Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trước giờ ngọ ngày thứ Tư 20/1, nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc. Bốn năm trôi qua như một cơn lốc cuốn, vậy di sản của vị tổng thống làm nên lịch sử này là gì ?

Có rất nhiều điều để suy xét, và BBC nhờ các chuyên gia đánh giá.

disan1

Trump phát biểu trước người ủng hộ tại Nhà Trắng

1. Đương đầu với Trung Quốc

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Saikrishna Prakash : Những 'hơi thở' cuối cùng của chính quyền Trump có tác động mạnh nhất, khi ông Trump thao túng những người ủng hộ tận tâm nhất và ông nói đến khả năng sẽ ra ứng cử tổng thống lần nữa.

Ông buộc mọi người phải xem lại một nhiệm kỳ tổng thống đã có tác động ra sao theo một cách mà theo tôi không xảy ra cả với chính quyền Bush lẫn Obama. Những vấn đề như Tu chánh án thứ 25 hay luận tội không được đưa ra từ thời Bill Clinton.

Có lẽ giờ đây khi người ta nghĩ tới một nhiệm kỳ tổng thống, họ sẽ có quan điểm khác trước, khi họ biết rằng một người như ông Trump có thể lại xuất hiện.

Có thể Quốc hội sẽ giao ít việc hơn cho tổng thống và lấy bớt đi quyền hành của người này.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo bà ?

Saikrishna Prakash : Tổng thống Trump đã cho thấy có một bộ phận cử tri phản đối mạnh trước các hiệp định thương mại và có những người sẵn sàng bầu cho những ai đưa chúng ta ra khỏi các hiệp định thương mại hay "làm cho chúng công bằng hơn".

Ông Trump cũng cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ theo các cách có hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta - và tôi nghĩ có sự đồng thuận trong quan điểm này. Không ai muốn bị cáo buộc là nương nhẹ với Trung Quốc, trong khi chẳng ai bận tâm nếu bạn "nhẹ tay" với Canada, phải không ạ ?

Tôi nghĩ các lãnh đạo sẽ cứng rắn hơn hoặc ít nhất họ sẽ nói họ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Về mặt đối nội, tổng thống Trump có giọng điệu dân túy. Điều này không được thể hiện một cách đầy đủ trong các chính sách của ông, nhưng chúng ta thấy có nhiều người Đảng Cộng hòa thực hiện các ý tưởng dân túy hơn trước.

Saikrishna Prakash là giáo sư Trường luật thuộc Đại học Virginia, chuyên về hiến pháp, luật quan hệ quốc tế và quyền lực của tổng thống

2. Quan hệ của Trump với phe cực hữu

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Matthew Continett : Donald Trump sẽ được nhớ đến như vị tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần. Ông ta đổ dầu vào lửa với thuyết cho rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp, kêu gọi người ủng hộ tới Washington để biểu tình phản đối việc xác nhận phiếu Đại Cử tri, bảo họ rằng họ chỉ có thể lấy lại được đất nước bằng sức mạnh, và đứng nhìn khi họ tràn vào chiếm Điện Capitol và can thiệp vào hoạt động của chính phủ theo hiến pháp.

Khi các nhà sử học viết về nhiệm kỳ của ông, họ sẽ nhìn qua lăng kính của cuộc bạo loạn.

Họ sẽ tập trung vào quan hệ giằng xé của Trump với phe cực hữu, vào cách xử lý khủng khiếp trong vụ biểu tình gây chết người ở Charlottesville năm 2017, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu trong thời gian ông nắm quyền, và sự lan tràn mạnh mẽ của các thuyết âm mưu mà ông khuyến khích.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo ông ?

Matthew Continett : Nếu Donald Trump theo gương của những người tiền nhiệm và nhận thua một cách nhã nhặn và ôn hòa, ông lẽ ra sẽ được nhớ đến như một vị lãnh đạo dân túy có ảnh hưởng.

Một tổng thống, người mà trước đại dịch, lãnh đạo một nền kinh tế phát triển mạnh, thay đổi quan điểm của Mỹ về Trung Quốc, xóa sổ các lãnh đạo khủng bố khỏi chiến trường, cải cách chương trình vũ trụ, đảm bảo được phe bảo thủ chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện, và phê duyệt Chiến dịch Warp Speed để sản xuất vaccine Covid-19 trong thời gian nhanh chưa từng thấy.

Matthew Continett là người làm nghiên cứu tại American Enterprise Institute, cơ quan chuyên nghiên cứu về sự phát triển của đảng Cộng hòa và phong trào thủ cựu Mỹ.

3. Từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Laura Belmonte : Nỗ lực của ông nhằm từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới và thay thế nó chủ trương điểm mang tính hướng nội, xây thành trì hơn. Tôi không nghĩ chủ trương của ông đã thành công, nhưng câu hỏi ở đây là nó đã làm tổn hại tới uy tín của Mỹ trên trường quốc tế sâu sắc tới mức nào - và điều đó chúng ta phải chờ xem.

Khoảnh khắc tôi thấy kinh ngạc nhất là cuộc họp báo của Trump với Vladimir Putin năm 2018 ở Helsinki, nơi ông ta đứng về phía Putin hơn là phía tình báo Mỹ về vấn đề Nga can thiệp vào bầu cử.

Tôi không thể nghĩ ra một giai đoạn lịch sử nào khác mà có một tổng thống lại hoàn toàn đứng về phía một nước không dân chủ thù nghịch.

Điều đó cũng tượng trưng cho sự tấn công rộng hơn vào một số tổ chức đa phương và các hiệp định và thỏa thuận mà ông Trump đã rút khỏi, chẳng hạn như rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo bà ?

Laura Belmonte : Việc Trump ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và gặp gỡ lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, thực sự cố gắng hết sức để liên kết Mỹ với những chế độ có các giá trị trái ngược với những gì nước Mỹ nói họ muốn cổ vũ. Đó là điều tôi thấy thực sự rất đặc biệt.

Một khía cạnh khác là tách Hoa Kỳ ra khỏi các vai trò chủ đạo trong việc vận động cho nhân quyền trên khắp thế giới, và thay đổi nội dung của báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ và không đề cập đến nhiều chủ đề, chẳng hạn như quyền bình đẳng cho giới LGBT.

Laura Belmonte là một giáo sư sử học và trưởng khoa tại Đại học Khoa học Nhân văn Tự do Virginia Tech College. Bà là một chuyên gia về quan hệ quốc tế và tác giả của nhiều cuốn sách về ngoại giao văn hóa.

4. Thử thách nền dân chủ

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Kathryn Brownell : Nói một cách rộng thì : Donald Trump, và những người tạo điều kiện cho ông trong Đảng Cộng hòa và truyền thông bảo thủ đã thử thách nền dân chủ Mỹ theo một cách chưa từng có. Là một nhà sử học nghiên cứu về sự giao thoa của truyền thông và nhiệm kỳ tổng thống, tôi thấy thật rõ ràng cách thức mà ông đã thuyết phục hàng triệu người rằng phiên bản thêu dệt của ông về những gì xảy ra là sự thật.

Điều xảy ra vào ngày 6/1 ở Điện Capitol là đỉnh điểm của bốn năm mà Tổng thống Trump đã chủ động đẩy mạnh các thông tin sai sự thật.

Cũng như vụ Watergate và vụ luận tội đã thống trị các đánh giá lịch sử về di sản của Tổng thống Richard Nixon trong hàng thập kỷ, tôi nghĩ rằng khoảnh khắc hậu bầu cử này sẽ là chủ đạo trong các đánh giá lịch sử về nhiệm kỳ của Trump.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo bà ?

Kathryn Brownell : Đó là việc bà Kellyanne Conway lần đầu tiên đưa ra khái niệm "sự thật thay thế" chỉ vài ngày sau khi chính quyền Trump bắt đầu hoạt động. Bà ta đưa ra khái niệm này khi tranh cãi về quy mô của đám đông tới dự lễ nhậm chức của ông Trump so với ông Barack Obama.

Các tổng thống Mỹ trong thế kỷ thứ 20 đã dùng các biện pháp ngày càng tinh xảo để lý giải các chính sách và sự kiện theo cách có lợi cho họ hay kiểm soát cách truyền thông đưa tin về chính quyền của họ. Nhưng việc khẳng định rằng chính quyền có quyền đưa ra sự thật thay thế vượt xa khỏi những chiêu tuyên truyền thông thường, và cuối cùng nó đã phủ bóng lên cách mà chính quyền Trump vận hành bằng các thông tin sai lệch.

Trump tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và xóa nhòa ranh giới giữa giải trí và chính trị theo những cách giúp ông ta vượt mặt các nhà chỉ trích và kết nối trực tiếp với người ủng hộ một cách không lọc.

Franklin Roosevelt, John F Kennedy, và Ronald Reagan cũng dùng truyền thông mới và phong cách của người nổi tiếng để kết nối trực tiếp với người dân theo cách không lọc như vậy, và cuối cùng họ đã thay đổi sự trông đợi của công chúng và cách vận hành của văn phòng tổng thống, mở đường cho Trump.

Kathryn Brownell là giáo sư lịch sử tại Đại học Purdue, chuyên sâu về quan hệ giữa truyền thông, chính trị, văn hóa phổ thông với trọng tâm là nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

5. Tái định hình bộ máy tư pháp

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Mary Frances Berry : Về những gì ông ấy làm với các thẩm phán, ông Trump đã mang lại thay đổi lâu dài trong 20 năm, 30 năm nữa về mặt chính sách sẽ vượt qua các thách thức pháp lý như thế nào và chúng có thể được thực hiện ra sao - cho dù bất kỳ tổng thống hay chính quyền nào đề xuất chính sách nào đi nữa.

Các tòa án được kiểm soát bởi người của Đảng Cộng hòa. Đôi khi các thẩm phán làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng phần lớn, bằng chứng lịch sử cho thấy họ sẽ làm theo những gì phù hợp với quan điểm chính trị và xuất thân của họ.

BBC : Còn điều gì nổi bật nữa theo bà ?

Mary Frances Berry : Khi Trump ủng hộ một loạt các biện pháp hỗ trợ cho một số người trong cộng đồng da đen, chẳng hạn First Step, biện pháp ân xá cho người da đen, cũng như ủng sửa đổi trong luật bổ sung ngân sách để cấp tiền lần đầu tiên cho các trường đại học có lịch sử dành riêng cho người da đen.

Ông phối hợp tất cả những điều đó, cũng như có các chương trình kích thích để đảm bảo các doanh nhân và doanh nghiệp da đen được vay các khoản vốn mà trước đây họ gặp khó khăn.

Tác động của tất cả những điều đó, mà chúng ta sẽ thấy theo thời gian, là vào giữa nhiệm kỳ, nhiều người da đen trẻ bỏ phiếu cho Trump hơn trước đây. Và nếu xu hướng đó tiếp tục, nó có thể sẽ có lợi cho Đảng Cộng hòa.

Mary Frances Berry là giáo sư lịch sử Hoa Kỳ và nhà tư tưởng xã hội tại Đại học Pennsylvania, chuyên sâu về lịch sử pháp lý và chính sách xã hội. Từ 1980 đến 2004, bà là thành viên của Ủy ban Dân quyền Mỹ.

6. Tranh cãi kết quả bầu cử 2020

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Margaret O'Mara : Tranh cãi chiến thắng bầu cử rõ ràng theo hiến pháp và về con số của Joe Biden.

Chúng ta đã có rất nhiều lần chuyển giao không đẹp đẽ gì. Herbert Hoover rất khó chịu về việc ông thất cử, nhưng ông vẫn lên xe đi tới Đại lộ Pennsylvania vào ngày nhậm chức của đối thủ. Ông không hề nói gì với Franklin Roosevelt suốt buổi, nhưng vẫn có sự chuyển giao quyền lực ôn hòa.

Trump là hiện thân của các thế lực chính trị đã chuyển động trong một nửa thế kỷ hay hơn thế nữa. Là kết quả của những gì diễn ra không những trong Đảng Cộng hòa, và cả trong Đảng Dân chủ và rộng hơn là trong chính trị Mỹ - hiện thân của sự chán nản với chính phủ và các cơ quan quyền lực và chuyên gia.

BBC : Còn điều gì nổi bật nữa theo bà ?

Margaret O'Mara : Trump là nhân vật nổi trội theo nhiều cách, nhưng một trong những điều làm ông nổi bật là ông là một trong số ít những tổng thống được bầu mà chưa từng giữ một chức vụ nào trong bộ máy công quyền trước đó.

Trump có thể ra đi, nhưng vẫn còn sự chán nản lớn với chính quyền, nói một cách rộng hơn. Khi bặn cảm thấy không có quyền lực, bạn sẽ bỏ phiếu cho người nào hứa hẹn sẽ làm mọi chuyện hoàn toàn khác và Trump thực sự đã làm điều đó

Nhiệm kỳ tổng thống cũng được đóng góp bởi những người mà tổng thống bổ nhiệm, và rất nhiều nhân vật đầy kinh nghiệm trong đảng Cộng hòa đã không được mời tham gia chính quyền Trump lúc đầu.

Dần dần, chính quyền Trump đã thu hẹp chỉ còn lại một số những người trung thành nhưng không có mấy kinh nghiệm và về mặt tư tưởng, họ không quan tâm mấy đến điều hành bộ máy một cách khôn ngoan. Những gì đã xảy ra trong ruột của bộ máy quan liêu sẽ phải rất lâu mới xây dựng lại được.

Margaret O'Mara là giáo sư lịch sử tại Đại học Washington, chuyên về lịch sử chính trị, kinh tế và thành thị của nước Mỹ đương đại.

Ritu Prasad

Nguồn : BBC, 19/01/2021

Additional Info

  • Author Ritu Prasad
Published in Diễn đàn

Cơ chế đa phương bị xói mòn – Di sản nhiệm kỳ Donald Trump

Trung Kiên, Thoibao.de, 07/11/2020

Bốn năm cầm quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đang khép lại. Điểm lại một số nét lớn trong chính sách đối ngoại của nước Mỹ trong nhiệm kỳ sắp qua là chủ đề chính của Tạp chí Đặc biệt của RFI nhân dịp bầu cử tổng thống Mỹ. Di sản Trump 2017 – 2020, với đặc điểm tiêu biểu là các cơ chế đa phương quốc tế bị xói mòn, để lại những thách thức nào cho tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ ?

disan1

Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Barack Obama

Một đặc điểm nổi bật trong chính sách đối ngoại của Donald Trump trong nhiệm kỳ sắp qua là việc Mỹ rút khỏi hàng loạt định chế đa phương và nhiều thỏa ước quốc tế quan trọng.

Từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngay từ đầu nhiệm kỳ. Hiệp định vốn đã hoàn tất dưới thời tổng thống tiền nhiệm Obama. Rời Hiệp định Khí hậu Paris (tháng 6/2017), hiệp định mà toàn thể cộng đồng quốc tế đã hết sức khó khăn mới đạt được đồng thuận. Tháng 10/2017, Washington tuyên bố rút khỏi UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc. Tháng 5/2018, chính quyền Mỹ đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân với Iran (2015). Tháng 6/2018, đến lượt Mỹ từ bỏ Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc (UNHCR). Tháng 8/2019, chính quyền Trump rút khỏi Hiệp ước về tên lửa hạt nhân tầm trung với Nga (INF).

Trong lúc, đại dịch Covid-19 đưa thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có, tháng 7/2020, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO / OMS). Kể từ khi lên cầm quyền tổng thống Donald Trump đã nhiều lần đe dọa rút khỏi Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO / OMC).

Một số định chế quốc tế lớn trên đây, được coi là nền móng của cơ chế đa phương trong quan hệ quốc tế, đã bị nước Mỹ quay lưng, trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45. Nhiều nhà quan sát đặt câu hỏi : phải chăng cơ chế đa phương quốc tế được cộng đồng quốc tế dày công kiến tạo từ sau Thế chiến Hai đến nay đang suy tàn ? Chuyên gia về quan hệ quốc tế, nhà nghiên cứu Martin Quencez, quỹ German Marshall Fund, ghi nhận chính bản thân sự tồn tại của một "cộng đồng quốc tế" mở rộng cho tất cả cũng bị chính quyền Trump hoài nghi và tìm cách phân hóa. 

Khi Hoa Kỳ phá cơ chế đa phương, Trung Quốc lấn tới

Nhà báo Phạm Trần (từ Washington) điểm lại một đôi nét về tác động đối với cơ chế đa phương quốc tế của chính sách đối ngoại của tổng thống thứ 45 của nước Mỹ :

"Điều đầu tiên chúng ta biết là khi ông Donald Trump lên cầm quyền, đó là chính sách Nước Mỹ trên hết. Khi ông ấy đưa ra chính sách đó, có nghĩa là ông ấy tự cô lập nước Mỹ, rút vai trò lãnh đạo của nước Mỹ, co cụm lại. Chính sách đó đưa tới hậu quả là thứ nhất, nước Mỹ mất vai trò lãnh đạo thế giới, và làm cho các đồng minh của Hoa Kỳ, đặc biệt mà ở bên Châu Âu, Châu Á – Thái Bình Dương lo ngại. Ông Donald Trump đã để lại một chính sách mà đến đời tổng thống mới, nếu không phải là ông Donald Trump, thì có lẽ phải thay đổi toàn diện. Vấn đề tổ chức nhân quyền của Liên Hiệp Quốc, ông ấy không có tha thiết, không có tích cực, như các đời tổng thống trước. Và về vấn đề y tế cho nhân loại, đã bị giảm thiểu. Chúng ta biết là Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), là một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, quy tụ tất cả nước trên thế giới. Cái điều quan hệ là bây giờ ông Donald Trump rút lui. Rút lui tức là bỏ sự đóng góp rất lớn và cốt lõi của Hoa Kỳ đối với tổ chức này. WHO đã tồn tại được bao nhiêu năm, vẫn giúp đỡ nơi này nơi kia, mặc dù cũng có những chuyện làm ăn bê bối. Từ khi xảy ra nạn dịch, Hoa Kỳ là một cường quốc, vẫn đứng vai trò hàng đầu, mà Hoa Kỳ lại không có sáng kiến đưa ra tổ chức một hội nghị quốc tế, tìm cách nào để ngăn chặn ngay lập tức nạn dịch này".

disan2

Chủ tịch Trung quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump

Việc Hoa Kỳ rút khỏi nhiều định chế đa phương quan trọng, khiến các đồng minh chao đảo, nhưng tạo thuận lợi cho chính quyền Bắc Kinh lấn tới, khẳng định thêm vị trí tại nhiều định chế quốc tế.

Trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump 2017 – 2020, Trung Quốc giành được vị trí lãnh đạo của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức Hàng không Dân sự Quốc tế hay Liên minh Quốc tế về Viễn thông. Tiếng nói của Bắc Kinh ngày càng gia tăng trọng lượng, cùng với việc Trung Quốc tăng đóng góp tài chính cho nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới. Nhân vật số hai của UNESCO, cơ quan Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, là người Trung Quốc. Chưa kể đến các dự án lớn mang tính quốc tế mà Trung Quốc đang tìm cách triển khai ở khắp nơi, nhằm mở rộng ảnh hưởng, thông qua các khoản đầu tư, cho vay khổng lồ, như dự án Con đường Tơ lụa mới.

Trong một chương trình đặc biệt về chủ đề này, Đài France Culture ghi nhận : "Tại Liên Hiệp Quốc, Bắc Kinh đang áp đặt quan điểm của mình. Vấn đề nhân quyền ngày càng tránh được đề cập đến, với hệ quả là chính quyền Trung Quốc không phải đối mặt với nhiều cáo buộc xâm phạm nhân quyền. Giờ đây, người ta nói đến sự ‘‘tôn trọng lẫn nhau’’ giữa các quốc gia. Đây là một cách để nhấn mạnh là chính quyền các nước có quyền đối xử với người dân trong nước, tùy theo ‘‘các giá trị’’ riêng của họ… Đây cũng là một cách để ngăn chặn mọi can thiệp nhắm vào chính sách xâm phạm nặng nề các quyền con người căn bản, như tại Tây Tạng hay đối với người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi ở Tân Cương".

Theo các học giả Trung Quốc, như viện trưởng Viện Quan hệ Quốc tế thuộc trường đại học Thanh Hoa – Bắc Kinh, ông Diêm Học Thông (Yan Xuetong), "ông Trump đã hủy hoại hệ thống liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo", điều này mang lại "cho Trung Quốc một giai đoạn chưa từng có về cơ hội chiến lược, kể từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc đến nay" (bài "Đối với Bắc Kinh, Trump chỉ khiến phương Tây nhanh chóng suy tàn", Le Monde, ngày 30/10/2020).

disan3

Tân tổng giám đốc Tổ Chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc FAO người Trung Quốc Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu) đã được bầu lên ngày 23/06/2019 tại Roma (Ý)

Phá bỏ quan hệ đoàn kết với nhiều đồng minh truyền thống, tại Châu Âu, cũng như Châu Á, rút khỏi hàng loạt định chế quốc tế về nhân quyền, kinh tế, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế hay khí hậu, không có nghĩa là Hoa Kỳ có ý định rút khỏi toàn bộ các liên minh quốc tế mang tính chiến lược.

Trong nhiệm kỳ tổng thống thứ 45 của Mỹ, đặc biệt là hai năm cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Trump đưa ra chính sách thúc đẩy phát triển một "khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở, tự do", dựa trên luật pháp (gọi tắt là FOIP) để ngăn chặn đà bành trướng của Trung Quốc. Khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, dựa trên trụ cột là Bộ Tứ, bốn quốc gia dân chủ, bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, được coi là mở rộng cho mọi quốc gia trong và ngoài khu vực, chia sẻ cùng một tôn chỉ.

Chiến lược xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, với Biển Đông là một trọng tâm, với lý tưởng như trên, được kỳ vọng đem lại một phương hướng giúp cho nhiều quốc gia trong khu vực thoát khỏi sự chi phối, thậm chí thao túng đang ngày càng mạnh của Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát ghi nhận khoảng cách rất lớn giữa tuyên bố và hành động thật sự của cơ chế đa phương mới mà Hoa Kỳ mong muốn xây dựng.

Chuyên gia về quan hệ quốc tế Raphael Delbrouck, Trung tâm nghiên cứu các khủng hoảng và xung đột quốc tế (CECRI), Louvain-la-Neuve, Bỉ, nhận định : chính sách xây dựng khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương mở và tự do hiện nay của chính quyền Trump là sự tiếp nối của chính sách xoay trục sang Châu Á của chính quyền tiền nhiệm Obama (báo cáo "Ấn Độ – Thái Bình Dương : phân tích về chiến lược của nước Mỹ"). Theo chiến lược này, "hòa bình và ổn định vốn đã mong manh tại khu vực chỉ có thể được bảo đảm nhờ sự chia sẻ các giá trị chung trong một trật tự khu vực, mà Hoa Kỳ muốn tiếp tục đầu tư và xây dựng, với tư cách thủ lĩnh". Để thực hiện chiến lược này, Washington đã có nhiều sáng kiến để thúc đẩy hợp tác khu vực, như đạo luật về Sáng kiến Trấn an Châu Á (ARIA – Asia Reassurance Initiative Act) (tháng 12/2012), hay Sáng kiến hạ lưu sông Mêkông (Lower Mekong Initiative).

Khối APEC, nhóm G20 và kể cả Tổ chức Thương mại Thế giới vẫn tiếp tục là các định chế quốc tế mà Hoa Kỳ cần đến để thúc đẩy chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương.

Tuy nhiên điều mà nhà nghiên cứu Raphael Delbrouck nhấn mạnh là khoảng cách rất lớn giữa mục tiêu mà Hoa Kỳ tuyên bố và khả năng hành động trên thực tế. Theo tác giả, nước Mỹ không thiếu chiến lược tốt, vấn đề là khả năng thực thi.

Lập trường mang tính bảo hộ, dân tộc chủ nghĩa, đặt nặng tầm quan trọng của các quan hệ song phương hơn là quan hệ đa phương, xung đột trực tiếp với mục tiêu hành động nhằm xây dựng "một kiến trúc khu vực ổn định", đã khiến Hoa Kỳ rất khó đầu tư mạnh cho các hợp tác của khu vực. Với chủ trương "Nước Mỹ trước hết" (America First), của chính quyền Trump, cũng như "chủ nghĩa biệt lập Mỹ", chính quyền Mỹ khó có khả năng kiến tạo các quan hệ đa phương mềm dẻo, với nhiều quốc gia trong khu vực, vốn có quan hệ lâu đời với Trung Quốc.

Biden : tái xây dựng cơ chế đa phương trong hoàn cảnh mới

Về triển vọng chính sách của nước Mỹ, nếu lãnh đạo bên Dân chủ, ứng cử viên Joe Biden đắc cử, theo nhiều nhà quan sát, ông Biden sẽ phải tiếp tục chính sách đối ngoại của nước Mỹ từ 70 năm vừa qua, không kể 4 năm dưới thời Donald Trump. Đó là tiếp tục "đóng vai trò hàng đầu trong việc thảo ra các quy tắc, thực thi các thỏa thuận quốc tế, cổ vũ các định chế đóng vai trò định hướng quan hệ giữa các quốc gia, thúc đẩy an ninh và thịnh vượng tập thể". Một trong những quyết định đầu tiên của ông Biden sẽ là tổ chức "một thượng đỉnh toàn cầu vì dân chủ", quy tụ xung quanh Mỹ các quốc gia đang nỗ lực kháng cự các xu thế "độc tài, phản tự do" (bài "Quan hệ quốc tế, điều mà Biden có thể làm thay đổi", Le Monde, 26/10/2020).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo là dù Biden thắng, Mỹ không dễ trở lại thành trụ cột của cơ chế quốc tế đa phương, như trước. Nhà chính trị học Laurence Nardon, phụ trách ban Mỹ của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (Ifri), thậm chí nhấn mạnh là "việc trở lại với chính sách đối ngoại của Mỹ thời Obama, như tuyên bố của phe ông Biden, là (…) điều không thể" (La Croix, 22/10/2020). Chuyên gia Cécilia Belin, trung tâm tư vấn Brookings Institution, nhấn mạnh là "thế giới đã thay đổi và Trump đã thay đổi luật chơi về quá nhiều lĩnh vực, khiến điều đó là không thể" (trả lời AFP).

Thực tế mới mà nhiều người nói đến là sự lên ngôi của các chế độ độc đoán ở khắp nơi, và nền dân chủ không còn ở thế thượng phong trên quy mô toàn cầu. Thách thức lớn đối với chính quyền Biden là chấp nhận đối diện với sự thực.

disan4

Ông Joe Biden trong vai trò phó tổng thống Hoa kỳ tổ chức tiệc trưa cho Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình vào ngày 25/9/2015

Chính sách đối đầu quyết liệt, trực diện với Trung Quốc, đã được vạch ra trong nhiệm kỳ tổng thống 2017-2020, là rất khó thay đổi. Theo nhà cựu ngoại giao Bill Burns, Quỹ Carnegie vì Hòa bình quốc tế (Carnegie Endowment for International Peace), nếu đắc cử, chính quyền Biden sẽ phải tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng các mạng lưới đồng minh tại Châu Á, "không phải để ngăn cản sự trỗi dậy của Trung Quốc, vì nước Mỹ không có đủ phương tiện", mà là để xây dựng môi trường nhằm ngăn chặn những mặt tiêu cực của sự trỗi dậy đó.

Chính sách liên minh của Trump : Ẩn số lớn

Về phía ông Donald Trump, nếu tái đắc cử, tân tổng thống sẽ có chính sách gì ? Hiện tại, chính sách của đối ngoại của ứng cử viên Cộng hòa vẫn còn là một ẩn số. Theo chuyên gia Laurence Naudan, chính sách đối ngoại của ông Trump sẽ phải là sự nối tiếp nhiệm kỳ đầu tiên. Phe Dân chủ lo ngại nếu đắc cử, Donald Trump sẽ có những hành động táo tợn, không còn biết đến giới hạn, gây nguy hiểm cho thế giới, ví dụ như bất ngờ tấn công Iran hay Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, phe Cộng hòa khẳng định tổng thống đã thực hiện toàn bộ các cam kết về đối ngoại, như rút khỏi nhiều định chế quốc tế. Ứng cử viên Donald Trump cũng không đưa ra cương lĩnh tranh cử mới cho năm 2020.

Tuy nhiên, về cơ chế đa phương quốc tế, cho dù không cổ vũ ở quy mô toàn cầu, Washington không thể từ bỏ mục tiêu thiết lập các cơ chế đồng minh và đối tác tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Theo chuyên gia về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ Maud Quessard, Học viện Chính trị Paris, cho đến nay nước Mỹ trên thực tế chưa làm được gì nhiều tại khu vực này, và Bắc Kinh đang ở thế thượng phong.

Nhà nghiên cứu Martin Quencez, Quỹ German Marshall Fund, Hội đồng Quan hệ Quốc tế, khẳng định thách thức số một hiện nay của ông Trump, nếu tái đắc cử, là tạo lập được một lộ trình cho phép phát triển được các hợp tác quốc tế, trong đó có khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương, chống lại các thách thức từ Trung Quốc, cũng có nghĩa là phải điều chỉnh lại chính sách làm suy yếu các cơ chế đa phương quốc tế trong bốn năm vừa qua.

Trung Kiên (tổng hợp)

Nguồn : Thoibao.de, 07/11/2020

********************

Đối sách Trung Quốc của Joe Biden : Ác mộng cho Bắc Kinh ?

Trọng Nghĩa, RFI, 07/11/2020

Tiêu điểm thời sự không thể bỏ qua trong tuần dĩ nhiên là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020 với kết quả cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Bên cạnh đó, đà hoành hành càng lúc càng dữ dội của dịch Covid-19 cũng là một chủ đề không kém phần quan trong. Trong tạp chí Thế Giới Đó Đây hôm nay, sau khi điểm qua một số sự kiện nổi bật trong cuộc bầu cử Mỹ, RFI sẽ tìm hiểu thêm về một số tác hại từ Âu sang Á mà con virus corona đang gây ra.

disan5

Cuộc tranh luận truyền hình Donald Trump - Joe Biden ngày 22/10/2020 tại Nashville (bang Tennessee, Hoa Kỳ), trong đó ứng cử viên Biden đề cập đến Biển Đông.  Reuters - JIM BOURG

Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 này quả thực là gay cấn và hồi hộp cho đến giờ phút cuối. Tuy nhiên có một thực tế mà không ai có thể tranh cãi là người dân Mỹ xứng đáng được vinh danh, với một tỷ lệ đi bầu cao ngất ngưởng.

Kỷ lục về phiếu bầu từ 120 năm nay

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde ngày 06/11/2020, nếu tính theo tỷ lệ so với dân số, thì từ năm 1900 đến nay, chưa bao giờ người Mỹ lại đi bầu đông như vậy, với tỷ lệ cử tri tham gia lên đến 66,9%, tăng vọt so với 59,2% so với lần bầu cử năm 2016. Về số liệu tuyệt đối thì đã có khoảng 160 triệu cử tri Mỹ tham gia bầu cử lần này dưới hai hình thức trực tiếp đến phòng phiếu, hay bầu qua bưu điện.

Về phần ứng cử viên đảng Dân chủ, ông Joe Biden đã vượt xa kỷ lục số phiếu mà một ứng viên tổng thống giành được mà cựu tổng thống Barack Obama từng nắm giữ.

Theo thống kê của nhật báo Mỹ The New York Times, tính đến 9.00 giờ sáng 06/11, ông Biden đã nhận được hơn 73,8 triệu phiếu bầu, vượt qua kỷ lục 69,5 triệu phiếu mà tổng thống Obama thiết lập vào năm 2008 khi ông tranh đua với đối thủ John McCain.

Về phía đối diện, tổng thống Trump cũng phá kỷ lục của ông Obama, với hơn 69,6 triệu phiếu, một con số cũng tăng vọt so với 65,8 triệu mà ông giành được vào năm 2016.

Bắc Kinh bắn tin muốn hòa hoãn với Washington

Vào lúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tiến dần đến giai đoạn ngã ngũ, với ông Biden chiếm thượng phong, ngày 05/11, một cách gián tiếp, Bắc Kinh đã bày tỏ hy vọng là quan hệ với Mỹ sẽ bớt căng thẳng.

Trong một tin nhắn Twitter, Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), tổng biên tập tờ báo diều hâu Global Times của Đảng Cộng Sản Trung Quốc đã chia sẻ ảnh chụp màn hình tin nhắn của một người được ông mệnh danh là một cư dân mạng "thông minh" cho rằng ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ có thể "bình thường hóa" quan hệ Mỹ-Trung.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà quan sát, với ông Biden, chưa chắc là một chính quyền Biden sẽ mềm mỏng với Trung Quốc. Đây chính là ý kiến trong một phân tích ngày 29/10 vừa qua trên mạng thông tin Mỹ Axios, cho rằng ông Joe Biden sẽ đối đầu với Trung Quốc ở mọi nơi trên thế giới, tiếp tục thực hiện một mục tiêu của tổng thống Trump nhưng với phương cách khác.

Về đại thể, Axios ghi nhận là khi khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông Trump đã thay đổi về cơ bản mối quan hệ Mỹ-Trung - và buộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải chấp nhận một cách tiếp cận cứng rắn đối với Bắc Kinh.

Trung Quốc sẽ bị cảnh "tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa"

Ông Biden hầu như đã chấp nhận đi theo sự đồng thuận mới đó, nhưng khẳng định rằng ông sẽ thách thức Trung Quốc một cách hiệu quả hơn khi phối hợp hành động với các đồng minh, thay vì đơn thương độc mã.

Theo Jeffrey Prescott, một cố vấn của ông Biden, việc ông Biden phối hợp với đồng minh là điều sẽ khiến Trung Quốc lo lắng.

Trong thời gian vận động tranh cử, ông Biden đã gọi chủ tịch Tập Cận Bình là một kẻ "côn đồ", trong lúc các cộng sự viên của ông đã cáo buộc Trung Quốc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, một thuật ngữ mà chính quyền Trump đã tránh sử dụng.

Thậm chí, theo Axios, ông Biden còn chỉ trích ông Trump là "tổng thống Mỹ đầu tiên trong ba thập kỷ đã không tiếp xúc với Đức Đạt Lai Lạt Ma". Ứng cử viên đảng Dân chủ còn cam kết là sẽ gặp lãnh đạo tinh thần của người Tây Tạng với tư cách là tổng thống.

Riêng về Biển Đông, bà Michèle Flournoy, một người nhiều triển vọng lên nắm Lầu Năm Góc, hồi tháng 6 vừa qua đã cho rằng Mỹ nên trang bị khả năng "đánh chìm tất cả các tàu quân sự, tàu ngầm và tàu buôn của Trung Quốc ở Biển Đông trong vòng 72 giờ".

Về phía ông Biden, trong cuộc tranh luận truyền hình với ông Trump tại Nashville (bang Tennessee) ngày 22/10 vừa qua, ông tuyên bố sẵn sàng điều oanh tạc cơ B-52 của Mỹ xẻ dọc Biển Đông nếu Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không trên khu vực.

Nhìn chung, theo Axios, "nếu ông Trump nhìn Trung Quốc chủ yếu qua lăng kính thương mại và virus corona, thì Biden coi mối quan hệ này như một cuộc cạnh tranh nhiều mặt, từ công nghệ, quân sự, kinh tế, cho đến ý thức hệ và ngoại giao, có tác dụng quyết định trật tự quốc tế trong nhiều thế hệ.

Covid-19 đẩy Indonesia vào suy thoái

Về dịch Covid-19, trong tuần sự kiện đáng chú ý nhất tại Đông Nam Á liên quan đến Indonesia, nước đông dân thứ 4 trên thế giới, đã chính thức bước vào suy thoái. Nguyên nhân cũng dễ hiểu : Với 493.139 ca nhiễm được xác nhận và 14.442 người chết tính đến hết ngày 06/11, Indonesia là nước bị Covid-19 tác hại nặng nề nhất Đông Nam Á.

Theo thống kê chính thức công bố ngày 05/11, GDP của Indonesia đã bị giảm 3,49% trong quý III, sau khi tuột giảm 5,3% trong quý II trước đó, và như vậy kinh tế nước này bị coi là đã lâm vào suy thoái.

Tổng thống Joko Widodo đã chứng kiến ​​kinh tế ca mình đi xung trong sáu tháng qua. Tng sn phm quc ni ca nn kinh tế lớn nhất Đông Nam Á giảm 3,49% trong quý 3 so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 5,3% trong quý 2.

Từ Kuala Lumpur, thông tín viên RFI tại Đông Nam Á, Gabrielle Maréchaux, giải thích thêm về điều được cho là thất bại trong chính sách chống dịch của tổng thống Indonesia :

Các hành động của tổng thống Indonesia nhằm ngăn không cho nền kinh tế của đất nước bị Covid-19 tác hại quá nhiều đã bị thực tế chứng minh là chưa đủ. Ông đã từ chối không áp dụng biên pháp phong tỏa để khỏi phải dừng các hoạt động kinh tế, ông đã cung cấp hỗ trợ tài chính đáng kể để cho phép người Indonesia mua vé máy bay và khuyến khích họ du lịch trong nước… Thế nhưng virus corona rốt cuộc cũng đã đánh gục nền kinh tế nước này.

Và chính những kế hoạch của ông Joko Widodo đã tan thành mây khói. Ông được bầu với lời hứa sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ trung bình hàng năm là 5% của nhiệm kỳ trước, bất chấp một số thiên tai.

Ngày nay, tình trạng suy thoái kinh tế cũng gợi lại những ký ức tồi tệ cho nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, vì lần cuối cùng đất nước này trải qua kịch bản như vậy là vào năm 1998, năm nổ ra cuộc khủng hoảng kinh tế Châu Á.

Các biện pháp thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt được thực hiện vào thời điểm đó, đã khiến 5 triệu trẻ em phải nghỉ học và cuộc khủng hoảng xã hội đã dẫn đến sự cáo chung của chế độ độc tài Suharto.

Trung Quốc bế quan tỏa cảng chống Covid-19 "hồi hương"

Riêng tại Trung Quốc, là nước từng lớn tiếng đả kích việc đóng cửa biên giới với người Trung Quốc khi dịch bệnh Covid-19 bùng lên tại Vũ Hán, trong tuần, Bắc Kinh đã loan báo quyết đinh tạm thời cấm nhập cảnh đối với những người nước ngoài đến từ Bỉ, Anh Quốc, Ấn Độ và Philippines, một danh sách có thể dài thêm.

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại Bắc Kinh, Stéphane Lagarde, giới chức Trung Quốc đã biện minh rằng việc ngưng cấp visa là một biện pháp tạm thời bắt nguồn từ tình hình dịch bệnh hiện nay :

Trung Quốc, nơi xuất xứ của dịch Covid-19 vào mùa đông năm ngoái, dù đã ngăn chặn được đà lây nhiễm của virus corona trên lãnh thổ của mình, nhưng vẫn không ngơi cảnh giác.

Tại các phi trường Trung Quốc, các viên chức bộ phận xuất nhập cảnh trong trang phục bảo hộ y tế hiện diện ngay tại đường băng ở chân di dân mặc y phục bảo hộ đứng ngay ở đường bay (tarmac), hành khách vừa xuống máy bay có khả năng bị cách ly bắt buộc và một cách nghiêm ngặt tại những khách sạn được chỉ định, các xét nghiêm PCR được thực hiện cho mỗi người trước phi cơ cất cánh và ngay sau khi máy bay hạ cánh.

Trung Quốc quả là đã biến thành một quả bong bóng y tế và có ý định sẽ tiếp tục như vậy. Bắc Kinh rất lo ngại trước nguy cơ bị hàng loạt ca lây nhiễm ngoại nhập.

Trước việc dịch bệnh bùng phát trở lại, chính quyền Trung Quốc đã tái lập biện pháp tạm thời đình chỉ việc cấp thị thực, từng được áp dụng từ ngày 28/03 vừa qua và được bãi bỏ một phần vào mùa hè, kể cả đối với những người có giấy phép cư trú. Quyết định này chỉ áp dụng cho người nước ngoài - không áp dụng đối với công dân Trung Quốc - đến từ Bỉ, Anh Quốc, Ấn Độ và Philippines, nhưng danh sách có thể dài ra trong những ngày sắp tới.

42 đại sứ quán Trung Quốc, đặc biệt là ở 13 quốc gia Châu Âu, trong đó có Pháp, Đức và Ý, cũng như tại Hoa Kỳ, Nga, Brazil, Nam Phi, Ai Cặp hay Pakistan, đều đã thông báo là kể từ bây giờ, khách đến Trung Quốc phải làm hai xét nghiêm Covid-19 trong khoảng thời gian 48 tiếng đồng hồ trước khi lên máy bay, một xét nghiêm PCR và một xét nghiệm huyết thanh.

Đối với Phòng Thương Mại Châu Âu ở Bắc Kinh, biện pháp này không khác gì việc "cấm bất kỳ ai trở lại Trung Quốc để làm việc hay gặp lại gia đình". Còn các trang mạng xã hội thì lại rất hoan nghênh.

Các hạn chế nêu trên đã phát sinh tác dụng cùng với tình trạng ngành hàng không đã không hoạt động trở lại bình thường và việc visa nhập cảnh được cấp nhỏ giọt.

Một nhà xuất khẩu Châu Phi có trụ sở tại Nghĩa Ô (Yiwu), tỉnh Chiết Giang, miền nam Trung Quốc, cho biết : "Chúng tội đã không còn thấy doanh nhân nước ngoài tại đây. Giờ đây cả Trung Quốc đang bị phong tỏa."

Ba Lan : Chính quyền lùi bước trên việc hạn chế quyền phá thai

Sau nhiều ngày phụ nữ biểu tình rầm rộ trên toàn quốc đòi lại quyền được phá thai đang bị chính quyền bảo thủ tìm cách hạn chế, chính phủ Ba Lan ngày 03/11 đã quyết định không công bố phán quyết của Tòa Án Hiến Pháp – nằm trong tay đảng cầm quyền - đã cấm phá thai trong trường hợp thai nhi bị dị tật nghiêm trọng, trong khi Ba Lan đã có luật rất hạn chế về vấn đề này.

Theo thông tín viên RFI tại Vacxava Sarah Bakaloglou. đây là một bước lùi của chính phủ, nhưng rất có thể chỉ mang tính tạm thời :

Chỉ mới cách nay vài hôm, thủ tướng Ba Lan còn kêu gọi chấm dứt các cuộc biểu tình "man rợ" đòi quyền phá thai, và lãnh đạo của đảng bảo thủ cực đoan đang cầm quyền, ông Jaroslaw Kaczyński, đã tố cáo một cuộc vận động quần chúng nhằm hủy hoại đất nước Ba Lan.

Nhưng bây giờ giọng điệu đã thay đổi, ít nhất là trên mặt chính thức. Quyết định cấm phá thai trong những trường hợp thai nhi bị dị tật nghiêm trọng đã bị đình chỉ, và cơ quan hành pháp đang tìm cách thoát khỏi khủng hoảng.

Lý do là vì chính phủ Ba Lan đã không ngờ được là phong trào phản đối lại được ủng hộ mạnh mẽ như vậy. Và nhất là, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng Công Lý và Pháp Luật đang cầm quyền đã mất mười điểm tín nhiệm trong dân chúng. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda chưa bao giờ bị phản đối như vậy trong các cuộc thăm dò kể từ khi nhậm chức, trong lúc đa số người Ba Lan ủng hộ phong trào chống lệnh cấm phá thai hiện nay.

Điều cần phải xem là chính phủ sẽ áp dụng chiến lược gì. Những người biểu tình từ chối bất kỳ thỏa hiệp nào và kêu gọi tiếp tục xuống đường, trong khi những người bảo thủ hơn trong đảng cầm quyền và trong liên minh thì lại muốn là quyết định của Tòa Án Hiến Pháp rốt cuộc phải được công bố.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 07/11/2020

Additional Info

  • Author Trung Kiên, Trọng Nghĩa
Published in Diễn đàn
dimanche, 20 janvier 2019 21:19

Di sản của Tổng thống Donald Trump

Sự kiện một cá nhân như ông Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ sau khi thắng số phiếu đại cử tri (tuy thua tới hơn 3 triệu số phiếu đại chúng) chưa có tiền lệ trong lịch sử Hoa Kỳ.

trump1

Ngày 25/09/2018, trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc tại New York, Tổng thống Donald Trump tự bốc thành tích của mình khiến cả hội trường phá lên cười ngay trong những phút đầu tiên - Ảnh The Huffington Post , 25/09/2018

Một thương gia không mảy may kinh nghiệm lãnh đạo với chủ trương bài di dân và thói quen sử dụng ngôn ngữ thô tục và xúc phạm, trở thành người lèo lái siêu cường số một của thế giới.

Không những thế, đây là một nhân vật đầy rẫy các xì-căng-đan, từ đời sống cá nhân bê bối cho đến các sinh hoạt thương mại thiếu minh bạch.

Ông Trump đã từng lập ra "Trump University" sau bị đóng cửa và còn phải đền 25 triệu đôla cho những học sinh viên bị lừa, đã từng khai phá sản bốn lần và quỵt nhiều chủ nợ, cũng như tạo ra quỹ từ thiện dưới tên mình để thu hút tiền của những người nhẹ dạ (Trump Foundation, vừa bị tiểu bang New York đóng cửa do sử dụng tiền quỹ vào việc riêng của ông Trump).

Không chỉ người Mỹ, mà người dân ở nhiều quốc gia khác cũng lo ngại : Nước Mỹ đang đi về đâu ? Nước Mỹ có còn là một cường quốc đáng tin cậy nữa không ? Nước Mỹ đang theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, thậm chí phát-xít ? Có gì mờ ám trong quan hệ của Tổng thống Trump và Putin không ?

Những biến chuyển gần đây

Trong vài tuần nay, các diễn biến thời sự cho le lói hy vọng là các lo ngại trên sẽ được giải quyết trong một thời gian không xa. Vở tuồng chính trị mà ông Donald Trump đóng vai chính dường như đang đến hồi kết, ít ra chúng ta có thể mong thế. Hệ thống lập pháp, tư pháp, truyền thông và xã hội dân sự của một quốc gia dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ đã bắt đầu chứng tỏ có khả năng kiểm soát sự thao túng và lạm quyền của người lãnh đạo hành pháp.

Khởi đầu là cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 năm 2018, khi Đảng Dân chủ thắng Hạ viện một cách quyết liệt với hơn 10 triệu lá phiếu. Cử tri toàn quốc đã biểu lộ ý muốn thay đổi đường hướng mà chính quyền Trump theo đuổi trong hai năm trước đó.

Do chiếm được đa số, đảng đối lập đã nắm tất cả các ủy ban của viện này, với khả năng điều tra đến nơi đến chốn các tội phạm của ông Trump và bè phái mà Quốc hội dưới quyền của Đảng Cộng hòa trước đó đã bao che. Cuộc điều tra của Hạ viện có thể còn gay gắt và hữu hiệu hơn cả của Công tố viên đặc biệt Mueller, do họ có khả năng kiểm soát ngân sách và bổ định nhân sự cần thiết.

Về phía Bộ Tư pháp, ông Mueller đã cho sa lưới nhiều nhân vật quan trọng có thời rất thân cận với Tổng thống Trump và hiểu biết tường tận các sinh hoạt hậu trường : Michael Cohen, cựu luật sư riêng, phải đi tù do vi phạm luật tranh cử khi che giấu việc trả tiền cho các phụ nữ để che đậy quan hệ của họ với ứng cử viên tổng thống ; Paul Manafort, người từng quản lý cuộc tranh cử của ông Trump cũng đi tù do che giấu quan hệ bất hợp pháp với các chính phủ nước ngoài như Ukraine và Nga. Những người này, cùng với gần 20 nhân vật đã cộng tác mật thiết với ông Trump và bị kết án như Michael Flynn, Rick Gates và George Papadopoulos, đã khai gì với ông Mueller ? Còn ai nữa sẽ bị bắt ? Ông Mueller đang từ từ thắt chặt vòng dây thừng và tới lúc nào đó, có khả năng xiết luôn cả Tổng thống ?

Mặt khác, hầu hết các nhân vật tương đối độc lập trong nội các Trump dần dần đều tự ý rút lui do không chấp nhận được chính sách liều lĩnh khó hiểu của Tổng thống. Gần đây nhất là tướng Jim Mattis đã từ chức vì không đồng ý với quyết định rút vội vã khỏi mặt trận Syria.

Theo tướng Mattis, lệnh này gây thiệt hai cho vị trí địa chính trị của Mỹ ở Trung Đông, vì nó giúp Nga và Iran củng cố thế lực của họ trong vùng. Nó cũng làm Mỹ mất uy tín vì bỏ rơi quân đội người Kurds, một đồng minh đã cùng Mỹ chiến đấu trong nhiều năm chống nhóm khủng bố ISIS và chính phủ độc tài của Tổng thống Assad. Người Việt tị nạn không thể không liên tưởng đến việc Mỹ bỏ rơi Miền Nam Việt Nam, dẫn đến biến cố 1975 và thảm kịch thuyền nhân sau đó.

Trừ một thiểu số trung thành, ngoài ra đa số người Mỹ dường như không ủng hộ kết quả cuộc bầu cử năm 2016.

Trong cuộc thăm dò ngay sau cuộc bầu cử năm 2018, Đài CBS cho biết khoảng 60% cử tri nghĩ rằng nước Mỹ đang đi sai hướng và cần thay đổi ; 54% đánh giá thấp khả năng của ông Trump. Các con số này còn bất lợi cho ông Trump hơn nữa với giới cử tri phụ nữ, trẻ tuổi, học thức (có bằng đại học trở lên), hay da màu.

Gần đây nhất, Tổng thống Trump cho đóng cửa chính phủ để áp lực đòi Hạ Viện Dân Chủ chấp thuận ngân quỹ 5,7 tỉ đôla để xây bức tường biên giới. Chính Fox News, cơ quan truyền thông luôn luôn ủng hộ ông Trump triệt để, đã cho biết kết quả thăm dò của họ : 63% cử tri đồng ý với Đảng Dân chủ rằng cần mở cửa chính phủ trở lại, và chỉ có 30% không đồng ý. Cũng con số 63% này phản đối phương cách của ông Trump dùng chính phủ làm con tin để có được ngân quỹ xây tường. Các con số này đi sát với tỉ lệ chống và bênh ông Trump qua các cuộc thăm dò khác.

Tóm lại, giới quan sát cho rằng xác suất ông Trump mất ghế tổng thống trong cuộc bầu cử tới vào năm 2020 không nhỏ, nếu như ông không bị Quốc hội truất phế trước đó. Xác suất ông bị truất phế không thể bị loại ra, nếu các cuộc điều tra chứng minh một cách cụ thể rằng ông Trump đã phạm tội.

Ông Trump sẽ để lại di sản gì sau bốn năm tại chức ?

Xét một cách khách quan nhất có thể, nước Mỹ và thế giới đã và sẽ còn bị tổn hại nhiều do chính sách ông Trump theo đuổi. Chúng ta có thể liệt kê những tổn hại chính như sau :

Nước Mỹ bị chia rẽ trầm trọng

Có lẽ từ sau cuộc nội chiến đến giờ, nước Mỹ chưa khi nào chia rẽ như trong hai năm nay.

Chiêu bài kỳ thị chủng tộc mà ông Trump xướng lên : người đạo Hồi toàn là khủng bố, người Mexican là lũ hiếp dâm, các xứ sở da đen Phi Châu là các hố phân, trong khi bào chữa cho, thậm chí khen ngợi các nhóm người da trắng độc tôn, đã gây 'sốc' cho người dân khắp nơi.

Ông Trump tạo nên một nước Mỹ của "ta và nó", nếu không là bạn thì là kẻ thù không thể thỏa hiệp, với một cái rãnh sâu ngăn cách hai bên. Ông miệt thị hầu hết tất cả mọi giới, từ phụ nữ đến người da màu, và bất cứ ai không hoàn toàn ủng hộ ông một cách tuyệt đối. Hình ảnh của nước Mỹ trước thế giới chưa bao giờ đã xuống cấp như hiện nay.

Đâu là sự thật ở thời đại Trump ?

Chưa bao giờ sự dối trá, giả dối lại tràn lan như dưới thời đại Trump.

Nhiều cơ quan truyền thông đã làm thống kê thành tích nói dối kỷ lục của Tổng thống. Vào tháng 5, năm 2018, tờ Washington Post đã đếm được là ông Trump đã nói dối gấp 3 lần sau 466 ngày giữ chức vụ nguyên thủ, trung bình là 6,5 lần mỗi ngày. Ít người làm chính trị nào nói thật 100 phần trăm, nhưng ông Trump dễ dàng đạt quán quân và bỏ xa các chính khách khác trong khoản này.

Cụm từ 'fake news' (tin giả) trở nên phổ biến từ khi ông ra tranh cử. Trên mạng xã hội tràn lan các tin giả được rất nhiều người tin. Theo điều tra của FBI và các cơ quan truyền thông, chủ mưu chính loan tin thất thiệt trên mạng xã hội là tình báo Nga, với mục đích lũng đoạn cuộc bầu cử Mỹ và giúp cho ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton.

Các cơ quan truyền thông uy tín từ lâu đời, như các tờ New York Times, Washington Post, Los Angeles Times, và các đài CNN, NPR, BBC, đều bị ông Trump và giới ủng hộ ông quy là 'truyền thông tả phái' hay thậm chí 'kẻ thù của nhân dân', vì họ đăng những tin bất lợi cho ông.

Sự thật có quan trọng không ?

Trong một thể chế dân chủ, người dân cần biết sự thật để thi hành nghĩa vụ công dân, như đi bầu. Sự dối trá có lợi cho các chế độ độc tài cộng sản hoặc phát-xít, nhưng nó đi ngược lại với quy ước của một xã hội dân chủ.

Ít phương pháp nào gây tổn hại cho nước Mỹ hữu hiệu hơn là làm mất niềm tin vào truyền thông và chính phủ. Khi hoang mang, người ta dễ bám víu vào các tin giả và vô hình chung trở thành nạn nhân của âm mưu tuyên truyền.

Uy tín của nước Mỹ xuống cấp

Sức mạnh của nước Mỹ trong một thế kỷ nay là đã tạo được uy tín để lãnh đạo một mạng lưới đồng minh chặt chẽ, chống lại phe độc tài đại diện bởi Nga và Trung Quốc. Chính phủ Trump đã đơn phương hủy và không tôn trọng các hiệp ước các vị tiền nhiệm đã ký như TPP, Nafta và Hiệp ước Khí hậu Paris.

Rút khỏi TPP - Hiệp Định Châu Á Thái Bình Dương - là món quà vô giá cho Trung Quốc, vì mục đính chính của hiệp định này là xây dựng một hệ thống đồng minh bao vây kinh tế Trung Quốc. Quyết định rút lui của Tổng thống Trump hầu như không được sự hậu thuẫn của bất cứ chính khách nào, Dân chủ hay Cộng hòa, và chưa ai có thể thật sự giải thích được.

Sự khôi phục của nước Nga

Trước nhiệm kỳ của ông Trump, Nga đã bị suy yếu nhiều do giá dầu hỏa tuột dốc, và sau khi Nga xâm lăng Ukraine, thế giới đã phong tỏa kinh tế Nga và một cuộc chiến tranh lạnh mới đã bắt đầu.

Thái độ cực kỳ thân thiện của ông Trump với nhà lãnh đạo độc tài Putin của Nga là điều rất khó hiểu.

Putin là chính khách duy nhất, trong và ngoài nước Mỹ, mà ông Trump không tiếc lời ca ngợi : "Putin xuất sắc qua mặt nước Mỹ" (trả lời phỏng vấn vào ngày 10 tháng 3, 2013 và 10 tháng 2, 2014). Ông khen Putin là nhà lãnh đạo tài giỏi, bào chữa cho việc Putin xâm lăng Ukraine và thủ tiêu nhà báo (trả lời phỏng vấn vào ngày 18 tháng 12, 2015). Ông công khai kêu gọi tình báo Nga xâm nhập vào hệ thống email của đối thủ Hillary Clinton. Vừa nhậm chức, ông lập tức tìm cách hủy cấm vận đối với Nga, nhưng không thành do bị các quan chức chính phủ và Quốc hội phản đối.

Khi tranh cử, ông Trump đã chối mình không có bất cứ quan hệ nào với Putin, tuy trước đó ông đã nhiều lần công khai khoe gặp gỡ và quen biết Tổng thống Nga. Mới đây nhất, theo tờ Washington Post, ông Trump đã tịch thu tất cả giấy tờ ghi chép của nhân viên thông dịch sau các buổi họp tay đôi giữa ông và Putin để không ai khác biết hai người đã trao đổi những gì.

Chính sách dễ dãi và thân thiện của ông Trump đã cho phép nước Nga trỗi dậy và trở thành một thế lực đáng kể ở Trung Đông cũng như đe dọa trở lại Khối Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO (ông Trump cũng dọa rút ra khỏi tổ chức này).

Nợ công khổng lồ gây suy thoái kinh tế

Cuộc giảm thuế lớn nhất lịch sử Mỹ do ông Trump và đảng Cộng hòa thông qua năm 2018 đã tạo ra thâm thủng ngân quỹ và một món nợ công vĩ đại.

Cùng lúc, ông Trump khởi xướng chiến tranh mậu dịch với Trung Quốc và vài quốc gia khác, hành động mà các nhà kinh tế đều cho rằng sẽ đưa đến tổn hại cho cả hai bên.

Vài tuần trước, ông cho đóng cửa chính phủ để áp lực Quốc hội cung cấp ngân quỹ xây bức tường biên giới, tạo tình trạng bế tắc đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Tất cả các việc này đã và đang gây ra hậu quả xấu nghiêm trọng : tăng trưởng kinh tế có nguy cơ bị khựng lại ; thị trường chứng khoán tuộc dốc ; tiền lời tiếp tục tăng trong khi thâm thủng với Trung Quốc trở lại mức kỷ lục. Các công ty Mỹ như Apple đã dự báo một tương lai đen tối sắp tới cho kinh doanh của họ.

Bảo vệ môi trường cho các thế hệ con em

Biến đổi khí hậu là một nguy cơ rất thật, đe dọa đến sự sống khắp nơi trên thế giới, không phân biệt biên giới quốc gia.

Nhiệt độ trái đất đang tăng dần lên. Các tảng băng của hai cực địa cầu đã và sẽ tan, nâng cao mặt biển và làm cho nhiều vùng đất gần biển bị ngập nước. Các trận bão ngày một lớn và thất thường như chúng ta đã chứng kiến trong những năm gần đây.

Nước Mỹ, cũng như tất cả các quốc gia khác, đều có nhiệm vụ phải ngưng sự lệ thuộc vào các nguồn năng lượng dầu hỏa và than đá để giảm bớt khí thải. Quyết định vô trách nhiệm của ông Trump khi rút khỏi Hiệp định Khí hậu Paris để lại một di sản rất xấu cho các thế hệ con em.

Chúng ta cần hy vọng rằng câu nói được gán cho vua Louis XV của Pháp "Sau tôi, sẽ là trận đại hồng thủy" (Après moi, le deluge - có thể hiểu là sau tôi, đại họa sẽ xảy ra) sẽ không áp dụng cho ông Trump.

Đa số người Mỹ, kể cả nhiều người gốc Việt, hiểu rõ cái hố sâu chúng ta đã tự đào cho mình trong hai năm nay, và đã tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng và chính trị để tạo thay đổi. Sau ông Trump, chúng ta cần chung sức nỗ lực để đảo ngược các nguy hại thời đại Trump đã tạo ra và xây dựng trở lại một nước Mỹ và thế giới an bình cho mọi người.

Thắng Đỗ là kiến trúc sư hành nghề ở San Jose, California, Hoa Kỳ. Ông là thành viên của PIVOT, Hội người Mỹ gốc Việt cấp tiến.

Published in Diễn đàn