Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

16/12/2020

Hoạt động quân sự của Trung Quốc thời gian qua và hàm ý đối với Việt Nam

Trương Tuấn Đạt

Hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông thời gian qua

Trong suốt năm 2020, Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đã tích cực thực hiện các hoạt động và tập trận ở Biển Đông. Sự gia tăng cường độ hoạt động này phần nào nằm trong dự đoán trong bối cảnh Trung Quốc tăng cường và mở rộng năng lực quân sự và PLA nắm trong tay các hệ thống có thể hoạt động thành thạo ở phạm vi xa hơn. Ngoài ra, trong năm 2016, Trung Quốc đã có được khả năng triển khai các hệ thống ở tiền phương bằng việc xây dựng các đảo nhân tạo với diện tích 3.200 mẫu cũng như các cơ sở hạ tầng quân sự đi kèm (bao gồm 3.000 mét đường băng, bến tàu hải quân, nhà chứa máy bay, hầm chứa đạn dược có gia cố, silo tên lửa và radar).

quansu1

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc tập trận trên Biển Đông vào tháng 12/2016 - Reuters

Trong 8 tháng qua, quân đội Trung Quốc rõ ràng đã tiếp tục tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông. Một số hoạt động và tập trận lớn đã thu hút được sự chú ý của quốc tế. Trong số này, quan trọng nhất phải kể đến :

- Giữa tháng 3, hai máy bay quân sự của Trung Quốc đã diễn tập chống tàu ngầm ở Biển Đông.

- Ngày 6-11/4 : Tàu khảo sát Hải Dương Địa Chất 8, được sự yểm trợ của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc, đã làm gián đoạn dự án thăm dò dầu khí của Malaysia trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

- Ngày 6/5 : Hải quân PLA (PLAN) tiến hành diễn tập hộ tống ở Biển Đông khi đang trên đường tham gia tập trận chống cướp biển ở vịnh Aden. Nhóm tàu hải quân bao gồm tàu khu trục Type 52D Thái Nguyên và khinh hạm Type 54A Kinh Châu, đều thuộc phân đội 3 của Chiến khu miền Đông của PLA. Cuộc tập trận này bao gồm các nhiệm vụ cứu hộ và chống cướp biển.

quansu2

Hình chụp vệ tinh Đá Chữ Thập nơi Trung Quốc xây dựng căn cứ quân sự. AMTI

- Ngày 14/5 : Trung Quốc triển khai máy bay cảnh báo sớm và máy bay chống tàu ngầm đến đá Chữ Thập.

- Giữa tháng 6, phân đội tàu khu trục của hải quân thuộc Chiến khu miền Nam tiến hành tập trận nhằm cải thiện khả năng phòng không, chống tên lửa và chống tàu ngầm của PLA. Theo tờ Nhật báo Quân giải phóng, tham gia tập trận có tàu khu trục Type 52D Hohhot và khinh hạm Type 54A Hành Dương, đều thuộc phân đội 2 Chiến khu Miền Nam.

- Ngày 27/6 : Tàu chiến Type 071 (còn được gọi là "lớp Ngọc Châu") của PLAN đã cập cảng tại đảo Phú Lâm. Type 071 là một tàu đốc đổ bộ có khả năng chở nhiều trực thăng, các tiểu đoàn quân và hàng hóa, chẳng hạn như xe lội nước. Việc neo đậu tàu chiến này được cho là nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận từ ngày 1-5/7.

- Ngày 1-5/7 : Trung Quốc tiến hành tập trận kéo dài 5 ngày ở quần đảo Hoàng Sa. Trong thời gian đó, Cục An toàn hàng hải của Trung Quốc đã cấm các tàu đi qua toàn bộ khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trong các cuộc tập trận này, đảo Phú Lâm được sử dụng làm căn cứ và theo các chuyên gia, Trung Quốc đã cho diễn tập chiếm đảo hoặc bảo vệ an ninh đảo. Trước cuộc tập trận, một tàu đổ bộ trực thăng Type 071 và ba tàu nhỏ hơn đã được phát hiện ở bến cảng của đảo Phú Lâm.

- Ngày 11-13/7 : Các tàu khu trục cỡ nhỏ Mai Châu (số hiệu 584), Lục Bàn Thủy (số hiệu 514) và Khúc Tĩnh (số hiệu 508) đa cùng với một đội tàu khu trục cỡ nhỏ thuộc Chiến khu miền Nam tham gia diễn tập thực tế trên biển, bao gồm hoạt động bắn đạn thật nhằm vào các mục tiêu trên biển.

- Ngày 17/7 : Trung Quốc đã đưa ít nhất 8 máy bay chiến đấu (được cho là các mẫu J-11B và JH-7) đến đảo Phú Lâm, căn cứ quân sự lớn nhất của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 30/7 : Theo Bộ Quốc phòng Trung Quốc, PLA đã tiến hành tập trận với các máy bay mới (Tây An H-6J và Tây An H-6G). Nội dung huấn luyện bao gồm cất cánh và hạ cánh ban đêm, hoạt động đường dài và tấn công các mục tiêu trên biển.

- Ngày 4/8 : Các máy bay chiến đấu Su-30 đã hoàn thành sứ mệnh tuần tra vũ trang kéo dài 10 giờ tới các đảo và đá xa xôi nhất trên Biển Đông (đá Subi thuộc quần đảo Trường Sa), phá kỷ lục trước đó của PLA về thời lượng bay trong một lần xuất kích bằng phi cơ chiến đấu.

- Ngày 6/8 : Lực lượng tên lửa PLA được cho là đã phóng tên lửa đạn đạo chống hạm DF-26 trong khuôn khổ một cuộc tập trận.

- Ngày 12/8 : H-6J, mẫu máy bay ném bom mới được tiết lộ của PLAN, lần đầu tiên được triển khai đến đảo Phú Lâm.

- Ngày 16/8 : Theo CCTV, PLAN tiến hành thử nghiệm thành công một ngư lôi phóng từ tàu hộ tống Giang Đảo.

- Ngày 24-29/8 : Trung Quốc tiến hành 3 cuộc tập trận riêng biệt, trong đó có 2 cuộc diễn ra gần Hoàng Hải và 1 cuộc diễn ra ở Biển Đông, gần quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 26/8 : Trung Quốc phóng một số tên lửa đạn đạo, bao gồm tên lửa DF-26B và DF-21D, được mệnh danh là các "sát thủ tàu sân bay", vào Biển Đông như một phần của cuộc tập trận quân sự tích hợp và tấn công mô phỏng vào tàu chiến Mỹ. Các tên lửa này đã rơi xuống giữa đảo Hải Nam và quần đảo Hoàng Sa.

- Ngày 28/9 : Trung Quốc đồng thời tổ chức 5 cuộc tập trận hải quân, trong đó có 2 cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra gần quần đảo Hoàng Sa.

Các tàu chiến của PLAN, tàu cảnh sát biển Trung Quốc (CCG) và tàu khảo sát mang cờ Trung Quốc cũng thường xuyên tới các đảo nhân tạo, đến mức những động thái này phần nào đã trở thành hoạt động thường kỳ và thường không được báo cáo trừ khi các phương tiện này tiếp xúc với các phương tiện của một quốc gia khác. Hơn nữa, ngoài một quãng nghỉ trong tháng 5 và khoảng 3 tuần trong tháng 7-8, thì kể từ đầu tháng 4, các tàu CCG đã liên tục được triển khai đến bãi cạn Scarborough, nơi cả Trung Quốc và Philippines đều tuyên bố chủ quyền.

Cảnh sát biển Trung Quốc cũng đã sử dụng vũ lực để ngăn chặn các bên tranh chấp khác đánh bắt cá hoặc đi lại trong vùng biển tranh chấp, chẳng hạn như vụ đâm chìm tàu cá Việt Nam vào ngày 3/4 và vụ đâm tàu Việt Nam vào ngày 8/7 gần quần đảo Hoàng Sa.

PLAN nói chung cũng đã có một số tiến bộ, mà có tác động tới cán cân quyền lực ở Biển Đông, chẳng hạn như sự ra đời của các tàu tuần dương lớp Nhậm Hải mới là tàu chiến mặt nước lớn nhất trên thế giới, tàu tuần dương lớp Nhậm Hải đã được đưa vào hoạt động tháng 1/2020. Các tàu sân bay Liêu Ninh và Sơn Đông đã tiến hành huấn luyện thường xuyên và các chuyến đi thử nghiệm trên biển trong mùa Hè và gần đây nhất là vào tháng 9. Mặc dù đã đi vào hoạt động trong tháng 12/2019, nhưng tàu Sơn Đông vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu ; tàu Liêu Ninh mất 6 năm để đạt được năng lực vận hành ban đầu sau khi chính thức đi vào hoạt động năm 2012.

Trung Quốc đang tự tin hơn ở Biển Đông ?

Thế giới nhìn chung cho rằng quân đội Trung Quốc đang lợi dụng đại dịch toàn cầu để giành lợi thế trong các tranh chấp lãnh thổ. Quân đội Trung Quốc đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết : Cho dù đó là tình trạng đối đầu giằng co và bạo lực gia tăng dọc theo biên giới Trung-Ấn, gia tăng xâm nhập vào không phận Đài Loan hay tăng cường hiện diện quân sự gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở biển Hoa Đông.

Tuy nhiên, tình hình ở Biển Đông có đôi chút khác biệt : Tại đây, Mỹ vẫn nắm giữ lợi thế quân sự quyết định do khả năng triển khai sức mạnh và duy trì các hoạt động từ khoảng cách xa. Việc xem xét các hoạt động quân sự, những đợt triển khai và các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đến Biển Đông mang lại một số hiểu biết về chiến lược quân sự của Trung Quốc trong bối cảnh nước này hiện ở thế bất lợi.

quansu3

Hình chụp hôm 7/10/2019 : Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Hải quân Mỹ tham gia tập trận ở Biển Đông hôm 6/10/2019. AFP

Thứ nhất, PLA tỏ ra thận trọng trong các "tương tác" trực tiếp với quân đội Mỹ. Trung Quốc đã không mạo hiểm thực hiện chiến lược "bên bờ vực chiến tranh" với các phương tiện của Mỹ, và các cuộc đụng độ trực tiếp thường diễn ra an toàn và chuyên nghiệp. Thay vào đó, PLA đang sử dụng sức mạnh quân sự của mình một cách gián tiếp để gửi đi tín hiệu về khả năng gây thiệt hại lớn cho Mỹ nếu chiến tranh nổ ra.

Thứ hai, sự thay đổi vai trò của PLA ở Biển Đông mang tính định tính hơn là định lượng. Các hoạt động, các đợt triển khai và phản ứng bằng lời nói của PLA không chệch hướng đáng kể so với dự kiến, khi xét tới việc nước này từng bước tăng cường các năng lực của họ. Tuy nhiên, PLA đã trở thành phương tiện chính mà qua đó Trung Quốc đang cố gắng thuyết phục Mỹ tiết chế cách tiếp cận của nước này đối với Biển Đông.

Thứ ba, nhu cầu tăng cường khả năng răn đe Mỹ đã trở thành một ưu tiên, ngay cả khi Trung Quốc phải bộc lộ khả năng hoặc làm trầm trọng thêm căng thẳng với các bên tranh chấp khác. Trước đây, Trung Quốc sẽ lựa chọn thời điểm và xác định bản chất của các cuộc triển khai và các cuộc tập trận để làm giảm bớt ý nghĩa của các hoạt động đó và quảng bá câu chuyện rằng Trung Quốc đang ở thế thủ ; thường thì các tuyên bố công khai thậm chí còn không đi kèm với các sự kiện. Tuy nhiên, quân đội Trung Quốc giờ đây đang muốn chứng minh cho Mỹ thấy khả năng tấn công của mình.

Điều này phản ánh sự bất an sâu sắc ngày càng lớn ở Bắc Kinh rằng Mỹ có thể tìm cách khơi mào một cuộc chiến chống Trung Quốc ở Biển Đông. Do đó, Trung Quốc có động cơ để phóng đại các hoạt động và khả năng của mình ở Biển Đông - một điểm khác biệt rõ ràng so với các giao thức trước đây là hạ thấp và che giấu bất kỳ hoạt động nào để tránh nâng cao nhận thức về mối đe dọa.

Thông tin về nhiều hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông do Bắc Kinh trực tiếp cung cấp và rất khó có thể xác minh mức độ thành công của các cuộc tập trận nhất định, hoặc thậm chí là cả tính xác thực của một số hoạt động, chẳng hạn như liệu chuyến bay kéo dài 10 tiếng có thực sự xảy ra hay không. Tuy nhiên, nhịp độ quân sự gia tăng và việc công khai rộng rãi các hoạt động quân sự cho thấy Trung Quốc muốn thế giới, và nhất là Mỹ, biết rằng quân đội của họ có thể gây tổn thất lớn cho bất kỳ quốc gia nào đe dọa vị thế của họ ở Biển Đông.

Cuối cùng, việc Trung Quốc gia tăng hoạt động quân sự nhiều khả năng là dấu hiệu của sự bất an chứ không phải là sự tự tin. Trong lịch sử, Trung Quốc hành động nóng vội nhất khi nước này cảm thấy dễ bị tổn thương và lo sợ rằng các nước khác sẽ lợi dụng những điểm yếu được nhận thấy ở họ. Nếu PLA đang lên kế hoạch cho một chiến dịch quân sự để mở rộng quyền kiểm soát của Trung Quốc đối với Biển Đông, hoặc một trong những hòn đảo bị chiếm đóng khác, thì chúng ta sẽ không hay biết gì về điều đó cho đến khi quá muộn. Việc PLA tập trung phát đi tín hiệu công khai cho thấy Trung Quốc nhiều khả năng sẽ không có động thái quân sự trong khu vực này. Tuy nhiên, sự nhạy cảm, và trong một số trường hợp là chứng hoang tưởng, của Trung Quốc về chiến lược của Mỹ cho thấy nước này nhiều khả năng sẽ có những lời lẽ cứng rắn và tiến hành các hoạt động quân sự phô trương trong vài tháng tới.

Hàm ý đối với Việt Nam

Mặc dù trong các phát biểu chính thức, các lãnh đạo Việt Nam thường tuyên bố : "Lập trường nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực". Tuy nhiên phía Việt Nam cũng đồng thời bày tỏ quan ngại về một số sự kiện diễn ra gần đây tại Biển Đông có sự xâm phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đây là một thực tế đang đe doạ tới môi trường an ninh của Việt Nam và khu vực trong thời gian qua. Với các dự báo về khả năng sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự leo thang tại khu vực Biển Đông của PLA và CCG, điều này khiến Việt Nam cần có sự tích cực chuẩn bị các phương án để có thể đối phó trước các đe doạ này từ Trung Quốc.

Trương Tuấn Đạt

Nguồn : RFA, 14/12/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trương Tuấn Đạt
Read 539 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)