Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/03/2020

Việt Nam cần làm gì khi dịch viêm phổi Vũ Hán lan ra cộng đồng ?

Hoàng Kim Phúc & Nguyễn Duy Đông

Cho tới hôm 15/03/2020, số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu là 16.8882 với 6.492 tử vong và trong lúc dịch đang lan rộng tại Châu Âu và Mỹ thì tại gốc của nó là Trung Quốc, dịch đang đi xuống nhưng không có gì đảm bảo sẽ không tái nhiễm khi gia tăng lại các tương tác cộng đồng.

dich1

Anh Quốc hiện mới có các biện pháp phòng ngừa chống virus corona

Tỉnh Oxford với hơn 700.000 dân với 24 ca được phát hiện hôm nay đã dẫn đầu tỷ lệ nhiễm của liên hiệp Anh, tất cả là do du lịch và trao đổi khoa học và sinh viên quốc tế, dù các đối tượng tới Oxford hầu hết thuộc lớp khá giả từ Châu Á.

Trong khi đó tại Việt Nam, tâm tư mạng xã hội như một con tinh tinh vừa hân hoan vỗ bộ ngực vạm vỡ vì 16 ca nhiễm đầu tiên khỏi bệnh, đã chuyển sang hoảng loạn chỉ sau một đêm do xuất hiện em 17, "đồng chí" 21 và các "đồng chí" khác.

Lạc quan sớm hay bi quan đều không giúp gì trong cuộc chiến phức tạp chống con virus được gọi là siêu đẳng này (brilliant virus). Cái xã hội cần là sự bình tĩnh, không kỳ thị, thông tin trung thực và kế hoạch chống dịch khoa học.

Dịch đã vào cộng đồng

Câu hỏi mà triệu người Việt Nam muốn biết là hiện nay dịch ở Việt Nam thực sự đến đâu. Ngắn gọn mà nói, dịch đã âm thầm vào cộng đồng và đường đi của nó, bất chấp những cố gắng đáng kể của ngành y tế, là từ chính đặc điểm dịch tễ hiểm hóc của con virus này kết hợp với tập quán xã hội của Việt Nam.

2019-nCoV hoặc Covid-19 hay dân nôm na gọi là Cúm Vũ Hán có đặc điểm gây bệnh nhẹ, thậm chí nhiều ca nhiễm không biểu hiện bệnh lí cho khoảng 80% bệnh nhân mặc dù các bệnh nhân này vẫn có khả năng lây nhiễm tiếp và trình tự gene (RNA) của virus họ mang không khác gì với virus nhiễm gần 20% còn lại, tức là vẫn cùng dòng.

Ở Việt Nam, một số đông người Việt từ lâu đã có tập quán tự mua thuốc điều trị cho các diễn biến sức khỏe thông thường. Khi nhiễm Covid-19, đa số bệnh nhân đã khỏi dù là do không biểu hiện bệnh hay do tự điều trị, nhưng họ có thể đã truyền bệnh cho gia đình và cộng đồng nếu họ không phải là những người có hiểu biết về tự cách ly và bệnh truyền nhiễm.

Chỉ những ca có bệnh lý nền mãn tính liên quan tới hệ hô hấp, tim mạch, suy giảm miễn dịch đặc biệt ở bệnh nhân lớn tuổi chiếm khoảng 15% sẽ chuyển viêm phổi và có 2-6% tử vong tùy điều kiện điều trị. Những ca như vậy thường bị bỏ qua do những bất cập về trình độ xét nghiệm, tầng lớp xã hội và cả những lí do khác tương tự nhiều ca sốt xuất huyết tử vong khi bùng dịch tại Việt Nam trong quá khứ.

Vùng cách ly

Quarantine là từ xuất hiện sau năm 1343 để luật hóa việc cách ly một quần thể địa phương với xung quanh để ngăn dịch hạch (Black death-Croatia) và từ đó biện pháp này được các quốc gia sử dụng khi có dịch bệnh mặc dù việc lựa chọn hình thức cụ thể sẽ phụ thuộc đặc điểm thể chế chính trị, điều kiện kinh tế, trình độ luật pháp và nhân quyền ở mỗi nước.

Trong vụ dịch này, ở những nước giàu hơn, trình độ liên lạc và điều kiện tư gia đảm bảo, cách ly tại nhà là lí tưởng để ngăn chặn Cúm Vũ Hán vì dân cư trong khu vực dịch được chính quyền hỗ trợ cả Y tế và kinh tế cộng với trình độ nhận thức cao nên đa phần tự giác tuân thủ các quyết định cách ly của chính quyền. Lựa chọn này càng hợp lý khi giới khoa học thực sự không biết khi nào thì dịch sẽ kết thúc và ước tính miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được khi 60-80% dân số đã nhiễm vì chưa có vaccine trợ chiến vậy nên dù cho cố gắng để giảm tốc lây nhiễm không một hệ thống Y tế và nền kinh tế nào chịu nổi nếu kéo hết đến bệnh viện.

dich2

Theo các tác giả, biện pháp cách ly tại nhà sẽ không thể áp dụng đồng nhất tại Việt Nam

Tuy nhiên, cách ly tại nhà sẽ không thể áp dụng một cách đồng nhất tại Việt Nam với hàng vạn gia đình tại những vùng biên mậu, vùng sâu, vùng xa khi lao động chính có thể đã đem mầm bệnh về nhà mình sau đó đi làm xa để lại trẻ em và người già tại địa phương. Thành phần dân cư này cần được chăm sóc và tập trung tại các điểm làng, bản khi xảy dịch để tránh xảy ra các thảm kịch nhân đạo trong những căn nhà hẻo lánh và tồi tàn của họ, nơi rất khó khăn về liên lạc, cấp cứu và các hỗ trợ khác.

Trong những khu vực khá giả hơn ở Việt Nam, đã bắt gặp sự thiếu hiểu biết và ý thức tự giác thấp kém ở bất kể giai tầng xã hội nào và vì thế khó đảm bảo cách ly tại nhà sẽ thành công nếu không đi kèm chế tài nghiêm khắc.

Việt Nam có 11% dân số sống ở mức nghèo đói và phải vật lộn sinh nhai từng ngày, họ chắc chắn sẽ phải làm mọi cách để kiếm sống bất chấp dịch bệnh và như thế biện pháp khai báo Y tế toàn dân tiềm ẩn một thất bại nhìn thấy trừ khi nhận thức của quần chúng thay đổi để tính tự giác tăng lên. Khai báo Y tế cũng sẽ rất khó áp dụng với nhiều nhóm người Trung Quốc sống lang bạt rộng khắp các tỉnh phía Nam làm nghề buôn nông sản để chuyển về Trung Quốc hay các nhóm người buôn lậu, làm ăn xuyên biên giới Việt, Miên, Lào và Trung.

Mặc dù Trung Quốc đang quảng bá mô hình cách ly Vũ Hán như một chiến thắng của hệ thống chính trị khi dịch ở đây đã được kiểm soát nhưng Covid-19 đã cho thấy ở hệ thống chính tri này lúc lâm dịch hoàn toàn không tồn tại một niềm tin nào giữa chính quyền và nhân dân dẫn tới chính quyền khai triển các biện pháp cách ly hà khắc như thời trung cổ và nhận lại là sự oán hận ngút trời của cả chục triệu người bị xem như ôn dịch trên chính quê hương mình. Vậy mà, dịch vẫn hoành hành mất kiểm soát trước khi chính quyền áp dụng khóa cửa giam cầm người dân trong nhà họ và mô hình toán ước tính 20% dân Vũ Hán đã nhiễm bệnh.

dich3

Ý đang quá tải bệnh nhân corona

Đóng cửa trường học

Tại Việt Nam, quyết định đóng cửa trường học là đúng đắn mặc dù đã có những quan điểm sai lầm ngay từ giới y tế, khoa bảng rằng Cúm Vũ Hán gây bệnh rất nhẹ và thoảng qua đối với trẻ em nên không cần đóng cửa trường học đặc biệt khi thấy một số nước phát triển lưỡng lự trước các quyết định này.

Các nước phát triển đang cân nhắc giữa thiệt hại về kinh tế khi cha mẹ phải ở nhà trông trẻ khi đại dịch kéo dài nhưng ẩn sau đó là đa phần các gia đình phương Tây, trẻ em không sống cùng ông bà và cha mẹ trong độ tuổi lao động theo lý thuyết là chống chọi tốt với Covid-19 nên hậu quả có thể kiểm soát.

Trẻ em ở Việt Nam với một tỷ lệ lớn sống cùng hay có những liên hệ mật thiết với ông bà, đến trường chắc chắn sẽ mang bệnh về cho cộng đồng cao tuổi và đó sẽ là thảm họa.

Vậy có thể làm gì

Việt Nam với khí hậu nóng ẩm thực tế đã giúp ích làm chậm mức lây lan của Covid-19, tuy nhiên điều mong manh này sẽ mất đi khi tỷ lệ lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên đồng thời việc sử dụng rộng khắp máy điều hòa ở nước nhiệt đới có thể mang đến một tác động truyền nhiễm mới và cuối cùng điều tồi tệ nhất cần nhớ rằng đại dịch cúm lợn 2009 (swine flu) đã xảy ra suốt mùa hè gây chết hơn 18.000 người.

Xác định đường truyền qua hiệu thuốc : Một biện pháp cần phải tiến hành trên cả nước thông qua một sắc lệnh hành chính và chế tài nghiêm ngặt, giống như kiểu phát hiện bán ngoại tệ tại các cửa hàng vàng mà chính quyền đã từng ráo riết tiến hành, nhưng ở đây là bắt buộc các cửa hàng bán thuốc phải lấy số liệu của các khách hàng mua thuốc cảm cúm, ho, giảm đau, giảm sốt và ghi số chứng minh thư. Tờ khai mẫu với bốn thứ tiếng Việt, Anh, Trung, Hàn bao gồm tên, tuổi, điện thoại, địa chỉ, triệu chứng bệnh để chọn bao gồm ho, sốt, đau người, khó thở… sẽ được chính quyền xã, phường photocopy phát cho các hiệu thuốc trong khu vực và thu, đổi lại mỗi 24h. Bệnh nhân có thể nói dối để thoát điều tra Y tế toàn dân nhưng họ sẽ phải mua thuốc cảm cúm để tự điều trị. Chính quyền địa phương chịu trách nhiệm pháp lí chuyển số liệu online về trung tâm thông tin xứ lý số liệu bộ Y tế nơi một vài phần mềm viết cho mục tiêu sàng lọc triệu chứng, tọa độ địa chỉ, điện thoại và thời gian sẽ dễ dàng xử lý một khối lượng số liệu lớn và dự đoán được những ổ dịch tiềm năng từ mỗi địa phương. Thông tin tên tuổi cũng sẽ vô cùng hữu dụng để phát hiện các ổ dịch gia đình nếu được công an chia xẻ số liệu cá nhân. Các xã, phường nghi vấn sẽ là đích cho các sàng lọc cả cộng đồng bằng RT-PCR hay một vài bộ kit hiện có nếu đủ độ tin cậy.

Xét nghiệm hàng loạt : Từ thực tế dập dịch hiệu quả của Hàn Quốc, yếu tố chẩn đoán nhanh và nhiều trở thành yếu tố quan trọng nhất để khoanh dịch, cách ly và điều trị do đó Anh, Mỹ, Pháp, Đức … đều đang ráo riết thực hiện. Đây chính là thời điểm Việt Nam bắt buộc phải sàng lọc xét nghiệm miễn phí hàng loạt ở các tỉnh có bệnh nhân. Lưu ý rằng ngay cả trong vùng dịch ở Hàn Quốc, sàng lọc cộng đồng chỉ cho thấy tỷ lệ dương tính tin cậy là 1-2% vậy nên chỉ một số ca lẻ tẻ xuất hiện đột ngột trong cộng đồng cũng đủ báo hiệu một cơn bão rất gần.

Cách ly cấp xã và nhỏ hơn : Trong bài viết trước "2019-nCov : Việt Nam cần mô hình cách ly để y tế không sụp đổ nếu dịch lan ra", tác giả đã nhấn mạnh phải cầm chân dịch tại mỗi địa phương ở mức xã và chỉ những ca biến chứng nặng là cần chuyển tới bệnh viên dã chiến hay tuyến trên lân cận, với diễn biến đã xảy ra tại Vũ Hán, đang xảy ra tại Daegu, Lombardy và quan điểm của trưởng cố vấn khoa học thủ tướng Anh là ca nhiễm rải đều là hy vọng của UK, chứng tỏ đó là con đường đúng mà Việt Nam phải giữ và hoàn thiện.

Chế tài bỏ cách ly : Nếu người được phép cách ly tại nhà tự ý bỏ cách ly trước 14 ngày, sẽ bị đưa thông tin lên truyền thông địa phương để nhận dạng kèm theo hình phạt hành chính nặng nề mà công an địa phương được hưởng 50%, thậm chí truy tố nếu gây hậu quả nghiêm trọng.

Dùng công nghệ : Học tập Hàn Quốc, Singapore các ứng dụng smart phone, tin nhắn để tăng tương tác, cảnh báo vùng bệnh.

Quỹ khẩn cấp quốc gia : Trợ cấp mức cao nhất cho những bệnh nhân cách ly có hoàn cảnh đặc biệt, từ hộ nghèo và vùng nghèo dù là cách ly tại nhà hay tại khu cách ly.

Điều chỉnh luật : Mở rộng luật phòng chống HIV/AIDS năm 2006 với Covid-19 để chống kỳ thị. Truyền thông và hệ thống chính quyền địa phương trong nước đã và đang dẫn dắt cảm xúc của người dân từ chủ quan, lạc quan tếu tới khiếp sợ hoảng loạn. Điều này có thể dẫn tới sự kỳ thị tàn nhẫn của xã hội với người bệnh như đã xảy ra tại Trung Quốc, cùng với nỗ lực giấu bệnh của người bị nhiễm, cuối cùng cả xã hội sẽ trả giá nặng nề cho thực tế đó.

Minh bạch để xây dựng niềm tin : Việt Nam cần học tập mô hình của UK và Hàn Quốc, khi các quan chức Y tế và chính quyền liên tục liên hệ trực tuyến với cộng đồng để thảo luận và giải đáp thắc mắc dựa trên các số liệu và thông tin cập nhật hàng ngày, tạo truy cập online 24/24 tình hình sinh hoạt trong các khu cách ly. Từ hậu quả kinh hoàng của Trung Quốc trong việc giấu dịch đặc biệt khi trình độ thông tin của người Việt trong và ngoài nước hiện rất cao, chỉ có sự thật mới có thể đoàn kết xã hội nhằm tạo dựng niềm tin, huy động trí tuệ và sự cảm thông để đưa Việt Nam đi qua hoạn nạn này.

Nguyễn Duy Đông - Hoàng Kim Phúc

Nguồn : BBC, 16/03/2020

Ông Nguyễn Duy Đông ở Reading và tiến sĩ Hoàng Kim Phúc (Y học Nhiệt đới), người từng làm việc ĐH Oxford, và hiện đang tiến hành các nghiên cứu về dịch tễ học cùng công ty tư nhân ở Anh và Việt Nam.

Bài đã đăng của tác giả Hoàng Kim Phúc khi dịch virus corona mới nổ ra ở Trung Quốc : 2019-nCov : Việt Nam cần cách ly tốt để y tế không sụp đổ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Hoàng Kim Phúc, Nguyễn Duy Đông
Read 483 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)