Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/02/2020

Các quốc gia Đông Nam Á lo ngại dịch bệnh Covid-9

Tổng hợp

Việt Nam từ chối đón 2 tàu du lịch vì lo ngại về virus corona (VOA, 14/02/2020)

Việt Nam từ chối cấp phép cập cảng cho 2 tàu du lịch trong bối cảnh có những lo ngại là trên các tàu này có người nhiễm virus corona, theo truyền thông nhà nước, các trang web theo dõi tàu thuyền và các bài của hành khách đăng trên mạng xã hội.

dich1

Hàng nghìn du khách bị cách ly trên tàu Diamond Princess, gần Nhật Bản, tháng 2/2020

Nhà chức trách tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam, nơi có Hạ Long - di sản thế giới UNESCO - vào hôm thứ Ba 11/2 đã quyết định không cho phép hành khách của tàu du lịch AIDAvita thuộc sở hữu của Đức được rời tàu lên bờ hôm thứ Năm 13/2, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) cho biết.

"Tàu này đã cập cảng tại Philippines, Malaysia và Singapore, tất cả những nước này đều đã có các ca nhiễm virus corona", TTXVN cho biết.

"Không cho phép hành khách của AIDIvita lên bờ (ở Việt Nam) chỉ là một giải pháp tạm thời để ngăn dịch bệnh xâm nhập", TTXVN dẫn lời một quan chức địa phương cho biết.

Động thái đã làm dấy lên nỗi sợ hãi ở các quốc gia vẫn thường cho phép tàu du lịch cập cảng chính là việc Nhật Bản cách ly tàu Diamond Princess. Trong số 3.700 hành khách và thủy thủ đoàn trên con tàu đó, 218 người đã được xét nghiệm dương tính với virus corona.

Tàu Norwegian Jade, do hãng Norwegian Cruise Line Holdings Ltd điều hành, cũng bị từ chối cấp phép cập cảng tại Việt Nam, hành khách trên tàu cho biết trong các bài đăng trên Twitter. Thuyền trưởng của con tàu nói không có trường hợp nhiễm virus nào trên tàu.

Thuyền trưởng Frank Juliussen cho hay trong một bức thư gửi đến hành khách trên tàu Norwegian Jade rằng "Chúng tôi áp dụng các thủ tục rất nghiêm ngặt. Trên tàu không có ai ốm và không có hành khách hay thuyền viên nào trên tàu mang hộ chiếu Trung Quốc, Ma Cao hay Hong Kong hoặc đã đến thăm hay quá cảnh ở bất kỳ đâu trong số các địa điểm đó".

"Vậy mà phía cảng vẫn thể hiện là họ vô lý khi xử lý công việc này và đêm qua đã thông báo cho chúng tôi rằng mặc dù đã chấp thuận cho chúng tôi cập cảng những lần trước và bất chấp việc chúng tôi có những hành động để đáp ứng các thủ tục mới của họ, song họ sẽ từ chối cho chúng tôi cập cảng những lần tới", ông Juliussen cho biết, theo một bản sao của bức thư được một hành khách đăng lên Twitter.

Không rõ cảng mà ông đã nhắc đến là cảng nào của Việt Nam.

*****************

Virus corona : Hun Sen "lỡ" lời thách đến thăm sinh viên Cam Bốt ở Vũ Hán (RFI, 12/02/2020)

"Hun Sen dám chiến đấu trong chiến tranh. Ông ấy đã cứu đất nước. Hun Sen đã bất chấp cả cuộc sống để chấm dứt chiến tranh. Tại sao Hun Sen lại không dám đến Vũ Hán để gặp những sinh viên Cam Bốt ? Nếu bạn biết Hun Sen có khả năng như nào, thì đừng thách thức ông ấy".

dich2

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đón thủ tướng Cam Bốt Hun Sen (phải) tại sân bay quốc tế Bắc Kinh, ngày 05/02/2020 China Daily via Reuters

Lời "dằn mặt" được thủ tướng Hun Sen đưa ra trong buổi gặp gỡ công dân Cam Bốt sống và làm việc ở Hàn Quốc ngày 03/02/2020 để đáp lại những chỉ trích việc ông từ chối cho hồi hương 23 sinh viên Cam Bốt đang theo học ở Vũ Hán, trung tâm của dịch viêm phổi cấp do virus Covid/2019.

Trong khi nhiều nước lần lượt hồi hương công dân, thì đại sứ quán Cam Bốt ở Trung Quốc đề nghị đồng hương ở Vũ Hán "chăm sóc bản thân". Trả lời trang Phnom Penh Post (03/02), Em Sovannara, một nhà phân tích chính trị, cho rằng "việc không sơ tán công dân của chúng ta (Cam Bốt) ở Vũ Hán còn đặt gánh nặng lên vai chính phủ Trung Quốc. Người Cam Bốt ở Vũ Hán không phải là chuyên viên có khả năng giúp đỡ người dân Trung Quốc trong đại dịch này". Ngoài ra, "công dân (Cam Bốt) ở Vũ Hán không có kỹ năng tự bảo vệ. Sơ tán sinh viên và công chức có lẽ là cách giảm bớt nguy cơ họ bị nhiễm virus".

Vẫn theo Phnom Penh Post, sẽ không một ai, từ sinh viên đến nhân viên ngoại giao Cam Bốt tại Trung Quốc, được hồi hương, để khẳng định rằng Cam Bốt phải sánh bước cùng Trung Quốc trong hạnh phúc cũng như khổ đau.

Đại sứ Trung Quốc tại Cam Bốt, Vương Văn Thiên (Wang Wentian), hôm 02/02, đã hoan nghênh quyết định của thủ tướng Hun Sen và khẳng định Cam Bốt là "một người bạn thép", với câu nói ví von : "Chỉ khi gió lớn, ta mới biết sức mạnh của cỏ. Khi khó khăn mới biết ai là bạn".

Sau chuyến thăm Hàn Quốc, thủ tướng Hun Sen quyết định đến Bắc Kinh ngày 05/02, trong phái đoàn có một người con trai của ông. Trên trang Facebook cá nhân, thủ tướng Hun Sen nêu ba điểm khiến ông quyết định đến Bắc Kinh.

Thứ nhất, "thể hiện tình liên đới với chính phủ Trung Quốc và người dân Trung Quốc trong thời điểm khó khăn này". Thứ hai, "thăm hỏi và động viên tinh thần các công dân và sinh viên Cam Bốt cư trú và học tập tại Trung Quốc và đang phải chống trọi cùng vời công dân Trung Quốc". Và thứ ba, truyền tải thông điệp đến người dân Cam Bốt rằng bệnh của người dân Cam Bốt không phải là bệnh do virus corona, mà là bệnh sợ. "Cho đến nay, chưa người dân Cam Bốt nào mắc căn bệnh này hết. Một số nước dường như cố gây cuộc chiến tâm lý khiến người dân sợ hãi".

Không được đến Vũ Hán, Hun Sen bàn về thương mại với Bắc Kinh

Lẽ ra ông Hun Sen đã có cơ hội để đến Vũ Hán để đáp trả "thách thức" thăm sinh viên Cam Bốt trong tâm dịch viêm phổi cấp. Tiếc là chính quyền Bắc Kinh "không cho phép" Hun Sen đến Vũ Hán ! Nhưng ông Hun Sen có thể trực tiếp thể hiện tình liên đới với chủ tịch Tập Cận Bình và thủ tướng Lý Khắc Cường.

Chủ tịch Trung Quốc đã khuyên Cam Bốt đừng nhân nhượng trước sức ép của Liên Hiệp Châu Âu về dân chủ và nhân quyền trong bối cảnh thỏa thuận Tất cả trừ vũ khí (Tout sauf les armes, TSA) có khả năng bị đình chỉ. Thỏa thuận TSA cho phép Cam Bốt xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Châu Âu mà không phải chịu thuế quan.

Ông Kao Kim Hourn, bộ trưởng bên cạnh thủ tướng Cam Bốt, cho biết ông Hun Sen đã yêu cầu ông Tập Cận Bình hỗ trợ các nhà đầu tư lĩnh vực dệt may ở Cam Bốt nếu thỏa thuận TSA bị đình chỉ. Theo dự kiến, Ủy Ban Châu Âu đưa ra quyết định về vấn đề này vào ngày 12/02/2020. Tiến trình xem xét đình chỉ được tiến hành cách đây một năm do xảy ra nhiều vụ vi phạm nhân quyền và luật lao động tại Cam Bốt.

Thu Hằng

*****************

Virus corona : Đài Loan trong thế kẹt giữa WHO và Trung Quốc (RFI, 12/02/2020)

Đài Loan đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc phòng chống dịch virus corona do hòn đảo này không phải là thành viên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và bị nhiều quốc gia cấm cửa do bị xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.

dich3

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn (giữa) thông báo tình hình dịch virus corona tại Đài Loan sau cuộc họp với Trung tâm Kiểm soát bệnh dịch, Đài Bắc ngày 07/02/2020. Reuters/Fabian Hamacher

Đài Loan vẫn tham gia các Đại hội đồng của WHO từ năm 1947, khi tổ chức này ra đời, cho đến năm 1970, khi chiếc ghế tại Liên Hiệp Quốc của Trung Hoa Dân Quốc (tên chính thức của Đài Loan) rơi vào tay Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Từ đó đến nay, Bắc Kinh trở thành đại diện duy nhất của Trung Quốc trong các tổ chức của Liên Hiệp Quốc.

Trong nhiều năm, chính phủ Đài Bắc đã đòi được dự Đại hội đồng WHO với tư cách quan sát viên, nhưng yêu cầu này vẫn bị bác bỏ do áp lực của Bắc Kinh. Đến năm 2008, khi ở Đài Bắc có một chính phủ thân Bắc Kinh, Đài Loan mới được dự họp với danh xưng "Đài Bắc Trung Quốc". Nhưng khi bà Thái Anh Văn, một chính khách theo xu hướng độc lập, đắc cử tổng thống năm 2016, Bắc Kinh đã quay trở lại chính sách ban đầu : loại trừ hoàn toàn Đài Loan khỏi WHO.

Đài Loan đã phản ứng rất nhanh chóng và hiệu quả trước dịch viêm phổi do virus corona mới và cho tới nay trên hòn đảo này chỉ mới có 18 ca lây nhiễm, đặc biệt là chưa có một ca lây nhiễm trong cộng đồng. Nhưng trong những ngày qua, chính phủ Đài Bắc vẫn than phiền là họ không thể nhận được thông tin kịp thời từ WHO, đồng thời cáo buộc Trung Quốc đã cung cấp cho WHO những thông tin sai lạc về tình hình dịch bệnh ở Đài Loan.

Trung Quốc và WHO thì khẳng định là họ vẫn cung cấp cho Đài Loan những thông tin cập nhật về diễn tiến của dịch bệnh và cho biết là liên lạc với hòn đảo vẫn diễn ra êm xuôi.

Trên thực tế, ngay khi lúc dịch bệnh đang đe dọa cả thế giới, mối hiềm khích giữa Bắc Kinh và Đài Bắc vẫn không suy giảm, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng cô lập Đài Loan về ngoại giao.

Trong tuần này, các chuyên gia y tế của Đài Loan đã được dự một cuộc họp của WHO trên mạng, cho dù hòn đảo này không phải là thành viên. Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì chuyên gia Đài Loan được dự cuộc họp này chính là do Bắc Kinh cho phép. Nhưng hôm nay, 12/02/2020, Bộ Ngoại giao Đài Loan khẳng định sự tham gia của chuyên gia Đài Loan là kết quả dàn xếp trực tiếp giữa Đài Bắc với WHO, chứ không cần sự cho phép của Trung Quốc.

Chỉ có điều, để tránh những tranh cãi chính trị, các chuyên gia Đài Loan tham gia cuộc họp nói trên với tư cách cá nhân và khi tham gia các diễn đàn trên mạng, họ không nêu quốc tịch của mình.

Một khó khăn khác mà Đài Loan đang gặp phải trong dịch virus corona, đó là hòn đảo này bị "vạ lây", do bị xem là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Hôm qua, Bộ Ngoại giao Đài Loan đã chỉ trích kịch liệt quyết định của Manila ngưng tiếp đón các du khách đến từ Đài Loan, biện pháp mà họ đã áp dụng đối với Hoa lục, Hồng Kông và Macao.

Ngoài Philippines, Bangladesh cũng đã cấm cửa du khách từ Đài Loan, còn Mông Cổ, sau khi cấm tiếp nhận du khách Đài Loan, nay quyết định sẽ xét đơn xin nhập cảnh theo từng trường hợp. Về hàng không, Ý đã cấm các chuyến bay của các hãng hàng không Đài Loan.

Tóm lại, dịch virus corona càng làm nỗi rõ thế cô lập của Đài Loan trên trường quốc tế và Đài Loan là lãnh thổ duy nhất có dịch nhưng lại không phải là thành viên của WHO.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Tổng hợp
Read 470 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)