Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

29/09/2020

Xung đột giữa Armenia và Azerbaijan lôi kéo Nga và Turkey vào cuộc ?

The Economist - Thanh Hà

Tại sao xung đột tái bùng phát giữa Armenia và Azerbaijan ?

The Economist, Nghiên cứu quốc tế, 29/09/2020

Armenia và Azerbaijan đang đứng trên bờ vực chiến tranh vào ngày 28 tháng 9 khi các cuộc đụng độ chết người tiếp tục xảy ra tại tỉnh tranh chấp Nagorno-Karabakh một ngày trước đó. Hàng chục người đã thiệt mạng trong cuộc giao tranh vốn bao gồm các cuộc tấn công bằng pháo binh và không quân. Sự kiện này đánh dấu việc hai nước đối đầu nhau lần thứ hai trong vòng chưa đầy ba tháng.

armenia2

Bản đồ khu vực tranh chấp giữa Amernia và Azerbaijan. France24

Cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau về vụ bạo lực, đánh thức ký ức về một cuộc chiến tàn phá khu vực trong thời kỳ Liên Xô sụp đổ và giờ đây có nguy cơ kéo theo hai cường quốc bên ngoài là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Bộ ngoại giao Armenia đã công bố đoạn phim quay cảnh xe tăng bị lửa thiêu rụi và cho biết họ đã bắn rơi một máy bay trực thăng của Azerbaijan. Azerbaijan tuyên bố đã chiếm được một số ngôi làng ở Nagorno-Karabakh. Cả hai nước đã tuyên bố thiết quân luật và tổng động viên quân đội.

Các cuộc đụng độ vì Nagorno-Karabakh đã nổ ra liên tục kể từ năm 1994 khi một lệnh ngừng bắn đã tạm dừngmột cuộc chiến tranh vốn đã khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và khoảng một triệu người phải di dời. Khu vực này, cũng như bảy huyện xung quanh, đã được kiểm soát bởi lực lượng Armenia. Khu vực có đa số ngườiArmenia sinh sống nhưng vẫn được quốc tế công nhận là một phần của Azerbaijan. Ít nhất 16 người, bao gồm cả một tướng Azerbaijan, đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh ở phía bắc khu vực ly khai hồi tháng Bảy. Hàng nghìn người Azerbaijan đã phản ứng bằng cách xuống đường ở thủ đô Baku để yêu cầu tái chiếm Nagorno-Karabakh.

Đó có thể là chính là những gì Azerbaijan đang nghĩ đến. Các nhà phân tích nói rằng quy mô của cuộc giao tranh hiện tại cho thấy một cuộc tấn công quân sự lớn hơn và sự trở lại của một cuộc xung đột nguy hiểm hơn so với mùa hè. Olesya Vartanyan, nhà phân tích khu vực Caucasus tại Crisis Group, một viện nghiên cứu chính sách quốc tế, cho biết : "Đây là một sự leo thang nghiêm trọng hơn, được chuẩn bị tốt hơn nhiều, với nhiều binh sĩ hơn và xảy ra đồng thời trên tất cả các khu vực dọc chiến tuyến. Ngoài vũ khí hạng nặng, chúng tôi còn thấy bộ binh, nhiều máy bay trực thăng và máy bay không người lái", cô nói. Các cuộc đụng độ có nguy cơ tràn vào các khu vực dân sự gần chiến tuyến.

armenia1

Các cuộc đụng độ có nguy cơ tràn vào các khu vực dân sự gần chiến tuyến.

Chiến tranh tái bùng phát cũng có thể châm ngòi cho một cuộc đối đầu rộng lớn hơn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga. Thổ Nhĩ Kỳ là đồng minh khu vực quan trọng nhất của Azerbaijan và đã hứa sẽ cung cấp cho chính phủ nước này bất kỳ sự hỗ trợ nào mà họ yêu cầu. Trên thực tế, Armenia đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào cuộc giao tranh, nhưng Azerbaijan phủ nhận. Trong khi đó, Nga có hiệp ước quốc phòng với Armenia, mặc dù nước này cũng bán vũ khí cho Azerbaijan. Thomas de Waal, một nghiên cứu viên cấp cao của Carnegie Europe, một viện nghiên cứu khác, cho biết : "Người Nga không muốn tham gia vào cuộc xung đột và thích đóng vai trò cân bằng và hòa giảihơn. Nhưng nếu lãnh thổ Armenia bị tấn công, họ không có lựa chọn nào khác ngoài bảo vệ Armenia".

Lập trường của Thổ Nhĩ Kỳ có thể đã khuyến khích Azerbaijan cứng rắn. De Waal nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ luôn ủng hộ Baku về mặt chính trị, và giờ đây dường như sẵn sàng hỗ trợ quân sự cho nước này hơn bao giờ hết. Azerbaijan được cho là đang sử dụng máy bay không người lái do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất để chống lại lực lượng Armenia trong các cuộc đụng độ hiện tại. Sau vụ bùng phát hồi tháng 7, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ trả thù cho cái chết của các binh sĩ Azerbaijan và đã triển khai các máy bay phản lực F-16 tới Baku để tập trận chung. Trong khi đó, Azerbaijan cáo buộc Nga cung cấp vũ khí cho Armenia. Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã vướng vào hai cuộc chiến tranh ủy nhiệm ở Libya và Syria. Họ có nguy cơ vướng vào cuộc chiến thứ ba ở Caucasus.

The Economist

Nguyên tác "Armenia and Azerbaijan fight over Nagorno-Karabakh again", The Economist, 28/09/2020.

Phan Nguyên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 29/09/2020

***********************

Nga đau đầu vì cuộc đọ sức giữa Armenia và Azerbaijan tại vùng Thượng Karabakh

Thanh Hà, RFI, 28/09/2020

Nền ngoại giao Nga đau đầu vì xung đột giữa Azerbaidjan và Armenia trong vùng Thượng Karabakh, Kavkaz. Vài giờ sau cuộc chạm súng trong ngày 27/09/2020 tổng thống Vladimir Putin kêu gọi đôi bên "chấm dứt giao tranh, dừng các hành động thù nghịch". Moskva có nhiều lý do để tránh biến vùng Thượng Karabakh thành một ngòi nổ đe dọa an ninh tại miền nam Kavkaz.

armenia3

Xe thiết giáp của quân đội Azerbaijan bị bắn cháy ở vùng Thượng Karabakh. Ảnh công bố ngày 27/09/2020  via Reuters – Armenian Ministry of Defence

Trước hết Thượng Karabakh là một tỉnh thuộc về Armenia, nhưng năm 1921, lãnh đạo Liên Xô Joseph Staline cho sáp nhập vào Azerbaijan. Từ khi Liên Xô sụp đổ, Erevan và Baku lao vào một đọ sức không hồi kết để giành lại quyền kiểm soát Thượng Karabakh, nơi đại đa số dân cư là người Armenia. Năm 1994 Azerbaijan và Armenia ký thỏa thuận đình chiến sau khi Baku thất bại ê chề, để mất 13 % lãnh thổ. Nhưng từ đó tới nay xung đột vẫn âm ỉ làm hơn 30.000 người thiệt mạng giữa một bên là quân đội Azerbaijan và bên kia là phe ly khai ở Thượng Karabakh được Armenia yểm trợ. Hai bên thường xuyên quy trách nhiệm cho nhau đổ thêm dầu vào lửa, làm cho tình hình căng thẳng.

Azerbaidjan có đường biên giới với Nga. Moskva là nhà cung cấp vũ khí cho quân đội của cả Azerbaijan lẫn Armenia. Căn cứ quân sự duy nhất của Nga ở phía nam dãy Kavkaz được đặt tại Guioumri, trên lãnh thổ Armenia.

Trong bối cảnh đó, việc điện Kremlin nhanh chóng phản ứng kêu gọi Erevan và Baku hạ nhiệt tình hình là điều dễ hiểu : Moskva không muốn xung đột giữa Azerbaijan và Armenia đe dọa ổn định trong vùng Kavkaz. Lợi ích của nước Nga là duy trì một mối quan hệ tốt với cả Erevan lẫn Baku. Có điều từ 2016 căng thẳng liên tục bùng phát giữa hai quốc gia thù nghịch trong khu vực này. Hơn một trăm người thiệt mạng trong cuộc đụng độ đẫm máu ở Thượng Karabakh vào năm 2016. Gần đây hơn mùa hè vừa qua, tình hình trọng khu vực cũng đã nóng lên.

Bài toán đối với Moskva thêm phức tạp. Khủng hoảng kinh tế dầu hỏa và khí đốt mất giá khiến mất mãn trong công luận Azerbaijan đối với chế độ của tổng thống Ilham Aliev dâng cao. Do vậy, theo giới quan sát, rất có thể Baku khai thác lá bài chinh phục lại một phần lãnh thổ đã mất ở Thượng Karabakh để tô điểm lại hình ảnh và uy tín của mình với công luận trong nước. Không dễ để chính quyền của tổng thống Aliev lùi bước. Dấu hiệu rõ rệt nhất là Baku vừa ban hành "thiết quân luật" còn Erevan thì thông báo "tổng động viên

Thách thức sau cùng đối với Moskva là yếu tố Thổ Nhĩ Kỳ. Laurence Broers giám đốc Chương trình nghiên cứu về vùng Kavkaz thuộc Viện Nghiên Cứu Hoàng Gia Anh, Chatham House, nhận định, sở dĩ tổng thống Aliev mạnh dạn trên hồ sơ Thượng Karabakh là nhờ có sự yểm trợ của chính quyền Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ láng giềng sát cạnh Armenia nhưng lại mạnh mẽ yểm trợ Azerbaijan. Tổng thống Erdogan ngay từ hôm qua đã trực tiếp quy trách nhiệm cho chính quyền Armenia "gây trở ngại cho hòa bình trong khu vực".

Nói cách khác, nếu căng thẳng không nhanh chóng giảm cường độ giữa Armenia và Azerbaijan thì có nguy cơ Thượng Karabakh lôi kéo nhiều quốc gia khu vực khác vào một cuộc đối đầu "nguy hiểm hơn, dài hơi hơn" như ghi nhận của giám đốc nghiên cứu viện Chatham House. Khi đó, bắt buộc Nga phải lên tiếng và chọn đứng về phe nào. Quan hệ giữa Moskva với Ankara vốn đã rất phức tạp giờ đây có nguy cơ càng trở thành một mối đau đầu đối với tổng thống Vladimir Putin nếu như khủng hoảng tại Thượng Karabakh không nhanh chóng tìm ra ngõ thoát.

Giới phân tích lo ngại là Thượng Karabakh có thể trở thành ngòi nổ cho một cuộc đọ sức về mặt địa chính trị với những hậu quả khó lường, giữa một bên là Erevan vốn đã có một thỏa ước phòng thủ với Moskva và bên kia là mối quan hệ gắn bó giữa Thổ Nhĩ kỳ và Azerbaijan. Đó là chưa kể đến lập trường của Iran có đường biên giới bọc ở phía nam với cả Armenia lẫn Azerbaijan và Teheran đã đứng về phía Erevan.

Xung đột đẫm máu ở Thượng Karabakh : Azerbaijan và Armenia bên bờ vực chiến tranh

Ít nhất 39 người thiệt mạng trong 24 giờ qua trong cuộc giao tranh giữa quân đội Azerbaijan và lực lượng ly khai tại vùng Thượng Karabakh do Armenia yểm trợ. Căng thẳng leo thang giữa Erevan và Baku. Cộng đồng quốc tế kêu gọi các bên "ngừng bắn ngay lập tức" tránh dẫn đến chiến tranh trong vùng Kavkaz sát cạnh Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

armenia4

Pháo của lực lượng ly khai tại vùng Thượng Karabakh do Armenia yểm trợ bắn về phía quân đội Azerbaijan

Giao tranh đột ngột bùng lên trong ngày Chủ Nhật 27/09/2020 giữa phe ly khai tại vùng Thượng Karabakh với quân đội Azerbaijian, đôi bên thông báo có thiệt hại về nhân mạng nhưng cùng khẳng định đã "đẩy lui được quân thù". Vùng lãnh thổ thuộc về Azerbaijan với đa số dân cư là người Armenia xung đột kéo dài từ đầu thập niên 1990 khi Liên Xô tan rã.

Chính quyền vùng Thượng Karabakh ghi nhận 32 lính thương vong. Erevan và Baku tố cáo lẫn nhau gây hấn trước. Căng thẳng giữa Baku và Erevan bùng lên trở lại từ mùa hè vừa qua, xung đột lần này khiến cộng đồng quốc tế lo ngại Azerbaijan với Armenia lâm vào chiến tranh, gây bất ổn cho toàn khu vực Kavkaz. Moskva kêu gọi hai nước liên quan "ngừng giao tranh"

Theo phân tích của thông tín viên đài RFI trong khu vực, Régis Genté, yếu tố chính trị nội bộ của cả hai phía là động lực chính dẫn tới xung đột leo thang :

"Cần biết là tình hình đã căng thẳng từ nhiều tháng qua. Hồi tháng 7 vừa rồi, đã xảy ra xung đột, nhưng không phải là ở Thượng Karabakh mà ở đường biên giới phía bắc giữa Armenia và Azerbaijan. Khi đó đã có khoảng một chục người thiệt mạng. Đụng độ trong ngày hôm qua dường như cho thấy phía Azerbaijan hết kiên nhẫn.

Tổng thống Ilham Aliev từng kỳ vọng đối thoại với Armenia bước vào một giai đoạn với Nikol Pachinian ở cương vị thủ tướng sau cuộc cách mạng nhung hồi mùa xuân 2018. Thế nhưng tình hình đã bế tắc.

Nhiều nhà ngoại giao có tiếp xúc với tổng thống Aliev cho biết là trái với mong đợi, Baku đánh giá là thủ tướng Armenia khai thác lá bài mị dân. Ông đã quá thường xuyên đến thị sát vùng Thượng Karabakh, giúp đỡ phe ly khai nâng cấp khả năng phòng thủ, trong lúc đối thoại với giữa hai nước không có tiến triển. 

Có lẽ phải tính luôn cả yếu tố chính trị nội bộ của Azerbaijan : Tổng thống Aliev cai trị đất nước với một bàn tay sắt, gần như là một chế độ độc tài. Chính quyền thường xuyên bị tố cáo tham nhũng. Có thể là Baku bằng cách khơi dậy tinh thần dân tộc chủ nghĩa và sử dụng ngôn ngữ chiến tranh để chinh phục công luận".

Thanh Hà

Nguồn : RFI, 28/09/2020

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: The Economist, Thanh Hà
Read 560 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)