Nhu cầu việc làm đang lấn át nỗ lực của chủ tịch nước nhằm xoa dịu khoảng cách giàu nghèo ở Trung Quốc.
Tập Cận Bình đã âm thầm rút lại chính sách cấm các trường dạy kèm tư nhân khi ông tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng thất nghiệp. (Ảnh tổng hợp của Nikkei/Nguồn ảnh của Getty Images và Yusuke Hinata)
Dường như "tẩu tư phái" đang giành được nhiều ảnh hưởng hơn tại Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình, nơi mà chính sách gây tranh cãi của ba năm trước đang bị âm thầm gạt sang một bên với mục đích vực dậy nền kinh tế.
Vào thời Mao, "tẩu tư phái" là cụm từ được sử dụng một cách miệt thị để gọi những người được cho là đang dẫn dắt xã hội đi theo con đường tư bản. Gần đây hơn, nó lại xuất hiện để ủng hộ quyết định của ban lãnh đạo do Tập đứng đầu, cấm các trường học dạy thêm sau giờ học vì lợi nhuận.
Tuy nhiên, lệnh cấm hiện đang mất dần sự ủng hộ theo cách gợi nhớ đến một câu nói cũ khác, Thượng hữu chính sách, hạ hữu đối sách: Trong khi có chính sách từ trên, thì cũng có biện pháp đối phó từ dưới. Những lời khôn ngoan này đã mô tả cách các quan chức địa phương và người dân thường dùng để giảm nhẹ tác động từ các chính sách của chính quyền trung ương.
Trong trường hợp này, các quan chức địa phương đã nhận được một cơ hội lớn để làm điều đó vào tháng 5. Nhưng cơ hội của họ đến từ cấp trên, khi Tập thể hiện cảm giác khủng hoảng về tình hình việc làm khắc nghiệt của Trung Quốc và kêu gọi biến "việc làm chất lượng cao và đầy đủ" thành mục tiêu chính trong phát triển kinh tế và xã hội. Ông cho biết việc làm cho người trẻ, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học, phải là ưu tiên hàng đầu.
Chỉ thị này được đưa vào bài phát biểu của Tập tại "buổi họp nghiên cứu tập thể" của Bộ Chính trị vào ngày 27/05. Tuy nhiên, bản tóm tắt bài phát biểu không được công khai mãi cho đến ngày 01/11, khi nó được Tạp chí Cầu Thị đăng tải.
Sinh viên tụ tập tại hội chợ việc làm trong khuôn viên trường Đại học Trịnh Châu ở Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc. Các việc làm gia sư sau giờ học dường như đã tuyển dụng trở lại. © Getty Images
Khi lệnh cấm dạy thêm được công bố vào tháng 7/2021, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ gia sư sau giờ học phải chuyển đổi thành tổ chức phi lợi nhuận, nhiều tiếng nói trên các phương tiện truyền thông chính thức đã bảo vệ động thái này, gọi các trường dạy thêm vì lợi nhuận là "kẻ thù" và nhấn mạnh rằng "bọn tư bản và tẩu tư phái tham lam trong chế độ không được phép thông đồng với nhau".
Dù mức trần học phí vẫn được áp dụng và vẫn còn những hạn chế đối với nội dung giảng dạy tại các trường dạy thêm, nhưng hiện đang một có xu hướng ngày càng tăng, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, khi các trường công khai quảng cáo tuyển sinh mới, nhắm vào trẻ em đang theo học tiểu học và trung học cơ sở.
Các nguồn tin hiểu rõ tình hình giáo dục của Trung Quốc giải thích những gì đang diễn ra trong ngành gia sư.
Trong một số trường hợp, "một danh sách trắng" các công ty và tổ chức có thể cung cấp dịch vụ gia sư đã được chính quyền địa phương bí mật công bố vào tháng 10, một nguồn tin tiết lộ. "Một số được phép dạy tiếng phổ thông, khoa học và công nghệ, tiếng Anh, cùng nhiều môn học khác", nguồn tin nói thêm.
Một nguồn tin khác nhận định tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài trong giới trẻ Trung Quốc, bao gồm cả những người tốt nghiệp đại học, là nguyên nhân dẫn đến việc nới lỏng quản lý các trường dạy thêm.
Nguồn tin cho biết: "Trong bối cảnh tình hình kinh tế khó khăn, chính quyền Trung Quốc đang phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc tạo ra càng nhiều việc làm càng tốt, bao gồm cả trong ngành giáo dục, để ngăn chặn tình trạng thất nghiệp cao ở thanh niên dẫn đến bất ổn xã hội".
Học sinh học tiếng Anh tại một trường luyện thi ở Bắc Kinh. Tiếng Anh là một trong những môn học mà một số trường thuộc "danh sách trắng" được phép giảng dạy. (Ảnh lưu trữ của Kyodo)
Các quy định về trường dạy thêm được đưa ra rõ ràng là nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho phụ huynh, khi nhiều người đã rất chật vật để đóng học phí cho con.
Trung Quốc có truyền thống lâu đời theo Nho giáo và xã hội nước này rất coi trọng hồ sơ học vấn.
Các bậc phụ huynh Trung Quốc thường lo ngại con em mình trong độ tuổi đi học có thể tụt hậu trong một xã hội cạnh tranh gay gắt nếu chúng không dành đủ thời gian cho việc học.
Chính vì động lực xã hội này, chính sách quản lý chặt chẽ ngành gia sư đã phản tác dụng, và trớ trêu thay, nó đã làm trầm trọng thêm khoảng cách giáo dục giữa trẻ em giàu và nghèo.
Chính sách này đã khiến các gia đình giàu có phải thuê gia sư riêng cho con cái với chi phí cao hơn nhiều so với chi phí họ từng trả để cho con học thêm ngoài giờ. Trong khi đó, các gia đình có thu nhập trung bình và thấp không đủ khả năng chi trả khoản này, đặc biệt là khi thu nhập giảm sút trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy thoái.
Nhiều gia đình giàu có trong số này đã thu được lợi nhuận khổng lồ từ bong bóng bất động sản của đất nước, vốn đã liên tục phình to trong khoảng 10 năm trước khi vỡ tung gần đây.
Khoảng cách giáo dục giàu nghèo ngày càng gia tăng bất chấp nỗ lực của Tập nhằm khắc phục tình trạng chênh lệch thu nhập.
Từ tháng 5 khi Tập ban hành chỉ thị về việc làm đến tuần trước khi tạp chí lý luận của đảng công bố phát biểu của ông, Trung Quốc đã giữ kín thông tin về việc Tập đã thể hiện cảm giác khủng hoảng, lo lắng. Nguyên nhân một phần là để giúp Tập, "hạt nhân" của đảng, giữ thể diện.
Một minh chứng cho việc giữ thể diện đã diễn ra vào tháng 7, tại hội nghị trung ương ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 20 hiện tại, khi ban lãnh đạo Trung Quốc vẽ ra một bức tranh lạc quan về nền kinh tế trong nước, lưu ý rằng nền kinh tế đang trên đà phục hồi suôn sẻ và không có vấn đề lớn nào.
Các báo cáo truyền thông chính thức về nền kinh tế sau đó đều phù hợp với đánh giá kinh tế cơ bản tại Hội nghị trung ương III.
Nhưng tình hình đã thay đổi đáng kể tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào cuối tháng 9, khi nhóm lãnh đạo gồm 24 thành viên do Tập đứng đầu thừa nhận nền kinh tế đang trong tình trạng khó khăn.
Tất nhiên, Bộ Chính trị không sử dụng từ ngữ đó. Thay vào đó, họ nói rằng cần thiết phải "đối mặt với khó khăn". Sự thừa nhận này đã mở đường cho một loạt các cuộc họp báo do các quan chức kinh tế cấp bộ, bao gồm cả thống đốc ngân hàng trung ương, tổ chức. Nó cũng dẫn đến nhiều biện pháp khác nhau nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang ốm yếu.
Những tuyển tập các bài phát biểu của Tập là một phần trong nỗ lực mô tả Tập theo hướng tích cực. Tuy nhiên, gần đây, thực tế kinh tế đã buộc chủ tịch Trung Quốc phải lặng lẽ từ bỏ hai nguyên tắc của mình.
Giờ đây, báo cáo của Tạp chí Cầu Thị cho thấy tâm điểm chính trị thực chất đã tập trung vào tình hình kinh tế Trung Quốc kể từ đầu mùa hè.
Nếu tình hình kinh tế khó khăn của Trung Quốc có cải thiện đôi chút trong nửa năm qua thì hẳn báo cáo của Tạp chí Cầu Thị đã không cần thiết.
Một sự thay đổi tương tự cũng đang diễn ra trong chính sách bất động sản khi lĩnh vực này vẫn đang trong tình trạng suy thoái nghiêm trọng. Và thay đổi này cũng đang được thực hiện một cách lặng lẽ, không có thông báo chính thức, dù Bộ Chính trị đã ban hành một mệnh lệnh vào ngày 26/09 để "đảo ngược tình trạng suy thoái và ổn định thị trường bất động sản".
Bản thân Tập đã từng nhiều lần nói rằng : "Nhà ở là để ở, không phải để đầu cơ". Khi ông gửi đi thông điệp này, ông đã đúng khi nhận ra rằng giá nhà tăng vọt đang khiến dân thường không đủ khả năng mua nhà.
Tuy nhiên, sự mất cân bằng cung cầu trên thị trường nhà ở đã dẫn đến một cuộc khủng hoảng bất động sản toàn diện, khiến chính quyền địa phương bị thiếu hụt nguồn thu.
Ban lãnh đạo của Tập sẽ không bao giờ thừa nhận thất bại chính sách vì lý do chính trị. Nhưng tình hình kinh tế hiện tại quá khắc nghiệt, nên họ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cân nhắc các chi tiêu tài khóa lớn, điều mà họ đã không làm tại hội nghị trung ương ba hồi tháng 7.
Đánh giá kinh tế cơ bản mà các lãnh đạo trình bày tại hội nghị trung ương ba không còn có thể làm cơ sở cho các chính sách kinh tế trong tương lai. Việc nới lỏng lệnh cấm trường dạy thêm đã làm rõ điều này.
Katsuji Nakazawa
Nguyên tác : "How Xi Jinping’s tutoring school ban backfired", Nikkei Asia, 7/11/2024
Nguyễn Thị Kim Phụng biên dịch
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 11/11/2024
Katsuji Nakazawa là nhà báo và biên tập viên cấp cao của Nikkei, hiện sinh sống tại Tokyo. Ông đã dành bảy năm làm phóng viên thường trú ở Trung Quốc và sau đó trở thành trưởng văn phòng Trung Quốc. Ông đã nhận Giải Nhà báo Quốc tế Vaughn-Ueda năm 2014.
Cho đến lúc này, có ba thứ trở thành bản chất, đặc trưng của giáo dục Việt Nam, đó là Chủ nghĩa Mác - Lê, Tham nhũng và Dạy thêm. Đương nhiên để có ba đặc trưng cơ bản này, giáo dục Việt Nam còn có thêm rất nhiều thứ, rất nhiều đặc tính liên đới và đóng vai trò nhân quả cho nó. Nhưng, có một điều bất di bất dịch, đó là ba yếu tố, ba đặc trưng vừa nêu trên như một tam giác đều, nó là những phần tử bổ khuyết lẫn nhau, cho nhau và một khi thiếu một trong ba phần tử, thì các phần tử còn lại sẽ rất khó tồn tại.
Biến tướng của chuyện dạy thêm nằm ở chỗ : giáo viên vừa đá bóng vừa thổi còi (ảnh minh họa : vtv.vn)
Tuần rồi, báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin và bình luận của tác giả Thái Hạo về vấn đề dạy thêm, tác giả đã bàn về việc một cô giáo ở Hà Nội có thu nhập trên 120 triệu đồng mỗi tháng từ việc dạy thêm và một số giáo viên khác có thu nhập 80 triệu đồng mỗi tháng cũng từ việc dạy thêm. Trích :"Báo chí đưa tin, dạy thêm, một cô giáo Hà Nội thu nhập 120 triệu, một cô khác ở Phú Thọ kiếm 80 triệu/tháng ; không bàn chuyện tiền bạc, nhưng con số này một lần nữa mở toang cánh cửa để nhìn vào bức tranh nhức nhối của giáo dục Việt Nam…" (1).
Có một nghịch lý bấy lâu nay là Bộ Giáo dục và đào tạo càng cấm việc dạy thêm bao nhiêu thì nó bằng cách này hay cách khác, vẫn tiếp tục tồn tại, lách luật, dạy chui, dạy lén lút… Chỉ ngay việc dạy và học ngay từ đầu đã dạy cho học sinh cách sống chui nhủi, lách luật, mờ ám, bất tuân qui định của cơ quan quản lý, thử nghĩ, nhân cách học sinh sẽ ra sao với một sự chuẩn bị, một bước đà, một nền tảng giáo dục như vậy ? Và để trả giá cho cái nền tảng giáo dục đầy mờ ám suốt mười hai năm từ tuổi thơ cho đến niên thiếu, cha mẹ học sinh đã phải vô cùng vất vả, vô cùng cay đắng để đáp ứng sự phi lý này, nhưng nếu không đáp ứng thì thiệt thòi, vì sao ?
Vì với chính sách liên tục thay đổi giáo trình, hết năm này cải cách lại năm khác cải cách, chương trình giáo dục ngày càng nặng nề và không thực tế, học sinh cấp tiểu học phải mang một chiếc cặp dày cộm, nặng hàng chục ký lô vì sách vở, dụng cụ học tập và bình nước uống nho nhỏ thì việc dạy thêm không thể không tồn tại. Bởi với thời lượng học tám giờ đồng hồ mỗi ngày, giả sử như giáo viên có dạy nhiệt tình, dạy hết sức mình vẫn không kịp để truyền đạt kiến thức. Vì trong lớp học đâu phải học sinh nào cũng thông minh, nhanh hiểu, nắm bắt được bài học, mà yêu cầu thành tích từ phía nhà trường lại là sức ép hết sức ghê gớm lên giáo viên.
Đây cũng chính là nguyên nhân và cũng là cái cớ để việc dạy thêm tồn tại, nó vừa đáp ứng được nhu cầu tiếp thu giáo trình dài lằng nhằng của Bộ Giáo dục lại vừa đáp ứng được nhu cầu thu nhập để cải thiện đời sống của giáo viên. Đương nhiên có những giáo viên khôn lanh, giỏi giang có thể thu hút nhiều học sinh hơn và thu nhập của họ nhanh chóng phình to. Từ những năm 1990 của thế kỉ trước đã có nhiều giáo viên thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng và thậm chí còn tổ chức cho vay tín dụng đen, nhanh chóng trở thành "đại gia", đi xe hơi hạng sang, giá tiền tỉ… Thì hiện tại, thu nhập của giáo viên ở Hà Nội với 120 triệu đồng mỗi tháng chẳng có gì là lạ cả.
Nếu chịu khó bước vào thế giới học đường của học sinh cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông, bạn sẽ thấy khủng khiếp biết nhường nào khi chứng kiến những lớp học thêm, học kèm diễn ra vào lúc 12g đêm hoặc 4g sáng. Tôi từng chứng kiến những lớp dạy kèm lúc 12g đêm và 4h sáng như vậy. Điều khiến tôi ngạc nhiên là không hiểu giáo viên kia dựa vào nguồn năng lượng nào mà có thể thức dạy tới 12g đêm, ngủ vài tiếng rồi lại dạy ca 4g sáng, sau đó ăn sáng qua quýt lại đi dạy ở trường theo giờ hành chính, chiều vừa về đến nhà lại dạy thêm ba ca nữa, thẳng tới 12g đêm. Ở đây động lực tiền bạc quá mạnh, nó cung cấp nguồn năng lượng vô biên cho cô giáo này chăng ?
Và khi nhắc tới nguồn năng lượng có từ động cơ tiền bạc, không thể không nhắc tới chủ nghĩa Mác - Lê trong giáo dục nói riêng và trong thể chế xã hội chủ nghĩa nói chung. Chính cái chủ nghĩa vật dục, mọi thứ triết lý được bàn xoay quanh vấn đề vật dục, lấy vật dục làm trung tâm phát triển xã hội và nhân loại của nó đã nhanh chóng biến con người trở thành một thứ biểu trưng vật dục, sự hiện hữu của con người đồng nghĩa với hiện hữu của giá trị vật dục, một con người tồn tại trong thứ chủ nghĩa này sẽ nhanh chóng trờ thành cái bóng mờ và vô hình khi anh không có sức mạnh vật dục.
Vật dục như một thứ động cơ gốc của xã hội và nó là máu huyết của con người xã hội chủ nghĩa. Đây chính là nguyên nhân mà cũng là hậu quả của một nền giáo dục bệ rạc, thiếu nhân phẩm và thiếu lương tri hiện nay. Đây cũng là động cơ để hiệu trưởng sẵn sàng đẩy nữ sinh trong trường do y/thị quản lý đi bán dâm cho quan chức (bởi quan chức cũng là một tập hợp vật dục có tính tương hỗ với nhà trường) và sẵn sàng làm bất cứ chuyện gì để có tiền, từ cắt xén bữa ăn của trẻ em nghèo vùng cao đến gian lận trong xây dựng nhà trường bất chấp hậu quả chết người (những vụ sập cổng chết học sinh, trường nứt toác sau khi nghiệm thu và còn hàng ngàn vụ khác không được đưa ra ánh sáng), từ mua bán bằng giả cho đến hối lộ tình dục trong ngành giáo dục, từ bày trò biên soạn sách cho đến ép học sinh phải học sách cải cách… Mọi thứ đều xoay quanh một động cơ chẳng liên quan gì đến giáo dục : Tiền !
Một nền giáo dục mà động cơ phát lực của nó lại là Tiền chứ không phải Tri Thức, và tri thức chỉ đóng vài trò bình phong, áo khoác, trang trí cho giáo dục, thậm chí tri thức bị biến thành món hàng trao đổi, mua bán, thậm chí cho vay nặng lãi, thì có vẻ như rất khó để mơ ước hay lý tưởng hóa nó cho dù có cố gắng khắc phục cách gì đi nữa. Mà với kiểu cố gắng khắc phục hiện nay là Đảng kêu gọi, yêu cầu khắc phục, các ban ngành liền khắc phục bằng các đề án tiền tỉ, muốn khắc phục phải tốn tiền tỉ, cũng giống như một quan chức nọ nói muốn điều chỉnh lương tâm công chức thì phải tốn vài ngàn tỉ… thì câu chuyện đã xám xịt càng thêm đen tối.
Hiện tại, muốn khắc phục tình trạng xô bồ của nền giáo dục là một chuyện hết sức nan giải, bởi mọi thứ đã ăn dầm trong máu huyết, trong cơ thể chế độ và trong xã hội. Muốn giải quyết từng bước, thì phải giải quyết từ gốc, Bộ Giáo dục và đào tạo phải dẹp ngay ba cái trò cải cách sách và càng tinh giản giáo trình bao nhiêu thì càng giảm bớt cường độ căng thẳng của giáo dục bấy nhiêu. Hơn nữa, khi giáo trình được tinh giản, có tính khái quát cũng là lúc giáo dục chính thức khai mở tư duy suy luận của học sinh, bớt đi tính máy móc, thụ động trong tư duy học sinh, bởi giáo dục cũng giống như ẩm thực, phải ăn ít, ăn vừa, ăn có chất thì mới đảm bảo bổ dưỡng, nếu tọng liện tục thức ăn vào mồm thì dẫn đến bệnh tật, thức ăn không tiêu hóa được mà trở thành ác mộng cho sức khỏe sinh học cũng như sức khỏe tinh thần. Vấn đề ung thư ngày càng nhiều tại Việt Nam phần lớn là do ăn nhiều, ăn không khoa học và ăn không đảm bảo chất lượng.
Điều này, trong giáo dục cũng vậy, áp dụng cơ chế vật dục là một sai lầm, cứ tọng kiến thức vào đầu học sinh, liên tục tọng, chưa kịp tiêu hóa món này đã tọng món khác vào thì tư duy học sinh sẽ trở nên chai lì, mụ mẫm và không tài nào mở rộng hay suy luận kịp, chỉ có thụ động tiếp nhận, trong một số trường hợp tư duy yếu, sẽ dẫn đến chứng ung thư tinh thần. Chắc chắn là vậy rồi. Và trong một cơ chế giáo dục có quá nhiều bất thường, việc đầu tiên là phải hãm cái miệng, muốn hãm cái miệng thì đừng bày biện quá nhiều thức ăn. Việc này chỉ có bộ Giáo dục và đào tạo có thể điều chỉnh. Mà phải điều chỉnh bằng hành động tinh giản giáo trình, rút gọn giáo trình chứ không thể xài bát như bấy lâu nay rồi cấm dạy thêm, bởi bấy lâu nay, về mặt chiến lược giáo dục, Bộ Giáo dục và đào tạo đã hành động sai khoa học. Phải làm lại từ đầu nếu muốn tốt đẹp, không có lựa chọn nào khác !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 29/03/2023
(1) https://nongnghiep.vn/may-cau-hoi-ve-hoc-them-hay-su-bat-luc-cua-hoc-chinh-d346847.html
Một số trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh đang tính toán kế hoạch lùi giờ vào lớp từ 7g30 so với trước kia là 7g-7g15.
Học sinh tiểu học được cha mẹ chở đến trường
Một số trường tiếp tục giữ nguyên-những trường hoặc ý kiến đồng tình việc cho trẻ đến trường từ 6h30 hầu hết đều bị phản đối. Tuy nhiên, đọc xong hầu hết các lý do phản đối, tôi thấy dường như cả phụ huynh, nhà trường và xã hội đều đang bị mắc vào chỉ vài nguyên nhân trước mắt. Còn câu trả lời cho tổng thể, nguyên nhân của mọi nguyên nhân thì vẫn núp lùm nằm yên, không thấy ai đả động đến.
Lý do của phụ huynh
- Con tôi đi học thêm bảy tám giờ tối mới về, mới ăn tối làm bài, làm sao dậy sớm nổi ?
Phần lớn lý do phản đối việc giữ nguyên giờ học sớm hơn là từ phụ huynh ở thành thị. Chủ yếu đều dẫn ra việc con đi học thêm đến bảy tám giờ tối cha mẹ mới đón về. Tắm rửa, ăn tối xong, trẻ tiếp tục làm bài tập về nhà.
Bài rất nhiều và nặng nên sớm nhất 10g đêm trẻ mới được đi ngủ. Nếu phải vào lớp từ 6g30 thì cả nhà phải dậy từ 5g sáng. Trẻ không được ngủ sớm vì phải đi học thêm và thức làm bài tập về nhà.
Suy ra nếu không phải đi học thêm và giảm thời gian làm bài tập về nhà thì trẻ có thể ngủ sớm. Sáng hôm sau có thể dậy sớm khỏe mạnh và minh mẫn để vào lớp lúc 6g30.
Vậy tại sao trẻ phải đi học thêm ?
Tại sao vào lớp Một mà chưa biết chữ ?
'Phụ huynh nào cũng biết rằng không nên bắt con học thêm hoặc học thêm quá sớm, nhưng không mấy người thoát được nó' (Hình minh họa)
Sáng thứ bảy, cặp vợ chồng trẻ hàng xóm nhà tôi dậy sớm, chở con đi. Tưởng ngày nghỉ cả nhà đi ăn sáng xong đưa con ra công viên chơi.
Cơ mà không phải. Ông nhóc 5 tuổi, sang năm mới vào lớp Một, nhưng năm nay cha mẹ đã cho ông đi học thêm. Tuần hai buổi thứ bảy chủ nhật, ông nhỏ đến nhà cô giáo học a bờ cờ, ò ó o, viết nét sổ nét móc. Học xong cha mẹ đón về chứ không bán trú.
Học phí ? Một triệu đồng/tháng.
Lớp học tiền tiểu học của các cô giáo tiểu học đều rất đông học trò. Cả thầy cô và cha mẹ đều không vô can trong việc đó. Có một số (ít) cha mẹ dứt khoát không cho con đi học thêm trước khi vào lớp Một để tránh gây áp lực quá sớm cho con. Nhưng chẳng may, bé lại ngồi vào lớp mà hầu hết các bạn đều đã đi học thêm, nên viết chữ viết số vanh vách trước khi đi học chính thức cả.
Số trẻ đã biết chữ trước khi học nhiều hơn số trẻ "tờ giấy trắng" nên trẻ bị ngơ ngác và lạc lõng. Cô giáo cũng dạy lướt hoặc tỏ ra khó chịu với việc phải uốn nắn từng nét chữ đầu đời cho trẻ. Bé chán lớp và sợ học. Càng chán và sợ, bé càng học không tốt, thường bị cô mắng và nhắc cha mẹ kèm thêm cho con. Thậm chí có thầy cô tiểu học phàn nàn thẳng với cha mẹ tại sao bé đi học lớp Một mà chưa biết chữ (!).
Cha mẹ bấy giờ đâm ra hối hận. Khi bé sau đi học, dứt khoát phải cho đi học chữ ngay từ khi mới đẻ, tránh lặp lại vết xe đổ của anh/chị nó.
Việc học thêm giống như con quái vật có ngoại hình bà tiên, phụ huynh nào cũng biết rằng không nên bắt con học thêm hoặc học thêm quá sớm, nhưng không mấy người thoát được nó.
‘Nếu cô không nâng điểm thì em tự tử’
Bạn tôi dạy môn chính ở trung học phổ thông. Có lần chị cho một học sinh lớp 12 điểm 4 vì bài làm không đạt yêu cầu tối thiểu. Tối đó, anh học sinh này cùng với bạn gái đến nhà chị, vừa khóc vừa dọa nếu cô không nâng điểm lên cho em thì em tự tử. Chị bạn tôi không đồng ý và tìm cách khuyên can.
Một bài thi học kỳ chưa là gì cả, em có thể sửa chữa nó trong học kỳ sau, còn nếu em chết thì lý do này rất buồn cười và người thiệt thòi nhất là em, sau đó đến cha mẹ em, v.v.
Nhưng đến khi về, anh cu vẫn đòi tự tử, cô bạn gái thì mếu máo vừa khóc vừa xin giúp người yêu. Sáng hôm sau, anh học trò vẫn đi học, nói cười bình thường, mặt tươi hơn hớn. Bạn tôi mặt tỉnh bơ nhưng bụng mừng gần chết. Nói gì nói, nhỡ nó tự tử thật thì tránh sao khỏi tự trách !
Nhưng tối đó, đến lượt mẹ anh tìm đến nhà chị.
- Cô thông cảm, em cũng có chức vụ ở công ty, mà cháu nó học rất giỏi, giờ điểm môn cô thế này cháu không đạt học sinh tiên tiến em nhục với đồng nghiệp ở công ty lắm. Cô vẫn không đồng ý.
Vì sao vấn nạn học thêm dạy thêm vẫn tiếp diễn ?
Phụ huynh muốn cho con đi học thêm thường thì vì mấy lý do : một, sợ con học không bằng bạn bè, điểm thi học kỳ không tốt, sẽ ảnh hưởng đến học bạ khi xét tốt nghiệp.
Một số sợ nếu con không đi học thêm ở thầy cô giáo bộ môn sẽ bị trù dập. Một số không ít như mẹ của anh học trò nói trên - sợ con không có thành tích cao để khoe, nở mày nở mặt với người thân.
Thành thử có những đứa trẻ phải đi học thêm cùng lúc hai giáo viên cho một môn học : một giáo viên bộ môn đang dạy trực tiếp ở trường (để không bị trù dập, hoặc được cho biết đề trước mỗi kỳ thi), và một là thầy cô giáo thật sự dạy giỏi môn học đó mà em rất thích, em học để có kiến thức thật sự.
Thậm chí, có những đơn vị Nhà nước, tổ chức Công đoàn còn đặt ra quy định cuối mỗi học kỳ hay năm năm học, phụ huynh có con đạt thành tích học sinh tiên tiến trở lên sẽ được xét Công đoàn viên tiên tiến, có giấy chứng nhận + tiền thưởng.
Nếu con không đạt học sinh tiên tiến trở lên thì cha mẹ bị cắt danh hiệu thi đua này. Tuy nó không ảnh hưởng lắm đến đường thăng tiến nhưng trong các cơ quan Nhà nước, đó cũng là một tiêu chí xét đánh giá.
Học sinh bé cũng thích đi học thêm để được gặp và chơi với bạn, nhất là những em ở thành phố (Hình minh họa)
Học sinh bé cũng thích đi học thêm để được gặp và chơi với bạn. Nhất là những đứa trẻ ở thành phố, nhà khá giả đôi chút.
Ngoài giờ học ở trường, chúng gần như hoàn toàn bị nhốt trong biệt thự, chung cư, hoặc nhà riêng, cha mẹ trăm phần trăm đưa đón, không dám thả con ra ngoài vì sợ bị bắt cóc hay gặp tai nạn.
Còn với giáo viên, dạy thêm để cách để mưu sinh tốt nhất, vì tuy vất vả, bán cháo phổi nhưng vẫn giữ được đôi chút phẩm giá của nghề. Tuy xã hội đã vùi dập nghề giáo không thương tiếc nhưng hai chữ người thầy vẫn luôn tồn tại sự đáng trọng của nó.
Dạy thêm tốt hơn rất rất nhiều so với việc phải làm yaourt và thức ăn vặt mang đến bán cho học trò ngay tại lớp học, bán hàng online, chạy xe ôm công nghệ… Bởi vậy ngay trong làng giáo chức cũng có sự phân biệt đẳng cấp rõ rệt. Giáo viên các môn chính như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Văn, hay Anh văn dạy thêm đến khàn hơi. Ngược lại, giáo viên các môn "phụ" như Sử, Địa, Công dân, Thể dục… chỉ có thể nhìn đồng nghiệp chạy show bạc mặt mà thèm thuồng.
Mặt trái của dạy thêm
Mặt ngược lại cũng rất rõ ràng. Với phụ huynh là tốn tiền, tốn thời gian công sức đưa đón con đi học, cực kỳ mệt nhọc vất vả.
Với giáo viên cũng vậy. Những giáo viên trẻ miệt mài dạy thêm đến mức không còn thời gian dành cho gia đình và bản thân. Có người trong cùng một ca dạy 2 nhóm trong nhà, nhóm này học lý thuyết thì nhóm kia làm bài tập. Trẻ học ca cuối ra về đã 9, 10g đêm, thầy cô ù té ăn vài miếng cơm giữa hai ca rồi ra dạy tiếp.
Gần như chỉ còn đồng tiền làm động lực trợ sức cho họ vượt qua một ngày bốn năm ca dạy chính lẫn phụ. Họ chỉ còn đủ sức theo đúng những điểm chính trong sách giáo khoa chứ chẳng có thời gian để mở rộng - đào sâu kiến thức hay thậm chí tương tác với học trò, tận hưởng được niềm vui tuyệt vời của sự giáo dục.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lương của giáo viên Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng Châu Á (hình minh họa)
Lương của giáo viên Việt Nam đang thấp nhất trong khu vực
Giáo viên mầm non mới ra trường lương từ gần 2,8 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng. Giáo viên tiểu học từ gần 2,8 triệu đến gần 3,9 triệu đồng/tháng. Giáo viên trung học cơ sở từ 3,2 triệu đến gần 6 triệu đồng/tháng. Giáo viên trung học phổ thông từ gần 3,5 triệu đến 6,5 triệu đồng/tháng (theo Nghị định 38/2019/NĐ-CP của chính phủ).
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), lương của giáo viên Việt Nam đứng cuối bảng xếp hạng (gồm Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật Bản, Philipines, New Zealand, Australia, Macao, Hong Kong, Indonesia, Đài, Loan, Mỹ, Pháp, Singapore, Trung Quốc và Việt Nam) trong một nghiên cứu về lương trung bình của nghề này so với GDP bình quân.
Học sinh Việt Nam sẽ phải thức khuya làm bài cho đến… đời sau
Do vậy, tuy bên ngoài thì thể hiện thái độ không khuyến khích học thêm/dạy thêm, nhưng bên trong thì Bộ Giáo dục luôn luôn ngầm cho phép, hoặc ít nhất là mắt nhắm mắt mở. Vì đó là cách thức tốt nhất để giáo viên tự lo liệu được đời sống của họ ngoài đồng lương rẻ mạt của Nhà nước. Là cách họ tự xoay sở trong bão tố cơm áo gạo tiền để trụ lại với nghề, mà Nhà nước không phải bỏ ngân sách ra giải quyết. Vì là phương kế mưu sinh nên có những giáo viên đã hành xử phi giáo dục để đạt được mục đích hút học sinh học thêm : trù dập, cho điểm thấp, thái độ cư xử xấu với học sinh không đi học thêm với mình ; gợi ý thẳng thắn học sinh đi học thêm sẽ được cho biết đề thi trước, trên lớp thì được ưu ái chấm điểm cao…
Chương trình học thì quá nặng chiếm hết thời gian giảng trên lớp nên giáo viên không thể sửa lỗi cho từng học sinh. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng đến việc hiểu bài và làm bài thi cuối năm, chưa nói đến hậu quả xa hơn.
Cuối cùng, trong suốt 12 năm học phổ thông gần như trăm phần trăm học sinh đều phải đi học thêm và thức khuya làm bài tập về nhà. Không năm này thì năm khác, không cấp này thì cấp khác, không môn này thì môn khác. Vì thế câu chuyện lùi hay không lùi giờ đi học của học sinh đâu phải chỉ là chuyện nhà tôi cho con đi ngủ sớm được, nhà chị thì không. Hay thói quen hợp lý của người thành thị là ngày càng thức khuya, do đó không nên ép trẻ dậy sớm… như có "học giả" nào đó nói.
Nguyên nhân cốt lõi là cái mớ bòng bong thu nhập quá thấp-dạy thêm-học thêm-bệnh thành tích-giảm tải chương trình học… mà nhiều đời bộ trưởng Giáo dục vừa qua không giải quyết được.
Cái gốc bệnh tật còn nguyên, lẽ nào những thứ mụn nhọt không nối nhau mọc lên. Xã hội cứ vui như hội vì chẳng khi nào hết chuyện bàn cãi, cứ nay rú lên một chuyện, mai rít lên vì một chuyện khác.
Cứ thế… cho đến muôn đời sau.
Trần Mai (Sài Gòn)
Nguồn : BBC, 28/10/2022
Thời xưa, muốn cho các thế hệ học trò được chuyên tâm học hành, nhân cách phát triển tốt, ông bà chúng ta đã tìm cách xây dựng trường ở những nơi thanh vắng, xa người kẻ chợ và tránh tiếng thị phi. Nhờ vậy mà đã có một thời, nhân cách kẻ sĩ người Việt cao vời, đáng kính.
Thời xưa, muốn cho các thế hệ học trò được chuyên tâm học hành, nhân cách phát triển tốt
Còn ngày nay, chợ ở ngay trong trường, ngay trong ban giám hiệu, hội đồng giáo viên, hội đồng phụ huynh, thậm chí ở ngay trong tâm hồn thầy giáo và học trò. Thử nghĩ, với nếp kẻ chợ in đậm dấu ấn nhà trường như vậy thì tương lai Việt Nam sẽ về đâu ?
Tại thành phố Hồ chí Minh, giáo viên dạy thêm sai quy định có thể sẽ bị đuổi việc (Ảnh : infonet.vn).
Ở vấn đề chợ trong trường, dễ thấy nhất, có lẽ hằng năm, từ các khoản phí mà cha mẹ học sinh phải gồng lưng để đóng, cho dù có kêu thấu trời xanh thì cũng phải đóng. Để rồi cách sử dụng, phân chia chi tiêu các khoản này ra sao, chi tiêu như thế nào, cha mẹ học sinh và các học sinh hoàn toàn mù tịt. Thêm nữa, hằng năm, cứ mùa tựu trường cũng là mùa chạy đua đấu giá căng tin ở các trường. Muốn đầu giá thành công, chủ căng tin phải chung chi cho hiệu trưởng, ban giám hiệu, để sau đó, khi thắng thầu, người ta lại è cổ học sinh ra để chặt chém. Chỉ mới nhìn qua thôi cũng đã thấy không khí chợ búa đầy trong các trường.
Và phải nói đến ban giám hiệu, những con người mang tiếng là tấm gương, là lãnh đạo ở các trường, họ đã làm được gì ? Tư cách nhà giáo của họ đến đâu ? Câu trả lời là họ chẳng làm được gì để cho nhân cách phẩm hạnh hay đạo đức học sinh được tốt hơn. Và mong sao họ đừng làm thì tốt hơn. Bởi càng làm, họ càng gây tai họa. Thử nghĩ, để có cái ghế hiệu trưởng, người ta đã phải tốn kém bao nhiêu tiền đút lót cho cấp trên ? Và họ đã lấy tiền lại như thế nào ngoài việc nhận đút lót, hối lộ của các sinh viên mới ra trường để được vào dạy trong trường mà họ quản lý. Muốn đi dạy, phải có trên 100 triệu đồng, điều này như một chân lý thời đại mà các sinh viên sư phạm phải thuộc nằm lòng. Đó là chưa muốn nói đến các vụ hiệu trưởng đưa nữ sinh vào đường dây bán dâm, giáo viên phải đổi tình dục với hiệu trưởng để lấy biên chế.
Chuyện nhục nhã mà các hiệu trưởng và giáo viên tạo ra đã làm cho môi trường giáo dục Việt Nam trở nên bẩn thiểu hơn bao giờ hết và thậm chí nó còn bẩn thỉu hơn cả cái chợ. Bởi ở chợ, người ta mua bán sòng phẵng, đôi bên ngã giá, thấy hợp lý thì mua, bán, có thứ gì hư hỏng, ôi thiu, người ta mang ra chỗ đổ rác để vứt vào đó. Nó khác xa cách mua bán của quí thầy, quí cô, các thầy cô mua bán khi đôi bên đều tìm cách gài thế hay để bẫy với nhau, đến khi không còn mua bán với nhau được nữa thì ném thẳng rác vào mặt nhau, thậm chí để rác vung vẫy khắp nơi, làm cho môi trường giáo dục trở thành cái bãi rác.
Trong mối quan hệ giữa giáo viên với hiện trưởng, hiệu trưởng với giáo viên, giáo viên với giáo viên và giáo viên với học sinh, cho dù có tô hồng cách gì, có lãng mạn hóa kiểu gì đi nữa vẫn cho ra kết quả là mua và bán, không hơn không kém, sinh quyển giáo dục thực chất là sinh quyển chợ búa. Giáo viên với giáo viên thì không kèn cựa, tranh nhau từng tiết dạy, đến khi họp hội đồng nhà trường thì chưa có phiên họp nào mỗ xẻ về chuyên môn, sáng tạo mà chỉ tranh cãi quanh quẩn chuyện đồng lương, đồng dạy phù đạo, tiết dạy phân chia không đồng đều… Chẳng có gì hơn.
Mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh, không thiếu trường hợp thầy giáo gạ tình nữ sinh đổi điểm, không thiếu trường hợp cô giáo dụ dỗ nam sinh làm phi công trẻ, rồi thêm chuyện dạy thêm, dạy kèm, giáo viên cố tình ém bài trong giờ dạy chính khóa, nói nam tào bắc đẩu cho hết giờ hoặc la rầy học sinh, cáu gắt với học sinh cho xong tiết, đến khi tiết học khép lại thì học sinh rối mù đầu óc bởi một trận la không đâu vào đâu hoặc câu chuyện vô bổ, thậm chí nhảm nhí… Kết cục, học sinh phải tìm cách này hoặc cách nọ đến nhà giáo viên để học thêm, để chấp nhận trả tiền cho giáo viên. Mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh còn tệ hơn cả chợ búa. Bởi chợ búa người ta mua bán thật thà hoặc chí ít giữ tinh thần thật thà và sòng phẵng dù là hình thức để mua bán. Còn đằng này, mối quan hệ mua bán cái chữ giữa giáo viên và học sinh nghe ra còn tệ hơn so với mua bán chợ búa, đây là thứ quan hệ bên bán ép bên mua, có không muốn mua cũng phải mua !
Người ta nói cha nó lú có chú nó khôn, khi mà mối quan hệ trong giáo dục trở nên tệ hại, người ta vẫn hi vọng vào hội động phụ huynh, bởi đây là hội của cha mẹ học sinh, qua đó, hội sẽ phản ảnh với nhà trường về nguyện vọng của con em mình trong học tập, trau dồi đạo đức hay qua hội, những quyền lợi tối thiết của con em. Nhưng không, hội phụ huynh học sinh trong cơ chế hiện tại là một thứ gánh nặng chi phí cho phụ huynh học sinh. Họ không làm được bất kì trò trống gì cho nên hình ngoài việc đầu năm, ngoài khoản chi phí từ phía nhà trường yêu cầu, phụ huynh học sinh phải gánh thêm một khoản phí hoạt động hội. Hiện tại, học sinh miền núi phải đóng thấp nhất là 50 ngàn đồng trên mỗi em để hoạt động hội, học sinh đồng bằng, thôn quê thì mức đóng thấp nhất từ 100 ngàn đồng, học sinh thành phố có nơi 500 ngàn đồng, có nơi vài triệu đồng.
Số tiền mà cha mẹ học sinh phải đóng này để làm gì ? Để sau khi họp hành qua loa chiếu lệ thì cả hội kéo nhau ra quán, ra nhà hàng ăn nhậu, hát hò… Vô hình trung, hội phụ huynh học sinh trở thành một cái ung nhọt khác gắn lên cơ thể nền giáo dục vốn đã rệu rã, hôi thối. Hội không làm được gì cả ngoài việc các chủ tịch hội toa rập với hiệu trưởng nhà trường để thông qua các khoản phí, yêu cầu học sinh đóng một cách mờ ám để rồi ăn chia tỉ lệ.
Thử nghĩ một nền giáo dục mà ở đó, tính chợ búa cao đến mức ngộp thở như vậy thì nền giáo dục Việt Nam sẽ đi đến đâu ? Thật tâm mà nói, với cơ chế như hiện tại, nền giáo dục Việt Nam chỉ có một lối đi duy nhất, đó là chui xuống hố rác. Nhưng nói vậy không có nghĩa là tuyệt vọng, hết đường cứu. Vấn đề là các ông chỉ cần rút bớt thứ quyền lực đỏ chi phối trong ngành giáo dục ra thì câu chuyện sẽ tốt hơn. Bởi ngay từ đầu, tính đảng đã chi phối quá nặng trong giáo dục, đến khi nó phát triển thành cô hồn các đảng thì các ông, các bà mới giật mình, kêu oai oải. Lúc đó kêu cũng vậy thôi ! Hiện tại, nên thay Bộ trưởng giáo dục trước tiên, bởi Phùng Xuân Nhạ càng lúc càng tỏ ra bất tài và không có khả năng sư phạm. Nếu không thay Nhạ thì đừng mơ chuyện khác !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 25/09/2017 (VietTuSaiGon's blog)
Dụ học trò đi học thêm bằng cách tổ chức sinh nhật trò/thầy, liên hoan cuối tháng, cuối học kỳ… Hoặc mang xoài, lê, cóc, ổi để kết giao "tình thầy-trò"…
"Mười tuyệt chiêu" trong việc dạy thêm-học thêm :
Thứ nhất : Ép học trò đi học thêm. Cách phổ biến nhất là ra đề kiểm tra (kiểm tra thường xuyên và kiểm tra định kỳ) thật khó, thậm chí ra ở cả phần giảm tải, phần đọc thêm, các kiến thức đã học lớp trước…
Thứ hai : Dụ học trò đi học thêm bằng cách tổ chức sinh nhật trò/thầy, liên hoan cuối tháng, cuối học kỳ…Hoặc mang xoài, lê, cóc, ổi để kết giao "tình thầy-trò"…
Giáo viên vạch trần "10 tuyệt chiêu" bắt trẻ đến lớp học thêm (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)
Thứ ba : Giải trước đề kiểm tra cho những học sinh ở nhóm học thêm để tạo hiệu ứng lây lan với những học sinh khác.
Thứ tư : Lên lớp chính khóa dạy theo kiểu tung hỏa mù, bài dễ hóa khó ; hoặc dạy qua loa, đại khái ; hoặc tìm lý do vớ vẩn nào đó để chửi mắng học trò đến gần hết tiết học.
Thứ năm : Quảng bá "thương hiệu" bằng cách xin Ban giám hiệu bồi dưỡng học sinh giỏi. Khi đã có được một, hai em học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh rồi thì tung hô mình lên (dù ai ai cũng biết rằng để đạt được học sinh giỏi học sinh phải cố gắng rất nhiều).
Thứ sáu : Mỉa mai, phê bình những học sinh có bài kiểm tra đạt điểm thấp trước lớp, khiến các em xấu hổ buộc phải đi học thêm.
Thứ bảy : Đề cao quá mức tầm quan trọng của bộ môn mình phụ trách khiến học sinh lo lắng mà học thêm.
Thứ tám : Đánh vào tâm lý của phụ huynh bằng cách ca cẩm về sự yếu kém của học sinh và… đề nghị cho con học thêm.
Thứ chín : Phê bình những học sinh yếu kém không đi học thêm để răn đe những học sinh khác.
Thứ mười : Gạ gẫm Ban Giám hiệu bố trí dạy các lớp cuối cấp vì các lớp này cần học thêm nhiều hơn
Thùy Linh (ghi)
Có một câu chuyện như thế này : tại một trường học, cô hiệu trưởng đi taxi vào thẳng trong sân trường đâm phải một học sinh khiến em học sinh ngã gãy xương đùi phải vào viện. Tuy nhiên thay vì lắng nghe, trực tiếp giải quyết vấn đề thì cô hiệu trưởng này lại chối biến bằng cách đi phát phiếu thăm dò. Kết quả : 100% giáo viên, cán bộ, công nhân viên nhà trường cùng các em học sinh khác đều khẳng định không có chiếc taxi nào chạy vào sân trường. Vụ em học sinh lớp hai bị thương là do em chạy chơi và tự ngã. Dù công an Hà Nội đã vào cuộc điều tra và tìm được chiếc taxi gây tai nạn cùng nhận được lời khai của một số nhân chứng, cho đến nay vẫn chưa có một lời giải thích chính thức nào từ phía hiệu trưởng về vụ này.
Cháu Trần Chí Kiên bị chấn thương nặng, gãy xương đùi phải nẹp vít xương nhưng nhà trường khẳng định cháu chơi đùa tự ngã.
Một câu chuyện khác, xuất phát từ Facebook của một nhóm tâm sự giấu mặt (hay còn gọi là Confession) tại một trường học cấp 3 có tiếng ở Hà Nội, khi học sinh này kể về việc mình bị chấn thương trong một vụ nổ phòng thí nghiệm, dẫn đến bỏng cấp độ 3, không thể đến trường dù đang trong giai đoạn ôn thi vào đại học. Vấn đề là vụ nổ được em nhắc tới bị nhà trường giấu nhẹm và không một ai dám đả động đến. Câu chuyện này đã gây hoang mang và nhận được nhiều sự chú ý quan tâm từ cộng đồng học sinh trung học tại Hà Nội. Tuy nhiên cũng không có một tin tức chính thức nào từ đại diện của trường.
Trong khi đó, một tờ báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài phát hiện một điểm dạy thêm học sinh cấp một tại Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh. Bài báo được viết dưới dạng điều tra chụp lén từ ngoài cửa với hình ảnh nhiều đôi dép học sinh để ở tầng trệt, hay đôi khi có phụ huynh thả con cái trước cửa nhà bị nghi là địa điểm dạy thêm không giấy phép. Tác giả bài báo còn đề nghị UBND Q1 vào cuộc để chấn chỉnh, ngăn chặn tình trạng tiêu cực trong giáo dục như thế này. Cũng cần phải nhắc lại luật cấm dạy, học thêm mới được Sở giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh ban hành vào năm ngoái để tránh việc thầy cô và học sinh lơ là, coi nhẹ thời gian học chính thức trên trường lớp.
Nhìn vào thực trạng chìm nổi của giáo dục Việt Nam mà cảm thấy hoang mang vô cùng. Nguyên nhân gốc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của giáo viên, học sinh như chương trình học chính quy, các hình thức thi tuyển hay môi trường giáo dục thì không bao giờ được quan tâm và tìm cách giải quyết. Trong khi đó luôn luôn thấy những câu chuyện đáng kinh ngạc như vừa kể xuất hiện. Nền giáo dục Việt đang xuống cấp trầm trọng không phải ở riêng việc thiếu chuyên môn, thiếu tổ chức mà là thiếu tư cách đạo đức – một nhân phẩm cần có nhất của nghề dạy học. Những câu chuyện mà phụ huynh phàn nàn về trường lớp những thập niên về trước mới chỉ xoay quanh việc đổi mới chương trình học, lo ngại con cái mình trở thành "chuột bạch" cho các dự án cái cách giáo dục thất bại. Đến nay, chúng ta còn phải đặt thêm câu hỏi về đạo đức và trách nhiệm của thầy cô. Nhớ lại cách đây không lâu cả nước phẫn nộ với những đoạn clip cô giáo trông trẻ dọa nạt, đánh mắng trẻ nhỏ tại nhà mẫu giáo tư thục Lan Anh tại Sài Gòn, nhớ những cái tát trời giáng hay véo rách tai hoặc khía thước vào tay học trò khi phạm lỗi đã từng được đồng loạt đưa lên báo cách đây 5,7 năm về trước. Cho đến bây giờ, có khác chăng là cách ngược đãi tinh vi hơn, và những kẻ mang danh "thầy" danh "cô" ấy không còn màng đến trách nhiệm và sự xấu hổ về hành vi của mình. Và từ đó từng lứa học trò trẻ Việt Nam khi bước ra đời, khi sống với thế giới xung quanh, làm sao để chúng biết xấu hổ khi chối bỏ trách nhiệm là việc duy nhất mà những kẻ làm nghề giáo đã từng dạy dỗ ? Mà cũng chẳng biết hy vọng sao đây khi ở đất nước Việt trong thời đại mới, cha mẹ cũng lo chăm chăm đi tìm một trung tâm du học có uy tín thay vì đấu tranh để xây dựng cho con một ngôi trường có môi trường học tốt. Con đi du học nước nào cũng đều được cả, vì chắc chắn là vẫn tốt hơn Việt Nam. Và những kẻ đã đi, thì chẳng khi nào muốn quay trở về, buồn thay, bởi họ bi ết xấu hổ !
Hoàng Giang
Nguồn : VOA tiếng Việt, 18/02/2017