RFA, 10/09/2021
Thành phố Hồ Chí Minh – tâm dịch Covid-19 trong cả nước, đang thực hiện nới lỏng giãn cách, cho phép hàng quán tại một số khu vực được bán hàng trở lại dưới hình thức "mang đi". Cùng với đó, lãnh đạo thành phố cũng công bố quận 7 và Củ Chi là hai địa phương đầu tiên đã kiểm soát được dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng
RFA.
Nhiều người kinh doanh nhỏ tại Thành phố này tỏ ra "vừa mừng, vừa lo" với qui định mới :
"Tôi mới bày ra bán bữa nay thôi chứ bữa giờ không bán. Bán cơm sườn, kho tiêu, sườn ram, kho trứng… cho bán vậy thấy thoải mái hơn trước rồi. Bán thì bán cũng phải xa xa, không đứng gần nhau".
"Nói chung kinh tế cũng khó khăn lắm nhưng cố gắng chờ theo Chỉ thị 16 của nhà nước đưa ra, khi nghe thông tin thì mới bán lại hôm qua, nay, bán lai rai chút ít, bán mang đi không à".
"Thấy thoải mái hơn nhưng chưa thấy gì được như lúc trước. Mới bắt đầu cũng mừng nhưng khách còn vắng lắm, nhưng bây giờ không biết sao, để coi tình hình với còn phải xin phép giấy đi đường tùm lum".
Theo qui định mới, lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống được hoạt động trở lại, từ 6-18h hàng ngày theo hình thức bán mang đi sau hai tháng tạm dừng.
Quyết định vừa nêu được ông Lê Hòa Bình, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ký ban hành hôm 7/9 và có hiệu lực từ ngày ký.
Được ra đường sau nhiều tháng cách ly, phong tỏa, nhiều người dân cho hay họ cảm thấy được giải tỏa, tuy nhiên họ vẫn không quên bảo vệ bản thân :
"Ra ngoài mua đồ sẵn mua ở đây, thoải mái, thiệt ra mua hàng thì đỡ một chút, tuân thủ 5K".
"Thấy thoải mái rất nhiều dù đang dịch phải phòng tránh kỹ lưỡng nhưng cũng phải ăn chứ đi đường phải có cầm tay vì khám bệnh không có cách nào cứu đói được, giờ cứ mua bánh mì, cơm, gì cũng được, phải có cứu đói".
"Thoải mái, đỡ hơn, trông cho dịch bệnh đi lẹ để mình đỡ, bà con đỡ nữa. Phải đeo khẩu trang kỹ vàng, hai cái một lượt, chứ không phải một cái thì khi cho đi tôi mới đi".
Không chỉ đối với thực phẩm chế biến sẵn, lãnh đạo thành phố lớn nhất nước còn cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm được phép hoạt động từ 6g-21g hàng ngày.
Nhiều người dân bày tỏ vui mừng với quyết định vừa nêu :
"Nói chung mua thực phẩm mang về tạo điều kiện cho người dân sống như cũ hơn, cuộc sống trở lại bình thường, thoải mái hơn".
"Cần thiết cho nhà dùng, đồ ăn, thực phẩm quan trọng, bánh, sữa cho em bé, toàn đồ thiết yếu, ra đường chỉ mua nhiêu đó".
Bên cạnh đó, vẫn có người cảm thấy lo sợ khi phải ra đường trong tình hình dịch bệnh chưa có dấu diện thuyên giảm như hiện nay :
"Ngày thả lỏng thì người dân được đi mua đồ thoải mái nhưng tâm lý lo lắm vì vẫn sợ bị nhiễm lại, rất sợ, nên theo như Chỉ thị 16 thì tốt hơn, bây giờ khoan thả lỏng, để từ từ. Nếu thả lỏng liền những người nhiễm ra ngoài tập trung đông dễ lây lan, nhất là chợ truyền thống, siêu thị vô đông cũng vậy nên tâm lý phân đôi là vừa được đi nhưng lại sợ lo".
Cửa hàng văn phòng phẩm. RFA
Hơn hai tháng Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, khiến chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy, tạo ra sự khan hiếm thực phẩm giữa mùa dịch. Đó cũng là nguyên nhân khiến giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng vọt. Nhiều người dân cho biết với đà tăng giá này, nhiều hộ bị "ở yên tại nhà" sẽ không thể mua nổi lương thực trong những ngày nới lỏng giãn cách :
"Bộ Công thương mà có chính sách cho người ta chuyên chở thức ăn vô cho giá thành hạ xuống thì tốt cho người dân, người ta chấp nhận ở nhà, không muốn ra đường. Bây giờ thức ăn tăng gấp hai, gấp ba lần như vậy thì người dân qua ba tháng người ta cũng cạn tiền nên giá cao như vậy người dân chịu không nổi, buộc lòng người ta phải ra tìm chỗ rẻ để mua nhưng nguy hiểm".
Ngoài lương thực, thực phẩm, theo qui định mới, các cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, dụng cụ học tập cũng được phép hoạt động trở lại từ 6g-18g hàng ngày.
Nhiều phụ huynh đã không khỏi vui mừng vì thời gian ở nhà họ chưa chuẩn bị kịp đồ dùng học tập cho con. Các vị phụ huynh chia sẻ :
"Giãn cách mấy đứa nhỏ không chuẩn bị trước nên mở cửa như vậy mình mua được viết, kể cả môn mỹ thuật không có màu cũng không vẽ được, nên tôi nghĩ mở cái này ra cũng khá kịp thời, khá tốt. Giúp phụ huynh không phải chạy vòng vòng hoặc đặt Grab khó. Chị nghĩ mỗi một quận hoặc một phường có những tiệm tạp hóa cho người ta mở thì cũng không đến độ lây bênh tật".
"Giãn cách như chị hơi khó khăn, chị qua quận khác ở thì không được ra vô. Trước đó chị cũng lấy sách của chị (bé) học nhưng không đủ, bữa nay được ra mua thêm vài vật dụng còn thiếu cho bé.
Bây giờ phải có tập vở, không có phải viết giấy báo, xé tờ giấy lịch bự viết vô rồi ghi lại, nộp cho thầy".
Một người làm nghề thủ công cũng vui mừng không kém vì sau bao nhiêu khó khăn, anh đã có thể mua những dụng cụ cần thiết :
"Dao rọc giấy để làm đồ, nhiều khi làm mấy cái thủ công không có để làm. Bữa giờ hầu như mấy tiệm bán đồ này không còn, giờ mở lại đỡ, có cái làm. Chứ không có tìm chết luôn".
Thành phố Hồ Chí Minh trở thành tâm dịch trong đợt tái bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4 tại đất nước hình chữ S. Để hạn chế sự lây lan dịch bệnh, lãnh đạo thành phố đã liên tục áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 và cả các biện pháp nâng cao kiểm soát. Người dân được nói phải thực hiện theo tinh thần "ai ở đâu, yên đó" trong nhiều tháng qua.
Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến 2g30 sáng ngày 11/9 (giờ địa phương) Thành phố Hồ Chí Minh đã có hơn 262.000 người nhiễm Covid kể từ ngày 27/4, riêng ngày 10/9 có 7.539 ca nhiễm mới, đứng đầu trên cả nước.
Mặc dù lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh bác bỏ thông tin thành phố sẽ "mở cửa lại" sau ngày 15/9 nhưng trong ngày 10/9, lãnh đạo thành phố cũng đã đưa ra bảy chiến lược chống dịch Covid-19 sau ngày 15/9, gồm bao phủ vắc-xin cho người dân sinh sống trên địa bàn Thành phố ; giãn cách xã hội gắn liền với "thẻ xanh" Covid-19 ; hiện thực hóa thông điệp "Sống khỏe trong môi trường có dịch" ; chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng ; nâng cao hiệu quả điều trị, giảm tử vong do Covid-19 ; giám sát dịch tễ để sẵn sàng ứng phó khi dịch bùng phát và phục hồi hệ thống y tế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe người dân.
*********************
Mở cửa trường học lại hay tiếp tục dạy trực tuyến ?
RFA, 10/09/2021
Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) vào ngày 9 tháng 9 năm 2021 vừa trình Ủy ban Nhân dân (UBND) thành phố phương án mở cửa trường học lại, tại địa phương nếu được được cho là an toàn trước dịch Covid-19.
Học sinh đang học online tại nhà (ảnh minh họa). Reuters
Theo đề xuất của Sở Giáo dục và đào tạo, việc mở cửa học trực tiếp sẽ ưu tiên các lớp nhỏ từ mầm non đến lớp một, lớp hai và cuối cấp là lớp chín và 12, sau đó sẽ mở rộng tiếp các lớp năm, lớp sáu, lớp 10 và các lớp còn lại.
Anh Chí, một phụ huynh có ba con đang trong lứa tuổi đi học ở quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh, khi trả lời RFA hôm 10/9, nói :
"Đến trường thì rất nhiều phụ huynh sẽ không cho, ví dụ như tôi có ba con nhưng phải nghĩ như chỉ có một con, mình phải thương con mình chắc chắn là không cho nó đi rồi Tại vì những đứa lớn đi về sẽ lây cho những đứa nhỏ, hay những người trong gia đình mà chưa chích ngừa. Việt Nam thì có biến thể, rất ghê gớm Mới thông tin mấy ngày nay thì người ta, kể cả giáo viên họ nói là lây qua tiền, tôi thì cũng không tin lắm, nhưng tình hình quá căng thẳng nên hầu như nhà ai cũng phải xịt (cồn), đó là tình hình khoảng một tuần nay. Tất nhiên kế hoạch đến trường là không được rồi, không có ai dám cho đến trường, nhất là con một, thà để học ngu còn hơn chết, cho ở lại một lớp bảo lưu danh sách".
Còn Chị T., một phụ huynh ở Sài Gòn thì cho biết mình đang rất lo ngại nếu con em phải đến trường :
"Tâm lý của các phụ huynh cũng như của tôi đang rất lo ngại. Tôi cũng đang suy nghĩ nếu phải vô trường thì nên cho con đi hay để con ở nhà Không biết dịch bệnh này sẽ phát triển đến đâu nữa Nếu có thể thì trường nên cho trẻ em ở nhà sẽ an toàn hơn trong dịch bệnh này".
Để đảm bảo an toàn, Sở Giáo dục và đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo kế hoạch, các lớp sẽ được chia nhỏ, chỉ học một buổi, ưu tiên khối ngoài công lập vì các cơ sở này không tham gia phòng, chống dịch. Ngoài ra, các cở sở ngoại ngữ, tin học, tư vấn du học, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục ngoài nhà trường sẽ được mở cửa khi địa bàn lân cận an toàn.
Một giáo viên tiểu học không muốn nêu tên ở Sài Gòn, khi trả lời RFA hôm 10/9, nói :
"Chị cũng thấy báo nói Thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị học trực tiếp, thật sự rất là lo. Thứ nhất, nếu giáo viên chích đủ hai mũi thì mới được đi vô dạy, mà phải sau 14 ngày. Nhưng đâu phải phía giáo viên không, còn phía học sinh nữa, học sinh từ nhiều nơi đến, nhưng không biết ở nhà thì ba mẹ các em có chích ngừa chưa ? Rồi khu vực sinh sống của các em như thế nào ? Rồi trong quá trình di chuyển sẽ có vấn đề gì xảy ra ? Rất nhiều phát sinh mà mình không thể nào lường trước được. Do đó khi đọc báo nghe như vậy thì tụi chị thật sự rất là hoang mang, thay vì đợi chậm hơn một chút nữa, vẫn học trực tuyến, sau một thời gian ổn định thì đến trường cũng được. Các bé vẫn học trực tuyến như bao nhiêu lần trước giữ dịch, cũng hai ba lần rồi, mình cứ như vậy tiếp tục".
Việt Nam đã trải qua bốn đợt dịch Covid-19, trong đó đợt dịch thứ tư bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay là nặng nhất với tổng số ca nhiễm mới là hơn 559.346 trường hợp. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, số ca tử vong do Covid-19 ở Việt Nam là 14.125 trường hợp, theo số liệu Bộ Y tế.
Với những số liệu vừa nêu, liệu có nên mở cửa trường học tại tâm dịch như Thành phố Hồ Chí Minh ? Trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 10/9, Bác sĩ Đinh Đức Long, nhận định :
"Theo tôi nghĩ, các học sinh chưa có vắc-xin, hiện nay chưa có vắc-xin, mà chưa có vắc-xin mà mở cửa là chưa an toàn Hiện nay con của tôi vẫn đang học online, cho học online đến hết học kỳ một Dịch bệnh ở đây thì nó vẫn thế, số ca bị nhiễm thôi thấy vẫn thế, chưa thay đổi gì có ý nghĩa cả, số người chết vẫn thế Số liệu chính thống của Bộ Y tế vẫn cao bây giờ F0 đầy cộng đồng, chỉ có sống chung với nó chứ không cách nào khác, mà muốn vậy phải có vắc-xin tiêm đại trà cho dân và thực hiện 5K, chả cách nào khác cả".
Một bé học sinh đang học online (ảnh minh họa). Reuters.
Với xu thế học trực tuyến ngày càng phổ biến, nếu phụ huynh chọn cho con em mình nghỉ ở nhà một năm để an toàn, thì có thể chọn nhiều giải pháp khác Đơn cử như iSMART Online School, trường này cho biết sẽ giảng dạy trên nền tảng công nghệ số cho một triệu học sinh tiểu học và trung học cơ sở.
Được biết, nội dung chương trình được xây dựng bám sát chương trình của Bộ Giáo dục - Đào tạo để bồi dưỡng, củng cố kiến thức cho học sinh, theo chuẩn kiểm định của Viện Nghiên cứu Giáo dục trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, việc học online thời gian qua tại Thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh thành cũng có nhiều vấn đề bất cập được phụ huynh phản ánh. Nhiều phụ huynh tại Thành phố Hồ Chí Minh có con vào lớp 1 niên học 2021/2022 khi trao đổi với phóng viên RFA TV bày tỏ sự không đồng tình khi cho học sinh lớp một học online. Theo các phụ huynh này, kỹ năng tiếp thu qua máy tính của các bé lớp một chưa có, thậm chí đây là tuổi lo chơi hơn học nên việc học online không hiệu quả.
Cô giáo tiểu học không muốn nêu tên ở Sài Gòn, cho biết ý kiến của mình về học online trong thời điểm hiện nay :
"Đương nhiên dạy học trực tuyến thì rất là hạn chế, thứ nhất mình không chuyển tải được tất cả kiến thức đến với học sinh, mình chỉ lấy những cái nào trọng tâm thôi. Ví dụ như Chị dạy thì khó biết bé nào tiếp thu được, bé nào không tiếp thu được Giống như là cho các em xem qua cho biết, cho hiểu Nhưng để mà giáo viên khắc sâu kiến thức, để phát hiện em nào tiếp thu được hay không, thì rất khó cho giáo viên. Biết như vậy như vậy, nhưng giáo viên cũng tạm chấp nhận, và sau này vô học giáo viên sẽ có kế hoạch để bồi dưỡng, phụ đạo cho các em kiến thức đã hổng trong thời gian qua Như vậy nó vẫn an toàn hơn cho sức khỏe của thầy và trò".
Trước nhiều ý kiến khác nhau về học online, UBND Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, kể từ ngày 13/9, sẽ thực hiện việc dạy học trên truyền hình đối với lớp 1, 2, qua kênh HTV Key, theo Bộ hướng dẫn giáo khoa Chân trời sáng tạo, nhằm giúp học sinh có thêm kênh học tập.
Nguồn : RFA, 10/09/2021
Một câu hỏi đặt ra : Có bao nhiêu doanh nghiệp và cá mập bất động sản Việt Nam đang là sân sau của Trung Quốc ? Và, khi tất cả các mũi nhọn kinh tế Việt Nam bị đóng băng do giãn cách, giới nghiêm thì việc gì sẽ xảy ra ? Liệu có bàn tay cố vấn hay chỉ đạo nào từ Trung ương cộng sản Trung Quốc trong việc thiết lập mô hình giãn cách tại thành phố Sài Gòn (rất giống với mô hình Vũ Hán năm 2020, cũng đầy chết chóc và rên xiết) rồi sau đó mang y mô hình này ra siết chặt thủ đô Hà Nội ?
Người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh không chỉ là hành vi phạm tội mà còn là "tội ác" / BBC - Ảnh minh họa
Bởi, nếu không giải quyết ba câu hỏi này, chắc chắn Việt Nam sẽ rơi vào tay Trung Quốc một sớm một chiều. Việt Nam khác hẳn với Đài Loan, mặc dù Đài Loan là quốc gia bị Trung Quốc công khai ghép vào lãnh thổ, đưa vào cơ chế quản lý hành chính nhưng Đài Loan không bị thao túng kinh tế, đặc biệt, trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh địa ốc, gần như sạch bóng Trung Quốc. Điều này hoàn toàn khác với Việt Nam, một quốc gia độc lập nhưng lại bị phụ thuộc nặng nề vào kinh tế Trung Quốc và đặc biệt, lĩnh vực địa ốc bị dính câu Trung Quốc quá nặng.
Trong khi đó, những ngày Sài Gòn bị bó gối, kinh tế đang có xu hướng kiệt quệ, Hà Nội cũng bắt đầu mỏi sau gần hai năm đối phó với dịch, 61 tỉnh thành còn lại, chỉ có Cao Bằng tuyên bố chưa có ca nào vì Cao bằng giữ giãn cách ngay từ đầu và kinh tế Cao Bằng thì hình như không có ảnh hưởng gì mấy đến nền kinh tế quốc gia. Các thành phố trọng điểm, nói như cựu Thủ tướng Phúc là "các đầu tàu kinh tế" đang có nguy cơ suy sụp.
Từ đầu năm đến nay, theo tổng hợp từ các báo nhà nước, đã có đến hơn 85.000 doanh nghiệp lớn, nhỏ đã chính thức đóng cửa và chạm nguy cơ tuyên bố phá sản nay mai do ảnh hưởng dịch bệnh và giãn cách xã hội. Và, khi các doanh nghiệp tự thân, các "tư bản dân tộc" này đóng cửa thì liền sau đó, có những doanh nghiệp mà doanh nhân chủ chốt của nó được cho là sân sau của Trung Quốc bắt đầu nổi lên với hai hoạt động chính là làm từ thiện và ra sức công phá các nhóm nghệ sĩ đã làm từ thiện. Song song với việc này là ngoài khơi Việt Nam, Trung Quốc tuyên bố kiểm soát giao thông hàng hải trên Biển Đông. Có thể nói rằng hiện tại, quốc gia đang lâm nguy với hai mũi ngoại công và nội kích.
Thử đặt câu hỏi : Ai đang đứng sau những kế hoạch giãn cách, cách ly xã hội mà trên thực tế là siết chặt giới nghiêm và đẩy thành phố Sài Gòn đến chỗ như đang thấy hiện tại ? Và, tại sao không phải là các thành phố khác mà Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương là những nơi bị vỡ trận nặng nề do Covid-19 bùng phát (sau khi người ta tổ chức đón lễ 30 tháng 4 và 1 tháng 5, rồi sau đó là một kì bầu cử hết sức vô nghĩa, phi lý ngay giữa lúc dịch đang hoành hành mà lẽ ra, kì bầu cử này phải được bầu bằng điện tử hoặc có thể dời lại một, hai năm nữa sau khi mọi thứ đã ổn định) ? Và, hai cái lễ kia có phải là bước đệm cho kì bầu cử đầy tai ương mà sau đó chưa đầy một tháng, ngày 31 tháng 5, thành phố Sài Gòn phải đóng cửa, siết chặt giới nghiệp cho đến hôm nay ?
Liệu có bàn tay nào từ Trung ương cộng sản Trung Quốc đứng sau cuộc bầu cử kia hay không ? Và liệu có bàn tay nào từ Cục Tình báo Hoa Nam đứng sau những đòn đánh thẳng vào giới showbiz Việt, một giới được xem là có khả năng chi phối giới trẻ Việt Nam mạnh nhất, có thể động viên, kêu gọi hoặc chi phối giới trẻ Việt Nam ở các thế hệ 19x, 20x ? Liệu khi các ngôi sao này bị khán giả quay lưng, khi nền kinh tế bị đổ vỡ, khi đời sống nhân dân bị kiệt quệ, và các nhà doanh nghiệp sân sau Trung Quốc nổi lên như một cứu tinh quốc gia thì chuyện gì sẽ xảy ra ? Và trong Ban Cố vấn chống dịch, liệu có một bàn tay nào đó đang thao túng và chỉ đạo toàn bộ các hoạt động bấy lâu nay ?
Và điều đáng sợ nhất, hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam (và cả một số ngân hàng) đều phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc, từ việc giao thương hàng hóa cho đến tín chấp bất động sản vay vốn. Giả sử các doanh nghiệp này tuyên bố phá sản thì các tín chấp có dính đến yếu tố Trung Quốc sẽ được giải quyết ra sao ? Trả nợ bằng cách nào khi nền kinh tế sụp đổ ? Chỉ riêng đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Việt Nam đã nợ Trung Quốc bao nhiêu tỉ USD ? Và còn bao nhiêu công trình xã hội, công trình nhà nước, công trình phúc lợi xã hội của Việt Nam đang nợ vốn Trung Quốc ? Khi nền kinh tế Việt Nam không còn khả năng trả nợ thì Việt Nam giải quyết các khoản nợ này như thế nào với Trung Quốc ? Liệu, luận điệu "phải cứu nền kinh tế Việt Nam" bằng cách tăng cường các mối quan hệ với quốc gia đàn anh, tăng cường giao lưu kinh tế, xuất khẩu nông sản để tồn tại có phải là cái cớ để người Trung Quốc có cơ hội làm mưa làm gió trong tư thế chủ nợ tại Việt Nam ?
Và nếu tình trạng này xảy ra, thì người Việt khoan vội vui mừng khi Hoa Kỳ thuê đất 99 năm để xây Đại sứ Quán tại Hà Nội. Bởi lúc đó, không chừng quĩ đất này cũng sẽ bị chuyển nhượng để trả nợ cho Trung Quốc, thu các khoản chi phí của người Mỹ là người Trung Quốc. Bởi ngay lúc này, nếu Việt Nam bị động, yếu ớt, rệu rã về kinh tế và hỗn loạn chính trị, thì ngay tức khắc, đây sẽ là miếng mồi ngon cho cả Mỹ và Trung Quốc, bởi chúng ta đã rơi vào luật chơi của đại dương trong tư thế của cá cơm, cá ngừ trước sự gờm nhau giữa cá mập và cá voi.
Với tình trạng hiện tại, khi mà quân đội phải chi phối quá nặng cho việc "an dân" ở các thành phố lớn, đời sống kinh tế ngày càng lụn bại, mũi nhọn chủ chốt lúc này là nông nghiệp đang bị khóa chặt do đại dịch, các hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa thiết yếu chỉ nhỏ giọt, hoạt động xuất khẩu bị đình trệ… thì nguy cơ nền kinh tế Việt Nam kiệt quệ đang đến rất gần.
Đáng tiếc là trước đây Việt Nam từng được xếp trong nhóm đầu bảng xếp hạng phòng chống dịch của thế giới, lúc đó, New Zealand, Việt Nam và Đài Loan (Trung Quốc) nằm trong top 3 các nước và vùng lãnh thổ xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả nhất trên thế giới theo xếp hạng của Viện Nghiên cứu Lowy của Australia thì đến nay, con số do Nikkei ASIA tuyên bố, Việt Nam rơi vào vị trí 121 trong bảng xếp hạng các quốc gia phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới. Một bước nhảy lùi cả thế kỉ, thật đáng sợ !
Nhưng, dường như các hành xử chủ quan, duy ý chí không những không giảm bớt mà còn tăng cường, nặng nề hơn. Từ việc phân vùng xanh, vùng đỏ, chặn dân và hành xử hổ báo ở một số nơi, thậm chí bất chấp mọi thứ quyền của con người, xông thẳng vào nhà, đập vỡ cửa bắt chủ nhà đi cách ly khi nghi người đó là F1 (trường hợp xảy ra ở Nghệ An). Và đáng sợ hơn cả là chính sách tuyên truyền đầy sắt máu, thù hận, biến những người nhiễm bệnh trở thành thần chết, bóng ma ôn dịch và có thể bị chính người thân, cộng đồng của mình xua đuổi, hất hủi (ngay trong Chỉ thị 16 qui định "người cách ly người", một kiểu pháp điển hóa bóng ma ôn dịch ở người thân, người trong gia đình, làm cho người xa lánh người).
Chưa đủ, thêm chuyện giấy tờ đi đường, đủ các loại giấy tờ, đủ các kiểu tiêu cực trong giấy tờ và hầu hết các loại giấy tờ ban hành đều có chung một xu hướng là khóa ở mức cao nhất các hoạt động kinh tế trong nước. Như vậy, nhà nước, chính phủ đã đi đến hai kết quả thấy rõ : Người dân quay mặt với cộng đồng bởi bóng ma ôn dịch và thỏa hiệp với các hoạt động bắt bớ, khủng bố tinh thần, biến nạn nhân bị nhiễm dịch thành kẻ nguy hiểm của xã hội. Khóa chặt các hoạt động kinh tế và đưa quân đội vào cuộc để một mặt phòng chống các thế lực dân chủ nổi dậy, phòng chống tình trạng nhân dân nổi dậy cướp kho thóc vì đói, bức bách. Và quản lý, điều hành các vùng theo kiểu chuồng trại.
Tôi tin rằng nhà nước, chính phủ không cố tình đẩy nhân dân, đất nước đến tình trạng hiện tại, và cũng chẳng có nhà nước, chính phủ nào đủ dại dột để đạp đổ nền kinh tế, phá nát lòng dân. Bởi làm vậy, chết trước tiên sẽ là nhà nước, chính phủ. Nhưng, sự lo lắng về một thứ âm mưu nào đó đã lồng ghép trong chiến dịch phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam để đẩy dần đất nước đến chỗ bệ rạc, phụ thuộc và cuối cùng là nô lệ cho Trung Quốc không phải là không có cơ sở !
Chỉ có một cách duy nhất để cứu căn nhà đang cháy của chúng ta : Rút bỏ ngay tức khắc các ống nước chữa lửa vốn chứa hóa chất gây cháy và thay ngay các vòi nước được lấy từ sông ngòi, ao hồ, thậm chí cả những thau nước cộng hưởng để chữa cháy, để cứu căn nhà đang dần lớn lửa và có nguy cơ thiêu rụi nếu gặp gió. Nếu không kịp thời làm vậy, mối nguy nô lệ Trung Quốc đang rình rập chúng ta !
Viết từ Sài Gòn
Nguồn : RFA, 06/09/2021 (VietTuSaiGon's blog)