‘Vụ Phạm Phú Quốc’ : Cần phần biệt ‘chúng tôi’ và ‘chúng ta’
Trân Văn, VOA, 04/09/2020
Tuần này, scandal ông Phạm Phú Quốc bị phát giác đã chi tối thiểu 2,5 triệu Mỹ kim để thủ đắc quốc tịch Cyprus, tiếp tục trở thành một trong những chủ đề nóng nhất cả trên hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam lẫn mạng xã hội.
Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc (Ảnh chụp màn hình SGGP)
Cuộc họp báo do Đoàn Đại biểu Quốc hội của Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và UBND Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức vào chiều 1 tháng 9 giống như chữa cháy bằng… xăng !
Tuy thông tin ông Quốc (Tổng Giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận – IPC – doanh nghiệp nhà nước được đặt dưới quyền kiểm soát của UBND Thành phố Hồ Chí Minh, kiêm Đại biểu Quốc hội Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam),… tự nguyện từ chức Tổng Giám đốc IPC và thôi đại diện cho "ý chí, nguyện vọng" của nhân dân tại Quốc hội không làm thiên hạ ngạc nhiên nhưng người ta vẫn sửng sốt và phẫn nộ khi ông Phan Nguyễn Như Khuê (Trưởng Đoàn Đại biểu của Thành phố Hồ Chí Minh tại Quốc hội kiêm Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền khuyến cáo cả báo giới lẫn dân chúng ngưng bàn luận về khoản tiền mà ông Quốc đã "đầu tư" vào Cyprus để có "hộ chiếu vàng" : Chúng ta nên tôn trọng điều ông Quốc tự thú – do gia đình bảo lãnh, không nên suy diễn, bước quá đà tìm hiểu số tiền ấy từ đâu ra(1)…
Qua mạng xã hội, rất nhiều người đã nhắn cả với ông Phan Nguyễn Như Khuê, lẫn hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam rằng, họ không chấp nhận đứng cùng một bên với những người như ông Quốc. Họ không thuộc nhóm… "chúng ta" !
Trong số vừa kể, có người như Mai Bá Kiếm nhắc những người như ông Phan Nguyễn Như Khuê rằngkhông nên ngộ nhận về việc có toàn quyền áp đặt suy nghĩ cho toàn dân. Theo facebooker này, vì là "đồng đảng" và là "đồng liêu", ông Khuê có thể thoái mái sử dụng hai chữ CHÚNG TÔI khi giải thích về cách xử lý ông Quốc để biểu thị sự tôn trọng "nhóm lợi ích" của mình song ông không có quyền gộp cử tri vào phe của ông để dùng hai chữ CHÚNG TA(2)…
Giống như Mai Bá Kiếm, người nhấn mạnh,việc điều tra – xác định khoản 2,5 triệu Mỹ kim mà ông Quốc đã "đầu tư" vào Cyprus từ đâu ra là đáp ứng QUYỀN ĐƯỢC BIẾT của cử tri, không thể dùng CHÚNG TA để đẩy vấn đề lên… cung trăng cho… thằng Cuội… một số facebooker như Lâm Minh Chánh cũng bảo rằng, họkhông thể hiểu tại sao ông Khuê lại đòi mọi người phảitôn trọng điều ông Quốc tự thú ? Lâm Minh Chánh tâm sự :Có thể ông Khuê làm theo quy định, không thấy lỗi thì không truy, chưa lộ nghĩa là còn trong sạch nên mới bảo rằng không nên tìm hiểu tiền ở đâu ra nhưng nhân dân như chúng tôi thì… ức lắm (3) !
Dù từng có một số cơ hội rời bỏ quê hương nhưng Lâm Minh Chánh giãi bày, chưa bao giờ nghĩ tới tha hương song ông ở lại mà không hài lòng vì nhiều lẽ :Thể chế hiện tại, chưa có quốc gia nào thành công với "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" cả, tại sao chúng ta lại cố đi con đường mà chúng ta không biết rõ thế nào, chừng nào tới (?). Vì tham nhũng quá mức và vì giả dối bao trùm cả nước. Một bộ phận không nhỏ viên chức, trí thức, doanh nhân… vừa tham nhũng vừa rao giảng lý tưởng, đạo đức cho đến khi bị lộ… Ai cũng biết sự giàu có ấy đến từ đâu nhưng vẫn chấp nhận như chấp nhận bằng cấp dỏm, vinh danh những doanh nhân giàu có nhờ lũng đoạn hệ thống…
Không ít người như ông Lâm Minh Chánh, tuy vẫn kiên định với quyết định sống và chết trên quê hương của mình nhưng sự kiên định ấy chứa đầy cay đắng khi họ nhận ra : Với những quy định hiện hành, dù dối trá nhưng có lẽ ông Quốc sẽ thoát nạn !
Đó cũng là lý do nhiều facebooker như Võ Xuân Sơn nhận định :Vấn đề không chỉ nằm ở ông Phạm Phú Quốc. Vấn đề còn nằm ở những người đưa ông ta vào vị trí nắm giữ quyền sinh sát một tổng công ty nhà nước. Vấn đề còn nằm ở chỗ những người đã đưa ông ta vào danh sách để bầu đại biểu Quốc hội… Và điều quan trọng là ngay vào thời điểm này, các đồng chí của ông ta để cho một kẻ lừa dối cả hệ thống chính trị, lừa dối dân chúng, dễ dàng phủi bỏ trách nhiệm. Việc xử lí ông Quốc đang bộc lộ những tồn tại nghiêm trọng của hệ thống chính trị Việt Nam(4)…
Dựa trên yêu cầu của ông Phan Nguyễn Như Khuê (không mở rộng vấn đề về nguồn gốc số tiền ông Quốc "đầu tư" vào Cyprus), Chanh Tam vừa đề nghị Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh báo cáo với đảng viên và cử tri (5) :
- Thuế thu nhập cá nhân của ông Phạm Phú Quốc và người thân đã bảo lãnh ông ấy nhập tịch Cyprus. Nếu phải đầu tư 2,5 triệu USD để nhận quốc tịch Cyprus thì khoản đầu tư ấy đã phải hoàn thành các nghĩa vụ thuế nào ?
Trong trường hợp khoản thu nhập ấy xuất hiện thình lình do quá trình đi học nhiều năm ở nước ngoài thì có thể xác minh nguồn thu nhập cũng như tình trạng đã hoàn thành nghĩa vụ thuế ở nước sở tại hay chưa được không (?) và nên tiến hành thế nào ?
- Trong hồ sơ cán bộ phải cập nhập hàng năm, ông Quốc có báo cáo về thay đổi quốc tịch của mình và vợ con, cũng như những khoản thu nhập có thể giúp gia đình ông nhận quốc tịch Cyprus. Nếu không có thông tin, ông ấy có vi phạm qui định nào của đảng ?
- Theo Luật Tiếp cận thông tin, cử tri có quyền yêu cầu các cơ quan hữu trách ở Thành phố Hồ Chí Minh, kể cả Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh công bố các thông tin về Phạm Phú Quốc – một cán bộ do Thành ủy quản lý ?
- Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có thể trả lời thắc mắc chung của nhiều người, hành vi của đảng viên Phạm Phú Quốc có bị coi là phản bội lý tưởng, phản bội tổ quốc, phản bội nhân dân không ?
Căn cứ vào những diễn biến liên quan đến scandal Phạm Phú Quốc nói riêng và nhiều scandal khác nói chung, những thắc mắc như vừa dẫn dẫu hợp lý, hợp tình nhưng chắc chắn rất khó nhận được các câu trả lời.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê vừa thay mặt hệ thống chính trị, hệ thống công quyền lặp lại sự phân tuyến cả trong nhận thức lẫn ứng xử giữa đảng với dân : Dù muốn hay không thì đã cũng như đang và sẽ còn có hai bên, TA và HỌ !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 04/09/2020
Chú thích :
(1) https://plo.vn/thoi-su/xem-xet-bai-mien-tu-cach-dai-bieu-quoc-hoi-ong-pham-phu-quoc-935840.html
(2) https://www.facebook.com/bakiem.mai/posts/1464033317121867
(3)https://www.facebook.com/photo.php?fbid=3270108553076613
(4) https://www.facebook.com/xuanson.vo.5/posts/1805865639570554
(5) https://www.facebook.com/chanh.tam.33/posts/2901695903269991
BBC, 05/09/2020
Cyprus cho biết họ sẽ tước "hộ chiếu vàng" của 7 người đã mua theo chương trình đầu tư lấy quốc tịch của nước này, theo Al Jazeera.
Đại biểu quốc hội Việt Nam Phạm Phú Quốc là một trong số những người bị rò rỉ thông tin mua hộ chiếu vàng Cyprus
Động thái này diễn ra hai tuần sau khi Al Jazeera công bố điều tra mang tên The Cyprus Papers, một kho tài liệu bị rò rỉ cho thấy nước này đã bán hộ chiếu cho những tên tội phạm bị kết án, những kẻ trốn tránh pháp luật và những người được coi là có nguy cơ tham nhũng cao.
Tổng thống Nicos Anastasiades nói với hãng tin AFP hôm thứ Sáu 4/9/2020 rằng một ủy ban đặc biệt trước đó đã bắt đầu điều tra 30 người đã mua hộ chiếu để xem có "vi phạm tiêu chí nào của chúng tôi" hay không.
"Có vẻ như bảy trong số 30 người này sẽ bị tước quyền công dân Cyprus," ông Anastasiades nói mà không tiết lộ danh tính của họ.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu đây có phải là động thái mới của các cơ quan chức năng Cyprus hay là sự lặp lại những gì đã được công bố.
Vào cuối năm 2019, chính phủ Síp cho biết 30 người đang bị điều tra và phải đối mặt với việc bị tước quyền công dân.
Tên của 9 nhà đầu tư và 16 người thân đã được tiết lộ trong các báo cáo – 5 người còn lại không được nêu tên – nhưng không có cái tên nào nằm trong số những cái tên được đăng trên The Cyprus Papers.
Vào tháng 5/2019, Bộ Nội vụ Cyprus nói với Al Jazeera rằng họ đã "bắt đầu các thủ tục tước quyền" đối với 11 nhà đầu tư và người thân của họ. Có nghĩa là thông báo của chính phủ Cyprus hôm 4/9/2020 về việc chỉ có bảy cá nhân bị tước hộ chiếu cho thấy họ đang hành động ít hơn so với cam kết ban đầu.
Cũng không rõ liệu có ai trong số những người có tên trong The Cyprus Papers nằm trong số ít bị mất "hộ chiếu vàng" hay họ là những người có liên quan đến các báo cáo trước đó.
Trong số những người đã mua hộ chiếu Cyprus, và nhờ đó có quyền mở tải khoản ngân hàng, xin việc và du lịch miễn thị thực ở Liên minh Châu Âu, có Maleksabet Ebrahimi, công dân Iran, người có lệnh truy nã đặc biệt của Interpol, và Ali Beglov, công dân Nga đã thụ án tù vì tội tống tiền.
Ngoài ra có hai người Việt đã mua được hộ chiếu Cyprus mà Al Jazeera công bố tên, là ông Phạm Nhật Vũ và Đại biểu quốc hội Phạm Phú Quốc.
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin AFP, Tổng thống Anastasiades đã bảo vệ chương trình bán hộ chiếu mang lại nguồn thu nhập chính cho đất nước Địa Trung Hải này.
Mặc dù các cam kết đã được đưa ra vào cuối năm 2019 để thu hồi hộ chiếu của những người có liên quan đến hoạt động tội phạm, nhưng chỉ vào tháng 7 năm nay, quốc hội Cyprus mới thông qua luật cho phép tước quyền công dân từ thời điểm đó.
Bất chấp những thay đổi này, EU vẫn thường xuyên chỉ trích Cyprus và các nước khác đưa ra các ưu đãi đầu tư tương tự.
Sau cuộc điều tra của Al Jazeera, Ủy viên Tư pháp Châu Âu Didier Reynders cho biết ông đang xem xét khả năng khởi kiện Cyprus về chương trình đổi đầu tư lấy quốc tịch của nước này.
Tranh chấp quần đảo Kuril : Ranh giới không thể vượt qua trong quan hệ Nga-Nhật (RFI, 23/01/2019)
Cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir Putin – Shinzo Abe kết thúc ngày hôm qua, 22/01/2019, tại Moskva đánh dấu bằng thất bại trong việc ký kết một hiệp định hòa bình. Một lần nữa tranh chấp lãnh thổ xung quanh quần đảo Kuril lại là vật cản chính cho chiến lược xích lại gần nhau Nhật – Nga, như hai bên mong muốn.
Đàm phán Nga - Nhật. Dẫn đầu hai phái đoàn là ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và đồng nhiệm Nhật Taro Kono, Moskva, ngày 14/01/2019. Reuters/Maxim Shemetov
Tổng thống Nga Vladimir Putin và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có 25 lần gặp nhau trực tiếp, trong đó không ít lần để thảo luận về một hiệp định hòa bình giữa hai nước, kể từ khi nước Nhật bại trận trong Đệ nhị Thế chiến 1945.
Vào tháng 9 năm ngoái, tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ ngỏ ý đề nghị Tokyo lật qua trang sử mới với việc ký hiệp định hòa bình giữa hai nước mà không cần "điều kiện tiên quyết». Thế nhưng, cuối cùng tranh chấp chủ quyền 4 hòn đảo trong quần đảo Kuril vẫn là ranh giới không thể vượt qua trong quan hệ Nga - Nhật.
Nhóm bốn đảo phía nam quần đảo Kuril nằm rất gần Nhật Bản hiện do Moskva quản lý từ khi Liên Xô sáp nhập năm 1945, vẫn được Nga gọi là Nam Kuril. Còn Nhật gọi đó là "lãnh thổ phương bắc" bị "Nga chiếm giữ trái phép". Đây là vùng biển đảo được đánh giá không chỉ giàu tài nguyên khoáng sản, thủy sản mà còn là cửa ngõ ra vào Thái Bình Dương cho các hạm đội hải quân Nga.
Việc hai ông Vladimir Putin và Shinzo Abe gặp nhau nhiều lần không phải không có lý do. Điều đó chứng tỏ cả hai bên đều ý thức được sự xích lại gần nhau trong bối cảnh địa chính trị hiện nay là mang tính chiến lược. Nếu quan hệ Nga-Nhật ấm lên, hai nước sẽ có được lợi ích chung về hợp tác kinh tế, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng. Bên cạnh đó nhằm tạo thế cân bằng giữa các cường quốc ở Châu Á hoặc thay đổi thế tương quan giữa Nga và phương Tây.
Với hy vọng một hiệp định hòa bình được ký với Moskva, Tokyo sẽ củng cố chiến lược tạo đối trọng với Bắc Kinh. Từ năm 2013, dưới thời của thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản được xem như đã có nhiều nỗ lực nhằm vượt qua bế tắc trong vấn đề lãnh thổ để cải thiện quan hệ với Nga, hoặc ít ra là để duy trì quan hệ đối thoại cấp cao với Moskva.
Năm 2014, khi Nga sáp nhập Crimée và can thiệp quân sự vào miền đông Ukraina, phương Tây áp dụng một loạt trừng phạt với Nga và Moskva cũng đáp lại bằng những biện pháp trả đũa khác nhau. Nhật Bản đứng về phía phương Tây, nhưng vẫn khôn khéo, uyển chuyển duy trì quan hệ với Nga để theo đuổi mục tiêu riêng. Các biện pháp trừng phạt của Nhật Bản nhằm vào Nga cũng được xem như là không đáng kể, và chỉ được đưa ra dưới sức ép của Washington. Đổi lại, Nga cũng hầu như không áp dụng biện pháp trả đũa nào đối với hàng hóa Nhật.
Theo các nhà quan sát, việc xích lại gần Nhật Bản đã cho phép Nga phá vỡ mặt trận chung của các cường quốc phương Tây. Mặc dù chính phủ Abe luôn tỏ ra năng động trong chính sách Nga, vấn đề tranh chấp lãnh thổ vẫn là một tồn đọng lịch sử không giải quyết được. Moskva tập trung khai thác mối quan hệ song phương với Tokyo theo hướng có lợi cho mình, mà không phải đưa ra những nhượng bộ liên quan tới các đảo Nam Kuril.
Sự quan tâm của Nga đối với Trung Quốc ngày càng lớn, một thị trường vũ khí quan trọng của Moskva và sự phụ thuộc của Nhật Bản vào Mỹ trong khuôn khổ hiệp ước an ninh chung, chính là những yếu tố càng gây thêm khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ Nga - Nhật.
Một yếu tố khác càng khiến triển vọng giải quyết tranh chấp các đảo Nam Kuril thêm xa vời, đó là tầm quan trọng về chính trị-quân sự của các đảo Nam Kuril đối với Moskva những năm gần đây.
Tương lai của các đảo Nam Kuril trong bối cảnh liên minh Nhật-Mỹ vẫn gắn chặt sẽ đặt ra 2 câu hỏi lớn : Nếu Nga trả Nhật Bản, liệu các đảo này có bị đặt dưới sự bảo trợ an ninh của Mỹ hay không ? Liệu Mỹ có được quyền thiết lập các căn cứ hay lắp đặt các trang thiết bị quân sự trên quần đảo này hay không ? Nếu câu trả lời là có, thì đó là điều Nga không bao giờ chấp nhận được. Còn nếu câu trả lời là không thì người Nga vẫn hoài nghi, vì mối quan hệ chiến lược Nga – Nhật dù sao cũng chỉ được quan tâm gây dựng chưa đầy một thập kỷ qua, trong đó lòng tin chưa được tạo dựng hoàn chỉnh.
Các cuộc đàm phán về chủ quyền các đảo ở Kuril không thể sớm được giải quyết trong ngày một ngày hai, như tổng thống Putin đã tuyên bố sau cuộc đàm phán với ông Abe ngày hôm qua. Giữ nguyên hiện trạng chủ quyền các đảo Nam Kuril sẽ có lợi cho Nga và cùng khai thác phát triển kinh tế trong khu vực tranh chấp có lẽ là giải pháp dễ được chấp nhận hơn cả. Vì thế mà không chỉ lần này, trong các cuộc gặp thượng đỉnh trước, tổng thống Vladimir Putin đã không đưa ra bất cứ nhượng bộ nào liên quan tới việc trao trả các đảo trong Kuril cho Nhật Bản.
Anh Vũ
*************
Xuất khẩu của Nhật Bản tháng 12 năm ngoái giảm nhiều nhất trong vòng hơn hai năm vì các chuyến hàng vận chuyển sang Trung Quốc và các thị trường khu vực sụt giảm, trong bối cảnh nhu cầu trên toàn thế giới suy yếu và chiến tranh thương mại Trung – Mỹ tác động tới nền kinh tế xứ sở mặt trời mọc.
Reuters trích số liệu của Bộ Tài chính Nhật hôm 23/1 cho biết rằng xuất khẩu trong tháng 12 giảm 3,8% so với một năm trước đó, nhiều hơn so với mức 1,9% mà các nhà kinh tế dự báo.
Đây cũng là tỷ lệ sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 10 năm 2016.
Dữ liệu trên cho thấy áp lực bên ngoài ngày càng tăng đối với nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới, và được công bố chỉ vài giờ trước khi Ngân hàng Nhật Bản thông báo chính sách sau cuộc họp hai ngày, trong đó nhiều khả năng là duy trì các biện pháp kích thích tiền tệ.
Theo Reuters, hiện có lo ngại rằng cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ làm giảm lợi nhuận của các tập đoàn ở Nhật cũng như khiến nền kinh tế các nước lớn rơi vào cảnh suy thoái.
Các số liệu cho thấy rằng sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc đã gây tác động tới các đơn hàng xuất khẩu của Đài Loan trong tháng 12 năm ngoái cũng như xuất khẩu theo quý của Hàn Quốc.
*********************
EU kêu gọi kiểm soát chặt hơn ‘hộ chiếu vàng’ (BBC, 23/01/2019)
Ủy ban Châu Âu vừa yêu cầu các nước trong EU siết lại kiểm soát liên quan công dân nước ngoài lấy quốc tịch nhờ đầu tư.
Malta, Cyprus và Bulgaria dành passport cho công dân ngoài EU nếu có đầu tư
Ủy ban Châu Âu dự tính sẽ theo dõi sát hơn các chính sách này, vì chúng có thể bị dùng cho trốn thuế và rửa tiền.
20 nước trong EU hiện có chính sách liên quan hộ chiếu.
Cyprus, Malta và Bulgaria là ba nước duy nhất bán hộ chiếu cho công dân ngoài EU nếu có đầu tư.
20 nước, tính cả ba nước trên, cũng trao quyền định cư cho nhà đầu tư, tạo điều kiện để có quốc tịch.
Báo cáo mới ra của Ủy ban Châu Âu tập trung vào ba quốc gia, Bulgaria, Cyprus và Malta.
Tại Bulgaria, đầu tư 1 triệu euro là có thể có quốc tịch.
Tại Cyprus, cần đầu tư tối thiểu 2 triệu euro, cùng sở hữu nhà.
Tại Malta, người nộp đơn cần đóng 650.000 euro vào quỹ đầu tư quốc gia, cùng khoản đầu tư 150.000 euro, và yêu cầu thuê hay sở hữu nhà ở Malta (350.000 nếu mua, hoặc thuê giá 15.000 mỗi năm trong năm năm).
Mặc dù hợp pháp, các chính sách này đôi khi được tiến hành thiếu minh bạch, không đủ kiểm tra, theo lời Ủy ban.
Tháng 10 năm ngoái, một báo cáo của Global Witness và Transparency International nói các nước EU tạo ra 25 tỉ euro đầu tư nước ngoài trong 10 năm, thông qua việc bán ít nhất 6.000 hộ chiếu và 100.000 giấy định cư.