Chống Covid-19 : Trung Quốc "cần thuốc dân chủ"
Thế giới bị đe dọa, uy thế Tập Cận Bình bị suy yếu, dân thành thị và nông thôn Hoa lục chia rẽ, du khách Trung Quốc bị dân Châu Á tránh tiếp xúc. Tất cả cũng vì Covid-19 tên mới của siêu vi viêm phổi Vũ Hán. Nhưng căn nguyên nguồn cội của thảm họa chính là chế độ độc tài. Chỉ có "liều thuốc dân chủ mới cứu được Trung Quốc" theo đơn chẩn bệnh của các bác sĩ Hoa lục. Đó là những chủ đề nổi bật trên báo chí Pháp hôm nay.
Bắc Kinh Trung Quốc giữa mùa dịch virus corona ngày 8/02/2020. Reuters
Thuốc trị siêu vi corona : Tự do ngôn luận
Đối phó với siêu vi coronavirus, Tổ chức Y tế Thế giới động viên nỗ lực toàn cầu. Virus corona làm hiện rõ nguồn cội độc tài của chế độ Trung Quốc. Số liệu tử vong và lây nhiễm công bố sai sự thật. Làm cách nào để cứu Trung Quốc ? Giới y khoa, đang bị bịt miệng, đề ra phương án nhạy cảm. Les Echos đưa lên trang nhất lời kêu gọi của Tổ chức Y tế Thế giới "huy động toàn cầu chống dịch". Le Monde tìm hiểu vào căn nguyên "chính trị" của vấn đề.
Tham ô, ám ảnh sĩ diện Nhà nước-Đảng và kiểm soát thông tin là nhiên liệu làm dịch bệnh lan nhanh. Căn bệnh trầm kha của chế độ độc tài Trung Quốc đã làm dấy lên phong trào đòi hỏi tôn trọng các quyền tự do căn bản.
Le Monde giới thiệu bài phân tích của nhà Trung Quốc học Chloé Froissard : "Lẽ ra siêu vi chỉ hoành hành ở trong khu chợ Vũ Hán chứ không thể lan ra khắp thế giới nếu không có ba đồng minh, ba căn bệnh trầm kha của chế độ độc tài : Thứ nhất là nạn tham ô và báo cáo láo. Thứ hai, nhân danh ổn định xã hội, phải hiểu là chế độ độc đảng sợ mất mặt không dám nhìn nhận sự thật và thứ ba là chính sách kiểm duyệt, bóp nghẹt thông tin ngày càng siết chặt từ khi Tập Cận Bình cầm quyền".
Công luận phương Tây thán phục khả năng phản ứng của Trung Quốc phong tỏa cả một tỉnh Hồ Bắc, cách ly 56 triệu dân, xây khẩn cấp hai bệnh viện dã chiến, dùng hệ thống camera nhận diện để truy tìm người bị lây nhiễm, dùng thiết bị bay đuổi nông dân về làng… Thực ra, đó là bản chất của tư tưởng duy ý chí của Mao : hành động để hành động bất cần hiệu quả ra sao và tốn kém bao nhiêu.
Do vậy, lệnh cách ly thực hiện quá trễ sau khi đã có 5 triệu dân đã rời Vũ Hán. Những người ở lại, bị nhốt trong nhà, không có đủ thức ăn, nước uống, thuốc men. Thêm vào đó là các biện pháp tuyên truyền độc quyền đánh bóng các tổ chức ngoại vi của đảng tiếp tế nhân đạo cho dân mặc dù các tổ chức này thiếu chuyên nghiệp và trong sạch. Trong khi đó thì mọi sáng kiến tương thân tương trợ của người dân đều bị cấm đoán. Nói thẳng ra đây là một chiến dịch chính trị hơn là lo chống dịch lây lan.
Chưa hết, bên cạnh đó, để tỏ ra chế độ kiểm soát được tình hình, chính quyền che giấu thống kê về số bệnh nhân và người chết. Làm sao có thể tin vào báo cáo chính thức khi mà, một ứng dụng của Tencent, một trong những công ty của tập đoàn viễn thông Nhà nước, công bố con số người chết 80 lần cao hơn thống kê chính thức phổ biến cùng ngày, và số trường hợp lây nhiễm cũng đến 10 lần nhiều hơn. Hai lần đưa lên, hai lần gỡ xuống.
Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một người trong nhóm bác sĩ Vũ Hán báo động về dịch corona và bị công an triệu tập dọa nạt, làm dấy lên một phong trào đòi tự do ngôn luận theo điều 35 Hiến Pháp. Hai bức thư ngỏ do 10 giáo sư y khoa Vũ Hán và 9 nhà trí thức có tiếng tăm ở Trung Quốc đồng ký. Nội dung hai bức tâm thư, phản ánh lời kêu gọi cuối cùng của bác sĩ Lý Văn Lượng : không thể nào chỉ có một tiếng nói duy nhất trong một xã hội lành mạnh. Đất nước lâm bệnh thì làm sao chữa trị ? Một trong những vị này nhấn mạnh : "Chỉ có nền dân chủ mới có thể cứu được Trung Quốc".
Hoàng đế cô đơn, dân chúng kỳ thị nhau và bị người ngoài kỳ thị
Tập Cận Bình suy yếu. Nhân dân Trung Quốc bị họa lây. Trong nước dân chia rẽ, ra ngoài bị khinh thường. Le Figaro, Le Monde và Les Echos tập trung vào một loạt hệ quả xấu khác của chính sách kiểm duyệt thông tin.
Theo nhật báo thiên hữu, thảm họa Vũ Hán cho thấy rõ những nhược điểm của chế độ toàn trị che giấu dịch bệnh bằng kiểm duyệt thông tin. Bác sĩ Lý Văn Lượng, người báo động dịch, cũng "bị tước quyền nói và quyền chết". Tin ông qua đời phải chạy 1000 km, về tận trung ương, chờ có đèn xanh của Tập Cận Bình, mới được báo chí loan báo.
Hậu quả của kiểm duyệt là dịch lan rộng tác hại đến chính trị và kinh tế. Một nhà ngoại giao tại Bắc Kinh bình luận : Hoàng đế cởi truồng và cô đơn.
Kinh tế Trung Quốc, trong ngắn hạn, khá bi quan theo nhận định của phóng viên báo Les Echos tại Bắc Kinh trong bài "Các nhà máy Hoa lục thiếu nhân lực". Một hãng đóng bàn ghế ở Thượng Hải than thở : trong số 1000 nhân viên, chỉ có một phần ba trở lại làm việc. Theo số liệu chính thức, Trung Quốc có một lực lượng lao động 288 triệu người là nông dân lên tỉnh thành làm việc, tức là một phần ba dân số ở tuổi lao động.
Hồ Bắc, trung tâm dịch, cũng là trung tâm cung cấp lao động cho những tỉnh công nghệ như Quảng Châu và đồng bằng sông Dương Tử, sát ranh Thượng Hải. Họ bị kẹt vì biện pháp phong tỏa dịch làm gián đoạn giao thông. Trở lại được nơi có sở làm đã khó mà sau đó phải tự cách ly thêm 14 ngày. Đã thế, chủ nhà thuê còn khuyến cáo công nhân nên đi luôn sau khi nghỉ Tết. Như mỗi lần xảy ra dịch, di dân lao động bị dân thành phố nhìn với cặp mắt hoài nghi.
Thế nhưng, cộng đồng dân Trung Quốc, khi ra nước ngoài, nhiều tiền nhưng thiếu tư cách, nên bị dân các nước Châu Á khác khinh thường. Đó là bài tổng hợp của bốn phóng viên Le Monde ở khu vực Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông và Úc. Một cuộc thăm dò ý kiến do trang mạng độc lập Khaosod ở Thái Lan cho thấy rõ tình trạng này : 83% đồng ý cấm dân Trung Quốc đến Thái Lan, 53% đồng ý đề xuất cấm du khách Trung Quốc vào hàng quán ăn uống, 36% chủ trương buộc người Trung Quốc đeo khẩu trang để dễ phân biệt.
Nghiêm trọng không kém là thái độ của công luận Úc. Ngày 29/01/2020, nhật báo Herald Sun chạy tựa "Siêu vi Trung Quốc" trong khi đồng nghiệp Daily Telegraph viết : "Những đứa con Trung Quốc hãy ở nhà". Hôm 11/02/2020, trong cuộc họp báo, bộ trưởng Y tế Úc, Greg Hunt, đã phải nhắc nhở công luận "cộng đồng có rủi ro cao là những người đến từ Trung Quốc từ ngày 01/02 chứ không phải người gốc Trung Quốc".
Bão ngầm Codv-19 tại Bắc Triều Tiên ?
Bắc Triều Tiên là nước đầu tiên đóng cửa biên giới với Trung Quốc . Vì sao Kim Jong-un đi tiên phong "cô lập" Bắc Kinh ? La Croix ghi nhận một số thông tin. Mặc dù tình hình có vẻ phẳng lặng như tờ, cũng do kiểm duyệt thông tin, nhưng đất nước khép kín này đang bị siêu vi corona đe dọa nghiêm trọng và đang ở trong tình trạng báo động tối đa.
Một nguồn tin chính thức cho biết có 3 người trong đó có một người 40 tuổi và một sinh viên 20 tuổi từ Hoa lục trở về, tử vong vào cuối tháng Giêng tại Bình Nhưỡng. Năm người nữa qua đời gần biên giới với Trung Quốc. Tin từ chính quyền Trung Quốc cũng cho biết có nhiều trường hợp viêm phổi được ghi nhận ở đặc khu kinh tế Sinuiju, gần Đan Đông của Trung Quốc. KNCA cho thấy các chiến dịch diệt trùng ở cảng Nampo và trên các chuyến xe bus ở thủ đô.
Libération dành cho siêu vi Covid-19 một bài tường thuật về du thuyền Diamond Princess cùng với 3700 du khách và nhân viên đang bị cách ly ở cảng Yokohama, Nhật Bản. Mỗi này đều có trường hợp lây nhiễm mới được phát hiện. Bệnh nhân lập tức được đưa vào bệnh viện. Những người còn lại tiếp tục chờ đợi. Ăn uống đầy đủ, phục vụ tận phòng nhưng "khổ sở nhất là không biết chờ đến bao giờ" theo tâm sự một du khách.
Omar el Bachir : Rồi 30 năm sau
Một nhà độc tài thét ra lửa trong suốt 30 năm, giờ đây đối mặt với công lý quốc tế. Omar el Bachir, tổng thống Sudan bị lật đổ, sắp bị giải sang Hà Lan. Bù lại, nhật báo thiên tả tập trung vào câu chuyện nhân quả ở Sudan. Bị Tòa án Hình sự Quốc tế La Haye tung lệnh truy bắt từ 11 năm nay, nhà độc tài Omar el Bachir vẫn bình chân như vại cho đến khi bị quân đội lật đổ vào tháng 4/2019, sau một phong trào phản kháng suốt sáu tháng.
Tham ô, biển thủ, ra lệnh bắn đối lập… là một số cáo buộc nghiêm trọng. Hôm qua, chính phủ lâm thời Sudan đồng ý dẫn độ nhà cựu độc tài sang La Haye.
Liệu Erdogan dám đụng độ với Putin ?
Tại Syria, bom đạn của chế độ Bachar al Assad và không quân Nga làm hàng trăm ngàn dân ở Idleb bồng bế nhau chạy về hướng Thổ Nhĩ Kỳ. Thế nhưng, tổng thống Erdogan đe dọa nhiều mà hành động chẳng bao nhiêu.
Libération mô tả một cuộc di cư tị nạn chiến cuộc lớn nhất tại Syria từ 9 năm nay. Hơn 100.000 dân kéo nhau về hướng Thổ Nhĩ Kỳ để tránh hành động bạo ngược quân đội Nga và chế độ Damascus. Từ khi Bachar al Assad mở chiến dịch tái chiếm Idleb, gần 1 triệu người đã bỏ làng, bỏ thành phố ra đi.
Vấn đề là Ankara, tuy đe dọa quân đội Syria nhưng không phản ứng, để cho lính Damascus được Nga yểm trợ tái chiếm từ làng này đến khúc xa lộ khác.
Le Monde dự báo "cuộc leo thang đẫm máu" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sẽ kéo dài. Đàm phán Nga-Thổ bế tắc vì "Putin chọn Bachar al Assad".
Với hỏa lực của Nga, quân đội Damascus sẽ tiếp tục tiến lên phía bắc và tiêu diệt lực lượng nổi dậy bất chấp thảm cảnh nhân đạo, với hàng trăm thường dân thương vong, đang diễn ra. Liên Hiệp Quốc kêu gào vô vọng.
Tú Anh