Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/10/2018

Ngồi vào ghế chủ tịch nước rồi thì làm được gì cho dân ?

Hải Nguyễn

Câu chuyện về chiếc ghế của cố chủ tịch nước Trần Đại Quang vẫn đang trong sự suy đoán "vừa già vừa non" của dư luận hiện tại trên cộng đồng mạng, cũng như những chuyên gia nghiên cứu về chính trị cũng đã có những nhận định của riêng mình.

ghe1

Tòa nhà Văn phòng Chủ tịch nước. Ảnh : news 

Vài nhận định của những chuyên gia "già" về chính trị có vẻ như có chút ưu ái nghiêng về phương án nhất thể hóa chức danh Tổng bí thư kiêm luôn chức danh Chủ tịch nước, tức ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ kiêm nhiệm luôn chức Chủ tịch nước trong tương lai.

Riêng phần đông người dân trên cộng đồng mạng, tất nhiên họ không "già" về chính trị, song họ có những nhận định rất thực tế về đất nước mà họ đang sống đã ra sao qua các đời chủ tịch nước cũng như tam trụ còn lại qua các nhiệm kỳ đã qua và sắp tới bằng một câu nói rất "non" về chính trị nhưng đối với họ lại như một chân lý đầy triết lý khổ đau khi họ nói : Ai lên thay cũng vậy thôi có thay đổi được gì đâu !

Tất nhiên, những chuyên gia "già" về chính trị họ chỉ đưa ra dự đoán ai sẽ lên thay hoặc ai sẽ nhất thể hóa cả hai chức danh chứ họ không dám đưa ra nhận định một cách thiết thực rằng ông này bà kia lên sẽ đem đến đời sống hạnh phúc và hưng thịnh cho người dân ra sao. Bởi, dự đoán của họ đơn giản là có khi đúng khi sai, và có lẽ đó là lý do họ ngại đưa ra nhận định thực tế về một xã hội hiện tại khi có một chủ tịch mới.

Còn người dân tuy "non" về chính trị, nhưng thân phận của họ là những nạn nhân thật sự trần trụi của xã hội. Nếu không là nạn nhân bất đồng chính kiến thì cũng là những tù nhân lương tâm về môi trường môi sinh. Nếu không là nạn nhân bị cướp đất từ Nam ra Bắc để trở thành khổ danh Dân oan thì cũng là nạn nhân của những trạm Bot thu tiền kiểu chơi cha thiên hạ. Còn những nạn nhân nào bị móc túi một cách êm ái mà lại được so sánh với thế giới bên ngoài như G7, G8, Gn... ?, có phải xấp xỉ 90 triệu nạn nhân của "thế giới" xăng và điện mang quốc tịch Việt Nam hay không ?

Ngoài ra còn những vụ việc nào để biến người dân trở thành nạn nhân nữa hay không ? Thật khó để có một thống kê một cách chính xác, bởi con Gà còn mang nặng 14 loại thuế phí như thời ông cựu chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đã nói, thì đến nay con Gà không biết đã giảm bao nhiêu lệ phí, nhưng đến lượt con Vịt, con Bò ăn cỏ ở cánh đồng hoang hay vũng lầy nào đó tự nhiên cũng bị đè ra thu phí.

Phí thuế muôn hình vạn trạng song hành với cách sử dụng luật rừng của nhà cầm quyền bấy lâu nay thì việc Ai sẽ ngồi vào ghế chủ tịch nước thật sự người dân đã phán như câu nói ở trên. Họ, người dân chỉ quan tâm nếu ai đó đã ngồi vào được rồi thì sẽ làm được gì cho dân.

Có hứa hươu hứa vượn hay không, có đưa ra được giải pháp và tiến độ thực thi giải pháp một cách rõ ràng trong khoảng thời gian nào hay không ? 

- Khi nào thì mới trả hết đất lại cho dân oan ? Thời gian bao lâu ?

- Khi nào thì mới dẹp bỏ những trạm Bot thu tiền theo kiểu trấn lột ?

- Khi nào thì có luật không bỏ tù những người bất đồng chính kiến ?

- Khi nào mới thực sự thực thi điều 25 của HP xã hội chủ nghĩa Việt Nam ?

- Khi nào...., ?.

Và, cũng thật khó để nêu ra hết những câu hỏi khi nào... mà người dân đã đặt ra trong khuôn khổ của một bài viết. Nhưng, tựu trung còn một câu vừa hỏi cũng như vừa nhắn nhủ với nhà cầm quyền rằng : Khi nào GDP đầu người của người dân cao hơn hoặc bằng với GDP của các nước G7... thì mới đem xăng và điện ra mà so sánh với họ, lúc đó người dân nghe thuận tai hơn thì mới đúng là không phải lời nói của nhóm lợi ích nào đó.

Sở dĩ, người dân không quan tâm đến ai sẽ ngồi vào chiếc ghế chủ tịch nước là vì người dân không có quyền lựa cho cho mình. Chẳng đặng đừng mà người dân phải buộc quan tâm đến vế sau là vì, dân tộc này là mồ hôi là nước mắt, là máu là xương của cha ông để lại nên họ phải dõi theo đến hơi tàn sức kiệt để cố mà bảo vệ bờ cõi của cha ông để lại trong thế yếu của quyền con người không được tôn trọng một cách phổ quát.

Di sản để lại cho người dân, cho đất nước là gì ? Có hay không một nhân cách lớn vì dân vì nước ? Hay, chỉ là một nhân cách tầm thường ngay cả sau khi chết vẫn còn muốn Tham Sân Si ?

Có một câu nói của Giáo sư Ngô Bảo Châu, thiết nghĩ rất phù hợp với những quan chức nào đang muốn và đã được muốn ca tụng rằng mình đã để lại di sản có tính phổ cập quí báu để lại cho nhân dân và đất nước, thì hãy tham khảo qua câu nói này mà tránh đi những lời thị phi, những lời nguyền rủa muôn đời của người dân dành cho mình.

Chính khách, quan chức nào muốn để lại di sản về sau thì hãy tham khảo qua câu nói này : "Trẻ con ăn không đủ no, áo không đủ ấm, sinh hoạt như lũ thú hoang, mà bỏ ra 1400 tỷ để xây tượng đài thì hoặc là khốn nạn, hoặc là thần kinh ".

Hải Nguyễn

Nguồn : VNTB, 04/10/2018

Quay lại trang chủ
Read 699 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)