Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

19/01/2021

Các sử gia Mỹ bình luận về di sản của Donald Trump

Ritu Prasad

Trước giờ ngọ ngày thứ Tư 20/1, nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc. Bốn năm trôi qua như một cơn lốc cuốn, vậy di sản của vị tổng thống làm nên lịch sử này là gì ?

Có rất nhiều điều để suy xét, và BBC nhờ các chuyên gia đánh giá.

disan1

Trump phát biểu trước người ủng hộ tại Nhà Trắng

1. Đương đầu với Trung Quốc

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Saikrishna Prakash : Những 'hơi thở' cuối cùng của chính quyền Trump có tác động mạnh nhất, khi ông Trump thao túng những người ủng hộ tận tâm nhất và ông nói đến khả năng sẽ ra ứng cử tổng thống lần nữa.

Ông buộc mọi người phải xem lại một nhiệm kỳ tổng thống đã có tác động ra sao theo một cách mà theo tôi không xảy ra cả với chính quyền Bush lẫn Obama. Những vấn đề như Tu chánh án thứ 25 hay luận tội không được đưa ra từ thời Bill Clinton.

Có lẽ giờ đây khi người ta nghĩ tới một nhiệm kỳ tổng thống, họ sẽ có quan điểm khác trước, khi họ biết rằng một người như ông Trump có thể lại xuất hiện.

Có thể Quốc hội sẽ giao ít việc hơn cho tổng thống và lấy bớt đi quyền hành của người này.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo bà ?

Saikrishna Prakash : Tổng thống Trump đã cho thấy có một bộ phận cử tri phản đối mạnh trước các hiệp định thương mại và có những người sẵn sàng bầu cho những ai đưa chúng ta ra khỏi các hiệp định thương mại hay "làm cho chúng công bằng hơn".

Ông Trump cũng cho rằng Trung Quốc đã lợi dụng Hoa Kỳ theo các cách có hại cho nền kinh tế và an ninh quốc gia của chúng ta - và tôi nghĩ có sự đồng thuận trong quan điểm này. Không ai muốn bị cáo buộc là nương nhẹ với Trung Quốc, trong khi chẳng ai bận tâm nếu bạn "nhẹ tay" với Canada, phải không ạ ?

Tôi nghĩ các lãnh đạo sẽ cứng rắn hơn hoặc ít nhất họ sẽ nói họ cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Về mặt đối nội, tổng thống Trump có giọng điệu dân túy. Điều này không được thể hiện một cách đầy đủ trong các chính sách của ông, nhưng chúng ta thấy có nhiều người Đảng Cộng hòa thực hiện các ý tưởng dân túy hơn trước.

Saikrishna Prakash là giáo sư Trường luật thuộc Đại học Virginia, chuyên về hiến pháp, luật quan hệ quốc tế và quyền lực của tổng thống

2. Quan hệ của Trump với phe cực hữu

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Matthew Continett : Donald Trump sẽ được nhớ đến như vị tổng thống đầu tiên bị luận tội hai lần. Ông ta đổ dầu vào lửa với thuyết cho rằng cuộc bầu cử bị đánh cắp, kêu gọi người ủng hộ tới Washington để biểu tình phản đối việc xác nhận phiếu Đại Cử tri, bảo họ rằng họ chỉ có thể lấy lại được đất nước bằng sức mạnh, và đứng nhìn khi họ tràn vào chiếm Điện Capitol và can thiệp vào hoạt động của chính phủ theo hiến pháp.

Khi các nhà sử học viết về nhiệm kỳ của ông, họ sẽ nhìn qua lăng kính của cuộc bạo loạn.

Họ sẽ tập trung vào quan hệ giằng xé của Trump với phe cực hữu, vào cách xử lý khủng khiếp trong vụ biểu tình gây chết người ở Charlottesville năm 2017, sự trỗi dậy của chủ nghĩa cực hữu trong thời gian ông nắm quyền, và sự lan tràn mạnh mẽ của các thuyết âm mưu mà ông khuyến khích.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo ông ?

Matthew Continett : Nếu Donald Trump theo gương của những người tiền nhiệm và nhận thua một cách nhã nhặn và ôn hòa, ông lẽ ra sẽ được nhớ đến như một vị lãnh đạo dân túy có ảnh hưởng.

Một tổng thống, người mà trước đại dịch, lãnh đạo một nền kinh tế phát triển mạnh, thay đổi quan điểm của Mỹ về Trung Quốc, xóa sổ các lãnh đạo khủng bố khỏi chiến trường, cải cách chương trình vũ trụ, đảm bảo được phe bảo thủ chiếm đa số trong Tối cao Pháp viện, và phê duyệt Chiến dịch Warp Speed để sản xuất vaccine Covid-19 trong thời gian nhanh chưa từng thấy.

Matthew Continett là người làm nghiên cứu tại American Enterprise Institute, cơ quan chuyên nghiên cứu về sự phát triển của đảng Cộng hòa và phong trào thủ cựu Mỹ.

3. Từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Laura Belmonte : Nỗ lực của ông nhằm từ bỏ vai trò lãnh đạo thế giới và thay thế nó chủ trương điểm mang tính hướng nội, xây thành trì hơn. Tôi không nghĩ chủ trương của ông đã thành công, nhưng câu hỏi ở đây là nó đã làm tổn hại tới uy tín của Mỹ trên trường quốc tế sâu sắc tới mức nào - và điều đó chúng ta phải chờ xem.

Khoảnh khắc tôi thấy kinh ngạc nhất là cuộc họp báo của Trump với Vladimir Putin năm 2018 ở Helsinki, nơi ông ta đứng về phía Putin hơn là phía tình báo Mỹ về vấn đề Nga can thiệp vào bầu cử.

Tôi không thể nghĩ ra một giai đoạn lịch sử nào khác mà có một tổng thống lại hoàn toàn đứng về phía một nước không dân chủ thù nghịch.

Điều đó cũng tượng trưng cho sự tấn công rộng hơn vào một số tổ chức đa phương và các hiệp định và thỏa thuận mà ông Trump đã rút khỏi, chẳng hạn như rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo bà ?

Laura Belmonte : Việc Trump ủng hộ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro và gặp gỡ lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un, thực sự cố gắng hết sức để liên kết Mỹ với những chế độ có các giá trị trái ngược với những gì nước Mỹ nói họ muốn cổ vũ. Đó là điều tôi thấy thực sự rất đặc biệt.

Một khía cạnh khác là tách Hoa Kỳ ra khỏi các vai trò chủ đạo trong việc vận động cho nhân quyền trên khắp thế giới, và thay đổi nội dung của báo cáo nhân quyền thường niên của Bộ Ngoại giao Mỹ và không đề cập đến nhiều chủ đề, chẳng hạn như quyền bình đẳng cho giới LGBT.

Laura Belmonte là một giáo sư sử học và trưởng khoa tại Đại học Khoa học Nhân văn Tự do Virginia Tech College. Bà là một chuyên gia về quan hệ quốc tế và tác giả của nhiều cuốn sách về ngoại giao văn hóa.

4. Thử thách nền dân chủ

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Kathryn Brownell : Nói một cách rộng thì : Donald Trump, và những người tạo điều kiện cho ông trong Đảng Cộng hòa và truyền thông bảo thủ đã thử thách nền dân chủ Mỹ theo một cách chưa từng có. Là một nhà sử học nghiên cứu về sự giao thoa của truyền thông và nhiệm kỳ tổng thống, tôi thấy thật rõ ràng cách thức mà ông đã thuyết phục hàng triệu người rằng phiên bản thêu dệt của ông về những gì xảy ra là sự thật.

Điều xảy ra vào ngày 6/1 ở Điện Capitol là đỉnh điểm của bốn năm mà Tổng thống Trump đã chủ động đẩy mạnh các thông tin sai sự thật.

Cũng như vụ Watergate và vụ luận tội đã thống trị các đánh giá lịch sử về di sản của Tổng thống Richard Nixon trong hàng thập kỷ, tôi nghĩ rằng khoảnh khắc hậu bầu cử này sẽ là chủ đạo trong các đánh giá lịch sử về nhiệm kỳ của Trump.

BBC : Còn điều gì nữa nổi bật theo bà ?

Kathryn Brownell : Đó là việc bà Kellyanne Conway lần đầu tiên đưa ra khái niệm "sự thật thay thế" chỉ vài ngày sau khi chính quyền Trump bắt đầu hoạt động. Bà ta đưa ra khái niệm này khi tranh cãi về quy mô của đám đông tới dự lễ nhậm chức của ông Trump so với ông Barack Obama.

Các tổng thống Mỹ trong thế kỷ thứ 20 đã dùng các biện pháp ngày càng tinh xảo để lý giải các chính sách và sự kiện theo cách có lợi cho họ hay kiểm soát cách truyền thông đưa tin về chính quyền của họ. Nhưng việc khẳng định rằng chính quyền có quyền đưa ra sự thật thay thế vượt xa khỏi những chiêu tuyên truyền thông thường, và cuối cùng nó đã phủ bóng lên cách mà chính quyền Trump vận hành bằng các thông tin sai lệch.

Trump tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và xóa nhòa ranh giới giữa giải trí và chính trị theo những cách giúp ông ta vượt mặt các nhà chỉ trích và kết nối trực tiếp với người ủng hộ một cách không lọc.

Franklin Roosevelt, John F Kennedy, và Ronald Reagan cũng dùng truyền thông mới và phong cách của người nổi tiếng để kết nối trực tiếp với người dân theo cách không lọc như vậy, và cuối cùng họ đã thay đổi sự trông đợi của công chúng và cách vận hành của văn phòng tổng thống, mở đường cho Trump.

Kathryn Brownell là giáo sư lịch sử tại Đại học Purdue, chuyên sâu về quan hệ giữa truyền thông, chính trị, văn hóa phổ thông với trọng tâm là nhiệm kỳ tổng thống Mỹ.

5. Tái định hình bộ máy tư pháp

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Mary Frances Berry : Về những gì ông ấy làm với các thẩm phán, ông Trump đã mang lại thay đổi lâu dài trong 20 năm, 30 năm nữa về mặt chính sách sẽ vượt qua các thách thức pháp lý như thế nào và chúng có thể được thực hiện ra sao - cho dù bất kỳ tổng thống hay chính quyền nào đề xuất chính sách nào đi nữa.

Các tòa án được kiểm soát bởi người của Đảng Cộng hòa. Đôi khi các thẩm phán làm chúng ta ngạc nhiên, nhưng phần lớn, bằng chứng lịch sử cho thấy họ sẽ làm theo những gì phù hợp với quan điểm chính trị và xuất thân của họ.

BBC : Còn điều gì nổi bật nữa theo bà ?

Mary Frances Berry : Khi Trump ủng hộ một loạt các biện pháp hỗ trợ cho một số người trong cộng đồng da đen, chẳng hạn First Step, biện pháp ân xá cho người da đen, cũng như ủng sửa đổi trong luật bổ sung ngân sách để cấp tiền lần đầu tiên cho các trường đại học có lịch sử dành riêng cho người da đen.

Ông phối hợp tất cả những điều đó, cũng như có các chương trình kích thích để đảm bảo các doanh nhân và doanh nghiệp da đen được vay các khoản vốn mà trước đây họ gặp khó khăn.

Tác động của tất cả những điều đó, mà chúng ta sẽ thấy theo thời gian, là vào giữa nhiệm kỳ, nhiều người da đen trẻ bỏ phiếu cho Trump hơn trước đây. Và nếu xu hướng đó tiếp tục, nó có thể sẽ có lợi cho Đảng Cộng hòa.

Mary Frances Berry là giáo sư lịch sử Hoa Kỳ và nhà tư tưởng xã hội tại Đại học Pennsylvania, chuyên sâu về lịch sử pháp lý và chính sách xã hội. Từ 1980 đến 2004, bà là thành viên của Ủy ban Dân quyền Mỹ.

6. Tranh cãi kết quả bầu cử 2020

BBC : Di sản quan trọng nhất của Trump là gì ?

Margaret O'Mara : Tranh cãi chiến thắng bầu cử rõ ràng theo hiến pháp và về con số của Joe Biden.

Chúng ta đã có rất nhiều lần chuyển giao không đẹp đẽ gì. Herbert Hoover rất khó chịu về việc ông thất cử, nhưng ông vẫn lên xe đi tới Đại lộ Pennsylvania vào ngày nhậm chức của đối thủ. Ông không hề nói gì với Franklin Roosevelt suốt buổi, nhưng vẫn có sự chuyển giao quyền lực ôn hòa.

Trump là hiện thân của các thế lực chính trị đã chuyển động trong một nửa thế kỷ hay hơn thế nữa. Là kết quả của những gì diễn ra không những trong Đảng Cộng hòa, và cả trong Đảng Dân chủ và rộng hơn là trong chính trị Mỹ - hiện thân của sự chán nản với chính phủ và các cơ quan quyền lực và chuyên gia.

BBC : Còn điều gì nổi bật nữa theo bà ?

Margaret O'Mara : Trump là nhân vật nổi trội theo nhiều cách, nhưng một trong những điều làm ông nổi bật là ông là một trong số ít những tổng thống được bầu mà chưa từng giữ một chức vụ nào trong bộ máy công quyền trước đó.

Trump có thể ra đi, nhưng vẫn còn sự chán nản lớn với chính quyền, nói một cách rộng hơn. Khi bặn cảm thấy không có quyền lực, bạn sẽ bỏ phiếu cho người nào hứa hẹn sẽ làm mọi chuyện hoàn toàn khác và Trump thực sự đã làm điều đó

Nhiệm kỳ tổng thống cũng được đóng góp bởi những người mà tổng thống bổ nhiệm, và rất nhiều nhân vật đầy kinh nghiệm trong đảng Cộng hòa đã không được mời tham gia chính quyền Trump lúc đầu.

Dần dần, chính quyền Trump đã thu hẹp chỉ còn lại một số những người trung thành nhưng không có mấy kinh nghiệm và về mặt tư tưởng, họ không quan tâm mấy đến điều hành bộ máy một cách khôn ngoan. Những gì đã xảy ra trong ruột của bộ máy quan liêu sẽ phải rất lâu mới xây dựng lại được.

Margaret O'Mara là giáo sư lịch sử tại Đại học Washington, chuyên về lịch sử chính trị, kinh tế và thành thị của nước Mỹ đương đại.

Ritu Prasad

Nguồn : BBC, 19/01/2021

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Ritu Prasad
Read 486 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)