"Tòa đã dùng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội tôi mà không có chứng cứ vật chất trực tiếp kèm theo", Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm viết trong đơn kháng cáo.
Bà chủ Công ty Hoa Tháng Năm tự tin vào năng lực đầu tư dự án – Anh Người Lao Động 17/09/2020
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, người được bà chủ Công ty Hoa Tháng Năm ủy quyền việc thực hiện các thủ tục kháng cáo trình tự phúc thẩm hình sự, cho biết đến nay, hồ sơ vụ án không có bất cứ tài liệu, chứng cứ chứng minh Công ty Hoa Tháng Năm được thành lập nhằm mục đích hoạt động tội phạm. Vì vậy, theo Điều 47 Bộ luật Hình sự 2015 thì số tiền Công ty Hoa Tháng Năm dùng góp vốn vào Công ty Lavenue không phải là vật chứng để bị tịch thu.
Theo luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, trong vụ án này UBND Thành phố Hồ Chí Minh được xác định tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, không phải là nguyên đơn dân sự ; cũng không có đơn yêu cầu cầu bồi thường về giá trị vật chất.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan khác chưa được tòa án hướng dẫn thực hiện các thủ tục liên quan đến quyền và nghĩa vụ dân sự đối với các tài sản, như đơn yêu cầu độc lập, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Do đó, căn cứ Điều 30 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, Công ty Hoa Tháng Năm cho rằng tòa không thể giải quyết những vấn đề dân sự, bồi thường thiệt hại trong vụ án, mà cần thiết phải tách thành một vụ án dân sự riêng khi có yêu cầu của các đương sự khác.
Trong đơn kháng cáo, bị cáo Lê Thị Thanh Thuý (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue) cho biết, Công ty Hoa Tháng Năm tham gia góp vốn để thực hiện dự án xây khách sạn, trung tâm thương mại xuất phát từ chủ trương, chính sách đầu tư của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Việc thực hiện dự án xuất phát từ ý chí mong muốn của cả phía nhà đầu tư và UBND Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ những lẽ trên, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm cho rằng, bản án sơ thẩm nhận định bị cáo Lê Thị Thanh Thúy đã tác động đến ông Nguyễn Thành Tài, cựu Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh để được hưởng lợi từ dự án là trái với khoản 2 Điều 98 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi tòa đã dùng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội tôi mà không có chứng cứ vật chất.
Công ty Hoa Tháng Năm là một trong số cổ đông sáng lập Công ty cổ phần Lavenue – đơn vị được UBND Thành phố Hồ Chí Minh giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án. Thực tế, thành phố không bán tài sản, không chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà là giao đất, cho thuê đất có thời hạn để doanh nghiệp thực hiện dự án. Các quyết định giao đất, cho thuê đất không làm mất đi quyền sở hữu nhà nước đối với tài sản, mà ngược lại còn thu được tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, tiền thuế từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và nhiều lợi ích khác mang lại trong quá trình thực hiện đầu tư dự án.
Dẫn căn cứ của Luật đầu tư 2005 và các quy định khác, luật sư Nguyễn Hữu Trạch cho rằng, số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất công ty Lavenue nộp vào ngân sách là hơn 647 tỷ đồng nhằm mục đích tham gia đầu tư xây dựng dự án xuất phát từ chủ trương kêu gọi đầu tư của UBND Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là mục đích trong sáng, phù hợp với các quy định của pháp luật và chức năng kinh doanh của pháp pháp nhân thương mại nhằm tìm kiếm lợi nhuận đồng thời góp phần xây dựng phát triển thành phố.
Sau khi Công ty Lavenue trở thành chủ đầu tư của dự án, Công ty Hoa Tháng Năm đã góp đủng, đủ số tiền để thực hiện dự án tổng số tiền là 235,5 tỷ đồng. Vốn góp của Công ty Hoa Tháng Năm là tài sản chung của Công ty Lavenue, trong đó có số vốn của Công ty Quản lý kinh doanh nhà thành phố và Công ty Kinh Đô. Đây là tài sản không thể tách rời, mỗi cổ đông của Công ty Lavenue có các quyền, nghĩa vụ bình đẳng tương ứng với số vốn đã góp và cam kết góp vào công ty.
"Trong khi đó, bản án sơ thẩm tuyên trả lại số vốn đã góp vào dự án cho các cổ đông còn lại, chỉ tịch thu tiền của Công ty Hoa Tháng Năm là sự đối xử không công bằng giữa các nhà đầu tư, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Doanh nghiệp 2014", kháng cáo nêu.
Có ý kiến đặt ra, phải chăng vụ án nêu trên là việc hình sự hóa một quan hệ kinh tế theo cách mà các nhà lý luận của Đảng vẫn đang nhắc đến trong soạn thảo văn kiện cho Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp tới : kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ; và trong nền kinh tế đó cho thấy lằn ranh của "hình sự hóa" luôn là một "phụ lục hợp đồng" mà nhà đầu tư phải lưu tâm khi bỏ vốn vào làm ăn ở Việt Nam.
Trong ngôn ngữ phổ thông, ngôn ngữ báo chí và rải rác trong một số tham luận ở các hội thảo, tọa đàm, thuật ngữ "hình sự hóa" được hiểu là trường hợp những hành vi vi phạm nghĩa vụ trong các quan hệ kinh tế, dân sự được các cơ quan, cá nhân thực thi quyền điều tra, truy tố, xét xử chuyển hóa thành các hành vi phạm tội và áp dụng pháp luật hình sự để giải quyết.
Biểu hiện của hiện tượng hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự là việc các cơ quan pháp luật đã dùng pháp luật hình sự và các biện pháp tố tụng hình sự, để giải quyết các quan hệ xã hội, mà bản chất thực tế của nó là các quan hệ của hợp đồng kinh tế, dân sự – cụ thể trong vụ án kể ở trên là trục đối tác công, tư giữa UBND Thành phố Hồ Chí Minh đại diện quyền lực nhà nước trong quản lý tài sản đất đai với các doanh nghiệp tư nhân : Kinh Đô – Hoa Tháng Năm – Lavenue.
***
Theo bản án sơ thẩm, khu nhà và đất số 8-12 đường Lê Duẩn, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh có tổng diện tích hơn 4.800 m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Thực hiện quyết định 09 sắp xếp lại công sản, UBND Thành phố Hồ Chí Minh đã thống nhất xây dựng khách sạn 5 sao và trung tâm thương mại, lựa chọn nhà đầu tư uy tín, không áp dụng hình thức liên doanh.
Trong quá trình sắp xếp tài sản nhà nước, các bị cáo Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hoài Nam, Đào Anh Kiệt, Trương Văn Út và Lê Thị Thanh Thúy đã thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Cụ thể vào năm 2011, ông Nguyễn Thành Tài khi đó là Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh do "có quen biết" bà Lê Thị Thanh Thúy (41 tuổi, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm) nên đã ký nhanh, ký nhiều văn bản sai quy định, chủ trương của Thành phố.
Sau khi cho bà Lê Thị Thanh Thúy góp vốn 30% tham gia thực hiện dự án và trở thành Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Lavenue, ông Nguyễn Thành Tài chỉ định giao đất cho công ty này, hoàn thành chuyển dịch quyền sở hữu khu nhà đất từ Nhà nước sang tư nhân.
Hội đồng xét xử nhận định rằng : mối quan hệ quen biết giữa bị cáo Nguyễn Thành Tài và Lê Thị Thanh Thúy đã giúp nhiều trong việc cho Lê Thị Thanh Thúy tham gia dự án, đồng thời thống nhất với quan điểm của Viện Kiểm sát rằng, trong vụ án này có trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 09 (Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân làm trưởng ban) thời điểm đó.
Hành vi của ông Tài diễn ra trong thời gian dài nên phải chịu trách nhiệm chính với mức phạt cao nhất trong vụ án này là 8 năm tù.
Đối với bà Lê Thị Thanh Thúy, Hội đồng xét xử cho rằng bà Thúy biết rõ dự án 8 – 12 Lê Duẩn nằm ở vị trí đắc địa nên lập Công ty Hoa Tháng Năm nhằm tham gia dự án trên. Theo nhận định của Tòa, Công ty Hoa Tháng Năm không có năng lực tài chính, không có kinh nghiệm, mới thành lập nhưng bà Thúy đã ký văn bản gửi công ty quản lý kinh doanh nhà, tự nhận có năng lực tài chính, kinh nghiệm để xin tham gia đầu tư dự án 8 – 12 Lê Duẩn.
Lợi dụng mối quan hệ quen biết với ông Nguyễn Thành Tài để ông này ký nhiều văn bản có lợi cho bà Lê Thị Thanh Thúy để bị cáo được tham gia dự án, được giao đất, cho thuê đất không qua đấu giá. Tại tòa, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy cũng thừa nhận có quan hệ quen biết với bị cáo Nguyễn Thành Tài, theo hội đồng xét xử.
Triệu Tử Long
Nguồn : VNTB, 29/09/2020