Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nguy cơ chết hàng loạt tù nhân tại Việt Nam vì viêm phổi Vũ Hán

Kể từ khi đại dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát trên toàn thế giới, nhiều quốc gia đã chủ động phóng thích các tù nhân nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch bệnh trong nhà tù. Các tổ chức quốc tế cũng kêu gọi phóng thích những tù nhân dễ bị tổn thương nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có động thái gì trong vấn đề này.

tu1

Nơi thăm gặp phạm nhân với người nhà trong Trại tạm giam tỉnh Lào Cai, Việt Nam.

Ngày 02/4 BBC có mở diễn đàn : Viêm phổi Vũ Hán, Việt Nam có nên cân nhắc việc thả tù ? Cuộc thảo luận ghi nhận nhiều ý kiến khác nhau xung quanh chủ đề này.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là lúc chính quyền và nhà nước Việt Nam nên cân nhắc và ra quyết định tha hoặc tạm tha tù với nhiều người đang thi hành án vì sức khỏe của họ, cũng như vì an toàn chung cho đất nước, tránh các ổ dịch diễn biến phức tạp.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự, bày tỏ quan điểm như sau :

"Tôi nghĩ rằng những người đang bị tù là những đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch này và thực sự là thế giới cũng đã lên tiếng, hội nhà báo quốc tế hay các hội bảo vệ nhà báo thì có lên tiếng đòi thả các nhà báo bị tù…

Tôi nghĩ là phải thả tất cả các tù nhân chính trị và thậm chí cả các tù nhân thường cũng phải tìm cách như thế nào đấy để gần hết hạn thì có thể thả họ ra bằng cách nào đấy, để mà giãn mật độ ở trong môi trường như thế…

Trong trường hợp đối với các tù nhân ở Việt Nam thì có lẽ là chính quyền cũng phải hết sức là lưu ý và theo tôi là phải thả các tù nhân chính trị, các tù nhân lương tâm ra.

Các tù nhân bình thường thì cũng nên xem xét, trừ những trường hợp mà rất là đặc biệt, nhưng mà những trường hợp sắp đến hạn, nên cho người ta ra cho sớm hơn, những trường hợp khác thì có thể giãn ra hay gì đó, để cho mật độ ở trong trại giam nó bớt đi, để cho khả năng ứng phó của bộ phận y tế ở đó ở trong tầm quản lý của người ta, ở trong tầm kiểm soát được".

Chính quyền cộng sản Việt Nam đã từng thả tù nhân trong chiến tranh chống Trung Quốc năm 1979. Đây được coi là một cuộc đặc xá tù nhân lịch sử.

Nhà phân tích chính trị, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, lý giải như sau :

"Chúng ta nhìn lại là từ năm 1979, từ lúc Trung Quốc xâm lược Việt Nam, ở mấy tỉnh biên giới thì một số trại ở phía Bắc, tức là ở Lạng Sơn, ở Quảng Ninh, những trại đông phạm nhân nhất, người ta thả… Và người ta thả trong tình trạng là khi người ta rời trại về Bắc Giang hay Bắc Ninh mà vẫn thấy không an toàn, thì người ta thả… Sau này thì tất cả những người kia lại quay lại và người ta trình diện đầy đủ và sau đó xảy ra một chuyện người ta gọi là đặc xá, nó gần như đại xá.

Thì không có lý do gì bây giờ mà chính quyền Việt Nam không xem xét việc này. Nói đúng hơn là cũng có một số tổ chức Phi Chính phủ, thậm chí có một số Bộ đã có đề nghị với lại Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương, rồi đề nghị với Chính phủ Việt Nam để xem xét việc làm sao để mà thả bớt những người phạm nhân đang ở trong trại đi, thì nhân việc dịch này để họ có thể được an toàn hơn.

Nhưng mà việc thả ra thì tôi nghĩ là không có gì khó khăn cả và hy vọng rằng người ta sẽ sớm xem xét, tại vì vừa rồi ông Thủ tướng cũng đã ký một Nghị định quan trọng, Nghị định gọi là ‘tha tù có điều kiện’… Có nghĩa là Nghị định như thế thì lúc này nên áp dụng luôn, nhân lúc này có dịch lớn, để cho những người dễ bị tổn thương ấy, nhất là những người tù mà sức khỏe người ta kém, những người mà khi trở về nhà, người ta không có làm một cái gì ấy mà ảnh hưởng đến người khác, thì nên làm như thế và làm càng sớm càng tốt".

Điều kiện giam giữ tại Việt Nam thường là 50 -70 người một phòng, nếu xảy ra lây nhiễm dịch thì rất dễ lan rộng, trong khi điều kiện y tế của các trại là rất hạn chế.

Nhà hoạt động xã hội và truyền thông, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Ba Sàm, một cựu tù nhân chính trị cho rằng việc thả tù nhân là cần thiết và đề xuất :

"…cần có những giải pháp mềm dẻo để giảm khó khăn cho phạm nhân, ví dụ như cho tăng trọng lượng hàng, số lần gửi bưu phẩm hàng tháng, cho phạm nhân vay tiền nếu có nhu cầu để mua nhu yếu phẩm, đồ ăn, cho truy nhận tăng trọng lượng quà khi được trở lại bình thường sau đợt dịch v.v.. vì từ năm 2018, Bộ Công an có Thông tư mới, hạn chế trọng lượng quà thăm thân chỉ có 5 kg (hàng chục năm trước không bị hạn chế trọng lượng).

Ngoài ra, cũng nên tăng khẩu phần ăn hàng ngày cho phạm nhân, đặc biệt là rau xanh, vì thực tế nhiều năm nay, bữa ăn của phạm nhân không đủ chất. Lao động vất vả, ai không có thăm nuôi thì hết sức khó khăn. Cũng nên giảm giờ, cường độ lao động trong thời gian dịch bệnh…

Hiện đã có nhiều nước thả hàng ngàn tù nhân để tránh lây nhiễm, cũng đã có tổ chức quốc tế kêu gọi về vấn đề này. Dịch có thể còn kéo dài, Việt Nam nên xem xét. Nếu có thể, để tránh thủ tục hành chính rườm rà, nên tập trung vào các trường hợp già yếu (là diện dễ lây nhiễm, khả năng kháng bệnh thấp), hoàn cảnh khó khăn, án còn lại ngắn, không thuộc loại tội nguy hại cho xã hội… Ví dụ như những tội vô ý gây thương tích, điều khiển giao thông…

Không nên tổ chức bình bầu, dựa trên quá trình cải tạo…, như dạng giảm án, rất hình thức, mất thì giờ, thậm chí nảy sinh tiêu cực… Biết là việc này rất khó có ở Việt Nam, vì nếu muốn cũng phải trao đổi giữa ba ngành tư pháp, mất nhiều thời gian, nhưng thời gian dịch còn có thể kéo dài, khả năng xảy ra tới đâu chưa rõ, nên theo tôi vẫn rất cần tính ngay từ lúc này".

Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, chính các nhà tù, trại giam là môi trường ‘an toàn nhất’ để giúp người đang thi hành án cách ly với dịch bệnh và qua đó đảm bảo được sức khỏe, tính mạng cho họ.

Luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài, cựu tù nhân chính trị người đang cư trú tại Cộng hòa liên bang Đức có quan điểm ngược lại với các quan điểm trên khi cho rằng :

"Trong hoàn cảnh dịch bệnh đang bùng phát và đã có lệnh cách ly toàn xã hội thì những người đang ở trong các nhà tù, trại tạm giam là nơi an toàn nhất… Bởi vì bản thân các nhà tù, trại tạm giam đã là những nơi cách ly hoàn toàn khỏi xã hội rồi. Và ở đó rất dễ dàng cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.

Các nhà tù, trại tạm giam rất dễ thực hiện các biện pháp như tạm ngưng việc gặp gia đình, thân nhân, nếu gửi đồ tiếp tế thì gửi tiền qua bưu điện.

Các cai tù và những người làm việc tại đó cũng bị cấm rời khỏi trại giam. Vậy nên nguồn dịch từ bên ngoài không thể thâm nhập vào các nhà tù và trại tạm giam.

Thời gian tôi ở tù thì tôi thấy điều tốt duy nhất mà các nhà tù, trại tạm của nhà nước Cộng sản có thể làm được là ngăn ngừa dịch bệnh. Bởi nếu họ làm không tốt thì ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng của hàng nghìn tù nhân và người bị tạm giam.

Còn việc thả tự do cho các tù chính trị và thường phạm thì nên thực hiện ngay sau khi dịch bệnh đã được dập tắt hoàn toàn. Bởi đã nhiều năm, và đặc biệt từ khi ông Nguyễn Phú Trọng ngồi vào ghế Chủ tịch nước thì chưa có một đợt đặc xá nào".

Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền Michelle Bachelet hôm 25/3 cho rằng các nước phải có nhiệm vụ bảo vệ tù nhân trước đại dịch viêm phổi Vũ Hán bằng cách phóng thích những người dễ bị tổn thương.

Trong một tuyên bố, bà Bachelet cho biết : "Viêm phổi Vũ Hán đã bắt đầu tấn công các nhà tù, các trung tâm giam giữ người nhập cư, trung tâm chăm sóc người già cũng như bệnh viện tâm thần. Nó có nguy cơ lây lan qua các quần thể dễ bị tổn thương như vậy. Do đó, chính phủ các nước nên tìm cách phóng thích những người đặc biệt dễ bị tổn thương với viêm phổi Vũ Hán, gồm những tù nhân lớn tuổi, bị bệnh cũng như những người phạm tội có nguy cơ thấp".

Theo bà, các cơ sở giam giữ ở nhiều quốc gia đang trong tình trạng quá tải, tù nhân bị giam giữ trong điều kiện mất vệ sinh trong khi thiếu các dịch vụ chăm sóc y tế, khiến họ và nhân viên quản giáo dễ bị nhiễm viêm phổi Vũ Hán.

Cao ủy Bachelet nhấn mạnh, việc tự cách ly trong điều kiện như vậy quả thực là không thể được, từ đó có thể dẫn tới thảm họa.

Đại sứ Hoa Kỳ tại tổ chức Tự do Tôn giáo quốc tế đã kêu gọi các chính phủ thả tù nhân tôn giáo của họ trong bối cảnh đại dịch đang diễn ra hết sức phức tạp như hiện nay. Phát biểu trong cuộc họp ngắn vào ngày 2/4, ông cho biết :

"Đó là một động thái tốt vì sức khỏe của chính cộng đồng các quốc gia đó, còn về mặt đạo đức thì rõ ràng đây là một hành động đúng đắn. Thật không may, hiện tại ở nhiều quốc gia trên thế giới, một số tù nhân tôn giáo vẫn đang bị giam giữ".

Ông Brownback đã kêu gọi một số quốc gia thả tù nhân tôn giáo bao gồm Iran, Việt Nam, Nga, Eritrea và Trung Quốc.

Khắp nơi trên thế giới, các nước như Iran, Mỹ, Afghanistan, Canada, Đức, Ba lan… đều thả bớt tù nhân. Đặc biệt, lời kêu gọi của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về nhân quyền cũng đã nhận được sự hưởng ứng của nhiều quốc gia khác.

Theo các thống kê chính thức, Iran đến nay đã cho phóng thích tạm thời 85.000 tù nhân, 10.000 người trong số này được ân xá. Tại Canada, 1.000 tù nhân ở tỉnh bang Ontario đã được thả ra cách đây ít lâu. Hiện giới luật sư tại đây đang làm việc với các công tố viên trong nỗ lực nhằm phóng thích thêm nhiều tù nhân khác. Sudan cũng đã thả hơn 4.000 tù nhân.

Hưởng ứng lời kêu gọi của bà Bachelet, giới chức Afghanistan hôm 26/3 cho biết sẽ phóng thích ít nhất 10.000 tù nhân trên 55 tuổi trong nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán. Song, những tù nhân được thả sẽ không gồm thành viên của phiến quân Taliban hoặc tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr hôm 26/3 chỉ thị Cục Nhà tù (BOP) cho phép quản thúc tại gia đối với các tù nhân lớn tuổi thỏa mãn các điều kiện cơ bản nhằm giảm thiểu sự lây lan của viêm phổi Vũ Hán trong hệ thống nhà tù xứ cờ hoa. Trong bản ghi nhớ gửi tới Giám đốc BOP Michael Carvajal, Bộ trưởng Barr cho rằng quản thúc tại gia có thể hiệu quả hơn trong việc bảo vệ sức khỏe tù nhân.

Ba Lan cũng đưa ra động thái tương tự. Bộ Tư pháp nước này cho biết một số tù nhân sẽ thi hành phần còn lại của bản án tại nhà và được theo dõi bằng các thẻ điện tử. Trong khi đó, Anh cũng đang cân nhắc xem liệu có nên áp dụng các chương trình phóng thích tù nhân tạm thời hay không. Còn North-Rhine Westphalia, bang đông dân nhất của Đức, mới đây tuyên bố sẽ thả 1.000 tù nhân gần mãn hạn. Ethiopia cũng tuyên bố sẽ thả hơn 4.000 tù nhân.

Từ tháng 2/2020, đã có thông tin bắt đầu hạn chế việc thăm thân, gửi quà của gia đình cho phạm nhân. Ngày 3/3/2020 Cục trưởng Trại giam có thông báo chính thức sẽ tạm dừng việc này đến hết tháng Ba. Đến nay là tháng Tư rồi, vẫn chưa nghe tin có tiếp tục tạm dừng việc thăm thân, gửi quà hay không. Hiện Việt Nam đã trong giai đoạn ‘cách ly xã hội’ theo chỉ thị 16, giới chức Việt Nam vẫn tự tin kiểm soát được tình hình, việc phóng thích tù nhân có lẽ vẫn sẽ còn là câu chuyện xa vời.

Là một trong những quốc gia có bệnh nhân mắc viêm phổi Vũ Hán từ ngày 23/1, cho đến nay nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vẫn chưa có động thái gì trong việc thả tù nhân để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch viêm phổi Vũ Hán trong các trại tạm giam và nhà tù trên khắp cả nước.

Mặt khác, họ đã tăng cường đàn áp và bắt bớ, truy phạt thêm những người dân khi bày tỏ suy nghĩ cá nhân của mình về đại dịch viêm phổi Vũ Hán trên các trang mạng xã hội.

Ở đất nước này, chỉ có Đảng cộng sản lạc hậu và đầy đau khổ mới là chân lý, khi Đảng sai thì người dân có "ân huệ" là được im lặng để nhận mọi hậu quả tai hại và cả những cái chết oan uổng mà nó đem lại.

Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)

Nguồn : Thoibao.de, 07/04/2020

***********************

Việt Nam nên phóng thích tất cả tù nhân lương tâm trước đại dịch Coronavirus

Người Bảo về nhân quyền, 04/04/2020

now1

Việt Nam đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong điều kiện sinh hoạt vô cùng hà khắc…

Thông cáo báo chí

Người Bảo vệ Nhân quyền

(Defend the Defenders - DTD)

Hà Nội, ngày 04/04/2020

Hãy thả ngay lập tức

Đại dịch Coronavirus (Covid-19) đang hoành hành khắp Việt Nam và đại đa số các quốc gia trên thế giới, buộc toàn nhân loại phải nỗ lực ngăn chặn và chống lại căn bệnh này.

Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, đã có hơn 200 người dương tính với loại virus nguy hiểm này, và con số này sẽ tăng mạnh nếu không áp dụng các biện pháp thích hợp và đòi hỏi sự tự giác chấp hành của mọi công dân.

Một trong những nhóm người có nguy cơ lây nhiễm Coronavirus rất cao là những người đang bị giam giữ trong các trại giam và cơ sở tạm giam trên toàn quốc, đặc biệt là các tù nhân lương tâm. Theo thống kê mới nhất  của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders - DTD), Việt Nam đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong điều kiện sinh hoạt vô cùng hà khắc : họ bị giam giữ nhiều người trong những buồng giam chật hẹp thiếu không khí và ánh sáng, thức ăn có phẩm cấp thấp, không được chăm sóc y tế đầy đủ, và một số người còn bị biệt giam hoặc bị đánh đập bởi quản giáo hoặc bạn tù chỉ vì phản đối việc bị đối xử vô nhân đạo.

Trong điều kiện giam giữ như thế, các tù nhân lương tâm rất dễ bị lây bệnh Coronavirus vì không thể giữ "khoảng cách xã hội" trong khi lại có sức đề kháng yếu trước mọi bệnh tật. Trong vài tháng gần đây, gia đình họ không được phép tiếp tế thức ăn bổ sung và tiền cho họ, do vậy, sức khỏe của họ hoàn toàn phụ thuộc vào các bữa ăn thiếu chất của cơ sở giam giữ.

Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc, bà Michelle Bachelet, trong thông điệp gửi các chính phủ của các quốc gia trên thế giới ngày 25/3, đã kêu gọi các chính phủ phóng thích tù nhân, đặc biệt là tù nhân lương tâm trong nỗ lực phòng chống Coronavirus. Theo bà, việc cầm tù nên được coi là một biện pháp cuối cùng trong việc đối phó với đại dịch.

Trong hoàn cảnh như vậy, tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phóng thích tất cả tù nhân lương tâm, đặc biệt những người cao tuổi và người có sức khỏe yếu. Việc trả tự do sẽ giúp cho họ trở về gia đình và tránh được khả năng lây nhiễm Coronavirus tốt hơn so với việc giam giữ họ tập trung như hiện nay, và ngân sách quốc gia không cần phải tiêu tốn vào việc giam giữ họ. Trong thời gian còn giam giữ, nhà chức trách Việt Nam phải cải thiện chế độ giam giữ để đảm bảo sức khỏe cho tù nhân lương tâm, giúp họ có sức đề kháng tốt hơn trước mọi bệnh tật, đặc biệt Coronavirus.

Tù nhân lương tâm là những người bị giam cầm vì niềm tin chính trị, tôn giáo hoặc vì lương tâm, nguồn gốc dân tộc, giới tính, màu da, ngôn ngữ, nguồn gốc quốc gia hoặc xã hội, tình trạng kinh tế, sinh sản, khuynh hướng tình dục hoặc tình trạng khác mà không sử dụng bạo lực hoặc ủng hộ bạo lực hoặc thù hận; và họ không là mối nguy hiểm cho xã hội trong mọi hoàn cảnh và mọi thời điểm.

Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền kêu gọi mọi tổ chức và cá nhân cùng lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm. Quý vị có thể sao lại bản tuyên bố này và phổ biến cho người khác hoặc đưa lên mạng xã hội.

Hết thông cáo báo chí

Người Bảo vệ Nhân quyền

Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

Website : vietnamhumanrightsdefenders.net

*****************

(English version)

Defend the Defenders : Vietnam Should Release All Prisoners of Conscience amid Coronavirus Pandemic

Defend the Defenders, Press release

Hanoi, April 4, 2020

For immediate release

Coronavirus or COVID-19 is spreading across Vietnam and most of the countries in the world, forcing the whole humanity to put all efforts to deal with the deadly disease.

In Vietnam, according to the Ministry of Health, there have been more than 200 infected cases found in many localities, and the number of infected cases may surge if the local government fails to apply proper measures or all citizens to strictly obey the regulations set by the authorities.

One of the vulnerable groups to Coronavirus infection is people being held in the prison camps and temporary detention facilities across the nation, especially prisoners of conscience. According to Defend the Defenders’ latest statistics , Vietnam’s communist regime is holding at least 240 prisoners of conscience in severe conditions: being held in large numbers in small unhygienic cells without sunlight and windows, low-quality food, lack of proper medical services, many of them have been placed in solitary cells or beaten by prison guards or inmates for protesting inhumane treatment.

Being held in such conditions, prisoners of conscience are susceptible to Coronavirus because they cannot keep "social distance" while their health is weak to withstand serious diseases. Defend the Defenders has learned that in recent months, families of prisoners of conscience have not been permitted to send additional food and money to them so their health fully depends on inadequate food provided by the detention facilities.

In her statement  on March 25, United Nations High Commissioner for Human Rights Michelle Bachelet calls on the governments of all countries to release prisoners, especially prisoners of conscience/ political prisoners in efforts to deal with Coronavirus. According to her, imprisonment should be the final measures in dealing with the deadly virus.

In such circumstances, Defend the Defenders urges Vietnam’s communist regime to free all prisoners of conscience, especially older and sick ones. Releasing them and allowing them to return with their families will help them avoid being infected with Coronavirus better than being held in the crowded detention facilities, and the government will reduce expenditures spending on maintaining detention facilities. While still holding them, Vietnam’s authorities must improve living conditions in detention facilities to raise their health to help them better withstand diseases, especially deadly COVID-19.

Prisoners of conscience are imprisoned because of their race, sexual orientation, religion, or political views, and those who have been imprisoned and/or persecuted for the non-violent expression of their conscientiously held beliefs. They are not dangerous to Vietnam’s society in all circumstances and times.

Defend the Defenders calls on all organizations and all individuals to voice and request Vietnam’s communist regime to release all prisoners of conscience. You should disseminate our statement and post it in your pages on social networks.

End of the press release

Defend the Defenders

Email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser.

Website : vietnamhumanrightsdefenders.net

Additional Info

  • Author Thu Thủy, Người Bảo vệ Nhân quyền
Published in Diễn đàn

Cho tới hôm 15/03/2020, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu là 16.8882 với 6.492 tử vong và trong lúc dịch đang lan rộng tại Châu Âu và Mỹ thì tại gốc của nó là Trung Quốc, dịch đang đi xuống nhưng không có gì đảm bảo sẽ không tái nhiễm khi gia tăng lại các tương tác cộng đồng.

dich1

Anh Quốc hiện mới có các biện pháp phòng ngừa chống virus corona

Tỉnh Oxford với hơn 700.000 dân với 24 ca được phát hiện hôm nay đã dẫn đầu tỷ lệ nhiễm của liên hiệp Anh, tất cả là do du lịch và trao đổi khoa học và sinh viên quốc tế, dù các đối tượng tới Oxford hầu hết thuộc lớp khá giả từ Châu Á.

Trong khi đó tại Việt Nam, tâm tư mạng xã hội như một con tinh tinh vừa hân hoan vỗ bộ ngực vạm vỡ vì 16 ca nhiễm đầu tiên khỏi bệnh, đã chuyển sang hoảng loạn chỉ sau một đêm do xuất hiện em 17, "đồng chí" 21 và các "đồng chí" khác.

Lạc quan sớm hay bi quan đều không giúp gì trong cuộc chiến phức tạp chống con virus được gọi là siêu đẳng này (brilliant virus). Cái xã hội cần là sự bình tĩnh, không kỳ thị, thông tin trung thực và kế hoạch chống dịch khoa học.

Dịch đã vào cộng đồng

Câu hỏi mà triệu người Việt Nam muốn biết là hiện nay dịch ở Việt Nam thực sự đến đâu. Ngắn gọn mà nói, dịch đã âm thầm vào cộng đồng và đường đi của nó, bất chấp những cố gắng đáng kể của ngành y tế, là từ chính đặc điểm dịch tễ hiểm hóc của con virus này kết hợp với tập quán xã hội của Việt Nam.

2019-nCoV hoặc Covid-19 hay dân nôm na gọi là Cúm Vũ Hán có đặc điểm gây bệnh nhẹ, thậm chí nhiều ca nhiễm không biểu hiện bệnh lí cho khoảng 80% bệnh nhân mặc dù các bệnh nhân này vẫn có khả năng lây nhiễm tiếp và trình tự gene (RNA) của virus họ mang không khác gì với virus nhiễm gần 20% còn lại, tức là vẫn cùng dòng.

Ở Việt Nam, một số đông người Việt từ lâu đã có tập quán tự mua thuốc điều trị cho các diễn biến sức khỏe thông thường. Khi nhiễm Covid-19, đa số bệnh nhân đã khỏi dù là do không biểu hiện bệnh hay do tự điều trị, nhưng họ có thể đã truyền bệnh cho gia đình và cộng đồng nếu họ không phải là những người có hiểu biết về tự cách ly và bệnh truyền nhiễm.

Chỉ những ca có bệnh lý nền mãn tính liên quan tới hệ hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi chiếm khoảng 15% sẽ chuyển viêm phổi và có 2-6% tử vong tùy điều kiện điều trị. Những ca như vậy thường bị bỏ qua do những bất cập về trình độ xét nghiệm, tầng lớp xã hội và cả những lí do khác tương tự nhiều ca sốt xuất huyết tử vong khi bùng dịch tại Việt Nam trong quá khứ.

Vùng cách ly

Quarantine là từ xuất hiện sau năm 1343 để luật hóa việc cách ly một quần thể địa phương với xung quanh để ngăn dịch hạch (Black death-Croatia) và từ đó biện pháp này được các quốc gia sử dụng khi có dịch bệnh mặc dù việc lựa chọn hình thức cụ thể sẽ phụ thuộc đặc điểm thể chế chính trị, điều kiện kinh tế, trình độ luật pháp và nhân quyền ở mỗi nước.

Trong vụ dịch này, ở những nước giàu hơn, trình độ liên lạc và điều kiện tư gia đảm bảo, cách ly tại nhà là lí tưởng để ngăn chặn Cúm Vũ Hán vì dân cư trong khu vực dịch được chính quyền hỗ trợ cả Y tế và kinh tế cộng với trình độ nhận thức cao nên đa phần tự giác tuân thủ các quyết định cách ly của chính quyền. Lựa chọn này càng hợp lý khi giới khoa học thực sự không biết khi nào thì dịch sẽ kết thúc và ước tính miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi 60-80% dân số đã nhiễm vì chưa có vaccine trợ chiến vậy nên dù cho cố gắng để giảm tốc lây nhiễm không một hệ thống Y tế và nền kinh tế nào chịu nổi nếu kéo hết đến bệnh viện.

dich2

Theo các tác giả, biện pháp cách ly tại nhà sẽ không thể áp dụng đồng nhất tại Việt Nam

Tuy nhiên, cách ly tại nhà sẽ không thể áp dụng một cách đồng nhất tại Việt Nam với hàng vạn gia đình tại những vùng biên mậu, vùng sâu, vùng xa khi lao động chính có thể đã đem mầm bệnh về nhà mình sau đó đi làm xa để lại trẻ em và người già tại địa phương. Thành phần dân cư này cần được chăm sóc và tập trung tại các điểm làng, bản khi xảy dịch để tránh xảy ra các thảm kịch nhân đạo trong những căn nhà hẻo lánh và tồi tàn của họ, nơi rất khó khăn về liên lạc, cấp cứu và các hỗ trợ khác.

Trong những khu vực khá giả hơn ở Việt Nam, đã bắt gặp sự thiếu hiểu biết và ý thức tự giác thấp kém ở bất kể giai tầng xã hội nào và vì thế khó đảm bảo cách ly tại nhà sẽ thành công nếu không đi kèm chế tài nghiêm khắc.

Việt Nam có 11% dân số sống ở mức nghèo đói và phải vật lộn sinh nhai từng ngày, họ chắc chắn sẽ phải làm mọi cách để kiếm sống bất chấp dịch bệnh và như thế biện pháp khai báo Y tế toàn dân tiềm ẩn một thất bại nhìn thấy trừ khi nhận thức của quần chúng thay đổi để tính tự giác tăng lên. Khai báo Y tế cũng sẽ rất khó áp dụng với nhiều nhóm người Trung Quốc sống lang bạt rộng khắp các tỉnh phía Nam làm nghề buôn nông sản để chuyển về Trung Quốc hay các nhóm người buôn lậu, làm ăn xuyên biên giới Việt, Miên, Lào và Trung.

Mặc dù Trung Quốc đang quảng bá mô hình cách ly Vũ Hán như một chiến thắng của hệ thống chính trị khi dịch ở đây đã được kiểm soát nhưng Covid-19 đã cho thấy ở hệ thống chính tri này lúc lâm dịch hoàn toàn không tồn tại một niềm tin nào giữa chính quyền và nhân dân dẫn tới chính quyền khai triển các biện pháp cách ly hà khắc như thời trung cổ và nhận lại là sự oán hận ngút trời của cả chục triệu người bị xem như ôn dịch trên chính quê hương mình. Vậy mà, dịch vẫn hoành hành mất kiểm soát trước khi chính quyền áp dụng khóa cửa giam cầm người dân trong nhà họ và mô hình toán ước tính 20% dân Vũ Hán đã nhiễm bệnh.

dich3

Ý đang quá tải bệnh nhân corona

Đóng cửa trường học

Tại Việt Nam, quyết định đóng cửa trường học là đúng đắn mặc dù đã có những quan điểm sai lầm ngay từ giới y tế, khoa bảng rằng Cúm Vũ Hán gây bệnh rất nhẹ và thoảng qua đối với trẻ em nên không cần đóng cửa trường học đặc biệt khi thấy một số nước phát triển lưỡng lự trước các quyết định này.

Các nước phát triển đang cân nhắc giữa thiệt hại về kinh tế khi cha mẹ phải ở nhà trông trẻ khi đại dịch kéo dài nhưng ẩn sau đó là đa phần các gia đình phương Tây, trẻ em không sống cùng ông bà và cha mẹ trong độ tuổi lao động theo lý thuyết là chống chọi tốt với Covid-19 nên hậu quả có thể kiểm soát.

Trẻ em ở Việt Nam với một tỷ lệ lớn sống cùng hay có những liên hệ mật thiết với ông bà, đến trường chắc chắn sẽ mang bệnh về cho cộng đồng cao tuổi và đó sẽ là thảm họa.

Vậy có thể làm gì

Việt Nam với khí hậu nóng ẩm thực tế đã giúp ích làm chậm mức lây lan của Covid-19, tuy nhiên điều mong manh này sẽ mất đi khi tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên đồng thời việc sử dụng rộng khắp máy điều hòa ở nước nhiệt đới có thể mang đến một tác động truyền nhiễm mới và cuối cùng điều tồi tệ nhất cần nhớ rằng đại dịch cúm lợn 2009 (swine flu) đã xảy ra suốt mùa hè gây chết hơn 18.000 người.

Xác định đường truyền qua hiệu thuốc : Một biện pháp cần phải tiến hành trên cả nước thông qua một sắc lệnh hành chính và chế tài nghiêm ngặt, giống như kiểu phát hiện bán ngoại tệ tại các cửa hàng vàng mà chính quyền đã từng ráo riết tiến hành, nhưng ở đây là bắt buộc các cửa hàng bán thuốc phải lấy số liệu của các khách hàng mua thuốc cảm cúm, ho, giảm đau, giảm sốt và ghi số chứng minh thư. Tờ khai mẫu với bốn thứ tiếng Việt, Anh, Trung, Hàn bao gồm tên, tuổi, điện thoại, địa chỉ, triệu chứng bệnh để chọn bao gồm ho, sốt, đau người, khó thở… sẽ được chính quyền xã, phường photocopy phát cho các hiệu thuốc trong khu vực và thu, đổi lại mỗi 24h. Bệnh nhân có thể nói dối để thoát điều tra Y tế toàn dân nhưng họ sẽ phải mua thuốc cảm cúm để tự điều trị. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm pháp lí chuyển số liệu online về trung tâm thông tin xứ lý số liệu bộ Y tế nơi một vài phần mềm viết cho mục tiêu sàng lọc triệu chứng, tọa độ địa chỉ, điện thoại và thời gian sẽ dễ dàng xử lý một khối lượng số liệu lớn và dự đoán được những ổ dịch tiềm năng từ mỗi địa phương. Thông tin tên tuổi cũng sẽ vô cùng hữu dụng để phát hiện các ổ dịch gia đình nếu được công an chia xẻ số liệu cá nhân. Các xã, phường nghi vấn sẽ là đích cho các sàng lọc cả cộng đồng bằng RT-PCR hay một vài bộ kit hiện có nếu đủ độ tin cậy.

Xét nghiệm hàng loạt : Từ thực tế dập dịch hiệu quả của Hàn Quốc, yếu tố chẩn đoán nhanh và nhiều trở thành yếu tố quan trọng nhất để khoanh dịch, cách ly và điều trị do đó Anh, Mỹ, Pháp, Đức … đều đang ráo riết thực hiện. Đây chính là thời điểm Việt Nam bắt buộc phải sàng lọc xét nghiệm miễn phí hàng loạt ở các tỉnh có bệnh nhân. Lưu ý rằng ngay cả trong vùng dịch ở Hàn Quốc, sàng lọc cộng đồng chỉ cho thấy tỷ lệ dương tính tin cậy là 1-2% vậy nên chỉ một số ca lẻ tẻ xuất hiện đột ngột trong cộng đồng cũng đủ báo hiệu một cơn bão rất gần.

Cách ly cấp xã và nhỏ hơn : Trong bài viết trước "2019-nCov : Việt Nam cần mô hình cách ly để y tế không sụp đổ nếu dịch lan ra", tác giả đã nhấn mạnh phải cầm chân dịch tại mỗi địa phương ở mức xã và chỉ những ca biến chứng nặng là cần chuyển tới bệnh viên dã chiến hay tuyến trên lân cận, với diễn biến đã xảy ra tại Vũ Hán, đang xảy ra tại Daegu, Lombardy và quan điểm của trưởng cố vấn khoa học thủ tướng Anh là ca nhiễm rải đều là hy vọng của UK, chứng tỏ đó là con đường đúng mà Việt Nam phải giữ và hoàn thiện.

Chế tài bỏ cách ly : Nếu người được phép cách ly tại nhà tự ý bỏ cách ly trước 14 ngày, sẽ bị đưa thông tin lên truyền thông địa phương để nhận dạng kèm theo hình phạt hành chính nặng nề mà công an địa phương được hưởng 50%, thậm chí truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Dùng công nghệ : Học tập Hàn Quốc, Singapore các ứng dụng smart phone, tin nhắn để tăng tương tác, cảnh báo vùng bệnh.

Quỹ khẩn cấp quốc gia : Trợ cấp mức cao nhất cho những bệnh nhân cách ly có hoàn cảnh đặc biệt, từ hộ nghèo và vùng nghèo dù là cách ly tại nhà hay tại khu cách ly.

Điều chỉnh luật : Mở rộng luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006 với Covid-19 để chống kỳ thị. Truyền thông và hệ thống chính quyền địa phương trong nước đã và đang dẫn dắt cảm xúc của người dân từ chủ quan, lạc quan tếu tới khiếp sợ hoảng loạn. Điều này có thể dẫn tới sự kỳ thị tàn nhẫn của xã hội với người bệnh như đã xảy ra tại Trung Quốc, cùng với nỗ lực giấu bệnh của người bị nhiễm, cuối cùng cả xã hội sẽ trả giá nặng nề cho thực tế đó.

Minh bạch để xây dựng niềm tin : Việt Nam cần học tập mô hình của UK và Hàn Quốc, khi các quan chức Y tế và chính quyền liên tục liên hệ trực tuyến với cộng đồng để thảo luận và giải đáp thắc mắc dựa trên các số liệu và thông tin cập nhật hàng ngày, tạo truy cập online 24/24 tình hình sinh hoạt trong các khu cách ly. Từ hậu quả kinh hoàng của Trung Quốc trong việc giấu dịch đặc biệt khi trình độ thông tin của người Việt trong và ngoài nước hiện rất cao, chỉ có sự thật mới có thể đoàn kết xã hội nhằm tạo dựng niềm tin, huy động trí tuệ và sự cảm thông để đưa Việt Nam đi qua hoạn nạn này.

Nguyễn Duy Đông - Hoàng Kim Phúc

Nguồn : BBC, 16/03/2020

Ông Nguyễn Duy Đông ở Reading và tiến sĩ Hoàng Kim Phúc (Y học Nhiệt đới), người từng làm việc ĐH Oxford, và hiện đang tiến hành các nghiên cứu về dịch tễ học cùng công ty tư nhân ở Anh và Việt Nam.

Bài đã đăng của tác giả Hoàng Kim Phúc khi dịch virus corona mới nổ ra ở Trung Quốc : 2019-nCov : Việt Nam cần cách ly tốt để y tế không sụp đổ

Additional Info

  • Author Hoàng Kim Phúc, Nguyễn Duy Đông
Published in Diễn đàn

Báo Phụ Nữ vào lúc 9 giờ tối ngày 14/3/2020 cho hay, Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ký phát hành công văn 905/UB-VX vào chiều ngày 14/3/2020 với nội dung yêu cầu tạm ngưng mọi hoạt động của các rạp chiếu phim, quán bar, game online, điểm massage, karaoke, vũ trường, sân khấu, kể từ 18 giờ ngày 15/3/2020 đến hết ngày 31/3/2020.

viem0

Bệnh nhân đầu tiên mắc dịch viêm phổi [8] được phát hiện vào ngày 17/11/2019, sống tại Vũ Hán - Trung Quốc. Từ đó, đa số mọi người gọi nó là virus Vũ Hán.

Trong văn bản nói trên, người dân biết được, việc yêu cầu ngưng kinh doanh này, xuất phát từ đề nghị của Sở Văn hóa và thể thao thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số 1459/SVHTT - VP, được phát hành trước đó một ngày.

Cách đó không lâu, lúc 4 giờ chiều ngày 14/3/2020, trang news.zing.vn cho hay [2] "Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Văn Dũng vừa ký văn bản gửi Công an quận 1, chủ tịch UBND 10 phường trong quận và các phòng, ban liên quan về việc tạm ngưng hoạt động các cơ sở kinh doanh rạp chiếu phim, massage, karaoke, quán bar, beerclub, vũ trường, điểm vui chơi giải trí tập trung đông người".

Đó là cách quản lý vô pháp, bởi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh là cấp trên của Ủy ban nhân dân Quận 1, lại chạy theo phía sau quyết định của quận.

Tất nhiên, trong tình hình vô cùng hoang mang hiện nay, người cộng sản Việt Nam sẵn sàng bỏ qua hết tất cả những thứ thủ tục, vốn luôn gây phiền hà cho dân từ nền hành chính trì trệ suốt hàng chục năm qua. Luôn luôn và mãi mãi ở đầu môi người cộng sản Việt Nam - trong bất kỳ trường hợp nào - "Nhân Dân" được lôi ra để "bảo vệ" (!). Tuy nhiên, người dân không biết 2 điều quan trọng :

- Sau ngày 31/3/2020, họ có quyền tiếp tục kinh doanh hay lại phải ngóng cổ chờ đợi những "cái lệnh cà giựt" như thế, theo nhịp đập phấp phổng trong con tim của quan chức Cộng Sản, tựa các quyết định cho học sinh - sinh viên nghỉ học được phát hành theo kiểu "vụ mùa" !

- Những mất mát trong suốt nửa tháng trời của chủ doanh nghiệp cũng như nạn thất nghiệp của người làm công ai sẽ gánh chịu cho họ.

Hẳn là câu trả lời người dân nhận được thật tỉnh bơ từ những kẻ nhận lương (và lậu) : "Nhà nước lo sinh mạng cho dân đến như vậy, còn đòi hỏi gì nữa ?". 

Con buôn và cán bộ cộng sản có chung lý tưởng

Trong diễn biến liên quan đến virus Vũ Hán, báo VnExpress xác nhận [3] : "Đến nay, Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận 4 ca nhiễm gồm : "bệnh nhân 32" (từ Anh về) ; 45, 48 (tiếp xúc với bà Đặng Thị Lynh Trang, 51 tuổi - "bệnh nhân 34" ở Bình Thuận) ; "Bệnh nhân 53" là nam, 53 tuổi, quốc tịch Cộng hòa Czech" trong phóng sự ghi nhận tình hình đìu hiu tại phố đi bộ Bùi Viện, sau khi lệnh tạm ngừng kinh doanh ban hành.

Trên trang nhà [4], bà Lynh Trang cho biết, bản thân mình nhận được nhiều "danh hiệu cao quý", trong đó có bằng khen của Thủ tướng vì những gì bà "cống hiến cho cộng đồng Doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận nói riêng và phong trào cả nước nói chung".

Trong một bài báo khác [5], bà Trang thổ lộ : "Muốn thành đạt, người ta phải có mục tiêu, lý tưởng và luôn dốc sức mình để biến mục tiêu trên thành hiện thực, không quản ngại chông gai, gian khó. Nếu không có mục tiêu phấn đấu, con người sẽ rơi vào trạng thái lãng phí năng lực và không thể tỏa sáng được".

Báo Vietnamnet ngày 15/3/2020 cho hay [6], UBND tỉnh Bình Thuận, kêu gọi "người dân vào cuộc" bằng cách cung cấp tất cả những bằng chứng về bà doanh nhân "lý tưởng đầy đầu", do thái độ khai báo gian dối. Người đời tặng cho bà doanh nhân này danh hiệu "Siêu lây nhiễm".

Nguyễn Quang Thuấn - Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương, bệnh nhân nhiễm virus Vũ Hán thứ 21 - với bằng chứng rõ ràng về các căn biệt thự tiền chục tỷ, thẻ VIP đánh golf tiền tỷ, du hí tại nước ngoài ngồi máy bay hạng thương gia với nhiệm vụ rao giảng "tính vô sản" - lý tưởng của người cộng sản ( !).

Đặng Thị Lynh Trang là doanh nhân - một dạo bị chính người cộng sản rẻ khinh với chữ "con buôn", còn Nguyễn Quang Thuấn là cán bộ cộng sản cao cấp.

Một thời, hai giai cấp này thề không đội trời chung, nhưng nay họ có chung "lý tưởng" !

Năm Cam với triết lý "Tiền không phải là tất cả, nhưng người ta có thể làm tất cả vì tiền" trở thành thước đo thành đạt và uy tín đầy mình trong xã hội hiện nay !

Có lẽ, người cộng sản Việt Nam nên đưa triết lý Năm Cam vào giảng dạy cho các lớp học lý luận chính trị từ sơ cấp đến cao cấp, bởi nó dễ dàng thuyết phục tất cả đảng viên và những ai đang "nguyện hiến dâng cả đời cho cách mạng" !

Xuất thân của Năm Cam xứng đáng gọi là "đồng chí" với giai cấp "rũ bùn đứng dậy sáng lòa" mà giờ đây họ đang hối hả giải thích [7] : "Có được thắng lợi này, nguyên nhân hàng đầu là chúng ta có ý chí dám đối mặt với sự thật, bởi vì đại dịch là thực tế khách quan, để sống sót chúng ta chỉ có sự lựa chọn duy nhất phải dám đối mặt với nó, quyết chống lại nó ! ".

Trong khi đó, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại im lìm

Ngay tại Sài Gòn, cảnh vật vắng lặng hơn, con người rụt rè hơn, làm người ta hồi tưởng lại những năm vừa được... "giải phóng" ! Những con đường trở nên lặng lẽ đến lạ lùng, trải dài trên những vỉa hè, trước đây vốn luôn "xô" người đi bộ xuống lòng đường.

Cho đến nay, Nguyễn Phú Trọng - với cương vị Chủ tịch nước - hoàn toàn im tiếng trước tình hình căng thẳng đang lan rộng cả nước.

Tại khoản 5 điều 88 Hiến pháp quy định quyền hạn Chủ tịch nước là "công bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp". Việt Nam hiện nay đã đến lúc phải tuyên bố chưa ?

Lẽ ra trên cương vị Chủ tịch nước, ông Trọng nên xuất hiện để phát ngôn vài ba câu gì đó. Ngớ ngẩn cũng được, chí ít để cho thiên hạ cười cợt mà át đi tâm trạng nơm nớp lo sợ.

Vô trách nhiệm

Bệnh nhân đầu tiên mắc dịch viêm phổi [8] được phát hiện vào ngày 17/11/2019, sống tại Vũ Hán - Trung Quốc. Từ đó, đa số mọi người gọi nó là virus Vũ Hán.

WHO đã chối bỏ điều đó, dù cả thế giới đều biết.

Thế giới từng biết "viêm não Nhật Bản", "cúm Tây Ban Nha", "tả heo Châu Phi" v.v... được đưa vào y văn. Đó là điều bình thường mà Nhật Bản, Tây Ban Nha, Châu Phi v.v... chưa bao giờ tìm cách trốn chạy.

"Có tật giật mình" - câu thành ngữ quen thuộc của người Việt Nam cần được nhắc lại cho Hoàng đế Tập Cận Bình vào lúc này - lúc mà người nhiễm virus Vũ Hán tại Trung Quốc có giảm đi, trong khi tại Hoa Kỳ, Pháp, Đức và đặc biệt tại Ý Đại Lợi dường như đang tăng lên nhanh !

Tại sao nhà cầm quyền Bắc Kinh lại phải để [9] "Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 13/3 triệu đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ để phản đối phát biểu của Bắc Kinh cho rằng quân đội Hoa Kỳ có thể đã mang virus corona tới Vũ Hán" ?

Vu khống là hành vi bỉ ổi của những kẻ vô liêm sỉ. Càng đê tiện hơn, khi một nhà nước mang danh của dân - Cộng hòa nhân dân Trung Hoa - "đủ liêm sỉ" để vu khống một nhà nước khác - đê tiện hơn - bởi vì, chính nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc đang bôi nhọ tận cùng danh dự phẩm giá của người Trung Hoa vô tội, vốn đang căng mình ra chống chọi với thứ dịch bệnh gieo rắc kinh hoàng ngay trên xứ sở 5.000 năm văn hiến của họ !

Thiên hạ không hề lạ lẫm với thói hành xử vô văn hóa như vậy, bởi ngay từ đầu cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc, hình ảnh của Tổng thống Donald Trump bị hạ nhục qua những cuộn giấy vệ sinh.

Ngậm máu phun người - chỉ có thể là hành vi của kẻ tiểu nhân

Tiểu nhân nan dưỡng - Khổng Tử nói - tha được thì tha, không thể tha được phải diệt để trừ họa cho nhân loại. Sử sách Trung Hoa còn đó, sao Hoàng Đế Tập Cận Bình không học lấy cho thông ? !.

Cho đến nay, chỉ có IS - tổ chức khủng bố tàn bạo nhất thế giới - dám tự nhận là "Nhà nước". Nhưng chí ít, Abu Barkr al - Baghdadi không chối bỏ trách nhiệm của hắn.

Một "Nhà Nước" với hơn 1,4 tỷ dân chúng - một quốc gia với diện tích hạng 4 thế giới, có nền kinh tế lớn thứ nhì quốc tế, đứng đầu là Tập Cận Bình tại sao phải chối bỏ trách nhiệm đã và đang gây ra "viêm phổi Vũ Hán" ?

Hoa Kỳ từng thừa nhận sai lầm khi để Trung Quốc tham gia vào WTO.

Thỏa thuận thương mại giai đoạn một Hoa Kỳ - Trung Quốc vào ngày 15/1/2020 khó hứa hẹn những gì tốt đẹp hơn cho nền kinh tế phi thị trường đang lụi tàn, bởi :

Lời thề còn đó trơ trơ

Niềm tin phai nhạt lơ thơ tất lòng

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : VNTB, 16/03/2020 (nguyenngocgia's blog)

[1] https://www.phunuonline.com.vn/ubnd-tphcm-yeu-cau-tam-ngung-hoat-dong-tat-ca-rap-chieu-phim-quan-bar-vu-truong-karaoke-tren-toan-thanh-pho-a1405515.html

[2] https://news.zing.vn/quan-1-yeu-cau-tam-dong-cua-tiem-massage-vu-truong-tu-dem-nay-post1059489.html

[3] https://vnexpress.net/thoi-su/pho-bui-vien-sau-lenh-dong-cua-quan-bar-nha-hang-4069416.html

[4] http://minhtrang.binhthuan.vn/ChiTiet-1154--giam_doc_cong_ty_minh_trang_nhan_danh_hieu_doanh_nhan_viet_nam_tieu_bieu_nam_2019__cu%CC%81p_thanh_giong_

[5] https://enternews.vn/index.php/doanh-nhan-dang-thi-lynh-trang-toi-luon-ren-trong-gian-kho-93886.html

[6] https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/dieu-tra-hanh-trinh-nu-doanh-nhan-sieu-...

[7] http://www.viet-studies.net/NguyenTrung/NguyenTrung_DoiMatSuThat.html

[8] https://thanhnien.vn/the-gioi/benh-nhan-covid-19-dau-tien-cua-trung-quoc...

[9] https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-trung-kh%E1%BA%A9u-chi%E1%BA%B...

Additional Info

  • Author Nguyễn Ngọc Già
Published in Diễn đàn