Tối 19 tháng 9 năm 2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin cả nước có 61 thí sinh đạt trên 29,5 điểm, tức điểm tối đa cho ba môn thi đại học, nhưng vẫn không đậu vào Học viện Chính trị công an nhân dân do chỉ tiêu quá ít. Trong khi đó, một số thí sinh khác lại đậu dù điểm thấp hơn.
Học sinh trung học ở Việt Nam. Ảnh minh họa. AFP
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường công an, quân đội có cách tính điểm xét khá phức tạp, cùng với nhiều tiêu chí, điều kiện khác nên việc đậu hay rớt ở đây không có nhiều ý nghĩa.
Theo quy chế tuyển sinh đại học từ mấy chục năm qua, có nhiều đối tượng được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển vào đại học. Họ là dân tộc thiểu số, chiến sĩ thi đua trong sản xuất, thương binh, bệnh binh, quân nhân, thân nhân liệt sĩ… Điểm ưu tiên là mức điểm thí sinh được cộng thêm vào số điểm thi thực tế của mình và nó được coi là một căn cứ để các đơn vị giáo dục xét trúng tuyển.
Ông Đinh Kim Phúc, từng giảng dạy tại trường Trường Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh nhận định :
"Hiện nay vấn đề thi tuyển sinh vào đại học, từ khi có chính sách ba chung của Bộ Giáo dục (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả) thì nó bộc lộ rất nhiều khuyết điểm của nền giáo dục Việt Nam.
Điểm ưu tiên nó không còn giá trị lịch sử trong giai đoạn hiện nay nữa. Nó không nói lên được điều gì ngoài sự thiểu năng của một nền giáo dục. Còn nếu muốn ưu tiên cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa không có điều kiện học tập bằng đô thị thì nên hỗ trợ các phương tiện kỹ thuật học tập cho họ, chứ không phải ban ơn bằng cái điểm ‘từ thiện’ khi xét tuyển vào đại học".
Theo ông Đinh Kim Phúc, việc thí sinh đạt 30 điểm vẫn rớt đại học vì thua những thành phần trúng tuyển hợp pháp vào các đại học do được cộng điểm ưu tiên, đã nói lên sự thiểu năng của một nền giáo dục không đặt sự phát triển của con người và đất nước lên trên hết, mà chỉ phục vụ cho một tầng lớp quý tộc nào đó trong xã hội.
Thạc sĩ Đinh Gia Hưng, giảng viên Đại học Kiến Trúc Đà Nẵng nêu quan điểm của ông về việc này :
"Đây là vấn đề mà bên chính quyền người ta gọi là chính sách. Chính sách này đã được ban hành từ rất lâu mà chưa có sự thay đổi. Quan điểm của chính quyền là muốn tôn vinh những người đã góp phần cho nền độc lập của Việt Nam. Họ gọi là đền ơn đáp nghĩa, và một chính sách cụ thể là ưu tiên cho con em những người này bằng cách cộng điểm ưu tiên.
Dư luận vừa qua cũng có nhiều ý kiến, nhưng tôi nghĩ những ý kiến cũng chưa đủ sức để chính phủ xem lại chính sách này. Tôi nghĩ đây là vấn đề mang tính xã hội cho nên chúng ta phải nhìn qua nhiều góc độ, không chỉ qua cuộc chiến tranh, mà phải qua một thời kỳ mới.
Người ta có thể thể hiện sự đền ơn đáp nghĩa bằng nhiều hình thức như hỗ trợ về y tế, về tín dụng, cho vay… chứ không nên cộng điểm ưu tiên trong các kỳ thi về tài năng như thi đại học".
Đạt điểm tối đa vẫn không có cửa vào đại học là điều chưa bao giờ xảy ra trong quá khứ, nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không tiên lượng được sự thật có thể nói là khôi hài này. Tiến sĩ Đào Hồng Thu, Đại học Bách Khoa Hà Nội, khẳng định với báo chí trong nước rằng : "Thí sinh thi 3 môn đạt 30 điểm mà vẫn trượt đại học là chuyện không bình thường, có thể nói vô lý trong giáo dục". Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội lại cho rằng : "30 điểm trượt đại học không có gì là ngạc nhiên".
Giải pháp nào ?
Nền giáo dục Việt Nam bị cho là đang đi lạc đường với nhiều sai sót, bất cập... Nhưng để thay đổi thì không hề đơn giản, bởi một mình Bộ giáo dục và Đào tạo không đủ thẩm quyền để thực hiện.
Sau khi nhậm chức Thủ tướng Việt Nam hồi tháng 5 vừa qua, ông Phạm Minh Chính khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu ngành giáo dục phải thực hiện nhiệm vụ ‘học thật, thi thật và nhân tài thật’. Nhưng thật khó mà có nhân tài thật khi vẫn còn chính sách ưu tiên trong tuyển sinh từ Nhà nước.
Nhà giáo Đinh Kim Phúc phân tích :
"Chuyện này từ lâu Bộ giáo dục và Đào tạo đã thấy, nhưng từ ba, bốn đời bộ trưởng trước, rồi gần đây là Phùng Xuân Nhạ và Nguyễn Kim Sơn cũng khộng giải quyết được vấn đề này. Lý do là điểm ưu tiên nó không nằm ở Bộ Giáo dục mà nằm trong chính sách của Đảng và Nhà nước, cho nên một mình Bộ Giáo dục không làm gì được.
Khi đặt vấn đề xóa điểm ưu tiên sẽ bị một nhóm lợi ích nào đó, một số thành phần nào đó đưa ra quan điểm lập trường, giai cấp… thì để giữ cái ghế, giữ chức họ sẽ không dám làm một cuôc cách mạng về vấn đề này.
Ngày nào còn điểm ưu tiên thì ngày đó giáo dục chỉ đào tạo ra những con người chỉ biết trung thành là quan trọng nhất, chứ không phải có đủ kiến thức để sau khi học xong sẽ góp phần xây dựng xã hội, xây dựng đất nước".
Nhà giáo Đinh Gia Hưng bày tỏ :
"Chúng tôi cũng rất là quan tâm và mọi người cũng rất bất ngờ về những trường hợp như thế. Nhưng Việt Nam là do Đảng lãnh đạo nên những nghị quyết của Đảng được áp dụng trong tất cả mọi lãnh vực chứ không chỉ trong chính trị hay ngoại giao. Trong lĩnh vực giáo dục bây giờ vẫn còn đậm nét những hình thức như thế này.
Tôi nghĩ đây là những đặc thù của Việt Nam mà chúng ta phải lưu ý. Các thí sinh cũng phải lưu ý để có những định hướng tốt hơn, không chỉ để có một tương lai tốt đẹp mà còn biết mình giỏi về lĩnh vực nào để giúp cho quốc gia nữa. Đừng đổ xô thi vào những ngành mình được ưu tiên để có những lợi lộc mà có thể đánh mất thế mạnh cuả bản thân mình".
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, nếu không có tư duy thay đổi mạnh mẽ, dứt khoát thì không thể nào phát triển được giáo dục Việt Nam. Nội lực quan trọng để giáo dục phát triển nằm ở trí tuệ, đạo đức và ý chí của những người trong ngành, những lãnh đạo liên quan ở các cấp, đặc biệt là ở cấp cao nhất.
Diễm Thi
Nguồn : RFA, 21/09/2021
Ngày 31/5, trước tuyên bố ‘nhận trách nhiệm’ của bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở nghị trường Quốc hội, nhưng không nêu rõ ‘nhận xong thì thế nào’, thầy Trần Chút, cựu chủ tịch Hội Ngôn ngữ học (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh), đặt vấn đề, phải chăng đây là hệ lụy tất yếu của nền giáo dục Việt Nam vốn chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cộng sản ?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại trường Trung học phổ thông Nguyễn Văn Cừ - Ảnh minh họa
Nếu là nền giáo dục thích hợp cho việc đào tạo cán bộ của đảng cầm quyền, thì trách nhiệm của người đứng đầu đảng sẽ ra sao, trong trường hợp Phùng Xuân Nhạ, cũng như hàng loạt quan chức đảng viên trong vụ gian lận điểm thi được cơ quan điều tra xác nhận là ‘sai phạm cố tình’ ?
Chưa có chủ nghĩa xã hội thì làm sao có nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ?
"Trong Luật Giáo dục hiện hành ghi rằng :
‘Nền giáo dục Việt Nam là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng’.
Nội dung này có thể phù hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, cơ sở chuyên đào tạo cán bộ của đảng cộng sản Việt Nam. Còn nền giáo dục cho toàn dân thì không thể như vậy. Đó phải là nền giáo dục nhân bản, khai phóng, đào tạo người lao động Việt Nam tự do sáng tạo, tự chủ, tự lập, tự trọng". Thầy Trần Chút biện giải.
Như vậy vấn đề có tính nguyên tắc của kim chỉ nam : Thế nào là nền giáo dục xã hội chủ nghĩa, trong khi trên thực tế ở lần góp ý sửa đổi Hiến pháp phiên bản 1992, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu (trích) : "Đến hết thế kỷ này không biết đã có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là "đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội" sẽ chuẩn hơn" [1].
Liên Xô đã tan rã. Phần lãnh thổ Đông Âu của nó bây giờ thuộc về Liên minh Âu Châu. Trung Quốc được cho là có một nền kinh tế thị trường, song với những diễn biến thời sự chính trị - kinh tế hiện tại, cho thấy diện mạo chủ nghĩa xã hội ở Trung Quốc là mớ hổ lốn của nền công nghiệp ‘đánh cắp’. Còn các nhà nước "xã hội chủ nghĩa" Bắc Hàn, Cuba và Venezuela đang trong đống đổ nát về kinh tế.
Hình mẫu tốt đẹp ra sao về cái gọi là ‘nền giáo dục xã hội chủ nghĩa’, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy ở bất kỳ quốc gia xã hội chủ nghĩa nào. Các từ tố gắn theo ‘có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, lấy chủ nghĩa Mác_Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng’, càng khó hiểu hơn. Bởi nói như lời của giáo sư triết học Nguyễn Đức Bình (1927 – 2019), "Không thể vừa là chiến sĩ cộng sản lấy việc xóa bỏ chế độ bóc lột làm lý tưởng đời mình, lại vừa làm ông chủ tư bản lấy bóc lột lợi nhuận làm lẽ sống. Thật vô cùng nghịch lý khi nghĩ rằng kết nạp cả tư sản để mở rộng cơ sở xã hội, cơ sở quần chúng cho cách mạng xã hội chủ nghĩa ! Quần chúng công nông, các lực lượng vũ trang con em công nông sẽ hỏi chúng ta ngay : vậy các anh là Đảng của ai ?".
Bàn luận thuần góc nhìn học thuật, ông Hồ Bá Thâm, nguyên giảng viên của trường Tuyên huấn Trung ương, cũng bày tỏ phân vân quanh vấn đề chủ nghĩa xã hội mà Việt Nam theo đuổi, có hình hài ra sao để có thể làm kim chỉ nam cho giáo dục như nhận xét của thầy Trần Chút.
"Dù là sở hữu công cộng và nhà nước của dân nhưng đất nước còn nghèo thì chưa phải là chủ nghĩa xã hội, hay cùng lắm là chủ nghĩa xã hội cổ điển, nguyên thủy. Nhưng một nước giàu mạnh cũng chưa hẳn là chủ nghĩa xã hội, nếu dân không được hưởng và làm chủ thật sự". Ông Hồ Bá Thâm, nhận xét.
Trách nhiệm của ông Nguyễn Phú Trọng đến đâu ?
Với mối bùng nhùng nói trên, cho thấy việc bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tuyên bố suông ở nghị trường hôm 31-5, (về giải trình tại phiên thảo luận kinh tế xã hội của Quốc hội, đề cập vụ gian lận điểm thi trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình) : "Bộ và cá nhân tôi là bộ trưởng, phụ trách ngành, xin nhận trách nhiệm và thiếu sót ở một số việc" [2] ; song không nêu bất kỳ đề xuất tự kỷ luật nào, cho thấy mặc dù như lời nhận xét của thầy Trần Chút "giáo dục ở Việt Nam chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cộng sản", thì việc đào tạo đó cũng đang hư hỏng, cần mạnh dạn thay đổi.
"Nhận trách nhiệm rồi sao nữa bộ trưởng ?" là câu hỏi đang đặt ra. Bởi bộ trưởng không nhận trách nhiệm thì ai nhận ?. Nếu lứa được nâng điểm năm 2018 sau 4 - 5 năm sau sẽ trở thành bác sĩ, công an, kỹ sư... thì sao nhỉ ? Chưa chắc những năm tiếp theo hoặc những năm trước đó trong sạch.
Tội cho con em thường dân nỗ lực hết mình, vượt nghèo vượt khó để kiếm được kiến thức vững chắc mong về phục vụ nhân dân, quê hương đất nước, nhưng không có cơ hội khi mà con cháu quan chức, đại gia được trải thảm đỏ từ nhỏ đến khi ra đi làm. Tất cả những điều ấy phải chăng là hệ lụy tất yếu, điều không thể tránh khỏi và vẫn đang tiếp tục xảy ra, khi mà Việt Nam vẫn chăm bẳm vào nền giáo dục vốn chỉ nhằm đào tạo cán bộ cho đảng cầm quyền ?
Với một nền giáo dục ‘vì đảng’ đến như vậy, chỉ xét từ năm 2004 đến nay, gần như tất cả những lần bộ trưởng rời khỏi chức vụ đều là do Quốc hội phê chuẩn đề nghị từ Thủ tướng với xuất phát điểm từ yêu cầu cụ thể của Bộ Chính trị ; kể cả trường hợp gần đây của ông Trương Minh Tuấn. Chỉ có số ít trường hợp Quốc hội (hoặc cơ quan thuộc Quốc hội) chủ động xóa bỏ tư cách của một người do mình bầu. Đó là khi Quốc hội xóa bỏ tư cách nguyên bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng và ông Nguyễn Bắc Son (do Ủy ban thường vụ Quốc hội làm). Và cũng xuất phát từ chỉ đạo mang tính bắt buộc từ Bộ Chính trị.
Lần thứ hai là khi Quốc hội chủ động miễn nhiệm... các đời chủ tịch nước để dọn đường cho chủ tịch nước mới lên. Ông Trương Tấn Sang được miễn nhiệm khi Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị miễn nhiệm để ông Trần Đại Quang lên thay. Bãi nhiệm thì chưa xảy ra.
Luật sư Phạm Công Út, diễn giải thêm câu chuyện của nền giáo dục ‘vì đảng’ : "Vụ việc ở Sơn La, Lào Cai... phải do thường trực tỉnh ủy chỉ đạo, UBND tỉnh triển khai. Có lẽ cấp dưới họ vẫn chờ ý kiến chỉ đạo đấy thôi. Kiểm điểm rút kinh nghiệm. Thanh tra xử lý kỷ luật. Khởi tố vụ án. Đình chỉ chức vụ từ trưởng ban chỉ đạo kỳ thi cấp tỉnh, giám đốc sở, thư ký hội đồng thi, giám khảo, chuyên viên... Cuối cùng là ban nội chính tỉnh ủy có đề nghị xử lý với các phụ huynh hay không". Nhận thức tới đâu ý kiến tới đâu đều có thường trực cân nhắc. Cấp thi hành chờ cho ý kiến chỉ đạo.
Tất nhiên là với tư cách người đứng đầu ngành giáo dục, ông Nhạ có thể phải có công văn yêu cầu điều tra, xác định phạm vi xử lý, đề nghị đại biểu quốc hội, đoàn đại biểu quốc hội cùng vào cuộc giám sát, kêu nài phó thủ tướng, thủ tướng chỉ đạo, đề nghị ban nội chính trung ương, ban chỉ đạo chống tham nhũng, ban bí thư, tổng bí thư đưa vào chương trình trọng điểm phòng chống tham nhũng...
Tất nhiên, ông Nhạ tin tưởng tổng bí thư chưa chỉ đạo hẳn còn cân nhắc chuyện gì đó. Chứ tổng bí thư đã chỉ đạo thì cũng chưa tới phiên ông Nhạ có việc...".
Như vậy, liệu trách nhiệm của người đứng đầu đảng cộng sản sẽ được quy kết thế nào, và liệu có ai dám đứng ra kêu gọi ông Nguyễn Phú Trọng hãy tự trọng từ chức, giống như làn sóng yêu cầu bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ ở hiện nay ?
Thảo Vy
Nguồn : VNTB, 02/06/2019
(2) https://vtc.vn/video-bo-truong-phung-xuan-nha-nhan-trach-nhiem-vu-gian-lan-thi-cu-d477828.html