Bộ Ngoại giao Mỹ lo ngại nạn rửa tiền ở Việt Nam sẽ tăng vì các sòng bạc (VOA, 16/04/2019)
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ bày tỏ lo ngại về sự gia tăng các hoạt động rửa tiền bất hợp pháp ở Việt Nam do việc hợp pháp hóa các sòng bài cũng như cho phép người dân đánh bạc tại casino trong nước.
Mỹ quan ngại về việc các sòng bài được hợp pháp hóa tại Việt Nam sẽ làm gia tăng các hoạt động rửa tiền trong khu vực trong khi người dân Việt bắt đầu được phép vào chơi tại các casino trong nước.
Bắt đầu từ tháng 3 năm nay, công dân Việt Nam trên 21 tuổi, có thu nhập từ 10 triệu đồng một tháng trở lên, được phép vào chơi ở các sòng bạc trong nước. Đây là một chương trình thử nghiệm được chính phủ Việt Nam công bố hồi tháng 11, theo truyền thông trong nước. Tuy nhiên sau ba năm thí điểm, chính phủ sẽ quyết định có nên tiếp tục cho người Việt vào đánh bạc tại các casino trong nước hay không.
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Ngoại giao (BNG) Mỹ về các hoạt động rửa tiền trên khắp thế giới, Cục đặc trách Chất gây nghiện và thi hành pháp luật quốc tế cho biết "trong năm 2018, Việt Nam đã cấp giấy phép thí điểm cho các sòng bạc trong nước, làm tăng nguy cơ rửa tiền". Theo cơ quan này thì trong báo cáo ra tháng 3/2019, các nguy cơ vừa nêu sẽ tăng cao nếu "các quan chức không đảm bảo được các cơ sở đó sẽ hoạt động hiệu quả và việc thực thi các tiêu chuẩn chống rửa tiền".
Trong khi đánh bạc tại các casino được hợp pháp hóa thì đánh bạc trên mạng vẫn bị cấm ở Việt Nam.
Casino đầu tiên mở cửa cho người Việt vào chơi được khai trương hôm 19/1 tại Phú Quốc, theo truyền thông trong nước. Casino này nằm trong tổ hợp nghỉ dưỡng, giải trí có tổng mức đầu tư khoảng 4 tỷ USD. Được biết đây là 1 trong 2 casino nằm trong chương trình thí điểm cho phép người Việt vào chơi bạc.
Báo cáo của BNG Mỹ lưu ý rằng "các sòng bạc vừa được hợp pháp hóa trong nước" làm tăng khả năng rửa tiền trong khu vực và trong những năm tới, là yếu tố tạo điều kiện cho sự tiếp xúc giữa Việt Nam với các nguồn tài chính bất hợp pháp. Theo báo cáo này, cả Macau và Philippines đều có các hoạt động bất hợp pháp dai dẳng do các lỗ hổng trong chính sách liên quan đến sòng bạc.
BNG Mỹ kêu gọi chính phủ Việt Nam phải cải thiện việc giám sát chống rửa tiền.
"Mặc dù Việt Nam có đủ các điều luật nhưng việc thực thi chống rửa tiền cần phải được cải thiện", BNG Mỹ kết luận trong báo cáo.
Tình trạng thiếu nguồn lực cộng với những khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, cản trở các cuộc điều tra rửa tiền trong các vụ hình sự đã được xác nhận ở Việt Nam, theo BNG Mỹ.
Trong tháng 11/2018, Việt Nam khởi tố 90 bị can bị cáo buộc các tội hình sự liên quan đến cá cược phi pháp trên mạng và kết án hầu hết những người này, trong đó có 4 người với tội danh rửa tiền. Theo báo cáo của BNG Mỹ, đây là vụ khởi tố hình sự rửa tiền thứ 2 ở Việt Nam.
Năm 2017, Việt Nam thu giữ gần 16 triệu USD liên quan đến các hoạt động rửa tiền, từ việc kết án liên quan đến nạn tham ô ở các doanh nghiệp nhà nước, theo BNG Mỹ.
Thống kê của Bộ Tài chính Việt Nam được VnEconomy trích dẫn cho biết hiện có 8 doanh nghiệp đang kinh doanh casino trong nước. Hồ Tràm và Nam Hội An là 2 dự án có quy mô lớn nhất Việt Nam hiện nay.
Một báo cáo của Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn nhận định các casino đang hoạt động ở Việt Nam thành công lớn nhờ vào lượng khách đến từ Trung Quốc.
Trước khi Việt Nam cho phép công dân vào các sòng bạc trong nước thì chỉ có người nước ngoài mới được coi là hợp pháp khi đánh bạc ở các casino ở Việt Nam.
******************
Giàn khoan nước sâu của Trung Quốc ở Biển Đông bắt đầu hoạt động (16/04/2019)
Giàn khoan dầu nước sâu đầu tiên của Trung Quốc trên Biển Đông do Tập đoàn Dầu khí Hải dương Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) xây dựng vừa bắt đầu vận hành ở biển sâu với kế hoạch cung cấp khí đốt hóa lỏng (LNG) cho các thành phố thuộc Đại Loan Khu (tức Vùng Vịnh Lớn bao gồm Quảng Châu, Hong Kong, Macau) trong tương lai, trang mạng ChinaKnowledge của Trung Quốc và Hoàn Cầu Thời báo đưa tin.
Giàn khoan Hải Dương Thạch Châu của Trung Quốc được đưa vào thềm lục địa Việt Nam hồi năm 2014
Giàn khoan Hải Dương Thạch Châu 981, vốn là tâm điểm cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam hồi năm 2014 khi nó được đưa vào vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, có thể vươn tới độ sâu 4.600 mét. Đây là giàn khoan nước sâu đầu tiên do Trung Quốc chế tạo, và cũng là giàn khoan nước sâu đầu tiên nằm ở vùng biển phía đông Biển Đông.
Việc hoàn thành giàn khoan này là một bước đột phá của Trung Quốc và được cho là sẽ giúp thu hẹp khoảng cách giữa Trung Quốc với các nước phương Tây về công nghệ và năng lực khoan dầu.
Một khi giàn khoan này bắt đầu sản xuất thì khí hóa lỏng sẽ được vận chuyển về trạm đầu mối của CNOOC ở cảng Cao Lan thuộc Chu Hải nơi cung cấp năng lượng cho Đại Loan Khu. Việc có thể vận chuyển khí hóa lỏng qua đường ống từ đầu mối Chu Hải đến Đại Loan Khu sẽ góp phần lớn trong việc giảm chi phí vận chuyển và cung cấp một nguồn năng lượng sạch đáng tin cậy cho sự phát triển của khu vực.
Biển Đông, nơi Bắc Kinh có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với một số nước trong đó có Việt Nam và Philippines, được cho là có trữ lượng dầu mỏ dồi dào. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ ước đoán vùng biển này có khoảng 190 ngàn tỷ foot khối khí đốt và 11 triệu thùng dầu.
Tờ Hoàn Cầu thời báo nhận định rằng việc Trung Quốc làm chủ được công nghệ tân tiến nhất trong việc khai thác dầu ở vùng biển sâu sẽ giúp phá vỡ thế độc quyền công nghệ của Mỹ để làm suy yếu ảnh hưởng của Mỹ trên Biển Đông.
Do đó, tờ báo này, vốn được cho là có lập trường diều hâu trên các vấn đề chủ quyền của Trung Quốc, cho rằng đây là một bước đi đột phá để giúp các nước có tranh chấp hợp tác cùng khai thác.
"Điều khôn ngoan là các nước này nên bỏ qua các tranh chấp chủ quyền và tìm kiếm sự hợp tác cùng khai thác thay vì đối đầu. Thành công của Hải Dương Thạch Châu 981 có thể được xem là điểm khởi đầu để thúc đẩy sự khai thác chung nguồn tài nguyên dầu hỏa và khí đốt ở Biển Đông cho dù điều này không hề dễ dàng", tờ Hoàn Cầu Thời báo kêu gọi.
Cũng theo tờ báo này thì kể từ khi được xây dựng hồi năm 2012, giàn khoan này đã thực hiện 32 cuộc khoan thăm dò, nhưng đây là lần khoan khai thác nước sâu đầu tiên.
Theo trang mạng MarineTraffic.com thì tính đến ngày 7/4 giàn khoan Hải Dương Thạch Châu 981 đặt ở vị trí 20.22187° Bắc và 115.6864° Nam, nằm cách Hong Kong khoảng 266 km về hướng đông nam và về phía tây Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Cũng theo trang mạng này thì vị trí này ‘nằm hoàn toàn trong vùng biển của Trung Quốc’, tức không phải trên vùng biển có tranh chấp với các nước xung quanh.
Chẳng hề ngẫu nhiên bởi ngay sau khi kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Hà Nội vào cuối tháng 2 năm 2019, đặc biệt ngay sau khi kết thúc cuộc gặp Trump - Trọng mà chỉ được thông báo là chào hỏi xã giao, báo chí Việt Nam đã ồn ào đưa tin ‘khởi động dự án khí Cá Voi Xanh trong năm 2019’.
Ông Trọng và ông Trump tại Hà Nội ngày 27 tháng Hai, 2019.
Đây là lần thứ hai trong vòng ba tháng qua, Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil - một đối tác của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) trong dự án khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh, nằm ngoài khơi Quảng Nam, Quảng Ngãi, có trữ lượng đến 150 tỷ mét khối - quay trở lại Việt Nam sau một thời gian vắng bóng mà đã gây ra dư luận ồn ã, thậm chí nhiều người còn lo ngại rằng trước một sức ép gia tăng đáng kể từ Bắc Kinh, ExxonMobil có thể ‘mất tích’ theo đúng cái cách mà Repsol - đối tác trong liên doanh với Việt Nam khai thác mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ - đã từng mất tích thật sự kể từ tháng 7 năm 2017 đến gần đây.
Vì sao ExxonMobil quay lại ?
Trong bối cảnh ngân sách Việt Nam đang nhanh chóng cạn kiệt và đặc biệt đang quá thiếu ngoại tệ để trang trải nợ quốc tế – lên tới 10 - 12 tỷ USD/năm – và để phục vụ cho nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước, đồng thời phải bảo đảm dự trữ ngoại hối, 60 tỷ USD dự kiến khai thác được từ dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam là Cá Voi Xanh (con số dự đoán mới nhất được nêu ra bởi chính quyền Việt Nam, gấp đến 3 lần con số dự đoán trước đây là 20 tỷ USD) - được xem là giá trị rất đáng để giới chóp bu Việt Nam tỏ một chút can đảm trước "bạn vàng" Trung Quốc.
Quốc hội sẽ tạo điều kiện cho Exxon Mobil khai thác mỏ Cá Voi Xanh
Lần đầu tiên ExxonMobil vào Việt Nam là tháng Giêng năm 2017. Kể từ khi Trung Quốc tuyên bố "đường Lưỡi Bò" 9 đoạn chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, nhiều hãng dầu khí khác của Mỹ đã bỏ cuộc trước áp lực từ Trung Quốc. Nhưng ExxonMobil vẫn tiếp tục thăm dò và tập đoàn này đã phát hiện mỏ khí đốt lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay, nằm cách đất liền khoảng 100km.
Vài tháng trước Hội nghị thượng đỉnh kinh tế APEC Đà Nẵng 2017, ExxonMobil đã được Hà Nội bật đèn xanh cho việc thông báo chính thức khởi động dự án đầu tư khai thác khí đốt tại mỏ Cá Voi Xanh. Khi đó, báo chí nhà nước đã hoan hỉ như thể "sống lại" sau vụ Bãi Tư Chính tháng Bảy năm 2017 - khi Repsol, công ty liên doanh với PetroVietnam để khai thác dầu khí tại khu vực này, đã bị vài trăm tàu Trung Quốc bao vây và gây sức ép đến nỗi cuối cùng Repsol phải lặng lẽ rút lui khỏi Bãi Tư Chính, trong lúc toàn thể Bộ Chính trị lẫn Bộ Quốc phòng Việt Nam ngậm tăm lẫn ngậm đắng nuốt cay vì "có tiền trong túi mà không lấy được".
Nhưng một biến cố đã xảy ra vào ngày 7/11/2017 - trùng với thời gian Tổng thống Trump dự Hội nghị APEC Đà Nẵng. Khi đó, ExxonMobil đã mang lại nỗi thất vọng lớn lao cho giới chóp bu Việt Nam : Chủ tịch Liam Mallon của Công ty Phát triển ExxonMobil tuyên bố sẽ hoãn dự án hợp tác với Việt Nam trên biển Đông tới năm 2019, với lời giải thích rất cô đọng : "chúng tôi cần phải đạt được một số thỏa thuận cụ thể" trước khi triển khai đầu tư chính thức.
Cũng khi đó, một số đánh giá đã giả thiết về nguyên nhân chủ yếu và có thể là duy nhất của việc phải hoãn dự án có thể là Trung Quốc gây sức ép mà đã khiến Việt Nam có thể phải điều đình để ExxonMobil tạm ngừng khai thác mỏ Cá Voi Xanh.
Đến tháng Ba năm 2018 khi xảy ra vụ Repsol phải lần thứ hai liên tiếp rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ do Bắc Kinh chèn ép, giả thiết trên đã biến thành thực tế và được xác nghiệm một cách sống sượng : vẫn là "đối tác chiến lược toàn diện lớn nhất của Việt Nam" là Trung Quốc đã nhảy bổ vào nhà của giới chóp bu Việt Nam để đòi không được hợp tác với Mỹ mà phải hợp tác với Trung Quốc để khai thác dầu khí.
Đến tháng Tư năm 2018, lần đầu tiên ExxonMobil đã phải lên tiếng liên quan đến mỏ Cá Voi Xanh. Tuy không xác nhận về một sức ép của Trung Quốc đối với mỏ dầu khí dồi dào trữ lượng này, ExxonMobil vẫn khẳng định kế hoạch và lộ trình sắp tới - một biểu hiện cho thấy tập đoàn này không mấy lo ngại cho dù Bắc Kinh sẽ làm những động tác nhằm bắt buộc ExxonMobil phải rút khỏi mỏ Cá Voi Xanh như đã khiến Repsol phải rút khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ.
Trước đó, tập đoàn Mỹ này từng khẳng định rằng dự án này "không nằm ở vùng có tranh chấp", và rằng "chủ quyền là vấn đề chỉ các chính phủ mới có thể quyết định".
Rất có thể, sự tự tin của ExxonMobil khi lên tiếng về mỏ Cá Voi Xanh phát xuất từ sự hiện diện của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng vào đầu tháng Ba năm 2018, nằm trong chiến lược tăng cường sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đông và sẵn sàng đối đầu với hải quân Trung Quốc, và sau đó là sự có mặt của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis ở Việt Nam vào tháng 10 năm 2018.
"Mỹ sẽ hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông dù có Trung Quốc hay không" - John Bolton, Cố vấn An ninh Mỹ, phát ra một thách thức trực tiếp với Bắc Kinh vào ngày 11/10/2018, cùng lúc với thông tin chính thức về chuyến thăm Việt Nam bất ngờ vào trung tuần tháng Mười năm 2018 của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis.
Sau chuyến công du Việt Nam của Jim Mattis, đã xuất hiện tin tức về ‘Mỹ cùng hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam ở Biển Đông’ và cái tên Tập đoàn ExxonMobil của Mỹ lại hiện ra một cách ấn tượng. Trong hoàn cảnh túng quẫn ngoại tệ, giới chóp bu Việt Nam rốt cuộc cũng đành đánh liều đặt cửa cho canh bạc ‘cùng khai thác dầu khí với Mỹ’.
Ngày 11/12/2018, Tập đoàn Dầu khí Mỹ ExxonMobil đã quay lại làm việc với Lọc dầu Bình Sơn trước thềm triển khai hợp đồng FEED (tư vấn lập thiết kế tổng thể) trong dự án Cá Voi Xanh. Động thái này cho thấy khác với Repsol và Rosneft, ExxonMobil không mấy e ngại những đe dọa của Trung Quốc.
Còn Repsol ?
Hơn một năm rưỡi sau vụ ‘bỏ của chạy lấy người’ của hãng dầu khí Repsol khỏi mỏ Cá Rồng Đỏ, đến tháng 2 năm 2019 bắt đầu xuất hiện tin tức không chính thức nhưng rất cụ thể trên mạng xã hội, chứ không phải từ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam hay các cơ quan ‘có trách nhiệm’, về khả năng Repsol sẽ quay trở lại mỏ dầu khí Cá Rồng Đỏ :
"Sau nhiều vòng đàm phán, PVN và Repsol gần như đã đạt được thỏa thuận cuối cùng. Theo đó, hai bên sẽ đồng ý chấm dứt hợp đồng phân chia sản phẩm PSC Lô 07/03 như phương án 3/ trên đây. Theo đó, thay vì trả khoản tiền mặt 400 triệu USD, PVN sẽ hoán đổi, cho Repsol tiếp quản Lô 01/02 mà PVEP đang vận hành. Ngoài ra, PVN sẽ chi trả các chi phí thực tế và tiếp quản Lô 07/03 nơi có mỏ Cá Rồng Đỏ".
400 triệu USD là khoản tiền mà phía Việt Nam phải bồi thường cho chi phí ban đầu mà Repsol đã bỏ ra. Như vậy, con số này còn cao hơn con số ước đoán trước đây là khoảng 300 triệu USD.
Tin tức không chính thức về Repsol quay trở lại Việt Nam, đồng nghĩa với việc PVN và Repsol có thể sẽ ‘can đảm’ tái khai thác mỏ Cá Rồng Đỏ xuất hiện trong bối cảnh một trong những lần hiếm hoi kể từ cuộc chiến tranh biên giới 1979, một chiến dịch tố cáo ‘giặc Trung Quốc xâm lược Việt Nam’ đã được tổ chức ồn ào bất thường và được bật đèn xanh bởi Ban Tuyên giáo trung ương, mà cơ quan này hẳn phải nhận được cái gật đầu mạnh mẽ bất thường không kém bởi Bộ Chính trị, đặc biệt là giới tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng và có thể cả ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng.
Tin tức trên cũng xuất hiện ngay trước khi Trump đến Hà Nội vào tháng 2 năm 2019 để đàm phán với Kim Jong Un, trong đó có một cuộc gặp với Nguyễn Phú Trọng.
Xem ra với chỗ dựa Washington, mỏ Cá Voi Xanh đang đầy hy vọng kiếm tiền, còn mỏ Cá Rồng Đỏ cũng không đến nỗi chết lâm sàng.
Khi Nguyễn Phú Trọng cười như ‘địa chủ được mùa’…
Từ giữa năm 2017 đến nay, hy vọng mỏng manh còn lại cho nhu cầu ăn dầu và trám rỗng ngân sách của Việt Nam chỉ còn là Mỹ - đối trọng quân sự duy nhất với Trung Quốc tại Biển Đông.
Trong thời gian qua đã diễn ra một số ‘giao lưu hải quân’ giữa Việt Nam và Mỹ, nhưng đặc biệt hơn là việc Việt Nam ngày càng hàm ý về ‘tàu Mỹ đi qua vô hại ở Biển Đông’ và mới nhất là ‘tôn trọng quyền tự do hàng không ở Biển Đông’ - mà có thể hiểu ‘máy bay Mỹ bay vô hại ở Biển Đông’ khi đã và sẽ liên tục áp sát một số đảo thuộc hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa - những nơi Trung Quốc đang tăng tốc quân sự hóa và thách thức quyền tự do hàng hải của tàu bè Mỹ lẫn nhiều nước khác.
Trong khi đó, có tin sắp tới Việt Nam sẽ đồng ý cho Mỹ xây dựng một căn cứ hậu cần ở cảng Đà Nẵng, tuy chưa phải là cảng Cam Ranh. Tiến trình này sẽ mở đường cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa hải quân Việt Nam với Hạm đội 7 của Mỹ đang chực chờ ở Thái Bình Dương.
Cơ chế khai thác dầu khí đang nhận được sự ‘bảo kê’ của quân đội Hoa Kỳ. Đó là nguồn cơn thực chất vì sao Việt Nam phải ‘can đảm bám Mỹ’ kể từ năm 2017 đến nay và còn có thể kéo dài trong nhiều năm sau này.
Những biểu hiện trên có lẽ phần nào lý giải điệu cười tươi rói như ‘địa chủ được mùa’ của ‘Tổng chủ’ Nguyễn Phú Trọng, khi ông ta dùng cả hai tay nắm tay Donald Trump ở Hà Nội như thể bạn quý lâu ngày mới được trùng phùng.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 08/03/2019
Căng thẳng Việt-Trung do Bắc Kinh ngang ngược về dầu khí Biển Đông (RFI, 29/06/2017)
Một nguồn tin ẩn danh nói với trang mạng quốc phòng Jane’s vào ngày 20/6, là Phạm Trường Long bỏ ngang chuyến đi do các viên chức Việt Nam bác bỏ yêu cầu tạm dừng thăm dò dầu lửa và khí đốt trong phạm vi đường lưỡi bò.
Vị trí của các lô 118 và 136 so với đường lưỡi bò Trung Quốc trên Biển Đông. Địa điểm đặt giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 năm 2014 cũng được ghi chú. CSIS
Theo quan điểm của Hà Nội, việc Bắc Kinh chống đối thăm dò dầu khí ở lô 118 và lô 136 không chỉ là vô căn cứ mà còn gây phản cảm. Các lô này không nằm trong khu vực tranh chấp do chồng lấn thềm lục địa, mà chỉ vì đường lưỡi bò ảo mà cả Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế rộng rãi đều không thể chấp nhận được.
Tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), phó chủ nhiệm Quân ủy Trung ương Trung Quốc đã lên lịch đi thăm Hà Nội hai ngày từ 18 đến 19/06/2017, rồi gặp gỡ bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhân sự kiện giao lưu quốc phòng cấp cao biên giới Việt-Trung từ ngày 20 đến 22/06/2017. Nhưng có điều gì đó không ổn đã xảy ra, vì ông Phạm Trường Long đã bất ngờ rời Hà Nội hôm 18/6 sau khi gặp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch nước Trần Đại Quang và bộ trưởng Ngô Xuân Lịch.
Hai ngày sau, bộ Quốc Phòng Trung Quốc loan báo việc hủy bỏ sự kiện giao lưu quốc phòng biên giới, với "lý do liên quan đến sắp xếp lịch làm việc". Sự thật dường như là căng thẳng đang âm ỉ giữa Bắc Kinh và Hà Nội sắp bùng nổ - Việt Nam vốn tỏ ra nghi hoặc hơn Philippines trước các động thái khuyến dụ gần đây của Trung Quốc. Theo tác giả Murray Hiebert, phó giám đốc chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), thì đó là do bất đồng về việc thăm dò dầu khí.
Một nguồn tin ẩn danh nói với trang mạng quốc phòng Jane’s vào ngày 20/6, là Phạm Trường Long bỏ ngang chuyến đi do các viên chức Việt Nam bác bỏ yêu cầu tạm dừng thăm dò dầu lửa và khí đốt trong phạm vi đường 9 đoạn, tức đường lưỡi bò do Trung Quốc tự ý vạch ra trên Biển Đông. Ông Ngô Sĩ Tồn (Wu Shicun), viện trưởng Viện nghiên cứu Biển Đông của Trung Quốc cho rằng cuộc gặp bị hủy bỏ vì "Bắc Kinh coi như Việt Nam không giữ lời hứa là không thăm dò dầu khí tại các khu vực tranh chấp ở Biển Đông". Hai lô 118 và 136 dường như là trung tâm của bất đồng.
Hồi tháng Giêng, tập đoàn ExxonMobil loan báo kế hoạch khai thác trữ lượng khí đốt ở bờ biển miền trung Việt Nam. Dự án mỏ "Cá Voi Xanh" nằm ở lô 118 cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 100 km, có một phần nhỏ chồng lấn với đường lưỡi bò Trung Quốc. Bắc Kinh yêu sách "quyền lịch sử" đối với toàn bộ trữ lượng dầu khí nằm trong đường 9 đoạn này, bất chấp việc Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye hồi tháng 7/2016 đã ra phán quyết khẳng định đòi hỏi này là vô căn cứ. Tác giả Hiebert cho biết địa điểm mà Exxon dự định khoan dầu nằm gần đường lưỡi bò, cách khoảng 10 hải lý, nhưng vẫn ở phía ngoài đường ranh tự vạch của Bắc Kinh.
Tất nhiên trữ lượng khí đốt không cần biết đến biên giới, và việc khoan thăm dò của Exxon có thể bị Bắc Kinh coi là đụng chạm đến khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn nằm giáp với đường lưỡi bò. Đây cũng là khu vực lòng chảo mà Bắc Kinh đã cho kéo giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 (Haiyang Shiyou 981) đến vào năm 2014, gây ra cuộc khủng hoảng lớn kéo dài cả tháng trời giữa Việt Nam và Trung Quốc. Điều quan trọng cần ghi nhận theo chuyên gia Murray Hiebert, là dù lô 118 nằm chồng lên đường lưỡi bò, chắc chắn là lô này thuộc về phía Việt Nam trong bất kỳ việc phân định thềm lục địa nào trong tương lai.
Việc thăm dò của tập đoàn Exxon ở lô 118 có vẻ đã chọc giận Bắc Kinh, nhưng ngòi nổ gần hơn cho cuộc xung đột là kế hoạch của Việt Nam nhằm thăm dò trữ lượng dầu khí tại lô 136, ở xa hơn về phía nam. Lô này nằm tại bãi cạn Tư Chính (Vanguard Bank), một thực thể chìm vốn là trở ngại trong quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh trong suốt 30 năm qua, được cho là có trữ lượng dầu có thể thương mại hóa.
Bãi cạn Tư Chính nằm cách xa tất cả các đảo nhỏ và rạn san hô tranh chấp, nhưng Bắc Kinh tiếp tục yêu sách chủ quyền, dựa trên đường lưỡi bò không có cơ sở pháp lý. Năm 1992, Trung Quốc bán lại quyền khai thác dầu khí tại một lô rất lớn, bao gồm cả bãi cạn Tư Chính, cho một công ty Mỹ nhỏ hơn là Crestone Energy. Hợp đồng khổng lồ này chồng chéo với lô 136 của Việt Nam, hiện đang do công ty Repsol Exploration của Tây Ban Nha quản lý.
Từ khi nắm được lô này hai năm về trước, nằm trong khuôn khổ việc mua lại công ty Úc Talisman Energy, Repsol vẫn giám sát khu vực để chuẩn bị cho công tác thăm dò dầu khí. Theo lời đồn đãi, thì Hà Nội đã thông qua một kế hoạch để công ty sớm tiến hành khoan thăm dò, bất chấp sự phản đối của Bắc Kinh. Không biết có phải là một sự trùng hợp hay không, ông Phạm Trường Long cùng với phái đoàn của ông đã đến Tây Ban Nha ngay trước chuyến thăm Việt Nam.
Cả Repsol lẫn Hà Nội đều không đưa ra tuyên bố chính thức. Nhưng một chiếc tàu Việt Nam không rõ tên hiệu, dường như đã được điều đến tuần tra ở lô 136 ngay sau khi ông Phạm rời Hà Nội. Theo các dữ liệu của Windward, một công ty chuyên phân tích số liệu và rủi ro hàng hải, thì chiếc tàu đã đến khu vực này vào buổi sáng ngày 19/6 theo giờ địa phương, và đã hoạt động theo kiểu đi điều tra hoặc tuần tra.
Căng thẳng cũng được thể hiện trong bối cảnh Việt Nam đang có những bước đi nhằm siết chặt hơn quan hệ với Hoa Kỳ và Nhật Bản, chắc chắn là sẽ làm Trung Quốc bực tức. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm Nhà Trắng hồi tháng Năm, và sau đó Washington đã chuyển giao một chiếc tàu tuần duyên lớp Hamilton cho lực lượng cảnh sát biển Việt Nam. Vào thời gian cuối của chuyến viếng thăm, Hoa Kỳ và Việt Nam đã đưa ra thông cáo chung, loan báo rằng Việt Nam hoan nghênh một hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ lần đầu tiên thăm vịnh Cam Ranh, vốn là cảng nước sâu được quân đội Mỹ khai thác trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam trước đây.
Hoa Kỳ và Việt Nam cũng thỏa thuận tăng cường chia sẻ tin tức tình báo. "Chúng tôi sẽ không chia sẻ thông tin quân sự về tổ chức Nhà Nước Hồi giáo tại Trung Đông đâu" - một viên chức Việt Nam nói đùa, ngụ ý rằng các thông tin san sẻ là thuộc lãnh vực phòng bị hàng hải trên Biển Đông. Việt Nam cũng quan tâm đến việc mua thêm các thiết bị quốc phòng của Mỹ, một điều đã trở thành khả thi sau khi Washington dỡ bỏ cấm vận vũ khí cách đây một năm. Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch cũng dự kiến đi thăm Washington lần đầu tiên để gặp gỡ tướng James Mattis, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ trong những tháng tới, có thể là vào tháng Tám.
Rất nhanh sau chuyến công du Washington, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến ngay Tokyo. Theo một thông cáo chung, Việt Nam và Nhật Bản đã thỏa thuận về quan hệ "đối tác chiến lược rộng rãi" và tăng cường hợp tác trong lãnh vực quốc phòng cũng như an ninh. Tokyo cam kết viện trợ trên 900 triệu đô la cho Hà Nội trong nhiều dự án khác nhau, trong đó có cả các hoạt động tuần duyên và cung cấp sáu tàu tuần tra. Chẳng bao lâu sau chuyến viếng thăm này, Nhật Bản và Việt Nam đã tiến hành tập dượt chung giữa tuần duyên hai nước, tập trung vào việc chống đánh cá bất hợp pháp – và có vẻ đã làm cho Bắc Kinh cay cú.
Theo quan điểm của Hà Nội, việc Bắc Kinh chống đối thăm dò dầu khí ở lô 118 và lô 136 không chỉ là vô căn cứ mà còn gây phản cảm. Các lô này không nằm trong khu vực tranh chấp do chồng lấn thềm lục địa, mà chỉ vì đường lưỡi bò ảo mà cả Việt Nam lẫn cộng đồng quốc tế rộng rãi đều không thể chấp nhận được.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục khai thác dầu khí ở cửa vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa chiếm được của Việt Nam bằng vũ lực năm 1974. Hôm 16/6, ngay trước khi Phạm Trường Long đến Hà Nội, giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 lại được kéo đến phía nam đảo Hải Nam. Theo một thông báo của Cục Hải Sự Trung Quốc (China Maritime Safety Administration), giàn khoan này sẽ hoạt động tại khu vực cho đến ngày 15/9.
Giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 lần này đặt ở vị trí đường trung tuyến giữa bờ biển hai nước, ở phía Trung Quốc ; và trong khi việc phân ranh về mặt kỹ thuật vẫn đang bị treo lại, thì địa điểm này vẫn thuộc Trung Quốc. Còn các lô 118 và 136 tuy rõ ràng thuộc về Việt Nam, nhưng Bắc Kinh lại đòi Hà Nội phải rút ra. Theo chuyên gia Murray Hiebert, kiểu cách xử sự ngang ngược này làm các lãnh đạo Việt Nam hết sức bực tức.
Thụy My
************************
Việt Nam phủ nhận đồn đoán căng thẳng với Trung Quốc trên biển Đông (VOA, 29/06/2017)
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam bác bỏ những thông tin liên quan tới những tin đồn về sự căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc trên biển Đông sau chuyến thăm bị cắt ngắn của 1 quan chức quốc phòng Trung Quốc.
Cảnh sát và nhân viên an ninh tại cuộc biểu tình hôm 18/5/2014 tại thành phố Hồ Chí Minh phản đối Trung Quốc đặt dàn khoan Hải Dương 981. Người phát ngôn BNG Việt Nam bác bỏ những tin đồn cho rằng mối quan hệ Việt Nam-Trung Quốc lại căng thẳng trở lại trên biển Đông.
Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Thị Thu Hằng, được truyền thông trong nước trích lời, cho phóng viên biết tại buổi họp báo thường kỳ ngày 29/6 rằng "không có thông tin như vậy"khi được hỏi về những đồn đoán đó.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo ở Hà Nội về việc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam từ 18-20/6 và giao lưu quốc phòng 2 nước không diễn ra như dự kiến, bà Hằng dẫn thông thông tin từ Bộ Quốc phòng để lý giải về lý do này. Theo bà, ông Long cắt ngắn chuyến thăm tới Hà Nội vì việc đột xuất trong nước và Bộ Quốc phòng 2 nước thống nhất tổ chức giao lưu quốc phòng biên giới vào dịp khác phù hợp hơn.
Thượng tướng Phan Trường Long, phó chủ nhiệm Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc, đã cắt ngắn chuyến thăm tới Hà Nội và giao lưu quốc phòng giữa 2 nước đã bị hủy bỏ. Kể từ đó đã có nhiều đồn đoán về căng thẳng giữa 2 nước.
Theo truyền thông trong nước ghi nhận trước chương trình giao lưu biên giới giữa quốc phòng 2 nước lần thứ 4, các cuộc thảo luận giữa Hà Nội và Bắc Kinh được tổ chức vào ngày 18/6 với sự tham gia của phái đoàn Trung Quốc dẫn đầu là Thượng tướng Phạm Trường Long với các lãnh đạo Việt Nam.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long trước khi cắt ngắn chuyến thăm đã có các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Việt Nam, vấn đề biển Đông có được đề cập trong các cuộc gặp gỡ, bà Hằng cho biết trong chuyến thăm Việt Nam, ông Phạm Trường Long đã có cuộc gặp gỡ các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Báo Người lao động trích lời người phát ngôn BNG Nói "Lãnh đạo cấp cao 2 nước đã trao đổi về các vấn đề trong quan hệ song phương nhằm thúc đẩy hơn nữa quan hệ Việt Nam-Trung Quốc."
Lúc đầu, cả truyền thông Việt Nam và Trung Quốc đều cho biết vấn đề biển Đông được đưa ra tại các cuộc hội thảo giữa Thượng tướng Long và các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Tuy nhiên ngay sau đó, những bất đồng đã nổi lên giữa các nhà lãnh đạo trong cuộc thảo luận về vấn đề khai thác dầu của Việt Nam trên biển Đông, theo giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales trong bài viết cho The Diplomat và nhận định của truyền thông quốc tế trong đó có New York Times. Sự bất đồng này đã dẫn tới việc hủy bỏ kế hoạch giao lưu quốc phòng dự kiến diễn ra từ 20-22/6 tại biên giới giữa Lai Châu và Vân Nam.
Theo nhận định của giáo sư Thayer trên The Diplomat, vụ việc này "là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang trở nên quyết đoán hơn trong vấn đề đối phó với các hoạt động khai thác dầu của Việt Nam và Philippines trên biển Đông".
Đầu năm nay, tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ đã ký thỏa thuận khung phát triển và bán khí đốt từ mỏ Cá Voi Xanh ở Biển Đông với Việt Nam.