Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

vendredi, 30 juin 2023 11:22

Thiện căn ở tại lòng ta

Mới đây, về Việt Nam, nhân dịp ghé Tây Ninh để thăm gia đình người thân, tôi được bạn bè rủ làm một chuyến "du lịch tâm linh" đến núi Bà Đen. "Du lịch tâm linh" hiện đang là một sinh hoạt tín ngưỡng và tôn giáo rất thịnh hành ở Việt Nam. Hình như ở tỉnh nào cũng có một khu du lịch tâm linh. Tôi chưa có dịp và cũng không có đủ điều kiện hoặc là một tín đồ thuần thành để hành hương đến những nơi xa xăm ở miền Bắc. Thành ra, tiện dịp ghé Tây Ninh, tôi thấy không nơi nào thuận tiện hơn là Núi Bà Đen để quan sát và thử nghiệm thế nào là "du lịch tâm linh" một lần cho biết.

tamlinh1

Lễ Hội Xuân núi Bà Đen kéo dài suốt tháng Giêng năm Quý Mão 2023.

Đầu thập niên 1980, chỉ vài tháng sau khi đến tỵ nạn tại Pháp, là một tín hữu công giáo, tôi đã hăm hở tìm đến một số trung tâm hành hương nổi tiếng của Giáo hội Công giáo ở Âu Châu như Đền thờ Thánh Phêrô ở Roma, thành phố Assisi, quê hương của Thánh Phanxicô, người được tôn vinh như sứ giả của hòa bình thế giới và nhứt là Trung tâm Thánh Mẫu Lộ Đức ở miền Nam nước Pháp. Vào thời điểm đó, sau hơn năm năm trải nghiệm thế nào là sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa vô thần trong đó các sinh hoạt tôn giáo bị theo dõi, hạn chế một cách nghiêm nhặt, tôi rất thèm được tham gia các cuộc biểu dương tôn giáo. Không những được chiêm ngưỡng các di tích lịch sử, văn hóa và kiến trúc cổ kính, tôi cũng thật sự xúc động khi được hòa nhập vào giữa một đám đông những người xa lạ nhưng cùng chia sẻ một niềm tin.

Vừa thoát ra khỏi một chế độ vô thần, những đám đông mà tôi đã nhìn thấy tại những trung tâm hành hương của Kitô giáo ở Âu Châu quả đã tạo ra một ấn tượng mạnh trong tôi. Nhưng so với cái đám đông đã cùng với tôi "du lịch tâm linh" đến núi Bà Đen thì xem ra số khách du lịch hoặc tham gia cuộc hành hương tại các trung tâm tôn giáo ở Âu Châu chẳng là gì cả. Đoạn đường từ bãi đậu xe đến trạm cáp treo đưa lên đỉnh núi Bà Đen dài cả cây số dầy nghẹt người. Phải mất gần một tiếng đồng hồ để đi bộ qua đoạn đường ấy. Nhiều người cho biết : dịp Tết vừa rồi, có người phải chờ 2, 3 ngày mới được đặt chân lên cáp treo ! Bạn không cần phải đi, đám đông tự động đẩy bạn đi tới. Từ đám đông ấy, tôi nghe đủ giọng nói : từ giọng Bắc "75" đến giọng "trọ trẹ" sô viết nghệ tĩnh cho đến giọng chả chớt dễ thương của người Miền Nam. Mà vé khứ hồi lên xuống cáp treo đâu phải rẻ. Trùm sò như tôi, mà phải chi ra gần 25 Úc kim để có được một vé "du lịch tâm linh" lên đỉnh núi Bà Đen, tôi cũng thấy tiếc lắm ! Nhưng nghĩ lại thấy cũng đáng đồng tiền bát gạo.

tamlinh2

Dòng người ken đặc xếp hàng ở nhà ga di chuyển đến cáp treo để lên đỉnh núi

Thật ra, tôi bỏ tiền ra không phải để được lên đến một đỉnh núi cao gần cả 1000 thước để chiêm ngắm tượng Bà Đen, mà chính là để cảm nghiệm được tình cảm tôn giáo của đám đông. Phải nhìn nhận rằng phần lớn những người lên đỉnh núi Bà Đen không chỉ thuần đi du lịch như tôi, mà để thể hiện niềm tin tôn giáo hay tín ngưỡng của họ. Trong số những người đến ngước mắt nhìn lên tượng Bà Đen cao ngất ngưỡng trên đỉnh núi, tôi thấy có rất nhiều người trẻ. Già trẻ, lớn bé, ai cũng đều tỏ ra thành tín trong cử chỉ khấn vái và cầu khẩn của họ.

Là khách "du lịch tâm linh", nhưng tôi không khấn vái cầu xin bất cứ điều gì trước tượng Bà Đen, mà là cố gắng nhìn vào bức tranh tổng thể của các sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng ở Việt Nam hiện nay.

tamlinh3

Tuyến cáp treo Vân Sơn đưa du khách từ chân núi lên đỉnh Bà Đen, có chiều dài hơn 2 km.

Việt Nam bây giờ thay da đổi thịt lắm ! Đó là cảm nhận mà không chỉ du khách nước ngoài đến Việt Nam mới có, mà ngay cả nhiều người Việt, sau nhiều năm sống ở ngoại quốc, nay về thăm nhà cũng đều nhìn nhận như thế. "Thay da đổi thịt" về mọi mặt, nhứt là về phương diện tôn giáo và tín ngưỡng. Đi thoáng qua một vòng từ Bắc chí Nam, liệu có ai còn bảo rằng ở Việt Nam có bách hại tôn giáo không. Dĩ nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục bị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa vào "danh sách các quốc gia đáng bị theo dõi một cách đặc biệt" về những vi phạm nghiêm trọng đối với tự do tôn giáo. Một cách cụ thể, một số tôn giáo có tổ chức như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tiếp tục bị đặt ra ngoài vòng pháp luật ; chư tăng, ni và chùa nào không theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam mà người dân thường gọi là "Giáo hội nhà nước" hay "Giáo hội quốc doanh" đều bị cô lập, xách nhiễu đủ điều.

Tại Tây Nguyên, đồng bào Thượng cũng bị bách hại một cách trắng trợn vì niềm tin tôn giáo của họ. Cũng tại Tây Nguyên, tại một số nơi, chính quyền địa phương dùng vũ lực cản trở một cách thô bạo việc cử hành thánh lễ của các linh mục công giáo... Nhưng thủ đoạn đối với tôn giáo của chính quyền cộng sản Việt Nam mà Hòa thượng Thích Không Tánh, phó viện trưởng Hội đồng Điều hành của Tăng đoàn Giáo hội Việt Nam Thống Nhất, gọi là "trấn, phân, cô, kéo" (trấn áp, phân rẽ, cô lập, lôi kéo) là điều mà có lẽ du khách nước ngoài hay ngay cả người trong nước không thấy được (1).

Bức tranh tôn giáo dễ bắt mắt nhứt vẫn là cảnh chùa chiền, nhà thờ nguy nga đồ sộ mọc lên như nấm. Người ta cũng chưa bao giờ được thấy ở Việt Nam những cuộc biểu dương tôn giáo "hoành tráng" như hiện nay. Con số các nhân sự tôn giáo thì khỏi nói : tu viện, chủng viện đầy ắp tu sinh. Cũng chưa bao giờ con số nhân sự tôn giáo được gởi đi tu học ở nước ngoài nhiều như hiện nay. Phải nhìn nhận, dưới một chế độ vẫn tiếp tục tự xưng là vô thần, sinh hoạt tôn giáo khởi sắc hơn bao giờ hết. Nhưng dĩ nhiên cái giá mà các tôn giáo có tổ chức phải trả quá đắt !

tamlinh4

Chùa Ba Vàng tọa lạc trên lưng chừng núi Thành Đẳng, thuộc phường Quang Trung (thành phố Uông Bí, Quảng Ninh). (Ảnh : TTXVN)

Là người công giáo xuất phát từ Giáo phận Nha Trang, tôi đặc biệt theo dõi một diễn biến gần đây nhứt. Đó là việc Tòa Thánh đã bổ nhiệm một tân giám mục cho giáo phận này. Về nhận nhiệm sở, một trong những việc đầu tiên của vị giám mục là phải đi trình diện với chính quyền địa phương. Trong dịp này, lãnh đạo tỉnh đã nhắc nhở giám mục tân cử và các chức sắc trong giáo phận phải "tiếp tục tuyên truyền, dẫn dắt giáo dân gắn bó, ủng hộ các chủ trương, chính sách, định hướng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh...". Về phần mình, tân giám mục giáo phận Nha Trang cũng "khẳng định sẽ tiếp tục chung tay, đồng hành cùng với địa phương dẫn dắt, động viên chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ; vận động đồng bào công giáo tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cho sự nghiệp phát triển, kinh tế của tỉnh" (2). Quả là "tốt đời đẹp đạo" ! Đảng được "vinh quang" mà đạo cũng khởi sắc !

Là người có niềm tin tôn giáo, nhưng tôi không lượng giá sức sống của một tôn giáo dựa trên con số tín đồ, lực lượng nhân sự, những nơi thờ tự nguy nga đồ sộ và nhứt là những cuộc lễ hoành tráng với cờ xí và phẩm phục tung bay rợp trời. Sức sống và sức mạnh của niềm tin tôn giáo trước tiên và thiết yếu phải được thể hiện qua vai trò "tiên tri" của tôn giáo, một cách cụ thể tôn giáo phải trở thành tiếng nói của sự thật và cuộc chiến chống lại dối trá và độc ác. Tôi chưa nhìn thấy được một sức sống như thế trong các tôn giáo có tổ chức ở Việt Nam. Chế độ cộng sản ở Việt Nam vẫn mãi mãi là một chế độ độc tài xây dựng trên dối trá và độc ác. "Chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước" là góp tay xây dựng và củng cố chế độ dối trá và độc ác ấy, trong khi sứ mệnh của tôn giáo là giúp cho con người sống cho ra người lương thiện và tử tế hơn. Đã dối trá và độc ác thì đừng vỗ ngực rêu rao niềm tin tôn giáo của mình. Còn trong chính trị, đã dối trá và độc ác thì đừng nói đến chủ trương và chính sách tốt !

Có người cho rằng "một ông thánh làm chính trị tồi thì cũng vẫn là một chính khách tồi. Ngược lại, một tên lưu manh làm chính trị giỏi, biết cách sử dụng quyền lực cho những mục tiêu lớn và tốt, thì cũng vẫn là một chính khách giỏi" (3). Do đó, theo tác giả, đánh giá một nhà chính trị, chỉ cần dựa vào chính sách của họ. "Với ông Minh (Hồ Chí Minh) cũng vậy". Tác giả cũng cho rằng chủ trương và các chính sách của Hồ Chí Minh, cụ thể những cuộc đấu tố tàn ác trong Cải Cách Ruộng Đất, cuộc truy sát tàn bạo thời Nhân văn Giai phẩm và nhứt là cuộc chiến "thần thánh" nướng cả mấy triệu đồng bào ruột thịt trên bàn thờ xã hội chủ nghĩa... chẳng ăn nhập gì với cái tâm dối trá và độc ác của ông cả !

Nhìn lại lịch sử thế giới kể từ sau Đệ nhứt Thế chiến, tôi nhận thấy một điều : trong tất cả các lãnh tụ cộng sản, từ Lenin, Stalin, Mao Trạch Đông đến Hồ Chí Minh, Polpot và nay Kim Jong-un của Bắc Hàn và Tập Cận Bình của Trung Quốc hay Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam... không có người nào mà không lưu manh, dối trá và độc ác. Theo tôi, người có Tâm lương thiện có thể là một chính khách không thành công, nhưng chắc chắn không cho phép mình đề ra những chính sách tồi bại, độc ác. Thành ra, không thể đánh giá một người làm chính trị mà không màng đến tư cách và những giá trị đạo đức. "Phải đề cao các giá trị đạo đức đối với những người làm chính trị. Phải xem đó là yếu tố bắt buộc và quan trọng nhất" (4).

Không những các chính trị gia mà người dân nếu thực sự muốn sống trong một thể chế dân chủ cũng phải xem trọng các giá trị đạo đức. Dân trí không chỉ có nghĩa là người dân có trình độ học vấn và hiểu biết nhiều, mà còn phải đặt trọng tâm vào những giá trị đạo đức và lương tâm.

tamlinh5

Donald Trump hiện vẫn được hơn 80 phần trăm cử tri của Đảng Cộng Hòa bái lạy tôn thờ như Chúa Giêsu...

Nói đến dân trí, tôi không thể không liên tưởng đến nền dân chủ của Hoa Kỳ. Quốc gia có nền dân chủ lâu đời nhứt thế giới, có nền kinh tế thịnh vượng nhứt thế giới này hiện đang trải qua cuộc khủng hoảng về dân chủ. Nói như bà Liz Cheney, người đã bị Đảng Cộng Hòa trục xuất ra khỏi Đảng vì tham gia cuộc điều tra của Hạ Viện về vai trò của cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bạo loạn tại Quốc hội ngày 6 tháng Giêng năm 2021, vấn đề hiện nay của chính trị Mỹ là "chúng ta đang bầu chọn những tên ngu đần" (5). Không những ngu dần, một tên lưu manh, dối trá như cuội, vô đạo, vô pháp, ngồi xổm trên Hiến pháp và Luật pháp như Donald Trump hiện vẫn được hơn 80 phần trăm cử tri của Đảng Cộng Hòa bái lạy tôn thờ như Chúa Giêsu... Tôi ngờ về dân trí của một bộ phận không nhỏ người Mỹ !

Dân trí và dân chủ đích thực chỉ có thể và phải được xây dựng trên lương tri, tức khả năng biết phân biệt thiện ác, phải trái cũng như nhìn nhận và tôn trọng sự thật. Lúc nào tôi cũng biết ơn đất nước Úc Đại Lợi. Một đất nước có một vị trí khiêm tốn về mọi mặt nhưng lại là một trong những nơi đáng sống. Bởi, tôi luôn nhìn thấy nỗ lực của chính phủ trong việc nâng cao mọi mặt của mọi người dân trong một xã hội đa văn hóa và đương nhiên rất đa dạng. Dân Úc đa số không "trung thành" với một đảng phái. Chính phủ luôn phải lắng nghe người dân và quân bình trong chính sách. Nhờ vậy, tôi thực sự hiểu được thế nào là dân chủ và đồng thời lúc nào cũng cảm thấy được thúc đẩy để nâng cao dân trí của chính mình. Tựu trung nâng cao dân trí với tôi cũng có nghĩa là cố gắng sống theo lương tâm, tôn trọng sự thật và sống cho ra người. Trí phải luôn dựa trên tâm.

tamlinh6

Cách thị xã Bảo Lộc khoảng 20 cây số có một ngôi chùa có tên là Linh Quy Pháp Ấn, thường được khách thập phương và thiện nam tín nữ tìm đến để ngắm bình minh và "săn mây" nơi Cổng Trời.

Trước khi tham gia chuyến "du lịch tâm linh" ở Núi Bà Đen, tôi cũng đã làm một cuộc du lịch tâm linh thực sự có ý nghĩa ở Bảo Lộc. Nghe nói cách thị xã Bảo Lộc khoảng 20 cây số có một ngôi chùa có tên là Linh Quy Pháp Ấn, thường được khách thập phương và thiện nam tín nữ tìm đến để ngắm bình minh và "săn mây" nơi Cổng Trời. Một buổi sáng nọ, nhà tôi và tôi thức dậy thật sớm, gọi taxi chở đến nơi để xem ngôi chùa có thực sự là "Cổng Trời" không. Tôi vẫn thường tự nhận là một Phật tử và dĩ nhiên theo cách thế riêng của tôi, bởi vì tôi chưa hề thí phát quy y, niệm Phật, cúng dường hay ngay cả ăn chay... Dù chưa thấm nhuần giáo lý nhà Phật, nhưng những điều căn bản mà Đức Phật đã dạy thì quả thật tôi luôn cố gắng sống theo.

Tôi cứ tưởng điểm đến của cuộc "du lịch tâm linh" ở Bảo Lộc là Chùa Linh Quy Pháp Ấn. Thế nhưng, chính con đường hẹp đầy đá sỏi dẫn lên chùa mới thực sự là nơi để tôi cảm nghiệm được thế nào là "du lịch tâm linh". Phải mất hơn nửa tiếng để lội bộ lên chùa và cứ mỗi 50 hay 100 bước, du khách không thể không dừng lại trước một tấm bảng để suy gẫm về một câu kinh Phật. Tất cả mọi câu kinh đều nhắc nhở tôi về thế nào là sống cho ra người lương thiện và tử tế. Mặc dù cuối cùng, tôi đã đến đỉnh núi và đứng trước cửa chùa để ngắm bình minh. Nhưng có lẽ ánh bình minh của lương tâm trong tôi mới thực sự mở mắt tôi để tôi biết cố gắng phân biệt thiện ác hầu sống cho ra người lương thiện và tử tế hơn.

Chu Văn

(30/06/2023)

 --------------------------

Chú thích :

1. Nhà báo Song Chi phỏng vấn Hòa thượng Thích Không Tánh 

2. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nguyễn Tân Tuân tiếp tổng giám mục Giuse Nguyễn Chí Linh và giám mục tân cử giáo phận Nha Trang...

3. Tôi không cần biết ông Hồ Chí Minh có mấy vợ (Nguyễn Hưng Quốc) 

4. Giải mã hiện tượng "cuồng Trump"  (Việt Hoàng)

5. Cheney on the problem with American politics...

Published in Văn hóa

Các cơ sở "Phật giáo Nhà nước" ‘hưởng lợi’ khi chính quyền thúc đẩy du lịch tâm linh vì mục đích kinh tế ?

Phật giáo Việt Nam có hưng thịnh hơn hay không là vấn đề lớn cần bàn thảo. Bài viết góp thêm cách nhìn từ phương diện kinh tế. Du lịch tâm linh góp phần tăng trưởng kinh tế do chính sách thúc đẩy khiến Phật giáo được ‘hưởng lợi’ để xây dựng cơ sở vật chất nhưng lại phụ thuộc chặt chẽ hơn vào chính quyền.

phat1

Các nhà sư làm lễ tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam hôm 13/5/2019 - AFP

Góp phần tăng trưởng kinh tế

Chính phủ Hà Nội trong những năm gần đây chú trọng thúc đẩy du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng để tăng trưởng kinh tế, nhờ đó mà nhu cầu dịch vụ phát triển, việc làm và thu nhập cho người dân địa phương được tăng lên.

Mới đây, đầu tháng 3, tỉnh Hải Dương chính thức được dỡ lệnh phong toả vì Covid-19. Đây là địa phương bùng phát dịch từ trước tết âm lịch Tân Sửu và lan ra 13 tỉnh thành phố trong cả nước. Trước sức ép tăng trưởng kinh tế, cách tiếp cận về phòng và chống dịch theo Chỉ thị 19 được cho là ‘linh hoạt’ hơn, cách ly tập trung có trọng điểm và tích cực truy vết nguồn lây. Thời gian sau Tết là cao điểm mùa lễ hội, nên các tỉnh, thành phố cũng mở cửa trở lại các địa điểm ‘tâm linh’ thúc đẩy du lịch với khuyến cáo về biện pháp phòng dịch…

Tâm lý người dân bị ‘dồn nén’ do phong tỏa, nay ‘bùng nổ’. Chùa Tam Chúc tỉnh Hà Nam, một địa điểm tâm linh, hôm trước ‘mở hội’ hôm sau được mô tả là ‘vỡ trận’. Hàng vạn người đổ về khiến ban tổ chức, sư trụ trì phải lên truyền thông giải thích và khuyến cáo khách du lịch. Cảnh tương tự cũng xảy ra với chùa Hương và một số địa điểm danh thắng khác khi mở cửa trở lại. Tình hình các lĩnh vực giải trí khác cũng có nhu cầu lớn, chẳng hạn như khi giải bóng đá hạng nhất "V-Leage" được tiếp tục, các ‘Fan’ hâm mộ ‘chen nhau’ mua vé xem các trận đấu vì bị giới hạn số lượng khán giả vào sân….

phat2

Biển người tràn vào chùa Tam Chúc ở tỉnh Hà Nam nhân lễ hội đầu năm 2021. RFA edit

Hàng năm ở Việt Nam có khoảng 8 đến 9 nghìn lễ hội khác nhau, trong đó có nhiều địa điểm thu hút khách du lịch. Du lịch tâm linh ở Việt Nam đang trở thành xu hướng ngày càng phổ biến và đóng góp ngày càng lớn vào sự tăng trưởng kinh tế. Trong giai đoạn vừa qua, ngành du lịch đã tăng trưởng mạnh mẽ với tỷ lệ trên 12% mỗi năm, năm 2012 doanh thu mới đạt 160.000 tỷ đồng (khoảng 8 tỷ $), nhưng đến năm 2019 đạt "kỷ lục" khoảng 720.000 tỷ đồng (gần 30 tỷ $) với 18 triệu lượt khách quốc tế và 85 triệu lượt khách nội địa…. Theo ước tính của Tổng cục Du lịch, có khoảng 12% đến 15% du khách du đến thăm các địa điểm tâm linh.

Thái độ ‘mềm dẻo’ hơn

Trong chính sách phát triển du lịch nói chung và du lịch tâm linh nói riêng, thái độ của chính quyền đối với Phật giáo đã ‘linh hoạt, mềm dẻo’ hơn. Ngoài việc xác định vai trò lớn đối với tăng trưởng kinh tế, chính quyền đã thay đổi đáng kể thái độ về phát triển bền vững, môi trường thiên nhiên và cuộc sống tinh thần trong xã hội. Một cuộc hội thảo về chủ đề này Tổng cục Du lịch tổ chức, đã đánh giá cao những giá trị về tinh thần mà du lịch tâm linh mang lại, "giúp cho con người đạt tới sự cân bằng, cực lạc trong tâm hồn như theo triết lý từ-bi-hỷ-xả của đạo Phật…". Một số cơ sở Phật giáo lớn đã là nơi tổ chức các sự kiện như mang tính quốc gia liên quan đến tín ngưỡng, chẳng hạn như lễ cầu siêu cho các nạn nhân bị tai nạn giao thông với sự tham dự của lãnh đạo cấp Nhà nước.

Chính quyền mỗi năm đầu tư hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách trung ương và địa phương cho việc trùng tu, nâng cấp và xây mới các công trình tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo. Nguồn tiền ‘công đức’ của du khách thập phương cũng là kênh huy động được chính quyền cho phép. Tuy nhiên, sự tham gia của các ‘đại gia’ vào xây dựng các công trình Phật giáo ‘thế kỷ’ đã và đang gây bàn cãi trong dư luận và giới nghiên cứu về sự minh bạch về đầu tư, thu chi, nguồn gốc đất đai và biến tướng hoạt động tín ngưỡng.

Chùa Ba Vàng ở tỉnh Quảng Ninh được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là ngôi chùa trên núi có tòa chính điện lớn nhất Việt Nam. Theo Báo điện tử báo Nông thôn Ngày nay số ngày 9/3/2014, ngôi chùa này được xây lại với 500 tỷ đồng từ nguồn công đức, nhưng dư luận đồn đoán có sự đầu tư của nhiều quan chức trung ương và tỉnh. Trong quá trình xây dựng, hàng chục ngàn mét vuông đất rừng quốc gia đã bị lấn chiếm. Ngoài ra, một số hoạt động mang tính chất mê tín như "vong báo oán" và "giải nghiệp" để thu lợi hàng trăm tỉ đồng mỗi năm hay ‘cúng hóa giải’ nạn dịch cúm Covid-19 gần đây, theo chính quyền sở tại, là "không nằm trong nội dung đăng ký Phật sự".

Một số công trình lớn khác như chùa Bái Đính hay chùa Tam Chúc cũng có nhiều thắc mắc tương tự về tính minh bạch nguồn gốc đất đai, việc cấp phép và thu chi… Những câu hỏi công khai trên báo nhà nước như : "Nhập nhèm phía sau ngôi chùa lớn nhất thế giới" hay "Chủ đầu tư ngôi chùa lớn nhất thế giới tại Hà Nam thu lời thế nào ?" có lẽ không nhận được câu trả lời khi chính quyền thiếu trách nhiệm giải trình công khai minh bạch trước người dân.

‘Thực dụng’

Chính quyền và Phật giáo đều trở nên ‘thực dụng’ hơn. Dường như cả hai có ‘khoảng giao thoa’ nhất định để cùng đạt mục đích. Mặc dù ‘tự do tôn giáo’ dưới sự quản lý của Nhà nước được hiến định, nhưng giáo lý Phật giáo đã được ‘mềm hoá’ trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang thị trường. Quan niệm rằng vũ trụ được vận hành bởi các quy luật tự nhiên là Nhân - Quả và Luân hồi, không hề có một vị thần nào có thể khống chế các quy luật đó, gần với chủ nghĩa vô thần nhà nước. Ngoài ra, tư tưởng "bất bạo lực", không tham gia chính trị, dễ hướng tới phục tùng chính quyền, nên Phật giáo, dường như được ‘ưu ái’ hơn so với các tôn giáo khác. 

phat3

Các nhà sư làm lễ cầu siêu cho cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang tại chùa Quốc Tự ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 23/9/2018. AFP

Tuy nhiên, dưới chế độ đảng cộng sản toàn trị, Phật giáo phải phụ thuộc vào chính trị. "Cuộc cách mạng văn hoá" ở Trung Quốc (1966-1976) được phát động bởi Mao với mục đích thanh trừng phe phái nhưng đã huỷ hoại phần lớn cơ sở vật chất Phật giáo và xoá bỏ tín ngưỡng. Trong thời kỳ này, Việt Nam cũng ít nhiều chịu ảnh hưởng. Ngoài ra, tính độc lập tương đối của Phật giáo cũng có thể bị mất đi vì lý do kinh tế. Giới tăng lữ Myamar đã không thể ‘hồi sinh’ trong phong trào "bất tuân dân sự" trong cuộc đảo chính ngày 01/2 mới đây vì lợi ích của tăng đoàn gắn chặt với tập đoàn quân sự.

Ở Việt Nam, vì sự phụ thuộc chặt chẽ vào chính quyền, Phật giáo cũng buộc phải trở nên ‘thực dụng’ hơn để ‘hưởng lợi’ từ chính sách khuyến khích du lịch tâm linh vì mục đích tăng trưởng, bởi vậy việc nhận định về sự thịnh vượng của Phật giáo trong giai đoạn hiện nay là chưa thuyết phục.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : RFA, 01/04/2021

Published in Diễn đàn