Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Theo vietnamnet.vn, tối 22/09/2018, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình, tăng ni 2 trường Hạ gồm chùa Yên Vệ (huyện Yên Khánh) và chùa Đồng Đắc (huyện Kim Sơn) đã đồng tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cầu siêu cho hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang. 

ninhbinh1

Quang cảnh buổi lễ dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cầu siêu cho hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Ninh Bình ngày 22/09/2018.

Tham dự lễ dâng hương và tụng kinh cầu siêu cho Chủ tịch nước có hàng nghìn tăng ni, tín đồ Phật tử thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Ninh Bình.

Sau lễ dâng hương, các tăng ni, phật tử cùng nhau tụng kinh cầu siêu cho Chủ tịch nước Trần Đại Quang siêu sinh tịnh cảnh.

Sáng nay, tại chùa Bái Đính, hàng trăm phật tử cũng đã đến dự lễ tụng kinh, cầu nguyện để hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang được vãn sinh tịnh độ.

Trong khi đó, báo Sài Gòn Giải Phóng online, vào ngày 25/09 viết : Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh, chủ lễ tưởng niệm đã ôn lại công đức và những đóng góp to lớn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Phật pháp và Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

ninhbinh2

Các nhà sư cầu nguyện cho ông Trần Đại Quang ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/9.

Báo này cũng đã phỏng vấn Hòa Thượng Thích Trí Quảng, vốn là người Củ Chi, một đảng viên lão thành của Đảng cộng sản Việt Nam. Ông ca ngợi công lao của Trần Đại Quang Quang, để biện minh cho việc "cầu siêu" cho Tướng Quang như sau : "…Chủ tịch nước Trần Đại Quang mất, tôi và giới tăng ni, đồng bào phật tử Thành phố Hồ Chí Minh vô cùng đau buồn về sự mất mát này… Một đóng góp rất quan trọng của chủ tịch nước Trần Đại Quang đối với Phật giáo và dân tộc…", đó là việc ông giúp đúc tượng Phật cho chùa Việt Nam Quốc Tự Quận 10.

Báo Người Việt ngày 23/09/2018 có viết :

"Khi hình ảnh về lễ cầu siêu cho ông Quang được chia sẻ trên mạng xã hội, nhiều blogger đặt câu hỏi tại sao một quan chức thuộc "tứ trụ" của cộng sản Việt Nam vốn theo thuyết vô thần, phủ nhận, bài trừ tôn giáo mà đến khi chết lại có lễ cầu siêu theo đạo Phật".

Rồi báo này trả lời :

"Sự thực khi còn sống, ông Quang được ghi nhận có rất nhiều hoạt động tín ngưỡng tại các chùa chiền ở Việt Nam cũng như nước ngoài".

ninhbinh3

Chủ tịch nước Trần Đại Quang dâng hương,
phát biểu chúc mừng Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhân đại lễ Phật đản ngày 21/05/2016 tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Trên STBN.TV ngày 24/09/2018, Chân Tâm cũng đã lặp lại một luân điệu tương tự.

Thật sự đây cũng chỉ là nhai lại luận điệu ngụy biện của Thích Trí Quảng mà thôi.

Tất cả chỉ là một lời biện minh vụng về cho Phật giáo quốc doanh ở trong nước bằng cách đánh lận giữa tuyên truyền và lòng "mộ đạo" của người Phật tử.

Ở trong nước, hiện nay có đến 90% cơ sở Phật giáo là công cụ phục vụ chế độ, đa số các chùa lớn đều do "Sư Công An" trù trì. Do đó, thái độ "ngưỡng mộ" và yểm trợ Phật Giáo của tướng Trần Đại Quang chỉ là một hình thức tuyên truyền nhằm chiêu dụ Phật tử đứng về phía Đảng cộng sản Việt Nam. Trên nguyên tắc, với tư cách là một đảng viên cao cấp và là một nhà lãnh đạo cộng sản không công nhận tôn giáo, ông không có quyền làm như vậy, nhưng Đảng đã bảo ông làm để chiêu dụ Phật Giáo. Việc tổ chức cầu siêu long trọng cho tướng Quang cũng nằm trong thủ đoạn dó.

Khi biện minh cho việc Phật giáo quốc doanh ở trong nước tổ chức "cầu siêu" long trọng cho tướng Trần Đại Quang, các Phật tử ở hải ngoại đã đẩy Phật Giáo trong nước ngày càng dính chặt với Đảng cộng sản Việt Nam hơn, trong khi đó nhiều tổ chức dân sự đang đứng lên đòi hỏi dân chủ và nhân quyền.

Năm 1964, khi bị Phật Giáo biểu tình đòi hạ bệ, tướng Nguyễn Khánh đã "hối lộ" cho Phật Giáo một khu đất rộng 45.000 m2 ở đường Trần Quốc Toản, Sài Gòn, và 10 triệu đồng để xây Việt Nam Quốc Tự. "Công đức" này lớn hơn "công đức" của Trần Đại Quang nhiều, nhưng khi tướng Khánh qua đời, có Giáo hội Phật giáo nào "cầu siêu" đâu ?

Ngày 22/09/2018 Văn phòng Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc đã đưa ra tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần, trong đó Tổng thống Trump đã nói :

"Chủ tịch Trần Đại Quang là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ. Ông đã ân cần đón tiếp tôi trong chuyến thăm cấp nhà nước lịch sử của tôi đến Hà Nội vào tháng 11/2017. Tôi cám ơn ông về cam kết của cá nhân ông nhằm làm sâu sắc thêm quan hệ Đối tác toàn diện Hoa Kỳ - Việt Nam".

Donald Trump i tờ rít về chính trị và cộng sản, nên ông nói như thế là chuyện không lạ. Ông ta không chỉ mê Trần Đại Quang mà còn mê cả Putin, Tập Cận Bình và Kim Jong-un nữa ! Với ông tên cộng sản khát máu nào cũng "tuyệt vời" cả.

Nhưng nhiều người Việt vốn là nạn nhân của cộng sản và đang đi tỵ nạn cộng sản, lại dùng nguỵ biện để biện minh cho việc Phật giáo quốc doanh ở trong nước đẩy Phật giáo về phía Đảng cộng sản Việt Nam chặt chẽ hơn. Đó là một hành động khó chấp nhận được.

Lữ Giang

(26/09/2018)

Quang cảnh buổi lễ dâng hương tưởng niệm và tụng kinh cầu siêu cho hương linh Chủ tịch nước Trần Đại Quang ở Ninh Bình ngày 22/09/2018.

Published in Diễn đàn

Ở Hà Nội, Ninh Bình và Sài Gòn, một số chùa đã tiến hành tụng niệm cầu siêu cho hương linh cố chủ tịch Trần Đại Quang. Đây là nghi thức Phật giáo mà lễ Quốc tang không chấp nhận. Dưới góc nhìn của một Phật tử, xin được chia sẻ đôi điều.

doc1

Trong những lần được lắng nghe Thượng tọa Thích Thiện Minh – người tù nhân lương tâm từng chịu mức án 26 năm tù của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giảng giải, tôi hiểu rằng việc tụng niệm cho hương linh là cần thiết, vì hương linh đó sẽ trải qua 3 giai đoạn : lúc lâm chung, lúc tiếp dẫn, và lúc tái sinh.

Giai đoạn đầu tiên là ba ngày đầu sau lâm chung. Theo quan niệm Phật giáo, đối với những người đã tạo nghiệp đặc biệt, đều chuyển ngay sau khi qua đời, có 2 loại người :

1) Người tu hành. Trường hợp các vị Thiền sư đạt đạo, các vị tu Tịnh Độ, biết trước ngày giờ lâm chung. Các vị này nhập vào đại định hòa hợp cùng Pháp thân Phật thoát khỏi vòng sinh tử, hoặc được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Còn trường hợp người phạm tội Ngũ nghịch, đại ác. Những người này đọa sinh ngay tức khắc xuống địa ngục sau khi chết.

2) Thứ hai là đối với những người bình thường. Giai đoạn lâm chung kéo dài từ lúc tim ngừng đập cho đến hết 3 ngày. Sau khi chết, thần thức :

1) Thấy thân thể nặng nề, lạnh lẽo : Vì do đất, nước, gió, lửa bắt đầu tan rã do thân thể phân hóa.

2) Thấy ánh sáng chói lòa. Ánh sáng này là Pháp Thân Phật, hiện ra trong chớp mắt hoặc lâu tới một giờ tùy theo phúc duyên của người chết. Nếu thần thức tỉnh táo nhận ra Pháp Thân Phật, thần thức sẽ nhập ánh sáng chói lòa và thoát vòng sinh tử. Nhưng đối với người không tu, không dễ nhìn ra Pháp Thân Phật, hoặc có thấy được cũng vì vô minh mà sinh tâm sợ hãi, né tránh.

Nếu cơ hội qua mất, tiếp theo là :

3) thấy tối tăm. Khi ánh sáng chói lòa biến mất, thì mù mịt tối đen, thần thức (hay hương linh) của người chết lúc này như trong đêm tối u mê ; sau đó thần thức tỉnh lại, thấy thân nhân tụ tập nói chuyện, buồn rầu, khóc than..., lúc này thần thức chưa biết là đã chết. Thần thức liền nói chuyện hỏi han, nhưng như chẳng ai để ý và nói chuyện cùng thần thức, có khi thần thức cảm thấy bực bội vì sự việc như thế ; trải qua thời gian khá lâu như thế, thần thức mới hiểu ra là đã chết rồi.

Giai đoạn thứ hai là tiếp dẫn, được tính từ ngày thứ 4 đến hết ngày 17. Sau khi tim ngừng đập hết 3 ngày, thần thức bắt đầu Thân Trung Ấm, nghĩa là "ấm" trước đã hết, "ấm" sau chưa sinh có thân chuyển hóa nơi khoảng giữa gọi là Thân Trung Ấm, thân này có thể kéo dài tới ngày thứ 49 sau khi chết. Giai đoạn hai ở vào thời gian tiếp dẫn của chư Phật, kéo dài 14 ngày, tùy theo phúc duyên, nghiệp cảm đã tạo ra trong suốt đời người quá cố, Thần thức có thể rời Thân Trung ấm.

Các việc cần làm thời gian này là :

1) Niệm Phật : Hộ niệm cho Thần thức nương theo lời niệm Phật để khi Phật tới dễ dàng hòa nhập tiếp dẫn.

2) Tụng Kinh A-Di-Đà : Để nhắc nhở thần thức chú tâm nhận sự tiếp dẫn của Phật A-Di-Đà về cõi An Lạc.

3) Tụng Kinh Cầu Siêu : Trợ duyên cho thần thức, lời Kinh nhắc nhở về vô thường, để thần thức dễ siêu thoát.

4) Nhắc nhở thần thức : Những lúc không niệm Phật tụng Kinh, chúng ta thường xuyên nên nhắc nhở thần thức về các hiện tượng xảy ra trong giai đoạn 14 ngày này để cho thần thức biết, hiểu và hành động theo lời chúng ta nhắc nhở là : Thần thức không nên thích ánh sáng mờ nhạt, vì đó là các cảnh xấu, nơi không tốt ; Thần thức không nên sợ hãi ánh sáng chói lòa, vì đó là hào quang Phật, nên hòa nhập.

Giai đoạn 3 gọi là thụ sinh (tái sinh), được tính từ ngày 18 đến ngày 49 (trong 32 ngày). Thời gian thọ sinh vào 6 cõi (trời, thần, người, ngạ qủy, súc sinh, và địa ngục) lâu mau tùy theo nghiệp của mỗi người đã tạo trong khi còn sống. Thần thức không biết là mình đang tiến gần đến chỗ phải thọ sinh. Tùy theo nghiệp duyên của mỗi người, thần thức sẽ thấy một trong những cảnh tướng khác nhau mà phải thọ sinh chậm nhất là ngày thứ 49.

Như vậy, với góc nhìn của một Phật tử, tôi nghĩ rằng việc một số chùa tổ chức nghi thức hộ niệm cho cố chủ tịch Trần Đại Quang là việc làm hoan hỉ.

Theo giáo lý đạo Phật thì tụng kinh là để cầu an và cầu siêu. Do đó, tụng bộ kinh nào cũng được, vì kinh Phật nào cũng có tác dụng phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sinh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng.

Nếu sinh tiền, ông Trần Đại Quang có những việc làm sai trái, thậm chí cả việc gây tội ác, thì lúc hộ niệm, chính bản thân những Phật tử cũng sẽ tự soi lại mình, để hiểu cần làm lành, tránh ác để có thể mau chóng thọ sinh khi từ giã cõi trần.

Bàn luận mở rộng về ý nghĩa chính trị, về một quyền tự do tôn giáo được Hiến định [*], khi những đảng viên cùng chia sẻ những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật, họ sẽ thấu cảm những lời sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật nói ra. Khi ấy, chắc chắn dẫu là đảng viên hay Phật tử đã chí tâm trì tụng, sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người xung quanh. Đồng thời, ôn lại những lời Phật dạy làm phương châm đời sống hàng ngày để cho chúng ta có thể sống hạnh phúc và an lạc hơn.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 24/09/2018

[*] Hiến pháp 2013, Điều 24 :1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Published in Diễn đàn