Trên nhiều mạng tự do truyền đi lá thư của ông Hữu Thỉnh chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam gửi nhà văn - nhà báo Phan Nhật Nam thời Việt Nam Cộng Hòa hiện sống ở Hoa Kỳ, và lá thư công khai trả lời của tác giả "Mùa hè đỏ lửa".
Biểu tình tại Hà Nội chống Trung Quốc. "Hãy hòa giải với hàng trăm công dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống bành trướng đang bị cầm tù".
Hai bức thư rất đáng đọc và suy nghĩ, cả người Việt sống trong nước và người Việt sống ở hải ngoại cần tìm đọc, trên trang Facebook của nhà văn Trần Mạnh Hảo.
Phải chăng lãnh đạo đảng cộng sản nghiêm chỉnh muốn thăm dò để thực hiện việc hòa giải và hòa hợp dân tộc họ cố tình bỏ quên suốt 42 năm nay ?
Tại sao bộ máy trong nước làm rùm beng về việc trong sách giáo khoa mới, các danh từ "ngụy quân, ngụy quyền" không còn được dùng, thay vào đó là "chính quyền, quân đội của Việt Nam Cộng Hòa" ? một sự chậm trễ đến hơn 40 năm ?
Phải chăng lãnh đạo đảng đã thành thật sám hối về việc bội ước, nuốt chửng lời hứa "Hòa hợp hòa giải dân tộc" mà họ đã cam kết trên giấy trắng mực đen trong Hiệp ước Geneve 1954, và lắp đi lắp lại trong Hiệp ước đình chỉ chiến sự ký tại Paris năm 1973 ? nhất là lời cam kết "tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam, không dùng vũ lực để thôn tính nhau"… và nay họ chủ động giang tay thân thiết để thật sự hòa giải và hòa hợp anh em ruột thịt với nhau nhằm chung sức xây dựng đất nước thống nhất, dân chủ, giàu mạnh, phồn vinh ?
Tôi từng sống chung gần gũi với Hữu Thỉnh khi báo Quân đội Nhân dân và tạp chí Văn nghệ Quân đội của Hữu Thỉnh ở sát bên nhau, chung một bếp ăn trên đường Lý Nam Đế, Hà Nội. Tôi rất hiểu, Hữu Thỉnh không có được cái tâm của nhà văn Nguyễn Minh Châu khi cất tiếng lên án "nền văn học minh họa", không có cái dũng của các nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Khải… cuối đời thương xót ăn năn cho ngòi bút tay sai viết thuê tệ hại của mình.
Tôi cũng từng nhiều lần gặp Phan Nhật Nam, từ tháng 1/1973 trong 60 ngày ở Sài Gòn trong Ban liên hợp 4 bên, cùng đi trên trực thăng đến Qui Nhơn, Cần Thơ, Pleiku, lại cùng đi trên C130 ra Hà Nội, thăm trại giam Hỏa Lò, cùng ăn cơm trên đường Bà Triệu với những trao đổi có lúc căng thẳng, cũng có lúc rất thư giãn, trong lòng không hề hận thù nhau, có lúc còn tâm sự với nhau rằng, chúng mình là con đẻ của thời thế (thời thế thế nào tất mình phải thế), rằng nếu cậu ở miền Bắc cậu sẽ có thể như mình, nếu mình ở miền Nam sẽ có thể như cậu…
Để rồi đến khi sang Hoa Kỳ gặp lại nhau, chúng tôi trở thành thân quen, khi Phan Nhật Nam kết rất thân với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, ở chung một nhà, Nam hay gọi tôi là "ông anh đáng quý" và tâm sự với nhau.
Tôi rất hiểu Nam. Anh sống giản dị, rất tình nghĩa, ngay thật với chính mình, ngay thật với mọi người. Đúng là người lính cầm bút, vâng lệnh đồng bào của mình, tổ quốc của mình, trung thành đến cùng với trách nhiệm.
Phải chăng đến nay ông tổng Trọng và Bộ chính trị đang bị bủa vây bởi quá nhiều vấn đề nan giải, hóc búa, bế tắc về kinh tế, tài chính, môi trường, đối ngoại, xã hội… nên phải tìm ra lối thoát, vuốt ve, gạ gẫm theo kiểu chiêu hồi khi Nghị quyết tranh thủ bà con hải ngoại từ mấy năm trước đã tan thành mây khói ? Nhưng chậm quá rồi !
Lá thư của Hữu Thỉnh yếu thế lắm. Viết văn, làm văn học mà ngớ ngẩn vụng dại, sơ hở đến thế là cùng. Vẫn là kiểu chiêu hồi cũ rích. Vẫn là kiểu trịch thượng cố hữu vô duyên, không có cách nào từ bỏ. Lại còn mồi chải thớ lợ, sẽ chi các khoản vé máy bay, ở khách sạn, chi tiêu cho khách đặc biệt…
Lẽ ra phải có lời xin lỗi, hay như lời của Giáo sư Đào Công Tiến, là phải có lời sám hối và xin lỗi vì đảng cộng sản đã chủ động gây nên cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn, phải chịu trách nhiệm chính về biết bao chết chóc, thương vong, đau khổ, mất mát cho dân tộc, của các bên, kéo quá dài, quá sức chịu đựng của nhân dân. Đây là món nợ máu do sùng bái bạo lực, sùng bái học thuyết Mác-Lênin đã bị toàn thế giới lên án là tội ác chống nhân loại.
Cho nên Người lính-cầm bút trả lời rất thẳng thừng, chững chạc, dứt khoát, đá lại quả bóng về phía đối phương.
Nếu các ông muốn hòa giải, hòa hợp, xin hãy hòa giải trước hết với những người đã chết. Hãy để bà con ở hải ngoại về chăm sóc các nghĩa trang Biên Hòa, Thừa thiên – Huế, mộ các chiến sĩ chống Trung Quốc xâm lược ở Hoàng Sa, Trường Sa, Gạc Ma… Hãy hòa giải với hàng trăm công dân đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, chống bành trướng đang bị cầm tù ở trong nước. "Nếu được vậy, chúng tôi sẽ về ngay, về rất đông, về hết".
Có nhà bình luận cho rằng nhà văn Phan Nhật Nam đã trả lời rõ ràng, như một cái tát đích đáng, lịch sự, vả vào mặt nhà văn Hữu Thỉnh.
Một cái tát làm cho ông tổng Lú cũng cảm thấy đau lây trên chiếc má hom hem của mình.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 23/09/2017
Tại buổi lễ trao giải thưởng văn học 2016 hôm 14 tháng giêng vừa qua, chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam, ông Hữu Thỉnh đã đưa ra ý kiến mời các nhà văn, nhà thơ người Việt hải ngoại, kể cả đó là những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa) về tham dự.
Nhà thơ Hữu Thỉnh trao giải thưởng xuất sắc cho các tác giả đạt giải. Photo courtesy of cinet.vn
Lời đề nghị được cho là chưa từng có này được những người cầm bút trong và ngoài nước đón nhận thế nào ?
Ý tưởng lạ nhưng không mới
Lời đề nghị của ông Chủ tịch Hội nhà văn được viện dẫn với lý do "giao lưu với tinh thần hòa hợp dân tộc văn học" và dự định thực hiện đúng vào dịp giỗ tổ Hùng Vương ngày 10 tháng 3 âm lịch sắp đến.
Hòa hợp hòa giải dân tộc thật ra không phải là lời kêu gọi mới lạ. Đây là một phần nằm trong Nghị Quyết 36-NQ-TW do Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Ngoại giao công bố vào 2004, với đường lối chính sách mệnh danh là ‘công tác đối với người Việt Nam ở ngoài đất nước".
Nghị quyết này được chính những nhân vật cao cấp của nhà nước đề cập đến nhiều lần trong 10 năm qua. Thế nhưng có vẻ như "hòa hợp dân tộc văn học" là một ý tưởng lần đầu tiên được nêu ra, và do chính ông Chủ tịch Hội nhà văn khai ngôn.
Tuy không được báo chí trong nước trích dẫn và tường thuật về lời kêu gọi này, nhưng giới cầm bút trong và ngoài nước đều được tin và có những ý kiến khác nhau.
Nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên đưa ra nhận định rằng việc trở về trong nước, tham gia các hoạt động văn hóa xã hội, trong đó có ngày giỗ tổ Hùng Vương là một tín hiệu tốt.
"Các văn nhân người Việt dù sống trong nước hay ngoài nước thì họ vẫn là những người viết văn, nặng lòng với tiếng Việt. Qua tiếng Việt thì nặng lòng với quê hương đất tổ. Ngay cả bây giờ các nhà văn ở hải ngoại dù là ra đi thì họ đã sống nửa phần đời của mình trong nước, sau biến cố 75 họ mới ra đi. Rồi ngay cả những thế hệ thứ hai sinh ra ở hải ngoại viết văn bằng tiếng Việt, đều muốn tác phẩm của mình dù viết về vấn đề gì nữa thì cũng được xuất bản trong nước, được người Việt đọc".
Tuy nhiên, để đi đến sự hòa hợp đó thì ông có nhấn mạnh thêm "Về phía phát tín hiệu trong nước là thật tâm, thật tình. Và phía người Việt ngoài nước là con dân mang trong mình dòng máu Việt, thấy đó là thật tâm thật tình thì đáp ứng".
Nhà văn Nguyễn Đông Thức, người được biết đến với những tác phẩm tiểu thuyết mang tính xã hội hiện đại như Ngọc Trong Đá, Vĩnh biệt mùa hè, Ngôi sao cô đơn… nhận định về tính khả thi của lời kêu gọi này là 50 – 50.
Ông cho rằng 50% là quyền lực của bên mời gọi là 50% còn lại tuỳ thuộc và bên được mời có tham dự hay không. Ông cũng dự đoán rằng họ sẽ chọn những người ôn hoà, từng về nước nhiều lần.
"Nhưng thực chất tôi không tin bên nội địa thật lòng. Màu mè, hình thức thôi. Còn lâu mới có hòa hợp hòa giải trong văn học văn nghệ, lãnh vực thượng tầng, quyết định tư tưởng, mà chính quyền Việt Nam luôn đặt lên hàng đầu".
Đối với giới cầm bút người Việt hải ngoại, đặc biệt những người được ông Hữu Thỉnh nhấn mạnh là "những người cầm bút phục vụ chế độ cũ (Việt Nam Cộng Hòa)" thì nhà văn Nguyễn Đông Thức ghi nhận rằng "về phía hải ngoại, tôi cũng không nghĩ mọi sự dễ dàng chút nào !".
Thâm ý chính trị ?
Trong một buổi lễ kỷ niệm 20 năm Văn học miền Nam diễn ra ở Nam California cách đây ba năm, nhà thơ Du Tử Lê, người mà nhà văn Nguyễn Đông Thức "đoán" rằng có thể sẽ là một trong những cái tên đầu tiên được chính quyền Việt nam mời về tham dự hội nghị, đã nhận định rằng "những tác phẩm của người cầm bút giai đoạn 54-75 không bị bắt buộc hay nhận chỉ thị phải viết cái này cái kia. Những tác phẩm của họ mang tính nhân bản, toát lên cái tôi trần trụi".
Vậy thì ngày nay, nếu muốn mời gọi những nhà cầm bút của giai đoạn ấy trở về cùng "hòa hợp hòa giải văn học" liệu có thể dễ dàng thực hiện trong khoảng thời gian 1 hoặc 2 tháng hay không ?
Nhà văn Phạm Phú Minh, được biết với bút danh là Phạm Văn Đài, từ California khẳng định không thể thực hiện được trong thời gian này.
"Đây có vẻ như là thái độ thăm dò có tính chính trị. Vì làm sao họ kêu gọi được một số lớn các nhà văn hải ngoại về nước trong vòng 1,2 tháng ? Điều đó cần một thời gian rất dài".
Câu hỏi này cũng được nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, chính là người đã đưa ra vấn đề này trên trang Việt Nam thời báo đặt ra cùng với sự nghi vấn về "thâm ý chính trị".
"Đối với Hữu Thỉnh, trước mắt phải làm sao để Hội nhà văn tồn tại và có kinh phí tồn tại. bây giờ phải bày ra chuyện để làm. Thực chất nó là như vậy và nó nằm trong chủ trương chiêu dụ người Việt hải ngoại".
"Thứ hai nữa là họ muốn làm cũng không có khả năng, vì việc đi quan hệ tiếp xúc và thuyết phục giới nhà văn hải ngoại để về nước rồi nói cái gì là vô cùng khó đối với họ. Ở đây chỉ có vài văn đoàn độc lập mà họ còn không chịu tiếp cận, không chịu tiếp xúc không chịu chia sẻ thì làm sao tiếp cận giới nhà văn hải ngoại ?"
Hòa giải từ trong nước
Các tác giả đạt giải thưởng Văn học năm 2016. Photo courtesy of vov.vn
Theo dòng sự kiện văn nghệ trong nước những năm gần đây, có thể thấy rằng rất nhiều nghệ sĩ trong lĩnh vực âm nhạc quay trở về phục vụ cho người Việt trong nước sau mấy mươi năm rời quê hương. Sự trở về của những tiếng hát ấy phần nhiều được chào đón. Đơn giản vì sau hơn 40 năm, người Việt trong nước vẫn chưa thể quên những dòng nhạc và những tiếng hát đã gắn liền với một thời tuổi trẻ của họ.
Thế nhưng, nhà văn Nguyễn Đông Thức có đưa ra một nhận xét
"Cho tới giờ, tất cả những show diễn của Phạm Duy, Khánh Ly đều không được phép quảng cáo ở Thành phố Hồ Chí Minh, một cái bandrole cũng không có. Cuộn phim tài liệu về Phạm Duy về nước làm tám năm nay vẫn không được phép phát hành !"
Một câu chuyện được nhà văn Phạm Phú Minh đưa ra để dẫn chứng cho vấn đề có hay không việc hòa hợp dân tộc văn học.
"Ông Dương Nghiễm Mậu khi muốn tái bản một tác phẩm của mình đã phải yêu cầu muốn cắt phần nào thì cắt, chỉ xin đừng thay đổi lời văn của ông. Chỉ như thế thôi cũng không được, thì làm sao có thể hòa hợp hòa giải được ?".
Ông nhắc lại, "ngày đó còn xa lắm".
Ghi nhận lại từ ý kiến của những bằng hữu từ hải ngoại, nhà báo Phạm Chí Dũng nói rằng có một yêu cầu để hòa giải với người Việt hải ngoại
"Muốn làm gì thì làm phải hòa giải với giới bất đồng chính kiến trong nước trước cái đã. Bởi vì họ thấy giới bất đồng chính kiến trong nước còn bị đàn áp thì làm sao họ tin để trở về được ?"
Cũng theo nhà báo Phạm Chí Dũng, sau 13 đề ra Nghị quyết 36, vẫn còn rất nhiều trí thức hải ngoại nói chung vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với chính quyền Việt Nam. Sức mạnh sáng tác của họ vẫn phải bó hẹp trong những qui chuẩn mang tính chính kiến.
Và ngược lại, đối với người cầm bút trong nước cũng không ngoại lệ.
Thiện chí
Tuy nhiên, nói về điều này, nhà nghiên cứu Phạm Xuân Nguyên cho rằng để thực hiện được cũng cần phải có thời gian. Và cũng phải có một nguyên tắc chung.
"Ngay cả những người Việt trong nước được tự do viết, tự do xuất bản thì rõ ràng là một bước khác nữa. Một bước thứ hai mà nếu thật tâm, thật tình, có thiện ý thì mới thực hiện được".
Đặc biệt, ông có niềm tin về một cuộc hòa hợp hòa giải khi tín hiệu đã được phát đi từ trong nước và kêu gọi người Việt phải rộng lòng với nhau và phải thực tâm với nhau.
"Các nhà văn luôn hơn các mọi ngành nghệ thuật khác, là hướng đến con người, nhân văn. Nên tôi nghĩ rằng đây là tín hiệu tốt, đòi hỏi sự đáp ứng tích cực của hai bên".
Bên cạnh đó, ông Phạm Xuân Nguyên tin rằng lời kêu gọi của Chủ tịch Hội nhà văn sẽ góp phần hòa hợp, mở rộng đường cho văn chương của người Việt hải ngoại xuất bản trong nước.
Cách đây khoảng một tháng trước lời kêu gọi "hòa hợp hòa giải văn học" của Chủ tịch Hội nhà văn Hữu Thỉnh, một tác phẩm lịch sử có giá trị là "Petrus Ký – Nỗi oan thế kỷ" của học giả Nguyễn Đình Đầu đã không thể ra mắt độc giả vì một lý do nào đó mà chính tác giả cũng không được biết.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA tiếng Việt, 07/02/2017