Đã nhiều ngày nay, học sinh Việt Nam im lặng về quyền sử dụng điện thoại trong lớp.
Số đông phụ huynh và nhiều thầy cô quyết tâm cấm đoán có vẻ không làm họ bớt thờ ơ.
Thực tế này đặt ra nhiều câu hỏi và giả thiết cho thế hệ trẻ, rộng hơn là về tương lai đất nước.
Hình minh họa.
Bất cần hay chậm tiến ?
Dù có nhược điểm, điện thoại thông minh là một phát minh lớn của loài người, một công cụ hữu ích để tra cứu, học tập.
Dù có nhược điểm, Internet là kho kiến thức, thông tin vô giá, không có thầy nào, trường nào thay thế được.
Tham khảo thông tin không giới hạn là nhu cầu chính đáng của học sinh. Không kết nối internet (trong lúc học) có thể làm chậm tiến trình tiếp thu, làm bài, ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập.
Chấp nhận cấm đoán là học sinh bằng lòng với sự chậm tiến, nếu không, họ chỉ còn cách vụng trộm.
Những người đàng hoàng lén lút ?
Giống như lái xe vượt đèn đỏ, thậm chí không có bằng lái, con em chúng ta vẫn đang di chuyển.
Giống như điểm thật một, điểm giả mười, học sinh Việt Nam sẽ kết nối internet theo cách khác.
Chúng đã, đang vô tình hoặc có ý thức bắt chước lối sống của người lớn. Không cần phản ứng gì cả, lẳng lặng cửa sau.
Theo tiêu chuẩn đó, họ trở thành những người đàng hoàng lén lút, trộm cắp quyền của chính mình.
Một thế hệ trẻ yếu đuối – Một quốc gia hùng cường ?
Thầy chỉ chú trọng dạy trò đồng thanh : "Trật tự" (*), là lệch lạc. Kỷ luật có mặt trái là hạn chế sáng tạo.
Cha mẹ cần cho con dùng internet, giống như cho con nghịch đất để cơ thể trẻ đề kháng vi trùng.
Con cái thiếu trải nghiệm thực tiễn, kể cả thực tiễn ảo sẽ thiếu kỹ năng, chậm trưởng thành.
Học sinh không được khuyến khích bảo vệ quyền lợi của mình sẽ trở nên yếu đuối. Đa số người trẻ yếu đuối là thế hệ trẻ bạc nhược.
Một thế hệ yếu ớt, không dám bảo vệ quyền lợi của mình, khó có khả năng bảo vệ quốc gia.
Từ tuần trước, Bộ Giáo Dục Đào Tạo công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT cho phép học sinh được sử dụng điện thoại trong lớp.
Tuy nhiên, giáo chức có xu hướng tiếp tục ngăn cấm học sinh. Một vị là Chủ tịch Hội đồng Quản trị một trường phổ thông công khai : "Bộ có cho phép, trường tôi vẫn sẽ cấm".
Rất nhiều cha mẹ học sinh đồng tình với các thầy, nên cấm học sinh sử dụng điện thoại trong lớp học. Họ cho rằng, sử dụng điện thoại trong lớp có hại cho học sinh.
Nhiều người đã kêu gọi sự đồng thuận tiếp tục cấm đoán, ngăn chặn học sinh. Có người sẵn sàng đập vỡ điện thoại của con nếu chúng không chấp hành
Đã hơn một tuần, phụ huynh có vẻ hài lòng vì con mình không có ý kiến. Họ nên nghĩ xa hơn, những đứa con im lặng chưa chắc vâng lời. Quan trọng hơn, đó là biểu hiện tiêu cực.
Điện thoại sinh ra vốn để con người được nói, nhưng con chúng ta im lặng. Đó là thực tế đáng lo.
Ra đường sợ nhất công, nông
Về nhà sợ nhất con không nói gì !
Nguyễn Hà Hùng
Nguồn : VOA, 29/09/2020
Chú thích :
(*) "Học sinh – Trật tự" là khẩu ngữ học trò Việt Nam vẫn phải đồng thanh mỗi ngày.