Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông do bị kéo dài đã làm tăng chi phí hợp đồng tư vấn giám sát lên thêm 7,8 triệu USD.Chi phí tăng thêm vừa nói được Bộ Giao thông vận tải (nêu lên tại văn bản trả lời Bộ Tài chính về việc sửa đổi chi tiết trong hiệp định vay bổ sung cho dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ở Hà Nội.
Dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông tại thủ đô Hà Nội. RFA Edited
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc chấp thuận bổ sung hợp đồng tư vấn giám sát vào hiệp định vay bổ sung, để thanh toán khoản chi phí đội thêm 7,8 triệu USD. Dù hiệp định vay bổ sung còn dư 26,4 triệu USD, nhưng Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc không đồng ý dùng vốn dư để chi trả, với lý do hợp đồng tư vấn giám sát không thể được tài trợ bởi khoản vay.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Kinh tế Tài chính Việt Nam, vào ngày 14 tháng 9 giải thích với RFA :
"Đây là một bài toán đã tồn tại rất lâu rồi, đã có nhiều biện pháp giải quyết nhưng cuối cùng vẫn chưa thực hiện được. Dự án này tồn đọng do hoạt động nghiệm thu bàn giao chưa hoàn tất, vì thế vẫn phát sinh các chi phí. Về phía cơ quan quản lý nhà nước đã có khoanh vùng để giảm chi phí đến mức tối đa ở các khâu có thể phát sinh. Nhưng có chi phí không giảm được đó là nghiệm thu dự án. Chi phí này phải đi với dự án đến tận cuối cùng, khi nào nghiệm thu bàn giao đưa vào sử dụng thì mới kết thúc".
Nhưng rõ ràng theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, giai đoạn nghiệm thu vẫn mãi không được nghiệm thu, nên không thể bàn giao và đưa vào kinh doanh. Ông nói tiếp :
"Đến bây giờ vẫn chưa nghiệm thu thì ban nghiệm thu vẫn phải hoạt động, vẫn cần chi phí, và vẫn cứ tiếp tục gia tăng chi phí này. Cho nên đây là một trong những bài học rất là đau xót cho việc chúng ta tính toán, sử dụng vốn đầu tư không dứt điểm và các hợp đồng không đầy đủ trọn vẹn để dự án cứ dây dưa kéo dài hết năm này sang năm khác, và chi phí cứ tăng dần theo thời gian".
Vì vốn đối ứng của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông còn lại rất ít, nên Bộ Giao thông vận tải yêu cầu được bố trí vốn ngân sách để trả phần chi phí tăng thêm. Điều này có nghĩa tiền thuế của dân sẽ được chi trả vì lý do chậm trễ dự án, nhưng không bên nào chịu trách nhiệm về việc này ? Cũng không rõ hợp đồng được ký kết giữa Bộ Giao thông vận tải Việt Nam và nhà thầu Trung Quốc như thế nào ? Ai chịu trách nhiệm ký kết ? Cơ quan nào tư vấn ?
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 14/9 cho rằng, cần công khai hợp đồng ký kết dự án Cát Linh - Hà Đông, cũng như quy trách nhiệm những ai làm không đúng :
"Tôi rất lấy làm ngạc nhiên và đau xót về việc lại phải chi thêm tiền cho dự án vừa kém hiệu quả, vừa đắt đỏ này. Vấn đề ở đây là không công bố hợp đồng khung và các điều kiện như thế nào ? Ai đã chấp nhận hợp đồng đó ? Tổ chức giám định nào đã có ý kiến và ai đã chịu trách nhiệm xét duyệt dự án này ? Tôi nghĩ đó là các câu hỏi mà mọi người dân Việt Nam đều muốn biết, rất mong sẽ được công khai, vì dự án này rất kém hiệu quả và lại thêm một khối tiền rất lớn trong tình hình dịch bệnh Covid-19, ngoại tệ cũng như nguồn thi ngân sách rất khó khăn".
Với tình hình hiện tại, theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, cần xác định rõ các mục tiêu cần đạt được khi ký hợp đồng. Ông giải thích thêm :
"Nếu như đến thời điểm đã xác định trước mà không đạt được mục tiêu, thì phải có các quy định về việc trừng phạt. Khi đó bên thực hiện công trình và bên giám sát phải chi trả những chi phí phát sinh. Tất cả những điều này cần phải được quy định trong hợp đồng. Nhưng tôi không rõ hợp đồng như thế nào, nên tôi không biết sẽ có hy vọng gì để từ nay trở đi chấm dứt các chi phí ngày càng đội lên và có nhiều chi phí rất vô lý như vậy hay không ?"
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư ban đầu được phê duyệt năm 2008 là 8,7 ngàn tỷ đồng (tương đương 552,86 triệu USD), trong đó vay Trung Quốc là hơn 400 triệu USD. Ban đầu, dự kiến năm 2013 vận hành dự án. Tám năm sau, vào năm 2016, dự án được điều chỉnh lên hơn 18 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 9,2 ngàn tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt ban đầu. Trong đó, phần vốn vay của Trung Quốc cũng lên con số 13,8 ngàn tỷ đồng, tương đương trên 669 triệu USD.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông đã trễ hẹn vận hành thương mại hơn 10 lần. Dự án này trước đây được chính quyền Hà Nội kỳ vọng nhiều nhất nhưng lại vướng quá nhiều bê bối về điều chỉnh vốn đầu tư cũng như trục trặc kỹ thuật và kéo dài thời gian do tổng thầu EPC của Trung Quốc không tuân thủ theo các quy định của nhà đầu tư. Sau nhiều lần điều chỉnh, chậm tiến độ, đến nay dự án vẫn chưa thể đi vào hoạt động thương mại.
Ông Trần Bang, một kỹ sư xây dựng chuyên ngành cầu đường, người rất quan tâm đến dự án này, khi trả lời RFA về dự án Cát Linh – Hà Đông, cho rằng :
"Nó thất hứa mãi đến mức nó trở thành bình thường, cũng giống như là cộng sản tuyên truyền dối trá mãi, độc tài mãi rồi dân cũng cảm thấy là bình thường. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông theo tôi cũng vậy thôi, hết ông Bộ trưởng này đến ông khác, hết lần hứa này đến lần khác, đấy là bài học về cộng tác với các doanh nghiệp Trung Quốc mà thật sự đó là chỉ đạo của Đảng cộng sản Trung Quốc. Theo tôi nó sẽ chưa xong đến bao giờ ý chí chính trị của Đảng cộng sản ở Bắc Kinh cho nó chạy. Nếu không theo họ thì họ còn gây ra khó khăn để cho nhà cầm quyền mất uy tín với dân".
Vào ngày 14/9/2021, Chánh văn phòng Bộ Giao thông Vận tải - Nguyễn Trí Đức tại cuộc họp liên quan tiến độ các dự án xây dựng cơ bản đã thông báo : ‘Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông là một trong những dự án trọng điểm được Bộ Giao thông Vận tải chốt thời gian hoàn thành trong năm 2021.’
Trước đó, sau nhiều lần trễ tiến độ, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vẫn không được Bộ Giao thông vận tải ấn định thời gian hoàn thành. Khi dự án này trễ hẹn vận hành thương mại vào cuối tháng 3 năm 2021 như lời hứa trước đó, Bộ Giao thông vận tải đã nêu lý do ‘vướng thủ tục giấy tờ’. Theo Ban Quản lý dự án Đường sắt thuộc Bộ này, những giấy tờ đã tồn tại hơn 10 năm với nhiều vấn đề phải giải quyết nên không thể một sớm, một chiều là xong.
Trả lời RFA khi đó, một chuyên gia Quản lý Xây dựng tên Quang, từng học tại Nhật Bản, cho rằng : "Tóm lại, tư vấn Pháp ACT chưa OK thì ‘chưa đủ điều kiện’ để Hà Nội nhận bàn giao chứ chẳng phải thủ tục giấy tờ gì !"
Lần gần nhất dự án này được Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ được khai thác thương mại là đầu tháng 5 năm 2021. Nhưng cho tới nay, Hội đồng kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng vẫn chưa thông qua kết luận nghiệm thu dự án này.