Dịch bệnh, ‘đối tượng’ nào gây hoang mang, bất an ?
Trân Văn, VOA, 14/02/2020
Sau khi thay đổi cách chẩn đoán - định bệnh, so với ngày 12 tháng này, số người nhiễm chủng mới của virus Corona gây viêm đường hô hấp cấp (vừa được định danh lại là Covid-19) của ngày 13 tại tỉnh Hồ Bắc – Trung Quốc đã tăng khoảng mười lần và số người chết tăng gấp đôi !
Dịch bệnh, ‘đối tượng’ nào gây hoang mang, bất an ? Hình minh họa.
Không chỉ dư luận Trung Quốc mà dư luận quốc tế tiếp tục rúng động ! Việt Nam cũng thế ! Nếu Việt Nam cũng thay đổi cách chẩn đoán – định bệnh, số người nhiễm Covid-19 sẽ là bao nhiêu, liệu có còn chỉ là 16 (số liệu tính đến ngày 13 tháng 2) và sau xã Sơn Lôi (huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) sẽ còn bao nhiêu khu vực cần cô lập ?
***
Tờ Công an nhân dân vừa có một bài lên án việc đưa thông tin, nêu ý kiến có tính chất cá nhân về Covid-19 là "vô lương" vì "lợi dụng dịch bệnh để chống phá đảng, nhà nước" trong khi "toàn bộ hệ thống chính trị đang tích cực vào cuộc phòng, chống dịch" và "thực tế chứng minh, việc xử lý dịch bệnh đã đạt được những kết quả rất tích cực" (1).
Cứ theo cách lập luận của tờ Công an nhân dân thì dân chúng "cần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện để phòng tránh" những thông tin, ý kiến phi chính thức trên mạng xã hội, "gây ra tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trong việc phòng chống dịch". Cũng vì vậy, có lẽ cần xét xem tâm lý hoang mang, cảm giác bất ổn đến từ đâu ? "Đối tượng" nào tạo ra tình trạng này để giúp đảng, nhà nước xử lý thích đáng.
***
Sau khi đọc hàng loạt thông tin trên các cơ quan truyền thông chính thức, giống như nhiều người, Ngọc Vinh nêu thắc mắc : Thế này là… thế nào ? Ngày 10 tháng 2, tờ Tiền Phong loan báo, ở Thành phố Hồ Chí Minh có 2.100 người vì nghi nhiễm Covid-19 nên bị giám sát, cách ly tại nơi cư trú. Ngày 11 tháng 2, VnExpress khẳng định, tại Thành phố Hồ Chí Minh không còn ca nào nghi nhiễm Covid-19. Còn tờ Người Lao Động cho biết, riêng tại quận Bình Tân của Thành phố Hồ Chí Minh đang theo dõi 1.024 người đến từ vùng có dịch (2)…
Sơn Lôi (xã đầu tiên ở Việt Nam bị cô lập để phòng ngừa Covid-19 lây lan), vốn chỉ có một người từng đến Vũ Hán và được xem là nguyên nhân khiến mười người trong xã lây nhiễm Covid-19. "Đối tượng" nào gây "hoang mang" gieo rắc tâm trạng "bất an" trong xã hội khi nhiều người Trung Quốc, vốn đang bị cách ly để phòng ngừa Covid-19 lây lan vẫn có thể tự do tới lui đủ mọi nơi, kể cả thay đổi nơi cư trú đã được chỉ định và hệ thống chính trị, hệ thống công quyền cùng làm ngơ (3) ? Chẳng lẽ người sử dụng mạng xã hội không có quyền bày tỏ sự bất bình về tinh thần trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, kể cả chia sẻ nhận thức về nguyên nhân kiểu như Le Van Hien : Công an phải lo bắt phản động bảo vệ đảng, làm gì còn thời gian, sức lực canh giữ người nghi nhiễm Covid-19 (4) ?
Rồi khi đặc điểm dịch bệnh nói chung và dịch viêm đường hô hấp cấp do Covid-19 gây ra như đã biết mà Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh còn phát hành một công văn đề nghị Sở Giáo dục "chỉ đạo giáo viên ngoài nhiệm vụ dạy học phải chú ý quan sát để phát hiện dấu hiệu học sinh bị nhiễm Covid-19", đồng thời tư vấn : Chỉ đóng cửa tạm thời một lớp nếu trong vòng bảy ngày có hai đứa trẻ trở lên bị nhiễm Covid-19. Chỉ đóng cửa tạm thời một trường nếu có từ hai lớp trở lên có trẻ bị nhiễm Covid-19 (5)… thì chẳng lẽ những chỉ trích như chỉ trích của Khách Huyền Đao về việc "Đặt cược bằng sinh mạng của con cái người khác", dồn hết trách nhiệm vào giáo viên, buộc họ kiêm quản cả vai trò của hệ thống y tế lẫn hệ thống công quyền là "vô lương" hơn nỗ lực chứng tỏ "toàn bộ hệ thống chính trị đang tích cực vào cuộc phòng, chống dịch" (6) ?
Làm sao giữ để "uy tín của đảng, nhà nước" không bị "xâm hại nghiêm trọng" khi "toàn bộ hệ thống chính trị đang tích cực vào cuộc phòng, chống dịch" mà ngay cả những bệnh viện lớn, quan trọng như Bệnh viện Từ Dũ ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng phải tổ chức tự may khẩu trang để dùng nhằm tiết kiệm khẩu trang đúng tiêu chuẩn của ngành y tế "cho mục đích chuyên môn, nhất là khi thực hiện thủ thuật, phẫu thuật trong phòng mổ và khi phải tiếp xúc đông người trong phòng khám hoặc khu vực tiếp nhận bệnh nhân" (7) ? Trong khi chỉ một tuần và chỉ tính riêng cửa khẩu phi trường Tân Sơn Nhất đã có hơn 36 tấn khẩu trang được xuất cảng, chủ yếu là qua Trung Quốc (8) ! Trong bối cảnh như thế, "đối tượng" nào mà dân chúng Việt Nam "cần cảnh giác, tỉnh táo nhận diện" ? "Đối tượng" nào "làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với đảng, nhà nước trong việc phòng chống dịch" ?
Dẫu các cơ quan hữu trách trấn an "đang chuẩn bị nguồn khẩu trang vải kháng khuẩn nhằm bổ sung, đáp ứng nhu cầu sử dụng khẩu trang trong giai đoạn hiện nay" (9) nhưng chẳng lẽ những tâm sự như Nhàn Lê – một bác sĩ : Bản thân tôi không tin vào loại vải được gọi là diệt khuẩn. Trong y khoa chỉ có cồn sát trùng và lò hấp nhiệt là hai cách thường dùng – cũng là "vô lương" ? Lẽ nào cảnh báo của Nhàn Lê : Rất nhiều người vẫn cho trẻ con chạy tung tăng trong chung cư mà không biết nếu có một người nhiễm virus đang trong thời gian ủ bệnh hắt xì trong thang máy, mấy đứa nhỏ bám vào, cho tay vào miệng là xong. Cho rằng dịch tận Trung Quốc nhưng không biết chỉ trong một ngày, người từ vùng dịch có thể bay đến Việt Nam và chỉ cần đứng cạnh 15 giây mà họ há miệng là đã có thể bị lây – là "gây ra tâm lý hoang mang, bất ổn trong xã hội" (10) ?
***
Xuân Sơn Võ – một bác sĩ – vừa đưa lên trang facebook của ông năm đề nghị : Sử dụng các biện pháp mạnh hơn, cứng rắn hơn để kiểm soát những người đến từ vùng dịch, kể cả cấm nhập cảnh, giám sát chặt chẽ quá trình cách ly, xử lý bất cứ vi phạm cách ly nào của bất cứ ai, đến từ bất cứ quốc gia nào.
Cho học sinh tiếp tục nghỉ học, tránh tập trung đông người, nếu cần thì áp dụng việc cho nghỉ hè trước. Áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo đảm cung cấp đủ phương tiện bảo hộ chống dịch cho đội ngũ nhân viên y tế cũng như cho toàn dân, cấm xuất khẩu khẩu trang và phương tiện bảo hộ phòng dịch. Chính phủ chủ động tìm nguồn nhập trang thiết bị bảo hộ phòng chống dịch và nguyên liệu sản xuất trang thiết bị bảo hộ phòng chống dịch. Huy động tất cả các nguồn lực, cả trong nước và từ nước ngoài (WHO, CDC...) để sớm đưa ra các khuyến cáo, hướng dẫn chính xác, khoa học nhằm có biện pháp kịp thời ngăn ngừa lây lan, chẩn đoán chính xác, kịp thời có biện pháp điều trị những người bị nhiễm và gác lại những chi tiêu chưa cấp bách để bảo đảm ngân sách cho việc này.
Gia tăng hỗ trợ, hướng dẫn, đồng thời kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện phòng chống dịch ở những nơi có khả năng lây lan cao : Các bệnh viện, cơ sở y tế, các địa điểm, phương tiện giao thông công cộng như sân bay, nhà ga, bến xe, máy bay, tàu lửa, tàu thủy chở khách, xe buýt, xe đò, xe taxi, cửa hàng, siêu thị, công sở (11)...
Đề nghị của Xuân Sơn Võ và cũng là mong muốn của nhiều người suốt từ đầu tháng giêng đến nay : Đã đến lúc phải đặt an toàn sinh mạng lên trên hết. Còn người còn của. Không vì bất cứ lí do gì để lơ là việc phòng và chống dịch tất nhiên hết sức chính đáng nhưng còn phải chờ xem đảng, nhà nước có… công nhận hay không !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 14/02/2020
Chú thích :
(2) https://www.facebook.com/ngoc.vinh.315/posts/2621523781291979
(4) https://www.facebook.com/hdquachgia/posts/2563431377314903
(6) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=502946950627919&id=100027378553596
(9) https://tuoitre.vn/tp-hcm-chuan-bi-nguon-khau-trang-vai-20200212101807843.htm
(10) https://www.facebook.com/phusan.bacsi/posts/543430466274447
(11) https://www.facebook.com/bssonexson/posts/1087073791654863
*********************
'Xã Sơn Lôi bị cách ly nhưng tình hình dịch bệnh vẫn trong tầm kiểm soát'
Hoài Hương, VOA, 14/02/2020
Xã Sơn Lôi, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc đã bị cô lập hoàn toàn từ sáng 13/2 sau khi UBND tỉnh Vĩnh Phúc quyết định khoanh vùng dịch, khiến ước lượng 10,000 người bị cách ly, các hãng tin quốc tế AFP và AP, và cả báo New York Times đưa tin. Quyết định cách ly áp dụng với dân, công nhân, và những người thuê trọ ở xã Sơn Lôi, nơi có 6 ca nhiễm virus corona.
Xã Sơn Lôi là một vùng nông thôn nằm cách Hà nội hơn 40 km. Địa phuong này là nơi có nhiều người xét nghiệm dương tính với Covid-19 nhất tại Việt Nam. Một số người mới trở về từ Vũ Hán, ổ dịch Covid-19 tại Trung Quốc.
Để chặn dịch Covid-19UBND tỉnh Vĩnh Phúc hôm 12/2 ra quyết định cách ly và kiểm soát y tế toàn bộ xã Sơn Lôi trong 20 ngày – tức là cho tới ngày 3/3 năm nay.
Sáng thứ Năm, 12 chốt kiểm soát đã được lập ở tỉnh Vĩnh Phúc tại các ngả đường dẫn vào xã Sơn Lôi. AFP tường thuật rằng cảnh sát mang khẩu trang canh gác các chốt kiểm soát cùng với quân đội và các lực lượng y tế.
Trang mạng Vnews cho biết tất cả các hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí, du lịch trong địa bàn này đều bị tạm ngưng, và học sinh được nghỉ học đến ngày 22/2.
Đài phát thanh RFI tường thuật rằng nhiều làng xã với tổng cộng 10.000 dân đã bị cách ly sau khi 6 ca nhiễm virus corona (Covid-19) được phát hiện tại đó. Ca mới nhất được phát hiện hôm nay, thứ Năm 13/2.
Nạn nhân mới nhất là một người đàn ông 50 tuổi, ông là cha của một phụ nữ đã lây nhiễm virus corona khi cùng đoàn 8 nhân viên người Việt được một công ty Nhật Bản cử sang Vũ Hán, để dự một khóa học tập chuyên môn. Khóa học tập đã bị cắt ngang vì vụ bột phát virus corona, và đoàn 8 người trở về Việt Nam ngày 17/1. Trong 8 người, 6 người đã xét nghiệm dương tính với Covid-19.
Báo chí Việt Nam trích dẫn Bộ Y tế cho biết sẽ cử tổ công tác đặc biệt và các đội phòng chống dịch tới Vĩnh Phúc để giúp thực hiện các biện pháp nhằm ứng phó Covid-19.
Hãng tin AFP của Pháp dẫn lời một dân làng tên Trần Văn Minh cho biết là chính quyền kêu gọi dân chúng nên tránh những nơi tụ tập đông người, ông nói sinh hoạt của dân cư tại đây đã bị tác động nặng vì Covid-19, bởi vì đa số lệ thuộc vào công việc xây dựng và sơn sửa nhà cửa.
Trong cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn , nhận định về tình hình dịch ở xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc :
"Hiện giờ thì chưa có gì nguy hiểm lắm đâu, thì cũng có báo động và có cách ly xã đó, tại vì nếu xã đó mà để thả lỏng thì người dân sẽ đi nhiều nơi, và virus đó mình sẽ không kiểm soát được. Cái mô hình chống dịch bao giờ cũng vậy. Chỗ nào là ổ dịch thì phải quy lại thôi. Kiểm soát thứ nhất là người vào người ra, những người nào có biểu hiện thì phải tập trung điều trị. "
Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào để chặn Covid-19 ?
Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh : "Về mặt chuẩn bị thì trên báo trên đài thường xuyên nhắc nhở về tình trạng virus Covid-19. Các cơ quan nào tiếp xúc với dân như các cơ quan chính quyền, cơ quan hành chánh, cơ quan y tế… đều phải trang bị khẩu trang y tế, và nếu như có dịch thì mình sẽ phân luồng vào các khu cách ly. Đặc biệt ở Saigon thì có bệnh viện Quận 3 họ đã có một khu cách ly rất là tốt. Những trường hợp nào mà có yếu tố từ Vũ Hán về hay có tiếp xúc với người nước ngoài thì theo dõi rất kỹ, nếu có nghi ngờ là cách ly hết. Trong mấy phòng cách ly đó cũng tốt".
Việt Nam chia sẻ một đường biên giới canh phòng lỏng lẻo với Trung Quốc, nơi xuất phát dịch Covid-19. Từ khi virus corona xuất hiện từ đầu tháng 1 năm 2020, cho tới hôm nay, ngày 13/2, có hơn 1.350 người chết vì virus nguy hiểm này, và gần 60.000 người bị lây nhiễm.
Bác sĩ Đồng Ngọc Khanh nói cần bình tĩnh đánh giá dịch bệnh để có thể ứng phó hữu hiệu và chặn sự lây lan của virus cúm xuất phát từ Vũ Hán.
Ông nói : "Thực ra bệnh này tỷ lệ tử vong nó không cao lắm đâu, chỉ có 2%. Nếu mình cảnh giác, quản lý tốt những ca sốt, ho, nặng ngực, khó thở, biểu hiện phổi phải cách ly tốt, điều trị tốt, và đồng thời quy vùng dịch tốt, thì chắc là không đến nỗi nào".
Hoài Hương
Nguồn : VOA, 14/02/2020
Việt Nam từ chối đón 2 tàu du lịch vì lo ngại về virus corona (VOA, 14/02/2020)
Việt Nam từ chối cấp phép cập cảng cho 2 tàu du lịch trong bối cảnh có những lo ngại là trên các tàu này có người nhiễm virus corona, theo truyền thông nhà nước, các trang web theo dõi tàu thuyền và các bài của hành khách đăng trên mạng xã hội.
Hàng nghìn du khách bị cách ly trên tàu Diamond Princess, gần Nhật Bản, tháng 2/2020
Nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam, nơi có Hạ Long - di sản thế giới UNESCO - vào hôm thứ Ba 11/2 đã quyết định không cho phép hành khách của tàu du lịch AIDAvita thuộc sở hữu của Đức được rời tàu lên bờ hôm thứ Năm 13/2, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết.
"Tàu này đã cập cảng tại Philippines, Malaysia và Singapore, tất cả những nước này đều đã có các ca nhiễm virus corona", TTXVN cho biết.
"Không cho phép hành khách của AIDIvita lên bờ (ở Việt Nam) chỉ là một giải pháp tạm thời để ngăn dịch bệnh xâm nhập", TTXVN dẫn lời một quan chức địa phương cho biết.
Động thái đã làm dấy lên nỗi sợ hãi ở các quốc gia vẫn thường cho phép tàu du lịch cập cảng chính là việc Nhật Bản cách ly tàu Diamond Princess. Trong số 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên con tàu đó, 218 người đã được xét nghiệm dương tính với virus corona.
Tàu Norwegian Jade, do hãng Norwegian Cruise Line Holdings Ltd điều hành, cũng bị từ chối cấp phép cập cảng tại Việt Nam, hành khách trên tàu cho biết trong các bài đăng trên Twitter. Thuyền trưởng của con tàu nói không có trường hợp nhiễm virus nào trên tàu.
Thuyền trưởng Frank Juliussen cho hay trong một bức thư gửi đến hành khách trên tàu Norwegian Jade rằng "Chúng tôi áp dụng các thủ tục rất nghiêm ngặt. Trên tàu không có ai ốm và không có hành khách hay thuyền viên nào trên tàu mang hộ chiếu Trung Quốc, Ma Cao hay Hong Kong hoặc đã đến thăm hay quá cảnh ở bất kỳ đâu trong số các địa điểm đó".
"Vậy mà phía cảng vẫn thể hiện là họ vô lý khi xử lý công việc này và đêm qua đã thông báo cho chúng tôi rằng mặc dù đã chấp thuận cho chúng tôi cập cảng những lần trước và bất chấp việc chúng tôi có những hành động để đáp ứng các thủ tục mới của họ, song họ sẽ từ chối cho chúng tôi cập cảng những lần tới", ông Juliussen cho biết, theo một bản sao của bức thư được một hành khách đăng lên Twitter.
Không rõ cảng mà ông đã nhắc đến là cảng nào của Việt Nam.
*****************
Virus corona : Hun Sen "lỡ" lời thách đến thăm sinh viên Cam Bốt ở Vũ Hán (RFI, 12/02/2020)
"Hun Sen dám chiến đấu trong chiến tranh. Ông ấy đã cứu đất nước. Hun Sen đã bất chấp cả cuộc sống để chấm dứt chiến tranh. Tại sao Hun Sen lại không dám đến Vũ Hán để gặp những sinh viên Cam Bốt ? Nếu bạn biết Hun Sen có khả năng như nào, thì đừng thách thức ông ấy".
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đón thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (phải) tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 05/02/2020 China Daily via Reuters
Lời "dằn mặt" được thủ tướng Hun Sen đưa ra trong buổi gặp gỡ công dân Cam Bốt sống và làm việc ở Hàn Quốc ngày 03/02/2020 để đáp lại những chỉ trích việc ông từ chối cho hồi hương 23 sinh viên Cam Bốt đang theo học ở Vũ Hán, trung tâm của dịch viêm phổi cấp do virus Covid/2019.
Trong khi nhiều nước lần lượt hồi hương công dân, thì đại sứ quán Cam Bốt ở Trung Quốc đề nghị đồng hương ở Vũ Hán "chăm sóc bản thân". Trả lời trang Phnom Penh Post (03/02), Em Sovannara, một nhà phân tích chính trị, cho rằng "việc không sơ tán công dân của chúng ta (Cam Bốt) ở Vũ Hán còn đặt gánh nặng lên vai chính phủ Trung Quốc. Người Cam Bốt ở Vũ Hán không phải là chuyên viên có khả năng giúp đỡ người dân Trung Quốc trong đại dịch này". Ngoài ra, "công dân (Cam Bốt) ở Vũ Hán không có kỹ năng tự bảo vệ. Sơ tán sinh viên và công chức có lẽ là cách giảm bớt nguy cơ họ bị nhiễm virus".
Vẫn theo Phnom Penh Post, sẽ không một ai, từ sinh viên đến nhân viên ngoại giao Cam Bốt tại Trung Quốc, được hồi hương, để khẳng định rằng Cam Bốt phải sánh bước cùng Trung Quốc trong hạnh phúc cũng như khổ đau.
Đại sứ Trung Quốc tại Cam Bốt, Vương Văn Thiên (Wang Wentian), hôm 02/02, đã hoan nghênh quyết định của thủ tướng Hun Sen và khẳng định Cam Bốt là "một người bạn thép", với câu nói ví von : "Chỉ khi gió lớn, ta mới biết sức mạnh của cỏ. Khi khó khăn mới biết ai là bạn".
Sau chuyến thăm Hàn Quốc, thủ tướng Hun Sen quyết định đến Bắc Kinh ngày 05/02, trong phái đoàn có một người con trai của ông. Trên trang Facebook cá nhân, thủ tướng Hun Sen nêu ba điểm khiến ông quyết định đến Bắc Kinh.
Thứ nhất, "thể hiện tình liên đới với chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc trong thời điểm khó khăn này". Thứ hai, "thăm hỏi và động viên tinh thần các công dân và sinh viên Cam Bốt cư trú và học tập tại Trung Quốc và đang phải chống trọi cùng vời công dân Trung Quốc". Và thứ ba, truyền tải thông điệp đến người dân Cam Bốt rằng bệnh của người dân Cam Bốt không phải là bệnh do virus corona, mà là bệnh sợ. "Cho đến nay, chưa người dân Cam Bốt nào mắc căn bệnh này hết. Một số nước dường như cố gây cuộc chiến tâm lý khiến người dân sợ hãi".
Không được đến Vũ Hán, Hun Sen bàn về thương mại với Bắc Kinh
Lẽ ra ông Hun Sen đã có cơ hội để đến Vũ Hán để đáp trả "thách thức" thăm sinh viên Cam Bốt trong tâm dịch viêm phổi cấp. Tiếc là chính quyền Bắc Kinh "không cho phép" Hun Sen đến Vũ Hán ! Nhưng ông Hun Sen có thể trực tiếp thể hiện tình liên đới với chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường.
Chủ tịch Trung Quốc đã khuyên Cam Bốt đừng nhân nhượng trước sức ép của Liên Hiệp Châu Âu về dân chủ và nhân quyền trong bối cảnh thỏa thuận Tất cả trừ vũ khí (Tout sauf les armes, TSA) có khả năng bị đình chỉ. Thỏa thuận TSA cho phép Cam Bốt xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu mà không phải chịu thuế quan.
Ông Kao Kim Hourn, bộ trưởng bên cạnh thủ tướng Cam Bốt, cho biết ông Hun Sen đã yêu cầu ông Tập Cận Bình hỗ trợ các nhà đầu tư lĩnh vực dệt may ở Cam Bốt nếu thỏa thuận TSA bị đình chỉ. Theo dự kiến, Ủy Ban Châu Âu đưa ra quyết định về vấn đề này vào ngày 12/02/2020. Tiến trình xem xét đình chỉ được tiến hành cách đây một năm do xảy ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền và luật lao động tại Cam Bốt.
Thu Hằng
*****************
Virus corona : Đài Loan trong thế kẹt giữa WHO và Trung Quốc (RFI, 12/02/2020)
Đài Loan đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch virus corona do hòn đảo này không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và bị nhiều quốc gia cấm cửa do bị xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) thông báo tình hình dịch virus corona tại Đài Loan sau cuộc họp với Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch, Đài Bắc ngày 07/02/2020. Reuters/Fabian Hamacher
Đài Loan vẫn tham gia các Đại hội đồng của WHO từ năm 1947, khi tổ chức này ra đời, cho đến năm 1970, khi chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc của Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) rơi vào tay Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Từ đó đến nay, Bắc Kinh trở thành đại diện duy nhất của Trung Quốc trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc.
Trong nhiều năm, chính phủ Đài Bắc đã đòi được dự Đại hội đồng WHO với tư cách quan sát viên, nhưng yêu cầu này vẫn bị bác bỏ do áp lực của Bắc Kinh. Đến năm 2008, khi ở Đài Bắc có một chính phủ thân Bắc Kinh, Đài Loan mới được dự họp với danh xưng "Đài Bắc Trung Quốc". Nhưng khi bà Thái Anh Văn, một chính khách theo xu hướng độc lập, đắc cử tổng thống năm 2016, Bắc Kinh đã quay trở lại chính sách ban đầu : loại trừ hoàn toàn Đài Loan khỏi WHO.
Đài Loan đã phản ứng rất nhanh chóng và hiệu quả trước dịch viêm phổi do virus corona mới và cho tới nay trên hòn đảo này chỉ mới có 18 ca lây nhiễm, đặc biệt là chưa có một ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng trong những ngày qua, chính phủ Đài Bắc vẫn than phiền là họ không thể nhận được thông tin kịp thời từ WHO, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đã cung cấp cho WHO những thông tin sai lạc về tình hình dịch bệnh ở Đài Loan.
Trung Quốc và WHO thì khẳng định là họ vẫn cung cấp cho Đài Loan những thông tin cập nhật về diễn tiến của dịch bệnh và cho biết là liên lạc với hòn đảo vẫn diễn ra êm xuôi.
Trên thực tế, ngay khi lúc dịch bệnh đang đe dọa cả thế giới, mối hiềm khích giữa Bắc Kinh và Đài Bắc vẫn không suy giảm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng cô lập Đài Loan về ngoại giao.
Trong tuần này, các chuyên gia y tế của Đài Loan đã được dự một cuộc họp của WHO trên mạng, cho dù hòn đảo này không phải là thành viên. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì chuyên gia Đài Loan được dự cuộc họp này chính là do Bắc Kinh cho phép. Nhưng hôm nay, 12/02/2020, Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định sự tham gia của chuyên gia Đài Loan là kết quả dàn xếp trực tiếp giữa Đài Bắc với WHO, chứ không cần sự cho phép của Trung Quốc.
Chỉ có điều, để tránh những tranh cãi chính trị, các chuyên gia Đài Loan tham gia cuộc họp nói trên với tư cách cá nhân và khi tham gia các diễn đàn trên mạng, họ không nêu quốc tịch của mình.
Một khó khăn khác mà Đài Loan đang gặp phải trong dịch virus corona, đó là hòn đảo này bị "vạ lây", do bị xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã chỉ trích kịch liệt quyết định của Manila ngưng tiếp đón các du khách đến từ Đài Loan, biện pháp mà họ đã áp dụng đối với Hoa lục, Hồng Kông và Macao.
Ngoài Philippines, Bangladesh cũng đã cấm cửa du khách từ Đài Loan, còn Mông Cổ, sau khi cấm tiếp nhận du khách Đài Loan, nay quyết định sẽ xét đơn xin nhập cảnh theo từng trường hợp. Về hàng không, Ý đã cấm các chuyến bay của các hãng hàng không Đài Loan.
Tóm lại, dịch virus corona càng làm nỗi rõ thế cô lập của Đài Loan trên trường quốc tế và Đài Loan là lãnh thổ duy nhất có dịch nhưng lại không phải là thành viên của WHO.
Thanh Phương