Tối 19 tháng 9 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin cả nước có 61 thí sinh đạt trên 29,5 điểm, tức điểm tối đa cho ba môn thi đại học, nhưng vẫn không đậu vào Học viện Chính trị công an nhân dân do chỉ tiêu quá ít. Trong khi đó, một số thí sinh khác lại đậu dù điểm thấp hơn.
Học sinh trung học ở Việt Nam. Ảnh minh họa. AFP
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp, cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc đậu hay rớt ở đây không có nhiều ý nghĩa.
Theo quy chế tuyển sinh đại học từ mấy chục năm qua, có nhiều đối tượng được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào đại học. Họ là dân tộc thiểu số, chiến sĩ thi đua trong sản xuất, thương binh, bệnh binh, quân nhân, thân nhân liệt sĩ… Điểm ưu tiên là mức điểm thí sinh được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của mình và nó được coi là một căn cứ để các đơn vị giáo dục xét trúng tuyển.
Ông Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại trường Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :
"Hiện nay vấn đề thi tuyển sinh vào đại học, từ khi có chính sách ba chung của Bộ Giáo dục (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả) thì nó bộc lộ rất nhiều khuyết điểm của nền giáo dục Việt Nam.
Điểm ưu tiên nó không còn giá trị lịch sử trong giai đoạn hiện nay nữa. Nó không nói lên được điều gì ngoài sự thiểu năng của một nền giáo dục. Còn nếu muốn ưu tiên cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học tập bằng đô thị thì nên hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật học tập cho họ, chứ không phải ban ơn bằng cái điểm ‘từ thiện’ khi xét tuyển vào đại học".
Theo ông Đinh Kim Phúc, việc thí sinh đạt 30 điểm vẫn rớt đại học vì thua những thành phần trúng tuyển hợp pháp vào các đại học do được cộng điểm ưu tiên, đã nói lên sự thiểu năng của một nền giáo dục không đặt sự phát triển của con người và đất nước lên trên hết, mà chỉ phục vụ cho một tầng lớp quý tộc nào đó trong xã hội.
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng nêu quan điểm của ông về việc này :
"Đây là vấn đề mà bên chính quyền người ta gọi là chính sách. Chính sách này đã được ban hành từ rất lâu mà chưa có sự thay đổi. Quan điểm của chính quyền là muốn tôn vinh những người đã góp phần cho nền độc lập của Việt Nam. Họ gọi là đền ơn đáp nghĩa, và một chính sách cụ thể là ưu tiên cho con em những người này bằng cách cộng điểm ưu tiên.
Dư luận vừa qua cũng có nhiều ý kiến, nhưng tôi nghĩ những ý kiến cũng chưa đủ sức để chính phủ xem lại chính sách này. Tôi nghĩ đây là vấn đề mang tính xã hội cho nên chúng ta phải nhìn qua nhiều góc độ, không chỉ qua cuộc chiến tranh, mà phải qua một thời kỳ mới.
Người ta có thể thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa bằng nhiều hình thức như hỗ trợ về y tế, về tín dụng, cho vay… chứ không nên cộng điểm ưu tiên trong các kỳ thi về tài năng như thi đại học".
Đạt điểm tối đa vẫn không có cửa vào đại học là điều chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không tiên lượng được sự thật có thể nói là khôi hài này. Tiến sĩ Đào Hồng Thu, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khẳng định với báo chí trong nước rằng : "Thí sinh thi 3 môn đạt 30 điểm mà vẫn trượt đại học là chuyện không bình thường, có thể nói vô lý trong giáo dục". Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng : "30 điểm trượt đại học không có gì là ngạc nhiên".
Giải pháp nào ?
Nền giáo dục Việt Nam bị cho là đang đi lạc đường với nhiều sai sót, bất cập... Nhưng để thay đổi thì không hề đơn giản, bởi một mình Bộ giáo dục và Đào tạo không đủ thẩm quyền để thực hiện.
Sau khi nhậm chức Thủ tướng Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, ông Phạm Minh Chính khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu ngành giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ ‘học thật, thi thật và nhân tài thật’. Nhưng thật khó mà có nhân tài thật khi vẫn còn chính sách ưu tiên trong tuyển sinh từ Nhà nước.
Nhà giáo Đinh Kim Phúc phân tích :
"Chuyện này từ lâu Bộ giáo dục và Đào tạo đã thấy, nhưng từ ba, bốn đời bộ trưởng trước, rồi gần đây là Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Kim Sơn cũng khộng giải quyết được vấn đề này. Lý do là điểm ưu tiên nó không nằm ở Bộ Giáo dục mà nằm trong chính sách của Đảng và Nhà nước, cho nên một mình Bộ Giáo dục không làm gì được.
Khi đặt vấn đề xóa điểm ưu tiên sẽ bị một nhóm lợi ích nào đó, một số thành phần nào đó đưa ra quan điểm lập trường, giai cấp… thì để giữ cái ghế, giữ chức họ sẽ không dám làm một cuôc cách mạng về vấn đề này.
Ngày nào còn điểm ưu tiên thì ngày đó giáo dục chỉ đào tạo ra những con người chỉ biết trung thành là quan trọng nhất, chứ không phải có đủ kiến thức để sau khi học xong sẽ góp phần xây dựng xã hội, xây dựng đất nước".
Nhà giáo Đinh Gia Hưng bày tỏ :
"Chúng tôi cũng rất là quan tâm và mọi người cũng rất bất ngờ về những trường hợp như thế. Nhưng Việt Nam là do Đảng lãnh đạo nên những nghị quyết của Đảng được áp dụng trong tất cả mọi lãnh vực chứ không chỉ trong chính trị hay ngoại giao. Trong lĩnh vực giáo dục bây giờ vẫn còn đậm nét những hình thức như thế này.
Tôi nghĩ đây là những đặc thù của Việt Nam mà chúng ta phải lưu ý. Các thí sinh cũng phải lưu ý để có những định hướng tốt hơn, không chỉ để có một tương lai tốt đẹp mà còn biết mình giỏi về lĩnh vực nào để giúp cho quốc gia nữa. Đừng đổ xô thi vào những ngành mình được ưu tiên để có những lợi lộc mà có thể đánh mất thế mạnh cuả bản thân mình".
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu không có tư duy thay đổi mạnh mẽ, dứt khoát thì không thể nào phát triển được giáo dục Việt Nam. Nội lực quan trọng để giáo dục phát triển nằm ở trí tuệ, đạo đức và ý chí của những người trong ngành, những lãnh đạo liên quan ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 21/09/2021