Đã nhiều ngày nay, học sinh Việt Nam im lặng về quyền sử dụng điện thoại trong lớp.
Số đông phụ huynh và nhiều thầy cô quyết tâm cấm đoán có vẻ không làm họ bớt thờ ơ.
Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi và giả thiết cho thế hệ trẻ, rộng hơn là về tương lai đất nước.
Hình minh họa.
Bất cần hay chậm tiến ?
Dù có nhược điểm, điện thoại thông minh là một phát minh lớn của loài người, một công cụ hữu ích để tra cứu, học tập.
Dù có nhược điểm, Internet là kho kiến thức, thông tin vô giá, không có thầy nào, trường nào thay thế được.
Tham khảo thông tin không giới hạn là nhu cầu chính đáng của học sinh. Không kết nối internet (trong lúc học) có thể làm chậm tiến trình tiếp thu, làm bài, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập.
Chấp nhận cấm đoán là học sinh bằng lòng với sự chậm tiến, nếu không, họ chỉ còn cách vụng trộm.
Những người đàng hoàng lén lút ?
Giống như lái xe vượt đèn đỏ, thậm chí không có bằng lái, con em chúng ta vẫn đang di chuyển.
Giống như điểm thật một, điểm giả mười, học sinh Việt Nam sẽ kết nối internet theo cách khác.
Chúng đã, đang vô tình hoặc có ý thức bắt chước lối sống của người lớn. Không cần phản ứng gì cả, lẳng lặng cửa sau.
Theo tiêu chuẩn đó, họ trở thành những người đàng hoàng lén lút, trộm cắp quyền của chính mình.
Một thế hệ trẻ yếu đuối – Một quốc gia hùng cường ?
Thầy chỉ chú trọng dạy trò đồng thanh : "Trật tự" (*), là lệch lạc. Kỷ luật có mặt trái là hạn chế sáng tạo.
Cha mẹ cần cho con dùng internet, giống như cho con nghịch đất để cơ thể trẻ đề kháng vi trùng.
Con cái thiếu trải nghiệm thực tiễn, kể cả thực tiễn ảo sẽ thiếu kỹ năng, chậm trưởng thành.
Học sinh không được khuyến khích bảo vệ quyền lợi của mình sẽ trở nên yếu đuối. Đa số người trẻ yếu đuối là thế hệ trẻ bạc nhược.
Một thế hệ yếu ớt, không dám bảo vệ quyền lợi của mình, khó có khả năng bảo vệ quốc gia.
Từ tuần trước, Bộ Giáo Dục Đào Tạo công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp.
Tuy nhiên, giáo chức có xu hướng tiếp tục ngăn cấm học sinh. Một vị là Chủ tịch Hội đồng Quản trị một trường phổ thông công khai : "Bộ có cho phép, trường tôi vẫn sẽ cấm".
Rất nhiều cha mẹ học sinh đồng tình với các thầy, nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Họ cho rằng, sử dụng điện thoại trong lớp có hại cho học sinh.
Nhiều người đã kêu gọi sự đồng thuận tiếp tục cấm đoán, ngăn chặn học sinh. Có người sẵn sàng đập vỡ điện thoại của con nếu chúng không chấp hành
Đã hơn một tuần, phụ huynh có vẻ hài lòng vì con mình không có ý kiến. Họ nên nghĩ xa hơn, những đứa con im lặng chưa chắc vâng lời. Quan trọng hơn, đó là biểu hiện tiêu cực.
Điện thoại sinh ra vốn để con người được nói, nhưng con chúng ta im lặng. Đó là thực tế đáng lo.
Ra đường sợ nhất công, nông
Về nhà sợ nhất con không nói gì !
Nguyễn Hà Hùng
Nguồn : VOA, 29/09/2020
Chú thích :
(*) "Học sinh – Trật tự" là khẩu ngữ học trò Việt Nam vẫn phải đồng thanh mỗi ngày.
Người dân biểu tình bị bắt tại Đồng Nai ra tù vẫn giữ ngọn lửa vì đất nước (RFA, 10/04/2019)
Vào ngày 10/4/2019 thêm 12 người dân trong số 20 người bị bắt vì đã tham gia biểu tình phản đối Luật Đặc Khu và An Ninh Mạng ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hôm 10/6/2018 với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" đã được thả tự do sau khi mãn hạn tù.
Một trong số các bạn trẻ tham gia biểu tình tại Đồng Nai được tự do hôm 10/4/2019. Edited from FB Nguyen Thuy Hanh
Trước đó, theo thông tấn xã Việt Nam dẫn cáo trạng của viện kiểm sát nhân dân Thành phố Biên Hòa cho biết có khoảng hơn 200 người tham gia vào đoàn biểu tình hôm 10/6/2018. Số đông những người này, theo cáo trạng đã lấn chiếm lòng đường, ngăn chặn các phương tiện lưu thông qua lại gây ra ách tắc giao thông nghiêm trọng. Chiều cùng ngày, công an thành phố Biên Hòa đã tiến hành bắt tạm giam 20 người trong tổng số hơn 200 người tham gia biểu tình tại Đồng Nai.
Vào ngày 30/7/2018, tại buổi xét xử tòa án nhân dân Đồng Nai đã tuyên phạt với mức án từ 8 cho đến 18 tháng tù giam cho 20 bị cáo này với cáo buộc tội gây rối trật tự công cộng tại địa phương.
Đài Á Châu Tự Do liên lạc với anh Hồ Công Di, một thanh niên trẻ trong số 12 người được trả tự do vào ngày 10/4 chia sẻ với chúng tôi :
"Từ lúc ra trại thì người nhà lên đón với lại có được sự ủng hộ của mọi người nên em rất vui và tự hào vì đã làm được một điều có ích cho xã hội. Quyền tự do của mình, và đất nước của mình nên mình đâu sợ gì đâu".
Anh Hồ Công Di bị tòa án nhân dân Đồng Nai kết án 10 tháng tù giam với cáo buộc tội gây rối trật tự công cộng.
Nói về thời gian ở trong tù và những trao đổi với bạn tù về việc tham gia biểu tình, anh Di cho biết :
"Trong trại giam những người tù khác cũng giúp đỡ nhiều lắm, họ nói là nhờ bọn em mà giữ lại được đất nước này, phản đối luật đặc khu này nọ, rất nhiều anh em trong tù ca ngợi bọn em vì điều đó lắm. Những người bạn tù khác ai cũng có suy nghĩ giống như em vậy đó là rất tự hào là làm được điều có ích cho xã hội. Em cũng không biết nữa nói chung nếu nó làm sai thì mình phải đứng lên giữ lại đất nước của mình chứ không để bọn Trung Quốc chiếm đóng được".
Sau khi có tin 12 người tham gia biểu tình được trả tự do, nhiều nhà hoạt động xã hội dân sự tại Việt Nam đã bày tỏ cảm xúc trên trang cá nhân rằng họ vui mừng vì các em vẫn giữ được tinh thần ngọn lửa vì dân tộc vì đất nước.
Luật sự Đặng Định Mạnh, một trong ba luật sư bào chữa cho 20 bị cáo này cho biết, ông cảm thấy vui sau khi biết tin :
"Tối nay tôi có nói chuyện với một số bạn và trước tiên điều tôi đáng nghi nhận là các bạn là không có một ai tỏ vẻ là hối hận về việc mình đã làm cả. Có bạn còn khẳng định là nếu như có trở lại ngày hôm đó thì các bạn vẫn sẽ làm như vậy chứ không làm cái gì khác. Tuổi các bạn còn rất là trẻ nhưng suy nghĩ rất là chính chắn và tôi tin đây là tín hiệu tốt đẹp cho tương lai của đất nước mình".
Hai mươi người tham gia cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng ở thành phố Biên Hòa, Đồng Nai hôm 10/6/2018 bị đem ra xét xử với cáo buộc "gây rối trật tự công cộng". Courtesy of vnews.gov.vn
Đồng thời, luật sư Mạnh khẳng định rằng đây là một bản án vô cùng bất công và vô lý vì các bạn chỉ xuống đường để thể hiện chính kiến của mình với vận mệnh của đất nước, hoàn toàn theo hiến pháp Việt Nam. Ông giải thích
"Cần phân biệt rõ giữa tội là gây rối trật tự công cộng va biểu tình. Gây rối trật tự là những hành vi gây mất an ninh trật tự mà không vì mục đích công, nhưng những người này họ xuống đường hoàn toàn vì mục đích công, họ có chính kiến về chính trị xã hội rất rõ ràng thì những việc này không thể gọi là gây rối trật tự công cộng được. Biểu tình thì luật pháp có cho phép về biểu tình và trong hiến pháp có quy định mà, hoàn toàn hợp pháp mà bản án tội cho họ vậy thì rất là bất công".
Vào ngày 10 và 11 tháng 6 năm 2018, trên nhiều thành phố ở Việt Nam đã nổ ra nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối dự Luật đặc khu dự Luật an ninh mạng. Những người biểu tình phản đối dự Luật đặc khu cho người nước ngoài thuê đất đến 99 năm vì lo ngại người Trung Quốc sẽ vào chiếm đất. Những người biểu tình cũng phản đối Luật an ninh mạng vì cho rằng luật này nhằm bóp nghẹt quyền tự do ngôn luận của người dân. Sau cuộc biểu tình, hàng trăm người ở nhiều tỉnh thành đã bị bắt và kết án với các cáo buộc như "gây rối trật tự công cộng", "phá hoại tài sản".
Anh Hồ Công Di chia sẻ với chúng tôi rằng, sau khi được mãn hạn tù, có một cán bộ nói với anh rằng về đừng đi ném bẩn, ném bom xăng hay xuống đường biểu tình nữa nhưng anh khẳng định với vị cán bộ này là "Em thích vậy" và nếu ngày đó lập lại anh vẫn sẵn sàng.
**********************
Quy hoạch báo chí ‘vi hiến’, sẽ ‘làm thất nghiệp’ hàng nghìn nhà báo ? (VOA, 09/04/2019)
Thủ tướng Việt Nam mới đây ký phê duyệt quy hoạch phát triển báo chí dẫn đến nhiều lo lắng trong báo giới. Thậm chí một luật sư nổi tiếng cho rằng bản quy hoạch đó "vi hiến" vì nó vi phạm quyền về việc làm, cũng như có thể "hạn chế tự do ngôn luận".
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc ký phê duyệt quy hoạch báo chí, 2/4/2019
Các báo đài trong nước, trong đó có VTV, VietnamNet, Dân Trí, báo Giao Thông, đưa tin cho hay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 2/4 ký quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Bản quy hoạch, theo trích dẫn của báo chí, nhắm đến "xây dựng một số cơ quan báo chí chủ lực, đa phương tiện làm nòng cốt, có vai trò định hướng dư luận xã hội".
Mặt khác, bản quy hoạch cũng là cơ sở để chính quyền "sắp xếp hệ thống báo chí, khắc phục tình trạng chồng chéo, dàn trải đầu tư, buông lỏng quản lý, hoạt động xa rời tôn chỉ mục đích", theo các bản tin.
Theo tìm hiểu của VOA, tính đến giữa năm 2018, Việt Nam có hơn 1.100 cơ quan báo chí các loại, gồm 857 báo và tạp chí in, 195 trang báo điện tử và tạp chí điện tử, 67 đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương.
Làm việc cho các cơ quan báo chí này là hơn 19.000 nhà báo được nhà nước cấp thẻ, không tính nhân viên các bộ phận kỹ thuật, hành chính và các cộng tác viên.
Các bản tin trong nước cho rằng việc thực thi bản quy hoạch mới được duyệt sẽ làm giảm mạnh số lượng các cơ quan báo chí.
Đảng Cộng sản lâu nay nắm độc quyền lãnh đạo đất nước sẽ có hai cơ quan báo chí là báo Nhân Dân và báo điện tử Đảng Cộng sản, đều theo mô hình truyền thông đa phương tiện, theo bản quy hoạch.
Văn bản này cũng định hướng rằng 5 cơ quan báo chí trung ương có tầm ảnh hưởng lớn là Thông tấn xã Việt Nam, đài VTV, đài VOV, báo Quân Đội Nhân Dân và báo Công An Nhân Dân sẽ là các cơ quan truyền thông đa phương tiện
Vẫn bản quy hoạch được báo chí trích dẫn quy định rằng Văn phòng Quốc hội, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ chỉ có 1 báo in và 1 tạp chí in.
Mỗi tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương được có 1 báo in, 1 tạp chí in, 1 đài vừa phát thanh vừa truyền hình chỉ phát sóng trên 1 kênh mỗi loại.
Riêng thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của đất nước, được có tối đa 5 báo in ở mỗi thành phố. Hà Nội có 1 đài phát thanh và truyền hình như các tỉnh thành khác, trong khi Thành phố Hồ Chí Minh được có có 1 đài phát thanh riêng, 1 đài truyền hình riêng. Cả hai thành phố chủ chốt này đều được phát sóng 2 kênh phát thanh và 2 kênh truyền hình, nhiều hơn các tỉnh thành khác.
Mỗi tổ chức chính trị-xã hội trung ương, như Mặt trận Tổ quốc hay Hội Nông dân Việt Nam, chỉ có 1 báo in và 1 tạp chí in, theo bản quy hoạch.
Về báo điện tử và tạp chí điện tử, bản quy hoạch xác định rằng cơ quan, tổ chức nào được có báo, tạp chí in thì cũng được xuất bản báo, tạp chí điện tử. Bên cạnh đó, bản quy hoạch cũng quy định trong vài năm tới, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội-nghề nghiệp chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử.
Nhiều báo in Việt Nam có lượng độc giả thấp
Trong những ngày qua, các nhà báo bày tỏ lo lắng trên mạng xã hội về khả năng bản quy hoạch sẽ gây ra những xáo trộn lớn, khi các báo hoặc trang tin nhiều người đọc như Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Zing News, Soha, Dân Trí, Công An Thành Phố Hồ Chí Minh, Người Lao Động, v.v… sẽ phải sáp nhập vào các cơ quan báo chí của các tỉnh, các bộ.
Trên Facebook cá nhân có hơn 35.000 người theo dõi, nhà báo kỳ cựu Mạnh Quân, hiện làm việc tại Dân Trí, nêu ra vụ sáp nhập báo Sài Gòn Tiếp Thị vào Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cách nay hơn 5 năm làm cho hơn 100 người "tan tác", "thất nghiệp". Liên hệ đến viễn cảnh hàng loạt tờ báo lớn với hàng ngàn người lao động "bỗng chốc phải thay đổi", nhà báo Mạnh Quân nhận định mức độ ảnh hưởng sẽ "lớn" đến mức độ "đáng rùng mình".
Dân Trí, nơi ông Quân làm lãnh đạo cấp ban, là báo điện tử thuộc Hội Khuyến học Việt Nam, và cũng trong diện sẽ phải sáp nhập theo quy hoạch báo chí.
Trong khi nhiều nhà báo lo lắng về tương lai công việc, luật sư nổi tiếng Trần Vũ Hải đưa ra quan điểm rằng bản quy hoạch vừa được thông qua có nội dung vi hiến hoặc trái với các luật đã có. Ông Hải phân tích với VOA :
"Thứ nhất, Luật Báo chí cho phép các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức nghề nghiệp cũng có quyền được lập báo chí. Với cái quy hoạch mới, người ta đã bỏ đi. Đấy là về mặt quyền tự do báo chí. Vấn đề thứ hai liên quan đến việc làm. Nhà nước, theo nguyên tắc, phải đảm bảo việc làm chứ không phải tìm mọi cách giảm bớt công việc, đẩy người ta ra đường. Với quy hoạch báo chí, rõ ràng là sẽ có rất nhiều báo sáp nhập, họ sẽ mất bản sắc mà thực tế là mất thương hiệu, thì các nhà báo rõ ràng là họ mất việc".
Luật sư Hải cũng lưu ý đến khía cạnh tự do ngôn luận, điều mà chính các nhà báo dường như e ngại, tránh nhắc đến khi bàn luận về bản quy hoạch trên mạng xã hội, theo quan sát của VOA.
Ông Hải cho rằng nếu số lượng báo bị giảm xuống và bị các cơ quan chủ quản của nhà nước giám sát chặt chẽ hơn, các báo sẽ đặt "lợi ích của nhà nước cao hơn lợi ích của người dân" khi đưa tin, tường thuật về các diễn biến kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Không nhất trí với các quan điểm của nhà báo Mạnh Quân và luật sư Trần Vũ Hải, một nhà báo kỳ cựu khác, ông Hoàng Hải Vân, có cái nhìn lạc quan hơn.
Viết trên trang Facebook cá nhân có lượng người theo dõi đông tới hơn 94.000 người, ông Vân cho rằng "không nên lo lắng" về việc sáp nhập sẽ làm mất thương hiệu các báo. "Tuổi Trẻ vẫn là Tuổi Trẻ, Thanh Niên vẫn là Thanh Niên", ông viết, đề cập đến 2 tờ báo được cho là đứng đầu về số phát hành ở Việt Nam.
Nhà báo có nhiều ảnh hưởng này cũng lên tiếng ủng hộ bản quy hoạch mà ông mô tà là "vô cùng cần thiết". Dưới góc nhìn của ông, vấn đề nhức nhối lâu nay là nhiều cơ quan báo chí tồn tại bằng ngân sách nhà nước, trong khi "việc giảm thiểu, tiến tới bãi bỏ việc trợ cấp của nhà nước đối với báo chí được thực hiện quá chậm chạp gây lãng phí lớn cho ngân sách".
Ông Vân bình luận rằng "nhà nước càng ít trợ cấp cho báo chí càng tốt", và theo ông, bản quy hoạch thể hiện được "tinh thần đáng hoan nghênh" đó.
Phóng viên tại nhiều tờ báo ở Việt Nam đang lo bị sáp nhập
Tuy nhiên, theo quan sát của VOA, ý kiến của ông Vân thuộc số hiếm hoi ủng hộ cho bản quy hoạch. Luật sư Trẩn Vũ Hải gián tiếp xác nhận thông tin này khi nói với VOA rằng ông biết nhiều nhà báo và tổng biên tập "đang nghĩ cách phản ứng". Ông Hải cho biết thêm :
"Người ta phản đối, các báo, các lãnh đạo của các báo đang phản đối. Và các nhà báo cũng không đồng ý. Nhưng họ chưa ra mặt. Họ đang tính toán".
Nhà báo Mạnh Quân của Dân Trí nhận định rằng nếu bản quy hoạch được thực hiện, đó sẽ là "quá trình sắp xếp, sáp nhập, chia tách báo chí lớn nhất trong lịch sử báo chí Việt Nam hàng chục năm qua".
Nhưng luật sư Trần Vũ Hải đưa ra dự báo với tư cách cá nhân rằng nhiều khả năng các nhà hoạch định chính sách sẽ nhìn thấy sự lợi bất cập hại từ bản quy hoạch, và sẽ không thực thi nó một cách nghiêm ngặt.
*****************
Thầy cô giáo không thể ép học sinh nhận thức khác về nhân vật Khá "bảnh" (RFA, 09/04/2019)
Nhân vật Khá ‘bảnh", một thanh niên có nhiều hành động gây chú ý trên mạng xã hội và thậm chí bị bắt giữ vì đánh bạc và tổ chức đánh bạc mới đây đã trở thành thần tượng của nhiều bạn trẻ và thậm chí đi vào đề thi học sinh giỏi văn lớp 11 tại một trường trung học phổ thông ở Hải Phòng. Điều này đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.
Hiện tượng mạng xã hội Khá "bảnh" và đề thi học sinh giỏi Văn lớp 11 tại Hải Phòng. RFA Edited
Đoạn trích đề thi học sinh giỏi môn Văn lớp 11 năm 2018-2019 của trường trung học phổ thông Kiến Thụy, Hải Phòng viết :
"Hiện tượng Khá bảnh với đời tư bất hảo và nhiều tai tiếng nhưng vẫn thu hút được rất nhiều người hâm mộ. Không chỉ nổi tiếng mạng xã hội với hàng triệu lượt theo dõi, mỗi khi xuất hiện nhiều học sinh và người lớn đón tiếp như thần tượng ở Yên Bái. Hãy viết một bài văn khoảng 400 chữ trình bày suy nghĩ của anh/chị về hiện tượng được đề cập trong bài viết".
Ngay sau khi tin được loan, ông Nguyễn Trọng Hoan, phó vụ trưởng vụ giáo dục trung học thuộc Bộ giáo dục và đào tạo đã yêu cầu sở giáo dục Hải Phòng báo cáo làm rõ sự việc.
Dư luận mạng xã hội có nhiều ý kiến cho rằng, dù vấn đề thời sự nhưng nhân vật này không đáng để được đưa vào đề thi, nhiều tấm gương tốt việc tốt sao không đưa mà lại đưa nhân vật này vào. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng đưa nhân vật đang tạo sóng trên cộng đồng mạng để các em phân tích sẽ hứng thú hơn.
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội cho biết, thầy không ủng hộ việc này vì cho rằng nó đi ngược với định hướng của xã hội.
"Tôi thấy rằng hiệu ứng ngược của các hiện tượng giáo viên đã đề ra như vậy. Người ta đã quên đi và lờ đi một nhân vật được gần như xem là xã hội đen được nổi tiếng một cách bất ngờ nhưng ngành giáo dục Hải Phòng lại đi khơi lại, đưa vào bài thi bắt học sinh phải tìm hiểu về nhân vật này và tôi tin chắc rằng rất nhiều em cũng không biết đến nhân vật này nhưng giờ trở nên quan tâm hơn. Đã hướng dẫn học sinh đã định hướng xã hội rằng không tung hô, không quan tâm, không cổ vũ cho nhân vật đó thì xin đừng đưa nó vào văn học và không nên".
Một nữ giáo viên từ Sài Gòn thì cho rằng việc đưa vào đề thi vấn đề xã hội như vậy không được hay.
"Theo cá nhân mình thì việc đưa như vậy thì nó mang tính chất thời sự hơn là giáo dục bởi vì giờ có bao nhiêu người sai phạm đều đưa lên hết thì nhiều em cũng có tâm sự là khi làm bài cũng không được khách quan cho lắm, thành ra các em có những lời lẽ và hình thành tư cách nhân phẩm của các em sau này và nói chung không được hay lắm. Vấn đề đó là của xã hội và vi phạm như vậy để xã hội xử lý còn việc đưa vào bài thi tôi thấy nó chính trị quá".
Chị Ngọc Nguyễn, giám đốc truyền thông marketing của một công ty công nghệ tại Sài Gòn và cũng là một người phụ nữ có hai con còn đang đi học cho biết, về phương diện cá nhân của chị, việc đưa vấn đề đó vào đề thi có thể giúp hiểu được suy nghĩ được tụi trẻ và có thể hướng chúng theo chiều đúng của sự việc.
"Giáo dục trẻ con kiểu nhồi sọ như thời của mình thì đã qua rồi, bây giờ tụi nó có quá nhiều phương tiện truyền thông thông tin thì việc đầu tiên nên tôn trọng suy nghĩ của chúng nó và cho nó có phản biện và nói ra suy nghĩ và nếu người lớn thấy có gì không đúng thì mình trao đổi hoặc cho nó thấy được những góc nhìn khác để nhìn rộng rãi hơn. Bây giờ không thể dạy trẻ con kiểu bắt mày phải làm và sống như thằng đó đi thì rõ ràng mọi người đặt nặng vấn đề nào đó xấu mà ảnh hưởng đến thế hệ. Mỗi thế hệ nó có cách trưởng thành riêng của nó".
Nhân vật Khá "bảnh" có tên thật là Ngô Bá Khá. Trang Facebook của thanh niên này có hơn 600.000 lượt theo dõi, kênh Youtube cá nhân cũng có hơn 2 triệu lượt đăng ký, con số mà nhiều nghệ sĩ chân chính Việt Nam phải "chào thua". Mỗi clip của Khá đều thu hút tới hàng trăm nghìn đến cả chục triệu lượt xem với nhiều tương tác, bình luận.
Khá "bảnh" được các em học sinh chào đón tại Yên Bái. Screen Capture of phapluat.vn
Nhiều bậc phụ huynh chia sẻ sự lo lắng trên cộng đồng mạng rằng, họ cảm thấy lo lắng cho tương lai của con em họ nói riêng cũng như ngành giáo dục Việt Nam nói chung. Bởi vì không hiểu nguyên nhân vì sao nhân vật này lại có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng giới trẻ hiện nay.
Theo nữ giáo viên thì nguyên nhân là do truyền thông mạng xã hội Việt Nam có tác động quá lớn, khi các bạn trẻ đọc nội dung trên tin nhắn hay trên bất cứ phương tiện truyền thông nào mà chưa hiểu được ngọn ngành thì đã like và share nên nó không đúng với bản chất sự việc.
Thầy Đỗ Việt Khoa đồng ý với điều đó và cho rằng sự ảnh hưởng của nhân vật này lớn đến mức nghiêm trọng vì nhiều thanh thiếu niên học sinh quan tâm đến những phát ngôn không chuẩn mực, những hành động thiếu suy nghĩ và điều đó cho thấy một xã hội bị khủng hoảng niềm tin về đạo đức. Tuy nhiên, thầy Khoa cho rằng cũng có một điểm đáng chú ý trong hiện tượng này :
"Xét cho cùng Khá Bảnh ngoài chuyện bị đi tù vì tội đánh người trước kia thì cậu ta có những phát ngôn dung tục, nói năn bất thường nhưng lại được giới trẻ tung hô, và không ít giới trẻ nói thẳng là đạo đức của Khá Bảnh còn tốt hơn cả những người được coi là mẫu mực của xã hội. Ít nhất gần đây người ta cũng so sánh được với ông Linh phó viện kiểm sát nhân dân Đà Nẵng, nhân vật Khá Bảnh còn tốt hơn nhiều lần ông đó và tội nó gây ra không đáng một phần nhỏ so với những hành vi tham nhũng, lừa đảo cướp bóc của nhân dân. Điều đó cho thấy khủng hoảng niềm tin trong xã hội rất là lớn".
Ông Nguyễn Hữu Linh – nguyên Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Đà Nẵng có hành vi sàm sỡ bé gái 9 tuổi trong thang máy chung cư ở quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 1/4. Tuy nhiên đến nay, cơ quan tố tụng quận 4 vẫn chưa khởi tố vụ án này.
Còn chị Ngọc Nguyễn thì lại có ý kiến cho rằng, hiện nay thị hiếu dư luận thích những điều lố bịch, nhanh gọn dễ dàng và có tính giải trí cao, tuy nhiên sau vài năm cũng sẽ chìm vào quên lãng khi người ta tìm được cái khác tốt hơn.
"Thời buổi giờ người ta thích điều gì đó nó lố bịch, nó nhanh, đơn giản, dễ dàng và yêu cầu nó mới lạ và liên tục thì những nhân vật nổi tiếng qua mạng xã hội cũng chỉ là hiện tượng một lúc nào đó cả xã hội phát điên lên vì nó thì sau vài năm cũng sẽ chìm vào quên lãng khi người ta có một cái gì đó giải trí hơn. Mấy năm trước cái công cụ mạng xã hội nó không mạnh như bây giờ nên sự bùng nổ của những hiện tượng đó không có, giờ người ta lại thích những kiểu bất chấp tiêu cực cũng được nhưng nó mang tính giải trí là được, còn những người tốt việc tốt người ta đã chán quá rồi".
Theo con số thống kê của các ngành Digital Marketing toàn cầu năm 2018, lượng người sử dụng internet tại Việt Nam đạt 64 triệu người dùng chiếm 67% dân số. Riêng về mạng xã hội Facebook, Việt Nam có tới 55 triệu tài khoản đang hoạt động và đạt tỉ lệ 57% người dùng internet tại Việt Nam.
Cũng theo thầy Đỗ Việt Khoa, bây giờ thầy cô không thể bắt ép các em không quan tâm đến thanh niên này hay ép cái này cái kia vì đây là điều rất khó. Ông cho rằng việc các em trên lớp còn học đối phó thì ra ngoài xã hội các thầy cô càng không thể can thiệp được.