Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Đi tìm miền đất hứa, khát vọng đổi đời, một số người Việt ở hải ngoại đã chọn con đường làm giàu bằng việc trồng cần sa, hay còn gọi là nghề "chăn mèo". Không ít các trang trại cần sa được canh tác trên diện rộng đã bị triệt phá, nhiều người vướng vào vòng lao lý, như trường hợp của ông Tô Giang. Hành trình "buôn trắng bán cần" đã được cựu nhà báo bộc bạch lại trong cuốn Đường Xanh Viễn Xứ và Nếu Không Có Ngày Mai

cansa1

Hình ảnh minh họa sách Đường Xanh Viễn Xứ, Nếu Không Có Ngày Mai của Tô Giang. © canva

Trong những năm gần đây, tin tức về người Việt bị bắt vì trồng cần sa trái phép trên diện rộng tại Úc và Anh không xa lạ đối với cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Những trang trại cần sa bị thu giữ, trị giá lên đến hàng triệu đô la do người gốc Việt làm chủ. Như vào tháng 1/2022, cảnh sát Úc đã phát hiện gần 20.000 cây cần sa được trồng trong nhà kính trên 90 000 mét vuông, tại một khu đất "biệt lập và hẻo lánh" ở phía tây bang New South Wales. Trị giá của trang trại cần sa trái phép này lên đến 67 triệu đô la, một con số kỷ lục. Sáu người bị bắt, được cho là gốc Việt và thuộc băng nhóm tội phạm có mối liên hệ quốc tế. Một vụ khác, vào tháng 5/2022, trang Daily Telegraph của Úc đưa tin 3 công dân Việt Nam nhận tội vì canh tác cần sa ở Central Coast và phía tây nam Sydney, có trị giá hơn 6 triệu đô la.

Tại Úc, chính phủ cho phép trồng cần sa vì mục đích y tế từ năm 2016, quá trình này cần thông qua nhiều cơ quan kiểm định và nhiều thủ tục liên quan. Tuy nhiên, việc sử dụng để giải trí, tàng trữ, trồng và buôn bán cần sa là vi phạm pháp luật. Tùy từng địa phương mà hình phạt có thể khác nhau. Tại một số bang, người bị bắt giữ vì tàng trữ một lượng nhỏ cần sa, có thể bị phạt 50 euro, trong khi một số bang khác, đây có thể bị quy vào tội hình sự, bị phạt một số tiền lớn và có thể bị kết án tù.

Tuy nhiên, những lời cám dỗ "triệu đô" đã khiến một số người "xuất ngoại" tìm kiếm giấc mơ giàu sang nơi đất khách. Những người trồng cần sa còn được gọi trong giới theo tiếng lóng là "dân chăn mèo". Vì hoạt động trong thế giới ngầm nên cũng có quy tắc ngầm, họ cần phải làm mọi cách để có thể che mắt, lẩn trốn sự truy lùng của luật pháp. Họ được ví như những chú chuột và chính quyền chính là những chú mèo. Muốn chăn mèo thành công thì phải biết cách luồn lách luật pháp, tìm ra những lỗ hổng để "siết chặt yết hầu con mèo".

Hiếm khi nào mà những thông tin về phương thức hoạt động trong thế giới ngầm này được tiết lộ công khai, nhưng ông Nguyễn Tô Giang, từng là một dân chăn mèo, là trường hợp đặc biệt đó. Trong cuốn tự truyện Đường Xanh Viễn Xứ, do Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản năm 2021, ông Giang thuật lại quãng thời gian sống trong thế giới ngầm ở Úc : từ một người xa xứ làm công ăn lương, trở thành ông chủ cần sa xứ chuột túi ra sao, cho đến khi sa lưới luật pháp.

Từng là một nhà báo, biên tập viên của đài truyền hình Nghệ An, năm 2013, ông Giang đã quyết định nghỉ việc để đi tìm miền đất hứa ở Úc dưới vỏ bọc "du học sinh", học tiếng Anh ở Học viện Công nghệ Melbourne (MIT). Với mục đích là đi để kiếm tiền, ông nhanh chóng móc nối với cộng đồng người Việt, và tìm được việc "trồng cần sa", chính thức dấn thân vào nghề "chăn mèo". Trong cuốn sách của mình, ông Giang không ngần ngại chỉ ra những mánh khóe nghề, từ việc ăn cắp điện, cách vận chuyển, cho đến cách tạo vỏ bọc "thiện lương" với hàng xóm và cả những lỗ hổng trong hệ thống luật pháp ở Úc.

Đường Xanh Viễn Xứ là những lời bộc bạch với chính mình, nhưng cũng như là lời cảnh tỉnh của tác giả với người đọc về sự cám dỗ, những toan tính và thủ đoạn làm giàu trong bóng tối, đem lại cuộc sống trụy lạc chớp nhoáng, mà để lại chuỗi ngày dài đau khổ. Cuốn tự truyện này đã được dịch sang tiếng Anh bởi nhà nghiên cứu Lương Thanh Hải, chuyên nghiên cứu về tội phạm học và được phát hành ở Úc bởi nhà xuất bản Bonfirebooks với tên gọi Hearding Cats.

Gần đây, ông Tô Giang đã tiếp tục cho ra mắt độc giả cuốn sách thứ hai, để tiếp nối câu chuyện của mình, với tên gọi Nếu Không Có Ngày Mai, do nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam biên tập. Cuốn sách thuật lại những năm tháng tù tội tại Úc cho đến ngày trở về "bị còng tay", bị trục xuất khỏi nước Úc và con đường tìm lại ánh sáng.

RFI đã có dịp trao đổi với tác giả Tô Giang về lựa chọn viết sách của mình, mô tả chặng đường làm giàu trong bóng tối để rồi sa ngã, cũng như con đường hoàn lương trắc trở nhưng không hẳn là đầy chông gai.

***

RFI : RFI tiếng Việt cảm ơn ông Tô Giang đã dành thời gian chia sẻ với quý thính giả của đài trong mục Tạp chí Xã Hội tuần này. Trước tiên, đâu là lý do khiến ông quyết định viết sách, viết lại những trải nghiệm chân thật của một nghề trong bóng tối, thường ít ai muốn chia sẻ, để lộ thông tin ?

Tô Giang : Viết là một trong những đam mê của tôi, từ khi còn sinh viên, tôi đã là cộng tác viên cho các báo thể thao ở Việt Nam. Sau đó, tôi đi làm báo và cũng đam mê viết, nhưng cuộc đời khiến mình ngắt quãng, khi nhìn lại bản thân mình thì thấy cái sai và muốn tìm lại bản năng viết của mình. Khi tôi đã quyết định viết sách thì là phải viết thật, tự truyện là phải chân thật. Con đường mình đã đi như lên thác xuống ghềnh, cũng gặp nhiều biến cố, mình từ một công nhân trở thành ông chủ, cũng đối chọi nhiều, từng ở các băng nhóm, cũng đã từng bị cướp, đã từng thành công, đã từng thất bại, với những âm mưu này kia, nhưng cuối cùng thì sao ? Đó là phải rời khỏi nước Úc, bị còng tay, áp giải ra sân bay và trục xuất khỏi nước Úc. Đó là những hình ảnh nhục nhã, đau đớn cho một cuộc đời, tôi đã về Việt Nam và cũng suy nghĩ, phải sống ra sao, tránh các ánh mắt đấy như thế nào. 

Mình đã định ra đi, tìm đến cái chết, vì đau khổ, vì thất bại của một người đàn ông. Nhưng nếu mình sống thì phải sống mạnh mẽ và tìm đến tri thức, thiện lương để thay đổi bản thân mình. Ba mươi tháng trong tù, tôi xem đây là một trường học lớn, một lớp học vĩ đại để thúc đẩy tôi mạnh mẽ, cống hiến nhiều hơn, thực hiện sứ mệnh làm người.

RFI : Trong cuốn Đường Xanh Viễn Xứ, ông viết : " Tôi đã lọt vào ma trận để rồi không có đường thoát, bước chân tôi đã ra đi, việc quay đầu về quê hương để làm lại là không thể vì hai chữ sĩ diện". Vậy khi quay trở về Việt Nam, cho đến nay, ông nhìn nhận chữ sĩ diện đó như thế nào ? Điều gì mà ông thấy khó khăn nhất khi phải đối diện ?

Tô Giang : Sĩ diện là một thứ không có giá trị nhưng ai cũng giữ bằng mọi giá, Tôi nghĩ vẫn cần sĩ diện nhưng không phải vì chuyện đó nữa. Hiện câu chuyện sai lầm của mình đã khép lại, mình đang bước sang một chặng đường mới. Tôi thấy quãng thời gian viết sách, ngồi ở nhà, chăm mẹ ốm (rất khó diễn tả). Mẹ nhìn tôi mà không biết là tôi đã đi Úc 7 năm, mẹ tôi đã vô tri không còn nhận biết gì nữa, đó là một trong những nỗi đau mà tôi phải cố gắng hoàn thiện bản thân mình. Đau đớn đó chuyển qua quyết tâm của tôi xây dựng thành một con người mới sống có ý nghĩa, tìm một lối đi tốt nhất.

RFI : Thông điệp mà ông muốn truyền tải qua hai cuốn sách là gì ?

Tô Giang : Khi tôi ở trong tù, tại cái Tết năm 2017, có gần 200 người Việt đón Tết ở một nhà tù gần Melbourne, tức gần một phần năm số tù nhân ở đó, tôi rất chua xót. Tôi thấy tôi cũng như những người Việt khác ở đây, ra đi với lý tưởng đổi đời để rồi lọt vào đây, thì đó là nỗi đau, nó khắc sâu vào tim và tôi phải làm gì đó, viết để chuyển biến, để thay đổi. Ý tưởng viết sách đã được nhen nhóm khi tôi còn trong tù. (Khi sách được xuất bản), rất nhiều người ở Úc, ở Anh đã nhắn tin cho tôi, một số người đã nói đến ý định bỏ đường chăn mèo. Đó là hạnh phúc của người viết, mình có tác dụng với người đọc. Tôi chưa nói rộng là ở xã hội, đối với cộng động, những người đang còn mải mê với tham ái, để biết cuộc sống này còn nhiều thứ, để mà chúng ta tiếp tục, sống một cách đẹp. Đó là những thông điệp mà tôi chuyển qua cuốn sách của mình.

Nếu Đường Xanh Viễn Xứ là vết trượt dài để rồi té ngã, thì Nếu Không Có Ngày Mai là sự đứng dậy của một con người. Tôi đã viết cuốn thứ hai với cảm giác đỉnh cao của tuyệt vọng, nó đau, nhưng mà được chuyển hóa thành trang sách, vừa cảnh báo, vừa chữa lành những ai còn đau khổ vấp váp, hãy tin vào sự nhân ái của cuộc đời, tin vào sự thiện lương.

RFI : Mặc dù có nhiều trường hợp phạm tội trồng cần sa trái phép đã bị pháp luật xử lý. Bộ Nội vụ Úc đã trục xuất 380 công dân Việt Nam trong giai đoạn 2016-2017. Nhưng có vẻ như nhiều người vẫn chọn con đường này để làm giàu ?

Tô Giang : Rất nhiều người Việt, rất nhiều, tôi không nói là đa số, ở Úc, Anh, nhiều người lựa chọn con đường làm giàu nhanh là trồng cần sa. Tôi biết hệ thống pháp luật của những nước này không chặt chẽ nên nhiều người lựa chọn trồng cần sa. Trong khi cộng đồng ai cũng làm thì mọi người nói chuyện làm ăn, trồng cần sa với nhau như chuyện bình thường. Quá trình tôi ở Úc, ban đầu tôi chưa làm nhưng đi đâu ai cũng nghe nói câu chuyện này, khiến mình cũng phải nghĩ đến đây là con đường làm giàu bình thường.

Rất đông, nhiều người nữa, cứ đi nước ngoài là phải kiếm tiền bằng mọi giá, và chính vì vậy mình phải viết để những người ở nhà biết cuộc sống hải ngoại rất khó khăn, đừng gây sức ép, cuối cùng người đi xa phải kiếm tiền bằng mọi thứ. Không chỉ cần sa mà còn nhiều thứ khác nữa. Sau đó là cám dỗ của đồng tiền và nhận thức. Tôi cứ tưởng trước đây mình được đào tạo để trở thành người này người nọ nhưng nhận thức của mình chưa có. Mình đang chạy theo giá trị vật chất tầm thường. Nhưng đừng đánh mất lương tri, tôi đã đánh mất điều đó và nay tôi đang cố gắng tìm lại. Chạy theo chủ nghĩa vật chất rất nguy hiểm, không chỉ cần sa mà còn nhiều thứ khác nữa, nó kéo đổ thành trì đạo đức, khiến xã hội xuống cấp. Hai cuốn sách của tôi là sự cảnh tỉnh về chủ nghĩa quá coi trọng vật chất, cuối cùng đẩy người ta kiếm tiền bằng mọi giá.

RFI : RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn ông Tô Giang vì những chia sẻ của mình !

Chi Phương

Nguồn : RFI, 29/03/2023

- "Đường xanh vin xứ", xut bn năm 2021, Công ty cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, (14,40 € - Tiệm Mọt).

- "Nếu không có ngày mai", xuất bản năm 2022, Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam.

Additional Info

  • Author Tô Giang, Chi Phương
Published in Diễn đàn

Siết chặt tình trạng trồng cây chứa chất ma túy

Hoài Thu, Đại Đoàn Kết, 28/05/2021

cansa1

Một số người lợi dụng trồng cây cần sa lẫn cây trồng trong vườn nhà.

Tình trạng trồng cây cần sa trái phép xảy ra chủ yếu tại các huyện Cư M’Gar, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột. Các đối tượng thường trồng cây cần sa xen với các loại cây trồng khác trong vườn, rẫy của gia đình nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Khi bị phát hiện, phần lớn đối tượng khai nhận rằng họ trồng cần sa để phục vụ cho chăn nuôi. Tuy nhiên, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện một số vụ việc trồng cây cần sa với số lượng lớn, có tính chất chuyên nghiệp, hình thành đường dây khép kín, có vườn ươm cây giống trong nhà kín được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, máy điều hòa, quạt gió…

Để tăng cường hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy, mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Chỉ thị 10/CT-UBND ngày 21/5/2021. Theo đó, UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt phòng, chống tội phạm, tệ nạn ma túy nói chung và ngăn chặn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy nói riêng.

Toàn tỉnh cần đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống trồng cây có chứa chất ma túy, nhất là tuyên truyền về cách nhận biết các loại cây có chứa chất ma túy và quy định của pháp luật về xử lý hành vi trồng cây có chứa chất ma túy; tuyên truyền, vận động người dân tích cực phát hiện, tố giác các vụ vi phạm với cơ quan chức năng.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm tham mưu, hướng dẫn việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với đặc điểm từng địa bàn, góp phần ổn định sản xuất, nâng cao thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân để góp phần ngăn ngừa tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh cần chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ trồng cây có chứa chất ma túy tại khu vực biên giới. Công an tỉnh cần tăng cường nắm tình tình địa bàn, kịp thời phát hiện các vụ việc, đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy và xét xử nghiêm minh theo quy định pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa xã hội, kiên quyết không để xảy ra tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn.

Công an tỉnh có trách nhiệm phối hợp với cơ sở thường xuyên rà soát, thống kê, lập hồ sơ người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy… Các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần định kỳ báo cáo với UBND tỉnh Đắk Lắk (6 tháng/lần) về công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy.

Hoài Thu

*******************

Đắk Lắk : Tình trạng trồng cây cần sa tăng đột biến

RFA, 27/05/2021

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk vừa ký ban hành Chỉ thị về đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy do việc trồng cây cần sa trái phép trong địa bàn tỉnh đã gia tăng đột biến. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin ngày 27/5.

cansa2

Công an tỉnh Đắk Lắk phát hiện một vườn trồng cây cần sa ngày 10/6/2020 - Ảnh : VTC/RFA printscreen

Tin cho cho hay, tình hình trồng cây cần sa tại tỉnh Đắk Lắk đã tăng mạnh trong thời gian gần đây. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, lực lượng chức năng tỉnh đã phát hiện 40 vụ trồng cây cần sa trái phép, nhiều hơn 29 vụ, nghĩa là gấp gần 4 lần so với số vụ phát hiện trong giai đoạn từ năm 2017 đến 2019. Số lượng cần sa tươi bị thu giữ kể từ năm 2020 đã lên tới hơn 12.000 cây.

Các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk cho biết : Việc trồng cây cần sa trái phép xảy ra chủ yếu tại các huyện Cư M’Gar, Ea H’Leo, Krông Búk, Krông Năng và thành phố Buôn Ma Thuột. Các đối tượng thường trồng cây cần sa xen với các loại cây trồng khác trong vườn, rẫy của gia đình, nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng.

Khi bị phát hiện, phần lớn đối tượng khai nhận rằng họ trồng cần sa để phục vụ cho chăn nuôi. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng đã phát hiện một số vụ việc trồng cây cần sa với số lượng lớn, có tính chất chuyên nghiệp, hình thành đường dây khép kín, có vườn ươm cây giống trong nhà kín được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng, máy điều hòa, quạt gió…

Trước thực trạng này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã ký ban hành Chỉ thị số10/CT-Ủy ban nhân dân ngày 21/5/2021 để tăng cường hiệu quả việc ngăn chặn tình trạng trồng cây có chứa chất ma túy. Chỉ thị tập trung vào công tác tuyên truyền giáo dục người dân cách nhận biết các loại cây có chứa chất ma túy, các quy định pháp luật về xử lý hành vi vi phạm đồng thời tích cực phát hiện, tố giác vi phạm với cơ quan chức năng. Ngoài ra, Chỉ thị cũng yêu cầu các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh phối hợp vào cuộc.

**********************

Phát hiện trồng cần sa quy mô lớn trong rẫy tại tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai

LN, Dân Sinh, 15/04/2021

Chiều 14/4, Giám đốc Công an tỉnh Đắk Lắk, Đại tá Lê Vinh Quy cho biết cơ quan công an đang tiếp tục điều tra mở rộng các đối tượng trong đường dây trồng và mua bán cây cần sa quy mô lớn tại tỉnh này.

cansa3

Khu vườn ươm với hệ thống đèn chiếu tia cực tím.

Theo thông tin từ người dân và qua công tác nắm tình hình, ngày 3/4, Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện 4 vụ trồng cây cần sa với quy mô lớn trong rẫy của 4 hộ dân ở xã Hòa Thuận (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, lực lượng công an đã phá, thu giữ hơn 1.500 cây cần sa.

Tiếp đó, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phát hiện trong rẫy của một hộ dân ở xã Ea Tu (Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đang trồng 410 cây cần sa.

Để che mắt người dân và cơ quan chức năng, các đối tượng đã xây tường rào cao bao bọc xung quanh rẫy. Trong các khu rẫy có cả khu vườn ươm với hệ thống đèn chiếu tia cực tím đắt tiền để chăm sóc cho cây cần sa phát triển tốt.

cansa4

Cây cần sa trồng trong rẫy.

Ngoài hơn 1.900 cây cần sa tươi, cơ quan công an còn phát hiện, thu giữ hơn 80kg cần sa khô. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã trồng cần sa rồi móc nối với nhiều đối tượng khác để mua bán trái phép, thuê người trồng, chăm sóc và giao cần sa cho người mua.

Tại tỉnh Gia Lai, ngày 14/4/2021, Công an huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết đối tượng Nguyễn Văn Phát (SN 1986, trú làng Mui, xã Bình Giáo) vừa ra trình diện vì hành vi trồng cả ngàn cây cần sa trái phép tại vườn nhà.

Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 12/4/2021, qua công tác nắm tình hình, Công an huyện Chư Prông phát hiện tại vườn nhà Nguyễn Văn Phát có trồng cây cần sa. Tại hiện trường, lực lượng Công an phát hiện tổng cộng 1.378 cây cần sa có chiều cao từ 11 đến 200cm, tổng trọng lượng là 186kg. Qua xác minh, Công an xác định số cây trên trên do Nguyễn Văn Phát trực tiếp trồng từ khoảng giữa tháng 1/2021 đến nay. Tại thời điểm kiểm tra, Nguyễn Văn Phát đã lẩn trốn.

Công an huyện Chư Prông đang tiếp tục điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo quy định.

LN

********************

Bị bắt vì trồng hàng ngàn cây cần sa trong rừng tại Gia Lai

LN, Dân Sinh, 25/02/2021

Ngày 24/2/2021, Công an huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai vừa nhận bàn giao đối tượng truy nã Trần Văn Tiến (SN 1968, trú huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) từ Công an huyện Kim Sơn.

Theo cơ quan Công an, ngày 7/10/2019, tại khu vực đất rừng thuộc làng Ring, xã HBông, Công an huyện Chư Sê đã phát hiện một số cây cần sa đang trong thời kỳ ra hoa, cao từ 1,5m đến 2,4m, được trồng thành từng bụi trên diện tích 3.280m2. Cơ quan Công an đã triệt phá và thu giữ tổng số 2.117 cây cần sa với trọng lượng 463kg.

cansa5

Tang vật tại cơ quan Công an.

Quá trình điều tra, Công an xác định Trần Văn Tiến là người đã trồng số cây cần sa nói trên song người này sau khi biết mình bị phát hiện đã bỏ trốn. Công an huyện Chư Sê sau đó đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra quyết định truy nã đối với Trần Văn Tiến vì hành vi trồng cây cần sa. Rời Gia Lai, Trần Văn Tiến đã về lẩn trốn tại quê nhà ở xóm 4, xã Thượng Kiệm, huyện Kim Sơn tỉnh Ninh Bình và bị Công an địa phương phát hiện bắt giữ.

Hiện, Công an huyện Chư Sê đang tiếp tục điều tra, để xử lý vụ việc theo quy định.

LN

Additional Info

  • Author Đại Đoàn Kết, RFA tiếng Việt, Dân Sinh
Published in Việt Nam