Con số 47.500 tỷ đồng mà Ngân hàng Nhà nước ‘tống’ vào thị trường trong khoảng thời gian cận tết nguyên đán 2019 đã khiến dấy lên dư luận về tốc độ in tiền phi mã của cơ quan này - một nguồn cơn rất hữu hình và trực tiếp phục vụ cho cơ chế đẩy vọt tỷ lệ lạm phát thực tế, chứ không phải là tỷ lệ lạm phát báo cáo ‘chỉ 4%’, có thể lên đến vài ba chục phần trăm.
Tiền đồng Việt Nam tại một ngân hàng ở Hà Nội. Hình minh họa.
Lại in tiền mới ?
Nhưng chưa hết, và còn lâu mới hết. Câu chuyện Ngân hàng Nhà nước đẩy hàng núi tiền và thị trường không chỉ xảy ra vào những ngày cận tết nguyên đán là lúc mà ‘kiều bào ta’ thường gửi đô la về Việt Nam với tần suất dày đặc và ‘béo bở’ hơn hẳn, mà còn diễn ra đều đặn vào một số thời điểm trong năm và trong hàng chục năm trở lại đây, đặc biệt từ năm 2011 khi ngân sách trung ương bắt đầu phải thắt lưng buộc bụng và tìm kế thu gom ngoại tệ trôi nổi ở thị trường tự do và các ngân hàng thương mại để trả nợ nước ngoài - lên đến hàng chục tỷ USD hoặc hơn mỗi năm.
Hiện nay, con số nợ nước ngoài của Việt Nam (chỉ tính riêng nợ của chính phủ và do chính phủ bảo lãnh mà chưa tính đến số tự vay tự trả của khối doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) đã lên đến 105 tỷ USD, xấp xỉ 50% GDP.
Vào dịp tết nguyên đán 2018, Ngân hàng Nhà nước cũng ‘tống’ một núi tiền ra thị trường, nhưng lên đến 93.000 tỷ đồng - nhiều một cách bất thường so với nhu cầu ‘bình ổn giá’ thông thường cần khoảng vài chục ngàn tỷ. Đó cũng là thời gian mà một chiến dịch thu vét đô la trôi nổi được cơ quan này âm thầm tiến hành, để đến gần giữa năm 2018 thì cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng lẫn Thủ tướng ‘Cờ Lờ Mờ Vờ’ Nguyễn Xuân Phúc đều hào hứng khoe rằng quỹ dự trữ ngoại hối đã tăng vọt đến 63 tỷ USD.
Những lời có cánh trên lại hiện ra trong bối cảnh mà chỉ mới qua nửa đầu năm 2018, nhà máy In Tiền Quốc Gia ở Việt Nam đã đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 60,4 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 41,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.
Khẩn cấp gom đô trả nợ nước ngoài
Ít nhất từ năm 2016 đến nay đã xảy đến một trùng hợp mà khó có thể xem là ngẫu nhiên : cùng với kế hoạch vay trả nợ được chính phủ phê duyệt hàng năm, trong đó phần trả nợ lại ít hơn nhiều phần đi vay để "bù đắp khó khăn ngân sách", mà có thể hiểu là một hình thức ‘vay đảo nợ’ - lấy nợ mới trả nợ cũ và làm cho nợ chồng nợ, luôn hiện ra thông tin Ngân hàng Nhà nước đã mua từ thị trường trong nước nhiều tỷ USD để "tăng quỹ dự trữ ngoại hối".
Cũng từ đầu năm 2016 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phải tung ra thị trường một lượng tiền đồng khá lớn - lên đến nhiều trăm ngàn tỷ đồng - để mua vào ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại và từ các nguồn trôi nổi tự do.
Chính núi tiền đồng mà Ngân hàng Nhà nước đổ ra đã khiến trong những năm qua đã khiến xuất hiện tình trạng dư thừa tạm thời tiền đồng của các ngân hàng thương mại, do vậy nhiều ngân hàng đã phải tìm cách "đẩy" tiền ra kênh cho vay, kể cả cho vay để đầu cơ chứng khoán và bất động sản có độ rủi ro rất cao, và bất kể rủi ro thường trực khó hoặc không thể thu hồi vốn.
Nhưng sau lần khoe thành tích ‘quỹ dự trữ ngoại hối đạt đến 63 tỷ USD’ vào gần giữa năm 2018, trong nửa cuối năm đó lại có hiện tượng Ngân hàng Nhà nước bị giảm số mua đô la từ các ngân hàng thương mại cổ phần và thị trường tự do. Hiện tượng này, cộng hưởng hiện tượng giới quan chức nhà nước không dám nêu cụ thể lượng ngoại tệ của quỹ dự trữ ngoại hối, đã cho thấy lượng đô la trôi nổi không còn nhiều như trước và đang có khuynh hướng xuống thấp hơn cứ sau mỗi năm.
Vào đầu năm 2019, có thêm một hiện tượng lạ là trong cả hai báo cáo phô trương thành tích kinh tế và hoạt động ngành ngân hàng năm 2018 của Thủ tướng Phúc và Thống đốc Hưng đã không hề phát ra con số cụ thể nào về quỹ dự trữ ngoại hối.
Dấu hỏi rất lớn bật ra là thực chất quỹ dự trữ ngoại hối hiện thời là bao nhiêu ? Hoặc còn lại bao nhiêu sau khi Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã phải dùng một phần của quỹ này để đảo nợ nước ngoài, trả nợ nước ngoài, tiêu xài cho ngân sách chi thường xuyên của một đội ngũ công chức viên chức mà có đến "30% không làm gì cả nhưng vẫn lãnh lương", hoặc cho những nhu cầu khẩn thiết khác, kể cả chi phí quốc phòng mua vũ khí của Ấn Độ, Israel, Mỹ… để đối phó với nguy cơ Trung Quốc ?
Xét theo logic bắt buộc phải trả nợ nước ngoài hàng năm của chính phủ Việt Nam, quỹ dự trữ ngoại hối hiện thời không thể là 63 tỷ USD mà có thể chỉ vào khoảng 30 tỷ USD như cái thời bị giảm nghiêm trọng vào năm 2015 do Việt Nam phải trả nợ nước ngoài đến 20 tỷ USD cho năm đó.
Rồi đến đầu năm 2019 lại xuất hiện một hiện tượng đáng mổ xẻ khác…
Tăng vọt tỷ giá trung tâm !
Sau một thời gian bình lặng, từ đầu năm 2019 đến nay tỷ giá trung tâm bất thần tăng nhanh, tăng vọt và tăng không ngừng nghỉ, bất chấp thị trường ngoại hối trong nước và quốc tế vẫn khá ổn định và trong thực tế là chẳng có ý do xác đáng nào đẻ giải thích cho cú tăng này.
Cơ chế tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước chuyển sang áp dụng từ đầu 2016 để thay cho cơ chế tỷ giá liên ngân hàng. Tỷ giá trung tâm được xem là thước đo tham chiếu cho tỷ giá của các ngân hàng và của cả.. chợ đen.
Đến ngày 21/1/2019, tỷ giá trung tâm của VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố đã lên mốc 22.870 VND, cao nhất kể từ đầu 2016 - thời điểm tỷ giá này ra đời.
Diễn biến trên xảy ra trong bối cảnh tỷ giá USD/VND thực trên các kênh giao dịch liên ngân hàng, giữa ngân hàng với các tổ chức và dân cư, trên thị trường tự do giảm mạnh vào cuối 2018 và ổn định từ đầu 2019, chứ không hề biến động mạnh.
Diễn biến trên cũng có nét tương đồng với khoảng thời gian đầu năm 2018, khi Ngân hàng Nhà nước cũng từng bước đều đặn nâng tỷ giá trung tâm trong bối cảnh thị trường và tỷ giá USD/VND ổn định, và đặc biệt là trong điều kiện cung ngoại tệ dồi dào và nhà điều hành mua vào lượng lớn.
Diễn biến tăng vọt tỷ giá trung tâm lại trùng với một thông tin rất đáng chú ý và so sánh : vào đầu năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào lượng khá lớn ngoại tệ, ước tính đã lên tới 4 tỷ USD từ đầu tháng 1/2019.
Đã rất rõ là chính sách cho tăng vọt tỷ giá trung tâm là nhằm vét đô, trong bối cảnh dù một lượng tiền đồng lớn đã được Ngân hàng Nhà nước tung ra nhưng vẫn khó mua USD do giá mua đô vẫn chưa hấp dẫn người bán.
Song cái gì cũng có giá của nó.
Tiền đề lạm phát của Venezuela ?
Cơ chế in tiền ồ ạt tất yếu sẽ kéo theo một danh nghĩa mới : "kiến tạo lạm phát", dẫn đến lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường và khiến nền kinh tế mất thăng bằng nghiêm trọng.
Tại nhiều chợ đầu mối ở Sài Gòn và Hà Nội, giá thịt thà và rau củ cứ tăng đều đặn 30-40% mỗi năm, chưa kể tăng gấp đôi vào những sự kiện tăng lương, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện tăng giá vàng… Người nghèo và công nhân ngày càng ăn uống kham khổ, trong lúc số tỷ phú đô la và số quan chức có tài sản trên 100 triệu USD ở Việt Nam vẫn tăng tiến không ngừng và thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên thế giới.
Một khi chủ đích của chính quyền là in tiền ồ ạt và dùng loại tiền giấy có nội lực yếu ớt ấy đổi lấy ngoại tệ mạnh là đồng đô la, sẽ chẳng mấy chốc lượng đô la trong dân và tại các ngân hàng giảm mạnh, đẩy nhanh tình trạng khan hiếm và tất yếu làm tăng mạnh lạm phát. Đó chính là tình trạng mà Venezuela đang phải đối mặt. Tuy nhiên, tại đất nước Nam Mỹ này còn tệ hơn so với Việt Nam : Thậm chí không còn tiền để in tiền và đang phải bán vàng để trả nợ.
Khúc quanh bi thảm của những mâu thuẫn giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa thị trường cũng vì thế đang hiện rõ. Không chỉ là khủng hoảng kinh tế, mà sẽ là vực thẳm xã hội !
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 05/02/2019
Ngay trước thời điểm diễn ra hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền vào đầu tháng 10/2017, phía chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc đã tung ra bản báo cáo với thành tích tăng trưởng kinh tế quý 3/2017 lên đến 7,46%, và còn dự kiến quý 4/2017 sẽ đạt tỷ lệ tăng trưởng 7,31%, để tính chung cả năm 2017 có mức tăng trưởng là 6,7%.
Tăng trưởng là do in tiền ồ ạt ?
Trong bài diễn văn của mình, ông Nguyễn Phú Trọng lặp lại những tỷ lệ trên với thái độ có vẻ hài lòng.
Ứng cử viên tổng bí thư
Sau vụ cả hai ông Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang đều thình lình "bị bệnh", danh sách ứng cử viên cho chức vụ tổng bí thư một khi Nguyễn Phú Trọng nghỉ đã rút ngắn hẳn. Theo đó, Nguyễn Xuân Phúc vẫn giữ vị trí cố định và được xem là "đầy tiềm năng". Năng lực của ông Phúc còn trở nên "đặc thù" hơn nữa khi ông là một trong số hiếm hoi ủy viên bộ chính trị được xem là "có chuyên môn và kinh nghiệm điều hành kinh tế", dù rằng thành tích điều hành vẫn còn lạc nhịp xa với thực tế của một nền kinh tế đầy rẫy nạn tham nhũng, thất thoát và suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp tính từ 2008.
Không biết vô tình hay hữu ý, từ tháng Bảy năm 2017 khi có tin "Trịnh Xuân Thanh về", sự xuất hiện của Nguyễn Xuân Phúc trên mặt báo chí nhà nước là dày đặc hơn hẳn, không mấy kém thua "hiện tượng ồn ào Đinh La Thăng" vào năm 2016. Một trong những xuất hiện dày nhất của ông Phúc là đi thăm các tỉnh thành cùng phát ngôn lặp đi lặp lại về "đầu tàu kinh tế" dành cho nhiều địa phương.
Thời Nguyễn Tấn Dũng không mấy sính dùng "đầu tàu kinh tế" mà là "quả đấm thép", cho dù rất nhiều "quả đấm thép" như Vinashin Vinalines cùng ít nhất 12 dự án ngàn tỷ đã trở nên mục rữa cho tới giờ.
Hẳn nhiên có thể nhận ra rằng ông Nguyễn Xuân Phúc đang rất cần những thành tích kinh tế để tôn tạo vai trò không chỉ thủ tướng mà còn ứng cử viên tổng bí thư.
Tuy nhiên, ngày càng dày đặc dấu hiệu cho thấy ông Phúc đang sa vào lối mòn về chủ nghĩa cường điệu và khoe khoang thành tích không biết chán của Nguyễn Tấn Dũng.
Quốc hội cũng phản ứng
Nhiều con số mà ông Phúc "đọc" từ báo cáo của các cơ quan tham mưu như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng nhà nước… đã chẳng mấy thuyết phục về tính cơ sở khoa học của nó.
Đến nỗi, tại phiên họp của Ủy ban thường vụ quốc hội vào giữa tháng 10/2017, Chủ tịch quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đã phải đặt ra hàng loạt câu hỏi : "Tăng trưởng GDP 6,7% nhưng tăng thu ngân sách so với dự toán chỉ 2,3% ? Giải ngân vốn đầu tư thì chậm mà tăng trưởng lại cao, điều này nghe có mâu thuẫn ?...".
Quả thực, số thu ngân sách trong 10 tháng đầu năm 2017 đã bị hụt thu so với dự toán đầu năm ít nhất 7-8%. Nhiều địa phương không đạt kế hoạch thu ngân sách như những năm trước, phản ánh một thực trạng ngày càng đen tối là tình hình sản xuất và kinh doanh của nhiều doanh nghiệp đang rất khó khăn và bế tắc đầu ra.
Tỷ lệ số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và phá sản vẫn tăng so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, con số mà cuối cùng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải thừa nhận là có đến hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ ra trường bị thất nghiệp. Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp chung là cao hơn rất nhiều mức công bố chỉ có hơn 2% : đến hơn 20% - theo đánh giá của những nhà phân tích và phản biện độc lập.
Nhiều phân tích độc lập cũng đánh giá GDP thực chất của Việt Nam chỉ vào khoảng 1-2%.
Vậy làm thế nào để GDP trong báo cáo của Thủ tướng Phúc có thể vọt đến 6 - 7% ?
In tiền và đẩy tiền ồ ạt ra thị trường ?
Hãy nhìn vào công thức tính GDP của một nền kinh tế :
GDP = C + G + I + NX
Trong đó, C (tiêu dùng) là tất cả chi tiêu hoặc tiêu dùng cá nhân trong nền kinh tế của một quốc gia ; G là chi tiêu chính phủ ; I (đầu tư) là tổng số lượng đầu tư vốn kinh doanh của một quốc gia ; NX (xuất khẩu ròng) là tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của quốc gia trừ đi tổng giá trị nhập khẩu.
Về tiêu dùng, đã từ lâu C - tức người dân - phải thắt lưng buộc bụng trong bối cảnh nền kinh tế đã suy thoái đến năm thứ 9 liên tiếp. Còn G, từ năm 2015 đến nay, đã phải cắt giảm ngày càng mạnh, nếu không muốn rơi vào tình cảnh không còn tiền trả lương công chức viên chức.
Trong khi đó, NX trong 3 quý đầu năm 2017 là gần như bằng 0, nghĩa là giá trị xuất khẩu bằng giá trị nhập khẩu.
Chỉ còn lại phần đầu tư I thì may ra mới có thể khiến "tăng trưởng GDP 7,46%".
Liên quan đến I, cần tham khảo một hiện tượng tài chính và tín dụng : chưa bao giờ ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại ngập tiền như hiện thời !
Bởi dư nợ cho vay của khối ngân hàng vào cuối năm 2016 đã lên tới 6 triệu tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với 6-7 năm trước.
Và "để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra" cùng "Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngân hàng nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm", khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.
Có một nguồn cơn - rất có thể mang tính quyết định - mà đã khiến cho hệ thống ngân hàng không cách nào tránh được tình trạng tràn ứ tiền đồng : in tiền.
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần "lạm phát in tiền" đã chiếm đến 10 - 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây ?
Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 200.000 đồng và 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.
Gần đây, Ngân hàng thế giới (WB), một trong những chủ nợ lớn nhất của Việt Nam, đã phải cảnh báo Việt Nam không nên in tiền quá nhiều.
Nếu khả năng in tiền ồ ạ là có cơ sở, lẽ đương nhiên thị trường tín dụng phải tràn ngập tiền, để nguồn tiền quá dư dả nhưng khó có lối thoát này lại trở thành "động lực kiến tạo" khiến GDP quốc gia tăng vọt trong các báo cáo của chính phủ, dẫn đến phản ứng của chính Quốc hội.
Trong thời gian gần đây, có những biểu hiện cho thấy bà Kim Ngân và một phần trong giới quan chức lãnh đạo của Quốc hội có hơi hướng muốn "tách khỏi chính phủ", thay cho tư thế quá phụ thuộc và chỉ biết "gật" thời chủ tịch quốc hội cũ là Nguyễn Sinh Hùng trước thủ tướng cũ là Nguyễn Tấn Dũng.
Biểu hiện "độc lập tương đối" mới nhất của Quốc hội là đã đủ can đảm lắc đầu trước tờ trình của Chính phủ về tăng thuế bảo vệ môi trường từ 3.000 đồng vọt đến 8.000 đồng mỗi lít xăng. Hẳn là bà Kim Ngân đã hiểu quá rõ là phía chính phủ muốn đá quả bóng vào chân Quốc hội và cột chặt trách nhiệm của Quốc hội vào Luật thuế Bảo vệ môi trường, để nếu thông qua luật này thì chính bà Kim Ngân và dàn lãnh đạo Quốc hội sẽ trở thành tâm điểm bị hàng chục triệu dân Việt cùng báo chí cả "lề phải" lẫn "lề trái" công kích lẫn lên án, trong khi nhóm lợi ích xăng dầu vừa cười cợt vừa ung dung móc sạch túi dân chúng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 18/10/2017
Mệnh giá những đồng bạc Việt Nam
Năm nào cũng vậy, cận Tết, hàng hóa và dịch vụ tăng giá vùn vụt nhưng người ta không thể không mua sắm ; vì đối với đại đa số người dân Việt Nam, cả năm chỉ có dịp Tết mới ăn - mặc cho ra hồn, các tháng còn lại thì thắt lưng buộc bụng. Cái nghèo khổ, vì thế, khiến cho dịp Tết có ý nghĩa lớn đối với nhiều gia đình nghèo khổ ở nông thôn, nhất là trẻ con. Nhu cầu sắm sửa cho con cái manh áo, cho gia đình miếng ăn suốt một năm trời thiếu thốn cũng là một trong những nguyên nhân thúc giục nhiều người đi trộm cắp.
Người ta rất phẫn nộ khi có kẻ móc túi họ trực tiếp, ăn cắp tài sản cụ thể mà họ nhìn thấy được. Chúng ta không xa lạ với chuyện hàng xóm đánh nhau vỡ đầu vì lấn nhau chút sân, chút đất vườn ; chuyện làng nước hè nhau đánh kẻ trộm chó... Người ta biết phẫn nộ chứ không phải không, nhưng đối tượng lại là những kẻ cùng thân phận thấp cổ bé họng như mình, phẫn nộ để xả stress vì tự do, nhân phẩm bị đè bẹp dưới chế độ công an trị ; chứ không có cái ý chí phẫn nộ để đứng lên bảo vệ quyền lợi lâu dài và lên tiếng cho vai trò làm người của mình.
Người ta không biết hằng ngày hằng giờ, vẫn có một bàn tay vô hình thò vào túi họ lấy tiền, mò vào kho khiêng lúa, chui vào nhà bếp lấy trộm thức ăn, mở túi lấy bớt tiền học của con, mở tủ lấy bớt tiền đi chợ của gia đình...Chỉ có điều, những hành động trộm cắp này diễn ra một cách tinh vi, có vẻ như hợp lý và bọn kẻ cắp không phải là những thanh niên nghèo khổ, hút chích, rách rưới mà là một ông cao trọng, hét ra lửa mang tên Nhà nước.
Nhà nước độc tài bán rừng bán đất cho Trung cộng, đi đêm với tư bản ngoại quốc cướp ruộng đất của nông dân là một chuyện. Nó còn lấy tiền của người dân theo những cách rất "chính thống" như : tăng tiền học phí của con bạn dù chất lượng giáo dục không tăng tương xứng ; đánh thuế nhập khẩu nhu yếu phẩm cao ; đánh thuế và chèn ép doanh nghiệp tư nhân, tăng giá các dịch vụ công cộng, tung đội ngũ công an giao thông ra ép chủ xe mãi lộ (điều này góp phần quan trọng làm tăng giá hàng hóa và dịch vụ)...
Hơn thế, đảng cộng sản cùng với Nhà nước, thân tộc và các nhóm lợi ích của nó còn dùng việc đầu cơ địa ốc ở các thành phố lớn như là một cách rửa tiền bẩn, bong bóng địa ốc này được thổi lên to dần từ hàng chục năm nay, và kết quả của nó là giá mặt bằng kinh doanh tăng nhanh theo từng năm. Nhà nước cộng sản còn bảo hộ cho đội ngũ công an và đám lâu la ở dưới kiếm chác tiền bảo kê từ các tiểu thương, các chủ cửa hiệu. Tiền thuê nhà, manh áo, miếng cơm, cọng rau của bạn, hay chi phí sinh hoạt nói chung, tăng giá khủng khiếp cũng đều "nhờ" việc đầu cơ địa ốc và việc ăn tiền bảo kê này. Vậy đấy, họ không cần thò tay vào túi bạn mà vẫn lấy được tiền.
Nhưng có một cách Nhà nước cướp tiền của người dân nhanh gọn và ngoạn mục hơn cả là IN TIỀN. Ở các quốc gia dân chủ tự do, việc Nhà nước in tiền phụ thuộc vào thị trường và nhu cầu của nền kinh tế quốc dân, chứ không tuỳ tiện nhằm phục vụ cho mưu đồ và lợi ích của đảng chính trị và các phe nhóm lợi ích vệ tinh của nó. Ở Việt Nam, bất chấp các quy luật của thị trường tự do, bất chấp các thiệt hại cho nền kinh tế và lợi ích của người dân, Nhà nước cộng sản Việt Nam sẵn sàng in thật nhiều tiền để chi tiêu, bù cho sự thâm hụt ngân sách do quan chức thụt két.
Ngày nay, việc in tiền phải dựa vào nguyên tắc : tổng giá trị đồng tiền lưu thông phải tương đương với tổng giá trị hàng hóa trên thị trường, theo chế độ bản vị phi kim (khác với chế độ bản vị vàng trước chiến tranh thế giới II). Nếu Nhà nước in thêm nhiều tiền trong khi lượng hàng hóa trong nước không tăng hoặc giảm đi, điều đó nghĩa là giá trị đồng tiền sẽ bị giảm xuống. Bình thường, với 20 đồng chúng ta mua được 1 đô la Mỹ, nếu Nhà nước in thêm tiền thì phải có hơn 20 đồng chúng ta mới mua được 1 đô la đó. Nhà nước càng in nhiều tiền một cách tuỳ tiện thì giá trị đồng tiền Việt càng giảm, gây ra lạm phát, đối tượng chịu thiệt hại không ai khác, chính là người dân.
Người dân chịu thiệt hại như thế nào ư ? Chính số tiền Nhà nước mới in thêm làm giảm giá trị số tiền trong két sắt nhà bạn. Bình thường bạn có 100 triệu mua được 1 chiếc xe ; nay tự nhiên Nhà nước in tiền và đổ tiền vào thị trường xối xả (họ không cần làm gì với cái két sắt của nhà bạn cả) thì cũng với số tiền đó, bạn chỉ mua được hai phần ba (2/3) chiếc xe ấy thôi vì người ta chưa sản xuất thêm xe. Bạn đã thấy ra thiệt hại chưa ? Nhà nước, vì nhu cầu chi tiêu của họ mà in tiền, rồi khi quy luật của thị trường phát tác (dù Nhà nước có chịu tuân thủ chúng hay không), số tiền mới in sẽ làm giảm giá trị của những đồng tiền cũ, khiến đồng nội tệ sẽ mất giá so với các ngoại tệ. Xin lưu ý, Nhà nước đưa tiền vào lưu thông xã hội bằng các cách sau : in tiền cho dân vay, in tiền mua ngoại tệ từ trong dân, in tiền để trang trải chi tiêu ngân sách.
Đến đây, chúng ta ngờ ngợ thấy việc in tiền vô tội vạ của Nhà nước có tác hại giống y như việc các băng nhóm xã hội đen in tiền giả phải không ? Đúng vậy, về bản chất, việc in tiền tùy tiện của Nhà nước, bất chấp quy luật thị trường, giống hệt việc in tiền giả ; chỉ khác một bên là Nhà nước (tập đoàn lãnh đạo quốc gia và xã hội có độc quyền in tiền và không bị truy tố khi in tiền) với một bên là một băng nhóm không có quyền lực chính trị, không được phép in tiền và sẽ bị truy tố nếu bị bắt.
Thế mới nói, sống trong chế độ độc tài cộng sản, bạn không mất tiền theo cách này thì cách khác vì Đảng cộng sản và hệ thống chính trị trong tay họ không những kiểm soát lời ăn tiếng nói, công việc làm ăn, mà còn kiểm soát luôn túi tiền của bạn. Bạn không có cách nào tránh khỏi sự tổn thất cả về vật chất lẫn tinh thần nếu chế độ này vẫn tồn tại. Năm 2017 này bạn sẽ làm gì để thay đổi vận mệnh của mình ? Hay vẫn cứ ngồi chờ ?
Sắp Tết rồi, Nhà nước cộng sản Việt Nam lại in tiền ồ ạt, tiền trong túi tôi không vơi đi mà tự nhiên mất giá. Đả đảo Nhà nước cộng sản Việt Nam độc quyền in tiền để móc túi dân.
Buôn Hô 6/1/2017
Huỳnh Thục Vy