Virus corona : Khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất tại Trung Quốc sau Thiên An Môn
Dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra vẫn là chủ đề được báo chí Pháp quan tâm khai thác.
Tập Cận Bình tăng cường kiểm duyệt thông tin về dịch virus corona tại Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 05/02/2020. Reuters
La Croix tập trung đề cập đến sự hợp tác của các nhà khoa học trên thế giới để tìm ra phương pháp điều trị và bào chế vắc-xin.
Báo kinh tế Les Echos chạy tựa trang nhất : "Hệ thống Tập Cận Bình bị virus corona thách thức" và nhận định cách nhà chức trách Trung Quốc xử lý cuộc khủng hoảng y tế đang bị chỉ trích và đã trở thành một thách thức chính trị lớn cho chính quyền cộng sản.
Cứ mỗi buổi sáng, số liệu thống kê của chính quyền Trung Quốc về số người chết vì virus corona lại khiến công luận lo sợ, nhất là con số tổng kết mà Bắc Kinh công bố ngày 09/02/2020. Với 811 người chết tại Hoa lục, nạn dịch corona đã khiến nhiều người Trung Quốc thiệt mạng hơn cả đại dịch SARS năm 2002-2003. Một nhà ngoại giao cấp cao, hiện có mặt tại Bắc Kinh, nhận định : "Đó là ngưỡng mà Bắc Kinh không hề muốn thấy, vì sợ rằng dân chúng nói là tiến bộ của Trung Quốc cuối cùng cũng chỉ được đến thế sau 17 năm".
Les Echos nhận định chế độ cộng sản Trung Quốc đang phải đối mặt với thách thức chính trị nghiêm trọng nhất kể từ cách mạng Thiên An Môn cách nay 30 năm. Tập trung nhiều quyền lực trong tay hơn so với bất cứ nhà lãnh đạo nào kể từ sau thời Mao Trạch Đông, Tập Cận Bình phải "đứng mũi chịu sào", cho dù đã sắp xếp để thủ tướng Lý Khắc Cường lãnh đạo Ủy ban phụ trách cuộc chiến chống dịch bệnh.
Tình hình ngày càng nghiêm trọng sau cái chết của vị bác sĩ trẻ Lý Văn Lượng, 1 trong 8 bác sĩ đầu tiên đã báo động về dịch bệnh, rồi bị bắt vì tội "phát tán thông tin sai lệch". Làn sóng phẫn nộ bùng lên rộng khắp trên các mạng xã hội. Cái chết thương tâm của bác sĩ Lý cũng cho công chúng thấy chế độ Trung Quốc hoạt động không tốt, ngày càng chuyên quyền, độc đoán và quản lý đất nước bằng cách gieo rắc nỗi sợ hãi. Trong bối cảnh đó, một số nhà trí thức Trung Quốc đã viết nhiều bức thư ngỏ, kêu gọi tự do ngôn luận. Rất có thể họ sẽ bị Bắc Kinh trừng phạt.
Les Echos nhấn mạnh ý đồ giấu giếm thông tin của chính quyền địa phương không phải là một hiện tượng mới xuất hiện của chế độ cộng sản. Tập Cận Bình đã củng cố luật im lặng (omerta), buộc các công chức phải tuyệt đối trung thành, nếu trái lệnh sẽ bị nghiêm trị. Vì thế, không một quan chức nào dám ho he, vì sợ bị ủy ban thanh tra, cơ quan chống tham nhũng chính tại Trung Quốc, trừng phạt.
Trung Quốc hiện đã áp dụng những biện pháp nghiêm ngặt phòng ngừa virus, nhưng theo Les Echos, những ngày tới đây sẽ mang tính quyết định đối với công tác quản lý dịch bệnh, bởi vì đây là thời điểm hơn 8 triệu người dân Bắc Kinh trở lại làm việc. Trên nguyên tắc, hôm nay thứ Hai (10/02), các nhà máy sẽ mở cửa trở lại sau hai tuần ngưng sản xuất hoàn toàn. Tuy nhiên, để đề phòng dịch bệnh, một số hãng dự kiến đến tuần sau mới mở cửa trở lại.
Điều mà công luận chờ đợi là cuộc khủng hoảng hiện nay sẽ làm xói mòn vị thế chính trị của Tập Cận Bình ở mức độ nào. Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan, giáo sư Đại học Baptiste Hồng Kông lưu ý tại Trung Quốc, dân chúng thường quy trách nhiệm cho nhà chức trách địa phương hơn là cho chính quyền trung ương. Thêm vào đó, người dân Trung Quốc, trong hoàn cảnh bị cách ly và sợ hãi virus như hiện nay, sẽ rất khó để cùng phối hợp để phản kháng.
Trên các mạng xã hội hiện nay, nhiều người liên hệ khủng hoảng virus corona với khủng hoảng hạt nhân Tchernobyl, dự báo chủ tịch Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những nguy cơ, thách thức nào. Tuy nhiên, giáo sư Cabestan nhận định Tập Cập Bình giống lãnh đạo Léonid Brejnev hơn là Mikhail Gorbatchev, ông ta sẽ ngả về các biện pháp tăng cường kiểm duyệt, trấn áp hơn là tiến hành cải cách chính trị.
Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ?
"Công nghệ sẽ đi xa đến đâu trong cuộc chiến chống virus corona ?" là một câu hỏi được đặt ra trong mục Ý tưởng và Thảo luận của báo Les Echos. Tác giả Charles-Edouard Bouée điểm lại những phát minh công nghệ đã được Trung Quốc huy động để phòng ngừa và chiến đấu với virus corona mới : một thiết bị bay không người lái được trang bị caméra cảm ứng bay đến đậu bên ngoài từng nhà để đo thân nhiệt của người dân, những máy bay tự hành phun xịt chất khử trùng tại nơi công cộng hoặc giải tán đám đông.
Meituan, một công ty bán hàng trực tuyến đã điều chỉnh công nghệ, sử dụng dịch vụ giao hàng "không tiếp xúc trực tiếp", nhất là thực phẩm, để khách và nhân viên giao hàng không phải tiếp xúc trực tiếp với nhau, tránh nguy cơ lây lan virus.
Những người còn nhớ đại dịch SARS hoành hành tại Trung Quốc hồi năm 2002-2003, thấy đã có những sự thay đổi đáng kể trong công tác quản lý dịch bệnh hiện nay. Các hãng công nghệ lớn và chính phủ Trung Quốc hiện nay đã có khả năng triển khai những sức mạnh công nghệ đến mức khó tin.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, thế giới đang đối mặt với những nguy cơ dịch bệnh ngày càng gây nhiều chết chóc. Tác giả cho rằng nhiều thiết bị công nghệ hứa hẹn sẽ phát huy tác dụng. Kết hợp thiết bị thu tín hiệu hồng ngoại và trí thông minh nhân tạo, tập đoàn Baidu Trung Quốc đã cho ra đời thiết bị đo thân nhiệt của khách đang di chuyển trong sân bay, với mức độ sai lệch chỉ là 0,05 độ C. Mạng xã hội Wechat thì phát triển phương thức khám bệnh với bác sĩ "ảo", cho phép chẩn đoán gần như chắc chắn những người nhiễm virus corona. Robot được sử dụng để lau chùi, vệ sinh, khử trùng và phân phát bữa ăn tại những khoa có bệnh nhân đang bị cách ly cho nhiễm virus.
Robin Li, nhà sáng lập tập đoàn Baidu, đã tuyên bố với các cộng sự là Big Data và trí thông minh nhân tạo không chỉ cho phép tăng hiệu quả của công tác quản lý đô thị và các sáng chế y khoa trong các giai đoạn có dịch bệnh mà còn mang lại lợi ích cho tất cả các ngành công nghiệp và thúc đẩy những ngành này phát triển. Tác giả lưu ý là nếu vượt qua được giai đoạn khủng hoảng này, Trung Quốc chắc chắn sẽ tiến thêm một bước trong việc làm chủ công nghệ, khiến các nước khó đuổi kịp chính quyền cộng sản hơn.
Thế nhưng, sức mạnh và mục đích sử dụng của các công nghệ này cũng khiến nhiều người lo sợ là sẽ có sự chệch hướng. Những hình ảnh được Hoàn cầu Thời báo phát đi, theo đó, một phụ nữ lớn tuổi ra ngoài đường mà không đeo khẩu trang, bị thiết bị bay tự hành phát đi những câu bất nhã, buộc bà phải quay về nhà đeo khẩu trang và rửa tay. Video lan truyền nhanh chóng trên mạng internet và bị chỉ trích rất dữ dội, bởi vì nếu những thiết bị kiểu này có thể kiểm soát dịch bệnh thì cũng có thể kiểm soát dân chúng trong những hoàn cảnh bình thường không có nạn dịch. Tác giả kết luận những tiến bộ kỹ thuật đều đi kèm với nỗi sợ hãi về việc quyền tự do cá nhân bị xâm phạm.
Bồ Đào Nha hạn chế "thị thực vàng" và giảm ưu đãi thuế với người nước ngoài
Nhìn sang Châu Âu, trong bài viết "Bồ Đào Nha xem xét lại các ưu đãi dành cho người nước ngoài", Le Monde cho biết chính phủ Lisboa đã từ bỏ một phần chương trình "thị thực vàng" được áp dụng từ năm 2012 và ngưng chương trình miễn thuế cho người nước ngoài không định cư thường xuyên ở Bồ Đào Nha, vì cho rằng đất nước không còn trong bối cảnh kinh tế khẩn cấp để tiếp tục duy trì hai chương trình thu hút đầu tư nói trên.
Đất nước Bồ Đào Nha lâu nay là một thiên đường thuế với người nước ngoài. Trước đây, do khủng hoảng kinh tế, có nhu cầu gấp về tiền tệ, chính phủ Lisboa thu hút cư dân nước ngoài giàu có thông qua chương trình RNH (kể từ năm 2009), theo đó người ngoại quốc đến sống tại Bồ Đào Nha được miễn thuế trong vòng 10 năm. Từ năm 2009, đã có tổng cộng 30.000 người được hưởng ưu đãi từ chương trình RNH, 1/3 số đó là người Pháp, sau đó là người Anh và Ý.
Tuy nhiên, trong suốt 10 năm qua, ưu đãi mà những người này được hưởng đã gây nhiều tranh cãi, vì nhờ thỏa thuận mà chính phủ Bồ Đào Nha ký được với các nước, những người theo chương trình RNH không phải nộp thuế ở cả trong nước họ lẫn tại Bồ Đào Nha.
Bên cạnh đó, Bồ Đào Nha còn có chương trình thị thực vàng, theo đó chỉ cần đầu tư 500.000 euro vào bất động sản ở nước này là công dân ngoài Châu Âu được cấp giấy phép cư trú. Tới đây, thị thực vàng sẽ không còn được cấp cho những người đầu tư mới vào bất động sản ở các thành phố lớn như Porto, Lisboa, các thành phố ven biển, nơi thị trường bất động sản không đủ khả năng đáp ứng và giá cả đã tăng quá cao.
Chương trình thị thực vàng cũng bị chỉ trích rất nhiều. Liên Hiệp Châu Âu thì cho rằng chương trình ẩn chứa nguy cơ rửa tiền, còn người dân Bồ Đào Nha lại cho rằng cư dân nước ngoài đến định cư nhiều phần nào đã khiến giá bất động sản bị đẩy lên quá cao.
Trên thực tế, trong số 4,9 tỉ euro thu được từ chương trình thị thực vàng, có tới 4,5 tỉ euro là tiền đầu tư vào bất động sản ở các thành phố lớn. Tuy nhiên, số vốn đầu tư theo kiểu này đã giảm 11,4% vào năm 2019. Đối tượng thị thực vàng thu hút được nhiều nhất là người Trung Quốc, 4.500 người, tiếp theo là người Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và người Nga.
Giờ đây, chính quyền Lisboa muốn điều chỉnh lại các quy định để buộc người nước ngoài hạn chế dồn về các đô thị lớn, thay vào đó, hướng họ đầu tư vào những vùng cư dân thưa thớt hơn để góp phần phát triển những vùng này. Những người đầu tư vào sản xuất, với số tiền trên 1 triệu euro và tạo hay duy trì việc tuyển dụng 10 nhân công sẽ được hưởng những ưu đãi như trong các chương trình trước đây.
2020 - năm nhiều nguy cơ cho các nhà xuất khẩu Pháp
Trở lại với nước Pháp, báo Les Echos trong bài viết "Một năm nguy cơ cao cho các nhà xuất khẩu Pháp" nhận định virus corona, Brexit và thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung có thể gây những tác động tiêu cực nghiêm trọng tới ngoại thương Pháp.
Năm 2019, Pháp xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông 27 tỉ euro hàng hóa, chiếm 1,4% GDP cả nước. Doanh thu bán những mặt hàng cao cấp sản phẩm hàng không, không gian cho Trung Quốc lần lượt đạt 4 và 8,5 tỉ euro. Các hãng phụ tùng xe hơi của Pháp là nhà cung cấp lớn nhất của ngành chế tạo xe hơi của Đức.
Đức xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm 90 tỉ euro hàng hóa, trong khi đó Pháp lại xuất sang Đức mỗi năm 70 tỉ euro hàng. Toàn cầu hóa khiến các nền kinh tế phụ thuộc vào nhau, nếu Đức bị tác động, Pháp cũng bị ảnh hưởng theo. Du khách Trung Quốc mang lại 7% cho thu nhập của ngành du lịch Pháp. Vào năm 2019, 2,5 triệu người Trung Quốc đến thăm Pháp và đã chi 4,7 tỉ euro để mua sắm.
Virus corona chắc chắn gây tác hại cho nền kinh tế Trung Quốc, gián tiếp mang lại hệ quả tiêu cực cho nền ngoại thương Pháp. Brexit cũng là một mối đe dọa cho ngoại thương Pháp. Yếu tố thứ ba là thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung giai đoạn 1 ký hồi giữa tháng 01/2020, theo đó Trung Quốc cam kết nhập 200 tỉ đô la hàng hóa từ Mỹ trong vòng hai năm tới. Điều này dẫn đến khả năng Trung Quốc sẽ giảm mua hàng của Châu Âu, trong đó có Pháp.
Trong khi đó, sau khi đạt hưu chiến với Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump hiện giờ đang gia tăng sức ép đối với Châu Âu, và nhất là Pháp. Chỉ một tháng sau khi Washington ngày 01/11/2019 tăng thuế nhập khẩu rượu Pháp, lượng rượu Pháp bán tại Mỹ đã giảm 44%. Washington muốn sẽ ký được với Liên Hiệp Châu Âu một thỏa thuận thương mại phổ quát hơn trong những tuần tới.
Les Echos dự báo nếu việc ký kết thất bại, Châu Âu, trong đó có Pháp, sẽ có nguy cơ gánh những đòn trừng phạt mới của Donald Trump.
Thùy Dương
Năm 2017, văn phòng Thống kê Trung ương đưa ra báo cáo tăng trưởng kinh Việt Nam năm 2016 đạt 6,2%. Đây là con số được cho là "không mong đợi" vì không phải mục tiêu của nhà nước đề ra ban đầu. Nhiều nhà quan sát và các chuyên gia trong nước đều có những nhận định lo ngại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ không chỉ khủng hoảng kinh tế, mà cả xã hội và chính trị.
Người dân Việt Nam chạy xe máy dưới mưa ở Hà Nội hôm 16/10/2016. AFP photo
Khủng hoảng kinh tế
Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh, hiện là thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển của Liên hiệp quốc, cho biết trong quí 1 của năm 2017, mức tăng trưởng của Việt Nam chỉ là 5%.
Con số này được đúc kết ở nhiều lĩnh vực kinh tế thương mại của Việt Nam.
Tờ Tạp chí Tài chính Việt Nam trưng dẫn lý do của sự suy giảm tăng trưởng là do sự cố môi trường biển miền Trung và hạn hán tại miền Nam cũng như Tây Nguyên. Thảm họa môi trường biển do nhà máy Formosa Vũng Áng, Hà Tĩnh gây ra từ tháng 4 năm 2016 đến nay làm cho hàng trăm ngàn ngư dân bế tắc, ảnh hưởng đến cả những dịch vụ ngành nghề liên đới.
Đồng bằng sông Cửu Long, vùng đất có diện tích canh tác lớn nhất Việt Nam bị xâm ngập mặn nặng nề. Vấn đề này làm cho ngành sản xuất lúa gạo vốn là thế mạnh của Việt Nam ở khu vực Đông Nam Á nay đang gặp rất nhiều khó khăn.
Nguyên nhân này cũng được Fox News của Mỹ đưa tin với số liệu giảm 0,5% so với năm 2015.
Sự việc gần đây nhất, giá heo đang tiếp tục giảm xuống mức kỷ lục khiến cho Bộ Nông nghiệp – Phát triển Nông thôn phải triệu tập nhiều cuộc họp khẩn để giúp người chăn nuôi heo giải quyết khó khăn. Tất cả nguyên nhân đều được các chuyên gia và chủ các trang trại nuôi heo cho là do cung vượt quá cầu.
Một sự kiện được các chuyên gia kinh tế cho là có ảnh hưởng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Kinh tế gia của ngân hàng Credit Suisse, Deepali Bhargava, từng nhận định 3 nguy cơ của nền kinh tế của Việt Nam.
Trước tiên, đồng bạc của Việt Nam sẽ nhiều phần bị sụt giá từ 4% đến 5% trong năm 2017. Thứ hai, tình trạng đầu tư toàn cầu sẽ sụt giảm, ảnh hưởng đến thương mại. Và sau cùng, khi chính sách ưu đãi thuế quan để xuất cảng hàng hoá sang Mỹ của Việt Nam đã "tan thành mây khói" thì đồng nghĩa với những cải cách mà Hà Nội dự tính sẽ không được thi hành vì hiệp định không còn nữa.
Tờ Business Insider từng đưa ra nhận xét "Việt Nam có thể đang gieo mầm mống một cuộc khủng hoảng tiếp theo" liên quan đến chính sách tiền tệ nới lỏng, gia tăng nợ xấu, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế và thương mại.
Ông Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế vĩ mô – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, trả lời báo trong nước vào năm 2016 cho biết giải pháp tránh cuộc khủng hoảng là chính sách tiền tệ phải được cân bằng, giữ ổn định thành quả kinh tế vĩ mô. Nói về vấn đề này, Tiến sĩ kinh tế Lê Đăng Doanh ý kiến rằng Việt Nam đang có quá nhiều các doanh nghiệp nhà nước lớn kinh doanh vào các lĩnh vực có tính chất thương mại. Theo ông, nhà nước nên tập trung vào những việc có hiệu quả và cần thiết. Còn các lĩnh vực thuần tuý thương mại thì nhà nước nên thoái vốn để tư nhân hoạt động.
"Việt Nam làm thì sẽ giảm bớt tham nhũng, quan liêu và các chi phí cho doanh nghiệp. Theo tôi các điều ấy rất là quan trọng".
Khủng hoảng xã hội
Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung (áo trắng) xuống xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội vào ngày 22 tháng 4 năm 2017. AFP photo
Là đất nước nông nghiệp, nền kinh tế Việt Nam phần lớn gắn liền với đất đai. Nhiều cuộc cưỡng chế đất, bồi thường không hợp lý kéo dài trong những năm vừa qua. Trong đó, cao trào nhất là câu chuyện Đồng Tâm, Mỹ Đức.
Lần đầu tiên, tầng lớp nông dân ‘mất đất’ đã biết phản kháng bằng cách bắt giữ 38 cán bộ và công an làm con tin, điều chưa từng xảy ra trong lịch sử Việt Nam từ sau năm 1975.
Cũng lần đầu tiên, cuộc đối thoại chính thức diễn ra giữa chính quyền nhà nước và người dân, kết thúc bằng một văn bản cũng chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, do vị Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Hà Nội đọc trước toàn thể người dân trong diện cưỡng chế đất.
Người quan sát sự kiện gọi đây chính là thể hiện của khủng hoảng xã hội.
Chúng tôi đặt vấn đề này với Luật sư Đặng Đình Mạnh và ông phân tích ở lĩnh vực xã hội và pháp lý.
"Mọi người đều có cảm giác chung là Đồng Tâm đã thắng. Nhưng như vậy thì luật pháp nước nhà đã thua rồi. Tại vì mọi việc lẽ ra phải giải quyết theo pháp luật thì giờ người ta cứ manh động và được nhượng bộ theo ý họ".
Theo ông, qua sự việc Đồng Tâm, nhà cầm quyền sẽ phải suy nghĩ lại về những nguyên nhân phát sinh ra sự việc. Do đó, chiến thắng lớn nhất trong chuyện này không phải là người dân Đồng Tâm, cũng không phải phía nhà cầm quyền, mà là vấn đề liên quan trực tiếp đến xã hội. Nếu không sửa kịp thời, xã hội sẽ có những bùng phát khác với qui mô lớn hơn và hoàn toàn vượt khỏi phạm vi pháp luật.
"Nhà cầm quyền phải suy nghĩ lại về chính sách đất đai. Những hành động đơn lẻ trước đây rồi được cổ vũ trong trường hợp của Đồng Tâm sẽ thành những tiền lệ về sau rất dở. Tốt hơn hết nên sửa từ gốc".
Khủng hoảng chính trị
Nhưng dư luận và báo chí trong nước gần đây tập trung vào những câu chuyện liên quan đến các quan chức lãnh đạo cấp cao của Bộ chính trị và các ban ngành chủ chốt. Từ những vi phạm trong quá khứ cho đến những vụ mất tích, hoặc trốn ra nước ngoài với lý do chữa bệnh được đưa lên các trang báo chính thống. Đặc biệt, những vụ vi phạm, kỷ luật đó đều do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân ra quyết định.
Một nhà báo độc lập trong nước giấu tên gọi giai đoạn này là giai đoạn khủng hoảng chính trị, và Giáo sư Tương Lai, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học Việt Nam nhận định thêm :
"Bây giờ chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5, chính là cuộc thanh toán các đối thủ chính trị. Để cho ông Trọng có thể ngồi lại tiếp tục.
Tham nhũng, trong sạch, rồi đạo đức…tất cả những cái đó chẳng qua là thủ đoạn chính trị. Những thủ đoạn chính trị càng lòi ra, người ta càng thấy phơi bày một thể chế toàn trị. Một thể chế toàn trị mà không thay đổi nó đi thì không làm sao giữ được niềm tin trong dân. Cái nguy hiểm là dối trong lãnh đạo thì càng mất uy tín trong dân. Và một khi lãnh đạo không có uy tín với dân thì lợi cho ai ? Lợi cho ngoại bang.
Cao trào sẽ còn diễn ra. Có thể sau Hội nghị Trung ương 5, lực lượng bảo thủ, tay sai của Trung Quốc sẽ thắng. Nhưng rồi cuối cùng sẽ bị lật đổ thôi, không khác được vì nó không thể cưỡng lại được ý chí của dân tộc".
Một quốc gia với một nền thể chế cấu thành từ các lĩnh vực : kinh tế, xã hội, cho đến chính trị. Cũng từ một nhà báo độc lập trong nước, lịch sử qua các triều đại mấy ngàn năm đã chứng minh, khi cả ba lĩnh vực ấy đều bước vào bờ vực khủng hoảng ắt phải dẫn đến thay đổi.
Cát Linh, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 02/05/2017
Chủ tịch quốc hội Nguyễn T. Kim Ngân và bốn Phó : Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Tòng Thị Phóng, Phùng Quốc Hiển tại Quốc hội tại Hà Nội vào ngày 20/10/2016.
Trong khi việc kỷ luật nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng còn lúng túng trong Đảng, cũng như Quốc hội vẫn chưa tìm ra được hướng giải quyết hợp lý, lại xảy ra chuyện bỏ trốn của các cán bộ cao cấp có biểu hiện tham nhũng.
Cùng lúc, Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ lại bổ nhiệm chức Phó vụ trưởng Vụ kinh tế cho một thanh niên 26 tuổi không một ngày nào làm việc trong guồng máy hành chính, việc này cho thấy sự lỏng lẻo mà dư luận gọi là tha hóa ngay tại trung ương.
Đây có phải là dấu hiệu của khủng hoảng chính trị đã vượt ngưỡng báo động ? Mặc Lâm phỏng vấn ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên Vụ trưởng Vụ Nghiên Cứu, Ban Dân vận Trung ương để tìm hiểu thêm sự vận hành trong hệ thống về vấn đề nhân sự.
Hàng loạt sai phạm
Mặc Lâm : Thưa ông, Đảng Cộng sản Việt Nam đang phải đối phó với hàng loạt chuyện bê bối trong hàng ngũ cán bộ cao cấp, đặc biệt là các cá nhân vi phạm đã bỏ trốn ra nước ngoài, rồi mới đây lại xảy ra chuyện bổ nhiệm sai nguyên tắc cho vị trí Vụ phó kinh tế trong Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ. Là người sinh hoạt lâu năm trong Đảng ông có nhận xét gì vể vụ bê bối này ?
Nguyễn Khắc Mai : Tất cả những việc vừa xảy ra như các vụ bổ nhiệm từ Trịnh Xuân Thanh cho tới Phùng Quang Hải rồi bây giờ là anh Vũ Minh Hoàng vào Ban công tác Tây Nam bộ. . . . nó phản ảnh một trạng thái tất nhiên của chế độ vì ngay việc bổ nhiêm lãnh đạo đất nước của Trung ương Đảng, rồi Tổng bí thư, hay Bộ chính trị nó cũng không có quy trình gì tử tế đâu.
Làm gì có những biện pháp khoa học, văn minh, dân chủ để tuyển chọn người thủ lĩnh đâu ? Tuyển tướng cốt chọn người thao lược, chớ kể con ông cháu cha. Trước hết phải chọn người tài, người thao lược thì hiện nay trong đội ngũ lãnh đạo quốc gia chả thấy ông nào có tính cách thao lược cả, từ ông Trọng trở đi không thấy sự thao lược, thế thì chóp bu đã vậy thì bên dưới nhí nhố là chuyện bình thường thôi.
Thí dụ như trong đảng, tổ chức đại hội không có phương sách chọn một người thao lược. Họ chọn lựa theo lối ăn cánh, nhìn xem người ấy có ăn cánh với mình hay không thì mới cơ cấu. Tư cách như thế từ bao nhiêu đại hội tới nay nó dẫn đến tình trạng người ta lợi dụng cái kiểu ấy để người ta bố trí những người phe cánh, con ông cháu cha rồi thông tự của mình, đấy là chuyện tất yếu của một hệ thống đã mang tính chất siêu phong kiến, nó tiếp nhận phong kiến và nó làm băng hoại thêm cho phong kiến, đấy là chuyện tất yếu mà nó phải xảy ra.
Mặc Lâm : Nhưng hình như Đảng cũng thấy sự nguy hiểm gần kề nên đã mạnh dạn kỷ luật nhiều đảng viên cao cấp liên quan. Theo ông thì đây có phải là giải pháp mạnh mẽ và đưa ra kịp vào lúc này hay không ?
Nguyễn Khắc Mai : Đấy là cái hạ sách. Xử lý một vài anh cán bộ tổ chức, Bí thư Tỉnh ủy một vài anh trách nhiệm vụ việc ấy thì đấy là giải pháp bệnh nặng mà bôi dầu xoa bóp thì làm thế nào cải tạo được ? Hết keo này đến keo khác hết vụ này đến vụ khác nó sẽ tiếp tục diễn ra như vậy và họ ngang nhiên khẳng định rằng họ làm như vậy là vì cán bộ vì dân vì nước ! Họ ngang nhiên nói như vậy.
Triết lý chuyên chính vô sản
Mặc Lâm : Trong các lần chúng tôi có dịp tiếp xúc, nhiều Đảng viên kỳ cựu cho rằng hiện nay Đảng cộng sản Việt Nam vẫn âm thầm tiếp tục tư duy và hành động theo mô hình của Xô viết cũ là chuyên chính vô sản, ông có cho điều này là đúng không ?
Nguyễn Khắc Mai : Hiện nay tuy người ta không dám nói "chuyên chính vô sản" công khai nhưng trong lòng họ vẫn cho rằng cái chính quyền này, thể chế chính trị này là "chuyên chính vô sản". Chuyên chính vô sản nghĩa là gì ? Nghĩa là một triết lý như Lê Nin khẳng định : Nó bất chấp luật pháp. Nó không cần luật pháp. Nó vượt qua luật pháp. Đấy là triết lý chuyên chính vô sản của Lênin.
Vậy mà anh còn giữ lại cái này thì vô phương ! Không cấp này nó vượt qua luật pháp thì cấp khác. Ngay cái tư cách của những người lãnh đạo mà họ nói rằng họ là đại diện cho quốc gia, đại diện cho nhà nước, chức trách của họ là thế thì luật pháp nào quy định cái này ? Chả có luật pháp nào quy định cả. Họ làm việc theo lối bất chấp luật pháp vậy thì cấp dưới nó ngu hơn nó đần hơn, tham hơn, lộng quyền hơn, nó sẵn sàng chà đạp những quy định của luật pháp.
Muốn giải quyết tận gốc phải xem xét lại một cách hệ thống toàn bộ các vấn đề của thể chế chính trị. Rõ ràng phải xây dựng một chế độ pháp quyền thật sự của dân, vì dân và do dân. Hiện nay họ nói của dân, vì dân và do dân nhưng bắt đầu công việc thì gạt dân ra. Từ bầu cử cho đến luật pháp cũng như chính sách…cho nên những câu nói đầu miệng như thế chả giải quyết được gì cả.
Mặc Lâm : Sau Hội nghị Trung ương 4 khóa 12 lần này ông Tổng Bí thư nói nhiều đến việc tự diễn biến trong nội bộ đảng, ông có nghĩ là từ nhận thức và báo động này Đảng sẽ có thay đổi hay không ?
Nguyễn Khắc Mai : Hội nghị trung ương 4 khóa 11 thất bại, bây giờ là Trung ương 4 khóa 12 thì tôi thấy với tình hình này cũng không thể thành công được. Mà đây không phải là ý kiến của một mình tôi mà là ý kiến, ý nghĩ của một số khá đông kể cả những anh em trong Trung ương Đảng khi họ nói chuyện riêng với chúng tôi thì họ cũng bày tỏ thái độ như thế.
Đây là một vấn đề phải dũng cảm lắm. Gạt bỏ phe nhóm gạt bỏ ý thức hệ. Cũng phải gạt bỏ mô hình Xô viết đi. Hiện nay lãnh đạo của chúng ta không có đủ năng lực, vừa phải có một cái quyền, vừa phải có cái năng lực để lựa chọn giải pháp văn minh nhất, văn hóa nhất, tiến bộ nhất, dân chủ nhất để áp dụng. Đấy là cái bi kịch của dân tộc hiện nay.
Nguyễn Khắc Mai
Nguồn : RFA tiếng Việt, 23/12/2016