Thông tin của 41 triệu người dùng Facebook Việt Nam bị lộ (RFA, 25/03/2020)
Vào ngày 25/3, một thành viên với nickname "vow" trong diễn đàn của giới hacker RaidForums đã chia sẻ tập dữ liệu được cho là có chứa thông tin của 41 triệu người dùng Facebook tại Việt Nam. Chi phí truy cập vào kho dữ liệu này tương đương với khoảng hơn 50.000 VND.
Minh họa : Hướng dẫn bảo mật thông tin người dùng trên Facebook. Reuters
Nội dung thông tin từ dòng dữ liệu được thể hiện bằng tiếng Việt, bao gồm tên tài khoản, tên đầy đủ, ngày sinh, địa chỉ email, Facebook ID, quê quán, nơi làm việc, học tập, thông tin về người thân cũng như sở thích của chủ tài khoản được thể hiện chi tiết.
ICTnews trong ngày 25/3 đưa tin về phản hồi từ đại diện Facebook cho biết họ đang xem xét vấn đề vừa nêu.
Còn theo ông Ngô Tuấn Anh, Phó Chủ tịch phụ trách An ninh mạng của Công ty Bkav, các thông tin, dữ liệu vừa bị chia sẻ trên diễn đàn RaidForums là các thông tin công khai (không có mât khẩu) của người dùng Facebook, thường được thu thập sử dụng cho mục đích quảng cáo ; bất kỳ ai tham gia Facebook cũng có thể tìm và xem các thông tin này.
Ông Ngô Tuấn Anh cũng phân tích thêm, có 2 tình huống lộ thông tin cần phân biệt rõ : một là rò rĩ thông tin riêng tư như mật khẩu hay những thông tin người dùng để ở chế độ không công khai ; hai là trường hợp nêu trên.
*******************
Virus corona : Việt Nam tăng cường biện pháp phòng từ xa (RFI, 25/03/2020)
Tính đến hôm 25/03/2020, Việt Nam đã có tổng cộng 141 ca dương tính với Covid-19. Hơn chục nghìn người vẫn đang bị cách ly theo dõi y tế. Chính quyền Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn từ xa.
Một nhân viên y tế phun thuốc tẩy trùng trên một máy bay của Vietnam Airlines ngày 21/02/2020. Reuters - Nguyen Huy Kham
Sau thông báo tạm ngưng nhập cảnh với cả thế giới, theo báo chí trong nước, bắt đầu từ hôm nay, 25/03, tất cả các hãng hàng không Việt Nam tạm ngừng khai thác toàn bộ đường bay quốc tế. Việt Nam hiện có các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways, VietJet và Jetstar Pacific khai thác các tuyến bay quốc tế. Các hãng này hôm nay được lệnh phải dừng toàn bộ các đường bay quốc tế.
Trong những ngày qua, các đường bay quốc tế của các hãng hàng không này chủ yếu chuyên chở khách là người Việt ở nước ngoài về. Tất cả hành khách đến Việt Nam đều bị kiểm tra y tế chặt chẽ và được đưa vào cách ly tập trung 14 ngày.
Trong bối cảnh tình hình dịch virus corona có thể diễn biến phức tạp, sau Thành phố Hồ Chí Minh, hôm nay chính quyền quyền Hà Nội ra công văn khẩn yêu cầu tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh không cần thiết như karaoke, massage, quán bar, vũ trường, trò chơi điện tử, các tụ điểm tập trung đông người…, trừ các cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ đời sống hàng ngày. Chính quyền thành phố cũng khuyến cáo người dân hạn chế tối đa tập trung đông người trong các hoạt động hiếu hỉ, tín ngưỡng.
Cùng ngày, theo trang tin Vietnamnet, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tạm dừng ký các hợp đồng xuất khẩu gạo, đồng thời giao các cơ quan liên quan kiểm tra đánh giá về nguồn cung ứng, dự trữ thóc gạo, nhằm bảo đảm an ninh lương thực trong bối cảnh dịch Covid-19.
Anh Vũ
****************
Hai địa phương công bố hết dịch tả heo Châu Phi, cúm gia cầm H5N6 (RFA, 25/03/2020)
Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa có thông báo tỉnh đã hết dịch tả heo Châu Phi.
Ảnh minh họa - AFP
Báo trong nước loan tin ngày 25/3, trích văn bản Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong cùng ngày.
Tin cho biết, tính đến ngày 15/3, tất cả 137 xã, phường, thị trấn của Đồng Nai đã qua 30 ngày không tái phát dịch tả heo Châu Phi.
Dịch tả heo Châu Phi xuất hiện ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai từ ngày 17/4/2019 và lây lan ra 137 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Đến ngày 31/12/2019, có khoảng 450.000 con heo bị tiêu hủy.
Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vào ngày 12/3 đưa ra thông báo cho biết Việt Nam có 98,7% số xã có dịch tả heo Châu Phi đã qua 30 ngày.
Theo dự báo, lượng heo tái đàn sẽ tăng cao từ/3, đẩy nguồn cung thịt heo cho năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn.
Trước tình hình dịch bệnh tả heo Châu Phi ổn định, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong phiên họp ngày 20/3 đã đề nghị nên đưa giá thịt lợn hơi về 60.000 đồng/kg. Nếu không thực hiện được sẽ cho nhập khẩu thịt heo từ Nga, Mỹ… để giảm giá.
Cũng tin liên quan, đại diện Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa trong ngày 25/3 công bố tỉnh này đã hết dịch cúm gia cầm A/H5N6.
Dịch cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại Thanh Hóa từ ngày 3/2/2020 và xảy ra tại 18 xã, 11 huyện của tỉnh. Tính đến nay, toàn tỉnh có trên 7.200 con gia cầm mắc bệnh và buộc phải tiêu hủy gần 55.000 con.
Thị xã Bỉm Sơn là địa phương cuối cùng của Thanh Hóa công bố hết dịch cúm gia cầm A/H5N6.
Vào ngày 13/3 vừa qua, tất cả các địa phương tại Thanh Hóa cũng công bố hết dịch tả heo Châu Phi. Như vậy, Thanh Hóa hiện nay đã không còn dịch tả heo Châu Phi và cúm gia cầm A/H5N6.
*****************
6 di dân lậu người Việt trốn trại cách ly ở miền tây Đài Loan (VOA, 25/03/2020)
Sáu công dân Việt Nam bị bắt vì tìm cách xâm nhập trộm vào Đài Loan vừa đào thoát khỏi cơ sở tạm giữ và cách ly ở miền tây Đài Loan vào sáng thứ Ba 24/3.
Tuần duyên Đài Loan nhiều lần bắt giữ các di dân lậu người Việt trong những năm gần đây (Photo/Coast Guard Administration)
Hôm 21/3, lực lượng Tuần duyên Đài Loan (CGA) đã bắt giữ tổng cộng 31 công dân Việt Nam không có giấy tờ, trong đó có 24 người đàn ông và 7 phụ nữ, họ trốn trong một tàu đánh cá Đài Loan ngoài khơi đảo Xiaoliuqiu (Tiểu Lưu Cầu).
Tuy nhiên, vào lúc 7 giờ sáng ngày 24/3, các nhân viên CGA phát hiện ra rằng 6 trong số những người bị tạm giam đã trốn thoát.
Ông Hsu Chi-ling, Cục phó của CGA, nói rằng 6 người đó đã được các nhân viên phòng chống dịch bệnh khám cẩn thận và không ai trong số họ có triệu chứng của virus corona Vũ Hán (Covid-19).
Ông kêu gọi công chúng Đài Loan không hoảng sợ và cho biết các nhân viên làm nhiệm vụ vào thời điểm đó sẽ bị khiển trách.
Cục phó Hsu nói thêm rằng lực lượng canh gác đã được bổ sung để đảm bảo an ninh tốt hơn.
Quan chức này cho biết tên của 6 người trốn thoát là Dao Van Coi (29 tuổi), Tran Van Tuan (26 tuổi), Quất Van Bac (28 tuổi), Hoang Nghia Cuong (30 tuổi), Nguyen Van Hai (33 tuổi) và Nguyen Van Tuan (35 tuổi).
(Taiwan News, Focus Taiwan)
Dù Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng luôn nói không nên cả tin bất kỳ cái gì trên mạng, thế nhưng bộ máy công quyền Việt Nam lại luôn "rình rập" trên mạng xã hội để phạt và thậm chí bắt những facebooker đăng tin "nhạy cảm" về chính phủ hoặc quan chức chính phủ…
Hình ảnh một chiếc iPhone hiển thị các ứng dụng cho Facebook và Messenger - AP
Liên tục bắt bớ vô cớ
Liên tiếp thời gian gần đây, nhiều facebooker bị sách nhiễu, bắt bớ khi đăng tải hay chia sẻ bài viết trên facebook. Thậm chí nhiều người vừa đăng tin ngày hôm trước, hôm sau đã bị phạt. Trong khi đó, lãnh đạo đứng đầu ngành Thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã từng phát biểu, thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên mỗi cá nhân tham gia phải có bộ lọc của riêng mình, không nên cả tin bất kỳ cái gì trên mạng…
Rõ ràng, "nói một đàng làm một nẻo" là cách mà cơ quan công quyền tại Việt Nam đang áp dụng.
Ông Nguyễn Tiến Trung, thạc sĩ CNTT, cũng là cựu tù nhân lương tâm nói với RFA rằng :
"Theo tôi biết thì những người bị bắt hay sách nhiễu khi đưa chính kiến của mình lên Facebook thì thường liên quan đến chính trị, hoặc ít nhất cũng phơi bày sự thật, tham nhũng trong nội bộ đảng cộng sản, cho nên họ tìm cách trù dập, bắt bớ để những người đó phải im lặng.
Nhiều học sinh sinh viên viết trên facebook về chế độ chính trị hay những bất công trong xã hội Việt Nam thì cũng bị công an đến trường quấy nhiễu, thậm chí có trường hợp còn bị đuổi học".
Kể từ cuối tháng 8 đến nay, công an Việt Nam đã bắt giữ và khởi tố ít nhất 7 facebookers với các cáo buộc bao gồm : Làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu chống phá nhà nước, và lợi dụng các quyền tự do dân chủ. Con số này chưa bao gồm những facebooker đang bị bắt giữ mà gia đình và người thân của họ đã phản ánh trên mạng xã hội nhưng phía công an chưa thừa nhận.
Cụ thể, hôm 5 tháng 9, tòa án tỉnh Ninh Bình đã tuyên án tù 5 năm đối với ông Lê Văn Sinh, có hai tài khoản facebook mang tên Sinhle và Sinh Levansinh, với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân", khi ông viết 16 bài đăng trên mạng xã hội, mà chính quyền cho rằng nói xấu chế độ, xuyên tạc chủ trương, đường lối của đảng Cộng sản, chính sách và pháp luật của Nhà nước, vi phạm Luật An ninh mạng và dự thảo Luật Đặc khu.
12 ngày sau, ngày 17 tháng 9, ông Nguyễn Văn Công Em lại bị tòa án tỉnh Bến Tre tuyên án 5 năm tù giam và 5 năm quản chế với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước", khi ông sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội Facebook khác nhau để đăng tải, chia sẻ các bài viết và phát trực tiếp những video với nội dung bị cơ quan chức năng Việt Nam cho là ‘xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam và chính phủ Hà Nội…
Và, hôm 22 tháng 9, tòa án Cần Thơ đã tuyên án ông Nguyễn Hồng Nguyên với tài khoản facebook tên Bồ Công Anh hai năm tù ; Trương Đình Khang có tài khoản facebook là Hồ Mai Chi một năm tù với cáo buộc "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Trước đó nữa, một số facebookers khác như Huỳnh Trương Ca, Nguyễn Ngọc Ánh, Đoàn Khánh Vinh Quang, và Bùi Mạnh Đồng cũng bị bắt với cáo buộc "Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống phá nhà nước".
Gần đây nhất là trường hợp Nguyễn Vượng, một người trẻ thường livestream về tình hình đất nước và các vấn đề xã hội, bị công an bắt tại nhà sáng 23 tháng 9, mặc dù gia đình Vượng không hề hay biết lý do Vượng bị bắt. Ông Doanh, anh trai Vượng nói với RFA sáng 27 tháng 9 rằng không biết vì sao Vượng bị bắt vì công an không nói, cũng không đưa lệnh bắt.
Đó chỉ là một số những trường hợp các facebooker bị bắt, bị kết án trong thời gian gần đây.
Ngoài chuyện bị bắt, bị mời làm việc, các facebooker còn bị phạt tiền khi chia sẻ hoặc viết những vấn đề xảy ra hàng ngày trong xã hội, như trường hợp thầy giáo Đặng Nguyên Triết ở Ninh Thuận. Thầy giáo này bị phạt 3 lần, tổng cộng 7,5 triệu đồng do đưa lên mạng xã hội những bài viết mà cơ quan an ninh cho là "Truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của đảng, nhà nước" ; hay anh Nguyễn Hữu Đức ở tỉnh Bình Phước bị yêu cầu nộp phạt 7,5 triệu đồng hôm 27 tháng 9 khi đưa thông tin bị công an phạt lên mạng xã hội mà công an cho rằng xúc phạm danh dự, uy tín của họ.
Facebooker nên làm gì ?
Biểu tượng mạng xã hội Livenguide - RFA
Để bịt miệng những tiếng nói bất đồng chính kiến trên mạng xã hội, ông Nguyễn Mạnh Hùng từng lên tiếng yêu cầu các mạng xã hội nước ngoài phải tuân thủ pháp luật Việt Nam, phải thực hiện yêu cầu gỡ bỏ thông tin sai theo pháp luật Việt Nam.
Về phía facebook, bà Amy Sawitta Lefevre, Quản lý chính sách truyền thông đã từng cho RFA biết, nếu nội dung bị coi là bất hợp pháp ở Việt Nam thì Facebook có thể hạn chế quyền truy cập, và việc này được thực hiện ở Việt Nam cũng giống như những nơi khác trên thế giới.
Vậy người dân trong nước phải làm sao khi Facebook không còn là nơi để họ truyền đạt chính kiến, trong khi các mạng xã hội khác đều bị nằm dưới sự kiểm duyệt của chính phủ Việt Nam như mạng xã hội Lotus, Gapo, Vietnamta… ?
Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh, người sáng lập mạng xã hội Livenguide, nói với RFA rằng, Livenguide là một sản phẩm ông tâm huyết vì thông qua đó, người dùng có thể biểu đạt và được bảo vệ quyền riêng tư vì Luật An Ninh Mạng ra đời nhằm hạn chế sự hướng thượng của con người. Ông tâm sự :
"Nói thật cứ mỗi lần thấy có người bị Facebook xóa bài hay đóng tài khoản thì tôi lại nhủ lòng cố gắng thêm một chút. Ước mong của tôi là tạo một không gian trao đổi tự do và lưu giữ những cảm xúc, cảm nghĩ, ký ức của người dùng một cách chắc chắn nhất. Vậy là thật vui rồi !".
Những người sáng lập và phát triển Livenguide là những người hoạt động xã hội nên họ hiểu tầm quan trọng và cam kết bảo vệ quyền tự do biểu đạt của người dùng. Khi RFA đặt câu hỏi liệu ông có quan ngại khi nhà nước Việt Nam có thể yêu cầu đóng cửa, đặt tường lửa với mạng Livenguide hay không, Tiến sĩ Lê Trung Tĩnh cho biết :
"Tôi không nghĩ Livenguide "nguy hiểm" đến độ Nhà nước Việt Nam phải có những biện pháp đặc biệt. Livenguide đơn giản là không gian mở cho tất cả các thành phần, kiểu cách, chính kiến. Thật sự cũng có nhiều người chỉ trích những người chỉ trích nhà nước trong Livenguide. Điều này xét cho cùng thì cũng có ích cho tất cả.
Dầu Nhà nước Việt Nam có đặt tường lửa đối với Livenguide thì Livenguide vẫn theo đuổi các cam kết của mình. Tôi nghĩ không có bức tường nào đủ cao để ngăn người Việt đến với tự do !".
Ngoài việc có thể tìm thêm một mạng xã hội khác an toàn để nói lên những bất công trong xã hội, để tránh những bắt bớ từ chính quyền, các facebooker cũng nên tự tìm cho mình một "con đường an toàn" như lời Thạc sĩ Nguyễn Tiến Trung rằng, trong một chế độ mà tòa án không độc lập và tuân theo chỉ thị của đảng cộng sản cầm quyền thì người dân cần hiểu biết pháp luật để tự bảo vệ bản thân.
Theo ông, cái cách để bảo vệ bản thân là khi cơ quan công an ép mình thừa nhận bất cứ việc gì thì mình (người dân) có quyền im lặng. Việc chứng minh người dân phạm tội gì hay đang là sở hữu trang Facebook nào là việc của cơ quan điều tra phải chứng minh chứ dân không có nghĩa vụ phải trả lời. Ngoài việc giữ quyền im lặng thì người dân phải luôn yêu cầu có luật sư trong các buổi làm việc, bất chấp việc cơ quan công an nại lý do liên quan đến "an ninh quốc gia" nên không cho luật sư tham gia từ đầu.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 27/09/2019