Bất thường xảy ra khi Việt Nam không được đưa vào xếp hạng kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018, do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thực hiện và công bố hôm 3/12.
79 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia làm kiểm tra PISA 2018
Việt Nam thuộc số 79 quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia làm kiểm tra và có điểm thi rất cao, nhưng rốt cuộc, Việt Nam không được đưa vào bảng xếp hạng.
Bảng xếp hạng chung cuộc chỉ có 78 quốc gia, vùng lãnh thổ, với Trung Quốc đứng số một.
Phần nói về Việt Nam của OECD giải thích ngắn gọn rằng vào lúc báo cáo công bố, họ "chưa thể hoàn toàn chắc chắn" về tính chất so sánh giữa kết quả của Việt Nam và các nước.
Vì thế, mặc dù điểm kiểm tra của các học sinh Việt Nam tham gia PISA 2018 được công bố, với điểm rất cao, nhưng Việt Nam không được hay chưa được đưa vào bảng xếp hạng hôm 3/12.
Điều bất thường này đang làm nảy sinh các thắc mắc.
Bộ Giáo dục Việt Nam ngày 4/12 ra thông cáo dài giải thích.
Theo cơ quan quản lý của Việt Nam, có 2 lý do chính để OECD chưa đưa kết quả của Việt Nam vào bảng so sánh.
"Thứ nhất, báo cáo so sánh quốc tế đầy đủ không thể hoàn thành tại thời điểm công bố nếu đưa Việt Nam vào phân tích dữ liệu so sánh quốc tế. Bởi vì, ban đầu OECD đề nghị để dữ liệu của Việt Nam sang 2020 mới công bố, họ muốn dành thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn sự khác biệt của Việt Nam. Tuy nhiên, do sự phối hợp tích cực của phía Việt Nam trong quá trình xử lý số liệu nên đến tháng 9/2019 OECD đã đồng ý công bố kết quả của Việt Nam cùng với các nước khác vào ngày 3/12/2019".
"Thứ hai, số liệu thu được của Việt Nam không phù hợp (misfit) với mô hình lý thuyết hồi đáp câu hỏi, mức độ không phù hợp cao hơn so với các quốc gia khác, có sự khác biệt lớn với mô hình đánh giá của OECD".
Bộ Giáo dục Việt Nam nói tiếp : "Trong quá trình phân tích, xử lý dữ liệu PISA của Việt Nam, OECD đã có những chất vấn, kiểm tra rất nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật của việc tổ chức thực hiện PISA tại Việt Nam ở tất cả các công đoạn, đã cử Trưởng Ban phân tích dữ liệu của OECD sang Việt Nam làm việc, thẩm định các quyển đề thi của học sinh, phỏng vấn các cán bộ, giáo viên trực tiếp tham gia PISA, xác minh dữ liệu".
"Sau quá trình xác minh, thẩm tra, OECD khẳng định Việt Nam không có gì sai sót về quá trình tổ chức thực hiện, hoặc thao túng số liệu hay thiên lệch khi chấm điểm. Tuy nhiên, do kết quả các câu trả lời của học sinh Việt Nam thi trên giấy quá khác biệt với các nước OECD thi trên máy tính, cho ra một mô hình khác biệt (misfit) với mô hình các nước OECD đang thi trên máy tính".
Được biết cuộc kiểm tra PISA 2018 có hai hình thức thi là trên giấy và máy tính.
Bài thi trên giấy được sử dụng ở chín quốc gia : Argentina, Jordan, Lebanon, Cộng hòa Moldova, Cộng hòa Bắc Macedonia, Romania, Ả Rập Saudi, Ukraine và Việt Nam.
So sánh với các nước trên giấy, Việt Nam có mô hình hoàn toàn tương tự nhưng điểm khác biệt là kết quả của Việt Nam cao hơn rất nhiều.
Bộ Giáo dục Việt Nam nói họ hy vọng OECD "sẽ có thêm thời gian để phân tích các điểm khác biệt của kết quả trả lời PISA Việt Nam 2018".
Ngoài ra, phía Việt Nam nói sẽ xem xét để chuẩn bị dần các điều kiện để có thể tham gia các kỳ thi PISA sắp tới qua máy tính.
Trong kỳ thi PISA 2018, ở phần Đọc hiểu, Việt Nam đạt 505 điểm, điểm số cao thứ 13/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Lĩnh vực Toán học, Việt Nam đạt 496 điểm, điểm số cao thứ 24/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham.
Lĩnh vực Khoa học, Việt Nam đạt 543 điểm, điểm số cao thứ 4/79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia.
Trung Quốc 'số một'
Đáng chú ý, khi thi PISA 2018, Trung Quốc chỉ cử bốn địa phương tham gia là Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Triết Giang.
OECD thừa nhận kết quả thi bốn nơi này "vượt xa" thành tích của học sinh 78 quốc gia, lãnh thổ khác.
Nhưng kết quả của Trung Quốc vẫn được OECD công nhận, khiến Trung Quốc xếp số 1 trong bảng PISA 2018.
Xếp thứ hai là Singapore, tiếp theo là Macao, Hong Kong, Estonia, Canada, Phần Lan, Ireland, Hàn Quốc, Ba Lan, Thụy Điển, New Zealand, Mỹ, Anh, Nhật, Úc, Đài Loan, Đan Mạch…
Thái Lan, Indonesia, Philippines thuộc nhóm nước xếp gần chót bảng.
Nguồn : BBC, 04/12/2019
Một đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ "Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa" được Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện và công bố vào trung tuần tháng 11, với kết quả nghiên cứu cho thấy những học sinh là con ngoan, trò giỏi ở tuổi vị thành niên có xu hướng tự hủy hoại bản thân.
Ảnh minh họa. AFP
Hồi trung tuần tháng Giêng năm 2018, dư luận trong nước bàng hoàng trước thông tin một nữ sinh lớp 7 ngoan ngoãn, học giỏi ở Hà Tĩnh tự tử trong lớp học, đã để lại hai bức thư viết bằng tiếng Anh và tiếng Việt gửi lời xin lỗi đến bố mẹ, thầy cô và bạn bè vì kết quả học tập giảm sút, không được như kỳ vọng của mọi người dành cho em.
Truyền thông quốc nội lúc bấy giờ cũng đăng tải nhiều thông tin báo động học sinh bị trầm cảm, tự tử vì áp lực học hành.
Hiện tượng tự tử của một nữ sinh cấp hai vì trầm cảm này chỉ là một trong nhiều trường hợp đã và đang xảy ra ở Việt Nam.
Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh vào hôm 12 tháng 11 công bố một nghiên cứu có tựa "Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh Trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa".
Nhóm tác giả thực hiện đề tài khoa học vừa nêu cho biết đã tiến hành khảo sát thực tế trên 1043 học sinh tại 7 trường Trung học cơ sở ở Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Kết quả điều tra cho thấy có gần 62% có hành vi bỏ bê hay thiếu trách nhiệm với bản thân, hơn 38% có suy nghĩ bi quan về cuộc sống, xấp xỉ 32% thừa nhận từng làm đau bản thân mình. Điều đáng chú ý là trong số 1043 em học sinh được khảo sát, khoảng 27% thực hiện hành vi tự hủy hoại bản thân. Đặc biệt trong tỉ lệ 27% này, các em học sinh khá, giỏi lại chiếm số đông.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, được truyền thông dẫn lời cho biết hiện tại tỷ lệ rối loạn tâm lý học đường càng cao thì học sinh đối diện nhiều khó khăn, và do đó nhiều em chọn hành động tự tổn hại, tự hành hạ mình.
Trong cuộc phỏng vấn với Báo Tuổi Trẻ Online, vào ngày 14 tháng 11, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh nhóm nghiên cứu đề tài khoa học xác nhận được rằng có mối quan hệ nhất định giữa trầm cảm và hành vi tự hủy hoại ; có nghĩa là từ trầm cảm, học sinh dễ có hành vi tự hủy hoại và khi có hành vi tự hủy hoại thì dễ dẫn đến nguy cơ trầm cảm lâu dài, cũng như nguy cơ gia tăng mức trầm cảm.
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận có không ít những trường hợp học sinh ở lứa tuổi thanh thiếu niên tại Việt Nam tự hủy hoại bản thân đến mức tự vẫn mà không một ai biết được nguyên nhân vì sao các em đi đến quyết định như thế.
Bà Ngọc Trân ở Sài Gòn cho RFA biết gia đình của bà gặp một biến cố kinh hoàng khi một người cháu thật ngoan hiền, thật lễ phép, học thật giỏi đã nhảy từ ban công tầng lầu xuống sân nhà và ra đi mãi mãi mà trước đó người cháu này không có một biểu hiện bất thường nào. Bà Ngọc Trân chia sẻ :
"Đây là một mất mát rất lớn, không có gì có thể bù đắp được và bố mẹ của cháu suy sụp hoàn toàn. Những năm tháng còn lại trong cuộc đời thì trong gia đình sẽ cố gắng cho sự việc được trôi qua đi, nhưng nỗi ám ảnh, nỗi nhớ thương, nghĩ về con là khôn nguôi".
Kết thúc cuộc trò chuyện với bà Ngọc Trân, hình ảnh đọng lại trong lòng chúng tôi là nỗi nghẹn ngào qua tiếng nấc nghẹn mất mát người thân còn quá trẻ với nỗi hụt hẫng không bao giờ tìm được lời đáp chuyện gì đã xảy đến với người cháu yêu dấu của bà.
Thư tuyệt mệnh của một nữ sinh trung học viết trước khi tự vẫn.Courtesy : Ảnh chụp màn hình tienphong.vn
Để phần nào tìm kiếm câu trả lời, chúng tôi gặp gỡ với bạn trẻ Cẩm Linh, một sinh viên vừa tốt nghiệp đại học và được biết bạn từng trải qua giai đoạn tuổi thiếu niên có hoàn cảnh sống tương tự như cháu của bà Ngọc Trân và bạn cũng từng tự cầm dao cắt vào tay của mình.
Bạn trẻ Cẩm Linh nói với RFA tâm trạng của bản thân cũng như của một số bạn bè đồng trang lứa khi bước vào tuổi mới lớn :
"Họ cảm thấy bị áp lực từ phía gia đình, đặc biệt từ cha mẹ. Cha mẹ lúc nào cũng muốn con cái học thật giỏi nên nhiều khi suy nghĩ đó áp đặt lên người con và người con cảm thấy không có đủ năng lực để đạt được mong muốn của cha mẹ mình mà không thể giải tỏa được với ai. Nói với cha mẹ thì cha mẹ không hiểu. Nói với bạn bè thì bạn bè cũng bị áp lực giống như mình và mối quan hệ bạn bè cũng có những xích mích hàng ngày khi đi học. Nhiều áp lực cộng hưởng lại ảnh hưởng rất nhiều lên tâm lý của một học sinh như vậy và họ có xu hướng làm tổn thương đến bản thân, cơ thể của mình để cha mẹ, gia đình, bạn bè chú ý đến họ nhiều hơn hoặc là qua đó muốn làm áp lực lại đối với những người xung quanh".
Trả lời câu hỏi của RFA rằng bạn đã nghĩ gì trong giây phút cầm dao cứa vào da thịt, tự làm đau mình ; bạn trẻ Cẩm Linh bày tỏ :
"Khi ở lứa tuổi thanh thiếu niên mười mấy tuổi mà không thể tìm được câu trả lời cho những câu hỏi của mình thì thường chỉ nghĩ đến một hướng tiêu cực nhất là giải thoát cho bản thân của họ ; đó là kết thúc thôi".
Đài Á Châu Tự Do nêu vấn đề liên quan đến đề tài nghiên cứu vừa công bố của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh về "Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh Trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa" với Chuyên gia Tâm lý-Tiến sĩ Diệu Thoa Trương, một bác sĩ tham gia nhiều chương trình giúp đỡ cho thanh thiếu niên bị trầm cảm ở Bang California, Hoa Kỳ và được bà giải thích :
"Những em hay tự cắt mình hay tự hủy hoại bản thân là do nhiều khi các em có những nỗi đau về tình cảm mà các em chịu không được. Ví dụ như những áp lực từ gia đình, từ học đường, từ xã hội mà các em không biết cách để đối phó. Do đó, thà các em đau bằng thể xác. Và khi các em tự cắt mình thì những chất dẫn truyền thông tin trong não bị kích động tạo cảm giác nhẹ nhàng. Các em sợ thì có sợ nhưng cảm thấy như được giải thoát".
Kết quả khảo sát do nhóm nghiên cứu của Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện cho thấy biểu hiện tự hủy hoại bản thân của các em học sinh ở nhiều mức độ khác nhau ; như tự bứt tóc chiếm hơn 18%, tự cắn mình chiếm hơn 18%, đập đầu vào một vật gì đó chiếm gần 20% và có hành vi tự đánh đấm mình chiếm hơn 35%.
Tiến sĩ Tâm lý học Diệu Thoa Trương nhấn mạnh hành động tự hủy hoại bản thân của thanh thiếu niên do nhiều yếu tố đa dạng khác nhau, có phần nhằm gây sự chú ý của cha mẹ và cũng có thể là muốn biểu hiện với bạn bè theo xu hướng, theo phong trào ; nhưng "Chủ yếu đó là tiếng kêu cứu của các em".
Tham khảo Phần 2 : Làm thế nào để ngăn chặn xu hướng tự hủy hoại bản thân của thanh thiếu niên ?
***************
Một đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ "Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh trung học cơ sở (Trung học cơ sở) và biện pháp phòng ngừa" được Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) thực hiện và công bố vào trung tuần tháng 11, với kết quả nghiên cứu cho thấy những học sinh là con ngoan, trò giỏi ở tuổi vị thành niên có xu hướng tự hủy hoại bản thân.
Ảnh minh họa. AFP
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn, Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh), chủ nhiệm đề tài nghiên cứu, trong cuộc phỏng vấn với Báo Tuổi Trẻ Online, vào ngày 14 tháng 11, nhấn mạnh nhóm nghiên cứu đề tài khoa học xác nhận được rằng có mối quan hệ nhất định giữa trầm cảm và hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh cấp Trung học cơ sở.
Qua trao đổi với RFA về hiện tượng các em học sinh có xu hướng tự hủy hoại bản thân, Chuyên gia tâm lý-Tiến sĩ Diệu Thoa Trương, ở Hoa Kỳ khẳng định mặc dù có nhiều yếu tố khác nhau dẫn đến việc các em có hành động như thế, nhưng chủ yếu là tiếng kêu cứu của các em, khi các em ở độ tuổi vị thành niên bị những áp lực mà không biết cách đối phó.
Nhà xã hội học-Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương lên tiếng với RFA rằng bà ghi nhận đề tài nghiên cứu mà trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện có lẽ là một khảo sát chính thức lần đầu tiên được công bố và đó là điều đáng mừng vì Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng vấn đề tâm lý của thanh thiếu niên trước đây ít được giới chuyên môn quan tâm nhiều. Nhà xã hội học Phạm Quỳnh Hương nói :
"Qua những gì tôi quan sát xã hội thì tôi thấy quả thật trong những năm gần đây, thanh niên nói chung và học sinh ở nhà trường thì có những áp lực thật sự. Áp lực cả về cuộc sống xã hội, cộng thêm áp lực về học hành nữa. Giáo dục tại Việt Nam thì ngày càng áp lực hơn trước đây rất là nhiều".
Đài Á Châu Tự Do ghi nhận, trong cuộc phỏng vấn với Báo VTV News Online, hồi trung tuần tháng 4 năm 2018, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Trần Thu Hương, thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định xã hội càng phát triển thì áp lực càng gia tăng, càng có nhiều sự đè nén lên các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ. Bên cạnh áp lực từ xã hội, giáo dục theo như Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nêu lên, Tiến sĩ Trần Thu Hương còn đưa ra nguyên nhân áp lực từ công nghệ thông tin và từ gia đình, chẳng hạn cha mẹ kỳ vọng vào thành tích học tập của con cái quá nhiều mà bản thân các em không có đủ năng lực để đáp ứng, nhưng các em lại không thể giãi bày.
Cô Phương Trương, một bà mẹ trẻ đang theo học các khóa huấn luyện nuôi dạy con ở Trung tâm Đánh giá và Can thiệp Tâm lý Hồn Việt, chia sẻ với RFA rằng có rất nhiều yếu tố cộng hưởng tạo nên áp lực cho trẻ vị thành niên dẫn đến các em bị trầm cảm và có xu hướng tự hủy hoại bản thân, tuy nhiên Chuyên gia tâm lý-Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga đưa ra nguyên nhân chủ yếu là đến từ gia đình. Cô Phương Trương nói về lớp hướng dẫn sự nối kết của gia đình tại Trung tâm Hồn Việt do Tiến sĩ Hoàng Minh Tố Nga chủ trì :
"Cô này rất chu đáo, có những khóa miễn phí cho người nghèo. Cô có những khóa học dành 2 giờ đồng hồ dành cho phụ huynh chia sẻ. Cô đặt những câu hỏi và phụ huynh phải trả lời. Và sau khi trả lời thì cô sẽ ngẫu nhiên mời một đứa con của gia đình đến. Cô đặt câu hỏi tương tự với người con đó thì đa phần câu trả lời của cha mẹ không trùng với của con 100%. Mức độ kết nối gia đình không có".
Trong phần 1 của loạt bài phóng sự tìm hiểu vì sao học sinh thanh thiếu niên là con ngoan, trò giỏi lại có xu hướng tự hủy hoại bản thân, bạn trẻ Cẩm Linh tâm sự chính mình và những bạn bè đồng trang lứa bị rơi vào trạng thái tâm lý không biết giải tỏa áp lực cùng ai nên có xu hướng làm tổn thương đến bản thân để người thân chú ý đến hoặc qua đó muốn làm áp lực lại đối với những người xung quanh.
Tiến sĩ Diệu Thoa Trương cho rằng các bậc phụ huynh Việt Nam phần đông là những người thường hay phán đoán và đó là nguyên nhân khiến cho con cái của họ không thể tâm sự và dẫn đến trầm cảm khi các em đối diện với những áp lực trong học tập, tình cảm, trong giao tiếp xã hội…Chuyên gia tâm lý Diệu Thoa Trương lý giải :
"Cha mẹ có thể phán đoán các em rằng tại sao phải vậy ? Nhưng quý vị không biết là cảm xúc của các em đối với vấn đề làm cho các em bị hụt hẫng, đau khổ, tuyệt vọng là một cảm xúc rất thật. Lúc đó đối với các em, những chuyện như vậy rất quan trọng nhưng không có ai ở đó để cho các em có thể tâm sự. Các em cần một người không phán đoán các em. Quý vị nhìn thấy một đứa con ngoan, nhưng nhiều khi trong lòng của nó bão tố mà nó không dám chống lại".
Áp lực từ công nghệ thông tin là một trong những nguyên nhân tác động đến học sinh bị trầm cảm. AFP
Truyền thông quốc nội vào đầu tháng 11 đăng tải số liệu khỏang 3 triệu thanh thiếu niên Việt Nam có vấn đề sức khỏe tâm thần, theo báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) vừa công bố hồi tháng 10. Báo Tuổi Trẻ Online dẫn lời của Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, Bác sĩ Nguyễn Hữu Chiến cho biết mặc dù chưa có khảo sát trên diện rộng nhưng số lượng thanh thiếu niên có vấn đề sức khỏe tâm thần gia tăng, bị rối loạn sức khỏe tâm thần học đường do sức ép học tập…
Theo kết quả khảo sát, được thực hiện từ năm 2003 đến nay ở 10/63 tỉnh, thành của Việt Nam vừa được UNICEF công bố cho thấy dấu hiệu bệnh lý phổ biến nhất của 3 triệu thanh thiếu niên là lo âu, chán nản về cuộc sống, thiếu tự tin, trầm cảm, có ý định tự tử và tự tử ; trong đó tỉ lệ thanh thiếu niên có ý định tự tử tăng lên từ 3,4 đến 6,1%.
Một số chuyên gia tâm lý mà Đài RFA trao đổi cho biết các em thanh thiếu niên khi gặp vấn đề về tâm lý và bị trầm cảm thông thường có những biểu hiện như luôn cáu giận, thay đổi thói quen ăn ngủ, luôn thấy mệt mỏi, thích một mình, thậm chí có thái độ thù nghịch với cha mẹ và xã hội. Họ đưa ra lời khuyên khi phụ huynh nhận thấy con em mình có những biểu hiện như thế thì cần hỗ trợ các em để các em sớm được điều trị.
Hiệu phó trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho biết nhóm nghiên cứu đề tài khoa học và công nghệ cấp bộ "Hiện tượng hủy hoại bản thân của học sinh Trung học cơ sở và biện pháp phòng ngừa" đưa ra một số giải pháp nhằm phòng ngừa hiện tượng này ; bao gồm nâng cao nhận thức về hành vi tự hủy hoại bản thân cho học sinh, giáo viên, chuyên viên tham vấn học đường, tổ chức các chuyên đề kỹ năng sống nhằm phát triển năng lực ứng phó với hành vi tự hủy hoại bản thân của học sinh, và xây dựng hệ thống kiến thức cùng bài tập hướng dẫn học sinh có dấu hiệu hủy hoại bản thân nhằm điều chỉnh trạng thái tâm lý và đối phó với các tác nhân kích thích của hành vi này.
Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nói với báo giới ông đánh giá hoạt động tư vấn tâm lý tại trường học trong những năm gần đây đã khởi sắc và có sự thay đổi nhất định và đầu tư từ Bộ Giáo Dục-Đào Tạo, đang chú trọng nhiều đến học sinh trung học. Tuy nhiên, Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho rằng vẫn cần có sự đầu tư nhiều hơn về con người, cơ sở vật chất cũng như cần được đảm bảo thực hiện một cách bài bản và có hệ thống.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi về công tác liên quan đến việc quan tâm tâm lý học đường của học sinh trung học, một giáo viên giảng dạy tại một trường trung học cơ sở ở Cần Thơ, không muốn nêu tên cho biết chương trình giảng dạy quá tải nên cũng không có thời gian quan tâm tâm lý học sinh :
"Giáo viên đông lắm, không có đi học hết được. Có thể là 1, 2 giáo viên hoặc là hiệu trưởng tham gia lớp học rồi về truyền đạt lại giống như cho có vậy thôi. Có hướng dẫn giáo dục tâm lý trẻ em nhưng chỉ cho mình đọc và giáo viên tự thân vận động, thương học trò thế nào thì giáo dục học trò thế đó".
Chuyên gia tâm lý Diệu Thoa Trương chia sẻ ở Hoa Kỳ có nhiều chương trình giúp đỡ cho thanh thiếu niên khi các em có vấn đề về tâm lý, đặc biệt là ở trường học :
"Trường lớp ở Mỹ cũng rất hay, có những khóa dạy cho các bác sĩ tâm lý, dạy cho thầy cô hoặc dạy cho bạn bè để giúp để ý thấy những bạn nào có dấu hiệu trầm cảm thì mình tới và nói chuyện. Tức là họ huấn luyện từ người cảnh sát cho tới chuyên gia tâm lý và giáo viên để tìm đến với đứa trẻ. Tại vì đứa trẻ tin vào những người gần gũi, những người không phán đoán mình thì các em cảm thấy an toàn để chúng chia sẻ".
Tiến sĩ Diệu Thoa Trương nhấn mạnh quan trọng hơn hết là sự nối kết của gia đình với các em thanh thiếu niên và khi các bậc phụ huynh muốn được con em của họ sẻ chia thì trước hết chính bản thân họ phải thay đổi, không tạo áp lực lên con cái của mình, nhất là trong việc học hành.
Chúng tôi xin được kết thúc loạt bài tìm hiểu về xu hướng thanh thiếu niên, đa số là con ngoan, trò giỏi có xu hướng tự hủy hoại bản thân với tâm sự của bạn trẻ Cẩm Linh rằng dù mới tốt nghiệp đại học với tấm bằng cử nhân tài chính, theo ý nguyện của ba mẹ, nhưng bạn thật sự mất phương hướng vì không thể tìm được công việc như ý muốn trong bối cảnh mỗi năm Việt Nam có đến 200 ngàn cử nhân thất nghiệp.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 16/11/2018
Hiện nhiều phụ huynh có con nhỏ tại Việt Nam tỏ ra hoang mang khi bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" do Giáo sư Hồ Ngọc Đại chủ biên đang gây bão dư luận. Lý do vì người trong cuộc phải chi ra hàng trăm tỷ đồng để con họ học cách đánh vần chữ Việt bị cho là "lạ".
Một phụ huynh chọn lựa mua sách giáo khoa cho con ở Sài Gòn. RFA
Những ngày trước thời điểm niên học 2018-2019 chính thức bắt đầu, truyền thông trong nước đăng tải thông tin về bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục", do Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên, được áp dụng giảng dạy ở gần 50 tỉnh, thành và có hơn 800 ngàn học sinh, khoảng 50% học sinh lớp 1 trên cả nước học theo chương trình đánh vần mới trong bộ sách này.
Đài RFA ghi nhận một làn sóng phản đối mạnh mẽ không chỉ từ các phụ huynh mà gồm nhiều thành phần trong xã hội lên tiếng yêu cầu Bộ Giáo dục và đào tạo cần trả lời cho thắc mắc vì sao người dân bị buộc chi hàng trăm tỷ đồng để mua bộ sách này, mà học sinh phải học cách "đánh vần lạ" cũng như các từ ngữ không phổ thông và nội dung nhiều bài đọc không chấp nhận được. Một phụ huynh ở Cần Thơ nói với RFA :
"Đóng tiền học, tiền đồng phục, tiền mua sách vở mỗi năm đều cải cách thì số tiền cũng hơi cao đối với những người công nhân chúng tôi. Và vấn đề sách sao khoa cải cách như vậy thì tôi nghĩ con cái mình giống như ‘chuột bạch’ để thí nghiệm của nền giáo dục".
Vào ngày 11 tháng 9, Báo mạng Zing.vn dẫn lời của ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết bộ tài liệu "Công nghệ giáo dục" được Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đánh giá mang lại những kết quả nhất định. Ông Nguyễn Đức Hữu cho rằng cách tiếp cận và truyền dạy của sách "Công nghệ giáo dục" tuy khác so với sách giáo khoa chính thống, nhưng cùng mục đích giúp học sinh "đọc thông, viết thạo" và vì được đánh giá tốt nên tài liệu sách này được triển khai rộng rãi khắp nước, chứ không chỉ tại trường Thực nghiệm.
Trong số hàng trăm ý kiến phản bác bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" trên nhiều fanpage, truyền thông quốc nội cũng đăng tải ý kiến của những "người trong cuộc" là các học sinh đã từng học qua chương trình của bộ sách này. Phó Giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Đại biểu quốc hội, một trong số học sinh khóa đầu tiên của trường Thực nghiệm, Hà Nội nêu lên vấn đề vì sao Công nghệ giáo dục áp dụng 40 năm qua, được đánh giá tốt mà không phải là sách giáo khoa và phải chăng có lợi ích nhóm đằng sau vụ tranh luận trên mạng xã hội chỉ trích với lời lẽ phản cảm chương trình Công nghệ giáo dục thời gian qua ?
Truyền thông trong nước loan tải số liệu kể từ năm 2000 đến nay, Nhà xuất bản Giáo dục, thuộc Bộ Giáo dục và đào tạo độc quyền xuất bản sách giáo khoa, in 100 triệu bản mới mỗi năm và phụ huynh phải chi tới 1000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa mới cho con em mình hàng năm.
Tuy nhiên Bộ Giáo dục và đào tạo cho biết theo Nghị quyết 88 của quốc Hội, việc độc quyền sách giáo khoa sẽ bị xóa bỏ và sẽ áp dụng một chương trình nhưng nhiều sách giáo khoa, bắt đầu từ năm 2019 hoặc năm 2020. Một cán bộ làm việc trong Phòng giáo dục ở Cần Thơ xác nhận với RFA về thông tin này :
"Chương trình sẽ khoán về cho các trường, tự mỗi trường lựa chọn và thống nhất với phụ huynh. Cả nước Việt Nam sẽ áp dụng quy định này từ lớp 1".
Báo mạng Zing.vn, vào ngày 11 tháng 9, trích đăng nhận định của Phó Giáo sư Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo, khẳng định rằng sách giáo khoa là "miếng bánh béo bở" lâu nay, và theo qui định mới của Bộ Giáo dục và đào tạo sẽ diễn ra cuộc cạnh tranh thị phần sách giáo khoa khi từ năm học 2019-2020 có nhiều nhà xuất bản khác được in sách giáo khoa.
Trong lúc có nhiều tranh cãi liên quan bộ sách "Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục" và chương trình áp dụng nhiều sách giáo mới, rất nhiều phụ huynh bày tỏ nỗi lo lắng về việc học hành của con em họ.
Một trang trong sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa. Courtesy : Netizens
Một phụ huynh, ở Sài Gòn trong lúc đi mua sách giáo khoa cho con, chia sẻ với RFA :
"Nếu cứ tiếp tục như thế thì từ từ phụ huynh dạy cho học sinh ở nhà để con em mình thành nhân. Bây giờ trong xã hội Việt Nam, học hành cao cũng đâu làm được gì, ra trường cũng thất nghiệp. Thà con tôi có đạo đức sống, thì vẫn tốt hơn học nhiều mà chẳng được gì. Học nhiều mà sách loạn xạ, chữ viết lung tung lang tang…đến mức không thể hiểu thì làm sao mà nói đến ‘tiên học lễ, hậu học văn’ ?".
Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trước sự hoang mang của phụ huynh, trên mạng xã hội những ngày vừa qua xuất hiện không ít ý kiến đề nghị các bậc cha mẹ nên sử dụng công cụ của công nghệ để tìm kiếm bộ sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa, để phụ dạy cho con em mình ở nhà. Ông Hoàng Ngọc Diêu, một chuyên gia công nghệ ở Úc lên tiếng giải thích vì sao ông cũng là người đưa ra ý kiến này :
"Tôi thấy những cuốn sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa được soạn thảo với mục đích rất rõ ràng và khoa học. Tại vì, sách giáo khoa cũng như chương trình giáo dục thời Việt Nam Cộng Hòa nhắm đến một nền giáo dục khai phóng và nhân bản, cho nên đó là một hệ thống mở mà người Việt nên học từ những loại sách đó.
Nền giáo dục của Việt Nam mấy chục năm qua không đào tạo cái gì cho rõ ràng. Chất xám, giá trị cũng như chất lượng đào tạo không đi đến đâu hết mà bị giáo điều, cũ kỹ và mang tính hình thức chứ không có chất lượng thật.
Tôi thấy có vẻ rất vô vọng, cho nên cần nghĩ đến một chọn lựa nào khác ; ít ra cũng bắt đầu từ một điểm nào đó thay vì cứ cắm cúi, đâm đầu vào một hệ thống giáo dục mà nó không mang lại một giá trị nào hết".
Facebooker Manh Kim, một người đồng thuận trong việc ủng hộ phụ huynh dùng bộ sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa để dạy cho học sinh, đăng tải bài viết khẳng định chỉ có con đường duy nhất cho phát triển giáo dục là sự tự do. Facebooker Manh Kim nhấn mạnh rằng "Chỉ bằng tự do cạnh tranh mới có thể mang lại sự đào thải những mô hình giáo dục kém hòan thiện. Chỉ bằng tự do cạnh tranh, phương pháp đánh vần nào tốt hơn sẽ được xã hội đón nhận, không cần tốn thời gian tranh cãi. Chỉ bằng cạnh tranh trên tinh thần tự do thì mới dẹp được nạn tham nhũng thối nát, từ chạy bằng cấp đến tình trạng độc quyền sách giáo khoa".
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 12/09/2018