Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua

Trong suốt năm 2020, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tích cực thực hiện các hoạt động và tập trận ở Biển Đông. Sự gia tăng cường độ hoạt động này phần nào nằm trong dự đoán trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường và mở rộng năng lực quân sự và PLA nắm trong tay các hệ thống có thể hoạt động thành thạo ở phạm vi xa hơn. Ngoài ra, trong năm 2016, Trung Quốc đã có được khả năng triển khai các hệ thống ở tiền phương bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo với diện tích 3.200 mẫu cũng như các cơ sở hạ tầng quân sự đi kèm (bao gồm 3.000 mét đường băng, bến tàu hải quân, nhà chứa máy bay, hầm chứa đạn dược có gia cố, silo tên lửa và radar).

quansu1

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận trên Biển Đông vào tháng 12/2016 - Reuters

Trong 8 tháng qua, quân đội Trung Quốc rõ ràng đã tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Một số hoạt động và tập trận lớn đã thu hút được sự chú ý của quốc tế. Trong số này, quan trọng nhất phải kể đến :

- Giữa tháng 3, hai máy bay quân sự của Trung Quốc đã diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông.

- Ngày 6-11/4 : Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được sự yểm trợ của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc, đã làm gián đoạn dự án thăm dò dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

- Ngày 6/5 : Hải quân PLA (PLAN) tiến hành diễn tập hộ tống ở Biển Đông khi đang trên đường tham gia tập trận chống cướp biển ở vịnh Aden. Nhóm tàu hải quân bao gồm tàu khu trục Type 52D Thái Nguyên và khinh hạm Type 54A Kinh Châu, đều thuộc phân đội 3 của Chiến khu miền Đông của PLA. Cuộc tập trận này bao gồm các nhiệm vụ cứu hộ và chống cướp biển.

quansu2

Hình chụp vệ tinh Đá Chữ Thập nơi Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự. AMTI

- Ngày 14/5 : Trung Quốc triển khai máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống tàu ngầm đến đá Chữ Thập.

- Giữa tháng 6, phân đội tàu khu trục của hải quân thuộc Chiến khu miền Nam tiến hành tập trận nhằm cải thiện khả năng phòng không, chống tên lửa và chống tàu ngầm của PLA. Theo tờ Nhật báo Quân giải phóng, tham gia tập trận có tàu khu trục Type 52D Hohhot và khinh hạm Type 54A Hành Dương, đều thuộc phân đội 2 Chiến khu Miền Nam.

- Ngày 27/6 : Tàu chiến Type 071 (còn được gọi là "lớp Ngọc Châu") của PLAN đã cập cảng tại đảo Phú Lâm. Type 071 là một tàu đốc đổ bộ có khả năng chở nhiều trực thăng, các tiểu đoàn quân và hàng hóa, chẳng hạn như xe lội nước. Việc neo đậu tàu chiến này được cho là nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận từ ngày 1-5/7.

- Ngày 1-5/7 : Trung Quốc tiến hành tập trận kéo dài 5 ngày ở quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian đó, Cục An toàn hàng hải của Trung Quốc đã cấm các tàu đi qua toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong các cuộc tập trận này, đảo Phú Lâm được sử dụng làm căn cứ và theo các chuyên gia, Trung Quốc đã cho diễn tập chiếm đảo hoặc bảo vệ an ninh đảo. Trước cuộc tập trận, một tàu đổ bộ trực thăng Type 071 và ba tàu nhỏ hơn đã được phát hiện ở bến cảng của đảo Phú Lâm.

- Ngày 11-13/7 : Các tàu khu trục cỡ nhỏ Mai Châu (số hiệu 584), Lục Bàn Thủy (số hiệu 514) và Khúc Tĩnh (số hiệu 508) đa cùng với một đội tàu khu trục cỡ nhỏ thuộc Chiến khu miền Nam tham gia diễn tập thực tế trên biển, bao gồm hoạt động bắn đạn thật nhằm vào các mục tiêu trên biển.

- Ngày 17/7 : Trung Quốc đã đưa ít nhất 8 máy bay chiến đấu (được cho là các mẫu J-11B và JH-7) đến đảo Phú Lâm, căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 30/7 : Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, PLA đã tiến hành tập trận với các máy bay mới (Tây An H-6J và Tây An H-6G). Nội dung huấn luyện bao gồm cất cánh và hạ cánh ban đêm, hoạt động đường dài và tấn công các mục tiêu trên biển.

- Ngày 4/8 : Các máy bay chiến đấu Su-30 đã hoàn thành sứ mệnh tuần tra vũ trang kéo dài 10 giờ tới các đảo và đá xa xôi nhất trên Biển Đông (đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa), phá kỷ lục trước đó của PLA về thời lượng bay trong một lần xuất kích bằng phi cơ chiến đấu.

- Ngày 6/8 : Lực lượng tên lửa PLA được cho là đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 trong khuôn khổ một cuộc tập trận.

- Ngày 12/8 : H-6J, mẫu máy bay ném bom mới được tiết lộ của PLAN, lần đầu tiên được triển khai đến đảo Phú Lâm.

- Ngày 16/8 : Theo CCTV, PLAN tiến hành thử nghiệm thành công một ngư lôi phóng từ tàu hộ tống Giang Đảo.

- Ngày 24-29/8 : Trung Quốc tiến hành 3 cuộc tập trận riêng biệt, trong đó có 2 cuộc diễn ra gần Hoàng Hải và 1 cuộc diễn ra ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 26/8 : Trung Quốc phóng một số tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa DF-26B và DF-21D, được mệnh danh là các "sát thủ tàu sân bay", vào Biển Đông như một phần của cuộc tập trận quân sự tích hợp và tấn công mô phỏng vào tàu chiến Mỹ. Các tên lửa này đã rơi xuống giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 28/9 : Trung Quốc đồng thời tổ chức 5 cuộc tập trận hải quân, trong đó có 2 cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra gần quần đảo Hoàng Sa.

Các tàu chiến của PLAN, tàu cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) và tàu khảo sát mang cờ Trung Quốc cũng thường xuyên tới các đảo nhân tạo, đến mức những động thái này phần nào đã trở thành hoạt động thường kỳ và thường không được báo cáo trừ khi các phương tiện này tiếp xúc với các phương tiện của một quốc gia khác. Hơn nữa, ngoài một quãng nghỉ trong tháng 5 và khoảng 3 tuần trong tháng 7-8, thì kể từ đầu tháng 4, các tàu CCG đã liên tục được triển khai đến bãi cạn Scarborough, nơi cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền.

Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã sử dụng vũ lực để ngăn chặn các bên tranh chấp khác đánh bắt cá hoặc đi lại trong vùng biển tranh chấp, chẳng hạn như vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam vào ngày 3/4 và vụ đâm tàu Việt Nam vào ngày 8/7 gần quần đảo Hoàng Sa.

PLAN nói chung cũng đã có một số tiến bộ, mà có tác động tới cán cân quyền lực ở Biển Đông, chẳng hạn như sự ra đời của các tàu tuần dương lớp Nhậm Hải mới là tàu chiến mặt nước lớn nhất trên thế giới, tàu tuần dương lớp Nhậm Hải đã được đưa vào hoạt động tháng 1/2020. Các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông đã tiến hành huấn luyện thường xuyên và các chuyến đi thử nghiệm trên biển trong mùa Hè và gần đây nhất là vào tháng 9. Mặc dù đã đi vào hoạt động trong tháng 12/2019, nhưng tàu Sơn Đông vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu ; tàu Liêu Ninh mất 6 năm để đạt được năng lực vận hành ban đầu sau khi chính thức đi vào hoạt động năm 2012.

Trung Quốc đang tự tin hơn ở Biển Đông ?

Thế giới nhìn chung cho rằng quân đội Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch toàn cầu để giành lợi thế trong các tranh chấp lãnh thổ. Quân đội Trung Quốc đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết : Cho dù đó là tình trạng đối đầu giằng co và bạo lực gia tăng dọc theo biên giới Trung-Ấn, gia tăng xâm nhập vào không phận Đài Loan hay tăng cường hiện diện quân sự gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, tình hình ở Biển Đông có đôi chút khác biệt : Tại đây, Mỹ vẫn nắm giữ lợi thế quân sự quyết định do khả năng triển khai sức mạnh và duy trì các hoạt động từ khoảng cách xa. Việc xem xét các hoạt động quân sự, những đợt triển khai và các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông mang lại một số hiểu biết về chiến lược quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh nước này hiện ở thế bất lợi.

quansu3

Hình chụp hôm 7/10/2019 : Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ tham gia tập trận ở Biển Đông hôm 6/10/2019. AFP

Thứ nhất, PLA tỏ ra thận trọng trong các "tương tác" trực tiếp với quân đội Mỹ. Trung Quốc đã không mạo hiểm thực hiện chiến lược "bên bờ vực chiến tranh" với các phương tiện của Mỹ, và các cuộc đụng độ trực tiếp thường diễn ra an toàn và chuyên nghiệp. Thay vào đó, PLA đang sử dụng sức mạnh quân sự của mình một cách gián tiếp để gửi đi tín hiệu về khả năng gây thiệt hại lớn cho Mỹ nếu chiến tranh nổ ra.

Thứ hai, sự thay đổi vai trò của PLA ở Biển Đông mang tính định tính hơn là định lượng. Các hoạt động, các đợt triển khai và phản ứng bằng lời nói của PLA không chệch hướng đáng kể so với dự kiến, khi xét tới việc nước này từng bước tăng cường các năng lực của họ. Tuy nhiên, PLA đã trở thành phương tiện chính mà qua đó Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục Mỹ tiết chế cách tiếp cận của nước này đối với Biển Đông.

Thứ ba, nhu cầu tăng cường khả năng răn đe Mỹ đã trở thành một ưu tiên, ngay cả khi Trung Quốc phải bộc lộ khả năng hoặc làm trầm trọng thêm căng thẳng với các bên tranh chấp khác. Trước đây, Trung Quốc sẽ lựa chọn thời điểm và xác định bản chất của các cuộc triển khai và các cuộc tập trận để làm giảm bớt ý nghĩa của các hoạt động đó và quảng bá câu chuyện rằng Trung Quốc đang ở thế thủ ; thường thì các tuyên bố công khai thậm chí còn không đi kèm với các sự kiện. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc giờ đây đang muốn chứng minh cho Mỹ thấy khả năng tấn công của mình.

Điều này phản ánh sự bất an sâu sắc ngày càng lớn ở Bắc Kinh rằng Mỹ có thể tìm cách khơi mào một cuộc chiến chống Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, Trung Quốc có động cơ để phóng đại các hoạt động và khả năng của mình ở Biển Đông - một điểm khác biệt rõ ràng so với các giao thức trước đây là hạ thấp và che giấu bất kỳ hoạt động nào để tránh nâng cao nhận thức về mối đe dọa.

Thông tin về nhiều hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông do Bắc Kinh trực tiếp cung cấp và rất khó có thể xác minh mức độ thành công của các cuộc tập trận nhất định, hoặc thậm chí là cả tính xác thực của một số hoạt động, chẳng hạn như liệu chuyến bay kéo dài 10 tiếng có thực sự xảy ra hay không. Tuy nhiên, nhịp độ quân sự gia tăng và việc công khai rộng rãi các hoạt động quân sự cho thấy Trung Quốc muốn thế giới, và nhất là Mỹ, biết rằng quân đội của họ có thể gây tổn thất lớn cho bất kỳ quốc gia nào đe dọa vị thế của họ ở Biển Đông.

Cuối cùng, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự nhiều khả năng là dấu hiệu của sự bất an chứ không phải là sự tự tin. Trong lịch sử, Trung Quốc hành động nóng vội nhất khi nước này cảm thấy dễ bị tổn thương và lo sợ rằng các nước khác sẽ lợi dụng những điểm yếu được nhận thấy ở họ. Nếu PLA đang lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự để mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông, hoặc một trong những hòn đảo bị chiếm đóng khác, thì chúng ta sẽ không hay biết gì về điều đó cho đến khi quá muộn. Việc PLA tập trung phát đi tín hiệu công khai cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không có động thái quân sự trong khu vực này. Tuy nhiên, sự nhạy cảm, và trong một số trường hợp là chứng hoang tưởng, của Trung Quốc về chiến lược của Mỹ cho thấy nước này nhiều khả năng sẽ có những lời lẽ cứng rắn và tiến hành các hoạt động quân sự phô trương trong vài tháng tới.

Hàm ý đối với Việt Nam

Mặc dù trong các phát biểu chính thức, các lãnh đạo Việt Nam thường tuyên bố : "Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực". Tuy nhiên phía Việt Nam cũng đồng thời bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông có sự xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đây là một thực tế đang đe doạ tới môi trường an ninh của Việt Nam và khu vực trong thời gian qua. Với các dự báo về khả năng sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự leo thang tại khu vực Biển Đông của PLA và CCG, điều này khiến Việt Nam cần có sự tích cực chuẩn bị các phương án để có thể đối phó trước các đe doạ này từ Trung Quốc.

Trương Tuấn Đạt

Nguồn : RFA, 14/12/2020

Published in Diễn đàn

Đối với nhiều quốc gia, quân đội là công cụ đắc lực trong việc đảm bảo an ninh quốc gia và đối phó với các cuộc khủng hoảng trên diện rộng. Tuy nhiên, đại dịch toàn cầu Covid-19 đã cản trở các hoạt động quân sự cũng như những dự án phát triển năng lực quân sự tiên tiến.

quansu1

Các binh sĩ Tây Ban Nha chuẩn bị khử trùng một nhà ga xe lửa ở San Sebastian ngày 24/3/2020 để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh coronavirus. (Báo Nagore Iraola / Europa qua Getty Images)

Trong lúc đại dịch Covid-19 đang lan rộng, các nước trên thế giới không chỉ đối phó với vấn đề sức khỏe cộng đồng và suy thoái kinh tế mà còn phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến lực lượng quân sự của mình. Cho dù quân đội không bị nhiễm virus SARS-CoV-2 thì các biện pháp cách ly hiện đang được áp dụng vẫn gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đối với các hoạt động quân sự. Có thể thấy quân đội ở các nước như Mỹ bị điều động ra chiến tuyến chống dịch Covid-19 ngày càng nhiều. Hậu quả đương nhiên là lực lượng này sẽ bộc lộ nhiều hạn chế về kỹ năng chiến đấu khi phải đối mặt với các lực lượng thù địch ở nước ngoài. Thậm chí những hạn chế này có thể ảnh hưởng tới sự phát triển năng lực quân sự trong dài hạn.

Hạn chế tác chiến

Yêu cầu cách ly quân nhân và có thể là cả gia đình họ tại các căn cứ quân sự nhằm kiểm soát virus sẽ ảnh hưởng nhiều tới khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội. Điều này có thể thấy rõ trước tiên ở Hàn Quốc, nơi tình trạng lây nhiễm đã xảy ra ở một căn cứ của quân đội Mỹ. Cho dù dịch bệnh không lây lan trong lực lượng quân sự của một nước, thì chính các biện pháp giãn cách xã hội hay cách ly phòng ngừa cũng đã ảnh hưởng đáng kể tới các hoạt động quân sự mà thường được tiến hành với sự tham gia của đông đảo quân nhân và thông qua hình thức giao tiếp trực tiếp. Tình trạng quân đội bị ảnh hưởng như vậy đã xảy ra ở Iraq, nơi mà Mỹ mới đây phải giảm bớt quân số đóng tại các căn cứ nhằm hạn chế sự lây nhiễm của dịch Covid-19 trong quân đội và cũng là nơi mà quân đội Anh và Hà Lan phải tạm ngừng các hoạt động huấn luyện với lực lượng quân sự Iraq vì những lý do tương tự. Quân đội Mỹ gần đây cũng phải hạn chế tham gia tập trận với châu Âu, vốn là hoạt động quân sự lớn nhất của Mỹ ở châu Âu trong vòng 25 năm trở lại đây.

Bên cạnh việc thực thi quy định cách ly, việc tham gia chống dịch cũng có nguy cơ khiến dịch Covid-19 bùng phát ngay trong lực lượng quân sự với những hệ quả hết sức phức tạp. Nếu dịch bùng phát trong quân đội thì không chỉ khả năng chủ động tác chiến bị tê liệt, mà ngay cả khả năng tiếp tục hỗ trợ chống dịch của các đơn vị nhiễm bệnh cũng sẽ bị hạn chế. Sự bùng phát dịch trên quy mô lớn cũng có thể dẫn tới yêu cầu phải có sự can thiệp y tế mà một số địa phương không thể đáp ứng – điều này đặc biệt khó khăn đối với những đơn vị được điều đến hỗ trợ ở những vùng xa xôi, hẻo lánh. Khi chính các quân nhân bị nhiễm bệnh và cần có người chăm sóc, điều trị, thì việc đảm bảo an ninh cho các đơn vị này sẽ trở nên bất khả thi hoặc chỉ khả thi ở mức độ hạn chế. Mặc dù các quân nhân ít có nguy cơ bị ốm và nhiễm bệnh bởi họ còn trẻ và được rèn luyện thể chất ở mức độ cao, nhưng khả năng có những ca nhiễm virus SARS-CoV-2 nghiêm trọng trong quân đội là điều hoàn toàn có thể xảy ra và cần phải được kiểm soát hết sức chặt chẽ.

Đối với một số hoạt động quân sự đặc thù như trong lực lượng hải quân, nỗ lực cách ly có thể dễ dàng hơn. Ví dụ, Italy có thể nhanh chóng cách ly 2 tàu hải quân của họ ngay sau khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bắt đầu lan rộng. Chính Hải quân Mỹ mới đây cũng áp dụng biện pháp hạn chế cập cảng, đồng thời tự cách ly 14 ngày trước trước khi cập cảng. Với biện pháp tránh cập cảng nhiều lần và tự cách ly trên biển, nguy cơ hải quân nhiễm bệnh từ môi trường bên ngoài đã giảm đáng kể nhưng không hoàn toàn biến mất.

Tuy nhiên, nếu có ca nhiễm ngay trên tàu hải quân thì dịch bệnh có thể lây lan rất nhanh như đã thấy trong trường hợp các tàu du lịch bị nhiễm virus trong thời gian vừa qua. Các trang thiết bị y tế trên tàu có thể không đủ để điều trị số bệnh nhân cần phải được can thiệp y tế khẩn cấp. Việc thiếu trang thiết bị y tế cũng là một thách thức trong vấn đề phối hợp xin trợ giúp từ bên ngoài hoặc sơ tán bệnh nhân. Việc đổi quân trên tàu cũng không đơn giản và chỉ có thể thực hiện sau khi đã tiến hành khử trùng diệt khuẩn, mà điều này lại khó khả thi trên biển, đặc biệt là đối với các tàu ngầm hạt nhân (những tàu này dù hoạt động tương đối biệt lập nhưng không thể được coi là hoàn toàn miễn nhiễm với các dịch bệnh bùng phát). Các tàu một khi đã nhiễm dịch thì không thể vận hành bình thường. Do đó, khả năng tác chiến của hải quân trong một số trường hợp sẽ bị hạn chế đáng kể.

Tình trạng mất khả năng tác chiến như vậy cũng có thể xảy ra ở các đơn vị quân sự đặc chủng. Ngoài các đơn vị quân y, các đơn vị phi công chiến đấu, đặc nhiệm, kỹ thuật quân sự và cả các công ty thuộc quân đội cũng không miễn nhiễm trước dịch bệnh và cùng phải bị cách ly nếu cần. Tuy nhiên, việc các đơn vị này mất khả năng sẵn sàng làm nhiệm vụ đương nhiên sẽ tác động trực tiếp đến quân đội Mỹ và đồng minh, nhất là trong thời gian ngắn hạn trước mắt. Những lực lượng này có vai trò thiết yếu không chỉ trong cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ hiện đang dẫn dắt mà còn trong việc giải quyết chiến sự ở nhiều điểm nóng trên thế giới như Triều Tiên, Iran, Syria và các khu vực gần biên giới Nga.

Đại dịch Covid-19 hiện đang lây lan ra toàn cầu theo từng khu vực, bắt đầu là các nước gần Trung Quốc (tâm dịch ban đầu) nhất. Triều Tiên đã bắt đầu tập trận trở lại vào tháng 3, sau hai tháng án binh bất động vì phải đối phó với nguy cơ nhiễm bệnh. Trong khi đó, Mỹ giờ đây mới bắt đầu áp dụng các biện pháp phong tỏa trên diện rộng (yêu cầu người dân ở nhà). Sự khác biệt về múi giờ và mức độ ảnh hưởng của dịch bệnh (Trung Quốc đã vượt qua được đỉnh dịch trong khi Mỹ sắp phải đối phó với đỉnh dịch) có thể mở ra cơ hội cho một số nước nổi lên ở khu vực. Nếu khả năng tác chiến quân sự của Mỹ bị hạn chế đáng kể, cho dù chỉ ở một lĩnh vực nhất định, thì những toan tính của các nhà lãnh đạo cũng sẽ khó có thể được thực hiện một cách hoàn hảo vì thiếu nguồn lực để thực thi hoặc vì những hậu quả khó lường xảy ra do quân đội bị nhiễm bệnh trên quy mô lớn.

Những rủi ro ngoài chiến tranh

Tuy nhiên, những tác động tiềm tàng của đại dịch Covid-19 sẽ không chỉ giới hạn ở các đơn vị quân sự đang hoạt động. Ở những nước hiện phải tăng cường khả năng ứng phó nhanh trước sự lây lan của dịch bệnh cũng như hậu quả của nó, lực lượng quân sự được huy động để hỗ trợ giải quyết khủng hoảng và thực thi các biện pháp cách ly ngày càng đông.

Chẳng hạn, các nước Ý, Đức và Pháp đã bắt đầu huy động lực lượng quân sự vào việc xây dựng các bệnh viện dã chiến, vận chuyển người nhiễm bệnh và thực hiện nhiều công tác chống dịch khác. Và khi cuộc khủng hoảng dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tồi tệ hơn, các đơn vị chủ lực sẽ không còn sức để thực thi nhiệm vụ quốc phòng và các nhiệm vụ khác. Tuy vậy, điều này không hẳn sẽ làm thay đổi cán cân quân sự giữa các nước bởi tình hình dịch Covid-19 hiện tại cũng chưa tới mức phá hủy sức mạnh quân sự của bất kỳ nước nào. Ví dụ, Nga hiện đã phải ngừng tập trận ở các vùng biên giới vì e ngại quân lính sẽ nhiễm virus, cho dù số ca nhiễm virus ở Nga hiện vẫn ít hơn nhiều so với các nước NATO khác.

Ngoài việc khả năng sẵn sàng chiến đấu và duy trì cán cân sức mạnh với các nước khác của quân đội Mỹ có thể bị ảnh hưởng, các chiến dịch chống khủng bố cũng có nguy cơ bị gián đoạn nghiêm trọng. Do đặc thù công việc, các lực lượng quân sự này sẽ không phải gánh thêm những nhiệm vụ và trách nhiệm khác trong thời gian tập trung dập dịch. Khi quân đội buộc phải hủy tập trận hoặc huấn luyện do được huy động vào việc dập dịch, khả năng họ được điều sang hỗ trợ các lĩnh vực khác hầu như là không có. Cho dù năng lực quân sự của họ không phải là vấn đề đáng lo ngại, thì việc điều chuyển một lực lượng quân sự ra nước ngoài và đưa một lực lượng quân sự khác về nước sẽ có nguy cơ đẩy nhanh tốc độ lây lan dịch bệnh. Cuộc khủng hoảng Ebola ở châu Phi giai đoạn 2014-2016 là một ví dụ điển hình. Ở thời điểm đó, người ta không thể điều chuyển lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc ra vào vùng dịch bởi lo ngại dịch bệnh sẽ lây lan.

Hậu quả lâu dài

Hậu quả kinh tế do đại dịch gây ra cũng sẽ ảnh hưởng tới ngành quốc phòng và ngân sách quốc phòng trong dài hạn, kể cả sau khi dịch kết thúc. Đặc biệt, lực lượng phòng không cho dù không liên quan chặt chẽ tới ngành hàng không dân dụng cũng có thể sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn do những thiệt hại nói chung của ngành hàng không thế giới gây nên. Nhiều lĩnh vực khác trong ngành quốc phòng cũng sẽ bị ảnh hưởng do quy định giãn cách xã hội cản trở việc đi lại, hợp tác và thử nghiệm những tính năng mới trong ngành. Chính điều này sẽ khiến nhiều dự án đang được thực hiện bị dừng lại giữa chừng hoặc bị chậm so với kế hoạch đã định. Ví dụ, Không quân Mỹ đã phải dời lịch thử nghiệm Hệ thống quản lý tác chiến tiên tiến của họ từ tháng 4 sang tháng 6 năm nay do dịch Covid-19.

Các nhà máy đóng tàu hải quân ở các nước như Ý và Canada cũng bị đóng cửa tạm thời, và như vậy sẽ chậm giao hàng theo đơn đặt cũng như không thể hoàn thành các đơn hàng bảo dưỡng tàu trong thời gian đại dịch diễn ra.

Những rủi ro về tài chính do các hoạt động trên tạm thời bị gián đoạn sẽ còn lớn hơn ở các nền kinh tế phải tập trung nguồn lực để khống chế dịch bệnh và do đó không thể chi nhiều cho công tác quốc phòng. Đương nhiên điều này không có nghĩa là ngân sách quốc phòng sẽ ít đi bởi mỗi nước có mức độ ưu tiên riêng cho từng lĩnh vực, nhưng không thể loại trừ khả năng kịch bản này xảy ra.

Ngân sách bị hạn chế cũng sẽ dẫn tới việc các nước buộc phải dịch chuyển các nguồn lực của mình và thúc đẩy các kế hoạch giảm bớt hoặc rút toàn bộ lực lượng quân sự đang đồn trú ở nước ngoài về nước.

Xét tới những ảnh hưởng dài hạn đối với việc phát triển năng lực quân sự (chẳng hạn như khi ngân sách dành cho quốc phòng giảm hay các dự án phát triển quân sự bị tạm dừng) và việc các đơn vị bị tạm ngừng hoạt động, có thể nói những đại dịch như Covid-19 đủ khả năng gây rủi ro cho tất cả các hoạt động trên toàn thế giới, thậm chí có thể khiến một số lực lượng quân sự bị tê liệt hoàn toàn.

Do đặc thù công việc là thực thi các chính sách an ninh trong và ngoài nước cũng như trực tiếp hỗ trợ các hoạt động nhân đạo nên lực lượng quân sự chính là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong đại dịch.

Sim Tack

Nguyên tác : Covid-19: How Pandemics Disrupt Military Operations, Stratfor, 25/03/2020

Minh Anh giới thiệu

Nguồn : Nghiên cứu Biển Đông, 07/04/2020

Sim Tack là nhà phân tích tại Stratfor, người đồng sáng lập và nhà phân tích quân sự chính của Force Analysis. Bài viết được đăng trên Stratfor

Published in Diễn đàn

Giáo sư Carl Thayer, một nhà nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, có bài đánh giá về các hoạt động quân sự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Haut du formulaire

Bas du formulaire

truongsa1

Đá Lát trong bức hình chụp qua vệ tinh ngày 30/11/2016

Trong bài đăng trên trên trang policyforum.net vào ngày 30/01/2017, tác giả nhận định rằng các hoạt động của Việt Nam tại Biển Đông mặc dù không có quy mô như Trung Quốc nhưng đều được triển khai trước tiến độ và nhằm duy trì cán cân quyền lực trong vùng.

Ông Thayer, nhà quan sát Việt Nam lâu năm, nhận định việc Trung Quốc triển khai các hoạt động quân sự tại Trường Sa được truyền thông quốc tế quan tâm đăng tải nhiều trong khi chính báo chí, giới chuyên gia an ninh hay giới học thuật ít để ý tới nỗ lực của Việt Nam gia cố 21 cấu trúc mà Hà Nội kiểm soát tại đây.

Trong số 21 kết cấu Việt Nam kiểm soát tại Trường Sa, 9 là các đảo nổi, 12 là đảo chìm mà Việt Nam có các công trình được xây trên đó.

Việt Nam nói họ duy trì 33 điểm đóng quân tại Trường Sa. Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nói Việt Nam có 48 cơ sở tại đây. Điều này nhiều khả năng là tính gộp cả 15 nhà giàn mà Hà Nội gọi là "các cấu trúc dịch vụ kỹ thuật" tại Bãi Tư Chính mặc dù Việt Nam không coi Bãi Tư Chính thuộc Trường Sa.

Hiện không rõ số quân nhân Việt Nam trên 21 cấu trúc là bao nhiêu và người ta ước tính có thể trong khoảng từ vài trăm tới 1000 lính.

Vào năm 2007, Hà Nội đưa ra Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 nhằm kết nối kinh tế miền biển với tài nguyên thiên nhiên, như dầu và khí đốt, trong Vùng Kinh tế Đặc quyền ở phạm vi 200 hải lý.

Trong giai đoạn 2009-2015, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng Việt Nam lắp các hệ thống radar và viễn thông ở 15 cấu trúc và nâng cấp phòng vệ cho 18 điểm khác.

Trong giai đoạn 2010-2012, Việt Nam xây các tòa nhà hành chính, năm cơ sở quân sự nhiều tầng và một hải đăng tại Đá Tây và trong khoảng 2011-2015, Việt Nam xây bãi đáp trực thăng tại 6 điểm.

truongsa2

Các nước trong vùng tuyên bố chủ quyền chồng chéo

Trong khoảng tháng 8/2011 và tháng 02/2015, Việt Nam nâng cấp đáng kể hạ tầng tại Sơn Ca và từ 2014 tới 2015 Việt Nam xây các lô cốt, bến đậu, nhà tại Đảo Núi Le.

Vào ngày 07/05/2015, Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đưa hình ảnh vệ tinh nói rằng Việt Nam đã có thêm 65 ngàn mét vuông [26,304 ha] đất ở Đảo Đá Tây.

Một năm sau cũng tổ chức này đưa tin rằng họ đã kiểm tra 21 cấu trúc Việt Nam kiểm soát và "có chứng cứ rằng 10 trong số này được cải tạo, bồi đắp@.

Hình ảnh được AMTI đưa ra nói rằng Việt Nam tạo ra hơn 120 mẫu [48,6 ha] đất mới ở Biển Đông, phần lớn là tại Song Tử Tây, Sinh Tồn và Đá Tây.

Phần lớn công việc này đã được triển khai trong hai năm qua.

Trong khi đó, Trung Quốc đã tạo ra gần 3.000 mẫu [1.214 ha] đất mới tại bảy cấu trúc họ kiểm soát tại Trường Sa.

Theo tác giả Carl Thayer, hoạt động xây cất của Việt Nam không chỉ nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc mà còn ít phá hoại môi trường, vì không nạo vét quy mô lớn các rạn san hô nơi mà Hà Nội kiểm soát.

Ba diễn biến quan trọng

truongsa3

Quân đội Việt Nam lần đầu tiên giới thiệu tên lửa EXTRA do Israel sản xuất vào tháng 5/2015 (Ảnh chụp trong lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam tại quân cảng Cam Ranh)

Giáo sư Carl Thayer cho rằng có ba diễn biến đáng chú y trong năm 2016.

Thứ nhất, vào ngày 09/8/2016 truyền thông đưa tin "trong những tháng gần đây" Việt Nam đã triển khai các giàn tên lửa di động (EXTRA) tại 5 cấu trúc ở Trường Sa.

EXTRA có tầm bắn 150 km và có thể được sử dụng để nhắm mục tiêu các sân bay của Trung Quốc. Người phát ngôn của Chính phủ Việt Nam bác bỏ tin nói Việt Nam triển khai hệ thống này ở quần đảo Trường Sa "nhưng bảo lưu quyền thực hiện bất kỳ biện pháp nào như vậy".

Thứ hai, ngày 15/11/2016, hình ảnh vệ tinh xác nhận rằng Việt Nam mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn từ 760 mét đến 1,2 km và đang xây dựng hai nhà để máy bay lớn. Việc mở rộng sân bay mới sẽ cho phép Việt Nam để triển khai phi cơ tuần tra trên biển PZL M28B và máy bay vận tải CASA C-295.

Thứ ba, ngày 30/11/2016, hình ảnh vệ tinh cũng khẳng định Việt Nam bắt đầu nạo vét Đá Lát để mở một kênh mới cho cho các tàu thuyền đánh cá và tàu cung ứng ra vào.

Tác giả cho rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã bảo vệ lập trường xây dựng các đảo nhân tạo với ly do rằng họ đang làm theo những gì quốc gia tuyên bố chủ quyền đã và đang làm.

"Tuy nhiên các hoạt động của Trung Quốc đã lấn át và tiến xa hơn theo hướng quân sự hóa toàn diện khi so với bất kỳ quốc gia nào đang tuyên bố chủ quyền", ông Thayer viết.

Trong khi việc Việt Nam mở rộng đường băng trên đảo Trường Sa Lớn để hỗ trợ máy bay tuần tra hàng hải và giàn phóng tên lửa di động EXTRA (nhưng không phải tên lửa) tại năm cấu trúc ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bước đi đáng kể trong động thái quân sự hóa, tác giả đánh giá bước đi này không thể sánh với quy mô hoạt động quân sự của Trung Quốc.

Các hoạt động bồi đắp đảo của Việt Nam chỉ bằng 4% tổng diện tích Trung Quốc "cải tạo đảo".

Tác giả kết luận rằng chính sách của Việt Nam tại vùng Biển Đông có tranh chấp là triển khai một chương trình tự gia cố về quốc phòng (Việt Nam vừa nhận tàu ngầm Kilo thứ sáu và tàu cuối cùng), trong khi dùng các kênh đối thoại với cả Trung Quốc và Hoa Kỳ (cũng như các cường quốc khác - Nga, Ấn Độ và Nhật Bản) để duy trì sự cân bằng sức mạnh ở Biển Đông.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 31/01/2017

Published in Diễn đàn