Dân tháo chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương : Nỗi đau đầu mới của cộng sản Việt Nam
Tư Ngộ, Người Việt, 04/10/2021
Hàng trăm ngàn người thất nghiệp vẫn tiếp tục tháo chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai… khiến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam thêm nỗi đau đầu.
Tin tức, hình ảnh và video clip phổ biến trên mạng xã hội cũng như trên guồng máy tuyên truyền của chế độ hôm thứ Hai, 4 tháng Mười cho thấy, công nhân sống nhờ vào các khu kỹ nghệ, hoặc chỉ là những người lao động tự do ở Sài Gòn và Bình Dương, vẫn tiếp tục bỏ chạy.
Dù trời chưa sáng rõ, công nhân thất nghiệp bỏ chạy khỏi Sài Gòn vào hôm 1 tháng Mười khi lệnh phong tỏa vừa gỡ bỏ. (Hình : Chi Pi/AFP/Getty Images)
Họ đã bị nhà cầm quyền các địa phương nhốt trong nhà hơn bốn tháng qua nhằm chận đà lây nhiễm dịch Covid-19. Họ được hứa hẹn trợ cấp tiền bạc và thực phẩm khi bị cấm ra đường, chờ hết dịch sẽ có đời sống bình thường trở lại. Nhưng thực tế không diễn ra như những lời cam kết của nhà cầm quyền.
Nhà cầm quyền trung ương cộng sản Việt Nam thậm chí mang cả quân đội tới Sài Gòn và Bình Dương để canh giữ và ngó chừng sợ dân nổi loạn mà bề ngoài thì đóng vai thay dân "đi chợ".
Khi lệnh phong tỏa chống dịch được gỡ bỏ từ sáng sớm 1 tháng Mười, người ta rùng rùng theo nhau bỏ về quê. Tới giờ, những gì được tường thuật trên truyền thông của nhà cầm quyền, cho người ta hiểu một phần nhỏ của những khốn đốn kinh hoàng của "giãn cách xã hội".
Một số người được phát cho một ít tiền, một ít gạo nhưng không phải ai cũng được. Cả tiền và gạo trợ cấp không đủ bao nhiêu so với nhu cầu nên hầu như họ đều cố gắng cầm cự qua ngày với mì gói và những gói thực phẩm cứu trợ khẩn cấp của các tổ chức, cá nhân từ thiện tự phát. Các đồng tiền họ tiết kiệm được đều đã tiêu hết sạch. Nhiều người phải đi xin đồ ăn chống đói.
Kiệt quệ cả tinh thần lẫn vật chất, khi lệnh phong tỏa xả ra, họ như được tháo cũi xổ lồng, túa ra đường tìm về quê cũng vì công việc không biết sẽ có hay không. Tiền ăn không có, tiền nhà không có, nên chỉ có con đường duy nhất là quay lại cố quận. Mò cua bắt ốc, lam lũ đồng ruộng có thể nghèo, nhưng chắc không chết đói như khi cố trụ lại thành phố.
Nhà cầm quyền 13 tỉnh phía Nam và các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, thấy dân quay về cũng chẳng hoan hỉ gì vì có thể mang theo dịch bệnh, kèm theo những vấn đề xã hội khác sẽ phát sinh. Những người quay về lại bị đưa đi "cách ly tập trung" một ít ngày theo nguyên tắc ngăn chặn lây lan chứ không phải về quê là được về nhà cũ ngay.
Tờ Người Lao Động hôm thứ Hai, 4 tháng Mười, khi thấy dân khi bỏ chạy đã bị chận lại ở nhiều nơi rối bắt xét nghiệm Covid-19 và "cách ly tập trung" nếu âm tính với dịch mới cho về nhà, viết rằng "Hãy để họ về nhà".
"Ngăn cản, không tiếp nhận thì vừa sai luật vừa trái đạo lý, mà thả cửa thì dễ ‘vỡ trận’ vì khả năng chăm lo mọi mặt của địa phương có hạn". Bởi vậy nên "cứ mở rồi lại đóng, cứ tỉnh này cho qua, tỉnh kia ngăn lại, điệp khúc khổ ải này lại vang lên thêm lần nữa". Mỗi tỉnh chống dịch một kiểu, đẩy dân vào đường cùng.
Khi hàng trăm ngàn người rùng rùng chạy khỏi Sài Gòn, Bình Dương, tại cuộc họp trực tuyến hôm mùng 2 Tháng Mười, ông Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước, dỗ ngọt giới công kỹ nghệ gia đang dở sống dở chết là "ánh sáng đã xuất hiện cuối đường hầm", theo tờ Tuổi Trẻ.
Ánh sáng cuối đường hầm thì chưa thấy khi phần lớn giới công kỹ nghệ ở Sài Gòn, Bình Dương, Đồng Nai, Long An kêu rên phần lớn đã phải đóng cửa vì kiệt quệ tài chính. Những công ty còn thoi thóp thì thiếu công nhân vì họ bỏ chạy.
Theo tờ Tiền Phong, tại cuộc hội thảo ngày 2 tháng Mười với chủ đề "Nguồn nhân lực lao động cho Sài Gòn và các tỉnh lân cận sau đại dịch", ông Phạm Thanh Trực – phó trưởng Ban Quản Lý các khu công nghệ-khu chế xuất của thành phố này cho biết 31.000 công nhân các khu vừa kể đã bỏ về quê. Các công ty còn hoạt động thì thiếu nhân công hoặc thiếu nguyên liệu vì nguồn cung cấp bị đứt gãy.
Sáng 1 tháng Mười, dòng người bỏ chạy vẫn nườm nượp không dứt và còn tiếp tục đến hôm 4 tháng Mười. (Hình : NguyenHuu/AFP/Getty Images)
Ông Lê Minh Tấn – giám đốc Sở Lao Động thành phố dịp này cho biết, nơi đây có trên 470.000 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó trên 15.000 doanh nghiệp ngoại quốc đầu tư sản xuất, tổng cộng với trên 3,2 triệu công nhân. Nhưng dịch bệnh trong năm tháng vừa qua đã tác động rất mạnh đến doanh nghiệp, việc làm, hoạt động kinh tế, dịch vụ, các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ… Hậu quả rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản.
Trước đó một ngày, tại cuộc hội thảo trực tuyến "Bức tranh kinh tế Việt Nam và Đồng bằng sông Cửu Long – dự báo kinh tế quý 4 và triển vọng năm 2022″ do Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam chi nhánh Cần Thơ phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc – chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nêu ra tính cách bất nhất khi chống dịch ở Việt Nam đã giết chết nhiều doanh nghiệp.
Theo ông Lộc, "Khi mở cửa thì tránh tình trạng lúc đóng, lúc mở, lúc siết, lúc buông, trên nói một đằng, dưới làm một nẻo, tỉnh A thông đường còn tỉnh B lập rào chắn, huyện thì bảo doanh nghiệp được vận hành bình thường nhưng xã phường thì bảo người lao động ‘ai ở đâu ở yên đó,’ ngăn sông cấm chợ một cách vô lối, làm khó cho doanh nghiệp, làm khổ dân sinh và tôi cũng biết rằng nhiều doanh nghiệp đã chết oan vì điều đó", theo tờ Tuổi Trẻ tường thuật.
Hai vấn nạn giới công nhân bỏ chạy và giới doanh nghiệp đang dở sống dở chết, đang làm tí "ánh sáng cuối đường hầm" mà ông Nguyễn Xuân Phúc tuyên truyền có dấu hiệu chập chờn thêm.
Gần 90 ngàn người rời Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 1/10, các công ty thiếu lao động trầm trọng
RFA, 04/10/2021
Kể từ khi thành phố Hồ Chí Minh dỡ bỏ lệnh phong toả ngặt nghèo do dịch bệnh Covid-19 vào ngày 1/10, đã có gần 90.000 lao động ngoại tỉnh rời thành phố để về quê, dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động ở các công ty tại thành phố trung tâm kinh tế của cả nước. Truyền thông Nhà nước và hãng tin Reuters loan tin hôm 4/10.
Người lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/10/2021 - Reuters
Các hình ảnh và video được người dân quay trực tiếp trong các ngày qua tại các cửa ngõ ra vào Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy hàng đoàn người lao động đã rời thành phố bằng xe máy để về quê, gây ách tắc tại nhiều nơi. Thậm chí, đã có nơi xảy ra hiện tượng người dân phá chốt, quỳ lạy công an để được qua chốt về quê, hay hiện tượng quân đội đánh người dân.
Một số người dân được Reuters phỏng vấn cho biết, họ đã bị kẹt lại trong thành phố nhiều tháng vì lệnh phong toả, mất việc, mất thu nhập, họ mệt mỏi và muốn được về quê để làm nông nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hòa Bình được Reuters trích lời kêu gọi người lao động ngoại tỉnh ở lại vì thành phố đang thiếu lao động trầm trọng.
Một doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh nói với Reuters là công ty này hiện chỉ có được 60% lao động cần để thực hiện các dự án trong khi rất khó để tuyển thêm lao động.
Trong khi đó, theo truyền thông Nhà nước, trong các ngày qua, lãnh đạo nhiều tỉnh miền Tây đã gửi công văn kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tỉnh, thành miền Đông siết chặt kiểm soát, không để người dân tự ý rời khỏi địa bàn. Lý do được đưa ra là các tỉnh miền Tây đã tiếp nhận hàng chục ngàn người lao động về quê trong khi cơ sở để tiếp nhận người về cách ly lại không đủ.
Các tỉnh này đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ chỉ đạo Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, những nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và lao động ngoại tỉnh, vận động người dân ở lại thêm 15 ngày nữa để các địa phương chuẩn bị đủ cơ sở cách ly sẽ tiếp nhận thêm đợt người mới.
Nguồn : RFA, 04/10/2021
**********************
Trần Chung, VietnamNet, 02/10/2021
Hàng nghìn lao động chấp nhận về quê hương, bỏ lại sau lưng giấc mơ lập nghiệp tại thành phố. Hệ lụy kéo theo là tình trạng doanh nghiệp thiếu hụt nhân công để khôi phục sản xuất trong "bình thường mới".
Từ bỏ giấc mơ bám phố
Khi hình ảnh cả nghìn người di chuyển trên những chiếc xe máy chở theo toàn bộ đồ đạc gia đình hướng về miền Tây xuất hiện trong đêm 1/10, người ta càng thấy rõ quyết định khăn gói rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh của những lao động ngụ cư này. Áp lực khi thất nghiệp, áp lực duy trì sinh tồn rồi cũng khiến họ đầu hàng sau thời gian dài giãn cách.
"Chúng tôi chỉ muốn đi thẳng về quê. Xe tôi có mì tôm, sữa, xăng cũng đem theo vì không muốn ghé dọc đường làm liên lụy đến ai. Về tới tỉnh của mình chúng tôi sẽ tự cách ly. 17 ngày, 21 ngày hay một tháng không quan trọng", một lao động nói, khi mắc kẹt tại chốt kiểm soát trong đêm.
"Sau 4 tháng, cuối cùng mọi người cũng chọn cách về quê. Đừng trách họ. Mất việc và được trợ cấp 1,5 hay 2,5 triệu, nhưng sống ở thành phố này 4 tháng đâu phải chuyện ai cũng làm được. Dù sao, quê hương sẽ nhẹ nhàng với cuộc sống, cái ăn cái mặc của mọi người", Lương Nguyễn Hòa Thương bình luận tại diễn đàn "Tôi là dân Sài Gòn" khi thấy những hình ảnh trên.
Hàng nghìn lao động rời Thành phố Hồ Chí Minh ngày 1/10 (ảnh : Phong Anh)
Ông Trần Việt Anh – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn, sau khi khảo sát thực tế đã phân chia thành 4 nhóm lực lượng lao động : lao động làm cho các doanh nghiệp FDI ; lao động làm cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp ; lao động làm ngoài các khu công nghiệp ; lao động tự do. Cả 4 nhóm lao động đều ở trong những khu trọ có mật độ dân số cao và thường thuê phòng trọ 10m2, có thể phân chia thành 5 người làm ban ngày và 5 người làm ban đêm thay nhau ở.
Khi dịch xảy ra thì cả 10 người đều ở nhà, do vậy quy tắc 5K gần như không có. F0 bắt đầu phát sinh ngay trong khu trọ. Với môi trường sống như vậy thì cộng đồng lao động sống trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi. Họ muốn được về quê.
Ngoài ra, lao động tự do và lao động ngoài khu công nghiệp cũng không được tiếp cận thông tin cụ thể về cuộc sống trong tương lai. Chủ sử dụng lao động không thể trả lời được câu hỏi chính xác là ngày bao nhiêu sẽ được quay lại làm việc, hưởng lương bình thường. Từ đó, người lao động nhìn về quê hương, là nơi có cuộc sống an toàn hơn lúc này.
Ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động, thương binh và xã hội Thành phố Hồ Chí Minh - thông tin, 5 tháng qua, số lượng lao động nhận bảo hiểm thất nghiệp là trên 100.000 người. Số công nhân dừng hoạt động khoảng 500.000 người. Những người này đã có thời gian dài bám trụ tại Thành phố nhưng hiện nhu cầu bà con xin về quê rất nhiều.
Lời giải cho bài toán đứt gãy thị trường lao động
Tại tọa đàm trực tuyến "Nguồn nhân lực lao động cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận sau đại dịch" do Báo Người lao động tổ chức ngày 1/10, Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ Lao động, thương binh và xã hội) - ông Vũ Trọng Bình - chỉ ra rằng, nhiều người lao động rời khỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai trong bối cảnh cạn kiệt và không còn thu nhập. Quay trở lại làm việc khi vẫn còn rủi ro, lao động sẽ rất đắn đo.
Chưa kể, người lao động quay về quê thời điểm cuối năm, họ sẽ ở lại quê ăn Tết chứ không quay lại trong vòng mấy tháng khi Thành phố chưa đảm bảo mức độ an toàn về dịch bệnh. Trong khi chi phí để doanh nghiệp dịch chuyển lao động là rất cao, không khó nhận thấy xu hướng đứt gãy của thị trường lao động lúc này.
Theo ông Bình, đã có chính sách xây dựng nhà ở cho người lao động tại các khu công nghiệp nhưng thực tế triển khai chậm. Qua đại dịch Covid-19, điều dễ nhận ra là lao động không an cư lạc nghiệp mà luôn ở trạng thái ngụ cư. Do đó, doanh nghiệp thiếu lực lượng lực lao động có thể phấn đấu, an tâm ở tại địa phương.
"Cần có quỹ đất xây dựng nhà ở cho người lao động để họ yên tâm lạc nghiệp. Một người lao động thanh niên đến các thành phố lớn lập nghiệp thì rất đơn giản, nhưng khi họ có vợ, có chồng, có con thì còn nhiều mối lo khác", ông Bình nêu giải pháp lâu dài nhằm giữ chân người lao động.
Quyết định rời bỏ thành phố của người lao động sẽ gây đứt gãy nguồn nhân lực sản xuất cho "bình thường mới" (ảnh : Phong Anh)
Cùng quan điểm, ông Trần Việt Anh cho rằng, Thành phố nếu muốn duy trì lao động ngoại tỉnh thì cần bắt tay với DN, xây các khu nhà ở cho người lao động theo đúng chuẩn môi trường sống và an toàn sức khỏe.
Ngoài ra, trong lúc này, các doanh nghiệp phải thông tin thường xuyên tới người lao động, khuyến khích họ quay về. Khi quay về thì cần sự liên thông giữa các địa phương, phải mở cửa để không làm khó người lao động.
Song song đó, chính quyền và doanh nghiệp phối hợp giữ chân người lao động ở lại Thành phố bằng cách cho họ những thông tin rõ ràng. Ví dụ, công nhân tiêm 1 mũi thì sẽ được tiêm 2 mũi, tiêm 2 mũi thì sẽ được đi làm bình thường. Hay, toàn bộ nhà máy đã được khử trùng hoặc có phòng y tế, trang bị bình oxy, máy đo SPO2, có xét nghiệm khi cần thiết và có tủ thuốc trị Covid-19. Những điều trên khiến lao động an tâm khi làm việc.
Nhằm giải tỏa tâm lý cho người lao động, bà Hồ Thị Thu Uyên, Giám đốc Đối ngoại Công ty Intel Việt Nam, đề xuất các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương cho phép người lao động trong khu công nghệ cao đủ điều kiện được trở về địa phương và đi làm từ nhà. Đây là nhu cầu thiết yếu và cấp bách của người lao động "3 tại chỗ", xa nhà mấy tháng qua. Để thực hiện việc này, các doanh nghiệp đã lên phương án đảm bảo sản xuất an toàn theo bộ tiêu chí của Thành phố và chuẩn bị kỹ phương án khi có F0.
Ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) nhận định, ưu tiên số 1 vẫn là thực hiện tiêm vắc xin đầy đủ cho công nhân. Công đoàn của doanh nghiệp kết nối với tổ chức công đoàn tại nơi cư trú, đảm bảo sự an toàn trong việc đưa đón công nhân quay lại Thành phố.
Bên cạnh đó, tâm lý của công nhân sau khi về quê sẽ có sự so sánh, nhiều người chọn phương án ở lại mặc dù thu nhập có thể giảm đi nhưng bù lại được gần gũi gia đình. "Vì vậy, các doanh nghiệp cần quan tâm về tiền lương, phúc lợi, để người lao động thấy thu nhập cao hơn, cuộc sống tốt hơn khi làm việc trên TP", đại diện Tổng Liên đoàn lao động chia sẻ.
Trần Chung
Cao Nguyên, RFA, 30/09/2021
Thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội bắt đầu từ ngày 1/10/2021. Sau bốn tháng kể từ khi đợt dịch thứ tư bùng phát trở lại, cuối cùng, một lãnh đạo của thành phố cũng đã thừa nhận "thiếu sót" trong công tác chống dịch và mong được sự thông cảm của đồng bào.
AP
Thành phố lần lượt bị áp đặt các chỉ thị, chính sách phong toả nghiêm ngặt đến mức bị cho là cực đoan, dồn người dân, đặc biệt là dân nghèo vào tình cảnh mất việc, cùng cực, thiếu đói thì liệu bà con có cảm thông được cho Chính quyền thành phố hay không ? Và, nếu thật lòng nhận lỗi, họ cần phải làm gì để "sửa sai" ?
Mạng báo Dân Việt trích lời ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu trong một chương trình biểu diễn nghệ thuật vào tối 26/9, rằng thành phố đã từng bước kiểm soát được dịch bệnh. Thành quả trên đến từ sự hướng dẫn, chi viện từ các cơ quan Trung ương, cùng sự đồng lòng, hợp tác của các tầng lớp nhân dân.
Đồng thời, ông Mãi cũng thừa nhận rằng có những lúc, công tác điều hành của thành phố không tránh khỏi lúng túng, hạn chế, bất cập. Thay mặt chính quyền thành phố, ông xin nhận thiếu sót và mong được sự lượng thứ của đồng bào.
Trên thực tế, số ca nhiễm Covid ở Thành phố Hồ Chí Minh không hề giảm trong suốt quãng thời gian thực hiện các chỉ thị giãn cách nghiêm ngặt nhất.
Cụ thể, toàn Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 900 người nhiễm Covid một ngày vào ngày 8/7. Từ ngày 9/7, thành phố bắt đầu thực hiện Chỉ thị 16, rồi Chỉ thị 16 tăng cường với các phương án phòng chống dịch ngày càng siết chặt hơn. Thậm chí có thời điểm, người dân không được ra đường, mọi nhu cầu thiết yếu sẽ do quân đội mua dùm. Dù vậy, đến ngày 30/9, số ca nhiễm trong ngày vẫn ở con số gần 4.300 người, đứng đầu cả nước.
Như vậy, câu hỏi đặt ra là Thành phố Hồ Chí Minh mở cửa trở lại không phải vì tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, mà là do áp lực kinh tế ? Chính Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên đã nói hôm 17/9 rằng "Thành phố không thể không mở cửa lúc này". Theo ông Nên, các chuyên gia đã có quan điểm là sức chịu đựng của xã hội đã đến giới hạn, nền kinh tế bị tổn thương rất nhiều, cần được phục hồi sớm.
Tấm biển chống dịch như chống giặc ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/7/2021. AFP
Ông Cao Hà Trực, một người dân ở Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ với RFA rằng cả gia đình ông 16 người lần lượt bị nhiễm Covid. Trong đó, có một thành viên không qua khỏi.
Cả nhà ông Trực cùng làm công việc buôn gánh bán bưng ngoài chợ. Do vậy, không ai được đi làm trong những ngày thành phố phong toả. Suốt bốn tháng, tất cả 16 người chỉ có bốn người được nhận tiền hỗ trợ. Mỗi người 1,2 triệu đồng, cùng với gói an sinh 300 ngàn đồng.
Ông Trực cho biết, ông, với những mất mát về người và vất chất mà gia đình ông phải chịu, không tin những lời lãnh đạo thành phố nói, cũng không thông cảm được :
"Chặn hàng rào như thế chẳng qua là mang tính chất để ép người dân không ra khỏi nhà. Nhưng thực tế con Covid nó vẫn lan tràn khắp mọi nơi. Và cuối cùng cho đến ngày hôm nay là mười mấy ngàn người chết. Thì tôi hỏi là cái tình trạng chống dịch một cách tiêu cực như thế, không dựa theo các nhà khoa học đưa ý kiến và các nước phương Tây.
Cứ nói là tìm F0, tốn kém rất nhiều cho ngân sách cũng như nguồn nhân lực. Và đến ngày hôm nay đã cạn kiệt rồi mới nhận lỗi. Vậy thì nhận lỗi cái gì, cụ thể đi để người dân có thể lượng thứ hay bỏ qua được hay không, hay là chỉ nói chung chung !
Gia đình tôi chỉ buôn thúng bán bưng thôi, cho nên trong gia đình rất khó khăn trong thời gian tới. Bởi vì Nhà nước vẫn đang lúng túng để mà cấp thẻ xanh, thẻ vàng, thẻ đỏ… Tôi thấy còn rất lúng túng, chưa thống nhất được là phải làm gì, mà cứ chậm trễ như thế này tôi e rằng là gia đình tôi sẽ chết đói, và nhiều người khác cũng sẽ chết đói !".
Ông Nguyễn Phi, ở thành phố Thủ Đức, cho rằng không thể có chuyện "thiếu sót", đặc biệt là trong chuyện giải ngân các gói an sinh xã hội. Vì ai ở đâu đều có danh sách hộ khẩu, tạm trú, chỉ là do Chính quyền địa phương có muốn phát tiền cho dân hay không mà thôi :
"Thiếu sót thì tôi không nghĩ là thiếu sót, bởi vì Nhà nước phải biết hộ khẩu của người dân là có bao nhiêu người. Người ta chia tiền về cho chính quyền phường xã, ăn thua là ở phường xã.
Trong khi giấy tờ ở phường xã làm xong cả tháng trời. Tôi lại hỏi thì kêu chờ. Mười ngày sau tôi lại hỏi nữa thì nói giấy mất rồi, thất lạc hay gì rồi. Tôi kêu làm lại thì ổng không chịu làm. Công an nói là đợt một, đợt hai hết rồi, làm xong rồi. Rồi thôi biết làm sao giờ, mấy ổng không cho mình lãnh biết làm sao bây giờ, chịu thôi !".
Một nhà phân tích Chính sách công hiện đang ở trong nước, yêu cầu được giấu danh tính nói với Đài RFA rằng khi mở cửa trở lại, đại dịch có thể bùng lại bất kỳ lúc nào. Cho nên, nền kinh tế và khả năng phục hồi kinh tế lúc này chính là "hệ miễn dịch" cho cả quốc gia để tiếp tục chiến đấu với đại dịch hiện nay. Một nền kinh tế vững mạnh thì sẽ giúp Việt Nam chống chọi tốt hơn với những diễn biến phức tạp của dịch trong tương lai.
Do đó, vai trò của Nhà nước trong lúc này đối với việc phục hồi kinh tế chỉ có ba việc quan trọng nhất mà chỉ Nhà nước làm được :
1. Đảm bảo quản lý phòng chống dịch để hạn chế một cơn bùng phát mới.
2. Xoá bỏ tối đa các rào cản không cần thiết đối với người lao động và các thành phần kinh tế khác để việc quay trở lại không gặp khó khăn (hoặc quá nhiều khó khăn).
3. Tăng chi tiêu công thông qua các gói trợ cấp để kích cầu kinh tế. Chỉ còn ba tháng nữa là kết thúc năm 2021, chỉ có tăng chi tiêu công mới có thể giúp phục hồi kinh tế nhanh nhất có thể.
Một số chính sách cụ thể được gợi ý là mở các gói trợ cấp hay cho vay lãi suất thấp hoặc không lãi suất cho tiểu thương ; Lao động phổ thông không cần vốn nhưng có thể gặp khó khăn trong tìm việc làm thì tiếp tục hỗ trợ chi phí sinh hoạt ; Các công ty tạm ngừng kinh doanh thì cũng có thể xem xét cho vay vốn. Ngoài ra, khuyến khích tối đa sự tham gia của các thành phần ngoài nhà nước vào hỗ trợ phụ hồi kinh tế.
Tuy vậy, năng lực thực thi các chính sách trên lại là câu chuyện khác. Có thể Nhà nước đã hiểu tầm quan trọng của các chính sách nêu trên, và đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên, để những chính sách này thực sự phát huy hiệu quả, giúp cứu vãn nền kinh tế thì phải đảm bảo kỷ luật trong thực thi.
Không thể dễ dàng bằng lòng với việc đưa ra chính sách rồi ai muốn thực thi thế nào thì thực thi. Lúc này đây, Việt Nam và nền kinh tế Việt Nam không thể trả giá thêm cho bất cứ sự lãng phí nào về nguồn lực, sự thiếu hiệu quả trong việc thực thi các chính sách liên quan đến dịch Covid.