Từ ‘chống dịch như chống giặc’, Việt Nam chuyển sang ‘sống chung với dịch’
RFA, 17/09/2021
Lãnh đạo Việt Nam đề cập đến chủ trương ‘sống chung với dịch Covid-19’ thay cho ‘chống dịch như chống giặc’ được hô hào lâu nay.
Tấm biển đề chống dịch như chống giặc ở Thành phố Hồ Chí Minh hôm 9/7/2021 - AFP
Truyền thông Nhà nước vào ngày 17/9 dẫn phát biểu của ông Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam rằng Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) cần chuẩn bị tâm thế sống chung với dịch bệnh Covid-19, không thể theo đuổi chiến lược ‘zero F0’.
Phát biểu của ông Đam được đưa ra tại cuộc làm việc giữa Tổ Công tác Đặc biệt của Chính phủ với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thủ phủ kinh tế lớn nhất nước Việt Nam vào tối ngày 16/9.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thừa nhận đến lúc này, các lực lượng chống dịch và người dân thành phố đã rất mệt mỏi sau thời gian dài giãn cách xã hội để ngăn ngừa dịch lây lan. Thế nhưng số người tử vong và dịch vẫn tiếp diễn.
Ông Vũ Đức Đam cho rằng Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bình Dương và một số tỉnh, thành khác không thể tiếp tục chiến lược ‘zero F0’ mà phải sẵn sàng tinh thần sống chung với dịch bệnh.
Tại Hà Nội, vào ngày 17/9, Tổ trưởng Tổ Công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Nghị quyết liên quan công tác phòng, chống Covid-19, ông Nguyễn Khắc Định, cũng cho biết đơn vị này cũng đang bàn đến triển vọng ‘sống chung an toàn với đại dịch Covid-19’.
Từ đầu tháng tư năm ngoái, sau khi Việt Nam báo cáo có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng một, Thủ tướng Chính phủ lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định công bố dịch trên toàn quốc ; và tư tưởng chỉ đạo, phương châm hành động trong quyết định nêu rõ ‘chống dịch như chống giặc’ ; toàn Đảng, toàn quân, toàn dân lại bước vào cuộc chiến đấu trong thời bình.
Khẩu hiệu này được người kế nhiệm Phạm Minh Chính lặp lại hồi tháng năm vừa qua, sau khi bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ tư tại Việt Nam. Lần này ông Phạm Minh Chính hô hào thực hiện tinh thần ‘chống dịch như chống giặc quyết liệt hơn, mạnh mẽ hơn, thần tốc hơn.’
Thống kê do Bộ Y tế Việt Nam đưa ra vào tối ngày 17/9 cho thấy có 16.637 trường hợp tử vong vì Covid-19 tính đến lúc này. Số nhiễm trong cộng đồng từ ngày 27/4/2021 cho đến nay là 663.232 ca.
*********************
Việt Nam kêu gọi người dân trong và ngoài nước đóng góp tiền chống dịch Covid-19
RFA, 16/09/2021
Tiểu ban vận động và huy động xã hội thuộc Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 và Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hôm 16/9 vừa ra mắt một trang web có địa chỉhttp://vandongxahoi.mattran.org.vn để kêu gọi người dân trong và ngoài nước đóng góp tiền của giúp chống dịch Covid-19. Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày.
Tiếp nhận tiền đóng góp của tổ chức và cá nhân tại lễ phát động hôm 16/9/2021 ở Hà Nội - VOV
Đây là một phần của chương trình tiếp tục đợt vận động "Toàn dân đoàn kết, ra sức phòng, chống dịch Covid-19".
Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến phát biểu tại lễ phát động rằng dịch bệnh đợt thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay bùng phát mạnh, lây lan nhanh đã gây tổn thất đặc biệt nghiêm trọng. Ông cho biết, do tình hình vẫn còn diễn biến phức tạp nên nhiều nơi còn thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt để chống dịch. Do đó, số người gặp khó khăn trong đời sống do phải ở trong khu phong tỏa, cách ly, giãn cách xã hội, thiếu việc làm… cần được hỗ trợ, giúp đỡ khá lớn. Trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn, Mặt trận Tổ quốc kêu gọi sự chung tay, góp sức của toàn xã hội để hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là đảm bảo an sinh cho người nghèo, người yếu thế, người cơ nhỡ, mất việc làm, một phần kinh phí mua vắc-xintiêm cho toàn dân để sớm đưa đất nước trở lại hoạt động bình thường trong điều kiện mới.
Lời kêu gọi được hướng tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, chiến sĩ các lực lượng vũ trang ; các doanh nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ; các tổ chức quốc tế, người Việt Nam ở nước ngoài ; các tổ chức tôn giáo ; các tầng lớp nhân dân…
Cũng trong buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Ủy ban) Phạm Quang Hiệu đã thay mặt cộng đồng người Việt tại Mỹ, Anh, Nhật Bản và Ukraine trao số tiền hơn một tỷ đồng đóng góp ủng hộ công tác phòng, chống dịch trong nước cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Theo truyền thông Nhà nước, tính đến nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ hơn 60 tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở trong nước.
Trong những tháng qua, do giãn cách xã hội nghiêm ngặt, đã xuất hiện nhiều vụ người dân ở các địa phương tập trung lên phường, xã, quận, huyện đòi tiền trợ cấp vì không có thực phẩm. Một số nơi, đặc biệt là ở các tỉnh miền Nam, nơi dịch lây lan mạnh, người dân đã phá rào chắn chống dịch vì bức xúc.
*********************
Covid-19 : Việt Nam giảm nhẹ phong tỏa ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh
Anh Vũ, RFI, 16/09/2021
Sau gần một tháng thực hiện giãn cách xã hội ở mức độ cao, bắt đầu từ hôm nay, 16/09/2021, chính quyền Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu cho nới dần một số biện pháp phòng chống dịch liên quan đến sinh hoạt của người dân.
Một bé trai theo học giờ Thể dục trên mạng, trong khi người cha ngồi trông cửa hàng. Hà Nội, ngày 16/09/2021. AFP – Nhac Nguyen
Theo truyền thông Việt Nam, hôm qua 15/09 chủ tịch thành phố Hà Nội, ông Chu Ngọc Anh đã có công văn điều chỉnh một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố, theo đó cho phép, từ 12h ngày 16/9, mở lại một số hoạt động kinh doanh : Văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập ; dịch vụ sửa chữa phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng ; dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21h hàng ngày.
Các biện pháp nới lỏng này chỉ được áp dụng đối với những địa bàn không xuất hiện ca nhiễm trong cộng đồngtừ ngày 03/09. Từ ngày 03/09, Hà Nội đã phân vùng nguy cơ dịch theo 3 màu đỏ (nguy cơ cực cao), cam (nguy cơ cao) và xanh (nguy cơ thấp).
Việc đi lại của người dân trong thành phố những ngày qua được kiểm soát chặt theo giấy đi đường cấp cho một số đối tượng cụ thể. Các tuyến đường liên thông giữa các vùng bị chốt chặn nghiêm ngặt gây nhiều bất cập cho hoạt động trong thành phố.
Hôm nay lãnh đạo thành phố cũng cho biết sẽ xem xét dừng kiểm tra giấy đi đường đối với người dân tại 19 quận, huyện được đánh giá ở trạng thái "bình thường mới".
Hiện thành phố còn một quận nguy cơ rất cao (Thanh Xuân) và hai quận có nguy cơ cao (Hoàng Mai, Đống Đa), con số này cách đây 2 tuần là 11 quận huyện, theo báo cáo của cơ quan Y Tế Hà Nội.
Thành phố Hồ Chí Minh, tâm dịch của cả nước từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, hôm nay là ngày đầu tiên được nới lỏng một số hoạt động, dù thành phố vẫn tiếp tục áp dụng giãn cách theo chỉ thị 16 của chính phủ thêm 2 tuần từ sau ngày 15/09. Sau 25 ngày siết chặt, hôm nay người giao hàng được hoạt động trở lại, một số dịch vụ kinh doanh cũng bắt đầu được phép mở cửa lại. Người dân tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ bắt đầu được phép đi chợ, một lần trong tuần. Tuy nhiên, tại nhiều tuyến phố các chốt kiểm soát đi lại vẫn còn hoạt động.
Về tình hình dịch, theo số liệu chính thức của bộ Y Tế, đến tối ngày hôm qua, Việt Nam vẫn ghi nhận 10.583 ca nhiễm mới ở 34 tỉnh thành và 250 ca tử vong. Thành phố Hồ Chí Minh vẫn dẫn đầu với số nhiễm mới trên 5 nghìn ca và 189 ca tử vong. Hà Nội ghi nhận 14 ca nhiễm mới.
Anh Vũ
*********************
Việt Nam : Hơn 30 triệu dân được chích ngừa Covid-19 ít nhất một liều
Trọng Thành, RFI, 15/09/2021
Theo dữ liệu của Cổng thông tin tiêm chủng quốc gia Việt Nam, tính đến ngày 15/09/2021, đã có hơn 31 triệu liều vac-xin Covid-19 được chích cho người dân, có nghĩa là gần 1/3 ba dân số Việt Nam đã được tiêm chủng ít nhất một liều. Trong 6 ngày liên tiếp (từ ngày 09 đến 14/09), mỗi ngày đều có hơn 1 triệu mũi tiêm được thực hiện.
Chuyến hàng đầu tiên chở vac-xin AstraZeneca trong khuôn khổ chương trình quốc tế Covax đến sân bay Nội Bài (Hà Nội - Việt Nam) ngày 01/04/2021. AFP – Nhac Nguyen
Cho đến nay, thành phố Hồ Chí Minh đã tiêm được 7,4 triệu liều vac-xin, tương đương 100% dân số trong độ tuổi được tiêm chủng của thành phố (trên 18 tuổi), trong đó khoảng 900.000 người đã hoàn thành mũi tiêm thứ hai. Khoảng 4,4 triệu liều vac-xin đã được tiêm tại Hà Nội (chiếm 77% dân số thành phố), trong đó có hơn 550 nghìn người hoàn tất mũi tiêm thứ hai.
Cho đến nay, Việt Nam đã nhận được tổng cộng gần 37 triệu liều vac-xin Covid-19, với gần 12 triệu liều thông qua chương trình Covax, theo thông báo của bộ Y Tế Việt Nam hôm 14/09. Bộ trưởng Y Tế Nguyễn Thanh Long cho biết Việt Nam sẽ nhận được thêm hơn 103 triệu liều vac-xin vào cuối năm nay (22,8 triệu liều đến vào tháng 9 ; 31,2 triệu vào tháng 10, 23,9 triệu vào tháng 11 và 25,5 triệu vào tháng 12).
Hôm qua, đại diện chính phủ Pháp và Ý tổ chức lễ bàn giao tổng cộng 1,47 triệu liều vac-xin Covid-19 cho Việt Nam tại trụ sở bộ Ngoại Giao ở Hà Nội. Pháp tặng Việt Nam 670.000 liều vac-xin AstraZeneca và Ý 800.000 triệu liều vac-xin cùng loại. Cả hai đều thông qua chương trình chia sẻ vac-xin toàn cầu Covax của Liên Hiệp Quốc. Trong số các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, Pháp và Ý là hai trong số các nhà tài trợ lớn nhất cho sáng kiến Covax.
Trọng Thành