Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

24/09/2018

Đọc kinh cầu siêu Trần Đại Quang : góc nhìn của một Phật tử

Trúc Giang

Ở Hà Nội, Ninh Bình và Sài Gòn, một số chùa đã tiến hành tụng niệm cầu siêu cho hương linh cố chủ tịch Trần Đại Quang. Đây là nghi thức Phật giáo mà lễ Quốc tang không chấp nhận. Dưới góc nhìn của một Phật tử, xin được chia sẻ đôi điều.

doc1

Trong những lần được lắng nghe Thượng tọa Thích Thiện Minh – người tù nhân lương tâm từng chịu mức án 26 năm tù của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, giảng giải, tôi hiểu rằng việc tụng niệm cho hương linh là cần thiết, vì hương linh đó sẽ trải qua 3 giai đoạn : lúc lâm chung, lúc tiếp dẫn, và lúc tái sinh.

Giai đoạn đầu tiên là ba ngày đầu sau lâm chung. Theo quan niệm Phật giáo, đối với những người đã tạo nghiệp đặc biệt, đều chuyển ngay sau khi qua đời, có 2 loại người :

1) Người tu hành. Trường hợp các vị Thiền sư đạt đạo, các vị tu Tịnh Độ, biết trước ngày giờ lâm chung. Các vị này nhập vào đại định hòa hợp cùng Pháp thân Phật thoát khỏi vòng sinh tử, hoặc được Phật A Di Đà đến tiếp dẫn. Còn trường hợp người phạm tội Ngũ nghịch, đại ác. Những người này đọa sinh ngay tức khắc xuống địa ngục sau khi chết.

2) Thứ hai là đối với những người bình thường. Giai đoạn lâm chung kéo dài từ lúc tim ngừng đập cho đến hết 3 ngày. Sau khi chết, thần thức :

1) Thấy thân thể nặng nề, lạnh lẽo : Vì do đất, nước, gió, lửa bắt đầu tan rã do thân thể phân hóa.

2) Thấy ánh sáng chói lòa. Ánh sáng này là Pháp Thân Phật, hiện ra trong chớp mắt hoặc lâu tới một giờ tùy theo phúc duyên của người chết. Nếu thần thức tỉnh táo nhận ra Pháp Thân Phật, thần thức sẽ nhập ánh sáng chói lòa và thoát vòng sinh tử. Nhưng đối với người không tu, không dễ nhìn ra Pháp Thân Phật, hoặc có thấy được cũng vì vô minh mà sinh tâm sợ hãi, né tránh.

Nếu cơ hội qua mất, tiếp theo là :

3) thấy tối tăm. Khi ánh sáng chói lòa biến mất, thì mù mịt tối đen, thần thức (hay hương linh) của người chết lúc này như trong đêm tối u mê ; sau đó thần thức tỉnh lại, thấy thân nhân tụ tập nói chuyện, buồn rầu, khóc than..., lúc này thần thức chưa biết là đã chết. Thần thức liền nói chuyện hỏi han, nhưng như chẳng ai để ý và nói chuyện cùng thần thức, có khi thần thức cảm thấy bực bội vì sự việc như thế ; trải qua thời gian khá lâu như thế, thần thức mới hiểu ra là đã chết rồi.

Giai đoạn thứ hai là tiếp dẫn, được tính từ ngày thứ 4 đến hết ngày 17. Sau khi tim ngừng đập hết 3 ngày, thần thức bắt đầu Thân Trung Ấm, nghĩa là "ấm" trước đã hết, "ấm" sau chưa sinh có thân chuyển hóa nơi khoảng giữa gọi là Thân Trung Ấm, thân này có thể kéo dài tới ngày thứ 49 sau khi chết. Giai đoạn hai ở vào thời gian tiếp dẫn của chư Phật, kéo dài 14 ngày, tùy theo phúc duyên, nghiệp cảm đã tạo ra trong suốt đời người quá cố, Thần thức có thể rời Thân Trung ấm.

Các việc cần làm thời gian này là :

1) Niệm Phật : Hộ niệm cho Thần thức nương theo lời niệm Phật để khi Phật tới dễ dàng hòa nhập tiếp dẫn.

2) Tụng Kinh A-Di-Đà : Để nhắc nhở thần thức chú tâm nhận sự tiếp dẫn của Phật A-Di-Đà về cõi An Lạc.

3) Tụng Kinh Cầu Siêu : Trợ duyên cho thần thức, lời Kinh nhắc nhở về vô thường, để thần thức dễ siêu thoát.

4) Nhắc nhở thần thức : Những lúc không niệm Phật tụng Kinh, chúng ta thường xuyên nên nhắc nhở thần thức về các hiện tượng xảy ra trong giai đoạn 14 ngày này để cho thần thức biết, hiểu và hành động theo lời chúng ta nhắc nhở là : Thần thức không nên thích ánh sáng mờ nhạt, vì đó là các cảnh xấu, nơi không tốt ; Thần thức không nên sợ hãi ánh sáng chói lòa, vì đó là hào quang Phật, nên hòa nhập.

Giai đoạn 3 gọi là thụ sinh (tái sinh), được tính từ ngày 18 đến ngày 49 (trong 32 ngày). Thời gian thọ sinh vào 6 cõi (trời, thần, người, ngạ qủy, súc sinh, và địa ngục) lâu mau tùy theo nghiệp của mỗi người đã tạo trong khi còn sống. Thần thức không biết là mình đang tiến gần đến chỗ phải thọ sinh. Tùy theo nghiệp duyên của mỗi người, thần thức sẽ thấy một trong những cảnh tướng khác nhau mà phải thọ sinh chậm nhất là ngày thứ 49.

Như vậy, với góc nhìn của một Phật tử, tôi nghĩ rằng việc một số chùa tổ chức nghi thức hộ niệm cho cố chủ tịch Trần Đại Quang là việc làm hoan hỉ.

Theo giáo lý đạo Phật thì tụng kinh là để cầu an và cầu siêu. Do đó, tụng bộ kinh nào cũng được, vì kinh Phật nào cũng có tác dụng phá trừ mê mờ, khai mở tâm trí sáng suốt cho chúng sinh, nếu chúng ta chí thành đọc tụng.

Nếu sinh tiền, ông Trần Đại Quang có những việc làm sai trái, thậm chí cả việc gây tội ác, thì lúc hộ niệm, chính bản thân những Phật tử cũng sẽ tự soi lại mình, để hiểu cần làm lành, tránh ác để có thể mau chóng thọ sinh khi từ giã cõi trần.

Bàn luận mở rộng về ý nghĩa chính trị, về một quyền tự do tôn giáo được Hiến định [*], khi những đảng viên cùng chia sẻ những lời giáo hóa trong ba tạng kinh điển của Phật, họ sẽ thấu cảm những lời sáng suốt do lòng từ bi và trí tuệ của Đức Phật nói ra. Khi ấy, chắc chắn dẫu là đảng viên hay Phật tử đã chí tâm trì tụng, sẽ được nhiều lợi ích cho mình, cho gia đình và những người xung quanh. Đồng thời, ôn lại những lời Phật dạy làm phương châm đời sống hàng ngày để cho chúng ta có thể sống hạnh phúc và an lạc hơn.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 24/09/2018

[*] Hiến pháp 2013, Điều 24 :1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật.

Quay lại trang chủ
Read 710 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)