Dịch viêm phổi Vũ Hán đã chất thêm gánh nặng cho cư dân đồng bằng sông Cửu Long – khu vực vốn bị xem là đang hấp hối vì hạn hán và nước mặn xâm nhập càng ngày càng sâu vào ruộng, vườn.
Đồng Bằng Sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016. [nguồn : Việt Nam Express 3/11/2016]
Hạn hán và nhiễm mặn không mới. Tình trạng này từng lặp đi, lặp lại nhiều lần. Yếu tố "mới" chỉ ở mức độ trầm trọng. Khi so lần sau với những lần trước, dù muốn hay không thì từ các viên chức hữu trách đến cư dân cũng phải cùng thừa nhận là… chưa từng có !
Hậu quả của hạn hán và nhiễm mặn càng ngày càng đa dạng : Khai thác nước ngầm để bù vào lượng nước ngọt cần thiết cho cả sinh hoạt lẫn trồng trọt, chăn nuôi... vốn càng ngày càng giảm khiến bề mặt Đồng bằng sông Cửu Long biến dạng.
Được sự tiếp sức của việc cho phép khai thác – tận thu cát vô tội vạ, sạt lở, sụt lún đã xảy ra khắp nơi. Giờ, "tan rã" không còn là nguy cơ. "Tan rã" đã trở thành hiện thực, đe dọa hủy diệt khu vực mà sản vật tự nhiên vốn đa dạng, phong phú nhất Việt Nam !
***
Cho dù mức độ trầm trọng của thảm trạng đang diễn ra ở Đồng bằng sông Cửu Long có sự góp phần của những con đập ở thượng nguồn sông Mekong và thời tiết dị thường do biến đổi khí hậu nhưng xét cho đến cùng, nguyên nhân chính vẫn nằm ở tư duy quản trị và năng lực điều hành quốc gia…
Cho dù còn không ít khác biệt về biện pháp giải cứu Đồng bằng sông Cửu Long nhưng ít nhất, các chuyên gia ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam luôn đồng thuận : Hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ không càng ngày càng đáng sợ như đã thấy nếu "đảng ta" không ra lệnh cải tạo những vùng trũng từng là nơi tích nước cho Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Tháp Mười...) thành ruộng lúa.
Hệ thống đê bao, những dự án kiểu như "Ngọt hóa bán đảo Cà Mau"... những nghị quyết nhằm tăng sản lượng gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long để vươn lên dẫn đầu về xuất cảng gạo, để nâng kim ngạch xuất cảng thủy sản, giúp "chỉ tiêu tăng trưởng" của năm sau cao hơn năm trước...
Tương tự, để thu hút đầu tư, vì "chỉ tiêu tăng trưởng" mà gật đầu liên tục với đủ loại dự án đầu tư, cho phép xây dựng những nhà máy mà hoạt động hủy hoại cả môi trường sống lẫn nguồn nước (bột giấy, đốt than để phát điện...) đã khiến nguồn nước của sông rạch ô nhiễm trầm trọng, phải bù đắp bằng gia tăng khai thác nước ngầm.
Hạn hán, sông rạch và ruộng vườn nhiễm mặn, sạt lở, sụt lún ở Đồng bằng sông Cửu Long liệu có trầm trọng như đang thấy nếu không có những chủ trương, những nghị quyết như đã kể, không có việc thi nhau cho phép khai thác cát để tăng nguồn thu ? Chắc chắn là không ! Đã có ai, nơi nào nhận hoặc bị truy cứu trách nhiệm về những chủ trương, nghị quyết đó không ?
***
Trước tình trạng càng ngày càng bi đát của Đồng bằng sông Cửu Long, cuối năm 2017, chính phủ Việt Nam ban hành thêm một nghị quyết nữa để giúp Đồng bằng sông Cửu Long "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu" và "phát triển bền vững" (Nghị quyết 120/NQ-CP).
Nghị quyết 120/NQ-CP được chính các viên chức hữu trách lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam ví von là "Nghị quyết thuận thiên" : Quản trị và điều hành hoạt động kinh tế - xã hội ở Đồng bằng sông Cửu Long sẽ "tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp với điều kiện thực tế, tránh can thiệp thô bạo vào tự nhiên" (1).
Cho dù cuối cùng đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta cũng thấy, ít nhất với trường hợp Đồng bằng sông Cửu Long, quản trị, điều hành phải thuận… thiên nhưng trên thực tế, đảng ta, quốc hội ta, nhà nước ta, chính phủ ta vẫn muốn dùng nghị quyết thế… thiên !
Tuần trước, khi tham gia "Tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 53 của Bộ Chính trị về Đề án An ninh lương thực quốc gia đến năm 2020", ông Nguyễn Xuân Phúc – người thường tỏ ra hết sức tâm đắc với "Nghị quyết thuận thiên" - tuyên bố : "Ta" đang đối diện với "thử thách lớn", phải "nuôi ăn 104 triệu người", do đó cần "chốt cứng diện tích trồng lúa và sản lượng lương thực hàng năm" và sẽ sớm trình Bộ Chính trị đề nghị giữ hơn 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa để ít nhất cũng có 22 triệu tấn gạo (2)…
Cách nay hơn ba thập niên, "an ninh lương thực" mở đường cho nhiều chủ trương, nghị quyết "cải tạo toàn diện" Đồng bằng sông Cửu Long, đẩy khu vực này trước thảm trạng như đang thấy. Giờ khi các chuyên gia ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam đã hiến nhiều giải pháp nhằm giúp Đồng bằng sông Cửu Long cầm cự, "an ninh lương thực" lại ngóc đầu gượng dậy.
Thiếu nước ngọt, ruộng vườn nhiễm mặn là thực tế khó lòng xoay chuyển nhưng "thuận thiên" có thể giúp cho Đồng bằng sông Cửu Long tồn tại và phát triển theo những hướng khác như tôm, cá... Một "nghị quyết" kiểu nhưphải giữ hơn 3,5 triệu héc ta đất trồng lúa để ít nhất cũng có 22 triệu tấn gạo có thể sẽ tiếp tục sổ toẹt vai trò, tri thức của các chuyên gia.
Bây giờ là lúc để những cá nhân có thực học trong nhiều lĩnh vực (thủy lợi, nông nghiệp, thủy sản, kinh tế, thương mại...) cùng nhau thảo luận, lựa chọn những giải pháp hợp lý nhất, khả thi nhất giúp Đồng bằng sông Cửu Long có thể thật sự "thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu" và "phát triển bền vững". Nếu chưa "tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc và tự nhận các hình thức kỷ luật tương xứng" về trách nhiệm đối với hiện trạng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Chính trị nên ngồi im.
Thực tế đã cho thấy những cá nhân thủ đắc "cao cấp lý luận chính trị" hay "xây dựng đảng" hoặc có chuyên môn sâu về những lĩnh vực tương tự không thể và không nên can dự vào việc tìm lối thoát hiểm cho Đồng bằng sông Cửu Long. Phá đến như thế mà vẫn thấy chưa đủ ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 24/03/2020
Chú thích
Nếu đặt hàng loạt sự kiện liên quan đến thảm họa và đối sách bên cạnh nhau có thể nhìn thấy nhiều vấn đề ở tương lai gần và thấy "ấm no, hạnh phúc" đang ở rất xa…
Đồng Bằng Sông Cửu Long với cảnh hạn hán khốc liệt năm 2016. [nguồn : VnExpress 3/11/2016]
***
- Ngày 3 tháng 3, trong phiên họp chính phủ theo định kỳ, ông Mai Tiến Dũng thay mặt chính phủ nhận định về tình hình kinh tế - xã hội của tháng 2, theo đó, tuy có nhiều dấu hiệu cho thấy COVID-19 ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và sự ổn định của kinh tế vĩ mô nhưng vẫn còn nhiều "điểm sáng".
Chẳng hạn so với cùng kỳ năm ngoái thì : Giá cả ổn định. Cả nông nghiệp lẫn công nghiệp đều tăng trưởng. Tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng tăng. Kiểm soát được nhập siêu. Số lượng doanh nghiệp mới thành lập và số vốn đăng ký tiếp tục ở mức cao so với cùng kỳ năm ngoái. Số doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại tăng.
Tuy nhiên ngay trong phiên họp vừa kể, cũng chính ông Dũng không chỉ tự che bớt… độ sáng của các "điểm sáng" mà còn gây hoang mang về yếu tố… "sáng". Ví dụ, nếu du lịch, vận tải, lưu trú, ăn uống bị COVID-19 tác động mạnh thì tại sao doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng lại tăng ? Nếu cảnông nghiệp lẫn công nghiệp đều tăng trưởng thì có cần cam kết sẽ sớm ban hành một chỉ thị để đặt định các giải pháp nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với COVID-19 (1) ?
- Vài ngày sau, hôm 7 tháng 3, cũng dựa trên các số liệu vĩ mô do Tổng cục Thống kê của chính phủ công bố, tờ Thời báo Kinh tế Sài Gòn (TBKTSG) nhận định : Kinh tế tháng 2 ‘ngấm đòn’ COVID-19 (3). Theo phân tích của TBKTSG, nếu lưu ý đến yếu tố tháng 2 năm nay không có nhiều ngày nghỉ Tết như tháng 2 năm ngoái thì sản xuất công nghiệp không những không tăng mà còn giảm trong hai lĩnh vực chính là chế tạo, chế biến.
Cũng theo TBKTSG, khó khăn đối với sản xuất công nghiệp chỉ mới bắt đầu và sẽ càng ngày càng tăng trong những tháng tới vì nguồn dự trữ nguyên vật liệu cho sản xuất của nhiều doanh nghiệp đang giảm. Nếu giao thương với Trung Quốc không sớm tái lập thì sản xuất công nghiệp trong các tháng tới có thể sẽ sớm sụt giảm.
So với cùng kỳ năm ngoái, tuy tổng mức bán lẻ và doanh thu từ dịch vụ tiêu dùng có tăng 8,3% nhưng đó là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2014 đến nay. Nếu loại trừ tác động của lạm phát (tăng gần 6%) thì mức tăng thật của doanh số bán lẻ chỉ còn khoảng 2% hoặc 3%. Thậm chí so với cùng kỳ năm ngoái, doanh thu riêng từ bán lẻ và đặc biệt là doanh thu từ ăn uống, lưu trú giảm khoảng bảy lần !
Đừng so với cùng kỳ năm ngoái mà so với tháng trước đó thì số vốn đăng ký của các doanh nghiệp mới thành lập không những không tiếp tục ở mức cao mà giảm chừng 21%. Cho dù số doanh nghiệp mới thành lập không quan trọng bằng số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh và xin giải thể nhưng vì chính phủ không đề cập nên có thể nhiều người không biết, so với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này tăng 61,8% và 121%...
- Hóa ra cùng dùng một nguồn nhưng có tới hai cách lựa chọn, giải thích – nhận định về các số liệu thống kê. Cách lựa chọn và giải thích – nhận định của chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội khác xa thực tế cuộc sống mà từ doanh nhân đến công dân đối diện, mục kích hàng ngày nên niềm tin vốn đã mỏng manh càng thêm dễ vỡ. Kêu gọi, thậm chí buộc công dân tin vào khả năng quản trị, điều hành của đảng, nhà nước có khác gì buộc đồng bào mặc áo cà sa khi đi với… ma !
***
Ba ngày sau khi giới thiệu những "điểm sáng" về tình hình kinh tế - xã hội tháng 2 năm nay, ngày 6 tháng 3, Thủ tướng Việt Nam ban hành một chỉ thị như đã hứa để đặt định "những giải pháp cấp bách, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện nhiệm vụ ‘kép’ vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế, xã hội" (Chỉ thị 11).
Theo Chỉ thị 11, chính phủ sẽ tung ra gói tín dụng 250.000 tỉ, gói tài khóa 30.000 tỉ và hàng loạt biện pháp để giúp doanh nghiệp vượt qua những khó khăn do COVID-19 (3). Ví dụ hệ thống ngân hàng sẽ rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn - giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ,... với những khách hàng gặp khó khăn vì COVID-19. Gói tín dụng 250.000 tỉ đồng sẽ dùng để thực hiện các giải pháp vừa kể.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính được yêu cầu khẩn trương trình chính phủ cơ chế miễn, giảm thuế, lệ phí. Đề xuất các giải pháp về thuế và chi ngân sách nhà nước... Những giải pháp mà chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính chi tiết hóa để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó với COVID-19 được ước tính sẽ tiêu hết khoảng 30.000 tỉ đồng.
Trong Chỉ thị 11, những cơ quan khác như Bộ Giao thông – Vận tải được chỉ đạo là phải hướng dẫn ngay các đơn vị kinh doanh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí logistics, hàng không, đường bộ, đường sắt... Bộ Công Thương được yêu cầu nghiên cứu - đề xuất các giải pháp đa dạng hóa, bảo đảm đủ nguồn cung cho sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc và các nước. Đẩy mạnh xuất khẩu, đa dạng hoá các thị trường xuất, nhập khẩu và tìm thị trường mới...
Nhìn một cách tổng quát, những chỉ đạo vừa kể chẳng khác gì các… thân hữu, dẫu tẻ nhạt, vô vị nhưng người Việt thường xuyên phải… chạm mặt. Cứ dùng google để tra sẽ thấy cả triệu kết quả tương tự vì các giải pháp như vậy đã được chỉ đạo từ năm này qua năm khác, kể cả những năm không có… dịch ! Nếu chính phủ tiếp tục được kiến tạo theo phương thức này, Chỉ thị 11 có thể đổi số, đổi ngày ban hành để đặt định các giải pháp… cấp bách đối phó với COVID… 20, COVID…. 21, COVID… 22,… trong tương lai cả gần lẫn xa !
***
Ngoài COVID-19, kinh tế - xã hội Việt Nam còn đối diện với những rủi ro khó lường từ hạn hán. Nước cho ăn uống, tắm giặt, trồng trọt, chăn nuôi đã và sẽ còn thiếu hụt trầm trọng cả ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Tây Nguyên, miền Trung,… Đến giờ, tại ĐBSCL, hạn hán, nước mặn từ biển xâm nhập vào sông rạch, ruộng vườn đã vượt các kỷ lục của mùa khô 2015 – 2016 (vốn được xem là chưa từng có).
Đã có 5/13 tỉnh thành phố ở ĐBSCL là Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau công bố tình trạng khẩn cấp (4). Tuy hạn hán và nước mặn xâm nhập ĐBSCL đã xuất hiện từ tháng 12 năm ngoái nhưng cuối tuần vừa qua, Thủ tướng mới thay mặt chính phủ loan báo, sẽ cấp cho mỗi tỉnh trong số năm tỉnh vừa công bố tình trạng khẩn cấp khoản tiền là 70 tỉ đồng/tỉnh (5).
Nhiều người đã đem khoản tiền 70 tỉ đồng mà chính phủ cấp cho mỗi tỉnh trong năm tỉnh đang chật vật xoay sở trước hạn hán, nước mặn xâm nhập ở ĐBSCL, với khoản tiền 269 tỉ đồng mà chính quyền thành phố Hải Phòng dự tính sẽ dùng để mua quốc kỳ, ấm chén tặng các cư dân của thành phố này. Cần nhớ điều mà các viên chức thành phố Hải Phòng từng lưu ý : 269 tỉ ấy là tiền do Hải Phòng… làm ra (6) !
Vậy 13 tỉnh, thành phố ở ĐBSCL có làm ra tiền không ? Có ! Cứ xem lại các số liệu của thập niên 1990, 2000 thì có thể thấy ĐBSCL từng làm ra rất nhiều tiền và đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam của ĐBSCL chính là tiền đề để nhiều tỉnh, thành phố như Hải Phòng làm ra… tiền. Còn chuyện ĐBSCL lụn bại vì biến đổi khí hậu, vì nước bị chặn ở thượng nguồn sông Mekong, thậm chí đối diện với nguy cơ mà nhiều chuyên gia ví von là "tan rã" thuộc… phạm trù điều hành, quản trị quốc gia.
Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hải Phòng, Hội đồng nhân dân thành phố Hải Phòng đã bỏ phiếu, nhất trí chi 269 tỉ mua quốc kỳ và ấm chén. Đó là tiền của Hải Phòng và là "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân thành phố Hải Phòng, đảng, nhà nước, quốc hội và chính phủ tôn trọng "ý chí, nguyện vọng" đó. Không cần phải bận tâm tới ĐBSCL vì đã có nghị quyết… "phát triển bền vững, thích ứng với các tác động của biến đổi khi hậu".
Trước nay, sở dĩ ĐBSCL chưa bao giờ được đầu tư thỏa đáng là do công quỹ thiếu trước, hụt sau, phải vay mượn cả ngoài lẫn trong để chi thường xuyên, chính phủ "chưa thể cân đối, phân bổ ngân sách" và khả năng đầu tư thỏa đáng cho "vùng kinh tế trọng điểm" như ĐBSCL có lẽ sẽ còn rất lâu bởi ĐBSCL vẫn chưa phải là ưu tiên hàng đầu. Đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ còn phải dốc hết nội lực quốc gia cho những ý tưởng khác…
Cách nay mười ngày, khi nông dân ở ĐBSCL đã phải bỏ hoang hàng trăm ngàn héc ta ruộng vườn, khi không lúa, không trái cây, không tôm cá, thiếu cơm ăn, áo mặc đã hiển hiện, chính phủ đã chính thức giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhiệm vụ xây dựng "Đề án phát triển doanh nghiệp nhà nước quy mô lớn, đặc biệt là phát triển tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu" để "phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước đa sở hữu" nhằm "mở rộng chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị trong nước, khu vực và thế giới" (7).
Trân Văn
Nguồn : VOA, 10/03/2020
Chú thích :
(2) https://www.thesaigontimes.vn/300763/kinh-te-thang-2-ngam-don-covid-19.html
(4) https://moitruong.net.vn/chinh-phu-ho-tro-70-ty-dong-cho-5-tinh-mien-tay-ung-pho-han-man/
(5) https://moitruong.net.vn/chinh-phu-ho-tro-70-ty-dong-cho-5-tinh-mien-tay-ung-pho-han-man/
(7) https://ndh.vn/thoi-su/xay-dung-de-an-phat-trien-doanh-nghiep-nha-nuoc-quy-mo-lon-1263963.html
Lại thêm một quyển sách nữa về sông Mekong được xuất bản. Lần này là quyển Last Days of The Mighty Mekong, tạm dịch : Những ngày cuối của Mekong vĩ đại. Tác giả là ông Brian Eyler, một nhà nghiên cứu người Mỹ có nhiều năm làm việc tại vùng Vân Nam, Trung Quốc, đồng thời ông cũng có nhiều chuyến làm việc tại các quốc gia thuộc lưu vực sông Mekong, trong đó có Việt Nam.
Một nông dân đang lấy nước ngầm ở tỉnh Sóc Trăng, trong vụ hạn hán lịch sử tại Đồng bằng Sông Cửu Long 2015-2016. 3/2016. AFP
Loạt bài sau đây xin điểm lại khái quát những đe dọa mà con sông lớn hàng thứ sáu trên thế giới đang phải hứng chịu, đặc biệt là những gì liên quan đến Việt Nam.
Bài thứ nhất viết về những tổn hại vật chất, môi trường của con sông này.
Bài thứ hai sẽ nói về những xáo trộn xã hội văn hóa lớn đang diễn ra tại vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, và bài cuối sẽ nói về những xung đột, can thiệp quyền lực để thống trị con sông này.
Sông Mekong, những ngày tàn lụi !?
Sông Mekong dài hơn 4300 cây số, xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, và đổ ra Biển Đông. Con sông này tạo nên Đồng bằng Sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất Việt Nam.
Có ba nguồn lợi lớn nhất mà con sông này đem lại cho cư dân sống trong lưu vực của nó :
Tiềm năng thủy điện ở thượng nguồn và vùng trung lưu thuộc các quốc gia Trung Quốc, Lào.
Cung cấp cá nước ngọt cho cư dân Lào, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam.
Cung cấp phù sa cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long, khu vực sản xuất lúa gạo cây trái lớn nhất Việt Nam.
Điều trớ trêu ở đây chính là nguồn lợi thứ nhất, tiềm năng thủy điện, là nguyên nhân chính đưa đến việc hủy hoại hai nguồn lợi tiếp theo, và qua đó dẫn tới lời cảnh báo như tựa đề của quyển sách The Last Days of The Mighty Mekong của ông Brian Eyler.
Theo số liệu của ông Eyler, hiện nay trên đoạn sông Mekong chảy qua Trung Quốc, còn có tên gọi là Lan Thương, có tất cả sáu con đập khổng lồ đang hoạt động trong tổng số 19 con đập lớn nhỏ được hoạch định, và theo lời ông Eyler trong buổi ra mắt cuốn sách này tại thủ đô Hoa Kỳ hôm 19/2/2019, những con đập này ngăn cản đến một nửa lượng phù sa đổ về hạ nguồn.
Xuôi xuống vùng trung lưu thuộc nước Lào, những con đập khổng lồ cũng đã và đang được xây dựng, gây nên những tranh cãi giữa Lào với hai nước hạ lưu là Campuchia và Việt Nam, khi Lào tiến hành xây những con đập lớn là Pak Beng, Don Sahong, Xayaburi.
Những con đập vùng trung lưu sông Mekong đang đe dọa hủy diệt nguồn thủy sản của con sông này vì chặn mất dường di chuyển của các loài cá khiến chúng bị diệt vong. Nguồn thủy sản sông Mekong là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất cho cư dân dọc hai bờ sông từ Lào, sang Campuchia cho đến Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, làm việc tại Trung tâm biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ nói với Đài RFA về dự án Pak Beng :
"Hầu hết các chuyên gia lo ngại là các đập đó sẽ giữ lại phần lớn phù sa và bùn cát ở thượng nguồn, không đi về phía hạ lưu được, làm thay đổi về mặt dòng chảy và một phần làm ảnh hưởng đến nguồn cá và các hệ sinh thái...Có nhiều vấn đề lắm. Tại vì dự án này không đánh giá đầy đủ qua những tác động của nó lên vùng hạ lưu, rất mờ nhạt. Do đó, hầu hết chuyên gia đều phản bác dự án này".
Ngoài lượng phù sa bị chận lại, nước cũng bị các con đập ở thượng nguồn giữ lại, và đây là một trong những nguyên nhân chính được cho là đã gây nên trận hạn hán lịch sử mùa khô 2015-2016 tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Lượng phù sa, bùn cát bị giữ lại, cộng với việc khai thác cát ồ ạt cho nhu cầu phát triển kinh tế gây ra một tai ương khác là nạn xói lở tại Đồng bằng Sông Cửu Long.
Một chuyên gia về sông Cửu Long là Tiến sĩ Dương Văn Ni, từ Cần Thơ, nói với đài RFA :
"Mấy năm gần đây, do nhu cầu phát triển của khu vực, từ Lào. Thái Lan, qua Campuchia, qua Việt Nam, bùng nổ, quá lớn. Quốc gia nào cũng tranh thủ khai thác cát. Khi mùa lũ tới, dòng nước không còn cát cản để tiêu hao năng lượng, bèn xói vô bờ làm lở bờ sông".
Việc xói lở bờ sông Cửu long tại Việt Nam đã trở thành một hiện tượng thường xuyên, cuốn trôi nhà cửa, ruộng vườn của cư dân ở đây.
Ngoài những nguyên nhân mà người Việt Nam không chủ động chế ngư được như những con đập trên thượng nguồn, còn có những nguyên nhân do chính họ tạo ra đã góp phần gây nên cái mà ông Brian Eyler gọi là Đồng bằng Cửu Long lụi tàn, Whither the Mekong Delta.
Đầu tiên phải kể đến việc đắp đê bao ngăn nước lũ, trái với qui luật tự nhiên của vùng đất này để có thể có thêm vụ lúa thứ ba trong năm. Điều này dẫn đến chuyện đất bị bạc màu do không tiếp xúc với nước lũ hàng năm. Sau nhiều lần cảnh báo, nhiều khu vực tại đồng bằng Cửu Long bắt đầu phá bỏ đê bao. Tiến sĩ nông học Võ Tòng Xuân, từ Cần Thơ nói với RFA :
"Mình phải biết làm kinh tế, chứ mấy ông lãnh đạo cứ đè dân xuống cho họ làm ra thêm lúa để được thăng quan tiến chức. Bỏ đê bao đi mình làm hai vụ, vụ kia để cho phù sa vào mình nuôi trồng thủy sản trong vụ mùa mưa".
Tuy nhiên việc làm muộn màng này theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, lại một lần nữa làm xáo trộn cuộc sống của người dân vùng đồng bằng.
Do thiếu nước ngọt vì các đập giữ lại trên thượng nguồn, đối diện với nhu cầu dân số tăng lên, người dân vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã phải tăng cường việc khai thác nước ngầm. Việc khai thác nước ngầm này đã vượt quá sự bổ sung nước một cách tự nhiên của lòng đất, tạo nên những chổ rỗng, làm cho đồng bằng bị sụt lút. Theo con số mà ông Brian Eyler đưa ra trong quyển sách của mình, trong 25 năm qua Đồng bằng Sông Cửu Long sụt xuống trung bình 18cm, có nơi Sóc Trăng, Bạc Liêu đến 30cm.
Thiếu nước ngọt ở bề mặt, sụt lún do khai thác nước ngầm, cộng với hiện tượng nước biển dâng lên trên toàn cầu, làm cho nước biển tràn vào gây nên nhiễm mặn trầm trọng. Tất cả những điều này, theo ông Eyler đã biến Đồng bằng Sông Cửu Long trở thành một vùng Châu thổ đứng hàng thứ ba trên thế giới về mức độ dễ thương tổn, có thể làm biến mất vựa lúa lớn nhất của đất nước, công trình khai phá hàng trăm năm nay của người Việt Nam.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 21/02/2019
Ủy ban sông Mekong đã thất bại trong việc thực thi sứ mạng của mình để bảo đảm sự phát triển của dòng sông này.
Hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, 2016. AFP
Đó là tuyên bố của Liên minh cứu sông Mekong trong bức thư gửi Ủy ban sông Mekong vào ngày 27 tháng 11, năm 2017, ngay trước kỳ họp lần thứ 24 của Ủy ban này từ hôm nay 28 đến ngày 30 tháng 11, năm 2017.
Bức thư này được gửi đến các vị Bộ trưởng Môi trường hoặc Bộ trưởng những lĩnh vực liên quan đến môi trường của các quốc gia thành viên Ủy ban sông Mekong là Việt Nam, Campuchia, Lào, và Thái Lan, và đồng kính gửi ông Phạm Tuấn Phan, Trưởng Ban thư ký Ủy ban sông Mekong.
Liên minh cứu sông Mekong cho rằng ý kiến của các nhà khoa học về sông Mekong đã không được coi trọng, cũng như ý kiến của các cộng đồng cư dân đã không được lắng nghe khi thực hiện các dự án trên sông Mekong.
Bức thư đề nghị Ủy ban sông Mekong cải cách các thủ tục và qui trình để tạo điều kiện cho sự tham gia của cư dân sống ven bờ sông Mekong có hiệu quả.
Liên minh cứu sông Mekong kêu gọi dừng ngay việc xây dựng các đập thủy điện trên sông Mekong vì những đập này sẽ làm ảnh hưởng đến lượng cá trên sông, là nguồn thực phẩm của hàng triệu người sống dọc sông này.
Theo ước tính của Liên minh cứu sông Mekong, nếu các dự án đập thủy điện được thực hiệp sắp tới đây, tổng lượng cá đánh bắt được sẽ giảm từ 26 đến 42%.
Các đập thủy điện này cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam, nơi sản xuất hơn phân nửa lượng gạo của cả nước và nuôi sống 145 triệu người Châu Á.
Liên minh cứu sông Mekong đưa ra những biện pháp có thể thay thế cho các đập thủy điện đó là năng lượng gió và mặt trời. Liên minh nhấn mạnh là việc thay thế này ngày càng dễ thực hiện vì kỹ thuật cũng như các thiết bị để sản xuất điện từ gió và mặt trời ngày càng rẻ.
Sông Mekong dài hơn 4000 cây số, là một trong những con sông quan trọng của Châu Á và thế giới. Sông này chảy qua sáu quốc gia là Trung Quốc, Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Ủy ban sông Mekong được thành lập vào năm 1957, do các nước vùng hạ du là Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam, nhằm hợp tác phát triển giửa các quốc gia này trong việc chia sẻ nguồn nước, thực hiện các dự án chung nhằm tránh những xung đột về quyền lợi với nhau.
Trong vài năm gần đây người ta cho rằng Ủy ban sông Mekong đã bất lực trong việc phát triển con sông một cách bền vững, Ủy ban đã không thể làm gì được khi Trung quốc, một quốc gia không phải là thành viên, xây dựng hàng chục con đập lớn trên thượng nguồn, cũng như cũng không làm gì được khi nước Lào, một quốc gia thành viên của Ủy ban sông Mekong xây dựng những con đập khổng lồ trên con sông này.
Thành phố Hồ Chí Minh : Một cán bộ quận ‘chiếm dụng 54 tỷ đồng’ (BBC, 28/06/2017)
Thành phố Hồ Chí Minh vừa khiển trách nguyên Bí thư Quận ủy Tân Phú vì xảy ra việc Trưởng ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận "chiếm dụng hơn 54 tỉ đồng". Đây là kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng quận.
Tiền ơi, sao mi hấp dẫn quá ! - Ảnh minh họa
Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nói ông Thi Danh, trưởng ban bồi thường, cùng ông Nguyễn Duy Linh, nguyên kế toán trưởng ban bồi thường, đã bị khai trừ Đảng và bị công an bắt.
Nguyên Bí thư Quận ủy Tân Phú nhiệm kỳ 2010-2015, Huỳnh Văn Hạnh, bị khiển trách.
Nhưng ông Hạnh vẫn đang giữ chức giám đốc sở Tư pháp thành phố.
Phó bí thư quận ủy kiêm chủ tịch UBND quận, cùng một số người khác bị khiển trách.
Theo thông báo, ông Thi Danh và ông Nguyễn Duy Linh đã lập khống nhiều hồ sơ để chi tiền bồi thường cho các đối tượng khác nhau, và chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng.
************************
Dự báo hạn hán đối với Đồng bằng sông Cửu Long (RFA, 28/06/2017)
Hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long Courtesy of Zing.vn
Sẽ có hơn nửa triệu hectare ruộng đất ở đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi hạn hán từ đây cho đến năm 2030.
Thông tin này được đưa ra trong một cuộc hội thảo khoa học mang tên Sản xuất nông nghiệp trong điều kiện thay đổi lũ và phù sa ở đồng bằng sông Cửu Long, do trường Đại học An Giang phối hợp tổ chức với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn của tỉnh này. Tham dự hội thảo còn có các chuyên gia của các viện và trường từ Cần Thơ và Sài Gòn.
Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn thuộc Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu, thuộc Đại học Cần Thơ thì trong 20 năm qua mỗi năm số lượng phù sa về đồng bằng Cửu long giảm đi đến 2,3%.
Lượng nước lũ về đồng bằng Cửu Long cũng giảm đi rất nhiều.
Theo các chuyên gia thì việc giảm lượng phù sa, cộng với nước biển dâng do biến đổi khí hậu, việc khai thác nước ngầm quá mức, quá trình đô thị hóa sẽ làm cho đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún mạnh hơn.