà nước ở Việt Nam còn nhiều ràng buộc và giới hạn mà ông gọi là "tế nhị".
Theo giáo sư Việt kiều này, bộ máy nhà nước Việt Nam cần phải mở cửa hơn nữa, về lâu dài phải thu hút nhân tài bằng cả một "hệ sinh thái" gồm nơi làm việc, cơ hội thăng tiến, khen thưởng, lương, đời sống.
Ông Cảnh cho rằng với điều kiện hiện nay, Việt Nam chưa thể làm được ngay, nhưng khi Việt Nam đặt ra chủ trương đúng, đi theo hướng đúng về thu hút nhân tài, điều đó sẽ dẫn đến cái đích đúng. Ông nói thêm :
"Nếu cả hệ thống xã hội, chính trị thống nhất theo hướng đó, thì mình đẩy tới thôi. Thực sự, nhân tài ở trong nước không thiếu, nhiều lắm, cộng thêm lực lượng làm việc ở nước ngoài, sống ở nước ngoài, nếu có điều kiện, có khả năng thì góp phần vô các công việc, các chuyên môn, các lãnh vực".
Theo giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu quan chức chính phủ Việt Nam, những yếu tố để đảm bảo việc thu hút nhân tài thành công là nhà nước phải áp dụng hệ thống quản trị công tốt, bao gồm công khai, minh bạch ; người dân được tham gia ; các cơ quan phải có trách nhiệm giải trình về việc lựa chọn, tuyển dụng cán bộ ; phải định lượng về các tiêu chí tuyển dụng, thay vì định tính.
Trích dẫn dự thảo chiến lược về thu hút nhân tài do Bộ Nội vụ soạn và đang lấy ý kiến đóng góp, các báo trong nước cho biết dự kiến có 3 nhóm các yếu tố được sử dụng làm căn cứ để tìm nhân tài.
Thứ nhất, đó là các lãnh đạo quản lý giỏi, nhà khoa học đầu ngành, chuyên gia ưu tú, nhà khoa hoc trẻ tài năng.
Thứ hai, đối với cán bộ, công chức, viên chức, người có tài năng được xác định theo hướng dựa trên sản phẩm, kết quả thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao ; trình độ, năng lực và sức sáng tạo đặc biệt, vượt trội.
Cuối cùng, một loạt các chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ, chỉ số thông minh xã hội SQ, chỉ số thông minh sáng tạo CQ, chỉ số say mê PQ, chỉ số đạo đức MQ, v.v… cũng sẽ được áp dụng để xác định nhân tài.