‘Vụ Phạm Phú Quốc’ : Cần phần biệt ‘chúng tôi’ và ‘chúng ta’
Trân Văn, VOA, 04/09/2020
Tuần này, scandal ông Phạm Phú Quốc bị phát giác đã chi tối thiểu 2,5 triệu Mỹ kim để thủ đắc quốc tịch Cyprus, tiếp tục trở thành một trong những chủ đề nóng nhất cả trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam lẫn mạng xã hội.
Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc (Ảnh chụp màn hình SGGP)
Cuộc họp báo do Đoàn Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào chiều 1 tháng 9 giống như chữa cháy bằng… xăng !
Tuy thông tin ông Quốc (Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC – doanh nghiệp nhà nước được đặt dưới quyền kiểm soát của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Đại biểu Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam),… tự nguyện từ chức Tổng Giám đốc IPC và thôi đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân tại Quốc hội không làm thiên hạ ngạc nhiên nhưng người ta vẫn sửng sốt và phẫn nộ khi ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền khuyến cáo cả báo giới lẫn dân chúng ngưng bàn luận về khoản tiền mà ông Quốc đã "đầu tư" vào Cyprus để có "hộ chiếu vàng" : Chúng ta nên tôn trọng điều ông Quốc tự thú – do gia đình bảo lãnh, không nên suy diễn, bước quá đà tìm hiểu số tiền ấy từ đâu ra(1)…
Qua mạng xã hội, rất nhiều người đã nhắn cả với ông Phan Nguyễn Như Khuê, lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam rằng, họ không chấp nhận đứng cùng một bên với những người như ông Quốc. Họ không thuộc nhóm… "chúng ta" !
Trong số vừa kể, có người như Mai Bá Kiếm nhắc những người như ông Phan Nguyễn Như Khuê rằngkhông nên ngộ nhận về việc có toàn quyền áp đặt suy nghĩ cho toàn dân. Theo facebooker này, vì là "đồng đảng" và là "đồng liêu", ông Khuê có thể thoái mái sử dụng hai chữ CHÚNG TÔI khi giải thích về cách xử lý ông Quốc để biểu thị sự tôn trọng "nhóm lợi ích" của mình song ông không có quyền gộp cử tri vào phe của ông để dùng hai chữ CHÚNG TA(2)…
Giống như Mai Bá Kiếm, người nhấn mạnh,việc điều tra – xác định khoản 2,5 triệu Mỹ kim mà ông Quốc đã "đầu tư" vào Cyprus từ đâu ra là đáp ứng QUYỀN ĐƯỢC BIẾT của cử tri, không thể dùng CHÚNG TA để đẩy vấn đề lên… cung trăng cho… thằng Cuội… một số facebooker như Lâm Minh Chánh cũng bảo rằng, họkhông thể hiểu tại sao ông Khuê lại đòi mọi người phảitôn trọng điều ông Quốc tự thú ? Lâm Minh Chánh tâm sự :Có thể ông Khuê làm theo quy định, không thấy lỗi thì không truy, chưa lộ nghĩa là còn trong sạch nên mới bảo rằng không nên tìm hiểu tiền ở đâu ra nhưng nhân dân như chúng tôi thì… ức lắm (3) !
Dù từng có một số cơ hội rời bỏ quê hương nhưng Lâm Minh Chánh giãi bày, chưa bao giờ nghĩ tới tha hương song ông ở lại mà không hài lòng vì nhiều lẽ :Thể chế hiện tại, chưa có quốc gia nào thành công với "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cả, tại sao chúng ta lại cố đi con đường mà chúng ta không biết rõ thế nào, chừng nào tới (?). Vì tham nhũng quá mức và vì giả dối bao trùm cả nước. Một bộ phận không nhỏ viên chức, trí thức, doanh nhân… vừa tham nhũng vừa rao giảng lý tưởng, đạo đức cho đến khi bị lộ… Ai cũng biết sự giàu có ấy đến từ đâu nhưng vẫn chấp nhận như chấp nhận bằng cấp dỏm, vinh danh những doanh nhân giàu có nhờ lũng đoạn hệ thống…
Không ít người như ông Lâm Minh Chánh, tuy vẫn kiên định với quyết định sống và chết trên quê hương của mình nhưng sự kiên định ấy chứa đầy cay đắng khi họ nhận ra : Với những quy định hiện hành, dù dối trá nhưng có lẽ ông Quốc sẽ thoát nạn !
Đó cũng là lý do nhiều facebooker như Võ Xuân Sơn nhận định :Vấn đề không chỉ nằm ở ông Phạm Phú Quốc. Vấn đề còn nằm ở những người đưa ông ta vào vị trí nắm giữ quyền sinh sát một tổng công ty nhà nước. Vấn đề còn nằm ở chỗ những người đã đưa ông ta vào danh sách để bầu đại biểu Quốc hội… Và điều quan trọng là ngay vào thời điểm này, các đồng chí của ông ta để cho một kẻ lừa dối cả hệ thống chính trị, lừa dối dân chúng, dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm. Việc xử lí ông Quốc đang bộc lộ những tồn tại nghiêm trọng của hệ thống chính trị Việt Nam(4)…
Dựa trên yêu cầu của ông Phan Nguyễn Như Khuê (không mở rộng vấn đề về nguồn gốc số tiền ông Quốc "đầu tư" vào Cyprus), Chanh Tam vừa đề nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo với đảng viên và cử tri (5) :
- Thuế thu nhập cá nhân của ông Phạm Phú Quốc và người thân đã bảo lãnh ông ấy nhập tịch Cyprus. Nếu phải đầu tư 2,5 triệu USD để nhận quốc tịch Cyprus thì khoản đầu tư ấy đã phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế nào ?
Trong trường hợp khoản thu nhập ấy xuất hiện thình lình do quá trình đi học nhiều năm ở nước ngoài thì có thể xác minh nguồn thu nhập cũng như tình trạng đã hoàn thành nghĩa vụ thuế ở nước sở tại hay chưa được không (?) và nên tiến hành thế nào ?
- Trong hồ sơ cán bộ phải cập nhập hàng năm, ông Quốc có báo cáo về thay đổi quốc tịch của mình và vợ con, cũng như những khoản thu nhập có thể giúp gia đình ông nhận quốc tịch Cyprus. Nếu không có thông tin, ông ấy có vi phạm qui định nào của đảng ?
- Theo Luật Tiếp cận thông tin, cử tri có quyền yêu cầu các cơ quan hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công bố các thông tin về Phạm Phú Quốc – một cán bộ do Thành ủy quản lý ?
- Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thể trả lời thắc mắc chung của nhiều người, hành vi của đảng viên Phạm Phú Quốc có bị coi là phản bội lý tưởng, phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân không ?
Căn cứ vào những diễn biến liên quan đến scandal Phạm Phú Quốc nói riêng và nhiều scandal khác nói chung, những thắc mắc như vừa dẫn dẫu hợp lý, hợp tình nhưng chắc chắn rất khó nhận được các câu trả lời.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê vừa thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lặp lại sự phân tuyến cả trong nhận thức lẫn ứng xử giữa đảng với dân : Dù muốn hay không thì đã cũng như đang và sẽ còn có hai bên, TA và HỌ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/09/2020
Chú thích :
(1) https://plo.vn/thoi-su/xem-xet-bai-mien-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-ong-pham-phu-quoc-935840.html
(2) https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1464033317121867
(3)https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3270108553076613
(4) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/1805865639570554
(5) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2901695903269991
BBC, 05/09/2020
Cyprus cho biết họ sẽ tước "hộ chiếu vàng" của 7 người đã mua theo chương trình đầu tư lấy quốc tịch của nước này, theo Al Jazeera.
Đại biểu quốc hội Việt Nam Phạm Phú Quốc là một trong số những người bị rò rỉ thông tin mua hộ chiếu vàng Cyprus
Động thái này diễn ra hai tuần sau khi Al Jazeera công bố điều tra mang tên The Cyprus Papers, một kho tài liệu bị rò rỉ cho thấy nước này đã bán hộ chiếu cho những tên tội phạm bị kết án, những kẻ trốn tránh pháp luật và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao.
Tổng thống Nicos Anastasiades nói với hãng tin AFP hôm thứ Sáu 4/9/2020 rằng một ủy ban đặc biệt trước đó đã bắt đầu điều tra 30 người đã mua hộ chiếu để xem có "vi phạm tiêu chí nào của chúng tôi" hay không.
"Có vẻ như bảy trong số 30 người này sẽ bị tước quyền công dân Cyprus," ông Anastasiades nói mà không tiết lộ danh tính của họ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là động thái mới của các cơ quan chức năng Cyprus hay là sự lặp lại những gì đã được công bố.
Vào cuối năm 2019, chính phủ Síp cho biết 30 người đang bị điều tra và phải đối mặt với việc bị tước quyền công dân.
Tên của 9 nhà đầu tư và 16 người thân đã được tiết lộ trong các báo cáo – 5 người còn lại không được nêu tên – nhưng không có cái tên nào nằm trong số những cái tên được đăng trên The Cyprus Papers.
Vào tháng 5/2019, Bộ Nội vụ Cyprus nói với Al Jazeera rằng họ đã "bắt đầu các thủ tục tước quyền" đối với 11 nhà đầu tư và người thân của họ. Có nghĩa là thông báo của chính phủ Cyprus hôm 4/9/2020 về việc chỉ có bảy cá nhân bị tước hộ chiếu cho thấy họ đang hành động ít hơn so với cam kết ban đầu.
Cũng không rõ liệu có ai trong số những người có tên trong The Cyprus Papers nằm trong số ít bị mất "hộ chiếu vàng" hay họ là những người có liên quan đến các báo cáo trước đó.
Trong số những người đã mua hộ chiếu Cyprus, và nhờ đó có quyền mở tải khoản ngân hàng, xin việc và du lịch miễn thị thực ở Liên minh Châu Âu, có Maleksabet Ebrahimi, công dân Iran, người có lệnh truy nã đặc biệt của Interpol, và Ali Beglov, công dân Nga đã thụ án tù vì tội tống tiền.
Ngoài ra có hai người Việt đã mua được hộ chiếu Cyprus mà Al Jazeera công bố tên, là ông Phạm Nhật Vũ và Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, Tổng thống Anastasiades đã bảo vệ chương trình bán hộ chiếu mang lại nguồn thu nhập chính cho đất nước Địa Trung Hải này.
Mặc dù các cam kết đã được đưa ra vào cuối năm 2019 để thu hồi hộ chiếu của những người có liên quan đến hoạt động tội phạm, nhưng chỉ vào tháng 7 năm nay, quốc hội Cyprus mới thông qua luật cho phép tước quyền công dân từ thời điểm đó.
Bất chấp những thay đổi này, EU vẫn thường xuyên chỉ trích Cyprus và các nước khác đưa ra các ưu đãi đầu tư tương tự.
Sau cuộc điều tra của Al Jazeera, Ủy viên Tư pháp Châu Âu Didier Reynders cho biết ông đang xem xét khả năng khởi kiện Cyprus về chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch của nước này.
Các viên chức Việt Nam hai quốc tịch, có còn ai nữa không ? (RFA, 20/06/2018)
Thêm một viên chức cao cấp của nhà nước Việt Nam bị cáo buộc có hai quốc tịch trong khi luật pháp của Việt Nam chỉ công nhận có một quốc tịch. Đó là ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu quốc hội Việt Nam, tỉnh Thái Bình, được cho là có quốc tịch Ba Lan cũng như làm ăn sinh sống tại quốc gia Đông Âu này.
Phiên họp của Quốc hội Việt Nam, 6/2018, đưa ra hai dự luật Đặc khu và An ninh mạng, làm bùng phát những cuộc biểu tình hàng ngàn người trong cả nước. AFP
Hai Đại biểu quốc hội
Thông tin về việc ông Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch được tờ báo tiếng Việt ở Ba Lan, Đàn Chim Việt đưa ra vào ngày 17/6/2018, sau khi nhiều người Việt ở đây biểu tình trước ngôi nhà của ông Thân ở thủ đô Warsaw, với lý do là ông Thân là người ủng hộ mạnh mẽ dự luật đặc khu cho nước ngoài thuê đất 99 năm.
Báo Đàn Chim Việt trích dẫn một nguồn tin cho rằng ông Thân có quốc tịch Ba Lan vào cuối năm 2014 trước khi ông trở thành Đại biểu quốc hội Việt Nam hiện hành. Báo Đàn Chim Việt cũng nói rằng ông Nguyễn Văn Thân, một trong vài ngàn người Việt đi du học hoặc hợp tác lao động ở Ba Lan thời kỳ chế độ cộng sản còn cai trị đất nước này, và khi chế độ này sụp đổ, ông Thân đã nắm được cơ hội buôn bán giữa Việt nam và Đông Âu, rồi trở nên giàu có, sau đó trở về Việt Nam làm ăn từ rất sớm.
Theo những thông tin chính thức từ phía nhà nước Việt Nam thì ông Nguyễn Văn Thân năm nay 63 tuổi, cư trú tại Hà Nội, có bằng Tiến sĩ khoa học tự nhiên, và được "Trung ương" đề cử ra ứng cử đại biểu quốc hội tỉnh Thái Bình. Trong những thông tin chính thức này không có chi tiết nào cho biết ông là một người đang sinh sinh sống và làm ăn ở nước ngoài cả.
Điều đặc biệt trong hệ thống của Việt Nam là có những ứng cử viên gọi là được "Trung ương" giới thiệu, như trường hợp ông Nguyễn Văn Thân. Điều này được giải thích là để thực hiện tính dân chủ tập trung. Thậm chí có những người không hề có quê quán, cũng như cư trú tại địa phương mà họ đại diện, như trường hợp ông Đinh Thế Huynh, một viên chức cao cấp của Đảng cộng sản, là đại diện cho thành phố Đà Nẵng mặt dù không có gì liên quan đến thành phố này cả.
Trong nhiều lần hỏi ý kiến các cử tri tại Việt Nam về việc bầu cử, đa số họ không quan tâm ứng cử viên là ai, lý lịch ra sao, có thành tích gì, và chuyện đi bầu cử hộ cũng không phải là hiếm.
Một người Việt đang sống tại Ba Lan là bà Tôn Vân Anh xác nhận với chúng tôi những thông tin mà báo Đàn Chim Việt đã loan tải, bà nói thêm với chúng tôi về ông Nguyễn Văn Thân, quan hệ của ông với người Việt tại Ba Lan :
"Theo một số thông tin riêng, và theo bình luận của một số người có quen ông ta thì ông ấy là một người mà nói nặng thì là trơ trẽn, còn nói nhẹ thì là quá là tự tin, về cái địa vị của ông ấy, là một người kinh doanh thành đạt và là một chính trị gia".
Không thấy Quốc hội, Chính phủ Việt Nam cũng như cá nhân ông Nguyễn Văn Thân lên tiếng bình luận về những thông tin về ông. Chúng tôi cũng đã nhiều lần gọi điện thoại đến ông Thân nhưng không có người bắt máy.
Nếu thông tin về quốc tịch Ba Lan của ông Nguyễn Văn Thân là đúng thì đây là trường hợp thứ hai một thành viên Quốc hội Việt Nam có hai quốc tịch mà không khai báo. Trường hợp thứ nhất là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, một doanh nhân, và đại biểu quốc hội Hà Nội bị bãi chức vào năm 2017, vì có quốc tịch Malta, một đảo quốc nhỏ ở Châu Âu.
Khi bà Nguyệt Hường bị bãi chức, ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho báo chí trong nước biết rằng Việt Nam chỉ công nhận có một quốc tịch, việc công nhận hai quốc tịch chỉ áp dụng với một số ngoại lệ, trong đó chủ yếu là áp dụng với người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam. Các trường hợp này phải đăng ký với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch Việt Nam.
Còn có ai khác không ?
Như vậy có các câu hỏi được đặt ra là liệu những trường hợp đặc biệt có nhiều quốc tịch theo luật Việt Nam có được phép trở thành đại biểu quốc hội hay không ? Và trường hợp cụ thể của ông Nguyễn Văn Thân là như thế nào ?
Chúng tôi có liên lạc với ông Nguyễn Hạnh Phúc, Chủ nhiệm văn phòng Quốc hội Việt Nam, Tòa Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan để tìm câu trả lời nhưng không liên lạc được.
Chúng tôi có liên lạc được với ông Thân Đức Nam, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Việt Nam, nhưng điều đáng ngạc nhiên là ông nói rằng ông không biết gì vì ông đã về hưu (?).
Trở lại câu chuyện ông Nguyễn Văn Thân và tư cách doanh nhân quốc tịch Ba Lan của ông, thì theo nhà quan sát Phạm Chí Dũng hiện sống ở Sài Gòn, thì những người Việt sống ở nước ngoài có gốc gác tương tự ông Thân, tức là học hành là làm ăn ở Đông Âu thời cộng sản, về Việt Nam làm ăn nhiều hơn người Việt ở các quốc gia khác, và điều đặc biệt là còn tham gia chính trị nữa.
"Từ trong nước ra đi thì có nhiều người trong số đó đã làm trong nhà nước, rồi sau đó rời nhà nước ra đi nước ngoài lao động hoặc làm ăn. Và đặc biệt đa phần những người đó gốc miền Bắc chứ không phải miền Trung hay miền Nam, họ rành hệ thống hành chính cũng như sự đi đêm trong hệ thống chính quyền. Khi họ về Việt Nam thì họ móc ráp với các quan chức Việt Nam để làm ăn".
Hiện nay tại Berlin đang diễn ra một phiên tòa xử vụ án công an Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức vào năm 2017. Tại phiên tòa này, các nhân chứng đã khai ra một nhân vật được cho là giúp đỡ công an Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc là ông Đào Quốc Oai, một người giàu có sống tại Cộng hòa Séc, và có quan hệ rất thân tình với các giới chức Việt Nam. Ông Oai cũng được cho là có những cơ sở làm ăn rất lớn tại thành phố Hải Phòng.
Bà Tôn Vân Anh nhận xét về sự xuất hiện những nhân vật người Việt sống tại Đông Âu trong chính trường Việt Nam :
"Từ quan hệ làm ăn kinh doanh với Đảng cộng sản, họ còn góp mặt cho một màn diễn về sự cởi mở của Đảng cộng sản. Đảng cộng sản muốn có những Việt kiều có chân trong Quốc hội, để mà thể hiện ra rằng Đảng cộng sản Việt Nam cũng cởi mở với các kiều bào, nhưng hóa ra đó chính là các kiều bào mà họ đào tạo ra".
Câu chuyện các viên chức Việt Nam có hai quốc tịch đã được đồn đãi từ lâu nay, tuy nhiên trừ trường hợp bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường, thì chưa có một trường hợp nào khác được chính thức xác nhận. Theo ông Phạm Chí Dũng, lý do quan trọng nhất thúc đẩy các viên chức Việt Nam tìm cách có hai quốc tịch là sự an toàn cho bản thân :
"Họ sợ môi trường Việt Nam là bất an, mà quả thật môi trường kinh tế xã hội chính trị Việt Nam bây giờ hết sức là bất an, ngày càng bất an. Đặc biệt tâm lý của các quan chức sợ bị trả thù rất là phổ biến. Họ sợ Việt Nam biến loạn, thay đổi chế độ, mà thay đổi chế độ thì họ sẽ bị người dân trả thù".
Theo ông Dũng, các viên chức Việt Nam có một nhân sinh quan, cách hành xử rất giống các viên chức của Đảng cộng sản Trung Quốc, trong việc tìm kiếm một quốc tịch thứ hai, trong việc tìm nơi sinh sống có an sinh xã hội, môi trường trong lành, để có thể bảo đảm số của cải mà họ có được, và tương lai cho con cháu họ.
Kính Hòa
********************
Một ‘Đại biểu quốc hội’ được ‘đặc quyền’ song tịch ? (Người Việt, 20/06/2018)
Hôm 20 tháng Sáu, cộng đồng mạng tiếp tục đặt câu hỏi vì sao một "Đại biểu quốc hội" như ông Nguyễn Văn Thân lại được "đặc quyền" song tịch (Việt Nam và Ba Lan) trong lúc những trường hợp tương tự như ông Thân khi bị phát giác đều bị tước quyền ở nghị trường.
Ông Nguyễn Văn Thân. (Hình : Website Quốc hội Việt Nam)
Trước đó, ông Nguyễn Văn Thân được truyền thông Việt Nam dẫn phát ngôn tại Quốc hội : "Cần có các đặc khu để nó như là một trung tâm thu hút với những thử nghiệm mang tính đột phá và vượt trội. Thử nghiệm mà trong mấy năm có gì đó chưa ổn thì sẽ rút kinh nghiệm và sửa. Do đó, tôi tán thành việc thông qua Luật đặc khu tại kỳ họp này".
Tuy nhiên, trước áp lực của công luận, Bộ Chính Trị đã phải gấp rút chỉ đạo Quốc hội hoãn việc thông qua dự luật này đến kỳ họp sẽ diễn ra vào tháng Mười, 2018.
Ông Thân cũng đưa ra nhận định : "Thời hạn thuê đất đặc khu 99 năm hay 70 năm, 50 năm hay 30 năm cũng chỉ là yếu tố kích thích đầu tư, còn cơ chế, chính sách rồi trong quá trình thực hiện làm sao để nhà đầu tư người ta thấy, người ta yên tâm, tạo điều kiện cho người ta mới là điều quan trọng".
Báo điện tử VTC News trích lời ông Thân : "Người dân cũng thấy cần phải kêu gọi đầu tư nước ngoài nhưng ngại Trung Quốc lại có một cái gì không ổn".
Các phát ngôn của ông Thân công khai ủng hộ Luật đặc khu gây nhiều phản ứng giận dữ trên mạng xã hội. Tại Warsaw, Ba Lan, cộng đồng người Việt lập tức tổ chức các cuộc biểu tình "với quy mô hàng chục người" ngay trước căn nhà của ông.
Nhà báo Mạc Việt Hồng, chủ biên tờ Đàn Chim Việt ở Ba Lan tiết lộ trên trang Facebook cá nhân : "Quốc tịch Ba Lan mấy năm nay xin cực dễ. Không biết tí tiếng gì cũng xin được, về Việt Nam đến cả chục năm nhưng có định cư tại Ba Lan nhiều người quay sang xin cũng được quốc tịch. Trong các cuộc biểu tình gần đây, những người biểu tình đòi điều tra việc Đại biểu quốc hội Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân song tịch".
Biểu tình của cộng đồng người Việt trước nhà ông Nguyễn Văn Thân tại Warsaw. (Hình : Facebook Mạc Việt Hồng)
Tuy vậy, ông Nguyễn Văn Thân cũng như Ủy ban Thường Vụ Quốc hội hoàn toàn im lặng trước cáo buộc ông này "song tịch".
Theo một bài trên báo Doanh Nghiệp hồi năm 2016, ông Thân là chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và trong giai đoạn giữa 1980 đến giữa thập niên 1990, từng là "nghiên cứu sinh và thực tập sinh tại Đại học Tổng hợp Warsaw".
Trang Đàn Chim Việt cho biết : "Với những người Việt sinh sống tại Ba Lan trong thập niên 1990, ông Nguyễn Văn Thân được gọi vắn tắt là ‘soái Thân’. Soái Thân có tiếng trong giới làm ăn không chỉ ở Ba Lan mà cả Đông Âu thời đó. Ngôi nhà mà đoàn biểu tình đứng trước là nhà do ông Thân cùng vợ đứng tên mua từ năm 2008, 2009. Khu vực này rất đông người Việt Nam sinh sống. Ngay đối diện nhà ông là tòa nhà của tùy viên quân sự Việt Nam tại Ba Lan".
Hồi tháng Bảy, 2016, Hội đồng Bầu cử quốc gia chính thức xác nhận việc tước tư cách "Đại biểu quốc hội" khóa 14 đối với bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường ở Hà Nội vì bà này bị phát giác có hai quốc tịch Việt Nam và Cộng hòa Malta.
Điều bi hài là việc phát hiện này được công bố "là từ cơ quan chức năng" trong khi việc thẩm tra lý lịch ứng viên Đại biểu quốc hội tại Việt Nam luôn được ghi nhận là "hết sức chặt chẽ và đúng quy trình". (T.K.)
********************
Biểu tình phản đối Đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân (BBC, 18/06/2018)
Một doanh nhân trong những ngày gần đây đang trở thành tâm điểm chú ý của cộng đồng người Việt tại Warsaw.
Biểu tình trước nhà mà người biểu tình cho là của đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân ở Warsaw, Ba Lan
Ông Nguyễn Văn Thân, doanh nhân đồng thời là đại biểu Quốc hội Việt Nam, là một trong những dân biểu công khai ủng hộ Dự luật Đặc khu, với những phát biểu khiến một số người tại Ba Lan biểu tình phản đối.
Trên tờ Tuổi Trẻ, hôm 03/06/2018 ông Thân nói "không ủng hộ luật đặc khu là một sai lầm" và cần phải làm đặc khu, "càng sớm càng tốt".
Một số người Việt tại Ba Lan đã ngay lập tức phản ứng lại phát ngôn này và đã tổ chức hai cuộc biểu tình trước ngôi nhà được cho là nhà riêng của ông tại quận Ochota ở thủ đô Warsaw.
Khoảng 60 người đã có mặt trước căn nhà chiều 16/06, hô vang các khẩu hiệu đòi quyền tự do, quyền con người, phản đối Dự luật Đặc khu và Luật An ninh mạng.
Cũng trong hơn một tuần qua, nhóm vận động tại Ba Lan đã xin được trên 1.200 chữ ký phản đối hai đạo luật này trong các khu trung tâm thương mại của người Việt, theo nhà báo tự do Mạc Việt Hồng cho BBC biết.
Một tốp cảnh sát Ba Lan có mặt túc trực từ đầu đến cuối để giữ trật tự và bảo vệ đoàn biểu tình cũng như gia tư của ông Thân.
Theo ban tổ chức cuộc biểu tình, họ có sự đồng ý của thành phố Warsaw và thông tin từ cộng đồng người Việt tại Ba Lan nói đây là ngôi nhà do ông Thân cùng vợ đứng tên mua từ năm 2009.
Thông tin chính thức trên truyền thông Việt Nam ghi rằng ông Nguyễn Văn Thân sinh năm 1955, tiến sĩ khoa học, là đại biểu quốc hội khóa 2016-2021, đại diện cho huyện Đông Hưng, Thái Bình, quê ông.
Ông Nguyễn Văn Thân còn là ủy viên Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Mối liên hệ gắn bó của ông với Ba Lan từng được ông nhắc tới trong một cuộc trả lời phỏng vấn với trang tin Doanh nghiệp Hội nhập.
Hồi 4/2016 ông nói với trang tin này rằng ông "lập nghiệp ở Ba Lan và một số nước Đông Âu".
Gắn bó với Ba Lan và Đông Âu
Sang Ba Lan làm nghiên cứu sinh trong thập niên 1980, ông đã tham gia hoạt động ở một hội doanh nghiệp tập hợp các doanh nhân ra đi từ Việt Nam sang Ba Lan qua các ngả du học, nhập cư, định cư.
Sau đó, ông về Việt Nam trong thập niên 2000 nhưng vẫn duy trì các liên hệ chặt chẽ với Cộng hòa Ba Lan.
Bà Mạc Việt Hồng cho hay theo nguồn tin của bà, ông Nguyễn Văn Thân "có thể đã nộp đơn xin quốc tịch Ba Lan" vài năm trước khi chính thức trở thành đại biểu quốc hội ở Việt Nam vào năm 2016.
Số PESEL (mã số cá nhân cho người đóng thuế tại Ba Lan) trên hồ sơ xin quốc tịch trùng với ngày tháng năm sinh của đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân trong tiểu sử công khai của ông, theo nhà báo Mạc Việt Hồng.
Việc ông Nguyễn Văn Thân từ nhiều năm trước đã nộp đơn xin quốc tịch Ba Lan khiến cộng đồng người Việt tại Warsaw đặt câu hỏi.
Một khẩu hiệu trong cuộc biểu tình hôm 16/06 là nhóm vận động người gốc Việt đã yêu cầu điều tra làm rõ việc có phải đại biểu quốc hội Nguyễn Văn Thân có hai quốc tịch Việt Nam và Ba Lan hay không.
Hôm 17/06, ông Phạm Quốc Khánh, quyền Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Bình cho BBC biết ông "không rõ về vấn đề quốc tịch của ông Thân".
Ông Nguyễn Văn Thân "quốc tịch gốc vẫn là người Việt Nam", ông Phạm Quốc Khánh nói, bởi "trước khi vào quốc hội, hồ sơ lý lịch các ứng viên đã được điều tra làm rõ".
Tuy nhiên, "ông Thân là đại biểu do Trung ương gửi về và hồ sơ của ông Thân do Ban công tác Đại biểu Quốc hội nắm, nên Đoàn Đại biểu Quốc hội Thái Bình không biết", ông Khánh nói.
Hồi tháng 7/2016, ở Quốc hội Việt Nam có vụ việc Đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường "có hai quốc tịch", một của Việt Nam, một của Malta.
Theo phát biểu của Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử quốc gia khi đó là ông Nguyễn Hạnh Phúc thì ngày 15/7 cùng năm, Hội đồng Bầu cử mới có thông tin "vi phạm Luật quốc tịch của bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từ phía cơ quan chức năng".
"Ngay sau đó, bà Hường có đơn xin thôi làm đại biểu quốc hội," trang Zing.vn trích lời ông Hạnh Phúc.