Trần Dzạ Dzũng, VNTB, 15/07/2023
Sau 3 năm thí điểm là đặc khu kinh tế, từ ngày 11/7/2023, chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã thuận theo đề nghị của chính quyền tỉnh Quảng Ninh, qua việc ký ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP, "Chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh".
Văn bản có hiệu lực ngay thời điểm ngày ký là 11/7/2023. Nghị quyết không cho biết vậy thì khu kinh tế Vân Đồn sẽ được tiếp tục vận hành theo cơ chế ra sao ?
Vân Đồn là khu kinh tế duy nhất nằm trong khu vực hợp tác kinh tế Việt – Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN – Trung Quốc, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh).
Đầu năm 2018, trên các phương tiện truyền thông, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đưa ra tuyên bố "đã xác định nguyên tắc và mục tiêu phát triển của Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn", tức một cách diễn giải khác của Dự luật Đặc Khu Kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) đã vấp sự phản đối quyết liệt của dân chúng.
Và khi dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lắng ở Việt Nam, chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bất ngờ công bố thành lập Ban Quản lý khu kinh tế thí điểm Vân Đồn, một khu vực nằm trong Dự luật Đặc Khu Kinh tế ở văn bản có tên là Quyết định số 544/QĐ-TTg, "Về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh".
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành là 21/4/2020, và, "Thời gian thực hiện thí điểm là 03 năm (36 tháng), kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực thi hành".
Tháng 5/2020, trên các diễn đàn mạng xã hội bắt đầu xuất hiện những ý kiến lên tiếng kêu gọi chính phủ cần thận trọng trước việc "thí điểm Vân Đồn". Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói rằng bà "không được ai tham vấn", "hoàn toàn không biết", và "thực sự bị bất ngờ" với việc thành lập và đưa vào vận hành thí điểm khu kinh tế Vân Đồn của chính phủ Việt Nam.
"Vừa rồi do bận tập trung vào dịch bệnh nên công luận ít để ý đến các vấn đề khác. Tôi chắc bây giờ một số chuyên gia đang quan tâm sẽ quay lại và lên tiếng, phân tích cho xã hội thấy những bất cập của khu kinh tế này thì xã hội sẽ có phản ứng của mình. Gì chứ với Trung Quốc thì xã hội Việt Nam rất nhạy cảm và quyết liệt". Bà Chi Lan nói.
Về thời điểm chính phủ Việt Nam đưa vào vận hành khu kinh tế Vân Đồn khi Trung Quốc đang tăng sức ép trên Biển Đông, bà Chi Lan cho rằng đây là sự "tình cờ". Bởi, "Chứ không ai ngu dốt, vô trách nhiệm tới mức khi Trung Quốc đang lấn vào Biển Đông rất mạnh mà lại đi mở khu kinh tế Vân Đồn để cho Trung Quốc vào lãnh thổ của mình. Nếu cố tình như vậy thì vừa ngu dốt, vừa thiếu trách nhiệm, có thể nói là hành động phản quốc".
Bà Chi Lan nói bà không dám võ đoán Việt Nam chịu sức ép từ Trung Quốc hay không để thành lập một khu kinh tế như vậy. Nhưng bà cho rằng có khả năng lớn là Trung Quốc rất mong có được một đặc khu kinh tế như Vân Đồn ở Việt Nam.
Theo một nhận xét bên lề, thì sở dĩ cho đến nay các hoạch định phát triển Vân Đồn là hình mẫu như đã nêu ở Dự Luật Đặc Khu Kinh Tế chưa như mong muốn vì trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn có nhiều khu vực đất quân sự, quy hoạch 3 loại rừng… vì thế, việc rà soát trong quá trình nghiên cứu lập, trình duyệt các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư trên địa bàn rất khó khăn, mất nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, nhu cầu đất đá cho các dự án san lấp mặt bằng lớn nhưng nguồn đất hạn chế do quan điểm phát triển bền vững không tác động đến cảnh quan thiên nhiên ; công tác giải phóng mặt bằng của địa phương tại một số dự án còn chậm… đã ảnh hưởng đến tiến độ các công trình động lực và cơ hội thu hút đầu tư về Vân Đồn.
Chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn
Tuấn kiệt, Arttimes, 1/07/2023
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký Nghị quyết số 101/NQ-CP, chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Theo đề nghị của UBND tỉnh Quảng Ninh, Chính phủ đã đồng ý chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh.
Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11/7.
Chính phủ đã đồng ý chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh
UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan đến việc chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21/4/2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Vân Đồn.
Theo đó, Ban Quản lý KKT Vân Đồn là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020.
Ban Quản lý KKT Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật.
Trong 3 năm hoạt động thí điểm của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút thêm được hơn 37.826 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách, gấp 1,5 lần so với số vốn đăng ký trong giai đoạn trước đây cộng lại, đồng thời, việc triển khai công tác lập quy hoạch được quan tâm, có hiệu quả. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế.
Tuấn Kiệt
Vì sao Chính phủ chấm dứt thí điểm Ban quản lý khu kinh tế Vân Đồn ?
Song Hoàng, VnEconomy, 13/07/2023
Trong 3 năm hoạt động thí điểm của Ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc hơn so với trước đó. Cụ thể, khu kinh tế đã thu hút thêm được hơn 37.826 tỷ đồng. Tuy nhiên, quá trình hoạt động cũng bộc lộ những khó khăn, hạn chế...
Khu Kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh
Ngày 11/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc "Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh".
Chính phủ giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan đến việc chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Trước đó, ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21/4/2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn.
Theo đó, Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020. Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh ; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Ninh, trên địa bàn Khu kinh tế Vân Đồn đã có 64 dự án đăng ký đầu tư sử dụng vốn ngoài ngân sách, với tổng nguồn vốn 62.900 tỷ đồng (trong đó có 61 dự án vốn đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký 62.683 tỷ đồng ; 3 dự án FDI với số vốn 226 tỷ đồng).
Tính riêng từ khi triển khai thành lập thí điểm Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn đến nay, Khu kinh tế Vân Đồn đã thu hút thêm được 37.403 tỷ đồng vốn đầu tư ngoài ngân sách. Trong đó, đã thu hút mới 9 dự án, với số vốn đăng ký 35.669 tỷ đồng ; điều chỉnh 10 dự án, với số vốn đăng ký tăng thêm 1.734 tỷ đồng.
Những dự án này đã được các chủ đầu tư huy động nguồn lực, tích cực triển khai xây dựng. Hiện nhiều dự án đã và đang hoàn thành, đưa vào vận hành khai thác trong năm 2023, đơn cử như Bến cảng cao cấp Ao Tiên, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái Vân Hải, khách sạn Whyndham Garden Sonasea Vân Đồn, cụm công nghiệp Vân Đồn...
Tỉnh Quảng Ninh dự kiến đến năm 2040, xây dựng và phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành một trong những vùng động lực phát triển kinh tế của Việt Nam, nằm trong nhóm dẫn đầu về thành phố đáng sống của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương ; thành phố hiện đại, thông minh, một nơi hấp dẫn để mọi người đến sinh sống, làm việc và vui chơi hòa hợp với thiên nhiên ; trung tâm kinh tế năng động, tập trung vào du lịch, sản xuất sản phẩm cao cấp và dịch vụ ; trung tâm kinh doanh thương mại quốc tế của khu vực, bảo đảm môi trường sạch dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ xanh, thân thiện với môi trường.
Nguồn : Môi trường và Đô thị, 12/07/2023
Đại diện Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh khẳng định khu đô thị Ao Tiên, nơi mà nhiều tài khoản mạng xã hội cho là 'hòn non bộ lớn nhất Việt Nam', nằm trong Khu kinh tế Vân Đồn (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), không thuộc di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Khu đô thị Ao Tiên hiện nay
Liên tiếp trong 3 ngày qua trên mạng xã hội Facebook, nhiều tài khoản chia sẻ chóng mặt bức ảnh từ flycam về khu đô thị Ao Tiên (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) nằm bên bờ vịnh Bái Tử Long. Đáng chú ý, trong bức ảnh có một ngọn núi nằm chính giữa khu đô thị khiến nhiều tài khoản cho là "hòn non bộ lớn nhất Việt Nam".
Chỉ sau ít giờ, hình ảnh khu đô thị nói trên được chia sẻ chóng mặt trên các trang mạng xã hội. Thậm chí, nhiều người còn lầm tưởng khu đô thị này được xây dựng ở vịnh Hạ Long (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh). Sau khi tấm hình "gây bão" trên mạng xã hội, chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã bác bỏ thông tin trên.
Đại diện Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh khẳng định khu đô thị Ao Tiên nằm trong Khu kinh tế Vân Đồn (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn), không thuộc di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long.
Ông Lê Hữu Phúc, Phó trưởng ban quản lý Khu kinh tế Vân Đồn, cũng khẳng định dự án khu đô thị Ao Tiên có đầy đủ thủ tục pháp lý, đặc biệt là về môi trường ; được cấp giấy chứng nhận sử dụng đất. "Năm 2004, dự án khu đô thị mới Ao Tiên được UBND tỉnh giao cho nhà đầu tư triển khai, đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Dự án phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn do Thủ tướng phê duyệt ngày 19/8/2009 và điều chỉnh tại quyết định số 266 ngày 17/2/2020", ông Phúc cho biết.
Khu đô thị Ao Tiên cũng được xác định là dự án động lực, trọng điểm tại Khu kinh tế Vân Đồn nhằm hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng dịch vụ, du lịch, đáp ứng kịp thời yêu cầu xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế. Bên cạnh đó, khu vực Ao Tiên trước đây vốn là khu vực sình lầy, hoang hóa. Những năm qua khu vực này đã được tỉnh Quảng Ninh kêu gọi đầu tư hạ tầng để phục vụ cho phát triển của Khu kinh tế Vân Đồn.
Trong khi đó, giải thích về "hòn non bộ khổng lồ", ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên du lịch Mai Quyền, chủ đầu tư dự án khu đô thị mới Ao Tiên, cho biết đơn vị này đã giữ lại hòn Dê và quy hoạch thành hồ nước sinh thái, tạo không gian sinh hoạt cộng đồng, không hề tác động vào tự nhiên núi đá.
Ngày 16/8, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Quảng Ninh) đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Đinh Văn Đức (33 tuổi, trú tại thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) 7,5 triệu đồng về hành vi đăng thông tin không chính xác trên mạng xã hội. Trước đó, vào lúc 10 giờ ngày 16/8, ông Đức đăng tải bình luận vào một bài đăng trên Facebook liên quan đến dự án Ao Tiên, huyện Vân Đồn ; và bị cáo buộc bình luận "sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh".
RFA, 17/08/2022
Tỉnh Quảng Ninh vào tối ngày 16/8 lên tiếng đính chính hình ảnh trên mạng xã hội về một núi đá nằm giữa quần thể khu đô thị mà cư dân mạng gọi là ‘hòn non bộ to nhất Việt Nam’.
VTC
Truyền thông Nhà nước loan tin, dẫn đính chính của Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn rằng : "Dự án Khu đô thị ở huyện Vân Đồn có dấu hiệu ảnh hưởng đến di sản Vịnh Hạ Long là không đúng với hiện trạng".
Cơ quan này giải thích khu đô thị có hòn non bộ ở Vân Đồn là hình ảnh ở Khu vực Ao Tiên thuộc phạm vi Khu Kinh tế Vân Đồn và bức ảnh trên mạng không đúng với hiện trạng tại Ao Tiên.
Theo giải thích của Ban Quản lý Khu Kinh tế Vân Đồn, khu vực Ao Tiên trước đây là một vùng sình lầy, hoang hóa và trong những năm qua nơi này được tỉnh kêu gọi đầu tư hạ tầng, phục vụ cho phát triển của Khu Kinh tế Vân Đồn.
Vân Đồn từng được nhắc đến hồi tháng 6/2018 khi nổ ra các cuộc biểu tình ở nhiều tỉnh thành của người dân phản đối hai dự luật Đặc Khu và An Ninh Mạng.
Vân đồn là một trong ba nơi mà Chính phủ đưa vào danh sách các đặc khu thuộc ba miền đất nước : Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc. Trước làn sóng phản đối của người dân, vào trung tuần tháng 2/2020 Vân Đồn được chính thức quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực theo quyết định số 266/QĐ-TTg do Thủ tướng lúc bấy giờ ký.
Nguồn : RFA, 17/08/2022
************************
RFA, 17/08/2022
Vào sáng ngày 16/8, ông Đinh Văn Đức, 33 tuổi, chủ tài khoản Facebook cá nhân ‘Duc Dinh’ bị mời làm việc và chịu phạt với lý do bình luận vào post của Facebook ‘Người Quảng Ninh’ liên quan hình ảnh dự án Ao Tiên- Cát Linh tại huyện Vân Đồn.
3333333333333333333333333
Giáo Dục Thời Đại
Phòng An ninh Mạng và Phòng/chống Tội phạm Sử dụng Công nghệ cao thuộc Công an Tỉnh Quảng Ninh được truyền thông Nhà nước dẫn lại là cuộc làm việc với ông Đinh Văn Đức nhằm làm rõ một số nội dung liên quan mà đơn vị này cho là ‘sai sự thật, ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của các cấp lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh’.
Tuy nhiên, tin không nói rõ nội dung cụ thể và lãnh đạo nào bị làm mất uy tín…
Công an đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với ông Đinh Văn Đức về ‘hành vi lợi dụng mạng xã hội, đăng tải thông tin sau sự thật, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức’.
Công an Quảng Ninh còn nói sẽ tiếp tục xác định và làm việc với những trường hợp trên hai địa bàn Thành phố Uông Bí, Thành phố Cẩm Phả, huyện Vân Đồn có bình luận liên quan tin ‘hòn non bộ’ lớn nhất Việt Nam râm ran trên mạng trong những ngày qua.
Luật Đặc khu bị phản đối, nhưng sao Việt Nam quyết mở khu kinh tế Vân Đồn ?
Mỹ Hằng, BBC, 22/05/2020
Xem thêm :Những thỏa thuận hậu Thành Đô 3 - Trung Quốc muốn làm chủ luôn cả miền Nam
Khi dịch bệnh Covid-19 vừa tạm lắng ở Việt Nam, chính phủ bất ngờ công bố thành lập Ban quản lý khu kinh tế thí điểm Vân Đồn, một khu vực nằm trong Dự luật Đặc Khu Kinh tế (Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc) đã bị dư luận cả nước phản đối năm 2018.
Sân bay Vân Đồn thi công xong đường băng, đang thi công Ga hành khách - Ảnh minh họa
Vì sao chính phủ Việt Nam quyết thành lập khu kinh tế này, vào thời điểm Trung Quốc đang tăng cường gây áp lực trên Biển Đông ? Liệu các chuyên gia từng lên tiếng về Dự luật Đặc khu trước đây có được tham vấn lần này ? Vì sao công luận không có cơ hội lên tiếng góp ý ?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và Nguyễn Trí Hiếu trao đổi với BBC News tiếng Việt các ý kiến có phần trái chiều quanh vấn đề này.
'Đánh úp người dân'
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói với BBC rằng bà 'không được ai tham vấn,' 'hoàn toàn không biết', và 'thực sự bị bất ngờ' với việc thành lập và đưa vào vận hành thí điểm khu kinh tế Vân Đồn của chính phủ Việt Nam.
"Có những lợi ích người ta theo đuổi mà bị đông đảo công chúng phản ứng, kể cả ở diễn đàn Quốc hội, thì người ta sẽ tìm con đường đi lặng lẽ, kín đáo hơn, có thể gọi đùa là 'đánh úp' với xã hội", bà Chi Lan nói.
"Họ có thể có những cách vận động lặng lẽ hơn so với trước đó. Trước đây với Dự luật Đặc khu, có thể họ đã quá tự tin về khả năng được thông qua nên làm rất ồn ào, quảng bá rất ghê. Nào là Tổ Phượng Hoàng, nào là đầu tư một lãi mười lãi trăm. Nên khi bị bác bỏ thì nay họ rút kinh nghiệm".
"Nhưng đáng tiếc là kể cả quay lại, cho thành lập mang tính thí điểm thì chính phủ cũng nên tham vấn lại các các chuyên gia, những người đã phản biện mạnh mẽ luật này về nhiều mặt, thì khi ra quyết định sẽ chắc chắn hơn".
"Vừa rồi do bận tập trung vào dịch bệnh nên công luận ít để ý đến các vấn đề khác. Tôi chắc bây giờ một số chuyên gia đang quan tâm sẽ quay lại và lên tiếng, phân tích cho xã hội thấy những bất cập của khu kinh tế này thì xã hội sẽ có phản ứng của mình. Gì chứ với Trung Quốc thì xã hội Việt Nam rất nhạy cảm và quyết liệt".
Về thời điểm chính phủ Việt Nam đưa vào vận hành khu kinh tế Vân Đồn khi Trung Quốc đang tăng sức ép trên Biển Đông, bà Chi Lan cho rằng đây là sự 'tình cờ'.
"Chứ không ai ngu dốt, vô trách nhiệm tới mức khi Trung Quốc đang lấn vào Biển Đông rất mạnh mà lại đi mở khu kinh tế Vân Đồn để cho Trung Quốc vào lãnh thổ của mình. Nếu cố tình như vậy thì vừa ngu dốt, vừa thiếu trách nhiệm, có thể nói là hành động phản quốc".
Sức ép từ Trung Quốc ?
Bà Chi Lan nói bà không dám võ đoán Việt Nam chịu sức ép từ Trung Quốc hay không để thành lập một khu kinh tế như vậy. Nhưng bà cho rằng có khả năng lớn là Trung Quốc rất mong có được một đặc khu kinh tế như Vân Đồn ở Việt Nam.
"Về tiêu chí địa lý, Vân Đồn nằm đúng tâm điểm Vành đai Con đường mà TQ vẫn mong muốn. Việt Nam có tham gia vào ngân hàng hạ tầng Châu Á mà Trung Quốc khởi xướng nhưng lại chưa thực sự tham gia dự án cụ thể nào của Vài đai Con đường, nên Trung Quốc rất muốn lôi Việt Nam vào, nhất là khi Việt Nam đang vực dậy từ dịch Covid-19".
"Nhưng kể cả nếu họ tạo sức ép thì đó cũng là một chuyện, Việt Nam để sức ép đó đẩy tới việc ra quyết định thành lập khu kinh tế như vậy là chuyện khác. Điều tôi mong là lãnh đạo đủ sáng suốt để thấy những điều bất cập không thể chấp nhận được nếu khu kinh tế thí điểm Vân Đồn được hình thành trên những ý tưởng cũ của Dự Luật Đặc khu, gây đe dọa cho an ninh quốc phòng của Việt Nam".
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay ông không đánh giá được có phải do sức ép từ Trung Quốc hay không, nhưng khi chính phủ đã ra quyết định rồi thì người dân không làm gì khác được. Điều duy nhất hiện nay có thể làm, là đề xuất chính phủ đưa ra các hướng dẫn cụ thể về cách thức vận khành khu kinh tế Vân Đồn để người dân biết và Quốc hội giám sát.
"Tôi không rõ chính phủ có bàn với Quốc hội hay có ủy ban nào của Quốc hội đã duyệt qua đề án này hay chưa. Tôi không thấy báo chí trước đó nói gì. Nhưng cũng khó để kết luận đây là quyết định đơn phương của chính phủ. Nếu không hỏi ý kiến Quốc hội và các thành phần khác thì có nghĩa chính phủ đặt người dân vào trong sự đã rồi. Nhưng tôi không chắc về việc này".
"Tôi có đề xuất rằng nếu chính phủ chưa có kế hoạch gì thì đây là thời điểm tốt để đưa ra kế hoạch. Chính phủ cần có hướng dẫn cụ thể gắn liền với dự án được ban hành, để mọi người chưa biết thì được biết về khu này. Không chỉ cho dân biết mà cần trao đổi trên diễn đàn Quốc hội. Chúng ta không thể làm gì khác hơn vì không thể yêu cầu thủ tướng rút quyết định được".
'Phải siết lại quyền hạn Ban quản lý khu Vân Đồn'
Khu kinh tế Vân Đồn là khu duy nhất nằm trong khu vực hợp tác "Hai hành lang - một vành đai" Việt - Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, hành lang kinh tế Nam Ninh - Singapore, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh (theo báo Nhân Dân).
Cả bà Phạm Chi Lan và ông Nguyễn Chí Hiếu đều nói 'không hay biết gì' về nội dung cụ thể và các quy định được đưa ra trong khu kinh tế thí điểm Vân Đồn.
Nhưng bà Chi Lan nói 'cần siết lại' quyền hạn Ban quản lý và cắt bỏ các đề xuất từng đưa ra trong Dự luật Đặc khu. Còn Tiến sĩ Nguyễn Chí Hiếu thì nói không cần có luật riêng cho Trung Quốc nhưng cần hoạt động trên cơ sở tuân thủ luật pháp.
Bà Chi Lan nói với BBC :
"Tôi cho rằng chính phủ phải rút lại các đề án mà trước đây Vân Đồn đã đưa ra, đính kèm theo như phụ lục của Dự Luật Đặc khu Kinh tế - vốn dự định là nếu dự luật được thông qua thì các phụ lục này cũng được thông qua luôn. Bởi nếu làm theo các đề án đó thì rất dở".
"Những chi tiết như cho thuê đất 99 năm. Những người ở các nước có chung biên giới với Quảng Ninh được tự do ra vào ; được mua nhà cửa, được quyền sở hữu nhà và thừa kế cho con cháu họ. Nghĩa là mở cửa cho người Trung Quốc và con cháu họ, tự do mua đất, tự do sinh sống ở đó hết đời cha mẹ đến đời con cháu chắt. Và như vậy là quyền vĩnh viễn thuộc về họ. Như vậy là cho người Trung Quốc quyền cao hơn quyền của người Việt Nam ở nước ngoài - được mua nhà ở Việt Nam nhưng chỉ được sử dụng chứ không được sở hữu, bán lại hay chuyển nhượng theo luật hiện hành. Tất cả những cái đó là không thể được".
"Hay đề xuất cho nước ngoài đầu tư nhà máy điện hạt nhân, đầu tư sản xuất quân trang quân dụng. Những điều này vô lý quá mức. Đây là những điều công luận đã phản ứng rất mạnh mẽ. Trong đó tôi cũng từng phản ứng rất nhiều".
"Ngoài ra, phải siết lại, và làm thật rõ quyền hạn Ban quản lý đến đâu, chứ không được làm mọi thứ. Ban quản lý này phải chịu giám sát của những đâu cũng phải quy định rõ ra, chứ không phải chỉ đối với tỉnh. Tỉnh có thể chỉ coi đây là một khu nhỏ trong địa bàn của mình, nhưng khu nhỏ đó có thể trở thành một cứ điểm để Trung Quốc vào và gây nguy cơ đối với an ninh quốc phòng của cả quốc gia Việt Nam".
"Lúc đó nó không còn là vấn đề của một huyện, một tỉnh nữa mà đó là vấn đề của quốc gia. Do đó những người có trách nhiệm của quốc gia phải có trách nhiệm giám sát và phải siết kỷ cương, quyền hạn của khu này".
"Còn nếu chính phủ không rút lại các đề án trên, chúng tôi sẽ lên tiếng. Xã hội Việt Nam rất nhạy cảm với các vấn đề liên quan đến Trung Quốc".
Bà Chi Lan cũng nêu quan ngại rằng sau đại dịch Covid-19, kinh tế toàn cầu thay đổi, mọi thứ không còn như trước đại dịch. Chẳng hạn, mở sòng bạc ra, có 'hốt bạc' được như người ta từng mơ hay không khi dịch bệnh rình rập ?
"Nên phải tính toán lại. Thậm chí nếu tình hình ở Biển Đông căng nữa thì chính phủ hoàn toàn có thể cho tạm ngừng luôn dự án này, như đã áp dụng khi dịch Covid-19 xảy ra, là cho đóng cửa biên giới với Trung Quốc", bà Chi Lan nói.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, do đây là khu vực nhạy cảm, "đảng và chính phủ phải lên kế hoạch bảo đảm an ninh quốc phòng ở những khu như vậy không bị phương hại ; luật lệ Việt Nam được áp dụng đồng đều ; mở cửa cho nhiều nhà đầu tư và có sự khống chế về tỷ lệ ngay từ đầu. Ví dụ 80% đầu tư từ Trung Quốc là không hợp lý".
"Cần có nhiều biện pháp chế tài cho các nước tham gia vào đặc khu kinh tế này. Nhưng tôi cho rằng không nên có biện pháp chế tài cho riêng Trung Quốc vì có thể tạo ra cách đối xử không công bằng tại khu này".
Nỗ lực thoát Trung
Theo bà Chi Lan, dịch Covid-19 cho thấy nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều vấn đề. Cấu trúc kinh tế Việt Nam quá lệ thuộc Trung Quốc, nên phải xem xét mọi cách để giảm bớt sự lệ thuộc này, chứ không phải lại mở cửa thông qua khu kinh tế Vân Đồn để tăng sự lệ thuộc.
"Mà sự lệ thuộc đó còn nguy hại hơn vì nó diễn ra ngay trên chính đất nước mình. Một khi người ta vào quá xá rồi thì không quản lý được nữa. Riêng việc người Trung Quốc lén lún ở Nha Trang mua nhà mua đất còn không quản lý nổi nữa là cho vào công khai với thời gian dài như vậy thì sẽ xảy ra cái gì".
Theo bà Chi Lan, hiện các nước trên thế giới đều đang cố gắng thoát khỏi lệ thuộc vào Trung Quốc bằng cách nỗ lực đón các luồng đầu tư mới và dịch chuyển dần sang đầu tư ở các quốc gia khác thì không có lý gì Việt Nam lại phát triển lệch hướng chung đó.
"Việt Nam đáng lẽ cũng phải chuẩn bị đón những dòng đầu tư đó, thì lại mở ra khu kinh tế Vân Đồn với những mục tiêu hết sức tùm lum".
"Hiện nay có nhiều ý kiến đề xuất với chính phủ đẻ sớm đưa ra một luật về an ninh quốc phòng về kinh tế. Ngay Nghị quyết 52 mà Bộ Chính trị về đầu tư nước ngoài cũng nêu rõ không chấp nhận những dự án gây tác hại đến an ninh quốc phòng. Nghị quyết này phải được đưa vào thành quy định pháp lý và thực hiện".
"Nhất là lúc này, nhiều nước, kể cả Mỹ, đã từ chối một số dự án đầu tư nước ngoài từ Trung Quốc. Việt Nam cũng có quyền đó. Xu hướng hiện nay tạo ra những cơ hội mới cho Việt Nam để có thể phát triển, giảm bớt lệ thuộc vào Trung Quốc và tăng cường quan hệ kinh tế với các quốc gia khác trên cơ sở tương đồng về lợi ích, như với Mỹ, Nhật Bản, EU, v.v.".
"Trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ, các nước hiện đang muốn giảm bớt nguồn cung từ Trung Quốc và chuyển sang các nước khác, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này. Tất nhiên Việt Nam không đủ khả năng để chấp nhận tất cả, nhưng có một số lĩnh vực Việt Nam làm được, cái chính là cần cải cách mạnh mẽ, nâng cao năng lực để đáp ứng, và chứng tỏ mình có khả năng tốt".
Dù đồng tình rằng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để đón nhận các luồng đầu tư mới từ các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, nhưng Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng cần phải xem 'thoát Trung' là gì, có cần thiết không và có thể thực hiện được không.
Ông Hiếu phân tích :
"Hàng nghìn năm qua hai nước Việt-Trung đã có số phận gắn chặt với nhau. Trong lịch sử hiện đại, 50 năm qua cho thấy những thách thức ghê gớm hơn cả. Dù Việt Nam-Trung có xung đột, căng thẳng về chính trị, xung đột trên Biển Đông, nhưng họ vẫn luôn là hai đồng minh về mọi phương diện, từ chính trị, quân sự, cho đến thương mại, kinh tế, xuất nhập khẩu và đầu tư - rõ ràng, Trung Quốc luôn thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Đây là mối quan hệ vô cùng phức tạp, vừa là bạn, vừa là đối thủ. Hai bên có mâu thuẫn, nhưng vẫn phải làm việc với nhau, hợp tác về kinh tế".
"Việc lệ thuộc Trung Quốc thì Việt Nam từ lâu vẫn luôn như vậy. Nhiều chuyên gia bàn thoát Trung nhân dịch bệnh này, nhưng thoát cách nào ? Tỷ trọng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam rất lớn. Nghe 'thoát Trung' thì sướng tai đấy nhưng có làm được không, có cần thiết hay không ? Ngoài ra cũng có thể hiểu 'thoát Trung' dưới nhiều khía cạnh, thương mại, kinh tế, chính trị, văn hóa. Vậy thoát khỏi toàn bộ ảnh hưởng của Trung Quốc là điều không tưởng. Số phận hai quốc đã gia gắn bó với nhau hàng ngàn năm qua".
Cái giá phải trả 'có đáng không ?'
Hồi tưởng lại Dự luật Đặc khu Kinh tế, bà Chi Lan nói những người vận động cho luật đó đều nói đó là vì lợi ích của tỉnh Quảng Ninh và đó sẽ là một điển hình chứng minh cho nước Việt Nam thấy là nên và cần có những đặc khu như thế. Nhưng cái mà bà Chi Lan lo lắng là cái giá phải trả để đạt được khát vọng đó.
"Lúc đó có nhiều người ủng hộ, khát vọng ghê lắm. Họ có ý chê những người không tán thành, là nhát quá, là không đủ táo bạo. Luôn luôn có những ý kiến khác nhau như vậy".
"Tôi không phê phán những người có ý kiến khác mình. Có thể họ chân thành muốn vì lợi ích chung thật chứ không vì lợi ích nhóm. Tôi chỉ nghĩ sự táo bạo đó phải đặt trong bối cảnh đất nước có nhiều chuyển biến phức tạp, có nhiều yếu tố bất ngờ, như dịch Covid-19, và rồi khi mọi người đang lo dịch, thì Trung Quốc khuấy đảo trên Biển Đông. Những cái này đều ngoài dự kiến của mọi người".
"Lẽ ra những người đề xuất khu kinh tế Vân Đồn vào thời điểm này phải nghĩ đến mọi yếu tố đó, chứ không được quyền không nghĩ đến. Ví nó là vấn đề quan trọng với quốc gia, là chủ quyền, là an toàn lãnh thổ, là an ninh quốc phòng".
"Có việc làm, có tăng trưởng,có thêm ngành nọ ngành kia, thì có thể có. Nhưng vấn đề là nó được trả bằng giá nào ? Có đáng hay không ? Khi nhìn vào phần trăm tăng trưởng của Việt Nam, tôi vẫn luôn luôn lo lắng là cái giá phải quá đắt, hưởng lợi thực sự lại không phải người Việt Nam. Ví dụ Việt Nam được coi là thành công trong thu hút FDI, nhưng cái giá là kinh tế Việt Nam rơi vào lệ thuộc nhiều hơn, người được hưởng lợi nhiều nhất là doanh nghiệp nước ngoài chứ không phải doanh nghiệp trong nước. Tính lợi mà lờ đi thiệt hại hoặc giá phải trả cho nó thì không thấy được toàn diện, không sòng phằng".
Trong khi đó, Tiến sĩ Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu lại đưa ra ý kiến có phần trái chiều với bà Chi Lan. Ông nói ông ủng hộ đặc khu kinh tế nếu hoạt động dựa trên nguyên tắc công bằng.
Theo Tiến sĩ Hiếu, trước đây chưa có khảo sát chính thức bao nhiêu phần trăm dân chúng đồng ý hay ủng hộ Dự luật Đặc khu Kinh tế, dù chắc chắn có những tiếng chỉ trích liên quan tới kinh tế và anh ninh quốc phòng.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phân tích :
"Về dự án này, Việt Nam đang muốn mở cửa nền kinh tế của mình cho nước ngoài, kể cả với Trung Quốc. Nếu có một đặc khu để hấp thu vốn của họ thì đây là thời điểm thuận tiện vì nền kinh tế thế giới và Châu Á đang bị tác động vì dại dịch. Và nhiều nhà đầu tư đang muốn rời Trung Quốc để đến các nước khác ở Châu Á. Do đó, nếu khu kinh tế Vân Đồn đón cả các nhà đầu tư khác chứ không chỉ Trung Quốc thì tôi ủng hộ.
"Dĩ nhiên khu vực Vân Đồn gần biên giới với Trung Quốc, nếu khu kinh tế này lại được thành lập để giành riêng cho Trung Quốc nữa thì lo ngại Việt Nam trở thành bàn đạp của Trung Quốc là có cơ sở. Nhưng cho tới thời điểm này không rõ khu kinh tế Vân Đồn có giành riêng cho Trung Quốc hay không".
"Do đó, chúng ta cần phải có thêm thông tin từ chính phủ về đặc khu này. Trước hết xem liệu đó có phải là khu kinh tế đặc biệt dành cho Trung Quốc hay cho một quốc gia nào đó không. Nếu vậy thì tiếp đó cần xem chế tài ra sao, các quy định pháp luật hiện hành liên quan có được triệt để áp dụng hay không, hay có các điều chỉnh để thuận lợi cho nhà đầu tư của quốc gia đó. Đặc biệt, cần tuân thủ pháp luật Việt Nam về lĩnh vực sử dụng tiền tệ".
"Không chấp nhận đặc khu này sử dụng tiền của quốc gia khác bên cạnh tiền đồng của Việt Nam, kể cả đồng đô la Mỹ. Dù biết rằng nhiều chuyên gia và người lao động nước ngoài sinh sống ở khu vực này. Đó là nguyên tắc mà hiện Việt Nam đang áp dụng : người dân có thể giữ ngoại tệ ở các ngân hàng nhưng không được niêm yết hàng hóa hay giao dịch bằng đồng ngoại tệ. Điều này cũng phải áp dụng với đặc khu kinh tế để đảm bảo về chủ quyền tiền tệ".
"Ngoài ra, các nhà đầu tư vào khu kinh tế này phải tuân thủ luật pháp quốc gia như hợp đồng, hành chính, nhập cảnh, công đoàn, v.v… Nếu hoạt động dựa trên nguyên tắc công bằng và tuân thủ pháp luật thì tôi ủng hộ. Kể cả có nhà đầu tư Trung Quốc thì tôi vẫn hoan nghênh. Dĩ nhiên sẽ có những điều khoản giành riêng cho đặc khu kinh tế như về thuế xuất nhập khẩu v.v…"
"Thời gian sắp tới, nếu Việt Nam tiếp tục kiểm soát đại dịch tốt như hiện nay, thì cho đến cuối quý hai, quý ba, Việt Nam có thể bắt đầu quy trình phục hồi rất sớm, và kêu gọi đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. Không những Vân Đồn mà các khu chế xuất khác nên mở ra để đón đầu tư nước ngoài. Đây là cơ hội tốt cho Việt Nam".
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 22/05/2020
********************
Đặc khu kinh tế : 'Chỉ chỉnh thời gian thuê đất, chưa đủ'
Mỹ Hằng, BBC, 07/06/2018
Ý kiến chuyên gia kinh tế rằng nếu chỉ giảm thời gian cho thuê đất xuống dưới mức 99 năm không đủ để Quốc Hội kỳ này thông qua luật về đặc khu kinh tế.
Phú Quốc liệu có thể trở thành một đặc khu kinh tế phát triển ?
Nhận định nói trên của tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu từ Hà Nội, xuất phát từ tuyên bố của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bên lề Quốc Hội sáng cùng ngày.
Theo đó, phát biểu trước các phóng viên, ông Phúc nói : "Chúng tôi phải điều chỉnh thời gian thuê đất xuống một cách hợp lý, phù hợp với nguyện vọng chính đáng mà nhân dân đã phản ánh".
Ông Phúc cũng nói dự án luật đặc khu kinh tế nhận được nhiều ý kiến của người dân, và "Tinh thần của một dân tộc yêu nước như vậy, chúng ta không lo mất nước".
Theo tiến sỹ Hiếu "Nói 99 năm có thể về mặt tâm lý nghe nhẹ nhàng, như một món hàng 99 cent thay vì 1 đô la, nhưng kỳ thực đó là cả một thế kỷ, dài hơn cả một đời người. Đặc biệt nó còn liên quan đến nước ngoài".
"Một khi đối tác nước ngoài khi họ đã ký kết thực hiện dự án ở đặc khu kinh tế của ta thì họ ít nhất sẽ ở đó một thế kỷ, sau đó có thể gia hạn. Do đó tầm mức ảnh hưởng rất lớn lao. Vì thế, cần có sự nghiên cứu, giải trình trên tất cả mọi phương diện".
"Việc giảm 99 năm xuống 75 năm hay 50 năm không quan trọng lắm. Tôi lấy ví dụ nếu thời hạn cho thuê đất là 50 năm, thì vẫn có thể gia hạn thêm 50 năm nữa. Điều cần bàn là nếu tổ chức một đặc khu kinh tế, dùng rất nhiều nguồn lực và điều kiện thuận lợi của quốc gia đổ vào đó thì kết quả sẽ như thế nào", tiến sỹ Hiếu nói với BBC Bangkok qua điện thoại từ Hà Nội.
Trong bài viết về dự án đặc khu kinh tế của Việt Nam đăng trên The Strait Times ngày 6/6, tác giả Võ Trí Thành cũng không đưa yếu tố thời gian thuê đất vào 'các vấn đề cần xem xét' khi mở đặc khu kinh tế.
Theo phân tích của ông Thành, có "ba vấn đề quan trọng nhất cần xem xét khi phát triển một đặc khu kinh tế", bao gồm "sự cởi mở, cơ cấu thể chế và các ưu đãi được thiết kế cho các đơn vị kinh tế đặc biệt này".
Bài viết cũng đề cập đến việc Trung Quốc, một nước được coi là thành công nhất trong việc vận hành các đặc khu kinh tế, cũng 'không thành công trong mọi dự án'.
Tác giả bài báo cho rằng có nhiều yếu tố làm nên thành công của các đặc khu kinh tế, nhưng quan trọng nhất là nguồn lực con người.
'Chính phủ cần giải trình chi tiết'
Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nói điều quan trọng là chính phủ Việt Nam cần có một giải trình chi tiết hơn, sâu sát hơn về vấn đề đặc khu kinh tế.
Tiến sỹ Hiếu lý giải rằng dù có nhiều mô hình đặc khu kinh tế thành công trên thế giới, nhưng mô hình nào cũng có mặt lợi, mặt hại và "đặc khu kinh tế không chỉ đơn thuần liên quan đến kinh tế, kinh doanh, xuất nhập khẩu, mà còn đến chính trị, an ninh quốc gia, quốc phòng, giáo dục, y tế và mọi lĩnh vực khác của 99 triệu người dân Việt Nam".
"Điều tích cực là Việt Nam cũng đang có kế hoạch xây dựng ba đặc khu kinh tế trong điều kiện chúng ta đang cần đầu tư nước ngoài, phát triển xuất khẩu và hội nhập quốc tế. Nhưng cần giải trình rõ ràng mặt lợi, mặt hại. Các phân tích đó không chỉ trình đại biểu Quốc Hội mà còn cần gửi đến mọi người dân Việt Nam để họ có cơ hội tìm hiểu, nghiên cứu để đóng góp ý kiến gửi đến các ĐBQH. Cuối cùng, đại biểu Quốc Hội sẽ dùng quyền phán quyết của mình để quyết định".
"Cần làm rõ tác động của nó đến chính trị, an ninh quốc phòng, người lao động..., cũng như sự lan tỏa ảnh hưởng đến các vùng xung quanh như thế nào ? Có thể lấy một mô hình đặc khu kinh tế rồi phân tích nó trong bối cảnh, điều kiện của Việt Nam tại thời điểm này".
'Không áp dụng máy móc đặc khu kinh tế TQ'
Về ý kiến học theo mô hình đặc khu kinh tế tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, ông Trí Hiếu thừa nhận đây là mô hình thành công, đáng học hỏi với "Thẩm Quyến trở thành trung tâm thương mại lớn của Trung Quốc và thế giới" sau 50 năm vận hành đặc khu kinh tế.
Nhưng ông Hiếu nói cần lưu ý Việt Nam hoàn toàn khác Trung Quốc về mọi mặt, đặc biệt về con người, năng lực, bối cảnh chính trị. Hơn thế, đặc khu kinh tế tại Thẩm Quyến được xây dựng cách đây 50, lúc đó hoàn cảnh kinh tế và môi trường kinh doanh trên thế giới khác bây giờ.
"Cách đây 50 năm, Trung Quốc vẫn được coi là bị cô lập bởi thế giới Tây phương. Do đó đặc khu kinh tế như thế mang lại hiệu ứng là đầu tư nước ngoài vào Trung Quốc, với những lợi thế đặc biệt dành cho các nhà đầu tư kinh tế vào khu vực này".
"Ngày hôm nay, Việt Nam đã hội nhập rất mạnh và rất sâu vào nền kinh tế toàn cầu. Việc mời gọi một nhà đầu tư nước ngoài vào một đặc khu kinh tế nào đó và cung cấp cho họ những lợi thế, ưu đãi, có lẽ không còn sức mạnh như ngày xưa nữa. Các nhà đầu tư nước ngoài có lẽ sẽ đầu tư rất lớn vào các thành phố lớn của Việt Nam như Long Thành, Bình Dương, v.v... Nên những đặc khu kinh tế phải mang một ý nghĩa khác, chứ không phải chỉ là đưa ra những lợi ích đặc biệt cho nhà đầu tư".
"Tôi đồng ý lấy mô hình nào đó, xem xét, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh và điều kiện Việt Nam để xây dựng một đặc khu kinh tế dựa trên cơ sở đó thì cần thiết. Còn áp dụng máy móc thì có lẽ chúng ta cần phải xem xét lại".
'Bấm nút thông qua là vội vàng'
Khi được hỏi nếu được lựa chọn 'bấm nút' thông không luật về đặc khu kinh tế hay không, chuyên gia kinh tế nói :
"Nếu tôi phải quyết định tại thời điểm này thì tôi không bấm nút. Như tôi đã nói, chính phủ cần phải có giải trình chi tiết về mô hình đặc khu kinh tế của Việt Nam dựa trên điều kiện của Việt Nam tại thời điểm này".
Về phản ứng của dư luận xoanh quay ảnh hưởng của Trung Quốc và thời hạn thuê đất, ông Hiếu cho rằng đó là điều hiển nhiên, và đồng tình với một cuộc trưng cầu dân ý.
Trong trường hợp Quốc Hội bấm nút thông qua, ông Hiếu cho rằng như vậy là 'vội vàng'.
"Tại thời điểm này chúng ta đứng trước một tương lai xa cả trăm năm, có lẽ chưa thể phán đoán rõ ràng mở ra ba đặc khu kinh tế là lợi hay hại cho vận mệnh dân tộc như lo ngại của dư luận. Nhưng nếu quyết định vội vã thì chúng ta chỉ có lợi nếu chúng ta ăn may, nhưng không may thì nó trở thành thiệt hại cho đất nước".
"Như tôi làm trong ngành ngân hàng, đứng trước một quyết định quan trọng như thế thì phải đo lường rủi ro, không thể dựa vào ăn may, để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát rủi ro, từ đó kiểm soát được thiệt hại".
"Đến giờ phút này, tôi không biết Quốc Hội đã có những cơ chế kiểm soát rủi ro như thế nào nhưng với những thông tin hiện tại mà tôi có thì tôi chưa thể biểu quyết được vào thời điểm này", tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu nói.
Mỹ Hằng
Nguồn : BBC, 21/05/2020