"Vừa đánh vừa đàm", Tô chuẩn bị quân tướng kịch chiến tại Hội nghị TW9 !
Hoàng Anh, Thoibao.de, 05/04/2024
Nếu không có cú ra đòn bất ngờ nhằm vào Võ Văn Thưởng, thì Tô Lâm không thể buộc Bộ Chính trị phải ngồi lại, để bàn về nhân sự một cách bất thường. Chính Tô Lâm, người đang nắm hàng triệu lính tráng rải khắp mọi nơi trên lãnh thổ Việt Nam, quyết định đánh trước. Để có được trận đánh úp đối với Võ Văn Thưởng, ắt Tô Lâm đã chuẩn bị một thời gian khá dài.
Từ khi bắt Hậu "Pháo" cho đến khi hạ Thưởng, thời gian cực ngắn. Từ ngày 26/2 – ngày bắt Hậu "Pháo", đến ngày 14/3 – ngày ông Võ Văn Thưởng nộp đơn từ chức, là 17 ngày. Không ai tin, chỉ trong 17 ngày, mà một vụ án lớn lại có kết quả ngay được. Có thông tin cho chúng tôi biết, Tô Lâm đã điều tra rất cẩn thận, hồ sơ về Hậu "Pháo" và Võ Văn Thưởng đã đóng gói hoàn chỉnh trước khi bắt Hậu. Nếu đây là sự thật, thì có thể nói, Tô Lâm là một con người dã tâm và đủ cẩn trọng. Việc chuẩn bị hồ sơ hoàn chỉnh trước khi bắt, ắt hẳn đã có những tính toán kỹ càng.
Điều quan trọng là, hiện nay, ai có thể vạch trần được những thủ đoạn của Tô Lâm ? Đến một Chủ tịch nước như Võ Văn Thưởng mà vẫn không thể làm gì được họ Tô, để bảo vệ chính mình. Còn Tổng Trọng thì xem như đã hết thời, ông đã quá già và không còn đủ sức để kiểm soát Tô Lâm.
Vụ hạ bệ Võ Văn Thưởng có thể trở thành một tiền lệ, và Tô Lâm lại tiếp tục sử dụng chiến thuật "vừa đánh vừa đàm" – chiến thuật mà cộng sản rất quen dùng trong thời kỳ chiến tranh. Để có lợi trên bàn đàm phán, thì trên chiến trường phải đánh, và đánh bất chấp. Tô Lâm cũng hành động tương tự. Dự đoán là, đòn phép đối với Võ Văn Thưởng chỉ là trận mở màn, sẽ còn nhiều trận đánh tiếp theo nếu đàm bế tắc.
Có thể, Hội nghị Trung ương 9 sẽ diễn ra vào giữa tháng này. Đây là cuộc đàm phán quan trọng của Tô Lâm và các bên, để chốt nhân sự. Ghế Chủ tịch nước đã trống, người thay thế ông Thưởng sáng giá nhất vẫn là Tô Lâm – Bộ trưởng Bộ Công an.
Nếu ông Tô Lâm muốn ngồi ghế Chủ tịch nước, thì ắt ông sẽ được toại nguyện. Nhưng câu hỏi đặt ra là, khi ông ngồi ghế Chủ tịch nước, mà ghế Bộ trưởng Bộ Công an rơi vào tay phe khác, liệu rằng ông có chấp nhận không ?
Từ ngày 21/3, ngày mà ông Thưởng chính thức bị truất phế, đến nay vẫn chưa ngã ngũ ai sẽ ngồi vào chiếc ghế nóng này, thì điều đó cho thấy, Bộ Chính trị còn đang giành co chứ chưa ngã ngũ.
Tuy nhiên, dù thế nào thì đến Hội nghị Trung ương 9 cũng phải "chốt kèo". Tất cả mọi sự chú ý đang tập trung vào phe Tô Lâm. Nếu Tô Lâm thắng, rất có thể, sau đó sẽ có những đợt thanh trừng lớn. Bởi Tô Lâm cần giảm sự ảnh hưởng của các nhóm mạnh, như nhóm Nghệ An – Hà Tĩnh, và củng cố thêm sức mạnh cho nhóm Hưng Yên. Nhưng nếu Tô Lâm thất thế, thì vẫn có khả năng xảy ra thanh trừng, tuy nhiên, nạn nhân lúc này là phe Tô Lâm. Khả năng thứ 3, không có phe nào chiếm ưu thế tuyệt đối, và cuộc chiến quyền lực tiếp tục giằng co.
Ông Nguyễn Phú Trọng đã 80 tuổi và nắm chức Tổng bí thư 3 nhiệm kỳ, tuy bề ngoài các bên đều tỏ vẻ kính trọng ông, nhưng thực chất bên trong, nhiều kẻ đã hết kiên nhẫn. Người đầu tiên và cũng là người bộc lộ sự mất kiên nhẫn mạnh nhất, chính là Tô Lâm. Khi ông Trọng không còn đủ sức để kiểm soát Bộ Công an, mà ông vẫn tham quyền cố vị, thì rất có thể, chính ông sẽ trở thành nạn nhân của những kẻ dưới tay ông.
Ý đồ của Tô Lâm hiện nay là vây hãm Tổng bí thư, biến ông thành "tù nhân", và ngăn cản bất cứ ai có ý định ngồi vào ghế này. Khi Tô Lâm thành công cô lập được các bên, thì lúc đó, ông Tổng sẽ không còn được yên ổn với thuộc hạ nữa.
Hoàng Anh
Nguồn : Thoibao.de, 05/04/2024
************************
Phan Đình Trạc xông pha trận mạc để… lót đường cho Huệ ?
Hoàng Anh, Thoibao.de, 04/04/2024
Thông tin nội bộ rò rỉ cho biết, ông Phan Đình Trạc sẽ thay ông Tô Lâm ngồi vào ghế Bộ trưởng Bộ Công an, sau khi ông Tô Lâm rời ghế Bộ trưởng, để ngồi vào ghế Chủ tịch nước. Nếu đây là sự thật thì có thể xem là thắng lợi cho phe Nghệ An, chứ không phải là thắng lợi cho cá nhân Phan Đình Trạc được.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Vì sao ?
Ông Tô Lâm nhất quyết hạ Võ Văn Thưởng để vào Tứ trụ, cũng vì ông muốn tránh né đi cái quy định về giới hạn tuổi trong Bộ Chính Trị. Ông Tô Lâm năm nay 67 tuổi, nếu ngồi lại ghế Bộ trưởng đến hết nhiệm kỳ, thì ông đã 69 tuổi, lúc đó, ông buộc phải rút khỏi chính trường, bởi giới hạn tuổi để ở lại Bộ Chính trị là không quá 65.
Ông Trạc nay cũng đã 66 tuổi, đến năm 2026, ông Trạc sẽ 68 tuổi. Như vậy, đến Đại hội 14, ông Trạc cũng đã quá tuổi để được ở lại Bộ Chính trị. Trong khi, "suất đặc biệt" chỉ dành cho những nhân vật trong Tứ trụ, không dành cho những ủy viên Bộ Chính trị khác. Như vậy, dù có nắm được Bộ Công an, thì ông Phan Đình Trạc cũng không thể ở lại Bộ Chính trị trong nhiệm kỳ tới, trừ trường hợp ông làm phản một lần nữa để lật Tô Lâm, như Tô Lâm đã làm để lật Võ Văn Thưởng.
Tình hình hiện đang rất căng thẳng, ông Tô Lâm đang đòi hỏi quá nhiều cho phe nhóm Hưng Yên của ông. Ông vừa muốn ghế Chủ tịch nước, vừa muốn ghế Bộ trưởng Bộ Công an, còn cả ghế Trưởng ban Tổ chức Trung ương, do đó, phe Nghệ An không thể "khoanh tay đứng nhìn". Và Phan Đình Trạc buộc phải nhảy ra tranh ghế Bộ trưởng Bộ Công an, như là cách để chặn đứng đà tiến của Tô Lâm.
Khi làm cho Tô Lâm yếu đi, thì điều đó cũng có nghĩa, phe Nghệ An được an toàn, trong đó, Vương Đình Huệ là người được hưởng lợi lớn nhất.
Như vậy, việc Phan Đình Trạc nhảy vào ghế Bộ trưởng Công an, chỉ với mục đích "lót đường" cho Vương Đình Huệ, chứ không phải để cho bản thân ông tìm quyền lợi chính trị ở mâm Tứ trụ. Vương Đình Huệ bằng tuổi Tô Lâm, nhưng ông Huệ thuộc Tứ trụ, nên hoàn toàn có thể được hưởng "suất đặc biệt" ở Đại hội 14, sau hơn 1 năm nữa.
Nhảy vào Bộ Công an, nhiệm vụ của Phan Đình Trạc rất nặng nề và khó khăn. Với 8 năm xây dựng vây cánh trong Bộ Công an, Tô Lâm đã tạo ra một "bộ khung" đủ tốt để hậu thuẫn cho ông, do đó, ông mới dám "tạo phản". Bởi một khi đã tạo phản là sẽ không còn đường lùi, mà Bộ Công an chính là chỗ dựa lớn nhất để ông và gia đình được an toàn. Cho nên, Tô Lâm đã có sự chuẩn bị rất kỹ.
Phe ủng hộ Tô Lâm, ngoài 2 nhân vật bề nổi là Thượng tướng, Thứ trưởng Lương Tam Quang và Thượng tướng, Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc, thì còn có 63 giám đốc công an của 63 tỉnh thành. Có thể, phe Nghệ An dùng áp lực từ Bộ Chính trị để đẩy Nguyễn Duy Ngọc ra khỏi Bộ Công an, nhưng không thể đẩy hết 63 giám đốc công an tỉnh được. Trong hơn 1 năm ngồi tạm ghế Bộ trưởng, ông Phan Đình Trạc cũng khó có thể trảm hết số tướng tá này được.
Hơn nữa, con trai ông Tô Lâm – Thượng tá Tô Long vẫn còn tại vị ở ghế Phó Cục trưởng Cục An ninh Đối ngoại A01. Ông Tô Lâm phải bố trí vây cánh để khi ông rời Bộ, con ông vẫn an toàn. Cho nên, sau khi ông Trạc nhảy vào Bộ Công an, thì ông phải rất vất vả để hạn chế sức mạnh của phe Hưng Yên. Nếu ông Trạc thành công, thì người được hưởng lợi lại là Vương Đình Huệ.
Hơn nữa, Bộ Công an là nơi có thể gầy dựng quyền lực cứng, nên phe nào cũng muốn nắm giữ. Vì vậy, ông Phan Đình Trạc nếu ngồi vào ghế Bộ trưởng, cũng sẽ không được yên với các phe khác. Họ cũng sẽ tìm cách này hay cách khác để kéo ông xuống cho bằng được.
Không biết, ông Trạc có tính nước cờ gì cho riêng ông không ? Chẳng hạn, khi nắm được ghế Bộ Trưởng, ông làm liều giật luôn ghế Chủ tịch nước, để nhảy vào Tứ trụ hay không ? Nếu ông Trạc có tham vọng quyền lực thì chỉ còn cách đó.
Hoàng Anh
Nguồn : Thoibao.de, 04/04/2024
Câu chuyện về chiếc ghế của cố chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn đang trong sự suy đoán "vừa già vừa non" của dư luận hiện tại trên cộng đồng mạng, cũng như những chuyên gia nghiên cứu về chính trị cũng đã có những nhận định của riêng mình.
Tòa nhà Văn phòng Chủ tịch nước. Ảnh : news
Vài nhận định của những chuyên gia "già" về chính trị có vẻ như có chút ưu ái nghiêng về phương án nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư kiêm luôn chức danh Chủ tịch nước, tức ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước trong tương lai.
Riêng phần đông người dân trên cộng đồng mạng, tất nhiên họ không "già" về chính trị, song họ có những nhận định rất thực tế về đất nước mà họ đang sống đã ra sao qua các đời chủ tịch nước cũng như tam trụ còn lại qua các nhiệm kỳ đã qua và sắp tới bằng một câu nói rất "non" về chính trị nhưng đối với họ lại như một chân lý đầy triết lý khổ đau khi họ nói : Ai lên thay cũng vậy thôi có thay đổi được gì đâu !
Tất nhiên, những chuyên gia "già" về chính trị họ chỉ đưa ra dự đoán ai sẽ lên thay hoặc ai sẽ nhất thể hóa cả hai chức danh chứ họ không dám đưa ra nhận định một cách thiết thực rằng ông này bà kia lên sẽ đem đến đời sống hạnh phúc và hưng thịnh cho người dân ra sao. Bởi, dự đoán của họ đơn giản là có khi đúng khi sai, và có lẽ đó là lý do họ ngại đưa ra nhận định thực tế về một xã hội hiện tại khi có một chủ tịch mới.
Còn người dân tuy "non" về chính trị, nhưng thân phận của họ là những nạn nhân thật sự trần trụi của xã hội. Nếu không là nạn nhân bất đồng chính kiến thì cũng là những tù nhân lương tâm về môi trường môi sinh. Nếu không là nạn nhân bị cướp đất từ Nam ra Bắc để trở thành khổ danh Dân oan thì cũng là nạn nhân của những trạm Bot thu tiền kiểu chơi cha thiên hạ. Còn những nạn nhân nào bị móc túi một cách êm ái mà lại được so sánh với thế giới bên ngoài như G7, G8, Gn... ?, có phải xấp xỉ 90 triệu nạn nhân của "thế giới" xăng và điện mang quốc tịch Việt Nam hay không ?
Ngoài ra còn những vụ việc nào để biến người dân trở thành nạn nhân nữa hay không ? Thật khó để có một thống kê một cách chính xác, bởi con Gà còn mang nặng 14 loại thuế phí như thời ông cựu chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nói, thì đến nay con Gà không biết đã giảm bao nhiêu lệ phí, nhưng đến lượt con Vịt, con Bò ăn cỏ ở cánh đồng hoang hay vũng lầy nào đó tự nhiên cũng bị đè ra thu phí.
Phí thuế muôn hình vạn trạng song hành với cách sử dụng luật rừng của nhà cầm quyền bấy lâu nay thì việc Ai sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước thật sự người dân đã phán như câu nói ở trên. Họ, người dân chỉ quan tâm nếu ai đó đã ngồi vào được rồi thì sẽ làm được gì cho dân.
Có hứa hươu hứa vượn hay không, có đưa ra được giải pháp và tiến độ thực thi giải pháp một cách rõ ràng trong khoảng thời gian nào hay không ?
- Khi nào thì mới trả hết đất lại cho dân oan ? Thời gian bao lâu ?
- Khi nào thì mới dẹp bỏ những trạm Bot thu tiền theo kiểu trấn lột ?
- Khi nào thì có luật không bỏ tù những người bất đồng chính kiến ?
- Khi nào mới thực sự thực thi điều 25 của HP xã hội chủ nghĩa Việt Nam ?
- Khi nào...., ?.
Và, cũng thật khó để nêu ra hết những câu hỏi khi nào... mà người dân đã đặt ra trong khuôn khổ của một bài viết. Nhưng, tựu trung còn một câu vừa hỏi cũng như vừa nhắn nhủ với nhà cầm quyền rằng : Khi nào GDP đầu người của người dân cao hơn hoặc bằng với GDP của các nước G7... thì mới đem xăng và điện ra mà so sánh với họ, lúc đó người dân nghe thuận tai hơn thì mới đúng là không phải lời nói của nhóm lợi ích nào đó.
Sở dĩ, người dân không quan tâm đến ai sẽ ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước là vì người dân không có quyền lựa cho cho mình. Chẳng đặng đừng mà người dân phải buộc quan tâm đến vế sau là vì, dân tộc này là mồ hôi là nước mắt, là máu là xương của cha ông để lại nên họ phải dõi theo đến hơi tàn sức kiệt để cố mà bảo vệ bờ cõi của cha ông để lại trong thế yếu của quyền con người không được tôn trọng một cách phổ quát.
Di sản để lại cho người dân, cho đất nước là gì ? Có hay không một nhân cách lớn vì dân vì nước ? Hay, chỉ là một nhân cách tầm thường ngay cả sau khi chết vẫn còn muốn Tham Sân Si ?
Có một câu nói của Giáo sư Ngô Bảo Châu, thiết nghĩ rất phù hợp với những quan chức nào đang muốn và đã được muốn ca tụng rằng mình đã để lại di sản có tính phổ cập quí báu để lại cho nhân dân và đất nước, thì hãy tham khảo qua câu nói này mà tránh đi những lời thị phi, những lời nguyền rủa muôn đời của người dân dành cho mình.
Chính khách, quan chức nào muốn để lại di sản về sau thì hãy tham khảo qua câu nói này : "Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh ".
Hải Nguyễn
Nguồn : VNTB, 04/10/2018