Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

jeudi, 26 octobre 2017 21:27

Vấn đề "dụng đảng trị quốc"

Quản lý (hay quản trị - gouverner) một quốc gia là một "nghệ thuật chính trị" sao cho đa số những thành tố trong xã hội hài lòng, một mặt vì tính chính đáng của người (hay tập đoàn, đảng) "quản trị", mặt khác do sự thỏa mãn của số đông vì thành quả phúc lợi của việc quản trị đem lại cho cá nhân và quốc gia.

dangtri0

Mô hình của Trung Quốc đặt trên nền tảng "dân chủ chuyên chính nhân dân". Ảnh minh họa

"Quản trị" thành công, người (hay đảng, tập đoàn) quản trị đưa đất nước lên hàng "đại quốc", đưa mức sống của dân chúng mỗi ngày một "tốt" hơn. Thất bại, đất nước ngày càng lụn bại. Người dân ngày càng nghèo hèn.

Quản trị đất nước theo mô hình "dụng đảng trị quốc" không phải chỉ có ở Trung Quốc, cũng không phải do Tập Cận Bình khởi xướng như báo chí Việt Nam đã nói.

Các quốc gia giàu mạnh trên thế giới như Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật v.v... đều áp dụng mô hình "dụng đảng trị quốc".

Khác nhau cơ bản (đảng cai trị quốc gia) giữa Trung Quốc và các nước kia là quan điểm chính trị về "dân chủ".

Mô hình của Trung Quốc đặt trên nền tảng "dân chủ chuyên chính nhân dân". Các nước kia đặt nền trên "dân chủ tự do".

Tạm gọi mô hình "dụng đảng trị quốc trên nền tảng dân chủ chuyên chính nhân dân" là dụng đảng trị quốc kiểu Trung Quốc. Còn mô hình "dụng đảng trị quốc trên nền tảng dân chủ tự do" là mô hình của Tây phương.

Khi nói đến "trị quốc" (tức quản lý đất nước) là nói đến "quyền lực quốc gia". Chỉ khi người (tập đoàn hay đảng) nắm quyền lực quốc gia trong tay mới có thẩm quyền "trị quốc".

Quan niệm "dân chủ" nào cũng vậy, "quyền lực quốc gia" luôn thuộc về nhân dân. Và nền dân chủ nào cũng quan niệm : bất kỳ hình thức thể hiện quyền lực quốc gia nào, nếu nó không thông qua (sự chuẩn thuận) của nhân dân, thì quyền lực này không chính đáng.

Mô hình Tây phương, quyền lực quốc gia được nhân dân "giao phó" cho người (thuộc một đảng phái, hay không thuộc đảng nào), thông qua một cuộc phổ thông đầu phiếu. Chế độ tổng thống, ai nhiều phiếu hơn cả, người này đại diện cho "quyền lực quốc gia", có thẩm quyền "trị quốc". Chế độ "dân chủ đại nghị", mỗi người dân bầu cho người mình "thích". Vì vậy sẽ có nhiều người "đắc cử", "quyền lực quốc gia" bị "phân khúc" chia cho nhiều người. Để thống nhứt "ai là lãnh đạo" để "trị quốc", qui ước (của dân chủ đại nghị) đảng nào có nhiều người đắc cử hơn cả, đảng đó sẽ dành quyền "trị quốc", các đảng còn lại trở thành các đảng đối lập.

Mô hình Trung Quốc, với nền "dân chủ chuyên chính nhân dân", kế thừa "cách mạng chuyên chính vô sản" từ thời Mao Trạch Đông, (hai đặc tính của xã hội chủ nghĩa), mọi quyền lực quốc gia đều tập trung vào một đảng duy nhứt (là đảng cộng sản Trung Quốc).

Sau "cách mạng vô sản" chính quyền thuộc về nhân dân vô sản. Từ đó nguyên tắc "dân chủ chuyên chính nhân dân", có tên khác là "dân chủ tập trung", được áp dụng. Quyền lực quốc gia, được nhân dân "trao" lại bằng hình thức bầu cử. Nhưng bản chất của "dân chủ tập trung", bộ phận "sàn lọc", khiến chỉ có đảng viên mới được quyền ra ứng cử.

Rốt cục, chỉ duy nhứt đảng cộng sản Trung Quốc nắm mọi quyền lực của quốc gia. (Không cần hiến pháp có qui định hay không qui định theo kiểu Việt Nam đảng là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội.)

Vì vậy khi nói "dụng đảng trị quốc" là nói đảng cộng sản Trung Quốc "trị quốc". 

Mô hình các xứ Tây phương đã trở thành "phổ cập". Ai muốn biết thì lên tra "gúc gồ".

Điều cần tìm hiểu là ở Trung Quốc, "dụng đảng trị quốc" gồm những thứ gì ? Tại sao Việt Nam cóp py 100% mô hình "dụng đảng trị quốc" của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc thành công mà Việt Nam thì thất bại ?

Và điều quan trọng hơn hết là mô hình "dụng đảng trị quốc" kiểu Trung Quốc còn có thể áp dụng tiếp tục cho Việt Nam hay không ?

Đây mới là điều cần nghiên cứu và bàn luận (việc này sẽ trở lại nay mai).

Thấy nhiều người phê bình "tư tưởng" của Tập Cận Bình" là một "mớ tạp nham", nhờ tư bản Mỹ, Nhật… nhờ lợi dụng "kinh tế thị trường" nên mới thành công.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam bắt chước y như Trung Quốc, cũng "nhờ tư bản nước ngoài, cũng lợi dụng kinh tế thị trường", nhưng Trung Quốc thành công bao nhiêu thì Việt Nam thất bại bấy nhiêu.

Và cũng có rất nhiều quốc gia theo "kinh tế thụ trường", mô hình "dân chủ kiểu Mỹ", vẫn không thể phát triển như Trung Quốc ?

Vì vậy không thể phê bình mô hình phát triển của Trung Quốc "theo cảm tính", hay với lòng thù hằn, ganh tị.

Mô hình chính trị nào cũng có thể thành công. Vấn đề là có thành công bền vững trong dài hạn như mô hình "dụng đảng trị quốc trên nền tảng dân chủ tự do" đã thể hiện trên thực tế hay không ?.

Trương Nhân Tuấn

Nguồn : fb.nhantuan.truong, 25/10/2017

Published in Diễn đàn

Trong kỳ Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc 19, Chủ tịch Tập Cận Bình đọc diễn văn hôm khai mạc 18/10, nêu tham vọng biến nước này thành siêu cường hàng đầu thế giới vào năm 2050.

hoc1

Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa "Tư tưởng Chủ nghĩa đặc sắc Trung Quốc thời đại mới Tập Cận Bình" vào Điều lệ Đảng

Ông Tập nhấn mạnh Đảng vẫn dựa vào nền tảng chủ nghĩa Mác - Lê Nin, 'dùng Đảng trị quốc', trong đó có kinh tế thị trường.

Việt Nam hết sức quan tâm, và là nước đầu tiên chúc mừng sự thành công của Đại hội 19.

Nhưng liệu Đảng cộng sản Việt Nam có thể học gì từ Trung Quốc ?

Các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu tan rã vào những năm 80-90 của thế kỷ trước.

Khi Trung Quốc đứng trên bờ vực sụp đổ của chế độ do những di sản của Mao Trạch Đông để lại như 'Cải cách ruộng đất, Đại nhảy vọt, Cách mạng Văn hóa…' cố Tổng bí thư Đặng Tiểu Bình đã chọn con đường cải cách mở cửa thực dụng 'mèo đỏ, mèo trắng không quan trọng miễn bắt được chuột'.

Trong suốt 40 năm Trung Quốc thay đổi từ một nước nông nghiệp nghèo nhất thế giới thành nền kinh tế đứng thứ hai với tổng thu nhập quốc nội (GDP) năm 2015 là 12.000 tỷ đô la Mỹ (USD), mức GDP/đầu người tăng 69 bậc, đứng hàng thứ 64 trên thế giới.

Cũng trong thời gian này khoảng 650 triệu dân thoát đói nghèo, chiếm 80% số người thoát nghèo trên toàn thế giới…

Riêng trong 5 năm Tập Cận Bình nắm quyền, từ 2012, tỷ lệ tăng GDP trung bình năm có giảm, nhưng vẫn giữ mức trên 6,5% ; tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 4,13% năm còn 3,95% ; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 5.060 lên 8.260 USD. Nền kinh tế Trung Quốc có thể sớm lớn hơn kinh tế Mỹ 40% nếu tính dựa trên "sức mua tương đương". Đến năm 2049, nó có thể lớn gấp ba lần…

Các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đã giải phóng năng lực bị dồn nén lâu ngày nhờ kinh tế thị trường trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Thị trường vốn tham lam và Trung Quốc 'hấp dẫn' trong mắt các nhà tư bản để kiếm lợi nhuận, và Trung Quốc nhanh chóng trở thành 'công xưởng' của thế giới.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tự đánh giá mình không phải bằng các chuẩn mực Phương Tây về quản trị dân chủ tự do, mà bằng truyền thống Pháp gia, Khổng giáo của Trung Quốc, dựa trên một chính quyền trung ương mạnh mẽ, duy trì tính chính danh bằng việc tuân theo các tiêu chuẩn trọng dụng nhân tài và trách nhiệm giải trình.

Đảng này tuyên bố xây dựng chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc.

Một trong những đặc trưng là Đảng luôn tìm cách thích nghi, sửa sai… để lãnh đạo kinh tế thị trường.

Với lý thuyết thực dụng của Đặng Tiểu Bình, Đảng cộng sản đã có những cải tổ chính trị nhất định, như cho các doanh nhân kết nạp vào đảng (Đảng bỏ nguyên tắc bóc lột sức lao động), cho phép đảng viên làm giàu, áp dụng nhiệm kỳ và hạn chế tuổi đối với lãnh đạo đảng ở các cấp…

Để thực thi những cải cách Đảng áp dụng kỷ luật thép, không khoan nhượng bất cứ sự chống đối nào.

Dưới thời Mao hàng trục triệu người chết đói và hàng trăm nghìn cán bộ đảng phải về nông thôn cải tạo, trong đó có cả Đặng Tiểu Bình và cha của Tập Cận Bình.

Dưới thời Đặng 'Thảm họa Thiên An Môn năm 1989', trong đó hàng nghìn sinh viên và những người đòi dân chủ đã chết thảm dưới xích của xe tăng' đã làm cả thế giới kinh hoàng.

Gần đây hàng chục triệu học viên 'Pháp luân công' - lực lượng được coi là đối trọng với Đảng cộng sản đã bị đàn áp và giải tán.

Gần đây, nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, người được giải thưởng Nôbel hòa bình, thời gian trong tù bị ung thư, tuy nhiên yêu cầu đi nước ngoài điều trị không được Đảng cho phép. Ông đã chết ngày 13/7/2017.

Để duy trì sự lãnh đạo, Đảng đã có kiểu sử dụng cán bộ đặc biệt với Ban tổ chức các cấp theo kiểu hình chóp nhiều cấp : cơ sở (chi bộ), trung gian (đảng ủy, huyện ủy, tỉnh ủy, khu ủy), cao cấp (ban chấp hành trung ương).

Cán bộ muốn thăng tiến hãy leo lên từ chi bộ. Tập Cận Bình cũng phải mất 30 năm 'rèn luyện, phấn đấu' để có 'kinh nghiệm' trở thành lãnh tụ của Đảng. Tự coi tầng lớp tinh hoa, Đảng luôn chứng tỏ tính chính danh bằng nhiều cách và dưới nhiều hình thức, mà không cần thông qua bầu cử dân chủ theo kiểu phương Tây.

Kinh tế thị trường là sản phẩm của nhân loại, nhưng bắt đầu từ phương Tây, thậm chí tư tưởng chủ nghĩa cộng sản cũng bắt nguồn từ đó, khi phát triển nó đòi hỏi hệ thống chính trị đa nguyên, đang đảng và mô hình dân chủ tương ứng với các chuẩn mực phổ quát.

Đảng cộng sản Trung Quốc không coi như vậy, khi cho rằng phương Tây luôn muốn áp đặt mô hình chính trị kiểu này cho Trung Quốc. Các nước phương Tây không hiểu văn hóa, văn minh vốn tồn tại 5000 năm tại đất nước này, và rằng phương Tây nên tôn trọng sự khác biệt, không nên 'giao giảng và xuất khẩu' dân chủ tư sản sang Trung Quốc.

Bộ máy tuyên truyền của Đảng trước Đại hội 19 còn lưu ý rằng các nước theo mô hình dân chủ phương Tây đang lâm vào 'khủng hoảng và hỗn loạn' trong khi "nền dân chủ Trung Quốc" cho thấy hệ thống này đang là "tiêu chuẩn cho sự phát triển và tiến bộ'.

Đảng cộng sản Trung Quốc cho rằng sự liên hệ giữa chính quyền và xã hội là rất khác so với phương Tây.

Đảng thích có nhiều thẩm quyền, nhiều trách nhiệm đối với người dân hơn, quan tâm đến cuộc sống của dân, đồng thời đòi hỏi ở họ phải sự trung thành, sự phục tùng, sẻ chia quyền lực với chế độ.

Trong khi đó, những phẩm chất của thị trường - không sẻ chia mà là tích luỹ, cạnh tranh và ngờ vực quyền lực.

Ở Trung Quốc có tám tổ chức gọi là đảng không cộng sản 'được phép' thành lập và nằm dưới sự kiểm soát của Đảng cộng sản, và họ 'hợp tác tốt' với Đảng.

Ở đây cũng có một xã hội dân sự mạnh mẽ kiểu Trung Quốc, đó là các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do Đảng quản lý và trả lương, họ gắn bó mật thiết, và là một phần trong chính trị. Và đó được giải thích là do khác biệt về văn hóa.

Cuối cùng, kinh tế thị trường thay đổi cách phân bổ nguồn lực, đang làm các vấn đề kinh tế, xã hội của Trung Quốc trở nên trầm trọng, mức tăng trưởng chung đang chững lại trong lúc nợ nần thì đang gia tăng, môi trường ô nhiễm nặng nề, tắc nghẽn đô thị, phân hóa giàu nghèo, đặc biệt tham nhũng kinh tế và tha hóa quyền lực, nhiều đảng viên giàu có trốn ra nước ngoài mang theo hàng trăm tỷ USD.

Đảng đang tuyên truyền sức mạnh bề mặt, xử lý nội bộ nhiều vấn đề, nhất là về tổ chức cán bộ. Đảng đang dựng lên 'Vạn lý tường lửa' kiểm soát internet để che giấu sự khác nhau ý thức hệ và về tương lai 'siêu cường' của Trung Quốc.

Đảng tập trung cao độ quyền lực chống lại tha hóa quyền lực dưới khẩu hiệu 'nhốt hổ vào lồng' trong chiến dịch chống tham nhũng.

Mới đây, ngày 19/10/2017, trên báo đã công khai lời của quan chức cao cấp dự Đại hội 19 rằng lãnh tụ Tập Cận Bình đã "phá tan một âm mưu đoạt quyền", ca ngợi đó là 'nỗ lực cứu đảng' và ám chỉ rằng những người tham gia 'âm mưu' bao gồm Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch và Tôn Chính Tài.

Nhiều nhà phân tích phương Tây cho rằng cách xử lý các vấn đề kinh tế và chính trị của Trung Quốc, không sớm thì muộn, sẽ ra một cuộc khủng hoảng. Đảng cộng sản Trung Quốc không cho như vậy, vì Đảng đã vượt qua được nhiều cuộc khủng hoảng trong quá trình lãnh đạo, kể cả nạn đói khủng khiếp trong thời Mao đến cuộc đàn áp đẫm máu phong trào dân chủ năm 1989.

Trung Quốc muốn vượt qua thách thức, muốn trở thành 'siêu cường' phải có lãnh tụ. Lãnh tụ đó, được tôn vinh là 'nòng cốt' hay 'hạt nhân', phải có tư tưởng.

Tập Cận Bình đã giành được danh hiệu 'lãnh đạo nòng cốt' sau Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình.

Việt Nam có chế độ chính trị tương đồng với Trung Quốc, cũng độc đảng cộng sản lãnh đạo đất nước, cũng 'dò đá qua sông' trong cải cách, nhưng thường sau khoảng 5 - 10 năm chậm hơn. Trong khoảng gần một thập kỷ, tính từ 2008, khủng khoảng kinh tế, Đảng có vẻ không 'kiểm soát' được chính phủ, khi Ban chấp hành trung ương với số phiếu chưa đủ để kỷ luật người đứng đầu chính phủ vì quản lý kinh tế yếu kém, theo đề nghị của Bộ chính trị tại Hội nghị trung ương 6 khóa 11.

Từ đầu khóa 12, đầu năm 2016, từ các Hội nghị trung ương 4, 5 và 6 gần đây, Đảng đang nỗ lực tự chỉnh đốn kết hợp với chống tham nhũng với chiến dịch 'đả hổ diệt ruồi'.

Một số ít lãnh đạo đảng cấp cao, cấp trung bị kỷ luật, mất chức, một số lãnh đạo của ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, như Tập đoàn dầu khí, Tập đoàn hóa chất… bị kết án, một số 'nguyên lãnh đạo' bị 'cắt nguyên' khi đã về hưu…

Tuy nhiên, các nhà quan sát cho rằng Đảng cộng sản Việt Nam không thể 'thống nhất' tập trung quyền lực cho cá nhân nào đó, do họ không hội tụ đủ các phẩm chất và uy tín để có đột phá trong cải cách, rằng có thể có 'dàn xếp' trong giới lãnh đạo cao cấp, và vì vậy chiến dịch chống tham nhũng có thể có điểm dừng, vùng cấm…

Việt Nam là nước nghèo, tầm ảnh hưởng khu vực và quốc tế không lớn, nên chăng tìm phương thức cải cách khác biệt. Trong bối cảnh hiện nay, trong đó có căng thẳng trên biển Đông, những nỗ lực của Việt Nam cân bằng quan hệ với các nước lớn để thoát khỏi 'lời nguyền địa lý' có thể cần 'cân nhắc' đột phá thoát khỏi 'lời nguyền thể chế' để đưa dân tộc Việt hướng tới thịnh vượng.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 24/10/2017

Tiến sĩ Phạm Quý Thọ, Học viện Chính sách & Phát triển, Hà Nội.

Published in Diễn đàn