Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do bị kéo dài đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát lên thêm 7,8 triệu USD.Chi phí tăng thêm vừa nói được Bộ Giao thông vận tải (nêu lên tại văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc sửa đổi chi tiết trong hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội. RFA Edited
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào hiệp định vay bổ sung, để thanh toán khoản chi phí đội thêm 7,8 triệu USD. Dù hiệp định vay bổ sung còn dư 26,4 triệu USD, nhưng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc không đồng ý dùng vốn dư để chi trả, với lý do hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam, vào ngày 14 tháng 9 giải thích với RFA :
"Đây là một bài toán đã tồn tại rất lâu rồi, đã có nhiều biện pháp giải quyết nhưng cuối cùng vẫn chưa thực hiện được. Dự án này tồn đọng do hoạt động nghiệm thu bàn giao chưa hoàn tất, vì thế vẫn phát sinh các chi phí. Về phía cơ quan quản lý nhà nước đã có khoanh vùng để giảm chi phí đến mức tối đa ở các khâu có thể phát sinh. Nhưng có chi phí không giảm được đó là nghiệm thu dự án. Chi phí này phải đi với dự án đến tận cuối cùng, khi nào nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng thì mới kết thúc".
Nhưng rõ ràng theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giai đoạn nghiệm thu vẫn mãi không được nghiệm thu, nên không thể bàn giao và đưa vào kinh doanh. Ông nói tiếp :
"Đến bây giờ vẫn chưa nghiệm thu thì ban nghiệm thu vẫn phải hoạt động, vẫn cần chi phí, và vẫn cứ tiếp tục gia tăng chi phí này. Cho nên đây là một trong những bài học rất là đau xót cho việc chúng ta tính toán, sử dụng vốn đầu tư không dứt điểm và các hợp đồng không đầy đủ trọn vẹn để dự án cứ dây dưa kéo dài hết năm này sang năm khác, và chi phí cứ tăng dần theo thời gian".
Vì vốn đối ứng của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn lại rất ít, nên Bộ Giao thông vận tải yêu cầu được bố trí vốn ngân sách để trả phần chi phí tăng thêm. Điều này có nghĩa tiền thuế của dân sẽ được chi trả vì lý do chậm trễ dự án, nhưng không bên nào chịu trách nhiệm về việc này ? Cũng không rõ hợp đồng được ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc như thế nào ? Ai chịu trách nhiệm ký kết ? Cơ quan nào tư vấn ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 14/9 cho rằng, cần công khai hợp đồng ký kết dự án Cát Linh - Hà Đông, cũng như quy trách nhiệm những ai làm không đúng :
"Tôi rất lấy làm ngạc nhiên và đau xót về việc lại phải chi thêm tiền cho dự án vừa kém hiệu quả, vừa đắt đỏ này. Vấn đề ở đây là không công bố hợp đồng khung và các điều kiện như thế nào ? Ai đã chấp nhận hợp đồng đó ? Tổ chức giám định nào đã có ý kiến và ai đã chịu trách nhiệm xét duyệt dự án này ? Tôi nghĩ đó là các câu hỏi mà mọi người dân Việt Nam đều muốn biết, rất mong sẽ được công khai, vì dự án này rất kém hiệu quả và lại thêm một khối tiền rất lớn trong tình hình dịch bệnh Covid-19, ngoại tệ cũng như nguồn thi ngân sách rất khó khăn".
Với tình hình hiện tại, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần xác định rõ các mục tiêu cần đạt được khi ký hợp đồng. Ông giải thích thêm :
"Nếu như đến thời điểm đã xác định trước mà không đạt được mục tiêu, thì phải có các quy định về việc trừng phạt. Khi đó bên thực hiện công trình và bên giám sát phải chi trả những chi phí phát sinh. Tất cả những điều này cần phải được quy định trong hợp đồng. Nhưng tôi không rõ hợp đồng như thế nào, nên tôi không biết sẽ có hy vọng gì để từ nay trở đi chấm dứt các chi phí ngày càng đội lên và có nhiều chi phí rất vô lý như vậy hay không ?"
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. Tám năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn vận hành thương mại hơn 10 lần. Dự án này trước đây được chính quyền Hà Nội kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC của Trung Quốc không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư. Sau nhiều lần điều chỉnh, chậm tiến độ, đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động thương mại.
Ông Trần Bang, một kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường, người rất quan tâm đến dự án này, khi trả lời RFA về dự án Cát Linh – Hà Đông, cho rằng :
"Nó thất hứa mãi đến mức nó trở thành bình thường, cũng giống như là cộng sản tuyên truyền dối trá mãi, độc tài mãi rồi dân cũng cảm thấy là bình thường. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo tôi cũng vậy thôi, hết ông Bộ trưởng này đến ông khác, hết lần hứa này đến lần khác, đấy là bài học về cộng tác với các doanh nghiệp Trung Quốc mà thật sự đó là chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo tôi nó sẽ chưa xong đến bao giờ ý chí chính trị của Đảng cộng sản ở Bắc Kinh cho nó chạy. Nếu không theo họ thì họ còn gây ra khó khăn để cho nhà cầm quyền mất uy tín với dân".
Vào ngày 14/9/2021, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Trí Đức tại cuộc họp liên quan tiến độ các dự án xây dựng cơ bản đã thông báo : ‘Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm được Bộ Giao thông Vận tải chốt thời gian hoàn thành trong năm 2021.’
Trước đó, sau nhiều lần trễ tiến độ, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn không được Bộ Giao thông vận tải ấn định thời gian hoàn thành. Khi dự án này trễ hẹn vận hành thương mại vào cuối tháng 3 năm 2021 như lời hứa trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã nêu lý do ‘vướng thủ tục giấy tờ’. Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt thuộc Bộ này, những giấy tờ đã tồn tại hơn 10 năm với nhiều vấn đề phải giải quyết nên không thể một sớm, một chiều là xong.
Trả lời RFA khi đó, một chuyên gia Quản lý Xây dựng tên Quang, từng học tại Nhật Bản, cho rằng : "Tóm lại, tư vấn Pháp ACT chưa OK thì ‘chưa đủ điều kiện’ để Hà Nội nhận bàn giao chứ chẳng phải thủ tục giấy tờ gì !"
Lần gần nhất dự án này được Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ được khai thác thương mại là đầu tháng 5 năm 2021. Nhưng cho tới nay, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vẫn chưa thông qua kết luận nghiệm thu dự án này.
Tăng vốn dự án Cát Linh - Hà Đông hơn hai lần không qua quốc hội : Xử lý Bộ Giao thông và vận tải ra sao ?
Vào kỳ họp quốc hội lần này, hẳn không thể ngẫu nhiên mà cùng lúc với hiện tượng hàng loạt đại biểu quốc hội bỗng oai dũng đăng đàn để đòi chính phủ để cho cơ quan này được duyệt dự án đầu tư công, một số tờ báo quốc doanh đã đột ngột vạch trần một sự thật mà lâu nay chính phủ giấu kín :
"Kiểm toán Nhà nước kết luận Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt tăng tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông từ 8.770 tỷ đồng lên trên 18.000 tỷ đồng mà không qua cửa Quốc hội".
Dù chưa khánh thành nhưng nhiều hạng mục của đường sắt Cát Linh - Hà Nội đã cũ kỹ do thời gian xây dựng quá lâu. Ảnh : Phạm Thắng.
Ngạn ngữ ‘con voi chui lọt lỗ kim’ hoàn toàn có thể thích ứng với vụ việc khổng lồ trên. Không thể tưởng tượng rằng trong một chế độ chính trị có hẳn một cơ quan lập pháp nhưng một bộ chuyên môn như Bộ Giao thông Vận tải vẫn qua mặt một cách sỗ sàng, không coi giới ‘nghị gật’ ra gì, trong khi Luật đầu tư công đã quy định rõ những dự án có mức vốn đầu tư trên 10.000 tỷ đồng phải được Quốc hội thông qua.
Vì sao lại xảy ra nông nỗi ấy ?
Trong thực tế, Bộ Kế hoạch - đầu tư là một ‘cửa’ mà toàn bộ dự án đầu tư công của các chủ đầu tư phải ‘chạy’ qua, khiến phát sinh rất nhiều dư luận và phản ứng về tình trạng ‘ăn không chừa thứ gì’ của bộ này và những bộ ngành liên quan khác nằm trong bộ phận thẩm định và phê duyệt dự án (như Bộ Tài chính và những bộ chuyên môn).
Trước đây, một ít đại biểu quốc hội đã ‘cắc cớ’ về cơ chế duyệt dự án đầu tư công, đặt dấu hỏi về tình trạng quá chậm trễ của phía chính phủ và Bộ Kế hoạch - đầu tư, hàm ý các cơ quan này không chỉ yếu kém về năng lực phê duyệt dự án mà còn phát sinh nạn ăn hối lộ. Tuy nhiên, chính phủ từ thời Nguyễn Tấn Dũng đã át đi tất cả những ý kiến này và bắt giới dân biểu phải ‘câm họng’.
Hẳn đó là nguồn cơn khiến lần đầu tiên gần 500 mái đầu ‘nghị gật’ có vẻ bừng tỉnh và đang muốn ‘nổi loạn’ trước một chính phủ đã nặng thói quen hành xử ‘trình gì gật đó’.
Danh mục, mức vốn cho từng dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn nên để cho Quốc hội quyết định thay vì Chính phủ - theo kiến nghị của đa số đại biểu Quốc hội và được báo nhà nước tường thuật, liên quan đến Luật đầu tư công (sửa đổi).
Nếu sắp tới Luật đầu tư công (sửa đổi) bổ sung quy định Quốc hội có thẩm quyền duyệt dự án đầu tư công với mức vốn dưới 10.000 tỷ đồng, chẳng hạn Quốc hội sẽ phê duyệt những dự án đầu tư công có mức vốn trên 1.000 tỷ đồng hoặc từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, đó sẽ là một thắng lợi đáng kể của ‘cơ quan giám sát’, bởi đó sẽ là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện được nhiệm vụ giám sát lại những dự án đầu công mà rất nhiều khả năng trước đây đã được Bộ Kế hoạch - đầu tư và các ngành khác thẩm định, phê duyệt vô tội vạ, ‘vận dụng’ quá nhiều hình thức chỉ định thầu thay vì đấu thầu công khai, cùng quá nhiều cảnh ‘lót tay’.
Đây cũng là lần đầu tiên mà nguy cơ ‘mất nồi cơm’ diễn biến cận kề đến thế đối2019 với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, khiến bộ trưởng bộ này - quan chức nung núc mỡ Nguyễn Chí Dũng - chỉ có thể gượng gạo đánh đố : "Quốc hội duyệt hết được 9.000 dự án đầu tư công không ?".
Vụ việc tự tung tự tác và vượt quyền của Bộ Giao thông Vận tải về tăng vốn dự án Cát Linh - Hà Đông hơn hai lần không qua quốc hội hoàn toàn xứng với một ‘mức án’ không nhẹ về hành vi hình sự, chẳng hạn như ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn…’ và ‘cố ý làm trái…’.
Thường Sơn
Nguồn : VNTB, 31/05/2019